Miền đất thất lạc

Arthur Conan Doyle - Chương 05 - part 02


Bạn đang đọc Miền đất thất lạc: Arthur Conan Doyle – Chương 05 – part 02

 
Ông Waldron nhìn các giáo sư ở hàng ghế đầu với vẻ kinh ngạc, cuối cùng mắt ông dừng lại chỗ giáo sư Challenger, người đang ngồi ngả người, đôi mắt nhắm nghiền, miệng không giấu được một nụ cười thỏa mãn. 
– Tôi biết! – Ông Waldron nhún vai – Chính là giáo sư Challenger vừa nói câu đó. 
Và trong lúc mọi người cười ồ lên thì ông Waldron lại tiếp tục bài diễn thuyết của mình cứ như không có điều gì xảy ra. 
Nhưng câu chuyện còn lâu mới tới hồi kết thúc. Những gì ông Waldron vừa nói, cho dù đó là sự tuyệt chủng của các loài sinh vật hay cuộc sống của sinh vật thời tiền sử đều làm cho ngài giáo sư Challenger của chúng ta không thể ngồi im được. Cử tọa đoán già đoán non và cuối cùng mọi người cười ồ lên thoải mái khi phát hiện rằng chính giáo sư Challenger là tác giả của câu nói vừa rồi. Sinh viên từ những hàng ghế chật cứng bắt đầu vào cuộc. Mỗi khi bộ râu của giáo sư Challenger vừa rung lên khi ông cất tiếng nói là có hàng trăm tiếng đồng thanh phụ họa lặp lại lời giáo sư. Đồng thời ngay sau đó cũng có một dàn đồng thanh đông không kém cùng hô lên “Thật đáng xấu hổ!”. Ông Waldron mặc dù là một người cứng rắn, có bản lĩnh nhưng cũng bắt đầu cảm thấy hơi rung động. Ông do dự, nói lắp bắp hàng tràng dài dây cà ra dây muống và cuối cùng không chịu đựng được thêm nữa ông giận dữ gầm lên: 
– Thật quá quắt! Tôi yêu cầu giáo sư Challenger dừng ngay hành vi gián đoạn ngu ngốc và mất lịch sự đó đi! 
Cả hội trường ngồi im như thóc. Bọn sinh viên đang nín lặng theo dõi hai giáo sư của họ cãi nhau như đang theo dõi các vị thần trên đỉnh Olympus tranh tài. Giáo sư Challenger bắt đầu nhúc nhích cái cơ thể khổng lồ của mình ra khỏi ghế ngồi. 
– Đến lượt tôi yêu cầu ông Waldron dừng ngay phát biểu của mình, chúng không gắn liền với những chứng cứ khoa học. 
Thế là cả hội trường huyên náo. Các tiếng nói đan xen nhau hỗn độn. 
“Xấu hổ quá!” 
“Nghe ông ấy nói đã nào!” 
“Đuổi hắn ta ra ngoài!” 
“Đề nghị chơi đẹp!” 

Ông chủ tọa vỗ hai tay bồm bộp vào nhau, miệng nói không thành tiếng: 
– Giáo sư Challenger! Đề… nghị… gặp… riêng… lúc khác! 
Giáo sư Challenger cúi mình đáp lễ, miệng ông mỉm cười, râu vểnh lên, sau đó ông quay lại chỗ của mình. Ông Waldron trong cơn tức giận vẫn không quên quan sát kẻ dám cả gan chống lại mình. Ánh mắt của ông thình thoảng lại liếc qua ông Challenger một cách dò xét. 
