Mở To Đôi Mắt Xinh Đẹp Của Em

Chương 11: Yêu kiểu Trung Quốc hay kiểu Mĩ


Đọc truyện Mở To Đôi Mắt Xinh Đẹp Của Em – Chương 11: Yêu kiểu Trung Quốc hay kiểu Mĩ

“Sống tiếp hay là
chết?” Đó là câu nói trong vở kịch của Shakespeare mô tả hoàn cảnh cùng
quẫn nhất của con người. Mặc dù vấn đề mà Tuyết Nhung đối mặt lúc này
không nghiêm trọng đến mức phải lựa chọn giữa sự sống và cái chết, song
nó cũng khiến cô phải nhìn nhận một cách thật nghiêm túc. Liệu cô nên
“đón nhận cách này hay tiếp nhận cách kia”.

“Cách này” là phương thức theo đuổi kiểu Mĩ; ngược lại “cách kia” là kiểu Trung Quốc.

Trước khi đến Mĩ, Tuyết Nhung đã từng được tận mắt chứng kiến phương thức
theo đuổi kiểu Trung Quốc. Thời trung học, trong lớp cô có một cậu bạn
kiên trì theo đuổi một cô bạn khác; lên đến Đại học, không chỉ bạn bè
cùng lớp theo đuổi nhau, mà các cậu bạn lớp khác cũng theo đuổi nữ sinh
lớp cô, thậm chí đám con trai trường khác cũng đến trường cô tìm bạn
gái. Tóm lại, cách theo đuổi con gái của đàn ông Trung Quốc, Tuyết Nhung nhìn đã quen, nghe đã nhiều, hiểu đã tường, giống như một câu trên mạng đã nói thế này: “Khi một gã đàn ông Trung Quốc thích một cô gái, anh ta sẽ giúp cô ấy xách đồ, xếp hàng, gọt hoa quả, nấu mì, cho cô ấy ăn kem; khi cô ấy bị cảm, anh ta ngồi bên giường, rót nước đắp chăn cho nàng;
khi trời lạnh, anh ta sẽ đặt đôi tay buốt giá của nàng vào trong lòng.”
Còn ở Mĩ, đến tận bây giờ, mặc dù Lancer đã giải vây cho cô trong lớp
học, cũng đã xin lỗi cô sau khi gây ra chuyện ầm ĩ ở quán cà phê
Starbucks, rồi còn mời cô đi khiêu vũ v.v…, nhưng Tuyết Nhung vẫn không
thấy những việc làm đó giống cách theo đàn ông theo đuổi phụ nữ. Nói cho cùng, bất luận Lancer hay Ngô Vũ có tốt thế nào đi chăng nữa, thì tình
cảm giữa cô và họ cũng chỉ thân thiết hơn bạn bè bình thường một chút mà thôi.

Tuy nhiên, tâm trạng thoải mái đó của Tuyết Nhung không
kéo dài được bao lâu. Cuộc chiến “đón nhận cái này hay cái kia” giữa cô
và những chàng trai chỉ mới vừa bắt đầu, và người châm ngòi cho nó không ai khác chính là Ngô Vũ – anh chàng đến từ Trung Quốc.

Không
lâu sau buổi khiêu vũ, vào một ngày cuối tuần, Ngô Vũ mang đến hai tấm
thảm lớn. Phải khó khăn lắm họ mới chuyển được chiếc giường gỗ cồng kềnh và cái giá sách trong phòng Tuyết Nhung ra ngoài rồi trải hai tấm thảm
ngay ngắn xuống sàn nhà. Ở vùng đất nhiều sông hồ thuộc miền Tây nước Mĩ này, việc một ngôi nhà có trải thảm hay không quyết định rất nhiều đến
môi trường sống xung quanh. Nếu như không có thảm, khi mùa đông tràn về, dù bạn có bật lò sưởi trong phòng lớn cỡ nào thì cũng không cảm thấy ấm áp. Vậy nên sau khi Ngô Vũ trải thảm khắp sàn, cả căn phòng như được
dát vàng. Từ tảng băng lạnh lẽo, nó bỗng chốc biến thành một chiếc tổ ấm cúng và thoải mái.

