Miếu Hoang

Chương 30: Giếng Làng


Bạn đang đọc Miếu Hoang FULL – Chương 30: Giếng Làng


Ông Vọng thẫn thờ ngồi dựa vào thành ghế bàng hoàng, ông không dám tin những gì mà thầy Lương vừa nói là sự thật.

Nhưng tất cả những điều đó đã giải thích cho toàn bộ lý do vì sao từ đời cha ông, các cụ đã cấm tiệt mọi người bén mảng đến khu đất đó, rồi đến chuyện Bãi Hoang xuất hiện nền móng của Cao Gia nhưng tuyệt nhiên trong làng không một ai nhắc tới điều này…..Đó là vì, từ xa xưa, dân làng Văn Thái đã gây ra một chuyện tày trời và họ không muốn nhớ đến vết nhơ tàn sát cả một dòng họ trong quá khứ.

Giờ đây, con cái đời sau của họ đang phải lãnh chịu hậu quả.
Ông Vọng ấp úng hỏi:
– – Nhưng liệu…liệu có chắc đây là do….họ Cao làm không..? Chẳng phải thầy nói người trấn yểm long mạch là Cao Côn, nhưng Cao Côn còn chết trước khi họ Cao bị tàn sát cơ mà…?
Thầy Lương đáp:
– – Câu hỏi của bác trưởng làng rất hay, tính theo phổ truyền thì lúc Cao Côn chết cũng 70 tuổi rồi, và theo những gì ghi trong quyển trục thì sau khi Cao Côn chết, dân làng Văn Thái mới dám nghĩ đến chuyện xóa sổ Cao Gia.

Điều này cho ta biết được rằng, khi Cao Côn còn sống, dân làng chắc chắn phải rất sợ nên dù bị áp bức nhưng không dám làm gì.

Chỉ khi Cao Côn qua đời, là đến đời Cao Lãm và Cao Kiệt mới xảy ra chuyện.

Một người tinh thông về phong thủy khi trấn yểm sẽ tính toán cho đến tận nhiều đời sau, hoặc cho đến khi long mạch bị yểm đó không còn linh khí thì bùa yểm mới biến mất.

Thầy phong thủy càng cao tay thì thời gian long mạch bị trấn yểm càng lâu, có thể lên đến 100 năm, 200 năm hoặc hơn thế nữa.

Và khi yểm long mạch đó, tùy theo cái tâm của thầy phong thủy mà bùa chú ràng buộc giữa họ với long mạch sẽ khác nhau.

Nhưng Cao Côn đã dùng đến thuật ” Giấu Long Mạch ” thì chắc chắn ông ta không có ý đồ tốt.

Vậy nên nhất định ông ta đã tạo một ràng buộc nhằm khi Cao Gia gặp nguy hiểm, và ràng buộc đó có thể là việc những tai ương, kiếp nạn đang xảy đến với làng Văn Thái.

Điều này giải thích vì sao tồn tại đến 100 năm nay, đến bây giờ làng Văn Thái mới xảy ra chuyện.

Bởi vì, thâm ý của Cao Côn là muốn làng Văn Thái tận diệt cho đến đời sau.
” Vù….Ù….Ù…”

” Lạch…Cạch….Lạch….Cạch..”
Bên ngoài gió tiếp tục thổi mạnh, gió đập vào cửa khiến cho con Vàng đang nằm ngoài hiên cũng phải nhổm dậy rồi hếch mõm ra phía ngoài sân sủa lên vài tiếng.

Càng nghe thầy Lương nói, ông Vọng lại càng rùng mình.

Chưa bao giờ ông dám nghĩ sự việc lại nghiêm trọng đến mức này.

Nhưng những gì đang diễn ra hàng ngày thực sự rất tồi tệ.
Ông Vọng hỏi:
– – Trước thầy có nói, chỉ cần tìm được long mạch thì sẽ có cách giải cứu dân làng.

Nay long mạch chính là nơi giếng làng, thầy đã nghĩ ra cách gì chưa ạ..?
Tất nhiên là thầy Lương đã nghĩ đến cách giải quyết, nhưng vấn đề hiện giờ làm cách nào để xuống được đáy giếng.

Với những ghi chép cùng tấm bản đồ thì có vẻ như Cao Côn đã nhìn thấy được long mạch của vùng đất này, nhưng phải đến khi làng Văn Thái được lập lên thì mới đào giếng làng.

