Đọc truyện Mê Tông Chi Quốc FULL – Chương 3: Hồi Thứ Hai Biệt Bảo
Tư Mã Khôi thấy cách hành xử của Triệu Lão Biệt khác hẳn với dự liệu; chẳng ngờ lão chịu mang thuốc lá hảo hạng và đồ hộp đáng giá để đổi lấy chiếc bàn mổ thịt mục nát, càng nghĩ càng thấy sự việc này rất kỳ lạ.
Trong đống đổ nát ở Hắc Ốc chỗ nào cũng có vật vô chủ, ai nhặt được thì của người ấy.
Cái bàn này vốn là một trụ gỗ mục nát rỗng ruột, to bằng một vòng ôm, xung quanh buộc ba vòng dây thừng gai, quanh năm bị máu tiết dầu mỡ bám nhằng nhợ, màu sắc đã phai nhạt biến đổi từ lâu.
Sau khi nhặt về, nó chủ yếu được dùng làm thớt thái rau, chẳng ai biết rõ lai lịch cụ thể của nó, và xem ra ngoài việc thấy nó có niên đại sử dụng từ khá lâu thì chẳng thấy có điểm gì khác thường.
Nay không hiểu sao vô duyên vô cớ lại có người quan tâm đến nó?
Tư Mã Khôi thầm nghĩ: “Cái bàn chặt thịt chắc chắn là một bảo vật, nếu bây giờ mình động lòng vì miếng lợi nhỏ mà dễ dàng trao đổi với Triệu Lão Biệt, thì bất kể lão già đó giơ ra vật gì mình cũng vẫn bị thiệt.
Vậy nên trước tiên mình phải kiếm cớ để lão ấy thấy cái bàn này đúng là đồ quý cái đã.” Thế là cậu thuận miệng khua môi múa mép một hồi: “Triệu lão sư phụ này, lão không biết đấy thôi, thực ra gia đình mấy đời nhà tôi đều mở cửa hàng bán thịt dê ở Bắc Kinh để mưu sinh, chiếc bàn mục này tuy rằng nhìn có vẻ bình thường, nhưng lại là vật gia truyền mấy đời nhà tôi để lại, tôi không chỉ dùng nó quen tay mà còn nhìn cương nhớ ngựa, nhìn vật nhớ người.
Bởi mỗi khi nhìn thấy nó, là tôi như nhìn thấy liệt tổ liệt tông đã quy tiên nhà mình.
Cái bàn này đã cùng gia đình tôi trải qua những năm tháng dưới thời Quang Tự, rồi tới Nghĩa Hòa Đoàn bao vây tấn công khu đại sứ quán Đông Giao Dân Cảng, khiến liên quân tám nước tràn vào thành Bắc Kinh.
Đám quỷ tây này rặt là bọn man di từ nước ngoài dẫn xác đến, lũ bợm đó chẳng có nửa tên tốt đẹp, đến Trung Quốc chúng ngang nhiên đốt nhà giết người cướp của, chẳng tội ác nào không dám làm, đánh đập người mù, mắng nhiếc kẻ điếc, rồi cuối cùng chúng nó cũng ào vào nhà tôi.
Mấy tên lính tây ngắm thấy con mèo tam thể nhà tôi nuôi rất đẹp liền định cướp về, mang dâng tặng cho nữ hoàng điện hạ nhà chúng nó, ông tổ nhà tôi liền nổi giận lôi đình mắng chúng: Ngày xưa lão phật gia Từ Hy thái hậu rất ưng ý con mèo này, định mang Thập Tam cách cách ra đổi lấy nó mà ông đây còn tiếc không nỡ đem đổi.
Tiên sư chúng mày chứ, chúng mày là thứ tép riu gì mà dám cướp trắng của ông hả?! Trong cơn thịnh nộ, cụ lao thẳng ra phố tham gia phong trào phục Thanh diệt ngoại xâm, trước lúc đi còn ôm theo chiếc bàn này, gặp tên giặc tây nào là lấy bàn đập chết tên ấy, nên không biết dưới gầm bàn đã chôn bao nhiêu mạng tướng tây lính tây.
Sau đó chiếc bàn truyền đến đời ông nội tôi, nó lại cùng ông lưu lạc đến Giang Tây tham gia hồng quân công nông, cứ thế được mấy đời nhà tôi giữ gìn cho đến tận bây giờ.
