Bạn đang đọc Miếu Hoang FULL – Chương 12: Nén Nhang Trước Sân Đình
Lúc này ông Vọng mới thực sự hoảng loạn, mọi chuyện càng lúc càng rối rắm, không cách nào giải thích.
Sực nhớ ra một chuyện, ông Vọng quay sang nói với ông Lương:
— Bác Lương, lần trước bác đã cảnh báo mà tôi không nghe.
Hình như bác biết gì đó về phong thuỷ, dự đoán được cả thời tiết.
Nay trong làng xảy ra chuyện này, tôi cúi đầu xin bác giúp tôi tìm hiểu về sự việc này được không ạ…? Tối qua chắc hẳn bác đã có suy tính gì rồi thì phải..?
Ông Lương đáp:
— Trưởng làng không cần quá khách khí, thực ra tôi cố nán lại nơi này cũng chính là muốn tìm hiểu rõ nguyên nhân sự việc.
Chỉ có điều mọi nghi vấn của tôi đến giờ vẫn còn nhiều khúc mắc.
Không giấu gì trưởng làng, ngoài công việc bốc mộ, tôi cũng biết một chút về kinh dịch, phong thuỷ.
Ngay khi đặt chân vào trong làng, Lương tôi đã có một linh cảm không lành.
Tuy nhiên làng mình có vượng khí khá tốt, con người hiền hậu, mến khách.
Làng còn có thần bảo hộ, nhưng mà….
Ông Vọng hồi hộp hỏi:
— Nhưng sao ạ, bác có gì cứ nói.
Ông Lương đáp:
— Nhưng sau cơn mưa kéo dài ấy, làng ta đã có một sự thay đổi.
Đúng hơn, trận mưa đầu tiên rơi xuống, nước mưa đã phảng phất một mùi tanh rồi.
Xưa nay, trong nước mưa mà có mùi hôi tanh, thường đó là điềm dữ.
Ngay sau đó làng liên tiếp xảy ra chuyện.
Chỉ e đất làng bị động, hoặc không may nơi linh thiêng của làng đã bị ô uế.
Cơ mà không hiểu tại sao, mấy ngày qua tôi thử bấm độn, luận quẻ, cố cách mấy cũng không thể luận được ra đó là nơi nào.
Thịnh tình của trưởng làng đối với tôi rất tốt, tôi cũng muốn giúp dân làng nhưng xem ra phải tìm hiểu thêm một số chuyện.
Trưởng làng yên tâm, tôi sẽ cố gắng hết sức mình.
Đây có lẽ cũng chính là một cơ duyên trong cuộc hành trình của tôi.
Trước mắt, trưởng làng cứ họp làng rồi thông báo cho mọi người chuyện đã xảy ra ngày hôm qua.
Cẩn tắc vô áy náy, để mọi người đề phòng thì vẫn hơn.
Ông Vọng cúi đầu cảm ơn ông Lương rối rít.
Đúng là việc cần làm bây giờ chính là thông báo về đàn gà bị trúng độc chết tối ngày hôm qua.
Hối hả cho người đi thông báo với đại diện từng hộ gia đình trong làng, làng Văn Thái họp làng khẩn cấp.
Khoảng hơn 1 tiếng sau, người này gọi người kia, cuối cùng mọi người cũng đã tụ tập ở trước sân đình thờ thần Thành Hoàng làng.
Ngôi đình khá lớn nằm về phía tay trái tính từ chỗ giếng làng quẹo sang.
Ngược với đường đi vào nhà trưởng làng.
Thoáng thấy đã đông người, ông Vọng, với tư cách là trưởng làng đứng trước dân làng phát biểu:
— Mọi người trật tự, gọi mọi người đến sân đình gấp như thế này là có hai việc quan trọng.
Việc đầu tiên đó là chúng ta phải hợp sức cùng nhau cải tạo lại đồng ruộng sau đợt ngập úng vừa rồi.
Thiên tai là ý trời khó tránh khỏi, nhưng bà con đừng vì thế mà nản lòng.
Vụ sau chắc chắn sẽ bội thu.
Còn con giống, cây giống là chúng ta còn có thể bắt đầu lại.
Làng ta đã tồn tại cả 100 năm nay, ngày xưa các cụ cũng phải oằn mình chống chọi với mưa bão, lụt lội.
Chỉ cần bà con ta đoàn kết thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua.
Nghe ông trưởng làng nói, mọi người bên dưới đều đồng tình.
Dù sao đó cũng là cách tốt nhất lúc này, không thể cứ ngồi ủ rũ tiếc nuối những thứ đã bị tàn phá được.
Mọi người chờ đợi trưởng làng nói tiếp đến việc thứ hai.
Ông Vọng tiếp tục, nhưng trước khi nói, ông đặt cái chậu bên trong có đựng xác con gà đã chết từ tối hôm qua lên trên bàn.
