Miền đất thất lạc

Arthur Conan Doyle - Chương 08 - part 02


Bạn đang đọc Miền đất thất lạc: Arthur Conan Doyle – Chương 08 – part 02

 
Đúng là một mảnh đất thần tiên – một mảnh đất mà một người có trí tưởng tượng phong phú nhất cũng khó có thể nghĩ tới. Những loài cây mọc cao ngất, ngọn của chúng đan quyện với nhau tạo thành những giàn lá xanh tốt trên đầu chúng tôi. Đi qua những mái che bằng lá thỉnh thoảng được điểm xuyết bằng những tia nắng mặt trời xuyên qua màu vàng óng, đoàn chúng tôi đến một con sông nước màu xanh trong suốt. Những mảnh màu sắc khác nhau được tạo bởi những luồng ánh sáng rực rỡ khiến cho con sông càng thêm tươi đẹp. Nước sông trong suốt và không gợn sóng khiến ta có cảm giác như đang đi trên một con sông pha lê khổng lồ. Màu xanh của nước giống như cạnh sắc của một miếng nước đá bị đập vỡ. Phía trên dòng sông là mái vòm bằng lá rậm um tùm. Mỗi lần mái chèo khua lên là khiến cho dòng nước gợn lên những con sóng lăn tăn lấp lánh ánh sáng kỳ diệu. Con sông giống như một con đường lớn bằng pha lê dẫn chúng tôi vào một cổng ngõ của thiên đường. Tất cả những dấu hiệu tồn tại của một bộ lạc da đỏ quanh đây không còn nhưng thế giới động vật ở quanh đây lại có vẻ phong phú hơn. Nhìn sự ngơ ngác của những sinh vật hai bên bờ sông chúng tôi cũng thấy rằng chúng hoàn toàn chưa từng biết đến khái niệm về những người đi săn. Những con khỉ lông đen mượt với hàm răng trắng ởn, đôi mắt nhìn chằm chằm và kêu chét chét khi thấy chúng tôi đi qua. Thỉnh thoảng lại bắt gặp một con cá sấu nặng nề chuồi mình từ bờ sông xuống nước. Một vài chú heo vòi to lớn, nặng nề nhìn chằm chằm chúng tôi sau đó ì ạch chạy sâu vào rừng. Đôi lần chúng tôi thấy hình dáng cong cong vằn vện của loài báo sư tử to lớn ẩn hiện trong những bụi cây, đôi mắt xanh lét của chúng theo dõi bước chân của chúng tôi. Chim chóc ở đây thì nhiều vô kể. Nhất là loài chim lội nước như cò, diệc, cò quăm đứng thành những nhóm nhỏ hai bên bờ sông với đủ các màu sắc từ xanh, đỏ thẫm đến trắng. Dưới nước là vô vàn các loài cá với đủ màu sắc cũng như hình dạng bơi lội tung tăng trong dòng nước trong vắt. 
Chúng tôi đi thuyền dưới tán cây xanh rợp trên đầu và ánh nắng mặt trời mờ ảo mất ba ngày liền. Khi đang đi trên thuyền, chúng tôi khó có thể đoán biết được đến nơi đâu là hết những vòm cây trên đầu. 
– Không có bóng dáng người da đỏ ở đây! Curupuri! – Gomez nói. 
– Curupuri là con ma rừng! – Huân tước Roxton giải thích – đó là tên gọi gán cho bất kỳ một loại ma quái nào ở đây. Người ta quá sợ hãi con đường này nên đã thêu dệt ra nó! 
Ngày thứ ba thì chúng tôi thấy rằng cuộc hành trình bằng thuyền của chúng tôi không thể nào tiếp tục được nữa bởi vì con sông bỗng trở nên rất cạn. Hai lần chúng tôi bị mắc cạn rất lâu giữa dòng nước. Cuối cùng chúng tôi cũng đẩy được hai chiếc thuyền lên bờ và giấu chúng vào bụi rậm sau đó chuẩn bị lều bạt ngủ qua đêm bên bờ sông. 
Sáng hôm sau, tôi và Huân tước Roxton cùng đi thám thính quanh khu vực đó với bán kính khoảng vài dặm. Hai chúng tôi men theo bờ sông nhưng càng đi càng thấy dòng sông cạn dần nên cuối cùng chúng tôi đã quay lại và thông báo cho cả đoàn biết. Nhưng Giáo sư Challenger nhận định, đây chính là chỗ cuối cùng mà đoàn có thể đi bằng thuyền. Thế là chúng tôi đành phải giấu kín hai chiếc thuyền vào bụi cây sau đó dùng rìu chặt những cây xung quanh để lấp dấu vết. Sau đó chúng tôi phân công mỗi người mang vác một thứ hành lý – nào súng, dao găm, thức ăn, một chiếc lều bạt, chăn… để bắt đầu cuộc phiêu lưu bằng đôi chân. 