Có thể trong mắt người khác, khúc gỗ này chẳng đáng cái đinh gỉ, nhưng đối với tôi nó chính là vật chứng chứng kiến cả gia đình tôi đã trải qua cách mạng cận đại Trung Quốc, là kỷ niệm không thể xa lìa, ngày nào tôi cũng phải bày nó ra trước mặt, sáng thỉnh an, tối hồi báo.
Nếu ngày nào không nhìn thấy nó, tinh thần tự nhiên trở nên hoảng loạn, đến nỗi ngay cả hướng bắc ở đâu cũng không biết; một ngày không gặp cách tựa ba thu, nếu lỡ ba ngày không gặp có khi lo lắng đến tẩu hỏa nhập ma vẫn là nhẹ.
Lời tôi nói đây câu nào cũng là thật, nếu lão không tin thì cứ tìm một miếng đậu phụ về đây, tôi sẽ đập đầu vào đấy cho lão xem.”
Hải ngọng đứng bên cạnh nghe, không nhịn nổi cười thầm trong bụng, cậu ta cũng nhân cơ hội để nâng giá cái bàn, bảo ít ra Triệu Lão Biệt cũng phải thò ra thêm ba tút thuốc lá nữa thì mới đồng ý đổi.
Triệu Lão Biệt nghe hai người bọn họ kẻ tung người hứng mà trợn mắt á khẩu.
Lão còn cho rằng có khi mình nhìn lầm, liền quay lại đăm đăm ngắm nghía cái bàn một hồi lâu, sau đó lắc đầu tỏ ý không tin, đồng thời mở toang cái túi vải đay ra cho hai người nhìn, bên trong chẳng còn thứ gì đáng giá, đoạn lão nói: “Mỗ không thể trả giá thêm cho hai cậu được.”
Tư Mã Khôi thấy việc đã đến nước này thì cứ nói thẳng toẹt cho xong: “Bọn tôi và lão là kẻ cắp gặp bà già, cóc cần sử dụng mấy chiêu thụt thò như bơi chó.
Chẳng thà đừng ai giở trò với ai nữa.
Mấy bài của lão bọn tôi biết tỏng từ khuya, trước đây cũng gặp nhiều rồi, nói chuyện cũng không cần vòng vo tam quốc, giấu giấu giếm giếm làm gì.
Bọn tôi đã sớm nhìn ra Triệu Lão Biệt lão đích thị là tên biệt bảo, nếu không, chẳng người nào đang sống nhe nhởn lại quàng trên cổ chuỗi bánh đả cẩu như lão.”
Cái thứ “bánh đả cẩu” này thực ra là một loại bánh thuốc, dùng để xua đuổi chó mèo.
Thời xưa, ở vùng nông thôn, mỗi khi trong nhà có người chết, lúc đặt thi thể vào quan tài thường đeo lên cổ xác chết chuỗi vòng này để đề phòng bị lũ chó đói gặm nát thủ cấp hoặc bị mèo hoang nhảy qua khiến người chết nhập tràng sống dậy.
Những kẻ biệt bảo thường xuất hiện ở những nơi rừng già núi thẳm hoặc mộ hoang, đất dữ, để tránh rắn độc, dã thú, họ cũng có thói quen đeo “bánh đả cẩu”.
Triệu Lão Biệt cũng nhận thấy cậu Tư Mã Khôi này tuy chỉ mới mười lăm mười sáu tuổi đầu nhưng vô cùng tinh quái, hiểu biết rất nhiều chuyện và không dễ bị bắt nạt.
Thế nhưng tuyệt đối lão không thể tưởng tượng tên tiểu tử ấy lại có thể nhìn xuyên thấu hành tung của mình, nên trong lòng không tránh khỏi thất kinh một phen, liền bội phần khâm phục nói: “Vị đầu lĩnh này đúng là nhãn lực hơn người, không ngờ thời thế này vẫn còn có người biết đến nghề biệt bảo của bọn mỗ.”
Việc đến nước này, Triệu Lão Biệt chỉ còn cách thẳng thắn thừa nhận mình quả thực là một tay biệt bảo, hôm nay gặp vận may lớn, khi vô tình đi ngang qua khu Hắc Ốc hoang phế, liền phát hiện ra chiếc bàn chặt thịt, đúng là “Đi mòn gót giày tìm chẳng thấy, đứng lại ngồi nhìn ở ngay đây”.