Hai ngày sau đó, Ngô Vũ lại mua đến một chiếc tủ lạnh nhỏ, đặt vào góc phòng, bên trong có cơ man nào là hoa quả,
sữa, đồ uống… Anh còn mua thêm một chiếc lò vi sóng, đặt lên trên chiếc
tủ lạnh, để Tuyết Nhung có thể tự nấu những món ăn đơn giản. Anh còn cẩn thận bày bên cạnh một bình pha cà phê nhỏ xinh. Mặc dù đây đều là những thứ Tuyết Nhung tha thiết muốn có nhưng nếu là của một người con trai
khác thì chắc chắn cô sẽ thẳng thừng từ chối. Song khi cô nói anh không
cần mua những món đồ này, Ngô Vũ lại đáp: “Từ khi em mới bốn tuổi, còn
bé tí tẹo teo anh đã quen em rồi. Chuyện của em cũng là chuyện của anh.
Trước đây không ít lần anh cũng mua đồ cho em còn gì nữa. Nếu bây giờ em cảm thấy áy náy thì đợi đến lúc tốt nghiệp kiếm tiền trả anh là được
rồi!”

Tuyết Nhung chẳng biết nói gì hơn, đành ngoan ngoãn tiếp
nhận. Hồi còn trong nước, cô vẫn coi những chuyện thế này là bình

thường, bây giờ liệu có nên coi là chuyện bình thường như xưa không?
Nghĩ vậy trong lòng Tuyết Nhung khó tránh khỏi cảm giác bất an. Ngày còn ở Trung Quốc, có mẹ ở bên, chuyện nào mẹ gật đầu ưng thuận đều an toàn
và thích đáng. Mẹ nói những điều ấy xuất phát từ lòng tốt nhà họ Ngô,
hai mẹ con cô có thể đón nhận sự giúp đỡ từ gia đình anh, vì thế Tuyết
Nhung vô tư nhận sự giúp đỡ của Ngô Vũ mà không hề có suy nghĩ gì khác.
Bây giờ đã ở Mĩ, cô có nên tiếp tục đón nhận tình cảm giữa người với
người, nhà với nhà này nữa không?

Song lúc này mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi, Ngô Vũ từ bỏ mức lương hậu hĩnh cùng môi trường làm việc lý tưởng trong nước để đến Mĩ, chấp nhận làm một chức quản lý nhỏ, rốt
cuộc trong lòng anh ấy đang nghĩ gì? Tuyết Nhung cũng lờ mờ đoán ra câu
trả lời, nhưng lại không muốn thừa nhận rằng mình biết. Cô chỉ có thể
lấy lại được thăng bằng tâm lý bằng cách tự nói với mình: Ngô Vũ không
phải là một người tình, anh ấy chỉ là một người thân, một người anh
trai.

Với Lancer, Ngô Vũ làm như vậy rõ ràng là đang có ý theo
đuổi Tuyết Nhung và công khai tuyên chiến với anh. Ngày mới quen Tuyết
Nhung, Lancer đã áp dụng phương thức quá khích để theo đuổi Tuyết Nhung
song đều không có hiệu quả. Tuyết Nhung dù sao vẫn là con gái phương
Đông, anh thất bại như vậy có lẽ là do quá nóng vội hấp tấp, muốn đạt
được kết quả ngay lập tức. Chính vì thế lúc này, anh phải giảm tốc độ
lại. Vốn là người nhạy cảm nên lần đầu gặp Ngô Vũ ở buổi khiêu vũ,
Lancer đã nhận ra tình ý và ý định của Ngô Vũ với Tuyết Nhung. Song anh
không quá lo lắng mối quan hệ giữa mình và Tuyết Nhung sẽ gặp bất kỳ sự
đe dọa đặc biệt nào. Thực ra Ngô Vũ vẫn là một người đàn ông Trung Quốc
điển hình, anh ta chỉ tuấn tú, tài giỏi hơn những người đàn ông Trung
Quốc bình thường khác một chút. Nhưng khi Lancer cố ý thể hiện vẻ đẹp
trai và phong thái hơn người của mình trong buổi khiêu vũ, chàng trai
Trung Quốc chỉ ưa nhìn hơn người bình thường một chút đó lại không hề tỏ ra tự ti. Từ trong ánh mắt, cách nói năng đi đứng và trong cả nụ cười
của Ngô Vũ với Tuyết Nhung, Lancer tuyệt nhiên không thấy dấu vết nào
cho thấy anh ta đang tự ti cả.