Thật không may, những người nóng tính trong đoàn chúng tôi lại bắt đầu tranh cãi gay gắt. Từ lúc bắt đầu thám hiểm rừng Amazon này, Giáo sư Challenger đã tỏ ra không ưa gì Giáo sư Summerlee. Bây giờ chỉ chờ có thế, ông Challenger giao việc cho Giáo sư Summerlee (tất nhiên công việc cũng không đến nỗi vất vả lắm, chỉ là mang một cái máy đo khí áp) nhưng chuyện bé lại xé ra to. 
– Thưa ngài Challenger – ông Summerlee nói với vẻ hằn học – ngài lấy tư cách gì để ra lệnh cho người khác thế? 
Giáo sư Challenger nổi giận nói, mắt nhìn ông Summerlee chằm chằm: 
– Tôi làm điều đó vì tôi là thủ lĩnh của cuộc thám hiểm này! Thưa Giáo sư Summerlee! 
– Tôi buộc phải nói rằng tôi hoàn toàn không thừa nhận ông là người có quyền ra lệnh ở đây! 
Giáo sư Challenger cúi người xuống đáp lại vẻ chế nhạo: 

– Đúng rồi! Thế thì đề nghị ngài giải thích rõ về vị trí của tôi tại đây? 
– Chúng tôi có nhiệm vụ kiểm tra tính trung thực của ngài. Đoàn chúng tôi đi đến đây là vì mục đích thẩm tra những gì mà ngài nói. Ngài đang đi với những người có quyền phán xét ngài! 
– Nếu thế thì xin ngài cứ đi con đường của riêng ngài đi và tôi sẽ đi con đường của riêng tôi. Nếu tôi không là đoàn trưởng thì tôi sẽ không dẫn đường cho ngài! 
May thay trong đoàn có tôi và Huân tước Roxton là những người điềm đạm nên đã ngăn chặn được cuộc cãi vã của hai trí thức nóng nảy chứ nếu không chúng tôi đã phải quay về Luân Đôn với hai bàn tay trắng. Cuối cùng sau một hồi can ngăn, Giáo sư Summerlee ngậm trễ tẩu thuốc một bên mép và đi lên phía trước còn Giáo sư Challenger thì ục ịch đi sau. Thật may mắn nữa là đúng những lúc như thế này chúng tôi phát hiện ra rằng hai nhà bác học của chúng tôi đều không ưa Tiến sĩ Illingworth của đại học Edinburg. Thế là mỗi lúc hai người căng thẳng với nhau, chúng tôi bèn nêu tên nhà sinh vật học người Xcốtlen này thì hai ông bèn hình thành một quan hệ đồng minh tạm thời để chế nhạo nhà sinh vật học người Xcốtlen nọ. 
Đi dọc theo con sông cạn chúng tôi phát hiện ra cuối cùng nó chỉ là một con suối cạn dẫn đến một cái đầm lầy đầy rêu. Khi chúng tôi lội xuống thì bùn ngập đến qua đầu gối. Trên đầm lầy là những đám mây muỗi cùng vô số loài côn trùng biết bay khác bay lượn. Vì vậy chúng tôi tìm một bãi đất trống sau đó quay lều quanh một thân cây để tránh những sinh vật nguy hại kia. Tiếng côn trùng kêu ù ù không ngớt. 
Ngày thứ hai kể từ khi rời thuyền, chúng tôi nhận thấy toàn bộ đặc tính của miền đất đã thay đổi. Con đường chúng tôi đi ngày mỗi lúc càng dốc, cuối cùng chúng tôi leo lên một vùng rừng thưa hơn và không còn vẻ xum xuê của một cánh rừng nhiệt đới nữa. Những thân cây to lớn, đặc trưng của vùng đất ven sông Amazon màu mỡ đã nhường chỗ cho những cây dừa mọc giữa những bụi cây rậm rịt. Hướng đi của chúng tôi dựa hoàn toàn vào la bàn và chính vì thế đôi khi cũng xảy ra vài sự bất đồng giữa Giáo sư Challenger và hai người da đỏ. Như Giáo sư Challenger nói xin trích nguyên văn: “Cả đoàn đã tư duy theo bản năng sai lầm của những loài động vật cấp thấp chứ không phải là những người xuất phát từ một nền văn minh bậc cao nhất”. 
Vào ngày thứ ba Giáo sư phát hiện ra một địa điểm mà ông đã đánh dấu trong đợt thám hiểm trước. Đến một địa điểm chúng tôi phát hiện ra bốn hòn đá đen bóng vì khói, chắc chắn đây là địa điểm dừng chân hạ trại. 

