Bạn đang đọc Miền đất thất lạc: Arthur Conan Doyle – Chương 07
Chương 07
NGÀY MAI CHÚNG TÔI SẼ MẤT HÚT TRONG MIỀN XA LẠ
Tôi sẽ không làm cho những người đọc bài tường thuật này chán, vì phải nghe một bản báo cáo về chuyến đi sang trọng của chúng tôi trên con tàu lớn này. Tôi sẽ không kể lại một tuần lễ dừng lại ở Para. Tôi chỉ nói vắn tắt về chuyến đi ngược dòng của chúng tôi, trên một con sống rộng, nước chảy lờ đờ, màu đất sét, trong một con tàu hơi nước nhỏ, nhỏ hơn nhiều con tàu đã mang chúng tôi vượt Đại tây dương. Cuối cùng chúng tôi cũng đến eo sông Obidos gần thị trấn Manaos. Tại đây chúng tôi gặp ngài Shortman – đại diện của công ty thương mại Anh và Braxin cho tá túc thay vì phải ở trong những căn nhà trọ chật hẹp của thị trấn. Chúng tôi được tiếp đón rất nồng nhiệt và phải đến mấy hôm sau nữa chúng tôi mới dám mở lá thư của Giáo sư Challenger ra để xem ông ấy viết gì trong đó. Trước khi đối mặt với những khó khăn cũng như những điều mới lạ của miền đất mới này tôi muốn phác thảo sơ qua chân dung của những người bạn đồng hành của mình.
Những thành tựu mà Giáo sư Summerlee đạt được quá nổi tiếng khiến cho tôi rất khó mà tóm lược ở đây. Ông được trang bị vô cùng kỹ lưỡng cho chuyến đi này. Cơ thể gầy gò và cao lêu nghêu của ông có vẻ như không biết mệt mỏi là gì. Phong cách hài hước và vẻ mặt lạnh lùng khiến mọi người cảm giác rằng không có gì có thể thay đổi được ý chí của ông. Mặc dù đã ở tuổi sáu mươi sáu nhưng tôi chưa từng thấy ông phàn nàn về những khó khăn vất vả mà chúng tôi phải đối mặt trong suốt cuộc hành trình. Lúc đầu tôi coi ông ấy như là một trong những gánh nặng của chúng tôi nhưng đến bây giờ tôi có thể khẳng định rằng sức chịu đựng của ông có thể ngang ngửa với tôi. Giáo sư Summerlee có tính hay gắt gỏng và đa nghi. Từ đầu cho tới giờ ông luôn cho rằng Giáo sư Challenger chỉ là một tay dối trá thượng thặng, rằng chúng tôi giống như những người đang đi đuổi bắt đàn ngỗng trời một cách vô dụng, rằng những gì chúng tôi tìm thấy ở Nam Mỹ chỉ là sự thất vọng và nguy hiểm, rằng khi quay trở về chúng tôi sẽ chỉ nhận được sự chê cười của mọi người. Suốt từ quãng đường từ Southamton tới Manaos chúng tôi thường xuyên phải nghe những lời tương tự như thế từ miệng ông. May mắn thay từ lúc rời tàu ông đã tìm thấy vẻ đẹp của những loài côn trùng cũng như những loài chim xung quanh bởi vì bản thân ông lại là một nhà khoa học vô cùng say mê với chuyên môn của mình. Ông thường dành cả ngày trời để đi vào rừng với khẩu súng ngắn và cái vợt bắt bướm và đến khi tối mịt ông quay về với bao nhiêu là mẫu vật mà ông sưu tập được trong ngày. Một trong những tính cách kỳ cục nhất của ông đó là hoàn toàn không mấy quan tâm đến trang phục của mình, quần áo luôn luôn nhàu nát và bẩn thỉu. Hầu như chẳng mấy khi ông rời cái tẩu thuốc xì gà của mình. Tính cách thì đãng trí một cách không thể tin được. Thời trẻ ông cũng từng tham gia vài cuộc thám hiểm khoa học (cùng với Robert ở Papua) nên cảnh sống trong lều trại và trên xuồng đối với ông không có gì mới mẻ cả.
