Bạn đang đọc Miếu Hoang FULL – Chương 26: Bức Tranh Thứ 3
Bước chân vào trong đình, thầy Lương cũng phải kinh ngạc bởi kiến trúc của đình, từ những cây cột trụ cho đến nền gạch đá hoa, các ban bệ thờ cúng, tất cả đều còn rất tốt.
Thầy Lương hỏi:
– – Ngôi đình này chắc có lẽ cũng phải tồn tại ngang với tuổi đời của làng ta bác nhỉ..?
Ông Vọng gật đầu có chút hãnh diện:
– – Dạ, đúng rồi thưa thầy….Làng tôi có thể ăn đói, mặc rét nhưng chuyện chăm lo, tu sửa cho đình thì bao năm qua chưa ai dám lơ là.
Từ đời ông bà, cha mẹ tôi đã như vậy, năm nào cũng phải xem xét, sửa chữa, tu bổ những chỗ hư hỏng.
Cũng nhờ ơn các cụ lúc xây dựng đình, vật liệu đều là đồ tốt, gỗ quý nên trải qua ngót nghét 100 năm, đình làng vẫn sừng sững.
Mà những năm chiến tranh, bom đạn liên miên, vậy mà ngôi đình chưa từng một lần bị tàn phá.
Thế cho nên dân làng Văn Thái càng tin vào sự linh thiêng của đình.
Nhìn bức tượng thờ thần Thành Hoàng bị đổ vỡ vụn, ông Vọng buồn bã nói thêm:
– – Mưa bom, bão đạn không khiến cho đình suy chuyển, vậy mà trong thời bình, tượng thờ thần lại đổ vỡ nát thế này.
Tôi thật hổ thẹn trước những bậc tiền bối đi trước.
Đi tới tấm bia công đức, trên bia có khắc tên những dòng họ có công đóng góp cho làng Văn Thái, đọc từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, quả thực, thầy Lương không hề thấy một ai mang họ Cao cả.
Cứ như thể trong làng này không hề tồn tại dòng họ Cao vậy…? Mà thực tế thì đúng là như vậy, nếu thầy Lương không chỉ điểm cho mọi người tới Bãi Hoang để đào bới thì chẳng ai biết, nằm sâu dưới 6 thước đất ấy lại là một nền móng cổ xưa cùng tấm phổ truyền của dòng họ Cao.
Thầy Lương chắc chắn cụ Cẩn, người lớn tuổi nhất còn sống trong làng này phải biết điều gì đó.
Nhưng cụ Cẩn lại không chịu tiết lộ, có điều gì mà khiến cho các hương thân, phụ lão trong làng dù có chết cũng không hé răng nửa lời như vậy.
Việc họ cấm dân làng bén mảng đến Bãi Hoang phải có lý do nào đó.
Nhưng là gì thì đến đời của ông Vọng hầu như không ai biết.
Họ đã gây ra chuyện gì mà dù dân làng Văn Thái đang gặp nạn mà cụ Cẩn sống chết giữ bí mật.
Tất nhiên thầy Lương đã nghĩ đến một lý do, một lý do tàn ác, nhẫn tâm, và đây sẽ giải thích dòng họ Cao kia bị xóa sổ, đó chính là: Họ Cao đã bị người dân làng Văn Thái tàn sát cả họ.
Nhưng tại vì sao mà người dân làng Văn Thái lại làm như vậy, thầy Lương vẫn chưa có câu trả lời thích đáng.
Chuyến đi đến nhà cụ Cẩn cũng như đến đình làng đều không đem lại kết quả gì.
Tưởng chừng như sắp tìm ra được nguyên nhân thì mọi thứ lại rơi vào bế tắc.
Thầy Lương cùng ông Vọng đành trở về nhà, lúc đi qua cái giếng, thấy tấm bạt ngày hôm qua Sửu cùng với Lực phủ lên để che miệng giếng vẫn còn nguyên vẹn, ông Vọng cũng phần nào yên tâm.
Ngày nào ông Vọng cũng cử người đi đến từng gia đình trong làng, nhắc nhở bà con, nhất quyết không được sử dụng nước giếng.
Trong thời gian này, mọi người chỉ được dùng nước mưa mà thôi.
Trên đường về, thầy Lương hỏi ông Vọng:
– – Bác trưởng làng này, làng ta có bản đồ vẽ các khu vực, các hướng, địa hình của làng không nhỉ…?
Ông Vọng lắc đầu:
– – Không có đâu thầy ạ, đâu ai rành mà vẽ được thứ đó chứ.
Quanh quanh đường làng, muốn đi đâu đi nhiều là nhớ chứ còn vẽ bản đồ làm gì.
