Miền đất thất lạc

Arthur Conan Doyle - Chương 10 - part 01


Bạn đang đọc Miền đất thất lạc: Arthur Conan Doyle – Chương 10 – part 01

Chương 10
NHỮNG ĐIỀU KỲ DIỆU NHẤT
 
Chúng tôi đã và đang gặp những điều kỳ lạ nhất. Sáng nay, khi bị tên Gomez hung ác lừa nhốt vào vùng cao nguyên này thì chúng tôi đã bước vào giai đoạn thử thách mới. Việc đầu tiên xảy ra đã làm cho tôi có ý nghĩ không tốt về vùng đất chúng tôi mới lạc vào. Hôm đó mới chợp mắt được một lát tôi tỉnh dậy thì trời đã sáng. Tôi chợt nhìn thấy một vật kỳ lạ trên ông chân mình. Lúc đó quần tôi đang xắn cao, đôi vớ dài chỉ để hở một vài phân ống chân trần. Đúng ở chỗ hở đó, tôi thấy một trái nho màu tím thẫm bám vào. Tôi cúi xuống lượm trái nho, thì… Khủng khiếp chưa! Nó vỡ ra giữa hai ngón tay tôi, máu tỏa ra xung quanh. 
Tiếng kêu ghê sợ của tôi làm hai vị giáo sư chạy đến. Summerlee cúi xuống nhìn cẳng chân tôi: 
– Tuyệt diệu thật đấy! – Summerlee nói và cúi xuống xem đôi chân của tôi – Một con ve hút máu vĩ đại, không thể xếp nó vào hạng nào được. 
– Thành quả lao động đầu tiên của chúng ta! – Giáo sư Challenger gật gù – chúng ta không biết làm gì hơn mà chỉ biết gọi nó là Ixodes Maloni. Mặc dù bị con vật đó cắn một phát nhưng chàng trai trẻ ạ, cậu thật là một người may mắn vì tên của cậu sẽ được ghi vào trong các tài liệu của môn động vật học. Nhưng chỉ có điều không hay là cậu đã bóp nát nó trong lúc sợ hãi rồi còn gì! 
– Thật là loài ký sinh ghê tởm! – tôi kêu lên. 

Giáo sư Challenger nhướng đôi mày phản đối, ông đặt một tay lên vai tôi. 
– Cậu cần phải có cách nhìn nhận vấn đề và một cách suy nghĩ khoa học hơn. Giáo sư nói – Đối với tôi, một người duy lý, thì con bọ chét đó với cái mỏ như lưỡi dao găm và cái dạ dày kỳ lạ ấy lại là một kiệt tác nghệ thuật của tự nhiên không thua gì một con chim công. Nghe cậu nói vậy mà tôi thấy buồn làm sao. Không nghi ngờ gì nữa chỉ thay đổi hành vi một chút chúng ta sẽ cứu được nhiều loài động vật đang tuyệt chủng! 
– Giáo sư Challenger nói đúng đấy! – Giáo sư Summerlee nói to – bởi vì một con bọ chét vào cổ áo của ngài kìa! 
Giáo sư Challenger vừa nhảy dựng vừa kêu rống lên như một con bò, ông vội vàng kéo lật cổ áo ra và cố tìm con bọ chét. 
Giáo sư Summerlee và tôi cười đến nỗi quên cả giúp Giáo sư Challenger bắt con bọ chét trong cổ áo của ông. 
Cuối cùng chúng tôi cũng tìm thấy trên cơ thể đồ sộ và đầy lông lá một con bọ chét đáng ghét và lôi cổ nó ra khi nó chưa kịp cắn ngài Giáo sư đáng kính. Trong những bụi cây xung quanh có rất nhiều loại côn trùng đáng sợ. Vì vậy việc chuyển trại là việc trước tiên phải làm. Trước khi làm việc đó chúng tôi cần phải bàn bạc với anh bạn da đen trung thành dưới kia đã. Lúc này anh ta đang ở bên kia bờ vực và tung những hộp coca, những gói bích quy cho chúng tôi. Chúng tôi nói với anh ta là hãy để lại một số lương thực để anh ta đủ dùng trong hai tuần. Phần nữa là để cho những người Anh điêng vì sự tận tụy của họ và cũng là để trả công họ đã mang thư về thế giới văn minh cho chúng tôi. Vài giờ sau chúng tôi đã thấy họ đi xa dần, đội trên đầu những thứ chúng tôi vừa chia. 
Zambo ở trong chiếc lều bạt nhỏ mà chúng tôi để lại dưới chân núi. Anh ta là người liên lạc giữa chúng tôi với thế giới bên ngoài. 
Trại được chuyển về nơi có nhiều cây to hơn. Bao quanh trại là rất nhiều những tảng đá lớn và gần đó có một cái giếng nước. Chúng tôi cùng ngồi xuống và vạch ra một kế hoạch “xâm lược” thế giới huyền bí này. Chim chóc hót líu lo trong các tán cây – nghe có tiếng chim gì đó kêu rất lạ, ngoài tiếng chim ra thì dường như chẳng có dấu hiệu nào cho thấy có cuộc sống của một loài động vật nào khác ở quanh đây cả. 