Cho dù Ngô Vũ xuất sắc hơn những
gã trai Trung Quốc khác chút đỉnh, nhưng nếu so sánh bản thân mình với
Ngô Vũ, thẳng thắn mà nói, Lancer thấy làm thế chẳng khác nào đem một ly cà phê Starbucks đậm đà đặt cạnh cốc trà xanh không đường của Trung
Quốc. Ở Trung Quốc, Tuyết Nhung chỉ có thể lựa chọn giữa trà ngon và trà không ngon, song ở Mĩ, cô ấy có thể chọn giữa cà phê Starbucks và trà
xanh Trung Quốc. Lancer tự tin khẳng định mình sẽ chọn cà phê Starbucks
và Tuyết Nhung cũng sẽ có cùng lựa chọn với anh. Cô ấy và anh giống
nhau, cả hai đều là những con người sâu sắc. Cô ấy nhất định sẽ thích vị cà phê đậm đà chứ không phải vị nhàn nhạt, chan chát, không thể khiến
người uống đê mê ngây ngất của trà xanh. Nếu Tuyết Nhung thực sự yêu
thích trà xanh, thì Ngô Vũ có cần phải vượt ngàn dặm xa xôi, liều lĩnh
bám theo cô ấy đến tận Mĩ.

Chính vì lập luận như vậy nên Lancer

mới có thể giữ thái độ bình tĩnh, im lặng, chung sống hòa bình với Ngô
Vũ. Nhưng sự yên bình đó cuối cùng đã bị Ngô Vũ phá vỡ. Lancer thấy
trong chuyện này mình đã phán đoán hơi thiếu chính xác một chút vì cho
rằng Ngô Vũ không phải là người hành sự tùy tiện. Nhưng bây giờ hắn đã
ra tay trước thì bản thân anh sao có thể bàng quan đứng nhìn được? Nếu
Ngô Vũ vẫn cho rằng có thể dùng loại trà xanh quê mùa kia để đánh thắng
trận này thì Lancer sẽ chứng minh cho cả thế giới này thấy: Không thể
dùng cách này để chinh phục một viên kim cương đặc biệt như Tuyết Nhung. Vì vậy, Lancer quyết định sẽ xuất chiêu theo phương pháp kiểu Mĩ của
mình.

Trong hiệp đầu tiên, Lancer nhận thấy rằng Ngô Vũ đã quen
biết Tuyết Nhung từ nhỏ nên hai người họ ắt hẳn rất nhiều nhau. Vậy thì
anh nhất định phải để cô ấy hiểu thêm về mình. Song không thể dùng cách
ngốc nghếch, cứng nhắc, nhạt nhẽo như trước kia được. Lần này anh nhất
định phải tìm ra một cách vừa thật sinh động thú vị, vừa hài hước lãng
mạn.

Máy tính chính là máy tính. Các chiêu thức của Lancer vẫn
không thể xa rời mốt của những người trẻ hiện nay. Sau khi bộ phim Mĩ
“You’ve got mail” được công chiếu, chiếc máy tính đã trở thành những ông tơ bà nguyệt, thành nơi chia sẻ tình yêu của những bạn trẻ. Nhưng
Lancer đem đến sự mới mẻ cho cách thức truyền thống này. Lần này, anh
cũng không dám tùy tiện gửi cho Tuyết Nhung hình những khuôn mặt ngộ
nghĩnh nữa, đó chẳng qua chỉ là chút tài vặt mà bất kỳ gã đàn ông nào
cũng biết. Điều Lancer muốn làm lúc này là thể hiện hết trí tuệ, sự lãng mạn, ưu tú và hơn người của mình thông qua máy tính.