Từ tối qua cho đến sáng nay mà con gà đã rụng hết lông, thịt của nó đã thối bốc mùi rồi rữa ra từng mảng nhỏ.
Một mùi xú uế toả ra trong không khí khiến cho ai ngửi thấy cũng phải bịt mũi.
Ông Vọng chỉ tay vào cái chậu rồi nói:
— Đây chính là chuyện thứ 2 tôi muốn nói với mọi người.
Tối ngày hôm qua, đàn gà nhà cô Xoan không rõ tại sao nhưng đã lăn đùng ra chết cả đàn.
Nguyên nhân ban đầu được xác định, đàn gà chết là do bị trúng độc.
Cả đàn hơn hai chục con chết cứng, chổng chân lên trời, chích máu từ thân gà ra thì máu đó có màu đen kịt.
Do sợ để lâu sẽ sinh lây nhiễm nên ngay tối qua, tôi cùng với cô Xoan đã thiêu huỷ toàn bộ số gà chết.
Chỉ giữ lại 1 con để cho mọi người nhìn.
Mọi người xem xem, mới qua 1 đêm, nhưng xác con gà đã thối rữa, rụng hết lông, da thịt chuyển màu đen sậm.
Dứt lời, ông Vọng kêu người bê cái chậu đựng xác con gà đặt giữa sân đình để bà con tự nhìn.
Mọi người bịt mũi tiến lại gần xem có đúng như vậy hay không.
Và không ai dám nhìn lại lần thứ hai.
Dưới sân đình, những tiếng xì xào bàn tán bắt đầu vang lên:
” Sao lại chết thối ra thế nhỉ..”
” Có thật là bị trúng độc không..? “
” Thật đấy, nhìn xác con gà chuyển màu đen kia thì không sai đâu.
Mà nhìn mặt nhà Xoan thất thần thế kia cơ mà..Cả đàn gà 20 con chứ ít gì.”
” Tôi không tin trong làng lại có kẻ nào ác đức thế đâu.”
” Khổ thân nhà Xoan, chồng thì mất sớm, hai mẹ con sống với nhau, đã vậy đứa con gái còn bị mù.
Nhà nó có bao giờ cãi vã hay gây thù với ai đâu cơ chứ..”
Ông Vọng gõ gõ tay xuống bàn rồi nói:
— Bà con cũng nhìn thấy rồi đấy, cả đàn gà chết cùng với một triệu chứng giống hệt nhau.
Không thể là do dịch được.
Bản thân tôi cũng không tin trong làng có người làm chuyện ác nhân này.
Nhưng trước khi tìm ra nguyên nhân khiến cho đàn gà bị chết.
bà con nên cẩn thận chú ý, đề phòng vẫn hơn.
Bà con ạ, hoàn cảnh của cô Xoan đây chúng ta ai cũng biết, hai mẹ con cô ấy nương tựa vào nhau mà sống sau khi anh Tỵ qua đời.
Biết rằng dân làng ta làm lụng đồng áng quanh năm cũng chỉ đủ ăn, nhà cũng vẫn toàn nhà tranh vách đất, ai khá giả mới có cái nhà ngói.
Vụ mùa vừa rồi mưa lụt làm úng ngập gần như mất trắng.
Nhưng truyền thống của làng từ thời cha ông để lại, luôn đặt ra tôn chỉ, đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau.
Bà con ta nghèo tiền bạc, vật chất nhưng sống với nhau luôn giàu cái tình cảm xóm làng.
Nay tôi thay mặt cô Xoan, mở lời mong muốn bà con mỗi người giúp cho cô ấy một chút.
Để mẹ con cô ấy có cái sinh nhai sau những chuyện không may.
Ông Vọng vừa nói dứt câu thì bên dưới đã hô hào:
— Bác trưởng làng nói đúng lắm, chúng tôi cũng nghĩ như vậy.
Thế nên, ai có gì giúp nấy, người có tiền giúp tiền, người có gạo giúp gạo.
Của ăn bao nhiêu cũng hết, mỗi người góp một ít cũng đủ mẹ con cô ấy trang trải đến vụ mùa sau.
Góp gió thành bão, đây là lúc dân làng ta thể hiện tình làng nghĩa xóm thiêng liêng, phải không mọi người.
Người khác đồng tình:
— Nhà Xoan đừng lo lắng nhiều nhé, của đi thay người.
Lát về tôi bảo mụ vợ cầm sang cho dăm cân gạo.
Ông Vọng cảm động rấn nước mắt trước tình cảm của người dân trong làng.
Đó chính là lý do vì sao khi ông Lương nói đàn gà bị trúng độc mà chết ông không tin.
Xưa nay người dân trong làng chưa bao giờ sống ác với nhau như vậy.
Nhưng cái chết của cả đàn gà vẫn còn là một ẩn số chưa có lời giải.
Nếu không phải có người hạ độc thì làm sao cả đàn gà lại chết hết cùng một lúc như vậy..?