Chúng tôi chọn những nhu yếu phẩm thành từng loại để sử dụng. Với những thứ có sẵn và những thứ Zambo vừa chuyển lên, cơ bản chúng tôi không phải lo lắng lắm về chuyện hậu cần. Quan trọng nhất là việc đương đầu với những nguy hiểm đang rình rập quanh đây. Chúng tôi có bốn khẩu súng trường, một ngàn ba trăm viên đạn, mấy khẩu súng ngắn và hơn một trăm năm mươi hộp đạn súng ngắn. Thực phẩm cũng đủ dùng trong ba tuần lễ, một hộp thuốc lá cuốn và một vài dụng cụ dùng ục đích khoa học: một cái ống nhòm và một cái kính viễn vọng. Để tăng thêm độ an toàn, chúng tôi dùng rìu và dao rựa chặt một số cây bụi gai chất xung quanh thành một vòng tròn khoảng mười lăm yard làm nơi trú ẩn và cất đồ đạc. chúng tôi đặt tên pháo đài là Challenger. 
Công việc kéo dài đến trưa. Lúc này ánh nắng mặt trời không gay gắt lắm – đây là đặc điểm thường thấy ở các vùng bình nguyên có nhiệt độ và hệ thực vật ôn đới. Quanh chúng tôi là những cây sồi. một cây bạch quả to và cao trội hơn hẳn so với tất cả những cây khác trùm những tán lá hình xương cá trên pháo đài của chúng tôi. Huân tước Roxton – người hiện thời đang giữ tư cách trưởng đoàn trình bày cho chúng tôi nghe quan điểm của mình. 
– Nếu chúng ta vẫn chưa bị ai đó phát hiện ra thì chúng ta vẫn đang trong tình trạng an toàn. Việc của chúng ta bây giờ là phải thật cẩn thận thăm dò vùng đất này. Chúng ta phải biết rõ xung quanh thì mới bắt đầu đi sâu vào được. – Huân tước nói. 
– Nhưng chúng ta cần phải tiến lên! – tôi bạo dạn góp lời. 
– Hoàn toàn đúng chàng trai trẻ ạ! Chúng ta sẽ tiến lên nhưng phải tiến lên một cách thận trọng. Chúng ta không được phép đi quá xa pháo đài Challenger. Và quan trọng hơn tất cả chúng ta không được phép nổ súng, chúng ta chỉ được phép nổ súng trong trường hợp bất khả kháng! 
– Nhưng hôm qua ngài đã nổ súng đấy thôi! – Giáo sư Summerlee nói chen vào. 
– Đó là trường hợp bất đắc dĩ! Nhưng may mà lúc đó gió đang thổi mạnh và đã thổi bạt cả tiếng súng đi. Tiếng nổ chắc không thể đi xa được. Nhân tiện đây tôi muốn hỏi các vị xem chúng ta sẽ đặt tên miền đất này là gì? Tôi nghĩ rằng chúng ta phải nghĩ cho nó một cái tên. 

Mọi người bàn tán một lúc, cuối cùng ý kiến của Giáo sư Challenger đưa ra được mọi người tán đồng: 
– Chúng ta sẽ lấy tên người đầu tiên thám hiểm vùng này để đặt cho nó, theo tôi nên gọi miền nầy là Miền đất Gỗ-Thích-Trắng (Maple White). 
Cả đoàn đồng ý với ý kiến của Giáo sư Challenger. Tôi tin rằng trong một tương lai không xa cái tên đó sẽ được nằm trên những tấm bản đồ trên khắp thế giới. Sự im lặng lạ thường đã khiến cho không khí càng ngột ngạt thêm. Chúng tôi đã nhìn thấy tận mắt con quái vật biết bay và biết chắc rằng nó đang sống ở vùng này. Rất có thể nơi đây còn có sự trú ngụ của con người bởi trong cuốn sổ của Maple White cũng có vẽ một bộ xương người bị vắt lên những cây tre. Chúng tôi đang trong tình cảnh vô cùng nguy hiểm bởi vì chúng tôi sẽ không có con đường nào thoát thân nếu gặp phải bất kỳ một sự tấn công nào. Vì vậy chúng tôi áp dụng tất cả các biện pháp đề phòng mà Huân tước Roxton nêu ra. Dĩ nhiên chúng tôi cũng không thể bỏ dở giữa chừng cuộc thám hiểm vô cùng nguy hiểm nhưng cũng rất thú vị này. 
Vậy là chúng tôi lấp lối vào trại bằng mấy bụi cây gai và để lại toàn bộ hành lý, lương thực trong đó. Sau đó cả đoàn thận trọng đi sâu vào rừng men theo con suối nhỏ bắt nguồn từ cái giếng nước gần trại của chúng tôi. Con suối này sẽ giúp chúng tôi tìm được đường về. 
Vừa khởi hành chúng tôi bỗng nhận ra có điều gì đó không bình thường đang đón chờ phía trước. Cách bìa rừng khoảng vài trăm yard có nhiều loài cây hình thù rất kỳ lạ. Tôi thì hoàn toàn không biết gì nhưng Giáo sư Summerlee – nhà thực vật học nổi tiếng thì nói ngay đó là những cây thuộc họ thông và cây mè – những loài mà trước đây các nhà sinh vật cho rằng chúng đã tuyệt chủng từ lâu. Chúng tôi đến một nơi mà lòng suối bỗng dưng mở ra tạo thành một đầm lầy tương đối rộng. Những đám cây sậy có hình dạng kỳ dị không kém mọc ken dày đặc, người ta thường gọi chúng là cây tháp bút hay cây đuôi ngựa. Xung quanh bờ đầm có nhiều dương xỉ mọc. Đang đi bỗng nhiên Huân tước Roxton dừng lại và chỉ tay về phía trước. 
– Xem kìa! – ông nói – chắc hẳn đây là thủy tổ các loài chim trên trái đất! 
Một vết chân ba ngón như chân chim in rõ trên nền bùn đất hiện ra trước mặt chúng tôi. Con vật này rất có thể đã đi ngang qua đầm lầy và đã vào trong rừng. Cả bốn chúng tôi đều dừng lại để xem cái vết chân khổng lồ cho kỹ. Vết chân to còn hơn cả vết chân của một con đà điểu. Huân tước Roxton thận trọng nhìn xung quanh rồi sau đó ông nạp hai hộp đạn vào khẩu súng bắn voi của mình. 
– Với tư cách là một nhà đi săn chuyên nghiệp tôi xin nói với các ngài rằng vết chân này còn rất mới, hãy xem nước vẫn còn đang chảy vào chỗ vết chân đây này! Đây là vết chân nhỏ! 
Đúng là cạnh vết chân vừa rồi có một vết chân khác nhỏ hơn. 