Cuối cùng thì bài diễn thuyết của ông Waldron cũng kết thúc. Tôi có cảm giác rằng đó là một bài nói chuyện hơi tẻ nhạt bởi tôi thấy đoạn kết của nó rời rạc và có phần vội vã. Phần lý luận của bài diễn thuyết đã bị gián đoạn một cách thô bạo, khán giả thì háo hức chờ xem điều gì xảy ra. Ông Waldron ngồi xuống và sau tiếng vỗ tay nhạt nhẽo của chủ tọa, giáo sư Challenger đứng lên và đi lại gần bục. (Vì sự kiện này gây cho tôi hứng thú lớn nên tôi đã chép lại nguyên văn bài phát biểu của ông dưới đây). 
– Kính thưa Quý ông và các Quý bà! – Ông nói trong tiếng hò hét của đám đông phía sau – Xin lỗi, tôi đã nói sai. Kính thưa các Quý ông, Quý bà cùng các Cháu, tôi xin lỗi vì đã vô tình bỏ sót một bộ phận khán giả quan trọng này -Tiếng ồn ào trong hội trường nổi lên khi giáo sư Challenger nâng một cánh tay lên, cái đầu to lớn cúi xuống như Đức Giáo hoàng vẫn thường cúi xuống ban phước cho đám đông quần chúng – Tôi được đặc cử đọc lời cảm ơn bài phát biểu đầy hình ảnh và đầy sức tưởng tượng của ông Waldron nhưng có vấn đề tôi không đồng ý với ông Waldron. Tôi không đồng ý cách giải thích đơn giản và đầy tưởng tượng của ông về sự hình thành trái đất. Các bài diễn thuyết của bình dân thường dễ hiểu và ông Waldron… – Giáo sư Challenger nói và nheo mắt nhìn về phía ông Waldron – …sẽ thứ lỗi cho nếu tôi nói rằng bài diễn thuyết của ông rất hời hợt và không đi trúng mục đích bởi vì nó đã được chuẩn bị ột đám thính giả xuẩn ngốc (có tiếng hò hét phản đối) – các diễn giả bình dân phẩm chất là đám ký sinh trùng ăn theo – (đến đây thì ông Waldron tỏ vẻ vô cùng giận dữ) nhưng ông Challenger vẫn tiếp tục nói – … họ kiếm tiền và kiếm sự nổi tiếng dựa trên thành quả lao động của đồng nghiệp khốn khổ và của rất nhiều người khác. Chỉ những phát kiến nhỏ nhất trong phòng thí nghiệm cũng được phù phép thành những phát kiến vĩ đại của khoa học. Họ tốn nhiều thời gian để diễn giải về những điều đó mà chẳng đem lại lợi ích gì. Tôi nói lên điều này không có ý định làm mất thể diện của ông Waldron nhưng tôi không muốn các bạn lầm lẫn giữa thầy tu giả danh và những thầy tu chính cống – (đến lúc này mọi người để ý thấy ông Waldron thì thầm gì đó với ông chủ tọa trong khi ông này đang nhấp nhỏm trên ghế) -… nhưng thế là đủ – (có tiếng ồn ào tỏ ý đồng tình) – … tôi xin được nói thêm một vài vấn đề rộng hơn mà chắc các bạn sẽ quan tâm. Tôi muốn đề cập đến những vấn đề quan trọng chính mà tôi với tư cách là một người chuyên đi sâu nghiên cứu tìm hiểu. Tôi đã đi tìm tính xác thực của bài diễn thuyết vừa rồi như thế nào. Đó là sự tồn tại của một loài động vật mà chúng ta chưa từng được biết đến trên trái đất này. Tôi không đề cập vấn đề này với tư cách một người nghiên cứu nghiệp dư hay một nhà diễn thuyết bình dân, mà với tư cách của một nhà khoa học và những công trình nghiên cứu được hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học. Tôi cho rằng ông Waldron đã sai khi nói động vật thời tiền sử không còn tồn tại trên trái đất này nữa bởi vì ông ta chưa được tận mắt nhìn thấy chúng. Ông Waldron đã nói rất đúng rằng loài vật tiền sử đó là tổ tiên chúng ta nhưng tôi cũng xin được nói thêm rằng chúng đang còn tồn tại trên hành tinh này. Chúng ta vẫn có thể chứng kiến cuộc sống của chúng nếu như chúng ta chịu khó và đủ sức đến đúng nơi chúng ở. Tôi biết hiện nay trên trái đất còn tồn tại những loài vật có thể ăn tươi nuốt sống những động vật to lớn và hung dữ nhất mà chúng ta từng biết… 
Có tiếng kêu to: 
– Nói bậy! 