Như vậy,
tất cả những yếu tố cần được thể hiện ra ngoài đã đem đến cho Lancer một ý tưởng: đó là tạo nên một tờ nhật báo điện tử. Song tờ báo này không
giống với hàng ngàn, hàng vạn tờ báo khác bởi vì nó chỉ có một người
sáng lập, kiêm biên tập và phát hành, đồng thời cũng chỉ hướng đến một
độc giả duy nhất. Anh đặt tên cho tờ báo của mình là “Lancer ngốc nghếch số một thế giới”. Đã là một tờ báo chính thức thì phải có nội dung
phong phú với các mục tin tức, phỏng vấn nóng, hòm thư bạn đọc, dự báo
thời tiết, thể thao, quảng cáo v.v…

Được, vậy thì mời các bạn hãy đến với bản tin thế giới nóng hổi đầu tiên dành cho Tuyết Nhung:

Ngày mồng 8, tháng 12, thông tấn xã Chi-ca-gô: Có một cậu bé từng nổi tiếng
là thần đồng của vùng bắc Chi-ca-gô. Cậu bé đó không chỉ thông minh mà
còn rất say mê đá bóng nên được mọi người vô cùng yêu mến và ngưỡng mộ.
Bản thân cậu cũng ngạc nhiên nói với mẹ: “Mẹ ơi, vì sao con còn hot hơn
cả chú David Beckham thế?” Chẳng ngờ đến một ngày nọ bi kịch xảy ra.
Trong một trận đấu, một quả bóng lao thẳng vào bên phải đầu của cậu bé.

Từ đó, cái đầu đẹp đẽ bị gọt mất một nửa, khiến tất cả các fan của cậu
hoảng sợ bỏ chạy. Cậu bé ấy vô cùng tức giận, muốn kiện quả bóng đáng
ghét kia. Mỗi ngày, người mẹ đều ép cậu ăn một bát canh rau chân vịt và
nói rằng chỉ có cách ấy cậu mới đẹp trai và thông minh như xưa. Cũng kể
từ đó, cậu bị người ta chế giễu là “thằng bé rau chân vịt”. Chỉ số IQ
của cậu mãi chỉ dừng ở mức trên dưới 50. Tên đại ngốc ấy không phải ai
khác, chính là Lancer!

“Ha ha ha ha ha ha ha!” Tuyết Nhung cười
đau cả bụng, bởi vì ngoài cách kể chuyện hài hước đó ra, Lancer “văn hay vẽ đẹp” còn gửi cho cô vài bức biếm họa, mô tả lại toàn bộ quá trình từ một thần đồng thông minh biến thành một kẻ đại ngốc của mình. Thật là
buồn cười đến chết mất! Tuyết Nhung đến giờ mới phát hiện ra Lancer là
người đa tài như thế. Không ngờ anh ấy biết biên soạn báo, sáng tác các
tác phẩm hài hước, lại còn biết cả vẽ tranh nữa. So với những bài thơ
tình ướt át và những hành động theo đuổi kỳ quặc của đám con trai Trung
Quốc, việc làm của anh ấy quả thực quá thú vị và hấp dẫn!

Ngày hôm sau, Tuyết Nhung bắt đầu nghĩ không biết tên ngốc người Mĩ đó sẽ nghĩ ra trò hay hớm gì nữa đây?