Thầy Lương đáp:
– – Việc này tuy khó, cần một người am hiểu về địa hình, địa vật mới có thể vẽ được.
Nhưng nó rất cần, bởi sau này nhìn vào đó, bác trưởng làng có thể biết được khu đất nào còn trống, hay kể cả việc dẫn nước, đào mương dựa trên bản đồ, địa hình của làng cũng sẽ dễ hình dung hơn.
Tôi không phải người làng, địa giới của làng đến đâu tôi không nắm rõ, nhưng nếu bỏ ra vài ngày có người dẫn đường, tôi nghĩ tôi có thể nắm được chút căn bản của địa vật nơi đây.
Ông Vọng hỏi:
– – Sao thầy lại muốn vẽ bản đồ địa phận đất của làng vậy ạ…Làng này trông thế thôi nhưng rất rộng, chỉ sợ tốn nhiều thời gian của thầy, chứ tôi có thể dẫn thầy đi hết địa giới của làng.
Thầy Lương khẽ thở dài, bởi ông Vọng nói không sai, tuy nói là vài ngày nhưng thực tế không thể nhanh như vậy.
Nhưng không phải tự nhiên thầy Lương lại muốn biết rõ địa hình của làng Văn Thái, ông nói:
– – Thực ra tôi muốn có một tấm bản đồ bao quát địa hình của làng chính là để tìm xem vị trí long mạch nằm ở đâu.
Như tôi đã nói, tứ thanh tú tạo nên long mạch, nay chúng ta đã nhìn thấy Thanh Long hướng đông, còn lại Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ….Khi đã xác định được tứ tượng, tôi sẽ biết long mạch nằm ở đâu.
Giờ chỉ còn cách đó mà thôi, nhưng việc này cần tỉ mỉ, cẩn trọng, hấp tấp dẫn đến sai vị trí, sai thế đất sẽ gây hậu quả khôn lường.
Dù có là thầy phong thủy giỏi cũng phải mất ít nhất một tháng mới có thể xác định được thế đất tốt.
Chỉ sợ đến lúc đó mọi chuyện còn tồi tệ hơn bây giờ.
Phải chi tấm phổ truyền kia có ghi chép về long mạch thì tốt biết mấy.
[……]
Cùng lúc đó tại nhà bà Điều thầy cúng, Lực đang đứng bên ngoài núp sau bụi cây giả giọng tắc kè:
– – Tắc kè….tắc kè….tắc kè…
Bên trong nhà, cô con gái của bà Điều nghe thấy ám hiệu thì đứng ngồi không yên, bà Điều nhìn con gái, miệng nhai trầu nhóm nhép, quẹt mỏ, bà ta nói:
– – Đừng có mà giao du với dạng khố rách áo ôm ấy.
Để yên tao nhờ kiếm cho một mối ngon lành.
Con gái nhà này xinh đẹp thế kia thì ít cũng phải lấy con nhà gia thế.
Cấm tiệt, nghe chưa…?
Cái Út, con gái bà Điều nũng nịu:
– – Con lớn rồi, mẹ phải để con lấy người con yêu chứ….? Nhà ta cũng đâu phải nghèo khổ gì mà mẹ còn tham tiền bạc.
Bà Điều cầm cái gậy đập mạnh xuống đất:
– – Tao đẻ mày ra để mày cãi lại thế này hả..? Không nói nhiều, tao có ép cũng là muốn mày chui vào được cái nhà nó giàu có, cho đời mày rồi đời con mày sau này nó không phải khổ con ạ.
Lấy cái thằng ngoài thịt với cơ bắp kia ra rồi cháo không có mà ăn con ạ.
Đi vào bên trong…
Không dám cái mẹ, cái Út giận dỗi đi vào buồng trong, bà Điều nhổ toẹt bãi nước trầu ra ngoài cửa sổ rồi lốc cốc làm bộ chống gậy bước ra sân.
Miệng bà ta chửi bới:
– – Bà là bà biết con tắc kè nào đang chui sau bụi cây kia rồi nhé…..Còn léng phéng ở đây, bà là bà gọi người bà bắt bỏ ngâm rượu nghe chửa….Cút ngay không bà thả chó cho mày tắc tịt luôn bây giờ.
Biết bị lộ, Lực không dám ho he ở trước cổng nhà bà Điều nữa, tháo cả dép chạy vì nhác thấy tiếng bà Điều đang mở then cài cổng, Lực chạy bay chạy biến không dám quay đầu lại nhìn luôn.
Chạy đến con đường đất đường đi vào nhà ông Vọng thì Lực thấy hớt ha hớt hải đi tới từ phía đối diện là vợ Mão, cô ta chạy ngang qua Lực rồi lộn lại hỏi:
– – Cậu Lực, cậu vừa đi đâu về phải không…?