Cuối cùng lão đã nói với bọn Tư Mã Khôi và La Đại Hải: “Lão mỗ đây chẳng nói sai với người ngay thẳng, có gì nói nấy, cái bàn gỗ dùng để chặt thịt của hai cậu đích thị là một vật vô cùng quý hiếm, nhưng chỉ sợ trên đời này, ngoại trừ Triệu Lão Biệt mỗ ra thì chẳng còn người thứ hai hiểu được giá trị của nó.
Hôm nay trời đã muộn, chúng ta tạm thời cáo biệt ở đây, hai người các cậu cứ bàn bạc kỹ xem.
N.g.u.ồ.n.
.t.ừ.
.s.i.t.e.
.T.r.u.y.e.n.G.i.C.u.n.g.C.o…c.o.m.
Lời đã nói thẳng như vậy thì mỗ cũng chẳng để hai cậu phải chịu thiệt thòi quá đáng.
Trong thành mỗ còn giấu một vật rất tốt, ngày mai sẽ mang đến đây.
Nếu lúc đó các cậu vẫn khăng khăng không chịu đổi hàng, mỗ sẽ không nói đến câu thứ hai, cất bước đi luôn, đã đi là không quay trở lại, có câu nói xưa mỗ thấy rất hay Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông, đến lúc đó hai cậu đừng có hối hận.”
Tư Mã Khôi và La Đại Hải gật đầu đồng ý, hai người nhìn Triệu Lão Biệt đi khỏi Hắc Ốc liền lập tức trở lại lán, khêu to ngọn đèn dầu cho sáng, khênh chiếc bàn nhớt nhát cáu bẩn dầu mỡ đặt lên mặt đất, lật đi lật lại hồi lâu, nhưng cả hai xem tới xem lui mãi mà vẫn không phát hiện ra Tý Sửu Dần Mão gì ẩn chứa bên trong chiếc bàn nên đầy bụng nghi hoặc.
Đêm hôm đó, cả hai suy đi tính lại, nghĩ trước nghĩ sau, trằn trọc mất ngủ cả đêm.
Sáng sớm hôm sau, Triệu Lão Biệt quả nhiên lại tìm đến, lần này trong túi vải đay của lão có thêm chiếc áo lông da trơn bóng, mềm mại, lớp lông da màu đen pha lẫn ánh đỏ, có vài phần khá giống với da báo nhưng rất nhẹ và mỏng.
Có điều Tư Mã Khôi và La Đại Hải thì đừng nói da báo, mà ngay cả lông chồn Đại Liên cũng chưa bao giờ nhìn thấy nửa cọng, nên hai người đành giả vờ am hiểu hỏi Triệu Lão Biệt: “Đây là da con gì vậy? Trông lớp da bóng láng, sáng sủa cũng không tệ, là da xịn hả?”
Triệu Lão Biệt nghe xong càng thêm đắc ý, lão liền khoe khoang: “Lai lịch chiếc áo lông da này của mỗ đúng là bất phàm.” Sau đó lão kể lại lai lịch của nó cho hai người nghe.
Lão bảo trước giải phóng thường đến núi Trường Bạch để đào nhân sâm, đêm đến tá túc ở một lâm trường bỏ hoang.
Trong lâm trường có một con mèo già, lông vằn vện như lông hổ, to béo mập mạp, lại vô cùng linh hoạt nhanh nhẹn, lên cây bắt được chim, xuống đất vồ được chuột.
Triệu Lão Biệt ở trong lâm trường lâu dần cũng trở nên quen thuộc với nó, bởi thường cho con mèo ăn thức ăn của mình, về sau, một buổi sáng trước khi vào núi, lão nhìn thấy con mèo nằm rạp trên cành cây, thở hổn hển, trông có vẻ sức cùng lực kiệt, ngay cả đuôi cũng chẳng buồn động đậy, suốt nhiều ngày trời nó đều ở trong tình trạng như vậy.
Triệu Lão Biệt thầm thấy lạ.
Với con mắt cú vọ của kẻ biệt bảo, lão vừa nhìn là biết ngay con mèo này chắc chắn đã gặp kỳ ngộ gì đây, liền nảy ra ý định phải tìm hiểu cho rõ ngọn ngành.