Hôm đó, tờ báo của Lancer đăng tải một bức thư của độc giả như sau:

Tòa soạn báo thân mến! Tôi là bà mẹ có con nhỏ 6 tuổi. Để con trai tôi nhận được sự giáo dục tốt và toàn diện nhất, tôi đã mua cho cháu một chiếc
đàn vĩ cầm và mời một thầy đến tận nhà dạy đàn. Kết quả, trong buổi học
đầu tiên, khi được thầy giáo hướng dẫn cách tì đàn vào cổ, thằng bé đã
nói với thầy giáo như thế này: “Nếu thầy đút 25 xu vào chiếc lỗ chữ S
trên đàn của em thì em sẽ kéo đàn cho thầy nghe một lần. Đến màn biểu
diễn của những người nghệ sĩ đường phố cũng được người ta cho tiền như
vậy, huống chi là em! Thầy nói có đúng không ạ?”

Thưa quý báo!
Giờ chắc bạn đã đoán được kết quả rồi chứ. Nghe thấy vậy, thầy giáo tức
tối bỏ đi, từ đó không còn ai muốn dạy đàn cho con trai tôi nữa. Là một
người mẹ, tôi đang vô cùng đau đầu và buồn phiền, tòa báo có thể cho tôi vài lời tư vấn được không?

“Trời ơi! Ha ha ha ha ha ha!” Tuyết
Nhung không nhịn được cười ngặt nghẽo, cười đến nỗi làm cho chiếc bàn
máy tính cũng rung lên bần bật. Đây đúng là một thiên tài! Thì ra Lancer đã từng chơi khăm thầy giáo dạy đàn như thế! Chả trách anh ấy không
phải ngày ngày luyện đàn khổ cực như mọi người! Ha ha ha ha ha ha ha!
Thật là thông minh! Buồn cười chết mất!

Buổi tối ngày thứ ba,
Tuyết Nhung đã ngồi trước màn hình máy tính trước giờ báo ra 10 phút,
háo hức chờ đợi số báo tiếp theo của Lancer. Đúng 10 giờ, “Ting! Ting!”
Một dòng chữ màu đỏ bắn ra màn hình! A ha! Báo đã ra rồi! Tuyết Nhung
vội mở ra xem, đó là một bài xã luận có tiêu đề: “Những vấn đề nảy sinh
trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày nay là trách nhiệm của các bậc phụ huynh hay trách nhiệm của con cái?”

Phóng viên thường
trú tại Ana Arbor Mi-chi-gân đưa tin: Như các bạn đều biết, chúng ta
đang sống trong một xã hội tự do dân chủ, xã hội chúng ta đang từng bước cải thiện mối quan hệ quốc tế, mối quan hệ giữa các dân tộc và các mối
quan hệ liên quan đến đồng tiền. Nhưng xã hội rộng lớn của chúng ta lại

đang thiếu quan tâm đến mối quan hệ quan trọng nhất, đó là mối quan hệ
giữa cha mẹ và con cái, đặc biệt là giữa cha và con trai. Ví dụ như gần
đây gia đình hàng xóm của tôi đã có một chuyện như sau xảy ra. Một ngày, ông bố phấn khích chạy về nhà và nói với mọi người trong gia đình:
“Cuối cùng hôm nay bố đã mua được một con xe 4X4”. Cậu con trai nhỏ 10
tuổi thấy vậy liền nhảy cẫng lên vui sướng rồi hỏi cha mình: “Bố ơi! Bố
thật đã mua một chiếc xe 16 bánh về rồi ư? Thật là quá quá quá tuyệt!”
Cả nhà bỗng im bặt. Cuối cùng ông bố đành mở lời: “Bố muốn biết vì sao
con lại nói bố đã mua một chiếc xe 16 bánh?” Cậu bé nghiêng nghiêng đầu, nói với vẻ đầy tự hào: “4X4 là 4 bánh nhân 4 bánh, 4X4 chẳng phải bằng
16 hay sao ạ? Bố à, con từng nói với bố rồi mà, con làm toán rất giỏi,
bố chẳng chịu tin con gì cả!” Ông bố gần như phát khùng: “Con trai, con
nói xem, đứa con trai như con sẽ làm được cái gì khi lớn lên?” Cậu bé
lập tức đáp: “Bố, con đảm bảo với bố rằng, mai này lớn lên con nhất định không làm một thằng ngốc!”.