Huân tước Roxton có một vài điểm chung với Giáo sư Summerlee đó là cả hai đều hay đả kích nhau. Huân tước trẻ hơn Giáo sư Summerlee hai mươi tuổi nhưng ông cũng có vóc dáng xương xương như thế. Vẻ bề ngoài của Huân tước tôi đã có dịp miêu tả cho bạn đọc nghe. Huân tước là một người lúc nào cũng gọn gàng và có tính cách rất nghiêm nghị. Hầu như không lúc nào ông không mặc bộ quần áo màu trắng bằng vải thô, đi giầy chống muỗi cao cổ màu nâu và cạo mặt ít nhất một lần trong ngày. Đúng phong cách của những người đang làm nhiệm vụ – ông ta tỏ ra rất kiệm lời và thường đắm chìm trong những suy nghĩ riêng tư nhưng nếu có ai hỏi ông điều gì ông thường trả lời rất nhanh và ông cũng tham gia vào cuộc đối thoại một cách hào hứng với một phong cách hài hước đến kỳ lạ. Những kiến giải của ông về thế giới cũng như về Nam Mỹ thật đáng kinh ngạc. Huân tước Roxton có một niềm tin tưởng tuyệt đối và kết quả của chuyến đi và ông hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi những ý nghĩ của Giáo sư Summerlee. Ông Roxton có một giọng nói vô cùng nhẹ nhàng, một phong thái điềm tĩnh hiếm có nhưng ẩn chứa đằng sau đôi mắt xanh lấp lánh kia luôn là những cơn phẫn nộ và một ý chí sắt đá. Tôi biết điều đó thật đáng sợ bởi vì tính khí dữ dội ấy lại được một thái độ vô cùng điềm tĩnh che khuất. Huân tước nói rất ít về những kỳ tích mà ông đã lập được ở Braxin và Peru, nhưng trong câu chuyện của ông tôi thấy thích thú nhất là đoạn ông kể về cuộc sống của ông tại các bộ tộc ven sông, ở đó người ta đã coi ông là một nhà vô địch và là thần hộ mệnh cho họ. Những chiến công của Thủ Lĩnh Đỏ (biệt hiệu mà các thổ dân đã đặt cho ông) đã trở thành huyền thoại trong lòng những người dân ở đó. Tôi được biết thêm rằng thực sự những việc mà Huân tước đã làm tại khu vực Nam Mỹ này cũng rất đáng khâm phục trong xã hội văn minh mà chúng ta đang sống chứ không riêng trong những bộ tộc rừng sâu này.
Một trong những kỳ tích đó là chuyện Huân tước Roxton một lần bị lạc trong một khu vực không có người sinh sống gần biên giới giữa các nước Braxin, Peru và Colombia. Tại nơi này những cánh rừng cao su dại trải ngút mắt. Đối với những người dân Congo thì đó là một tai họa. Cây cao su gây đau khổ cho họ cũng giống như những hầm mỏ khai thác vàng bạc vùng Darien của bọn thực dân Tây Ban Nha đã gây cho đồng bào của họ. Ở đây có hàng tá bọn chủ người lai thống trị vùng đất này, chúng trang bị vũ khí ột nhóm người da đỏ và dùng họ để đàn áp những người da đỏ khác và biến trở thành những người nô lệ. Chúng thường xuyên khủng bố người da đỏ bằng sự tra tấn dã man nhằm ép thu hoạch nhựa cây cao su để từ đó chúng chuyển về xuôi theo dòng sông Para. Huân tước Roxton – đại diện cho những thổ dân đã bị đối xử dã man đã chỉ trích gay gắt những hành động đó nhưng những gì ông nói hầu như không thu được kết quả gì ngoài những lời đe dọa và xúc phạm. Chính vì thế Huân tước Roxton đã chính thức tuyên chiến với Pedro Lopez – tên đứng đầu trong số những kẻ buôn bán và sử dụng nô lệ. Ông đã tuyển mộ được một số những nô lệ bỏ trốn khỏi tay bọn buôn người, trang bị vũ khí cho họ và tấn công bọn chủ nô. Kết quả là ông đã tự tay hạ thủ được tên Pedro Lopez và phá tan cái tập đoàn tội ác theo sau hắn ta.