Con đường càng đi càng cao dần, chúng tôi mất gần hai ngày mới vượt qua được một con dốc đầy đã hiểm trở. Hệ thực vật ở đây đã đổi khác, giờ đây chỉ còn nhìn thấy những cây ngà voi còn sót lại và cơ man nào là phong lan. Trong bạt ngàn phong lan quý đó tôi nhận ra loài phong lan quý hiếm có tên là Nuttonia Vexilaria và những chùm hoa hồng nhạt hoặc đỏ của loài hoa Cattleya và Odontoglossum. Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp một vài dòng suối cạn chỉ còn trơ đá cuội. Hai bên bờ cây dương xỉ mọc lan xuống tận những ghềnh đá cạn. Nơi đây đúng là một địa điểm lý tưởng để cắm trại. Mỗi buổi tối bạn có thể tắm táp dưới dòng suối như trong một bể bơi thiên nhiên lý tưởng và bắt những con cá lưng xanh bơi thành từng đàn, mỗi con cá to cỡ con cá hồi về làm bữa tối. 
Ngày thứ chín tính từ hôm rời thuyền, tôi ước tính chúng tôi đã vượt qua quãng đường dài khoảng một trăm hai mươi dặm. Đến bây giờ chúng tôi mới ra khỏi bóng râm của rừng già. Cây cối thấp dần và cuối cùng còn toàn là những cây bụi. Ở đây bắt đầu những cây tre, tre mọc ken dày đến nỗi chúng tôi phải dùng dao rựa của người da đỏ mới có thể lấy được một lối đi nhỏ. Suốt cả một ngày dài từ bảy giờ sáng đến tám giờ tối với hai lần nghỉ, mỗi lần một giờ đồng hồ làm việc liên tục chúng tôi mới vượt qua được cái lũy tre này. Không gì có thể buồn tẻ và mệt mỏi hơn những thời khắc như thế này, tầm nhìn của tôi không thể vượt qua mười yard. Ánh nắng mặt trời xuyên xuống như lưỡi dao, những đám lau sậy cao ngất đung đưa cao quá đầu chúng tôi. Tôi không biết có loài động vật nào sinh sống trong cánh rừng ken kín kia nhưng thỉnh thoảng chúng tôi thấy tiếng con gì đó có vẻ rất to lớn chạy sột soạt trong bụi cây rất gần chỗ chúng tôi ở. Từ tiếng động phát ra, Huân tước Roxton đoán đó có lẽ là những con thú sừng chẻ. Đến khi màn đêm buông xuống chúng tôi mới phá xong lũy tre bao quanh. Lúc này mọi người đã quá mệt mỏi sau một ngày làm việc liên tục. 
Sáng sớm hôm sau chúng tôi lại khởi hành và phát hiện ra rằng đặc điểm của vùng đất này đã thay đổi. Phía sau chúng tôi là bức tường thành bằng tre. Phía trước chúng tôi là đồng bằng rộng lớn cao dần về phía trước. Trên bình nguyên rộng lớn thỉnh thoảng điểm xuyến một vài bụi cây. Nhưng bình nguyên rộng lớn này lại đột ngột kết thúc ở chỗ mom đất giống hình lưng cá voi. Đến trưa thì chúng tôi đến được mom đất đó. Phía trước mặt là một vùng đồng bằng. Trước tiên chúng tôi leo qua mấy quả đồi nhỏ và bỗng nhiên có một sự việc xảy ra đột ngột. 
Giáo sư Challenger cùng với hai người da đỏ đi trước, đang đi bỗng ông dừng lại đột ngột chỉ sang phía tay phải vẻ vô cùng phấn khích. Nhìn theo tay Giáo sư chúng tôi thấy một con vật to lớn giống chim màu xám đang chầm chậm vỗ cánh bay lên. Con vật bắt đầu nhấc mình rời khỏi mặt đất và bay la đà, dáng bay rất nhẹ nhàng khoan thai, hướng bay thẳng, cuối cùng chon chim khuất dạng sau những bụi cây xa xa. 
– Các ông nhìn thấy cả rồi chứ? – Giáo sư Challenger kêu lên hoan hỉ. – Summerlee! Ông nhìn thấy rồi chứ? 
Ông bạn Summerlee nhìn về phía con chim vừa bay khuất không chớp mắt. 
– Ông gọi đó là cái con gì vậy? – Ông Summerlee hỏi. 