“Ha ha ha ha ha ha ha!” Tuyết Nhung
cảm thấy cằm mình sắp méo xệch. Cô thực sự rất muốn chia sẻ bài báo này
của Lancer với mọi người. Trời ơi! Đây chính là một kiệt tác, nếu chỉ để một mình mình xem thì thật quá đáng tiếc! Vậy là, Tuyết Nhung hào hứng
gửi tờ báo điện tử của Lancer cho Ngô Vũ và những người bạn khác.

Khi đọc tờ báo Tuyết Nhung gửi, trái tim Ngô Vũ tưởng như rơi xuống vực
thẳm. Quen biết Tuyết Nhung 20 năm qua, thầm yêu trộm nhớ cô ấy cũng
mười mấy năm trời, vậy mà trái tim anh vẫn không thể nào xích lại gần cô ấy. Lúc còn ở trong nước, mặc dù tình cảm giữa anh và Tuyết Nhung chỉ
giống như tình thân, nhưng Ngô Vũ vẫn tự tin khi nghĩ đến tương lai của
hai người. Đơn giản bởi vì anh quá hiểu Tuyết Nhung và Tuyết Nhung cũng
quá biết anh. Anh biết dù Tuyết Nhung là con nhà nghèo, số phận thăng
trầm, nhưng cô ấy tuyệt đối không phải là hạng con gái tự hạ thấp mình,
dễ dàng yêu một kẻ hời hợt nông cạn. Ngô Vũ rất hiểu tính cách, hiểu
tiềm năng và cả tấm lòng chân thành của mình. Về ba điểm này, khó có gã
trai Trung Quốc nào đủ khả năng trở thành đối thủ xứng tầm với anh.

Song bây giờ, trong trận chiến này, đối thủ của Ngô Vũ lại là một người Mĩ!
Những ngày gần đây, anh không thể tập trung tinh thần cho công việc, ăn
uống cũng không thấy ngon, càng không có dũng khí đi tìm Tuyết Nhung.
Anh chỉ không ngừng tự hỏi mình: So với gã người Mĩ kia mình có gì? Khi
đặt một chàng trai da vàng khôi ngô và một chàng trai da trắng vô cùng
tuấn tú bên cạnh nhau thì ai sẽ chiếm ưu thế trong mắt con gái, chả phải câu trả lời đã quá rõ ràng rồi sao? Hơn nữa, Ngô Vũ cũng không biết vẽ
truyện tranh, không biết viết truyện cười, càng không có những ý tưởng
sáng tạo và lãng mạn. Vậy phải chăng anh nên bỏ cuộc? Ngô Vũ đã suy nghĩ những câu hỏi này không biết bao nhiêu lần.

Trong đời mình, Ngô
Vũ ghét nhất là hạng con trai cứ bám riết lấy người con gái không thuộc
về mình. Anh thấy bọn họ chẳng khác nào những con sâu đáng thương. Không giống những gã con trai Trung Quốc bình thường khác, Ngô Vũ đẹp trai
hơn, giỏi giang hơn và quan trọng hơn cả là anh có lòng tự trọng rất
cao. Trong thời điểm này, dựa vào cái đầu thông minh của mình, anh đã có thể đoán ra kết quả trong trận chiến với Lancer. Lý trí và lòng tự
trọng mách bảo anh đã đến lúc để buông tay, nhưng con tim anh lại không
ngừng thổn thức: “Ngô Vũ à, liệu mày có buông nổi không?”

Trái
tim này của anh vẫn chưa ngừng đập, nó đã thuộc về Tuyết Nhung kể từ khi anh sáu tuổi. Sau nhiều đêm trằn trọc không ngủ và bao lần đấu tranh
nội tâm, cuối cùng Ngô Vũ đã nghiệm ra một điều: Yêu là gì? Thế gian này có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu cách định nghĩa về tình yêu. Còn
với anh, “yêu” là cho đi tất cả mà không mong đợi được báo đáp. Anh sẽ ở bên cô ấy cho đến ngày cô ấy không cần anh nữa.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.