Không có gì ngạc nhiên khi ta thấy một người đàn ông tóc hoa râm với giọng nói ngọt ngào, phong cách tự tin phóng khoáng đang ngồi mải mê ngắm những dòng sông Nam Mỹ rộng lớn. Tuy nhiên cảm xúc của ông lại đang bởi ông luôn canh cánh một điều rằng tình yêu của mình đối với thổ dân cũng tỷ lệ thuận với sự thù hận bọn chủ nô – những kẻ chỉ muốn thu lợi từ sự khổ cực của nô lệ. Trong thời gian ở đó ông đã thu được một kinh nghiệm hiếm có đó là ông có thể giao tiếp thoải mái với người dân vùng Lingoa Geral – nơi có một phần ba người là người Bồ Đào Nha và số còn lại là người da đỏ.
Có lần tôi đã nói với độc giả rằng Huân tước Roxton là một người say mê Nam Mỹ một cách cuồng nhiệt. Ông thường nói về vùng đất này với một niềm đam mê không che dấu và sự say mê của ông còn truyền sang cả tôi. Vốn tự nhận là một người dốt nát nhưng tôi cũng bị những câu chuyện của ông hấp dẫn. Giá như tôi có thể ghi lại được những gì Huân tước đã kể. Sự kết hợp một cách tài tình giữa kiến thức thực tế và óc tưởng tượng phong phú đã làm cho những câu chuyện của ông có một sức hấp dẫn đặc biệt. Thậm chí khi nghe chuyện của ông thì nụ cười khinh mạn và hoài nghi thường thấy trên khuôn mặt của Giáo sư Summerlee cũng biến mất. Huân tước kể về lịch sử của những dòng sông dũng mãnh, nơi xưa kia những người khai phá đất nước Peru đã từng gắn bó trong các chuyến hành trình xuyên lục địa của mình. Những dòng sông mà đến nay vẫn cất giấu những bí mật giữa hai bờ đắp bồi thường niên thay đổi.
– Gì thế kia nhỉ? – Huân tước kêu to và chỉ tay về phía bắc – những cánh rừng già chưa có dấu chân người và đầm lầy? Ai có thể biết được ở đó ẩn chứa điều gì? Điều gì ẩn khuất trong những cánh rừng nguyên thủy hoang vu phương Nam kia, nơi chưa một người da trắng nào đặt chân tới. Đối với chúng ta sự bí ẩn của vùng đất này nằm sâu trong từng bờ cây bụi cỏ. Vượt ra ngoài những dòng sông kia là những gì? Ông già Challenger có lý lắm chứ!
Đến lúc này thì nụ cười mỉa mai và khinh mạn lại xuất hiện trên gương mặt Giáo sư Summerlee. Ông ngồi trên ghế lắc lắc đầu vẻ coi thường, khuôn mặt ẩn hiện sau làn khói thổi ra từ cái tẩu làm bằng rễ cây thạch nam.
Đó là những gì tôi muốn nói với độc giả về hai người bạn đồng hành da trắng của tôi. Và tôi cũng nói thêm rằng chúng tôi đã kịp thuê được mấy người giúp việc – những người đã góp phần không nhỏ cho thành công của chuyến đi.
Trước hết là một người da đen to lớn tên là Zambo. Trông anh ta như một chàng Hercules da đen. Anh chàng này cũng có vẻ thông minh và nhiệt tình. Chúng tôi đã gặp anh ta ở Para do sự giới thiệu mấy người làm cho công ty tàu biển chạy bằng hơi nước. Trước đây trong thời gian làm việc trên tàu anh ta đã học được tiếng Anh mặc dù bây giờ vẫn chưa nói được tốt lắm.