Chắc hẳn ý kiến đào giếng cũng là do Cao Côn đề ra, lợi dụng việc đào giếng, lúc đó Cao Côn mới ” Giấu Long Mạch “.
Nhớ lại những lời mà sư phụ từng nói ngày trước, thầy Lương trầm ngâm hồi tưởng….
[……]
– – ” Giấu Long Mạch ” là điều đại cấm kỵ, kẻ sử dụng thứ bùa yểm tà đạo này phải trả giá không chỉ bằng mạng sống của bản thân mà còn là họa lớn đối với cả gia tộc, dòng họ một khi sơ suất hoặc thất bại.

Bởi suy cho cùng, con người cũng chỉ là sinh linh nhỏ bé trong trời đất, còn long mạch hội tụ tinh hoa, vượng khí của thiên địa.

Muốn nắm giữ nó cho riêng bản thân quả thực quá tham vọng.

Nhưng nếu làm được, gia tộc đó vượng phát, khi rút đủ linh khí còn có thể phát bậc đế vương.

Chỉ những kẻ ôm mộng quyền lực, bị cám dỗ khiến cho mờ mắt mới đi ” Giấu Long Mạch “.

Lương hỏi sư phụ:
– – Nếu đã nguy hiểm như vậy tại sao vẫn có những người sử dụng thuật yểm nguy hiểm đến thế thưa sư phụ..?
Vị đạo sĩ mỉm cười:
– – Con còn nhỏ, có thể con chưa hiểu được sức mạnh của quyền lực.

Từ xa xưa, vua chúa được coi là con của trời, là con của rồng……Ai chẳng mong muốn mình được làm vua, được đứng đầu thiên hạ.

Nhưng không vì thế mà con người được phép trái lại mệnh trời, trái lại tạo hóa.

Những kẻ làm như vậy được coi là nghịch thiên, bởi chỉ có nghịch thiên thì mới nhanh chóng chạm được đến cái ngưỡng mà người bình thường có đi mấy kiếp cũng không thể đến.
Lương hỏi tiếp:
– – Nếu vậy có cách nào để hóa giải không sư phụ..?
Vị đạo sĩ khẽ chạm vào đầu Lương rồi gật đầu:
– – Vạn vật trên đời tương sinh, tương khắc….Tất cả đều có cách giải quyết, giờ con hãy chuyên tâm đọc sách, nghiên cứu những bài thuốc, những cây thuốc cứu người.

Còn những cấm thuật như thế này con còn nhỏ, không nên đọc.

Đi đi…
[……]
– – Kìa thầy Lương, thầy lại đang suy nghĩ gì rồi..?
Giọng ông Vọng khiến thầy Lương chợt tỉnh, thầy Lương không ngờ được rằng, câu chuyện mà ông nói với sư phụ năm đó giờ lại đang xảy ra ở tại mảnh đất này.
Quay trở lại câu hỏi của ông Vọng ban nãy, thầy Lương đáp:
– – Trước mắt chúng ta phải xuống được đến đáy giếng đã.

Nếu long mạch nằm ở đó, mà chất độc xuất phát từ đó chắc hẳn sẽ có cách để giải.

Nhưng làm cách nào để xuống đáy giếng khi mà chất độc đã ngấm toàn bộ trong nước.
Ông Vọng đề xuất ý kiến:

– – Chuyện này cũng không phải chuyện quá khó, trên huyện, mấy ông cán bộ có cái máy bơm cỡ lớn.

Mượn thì chắc hơi khó, nhưng nếu có cán bộ xã đi cùng rồi mình biếu họ ít tiền là được thôi.

Ta dùng máy bơm bơm hết nước ở giếng đi rồi xuống dưới đó.
Thầy Lương đáp:
– – Nếu được vậy thì tốt quá, nhưng có điều này bác trưởng làng cần phải biết.

Hiện nay độc mới chỉ được phát hiện trong nguồn nước giếng.

Nhưng nếu bơm nước giếng ra bên ngoài, nước này chảy xuống kênh mương hay ao hồ trong làng tôi sợ rằng hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Bởi khi nước nhiễm độc lan ra toàn bộ hệ thống kênh rạch của làng, sợ rằng việc khắc phục còn khó khăn hơn rất nhiều.

Nước luôn là nguồn sống của tất cả các sinh vật, chuyện này không thể hấp tấp được.

Chỉ một sai sót nhỏ thôi, chúng ta sẽ đưa làng Văn Thái đến bờ vực vô cùng tồi tệ.
Long mạch đã tìm ra, nhưng hiện giờ cách khắc phục, giải quyết lại đi vào bế tắc.

Giếng làng là cái giếng lớn nhất, sâu nhất, bao nhiêu năm qua giếng chưa một lần cạn, cũng chẳng ai biết giếng sâu bao nhiêu.