– Nhưng mà ngài cho rằng cái này là cái gì? – Giáo sư Summerlee hỏi vẻ đắc thắng đồng thời chỉ tay vào một vết in trên mặt đất giống như bàn tay người nhưng to gấp năm lần ngay ở giữa hai vết chân vừa rồi. 
– Đúng rồi! – Giáo sư Challenger kêu lên sung sướng – Tôi đã gặp nó rồi. Đây là một con vật chạy bằng hai chân sau có ba ngón và thỉnh thoảng nó mới bỏ chân trước xuống có năm ngón. Đó không phải là một loài chim, ngài Roxton ạ! Không phải là chim! 
– Một con ác thú? 
– Không! Một con bò sát! Một con khủng long! Không một loài nào lại có vết chân to như thế ngoại trừ khủng long. Tôi đảm bảo rằng ai cũng muốn một lần nhìn thấy nó! 
Giọng Giáo sư Challenger nhỏ dần, những lời ông nói khiến ba chúng tôi đứng chết lặng. Theo vết chân chúng tôi đi xuyên qua đầm lầy và qua những tán cây bụi. Trước mặt chúng tôi là một trảng cỏ rộng, trên đó là năm con vật to lớn mà lần đầu tiên trong đời tôi được nhìn thấy. Cả bốn chúng tôi bò dưới mặt đất và đưa mắt nhìn những con vật khổng lồ đó một cách thích thú. 
Trong năm con vật thì có hai con là có vẻ là những con trưởng thành còn lại là ba con nhỏ. Kích thước của chúng thật là kinh khủng. Con nhỏ cũng đã to bằng con voi. Da của chúng đen sì và có vảy như vảy thằn lằn, mỗi khi ánh mặt trời chiếu vào da chúng lại sáng lên lấp lánh. Cả năm con đang ngồi trên cái đuôi vĩ đại và hai chân sau – hai chân có ba móng, còn hai chân trước có năm ngón đang vít những cành cây xuống để ăn lá. Các bạn cứ tưởng tượng chúng giống như những con kan-ga-roo vĩ đại với bộ da giống như bộ da cá sấu màu đen. 
Không biết chúng tôi đã mất bao nhiêu thời gian để nhìn cảnh tuyệt vời như thế. Một cơn gió thổi về phía chúng tôi. Chúng tôi nấp rất kỹ nên đàn thú kia rất khó mà phát hiện. Ba con thú nhỏ vui đùa nhảy nhót không ngớt bên hai con thú bố mẹ. Đàn thú khổng lồ nhảy lên không trung rồi lại rơi uỳnh uỵch xuống đất. Sức khỏe của những con thú này có vẻ như vô tận. Khi một trong mấy con không thể vít được cành cây xuống, con bố mẹ liền dùng hai chân trước bẻ cái thân cây như bẻ một que củi khô. Tôi nhận thấy trong hành động của chúng nó không những có sự tham gia của cơ bắp mà còn có sự tham gia của trí óc. Tôi chú ý thấy khi bẻ cây, con vật kêu rống từng hồi như muốn thể hiện điều gì đó. Có vẻ như đàn thú cảm nhận có gì đó không ổn. Con bố liền lùi lũi bỏ đi, theo sau là con mẹ và ba con con. Chẳng mấy chốc đàn thú đã biến mất vào rừng chúng tôi chỉ còn thấy những cái đầu cao lênh khênh sau những rặng cây. 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.