Cũng ở Para chúng tôi tuyển mộ được Gomez và Manuel – hai anh chàng lai da đen khi họ đang chở gỗ tùng phía thượng nguồn xuống dưới bán. Đó là những anh chàng có nước da ngăm đen và bộ râu dữ tợn. Họ dẻo dai và linh hoạt như những con báo. Cả hai đều là những người đã sống một phần lớn thời gian tại những khu vực quanh thượng lưu sông Amazon – nơi chúng tôi đang dự định khám phá và đó cũng chính là lý do mà Huân tước đồng ý nhận thuê hai người này. Gomez có thêm một ưu thế nữa là anh ta có thể nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Với số tiền công là mười lăm đô la một tháng, những người làm công sẵn sang phục vụ tận tình chu đáo cho chúng tôi từ việc nấu nướng, chèo thuyền… Chúng tôi cũng mướn thêm ba người da đỏ của bộ tộc Mojo trên đất Bolovia. Nói về tài câu cá và đóng thuyền thì họ là bộ tộc giỏi nhất trong các bộ tộc sinh sống ven sông. Chúng tôi gọi người đứng đầu trong ba người đó là Mojo – theo đúng tên bộ tộc của họ còn hai người kia tên là José và Fernando. Ba người da trắng chúng tôi, hai người lai da đen, một người da đen và ba người da đỏ là những thành viên của đoàn thám hiểm. Trước khi bắt đầu tiến sâu vào rừng chúng tôi đang nghiên cứu hướng đi tại Manaos.
Cuối cùng thì sau một tuần lễ mệt nhọc cái gì đến đã đến. Tôi muốn các độc giả tưởng tượng đến căn phòng khách tại Fazenda Santa Ignacio cách Manaos hai dặm đường. Ánh nắng mặt trời trải dài khắp các bụi cây ngọn cỏ, những cây cọ cao lêu nghêu đổ bóng xuống mặt đất. Đất trời im ắng chỉ trừ có tiếng kêu muôn thuở của các loài côn trùng – một dàn nhạc bát âm miền nhiệt đới, từ tiếng kêu vo vo của giọng cao của đàn muỗi. Trước hiên nhà chúng tôi là một mảnh vườn nhỏ sạch sẽ, được rào bởi một hàng rào xương rồng, những bụi hoa nhỏ li ti, trong vườn từng đàn bướm xanh tung tăng bay lượn, những con chim ruồi nhỏ xíu kêu u u và thỉnh thoảng bay vun vút trong không trung như những mũi tên. Chúng tôi ngồi quanh một chiếc bàn mây, trên bàn là một chiếc phong bì được dán kín có hàng chữ viết tay của Giáo sư Challenger:
“Những điều lưu ý cho Huân tước Roxton và những người đi cùng.
Chỉ được phép mở đúng lúc 12 giờ trưa ngày 15 tháng bảy tại Manaos”.
Huân tước John Roxton đặt chiếc đồng hồ của ông trên bàn.
– Chúng ta còn bảy phút nữa! – Ông nói Ông già Challenger khó tính thật!
Giáo sư Summerlee nhếch mép mỉm cười và đưa đôi tay gầy guộc cầm chiếc phong bì lên.
– Mở ngay bây giờ hay trong bảy phút nữa nào có ý nghĩa gì đâu, cũng là một chi tiết trong một cuộc lừa bịp lớn lao này thôi mà. Chẳng có gì ghê gớm lắm trong chiếc phong bì này đâu. Tôi rất tiếc phải nói với quý vị rằng người viết lá thư này thật ra là một tay chẳng ra gì!
– Thôi nào! Chúng ta cần phải tôn trọng luật chơi – Huân tước Roxton nói – Đó là cuộc trình diễn của Giáo sư Challenger, chúng ta ở đây là do ý tốt của ông ấy. Chúng ta sẽ phụ lòng ông ta nếu chúng ta không nhớ những gì ông ta dặn dò.