Muốn bơm nước giếng lên nhưng lại không được đổ ra kênh rạch, thật sự rất khó.

Suy nghĩ mãi, cuối cùng ông Vọng nảy ra một ý tưởng, ông nói:
– – Thầy Lương, tôi có ý này, có thể sẽ giải quyết được cả 2 việc, vừa chứa được nước giếng, lại vừa không để nước đó thoát ra ngoài…?
Thầy Lương hỏi:
– – Ý bác trưởng làng là sao..?
Ông Vọng tiếp:
– – Xây bể, chúng ta sẽ xây một cái bể thật lớn ở giữa sân đình.

Thầy cũng biết rồi đấy, đình làng gần ngay khu vực giếng, sân đình cũng rất rộng, giờ chúng ta dùng gạch xây lên, biến sân đình thành một bể chứa lớn.


Lúc bơm nước sẽ dẫn ống đổ nước giếng vào cái bể nơi sân đình.

Tôi nghĩ như vậy có thể giải quyết được vấn đề.
Thầy Lương quả thực ngạc nhiên trước ý tưởng thông mình của ông Vọng, thầy Lương đáp:
– – Nhưng việc xây dựng sẽ tốn kém và cần nhiều người để hoàn thành nhanh chóng, việc này bác trưởng làng nên thông báo với tất cả mọi người sẽ tốt hơn.
Ông Vọng gật đầu, ông nói tiếp:
– – Chuyện thuê máy bơm tôi sẽ bỏ tiền túi của tôi ra, thằng cu con nhà tôi đi làm hơn 2 năm nay ở ngoài, tháng nào cũng gửi tiền về, tôi chẳng tiêu đến, tính để dành cho nó sau lấy vợ mà giờ làng có chuyện tôi sẽ đem số tiền đó ra đi thuê máy bơm.

Còn việc xây bể, cỡ như cậu Lực, cậu Sửu cũng xây được, chỉ là xây gạch lên thôi mà.

Để sáng mai, tôi sẽ vận động mọi người rồi xin ý kiến.
Lúc này cũng đã gần nữa đêm, thầy Lương kêu ông Vọng đi ngủ.

Trời đêm gió cũng đã ngừng thổi, mọi thứ trở lại tĩnh lặng, yên ả, cô tịch.

Ngồi bên cây đèn dầu, thầy Lương đang nghiên cứu lại tấm phổ truyền.

Chắc hẳn sự chỉ dẫn của thần bảo hộ ngôi làng cho thầy Lương cùng mọi người đào được tấm phổ truyền này lên không chỉ dừng lại việc xác nhận đã từng có một Cao Gia hưng thịnh tại ngôi làng này.

Nhưng còn ý nghĩa gì ẩn sâu bên trong này thì thầy Lương vẫn chưa hiểu hết.
Ông thiếp đi lúc nào không hay, trong giấc mơ ông thấy mình đang bị mắng bởi sư phụ:
– – Lương, con đang làm gì vậy…?
Lương giật mình vội gập quyển sách lại, Lương khẽ lắc đầu, mặt lo lắng:
– – Dạ….không, con…con chỉ đang…sắp xếp lại bàn đọc sách của,,,sư phụ thôi ạ…
Vị đạo sĩ đáp:
– – Được rồi, cảm ơn con….Con ra ngoài đi, lần sau không được tự tiện chạm vào những quyển sách này, nghe rõ chưa hả…? Khi nào đến lúc, ta sẽ truyền lại hết toàn bộ những gì ta biết cho con.
Nhưng sau đó 3 năm, trong một lần đi cùng sư phụ sang vùng núi phía Bắc của Việt Nam, Lương đã phải lòng một cô gái nơi đây rồi bỏ qua sự khuyên can của sư phụ, bất chấp tất cả, Lương đã ở lại Việt Nam cưới cô gái ấy…….Và rồi, nỗi bất hạnh đã xảy đến với chàng trai tội nghiệp, còn quá non nớt trước sự nguy hiểm của bùa ngải, đến khi Lương nhận ra lời sư phụ nói năm xưa quan trọng thế nào thì đã quá muộn.

Lương đã tự tay giết chết chính người con gái mà anh từng yêu nhất, không chỉ vậy, trong vô thức, Lương đã moi rồi nhai sống trái tim của con gái mình.
” Ò…Ó…O….O “
Tiếng gà gáy báo hiệu trời đã sáng, cả đêm qua thầy Lương ngủ gục trên ghế, bất chợt ông giật mình tỉnh dậy khi giọng nói của ông Vọng hối hả cất lên:
– – Thầy Lương…..thầy Lương ơi….Con Vàng…..Con Vàng…..chết rồi..


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.