– Hãy chứng minh! 
– Làm thế nào mà ông biết được? 
– Không tin! 
– Các bạn hỏi tôi làm sao tôi có thể biết được ư? Tôi biết được điều đó bởi vì tôi đã có dịp chứng kiến tận hang ổ của chúng. Tôi biết bởi vì tôi đã tận mắt chứng kiến những loài sinh vật như vậy! – (có tiếng hò reo, vỗ tay và cả tiếng hét “Tên lừa đảo”!) – Tôi là một kẻ lừa đảo ư?… Có phải ai đó vừa nói rằng tôi là một kẻ lừa đảo? Ai đó vừa nói rằng tôi là kẻ lừa đảo làm ơn đứng lên để tôi nhìn một chút được không? 
Có tiếng ai đó vọng lên: 
– Anh ta đây thưa ngài! 

Mọi người nhìn thấy một người dáng dấp nhỏ bé đeo kính đang chống cự quyết liệt với một đám sinh viên đang cố gắng nâng bổng anh ta lên. 
– Anh dám gọi tôi là đồ lừa đảo? 
– Không! Không! Thưa ngài! – Anh chàng nhỏ thó đó kêu lên và lủi mất. 
– Nếu có ai đó trong hội trường nghi ngờ về tính trung thực của những lời tôi vừa nói, xin hãy gặp lại sau buổi diễn thuyết này. 
Lại có tiếng: 
– Đồ lừa bịp! 
– Ai nói đó? 
Lại chính là anh chàng ban nãy và chỉ loáng một cái các sinh viên lại tung anh ta lên không như tung một quả bóng. 
– Nếu tôi đi xuống đó với các bạn… 
Có tiếng nói to: 
– Xuống đi! 
Tiếng hét làm gián đoạn mất mấy phút. Trong khi đó ông chủ tọa cuộc hội thảo đứng lên hai tay vẫy vẫy như một người chỉ huy dàn nhạc. Còn vị giáo sư của tôi thì đỏ lựng mặt lên vì bực tức, râu ông dựng ngược, lỗ mũi nở to. 

– Tất cả những phát hiện về mặt khoa học của tôi đều gặp phải sự nghi ngờ của cả một thế hệ những thằng ngốc. Trong khi đó những chứng cứ khoa học có sức thuyết phục được đưa ra thì dù không được tiếp xúc bằng trực giác, chúng cũng phải dùng trí tưởng tượng của mình để hiểu thấu đáo những điều đó chứ. Bọn chúng chỉ có thể ném bùn vào người đã liều mạng sống của mình để tìm đến chân trời mới của khoa học mà thôi, ngoài ra chúng chẳng làm được gì khác. Bọn chúng đã hành hình những nhà tiên tri Galileo, Darwin và tôi. 
Tiếng hò reo náo loạn làm cho không ai có thể nghe thấy gì nữa. 
Tất cả những điều trên là do tôi ghi tốc ký được khi tham dự buổi hội thảo hôm đó. Nó không thể hiện được đầy đủ sự hỗn loạn của cuộc diễn thuyết. 
Sự náo loạn đã khiến những quý bà có mặt tại buổi đó nhanh chóng ra khỏi hội trường. Các vị chức sắc nghiêm nghị cũng có vẻ như bắt đầu đứng về các sinh viên trẻ. Tôi chứng kiến một ông râu bạc trắng đang giơ giơ nắm đấm về phía vị giáo sư cứng đầu của chúng ta. Cả hội trường sôi lên sùng sục như cái nồi nước nóng. Giáo sư Challenger tiến lên một bước và đưa hai tay lên cao. Thái độ rắn rỏi, động tác dứt khoát cùng ánh mắt thông minh của ông khiến mọi tiếng ồn ào trong hội trường dần dần im bặt. Có vẻ như giáo sư đang định nói điều gì đó. Mọi người bắt đầu im lặng lắng nghe. 