Thế là lão âm thầm quan sát theo dõi, phát hiện chỉ cần màn đêm vừa buông xuống, con mèo già liền chạy vào miếu Sơn Thần, nó luồn vào khe cửa rồi náu mình trong bóng tối nơi góc tường, ở đó án binh bất động.
Đợi đến lúc đêm đã về khuya, cả không gian tĩnh lặng, thì trên chiếc kèo gỗ của miếu Sơn Thần bất ngờ phát ra một tiếng động nhỏ, trông lên chỉ thấy một con chuột khổng lồ to như con chó, hai mắt sáng quắc như đèn pha, đang bò từ trên kèo nhà xuống trước mặt các vị thần.
Đến nơi, nó dùng đuôi ngoáy vào trong chiếc đèn dầu, ăn trộm dầu đèn mà người ta dâng cúng cho Sơn Thần, đồng thời ôm ngọn nến mỡ bò gặm nham nhở, phát ra âm thanh nghe “lọt cọt lọt cọt”.
Lúc này con mèo già đột ngột từ trên góc tường nhảy vọt ra, quyết sống mái với con chuột.
Con chuột tuy to xác nhưng không hề đù đờ, chẳng những vậy nó còn vô cùng hung tàn hiểm ác và dường như không hề sợ sệt kẻ địch.
Con mèo già di chuyển nhanh thoăn thoắt mà vẫn không làm gì được nó, hai con quái thú quần nhau huỳnh huỵch, đánh nhau không biết mệt mỏi, đúng là quyết chiến sống chết một phen, bởi con nào cũng thần thông, nên khó phân định cao thấp.
Nhờ vào ánh trăng, Triệu Lão Biệt có thể nhìn rõ sự việc và hiểu được chân tướng.
Thì ra đêm nào con mèo cũng phải đến đây quyết đấu với con chuột cho nên khi trời sáng nó mới mệt đến nỗi không lết nổi thân.
Lão nhìn trộm trận ác chiến giữa hai kẻ địch, mải mê đến độ quên hết mọi thứ xung quanh, toàn thân căng thẳng theo nhịp độ của trận đấu, rồi vô tình lão chạm vào một cánh cửa bị hỏng khiến nó đổ rầm xuống đất.
Con chuột khổng lồ đang toàn tâm toàn ý tập trung vào trận ác đấu với con mèo già, đột nhiên nghe thấy âm thanh lạ từ đằng sau vọng đến liền giật nảy mình và chỉ cần mấy giây mất tập trung cũng khiến nó lộ ra yếu điểm để con mèo già quật ngã, cắn đứt cổ họng.
Phút chốc máu nó trào ra như suối, nhuộm đỏ cả gạch ngói vương trên mặt đất miếu thần.
Nó giãy giụa một hồi rồi cuối cùng cũng trợn ngược mắt, thở hắt ra mà chết.
Đây đúng là: “Tranh hùng quyết sống mái, phút cuối phân thắng bại”.
Triệu Lão Biệt là tay sành sỏi trong nghề, vừa nhìn đã biết con chuột này đã nhiều năm ăn dầu đèn, gặm sáp nến, chắc chắn đã thành tinh, đạo hành cũng không ít, nên liền lấy dao lột da nó, mang về đem đi thuê người làm thành một chiếc áo khoác da thú.
Vào những ngày tháng chạp băng giá, ở quan ngoại nước nhỏ thành băng, nhưng chỉ cần khoác chiếc áo da chuột trên người, thì cho dù bên trong để mình trần, trán vẫn đổ mồ hôi như thường.
Chỉ có điều, lão ta chưa bao giờ tiết lộ cho người ngoài biết đây là chiếc áo da chuột trăm năm, mà chỉ gọi nó là “Hỏa long tuấn mã”.
Triệu Lão Biệt lại bảo Tư Mã Khôi và La Đại Hải: “Đừng thấy bây giờ là mùa hè nóng bức mà cho rằng chiếc áo này vô dụng.
Hãy đợi khi mùa thu đến, lá trên cây ngả sang màu vàng, hàng đàn chim ưng kêu quang quác bay về phương nam tránh rét; đến lúc ấy nếu các cậu vẫn sống trong cái lán rách khu Hắc Ốc này, chắc khó lòng chống chọi nổi với cái lạnh căm căm và không khí ẩm ướt, chẳng chóng thì chày cũng nhuốm bệnh vào thân.