– Theo tôi hiểu thì đó rất có thể là một con thằn lằn bay! 
Ông Summerlee bật cười nhạo báng: 
– Cái loài biết bay vớ vẩn! Đó chẳng qua là một con cò nếu như trí nhớ của tôi không nhầm. 
Giáo sư Challenger giận dữ không nói nên lời. Ông xốc cái túi đang đeo lên vai và cắm cúi đi tiếp. Huân tước Roxton đi ngang với tôi. Vẻ mặt Huân tước có điều gì đó nghiêm trọng hơn bình thường, tay ông đang cầm kính viễn vọng. 
– Tôi đã để ý đến con vật đó trước khi nó bay qua các ngọn cây, tôi không dám gọi nó là con vật gì. Nhưng bằng danh dự của một nhà thể thao chuyên nghiệp tôi có thể khẳng định rằng đó là một loài chim từ bé tôi chưa bao giờ được nhìn thấy. 
Câu chuyện tạm dừng ở đó. Nhưng sự việc vừa qua khiến chúng tôi tự hỏi có phải chúng tôi đang đứng tại ngưỡng cửa của thế giới kỳ lạ mà Giáo sư Challenger nói hay không? Tôi kể lại sự việc vừa rồi để các bạn mường tượng được thực tế ở đây. Chỉ có sự việc đó là đáng nói còn lại những sự việc khác xảy ra thì không có gì đặc biệt cả. 
Thưa độc giả đáng kính! Giá như tôi có thể cùng quý vị xuôi theo dòng Amazon rộng lớn xuyên qua những đám cây bụi khổng lồ, chui vào con sông hẹp có mái che bằng lá cây bên trên, đi qua những khu rừng cọ và mất cả ngày trời phá những lũy tre để lấy lối đi thì hay biết mấy. Khi chúng tôi leo được đến quả đồi thứ hai thì bỗng nhiên cả đoàn chợt nhìn thấy một vùng thảo nguyên mọc toàn cây cọ với những hình thù kỳ dị và phía xa xa chân trời là những dãy núi đá màu đỏ sậm giống như những gì tôi đã có dịp chứng kiến trong bức ảnh của Giáo sư Challenger. Đích thị đó là dãy núi đá trong bức ảnh chứ không sai. Chúng tôi hạ trại cách dãy núi khoảng bảy dặm. Dãy núi uốn lượn và chạy xa đến nỗi chúng tôi nhìn mãi cũng không thể nhìn thấy được điểm kết thúc. Giáo sư Challenger đi lại khệnh khạng như một con gà trống còn Giáo sư Summerlee thì im lặng nhưng nét mặt vẫn còn có vẻ mỉa mai. Đến một ngày nào đó những hồ nghi của chúng tôi sẽ được làm sáng tỏ. José – người vừa mới bị một cây tre gãy đâm xiên vào cánh tay thì được cho phép quay trở lại. Tôi gửi anh ta mang lá thư này trở về. Tôi sẽ tiếp tục viết nếu như có điều gì mới xảy ra. Chỉ có hy vọng, mới làm chúng tôi quyết tâm hơn. Tôi gửi kèm theo đây tấm bản đồ hành trình của chúng tôi cho đến khi chúng tôi gặp loài chim kỳ lạ mà tôi đã kịp vẽ lên vở. Độc giả sẽ được hiểu kỹ hơn về quãng đường mà chúng tôi trải qua.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.