– Tôi sẽ không cản trở các bạn – Giáo sư Challenger nói – Bởi vì tôi thấy không cần phải làm như thế. Sự thật là sự thật còn tiếng ồn ào của mấy cậu chàng choai choai ngốc nghếch và cả những vị trí thức nhưng ngốc nghếch không kém họ cũng không thể ảnh hưởng đến sự thật. Tôi đã tuyên bố rằng sẽ là người đi tiên phong trong một lĩnh vực khoa học mới mẻ, còn các bạn lại nghi ngờ điều đó – (có tiếng nói to: Hoan hô ông Challenger!) – vì vậy tôi thấy cần phải chứng minh những phát hiện của mình. Có quý ông nào muốn cử đại diện để kiểm chứng lời nói của tôi hay không? 
Ông Summerlee – cựu giáo sư môn giải phẫu so sánh đứng lên – một người cao gầy khắc khổ. Trông ông giống một nhà nghiên cứu thần học thì đúng hơn. Ông yêu cầu giáo sư Challenger tường trình rõ ràng về chuyến hành trình lên đầu nguồn sông Amazon hai năm về trước. Giáo sư Challenger liền đáp ứng ngay yêu cầu của ông Summerlee. Ông Summerlee chất vấn ông Challenger làm thế nào mà có những phát hiện mới mẻ về những vùng đất đã cũ, trong khi những nhà khoa học danh tiếng như Bates hoặc Wallace lại bỏ qua. 
Ông Challenger trả lời rằng: Có lẽ ông Summerlee nhầm lẫn sông Amazon với dòng sông Thames. Amazon là một dòng sông lớn mà nếu ông Summerlee có dịp tận mắt chứng kiến chắc sẽ không khỏi thú vị. Đó là một khu vực rộng lớn hàng trăm ngàn dặm vuông, nó rộng đến nỗi người ta khó có thể đi hết được. 
Ông Summerlee mỉm cười chua chát và nói rằng ông ta hoàn toàn thừa nhận sự khác nhau giữa sông Thames và sông Amazon. Nhưng ông cũng nói thêm rắng những kết quả của các nhà khoa học mà ông vừa đề cập đến đã thực tế chứng minh trong khi những kết quả của giáo sư Challenger chưa hề được kiểm chứng, rằng sẽ hoàn toàn tâm phục nếu như giáo sư Challenger nói được kinh độ và vĩ độ vùng đất có loài động vật tồn tại từ thời tiền sử đến bây giờ. 
Giáo sư Challenger trả lời rằng ông cất giữ những thông tin như thế để đề phòng những câu hỏi như thế này, nhưng ông cũng nói thêm rằng ông sẽ chỉ cung cấp những thông tin đó ột số người có chọn lọc và liệu ông Summerlee có muốn nằm trong nhóm người đích thân thử tính chính xác của kết luận đó hay không. 
Ông Summerlee nói: 
– Đồng ý! Tôi sẽ đến! 
Mọi người hoan hô rầm rầm. 
Giáo sư Challenger nói: 
– Thế thì xin đảm bảo với ông rằng, tôi sẽ trao tận tay những tài liệu có liên quan đến phát hiện của tôi và ông Summerlee sẽ tự đi tìm hiểu vùng đất đó. Tuy nhiên điều đó chỉ hợp lý khi có thêm một hoặc hai người đi cùng đến để giám sát ông ta luôn thể. Tôi không giấu các ông rằng sẽ có rất nhiều khó khăn gian khổ đấy. Tôi nghĩ ông Summerlee sẽ cần một người đồng hành trẻ. Xin hỏi có ai xung phong không ạ? 