Lúc đó hai cậu không thể rời xa chiếc áo da Hỏa long tuấn mã của mỗ đây một bước đâu.”
Tư Mã Khôi trong lòng tự biết chiếc áo khoác da này chắc chắn là cái giá cuối cùng mà Triệu Lão Biệt đồng ý trả; và dù sao dựa vào nhãn lực và kiến thức của mình, cậu cũng không thể nhìn ra cái bàn chặt thịt mục nát đó rốt cục là bảo vật phương nào, chi bằng cứ đổi quách đi cho xong, nên chấp nhận điều kiện trao đổi.
Thế nhưng cậu vẫn giao kèo với Triệu Lão Biệt: “Vụ làm ăn này giữa bọn tôi và lão chắc không có vấn đề gì, nhưng xin lão sư phụ không ngại chỉ dạy cho, đừng để chúng tôi chịu thiệt một cách mù mờ.
Lão hãy nói cho bọn tôi biết rõ toàn bộ ngọn nguồn lai lịch của chiếc bàn chặt thịt, đồng thời nói luôn rốt cục lão làm cách nào để phát hiện ra nó có điểm khác thường, và mang nó đi để dùng vào việc gì? Nếu có chỗ nào giải thích không rõ ràng, Tư Mã Khôi tôi đây thà chẻ nó ra làm củi đun chứ tuyệt đối không chịu để cho lão hưởng lợi dễ dàng như thế đâu.”
Triệu Lão Biệt vô cùng khó xử, nhăn mặt nói: “Tư Mã đầu lĩnh, cái lý của cậu có phần không đúng cho lắm, người xưa đã có câu: Khăn thêu uyên ương, mặc người thưởng ngoạn.
Kỹ nghệ kim chỉ, một mình mình hay.
Hai bên chúng ta tiến hành giao dịch lấy vật đổi vật, mỗ lại không để cậu thiệt thòi chút nào, sao nhất định phải ép mỗ nói ra gốc gác của nó?”
Tuy rằng Tư Mã Khôi và La Đại Hải phiêu bạt giang hồ đã nhiều năm, nhưng rốt cục vẫn không thoát khỏi tâm lý hiếu kỳ của trẻ con, mọi chuyện đều muốn biết rõ chân tướng mới thỏa mãn, nếu trắng đen mập mờ, cả đêm ngủ cũng không ngon giấc.
Vậy nên hai người kẻ đánh người xoa, nằng nặc đòi Triệu Lão Biệt giải thích bằng được, lại còn thề thốt sau này tuyệt đối không hối hận mà thay đổi quyết định, cũng không trở thành kẻ phản đồ tiết lộ bí mật cho người khác.
Triệu Lão Biệt gặp phải hai hòn đá tảng cứng đầu đành tự nhận mình đen đủi, buộc phải tiết lộ vài phần sự thực.
Thế gian đều nói bọn man tử biệt bảo mắt sắc như dao, sự thực quả đúng như vậy.
Trưa hôm qua, khi đi ngang khu Hắc Ốc hoang phế, Triệu Lão Biệt đảo mắt một cái liền phát hiện trong lán có điểm khác thường.
Nhãn lực nhận biết bảo vật là một môn công phu hơn nữa còn là kinh nghiệm được tích lũy nhiều năm, nói sao được nhỉ? Kỳ thực phải nói trắng ra thế này, khả năng ấy không hề tà ma như dân gian vẫn truyền miệng, cũng không phải cái gì xa xôi giống như kiểu nhìn thấy ánh hào quang lấp lánh tỏa ra từ cái lán gỗ, mà chỉ đơn giản là người làm nghề biệt bảo rất giỏi quan sát, họ có thể phát hiện ra những chi tiết nhỏ bé mà người thường dễ dàng bỏ qua.
Triệu Lão Biệt liền đi đến cái lán thì phát hiện gần khu vực đó có rất nhiều hiện tượng khác thường.
Theo lẽ tự nhiên, thời tiết oi bức thế này, khu vực Hắc Ốc rác rưởi chồng chất như núi, La Đại Hải lại vừa mới cắt chiếc thủ lợn vứt quay lơ trên mặt bàn, khiến khắp nơi đều nhuốm mùi máu tanh, thì xung quanh lẽ ra phải có rất nhiều ruồi nhặng bay lượn vo ve không ngớt mới đúng.