Lực đáp:
– – Sao đấy chị Mão..?
Vợ Mão hỏi tiếp:
– – À không, tôi muốn hỏi cậu xem có thấy tay Mão nhà tôi đâu không…?
Đang bực mình vì không gặp được người yêu, Lực cáu:
– – Ơ cái bà này, chồng bà đi đâu bà lại hỏi tôi….Sao tôi biết được, vớ vẩn.
Thấy phía sau là trưởng làng cùng thầy Lương đang đi tới, vợ Mão nguýt Lực một cái rồi chạy đến chỗ ông Vọng cũng hỏi câu như vậy, ông Vọng cũng bảo không gặp Mão ở đâu cả, vợ Mão tức mình nói:
– – Đấy, bác thấy đấy…..Bảo đi lên huyện đến tối hôm qua về, mà tới tận sáng nay còn chưa thấy đâu.
Nhà cửa thì bề bộn, đang trong lúc nước sôi lửa bỏng thế này mà lão đi đâu không biết.
Có khổ thân em không chứ..?
Ông Vọng khuyên:
– – Thôi, cô đừng đi tìm nữa, anh ta có chân đi khắc có chân về, có phải con nít lên ba đâu mà sợ lạc.
Tôi thấy cô nên về nhà chăm lo cho con nhỏ tốt hơn đấy.
Lúc này không trông chừng, chúng nó đi mới là chết dở.
Thôi về đi, nếu tôi gặp anh ta ở đâu tôi nhắn cho.
Lát nữa tôi cũng đi quanh quanh có chút việc.
Vợ Mão nghe vậy thì cảm ơn ông Vọng rối rít rồi quay trở về nhà…….Đi qua nhà cô Xoan, vợ Mão còn ngó đầu vào xem rồi hỏi đổng:
– – Cô Xoan ơi, cô có thấy lão Mão nhà tôi sang đây không nhỉ..?
Đáp lại câu hỏi vô duyên của vợ Mão, cô Xoan nói:
– – Không chị ạ, mà chồng chị sao lại tìm ở nhà em…..
Vợ Mão cười mỉa:
– – Đấy là tôi cứ hỏi thế, biết đâu được……Trước kia cô chẳng với….
Cô Xoan tức giận quát:
– – Này cái chị Mão kia, chị đừng có mà thối mồm nhé.
Chuyện nhà chị, chồng chị đi đâu hà cớ làm sao chị sang đây kiếm chuyện.
Đừng tưởng mẹ góa con côi mà muốn bắt nạt.
Vợ Mão chép miệng rồi bỏ sang nhà, cô Xoan đi vào trong, trên hiên lúc này cái Mị vẫn đang ngồi vẽ nghuệch ngoạc, nó cứ thế quơ tay vẽ một vòng tròn trên nền hiên.
Đang bực vợ Mão, con lại chắn lối ra vào, Xoan tiện chân sút luôn miếng gạch vụn mà Mị đang cầm vẽ trên tay.
Bị mất miếng gạch, cái Mị ngồi sững người lại, mắt nó nhìn vô hồn về khoảng không trước mặt, nhưng nó đâu có thấy gì bởi nó bị mù mà, nó ú ớ hai tay quờ quạng tìm mẩu gạch.
Lát sau Xoan đi ra, Xoan thay quần áo đi đâu đó, Xoan nói với con bằng giọng khó chịu:
– – Ở nhà không được đi đâu, cơm để trên bàn kia….Bao giờ đói tự tìm lấy mà ăn, tối mẹ về.
Dứt lời, Xoan đội nón đi ra khỏi nhà, Xoan vừa đi thì cái Mị nhoẻn miệng cười khanh khách:
” Hi…hi…hi…”
” Hi….Hi….Hi..”
Con bé mù lòa, không nói được đang cố gắng bò bò trên nền hiên để tìm mẩu gạch, mẹ nó đã đá bay mẩu gạch vào trong tận kẹp cửa…….Nhưng chẳng hiểu sao, mẩu gạch lúc này đang tự động lăn đến chỗ bàn tay nhỏ bé của nó.
Cái Mị chụp nấy rồi giơ mẩu gạch lên lấy tay sờ sờ.
Cánh tay áo rộng thùng thình của nó tụt xuống, để lộ ra những vết hằn bầm tím nơi cổ tay, cánh tay, bắp tay…..Cái Mị lại lê lết về đúng vị trí mà nó đang vẽ dở, nó lại tiếp tục nghuệch ngoạc, nhưng hôm nay, nó đã vẽ sang bức thứ 3….
” Hi…hi…hi…”
” Hi….hi…hi…”.