– Một công việc cũng không hay ho lắm! – Giáo sư Summerlee kêu lên – lúc ở Luân Đôn tôi thấy điều này cứ ngớ ngẩn thế nào ấy! Nhưng về sau tôi cũng thấy quen dần đi. Tôi không biết trong chiếc phong bì này có cái gì nhưng nếu trong đó toàn những thứ lờ mờ thì tôi sẽ nhảy lên thuyền xuôi dòng về Para và đón tàu Bolivia về nước Anh ngay. Tôi có việc để làm chứ không phải chỉ có mỗi việc dây dưa với những ý nghĩ điên rồ của một con người điên rồ này đâu. Nào ông Roxton! Tôi nghĩ là đến lúc mở phong bì này ra rồi đấy.
– Đến giờ rồi – Huân tước nói – các ông có thể huýt sáo được rồi.
Nói rồi Huân tước cầm chiếc phong bì lên và dùng dao nhíp rạch nắp. Ông rút ra một tờ giấy được gấp lại cẩn thận. Huân tước cẩn thận trải miếng giấy lên bàn. Đó là một mảnh giấy trắng. Huân tước lật mặt kia lên và thấy cũng chẳng có ghi gì trên đó cả. Chúng tôi nhìn nhau hoang mang.
– Thế đấy! Giáo sư Summerlee kêu lên – Các ông còn muốn gì hơn nữa? Chính hắn đã tự nhận mình là một tay bịp bợm có hạng. Giờ chúng ta chỉ còn có việc quay về nhà và thông báo với mọi người về tay lừa đảo vô liêm sỉ này.
– Rất có thể là mực không màu thì sao! – Tôi gợi ý.
– Tôi không nghĩ như thế! – Huân tước nói và đưa tờ giấy về hướng ánh sáng.
– Không! Mấy ông ngốc ạ! Đừng tự lừa dối mình như thế! Tôi dám cá rằng hắn chẳng viết cái gì trên miếng giấy cả.
– Tôi có thể vào được không? – Có tiếng ai đó bên ngoài.
Có bóng người thấp lùn che khuất ánh nắng chiếu vào nhà. Giọng nói, đôi vai rộng quá cỡ quen quen. Tất cả chúng tôi đều đứng bật dậy kinh ngạc khi thấy Giáo sư Challenger đầu đội một cái mũ rơm tròn ngộ nghĩnh và được buộc bằng một băng vải nhiều màu như của trẻ con. Giáo sư Challenger – hai tay đút túi áo jacket, đôi giầy bằng vải bạt xinh xắn nhón những bước đi nhẹ nhàng đáng kinh ngạc. Giáo sư hơi nghiêng đầu ra phía sau, ông đứng đó trong ánh nắng tràn trề rạng rỡ, bộ râu xồm xoàm uy nghi, đôi lông mày dài và đôi mắt độ lượng.
– Tôi e rằng! – Giáo sư nói và tháo cái đồng hồ đeo tay ra – tôi e rằng tôi bị chậm mất mấy phút. Nói thật rằng lúc tôi đưa cho các vị cái phong bì này, thì tôi cũng không hề muốn các vị mở nó ra bởi vì tôi cũng đã dự định là sẽ có mặt đúng vào cái thời điểm đó. Nguyên nhân sự chậm trễ của tôi là do người hoa tiêu đã bị lạc đường và do cát lỡ. Tôi sợ rằng điều đó đã làm cho ông bạn đồng nghiệp của tôi – Giáo sư Summerlee – có cơ hội để nguyền rủa tôi.
– Tôi muốn nói rằng… thưa ngài… – giọng nói của Huân tước đã trở nên nghiêm nghị – Sự có mặt của ngài vào lúc này là một niềm an ủi lớn cho chúng tôi bởi vì cuộc thám hiểm của chúng tôi cơ hồ có thể bị hủy. Thậm chí cho đến bây giờ tôi cũng không thể hiểu được vì sao mà ngài lại có khả năng làm việc kinh khủng như thế.
Giáo sư Challenger không trả lời mà bước đến bắt tay tôi và Huân tước Roxton, ông cúi xuống một cách nặng nhọc để chào Giáo sư Summerlee sau đó ông ngồi phịch xuống cái ghế mây khiến nó kêu cót két.