Thế nhưng xung quanh cái lán phía đằng sau Tư Mã Khôi và La Đại Hải lại tịnh không thấy bóng dáng nửa con ruồi, đó chẳng phải chuyện rất lạ hay sao?
Triệu Lão Biệt đoán chắc gần đây có giấu bảo vật, liền lập tức dừng bước, giả bộ xin bát nước chè, rồi nhân cơ hội này ngồi luôn xuống trước cửa lán, nhìn quanh bốn phía cẩn thận dò xét, cuối cùng ánh mắt dừng lại ở chiếc bàn mục nát dùng để chặt thịt.
Chiếc bàn chặt thịt là phần bên trên của một thân trụ gỗ, bốn phía buộc dây thừng gai, trên mặt bàn còn đặt một chiếc đầu lợn mắt trợn trừng không chịu nhắm, máu tươi nhỏ ròng ròng xuống, nhưng lạ một điều là không nhìn thấy giọt máu nào chảy ra ngoài mà từ từ thấm ngược vào trong thân gỗ.
Triệu Lão Biệt liếc mắt một cái, liền đoán định ra bên trong chiếc bàn gỗ nhuốm đầy dầu mỡ này hẳn phải có một kỳ vật.
Khúc gỗ để làm chiếc bàn chắc chắn được trong thân nó có lỗ hổng do sâu đục, vừa vặn để một con rết cỡ nhỏ chui lọt.
Con rết ở trong thân cây lâu ngày, cơ thể dần phình to, khó lòng chui ra ngoài thoát thân, đành chịu bị nhốt ở bên trong.
Gỗ mang tính âm, lại tiết ra dịch thông qua thớ gỗ, nuôi con rết nhiều năm không chết.
Sau này, cây cổ thụ bị đốn xuống làm nguyên liệu, khúc gỗ được bào thành chiếc bàn cắt tiết chặt thịt gia súc lại chính là khúc gỗ có con rết trốn bên trong.
Con rết liên tục được hút tiết lợn, qua năm dài tháng rộng, lâu dần cơ thể nó tiết ra một viên “Ngọc Định Phong”.
Nghe nói vì viên ngọc có thể chữa trị bệnh thống phong nên người ta mới đặt cho nó tên ấy, chứ không phải đó là viên ngọc mà Tôn Ngộ Không năm xưa được Tiên Ông ban cho để chiến đấu mượn được quạt Ba Tiêu của Bà La Sát trên đường đi Tây Thiên thỉnh kinh, về sau, chiếc bàn gỗ chặt thịt bị chủ hàng vứt bỏ, không biết lưu lạc thế nào lại đến được khu Hắc Ốc hoang phế, con rết già nằm bên trong đã bị chết đói từ lâu, nhưng viên ngọc thì vẫn còn.
Viên “Ngọc Định Phong” này là loại linh đơn được kết tụ bởi rất nhiều âm tà huyết khí, nên lũ ruồi muỗi mới không dám bén mảng đến gần.
Vật mà Triệu Lão Biệt muốn có, chính là viên ngọc quý này.
Lúc ấy, Tư Mã Khôi không thể tin nổi, làm gì có chuyện chuẩn xác đến thế? Cậu lập tức đi tìm cái rìu bổ củi, bổ toang cái bàn chặt thịt ra làm mấy mảnh, và trong đó quả nhiên có một con rết lớn, toàn thân đỏ au au nằm cuộn tròn người.
Bị rìu chặt ra làm hai đoạn, tuy nó đã chết nhưng trông vẫn sinh động như đang sống, còn trong miệng con rết ngậm một viên ngọc trắng phơn phớt, tròn vành vạnh, không hề tỏa ánh sáng bóng, mà nhìn giống như một cái mắt cá màu đùng đục.
Tư Mã Khôi và La Đại Hải nhìn chằm chằm không rời, và đến lúc này mới coi như thực sự tâm phục khẩu phục, có trách thì chỉ trách bản thân mắt mờ, ở bên cạnh bảo vật bao lâu nhưng không hề nhìn thấy, sau này muốn hối hận cũng không kịp, tối nay cứ việc nằm đợi mà nuôi muỗi.
Triệu Lão Biệt cười hì hì, trong lòng vô cùng đắc ý nhưng vẫn giả bộ khuyên giải hai người: “Có câu nói xưa thế nào nhỉ…!Số mệnh ba thước, khó cầu một trượng.