Trong lúc mọi người đang an ủi nhà chị Xoan thì bất ngờ có người đàn ông đứng lên trước đám đông rồi nói:
– – Thưa bác Vọng, thưa toàn thể bà con, tôi có điều này muốn nói.
Ông Vọng đáp:
– – Nhà anh Sửu có gì cứ trình bày cho bà con nghe.
Anh Sửu tiếp:
– – Việc giúp đỡ nhà cô Xoan thì chắc chắn bà con sẽ chung tay giúp đỡ rồi.
Nhưng còn việc cả đàn gà bị trúng độc chết chúng ta cũng phải tìm ra nguyên nhân.
Cho dù nó có không phải là do bị hạ độc thì việc chết cả đàn gà ít nhiều cũng khiến bà con lo lắng nếu không biết rõ lý do là vì đâu.
Ông Vọng ngắt lời Sửu:
– – Nhà Sửu nói rất đúng, tôi cũng đang tìm hiểu chuyện này, trước mắt tôi sẽ báo cáo xã về việc này để cán bộ xã cử người về xem xét, điều tra.
Hi vọng chúng ta sẽ có câu trả lời sớm nhất.
Sửu đưa tay ra rồi nói tiếp:
– – Trưởng làng nói chí phải, nhưng ý của tôi là….Mặc dù lâu nay làng ta chưa xảy ra việc này bao giờ, nhưng con người ai cũng có mặt tốt, mặt xấu….Thế nên, trước khi chờ sự việc sáng tỏ, chi bằng ngay bây giờ, tại sân đình thờ Thành Hoàng làng, bà con mỗi người đứng trước lư hương của đình, thắp một nén nhang rồi khấn không phải mình làm chuyện ác đức kia, có thần linh chứng giám, kẻ nào làm ác sẽ bị trừng phạt.
Ông Vọng ấp úng:
– – Chuyện này….chuyện này có cần phải như vậy không….? Tôi tin bà con mình không ai….
Sửu lắc đầu:
– – Cũng chỉ là thắp một nén hương thôi mà, nếu ai không có tâm ác thì sao phải sợ chứ, phải không bà con.
Đình làng mình xưa nay rất thiêng, kẻ nào làm ác đứng trước sân đình coi chừng bị Thành Hoàng vật cho méo miệng đấy nhé.
Chắc mọi người còn nhớ ngày trước thằng con nhà Thìn uống rượu say, đi bậy ngay cổng đình bị vật cho ốm suốt 2 tháng, không có bà Điều thầy cúng làm lễ đi xin Thành Hoàng 3 ngày thần mới tha cho là gì.
Thấy Sửu nói cũng có lý, dù sao cũng chỉ là thắp một nén hương trước sân đình, tâm trong sạch, không làm chuyện thất đức thì có gì đâu phải sợ.
Vậy nên mọi người đều đồng ý.
Ông Vọng là trưởng làng lên ông là người dầu tiên thắp nhang cầu khấn trước.
Tiếp theo đó là nhà Sửu, người đã đề xuất việc này…..Lần lượt, lần lượt từng người đứng trước lư hương lớn của đình chắp tay kính cẩn.
Cũng gần hết những người có mặt ở Đình thì đột nhiên ông Vọng nghe thấy có tiếng ồn ào phía dưới:
– – Ơ này, nhà Mão định đi đâu đấy….Thắp hương xong rồi hãy về chứ.
Mọi người nghe vậy thì quay lại, đúng thật là có người đang định bỏ về, mà người này còn đứng cuối hàng, đó chính là tay Mão bán rượu.
Thấy mọi người nhìn mình Mão cười gượng:
– – À hi hi, tôi định đi ra ngoài vệ sinh một chút, mắc quá….Ngồi từ sớm đến giờ rồi.
Cuối cùng cũng đến lượt Mão khi tất cả mọi người đều đã thắp hương lạy thần Thành Hoàng xong.
Mão lúng túng không chịu lên, Sửu nói:
– – Kìa chú Mão, còn mỗi mình chú thôi đấy….Nhanh rồi cho mọi người còn về.
Mão nói run run:
– – Hay….hay là không…cần đâu…..Mọi người cứ về…đi nhỉ…?
Càng lươn khươn thì Mão lại càng khiến mọi người cảm thấy có gì đó không bình thường.
Tất nhiên là Mão phải lên thắp hương, bước chân chậm chạp, càng tiến đến gần lư hương thì Mão lại càng run lên bần bật.
Khói nhang bốc lên nghi ngút từ những nén nhang được mọi người thắp trước đó, phía bên trong đình, bức tượng thần Thành Hoàng cứ như đang nhìn thẳng vào mặt Mão.
Hai bàn tay run như cầy sấy, Mão nhìn mọi người xung quanh, ai cũng đang chờ Mão cắm nhang vào lư, thì đột nhiên Mão thả nén nhang ở tay ra rồi quay lưng bỏ chạy, miệng gào thét:
– – Không…..không….Tha…tha….cho tôi..