– Các ngài chuẩn bị chu đáo cho ngày khởi hành rồi chứ? – Ông hỏi.
– Ngày mai là có thể khởi hành được rồi!
– Thế thì tốt rồi! Các ngài không cần đọc bản đồ chỉ dẫn nữa bởi vì các ngài đã có tôi – một người có khả năng dẫn đường tuyệt vời! Ngay từ lúc đầu tôi đã có ý định theo dõi cuộc điều tra của các ngài. So với khả năng tuyệt vời và sự thông minh xuất chúng của tôi thì tấm bản đồ chỉ đường chỉ là miếng giấy lộn. Những gì tôi nói với các ngài về chiếc phong bì này chẳng qua chỉ là một trò đùa vặt vãnh của tôi mà thôi. Như vậy là tất cả các ngài đã hiểu rõ ý định của tôi rồi. Tôi buộc phải làm như vậy để chống lại sức ép không mấy hay ho của mọi người về chuyến đi của tôi.
– Tôi không gây sức ép gì đâu nhé! – Giáo sư Summerlee nói vẻ thân mật – Miễn là có đủ tàu trên biển Đại Tây Dương là đủ rồi!
Ông Challenger xua xua bàn tay đầy lông lá và to như hộ pháp.
– Tôi chắc chắn rằng các ngài nghĩ rằng tôi sẽ đến đây đúng lúc như đã hẹn trước khi lên đường và muốn tôi có mặt ở đây đúng thời điểm cần thiết nhất để hướng dẫn các ngài chi tiết. Giờ thì tôi đã ở đây. Tất cả các ngài đều an toàn và khỏe manh cả. Bây giờ thì các ngài không thể thất bại trong cuộc hành trình đầy khó khăn này được. Từ bây giờ trở đi, tôi sẽ là người chỉ huy của đoàn thám hiểm này. Tôi yêu cầu tất cả các ngài chuẩn bị kỹ lưỡng trong buổi tối hôm nay để sáng sớm mai chúng ta kịp lên đường. Thời gian của tôi là vàng ngọc và xét theo một khía cạnh nào đó thời gian của các ngài cũng gần như thế. Như vậy tôi đề nghị tất cả mọi thành viên trong đoàn cần khẩn trương gấp rút chuẩn bị ngay từ bây giờ.
Huân tước John Roxton thuê một chiếc tàu chạy bằng hơi nước tên là Esmeralda – chiếc tàu có nhiệm vụ đưa chúng tôi lên phía thượng nguồn. Giờ khởi hành được chúng tôi chọn một cách hoàn toàn ngẫu nhiên bởi vì khí hậu ở đây cực kỳ khắc nghiệt. Nhiệt độ trung bình dao động từ bảy mươi năm độ cho đến chín mươi độ F. Thời gian từ tháng Mười Một năm này đến tháng Năm năm sau là mùa mưa, trong thời gian này nước sông thường dâng cao hơn mức thông thường bốn mươi feet. Hai bên bờ sông ngập băng, dòng nước ngập hết cả những vùng đất rộng lớn chỉ để lại một khu vực riêng rẽ gọi là Gapo. Đây là khu vực mà người ta không thể đi bộ bởi vì nhiều bùn lầy và cũng không thể đi thuyền vì nước cạn. Khoảng tháng Sáu nước sông bắt đầu rút đi và đạt mức thấp nhất vào tháng Mười và tháng Mười Một. Cuộc thám hiểm của chúng tôi bắt đầu vào mùa khô khi mà con sông lớn và những nhánh sông con đã trở lại trạng thái bình thường.