Những biến cố lớn trong cuộc đời một con người thường ập xuống đầu anh ta một cách đột ngột. Làm sao trước khi đến đây tôi có thể tưởng tượng được rằng mình sẽ đồng ý tham gia vào một cuộc phiêu lưu mạo hiểm chưa từng có trong đời? Nhưng tôi nghĩ Gladys chắc chắn sẽ khuyến khích để tôi đi. Nghĩ đến đây tôi đứng bật dậy. Tôi như người mộng du. Tarp Henry, bạn tôi, giật giật vạt áo của tôi và thì thầm: 

– Ngồi xuống! Malone! Đừng làm cho thiên hạ cười vào mũi cậu đi. 
Đúng lúc đó tôi thấy một người cao, gầy với mái tóc hoe hoe ngồi trước tôi mấy hàng ghế cũng đứng bật dậy. Anh ta nhìn tôi với ánh mắt giận dữ, nhưng tôi không sợ. 
– Tôi sẽ đi! Thưa ông chủ tọa! – Tôi nhắc đi nhắc lại lời của mình. 
– Tên là gì? Tên là gì? – Cả hội trường nhao nhao yêu cầu. 
– Tên tôi là Edward Dunn Malone, phóng viên của tờ Daily Gazette. Tôi cảm thấy mình là người vô tư nhất trong chuyện này. 
– Thưa ngài! Tên ngài là gì? – Ông chủ tọa hỏi tay đối thủ cao gầy của tôi. 
Ông ta trả lời: 
– Tôi là Huân tước John Roxton. Tôi đã từng đến vùng Amazon. Tôi biết rõ vùng đất đó và tôi nghĩ mình có đủ tư cách để trở thành một người giám sát việc này! 
– Danh tiếng trong lĩnh vực thể thao và du lịch của Huân tước John Roxton đã lan ra khắp thế giới. Tuy nhiên chúng ta cũng cần có một người thuộc giới báo chí tham gia vào cuộc phiêu lưu này – Ông chủ tọa nói. 
– Thế thì tôi đề nghị chúng ta đồng ý để Huân tước Roxton và chàng trai trẻ này làm đại diện của chúng ta đi theo giáo sư Summerlee kiểm định những phát kiến của tôi. 
Thế là những tiếng reo hò xen lẫn tiếng la hét, số phận của chúng tôi đã được quyết định. Tôi thấy mình bị cuốn bởi dòng người xô nhau ra phía cửa hội trường, đầu tôi bong bong lên với ý nghĩ về sự việc lớn lao mà tôi vừa đột ngột dính vào. Tôi vừa nhoài ra được phía hành lang thì chợt bừng tỉnh vì một tràng cười rộ lên của đám sinh viên đang đứng trên vỉa hè và giữa họ có một cánh tay cầm ô lớn giơ lên. Giữa những tiếng cười xen lẫn tiếng hét ấy, chiếc xe chạy điện của giáo sư Challenger rẽ lối đi ra. Tôi rảo bước trên con phố Regent dưới ánh đèn bàng bạc, Gladys và tương lai xâm chiếm hết lấy đầu tôi. 
Bỗng nhiên có ai đó đập vào vai tôi. Tôi quay lại và chợt nhận ra người vừa đập vào vai tôi chính là người đàn ông cao gầy đã tình nguyện là bạn đồng hành trong chuyến phiêu lưu kỳ lạ của tôi. Ông nhìn tôi với ánh mắt rất hóm hỉnh và thông minh.
– Ông Malone, tôi hiểu! – Ông ta nói – Chúng ta sẽ là những người bạn đồng hành, phải thế không? Nhà tôi ở ngay trên đường này, khu Edinbourg. Có lẽ ông vui lòng ghé vào nhà tôi chừng nửa giờ, vì tôi có một hai điều rất muốn nói với ông.
 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.