Hai vị đầu lĩnh tuổi trẻ xuất anh hùng, tuy rằng vô duyên với viên ngọc này, nhưng ngày dài tháng rộng, hơn nữa còn đổi được chiếc áo da, thuốc thơm và nhiều đồ nhai sướng miệng nữa, thì cũng nên biết thỏa mãn.
Hai bên chúng ta đều có được vật mà mình muốn có, chẳng ai thiệt thòi cả, núi không chuyển thì sông chuyển, sau này chắc chắn còn có cơ hội gặp mặt.” Nói đoạn, lão nắm chặt viên “Ngọc Định Phong” trong tay, quay người định đi.
Tư Mã Khôi và La Đại Hải đang lúc hưng phấn, làm gì có chuyện buông tay bỏ qua dễ dàng như thế, hai người liền vội vàng ngăn Triệu Lão Biệt lại: “Lão vẫn chưa nói rõ hết mọi chuyện, sao nói đi là đi ngay được? Viên ngọc trông giống cái mắt cá này rốt cục có công dụng gì? Lão mang nó đi định dùng vào việc gì?”
Triệu Lão Biệt có vẻ hơi ngần ngừ một chút.
Lão vốn không định nói thêm nữa, nhưng thấy Tư Mã Khôi và La Đại Hải gan to ngang trời, ngông cuồng chẳng biết sợ thần quỷ gì cả, mà bây giờ một mình lão vào núi biệt bảo lại đang cần trợ thủ, nếu được hai thiếu niên trẻ tuổi ở bên cạnh giúp sức thì chẳng phải công việc sẽ thêm phần suôn sẻ hơn sao? Nghĩ đến đây, Triệu Lão Biệt liền nheo mắt nhìn trời rồi thấp giọng bảo: “Xem ra cái thị trấn cổ trong Hắc Ốc này địa hình không phải hạng xoàng, vốn là mảnh đất vàng, phong thủy thuận chiều Phượng hoàng sải cánh, tung ngọc rải vàng, nhưng bao năm nay không biết vì lý do gì mà đất đai trở nên cằn cỗi, người vật cùng kiệt?”
Tư Mã Khôi và La Đại Hải cảm thấy không thể lý giải nổi, liền hỏi: “Mấy cái thuật phong thủy địa lý cổ xưa, anh em bọn tôi cóc hiểu lắm, nhưng nghe nói Hắc Ốc từ trước đến nay đều nghèo xơ xác thế này, cỏ dại mọc um tùm, đất đai nứt nẻ, trồng cây gì chết cây đấy, thì làm sao có thể gọi là mảnh đất vàng được?”
Triệu Lão Biệt nói: “Lúc trước mỗ đã nói gì nhỉ, có trách thì chính là trách điều này, nơi đây tuy rằng địa lý rất tốt nhưng lại nằm ở giữa hai dải núi, thiếu mất nguồn linh khí mà những mảnh đất vàng phong thủy khác vẫn có, vì thế mỗ đây dám phỏng đoán rằng bên trong ngọn núi hoang vu phía tận cùng mạch đất, nơi con người chưa hề đặt chân tới, chắc chắn có chôn giấu một cổ vật ngàn năm mang âm khí rất nặng nề, chính vật này đã hút cạn tinh hoa của trời đất, ám hại thổ nhưỡng sông ngòi nơi này.
Nhưng vẫn có câu Phải nhìn tận mắt mới hay thật giả, rốt cục trong lòng núi cất giấu vật gì, bây giờ mỗ cũng không dám đoán bừa.”
Triệu Lão Biệt tự nhận mình phải dùng trăm phương ngàn kế mới lấy được viên “Ngọc Định Phong” trong chiếc bàn chặt thịt mục nát.
Lão muốn mượn vật này để đi đào bảo vật chôn giấu dưới lòng núi.
Trước khi đi, lão ta còn nhắn nhủ: “Này hai vị đầu lĩnh! Nếu hai cậu có gan thì giờ Tý đêm nay đến chân cầu La Sư phía sau khu Hắc Ốc đợi mỗ, tới lúc đó mỗ sẽ cho hai cậu mở rộng tầm mắt.
Có điều hai cậu phải tuyệt đối nhớ kỹ, việc này không được tiết lộ với bất kỳ ai.”.