Con sông có dòng chảy không lớn lắm. Độ dốc không quá 8 inches một dặm vì vậy đây là con sông thuận tiện cho việc đi lại nhất. Thời điểm này con gió đông nam đang thổi mạnh nên những chiếc thuyền buồm có thể đi liền một mạch tới biên giới Peru. Còn chiếc Esmeralda của chúng tôi do có động cơ rất tốt nên có thể vượt qua những chỗ hiểm trở nhất của dòng sông một cách dễ dàng như đi trên mặt hồ. Chúng tôi mất ba ngày để tiến vào một con sông phía Đông bắc, mặc dù vậy có lẽ cũng còn cách vùng đầu nguồn hàng ngàn dặm chứ chẳng ít. Con sông lớn đến nỗi nhìn xa xa hai bên bờ sông chỉ là những đường thẳng mờ mờ như hai đường chân trời. Ngày thứ tư từ khi rời Manaos, thuyền chúng tôi ghé vào một nhánh sông nhỏ hơn con sông cái một chút. Càng đi sâu vào thì càng thấy nhánh sông này nhỏ lại. Mất hai ngày nữa chúng tôi mới đến một ngôi làng của người da đỏ – nơi mà Giáo sư Challenger khuyên chúng tôi nên đỗ lại để nghỉ ngơi và chúng tôi nên trả lại chiếc Esmeralda về Manaos. Ông nói rằng chúng tôi sẽ gặp không ít thác ghềnh phía trước nên có lẽ sẽ không dùng thuyền được nữa. Ông cũng nói riêng với chúng tôi rằng nơi đây chính là cửa ngỏ của vùng đất huyền bí – tâm điểm của cuộc hành trình và ông nhấn mạnh rằng có càng ít người tham gia vào cuộc thám hiểm này càng tốt. Cuối cung Giáo sư Challenger yêu cầu chúng tôi hứa danh dự sẽ không nói hoặc cho phép in ấn tất cả những gì liên quan đến vùng đất mà chúng tôi sẽ đặt chân đến. Giáo sư cũng bắt tất cả những người phục vụ thề trước thần linh của họ với mục đích tương tự. Đó cũng là lý do tại sao mà trong câu chuyện của tôi mọi địa danh không rõ ràng chút nào, tôi cũng lưu ý rằng tất cả những bản đồ hoặc hoặc hình họa liên quan đến vùng đất này mà độc giả đang có trong tay đã được khéo léo làm lệch đi vì vậy không ai có thể dựa vào chúng để đến được vùng đất huyền bí này. Nguyên nhân Giáo sư Challenger muốn giữ bí mật vùng đất này có thể đúng đắn hoặc không nhưng chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác bởi vì ông ấy sẵn sang hủy bỏ toàn bộ chuyến đi chứ nhất định không hủy bỏ một điều kiện nào.
Ngày mồng hai tháng Tám chúng tôi tạm biệt con tàu Esmeralda trước khi nó trở về Manaos – đây là tín hiệu cuối cùng của chúng tôi với thế giới bên ngoài. Hai ngày sau chúng tôi ở trên hai chiếc xuồng nhỏ của người da đỏ. Hai chiếc xuồng được làm từ những chất liệu rất nhẹ, bằng tre bọc da vì vậy chúng tôi có thể mang chúng lên bộ tránh những vùng hiểm yếu không đi lại được bằng đường thủy. Chúng tôi chất tất cả hành lý lên hai chiếc xuồng và thuê hai người da đỏ nữa để giúp chèo thuyền. Tôi biết rằng tên của hai người da đỏ đó là Ataca và Itepu – những người đã hộ tống Giáo sư Challenger trong cuộc phiêu lưu của ông lần trước. Họ có vẻ rất sợ chuyến đi này nhưng bởi vì Giáo sư Challenger là người có quyền lực vô biên chi phối toàn bộ các vùng đất quanh đây (trong ý nghĩ của những thổ dân ở đây là thế) nên khi mà người đứng đầu bộ tộc đã đồng ý thì các thành viên của bộ tộc phải hoàn toàn thuần phục.
Vậy là ngày mai chúng tôi sẽ mất hút trên vùng đất chưa ai biết đến này. Bản báo cáo này tôi đang gởi về xuôi bằng thuyền và có lẽ đó là những lời cuối cùng tôi gởi tới những ai quan tâm tới số phận lạ lùng của chúng tôi.