Đọc truyện Mê Thần Ký – Chương 2
Học
đường nằm trong “Tiềm Long trai” không xa bên hành lang mé tây. Ngay mặt có một
cánh cửa sơn đỏ thắm, trên cửa sổ có khắc hình hoa hướng dương, giữa các ô cửa
được khảm vò sò đã mài nhẵn sáng loáng, ánh dương mùa đông rọi vào sáng lấp
lánh. Từ khe cửa sổ dọc hành lang ngắm ra, mấy cây ngô đồng khoác trên mình lớp
áo tuyết thưa thớt đứng vững chãi trong gió đông giữa sân viện, phía xa xa là
mép hồ uốn quanh. Những chỗ này đương nhiên Lưu Tuấn chưa từng tới, nhưng xem
ra Tử Hân cũng chẳng quen thuộc lắm.
Đi vào
gian phòng rộng thoáng, hai đứa tìm một cái bàn rồi ngồi xuống. Lưu Tuấn lấy
bút mực ra khỏi bọc vải, bày ngay ngắn lên bàn. Tử Hân ngồi im lặng một bên,
trước mặt chẳng có gì cả. Mấy đứa con trai đang nô đùa giữa sân, chợt thấy một
lão nhân mình vận áo dài thong thả từ cổng viện đi vào, ho khan một tiếng,
chúng lập tức ùa vào trong nhà ào ào như bày ong, ai nấy đều nhanh chóng tìm
chỗ của mình mà ngồi xuống.
Lê tiên
sinh bước vào trong phòng, ngồi trên chiếc thái sư kỷ, lưng thẳng tắp, tay vuốt
vuốt chòm râu dê, nhắm mắt dưỡng thần, đợi tiếng ồn ào lắng hẳn mới từ từ mở
mắt ra, hỏi: “Đều đến đủ cả rồi chứ?”
“Đủ rồi
ạ”, một đứa con trai đáp.
“Buổi
đầu tiên lên lớp, không vội học chữ, nói quy củ trước. Phàm đã vào con đường
học tập qua sách, trước phải học tu thân, sau là học khống chế tâm tính. Phải
hiểu việc phụng thờ cha mẹ, giao tiếp xung quanh rồi mới có thể thấu đạt lý lẽ,
tường tận ngọn nguồn. Điều này các ngươi có hiểu được không?”
Đám trẻ
ngồi dưới đồng thanh đáp: “Hiểu ạ!”.
Lê tiên
sinh gật đầu, tiếp tục nói: “Đã làm người, đầu tiên phải giữ gìn phong tư đoan
chính. Y phục, giày tất, lúc nào cũng phải thu dọn sạch sẽ. Con trai có ba việc
phải kỹ càng: Đã làm lễ Gia quan[1] thì
phải chít khăn, chưa làm lễ Gia quan thì phải búi tóc… không được để đầu tóc
rối bù, đây là kỹ càng về đầu tóc. Thắt lưng phải quấn chỉnh tề, không được
lỏng lẻo, đây là kỹ càng về lưng eo. Giầy tất phải buộc chặt, không được để
tuột ra, đây là kỹ càng về chân. Tóm lại, áo mũ không được thùng thình. Thùng
thình ắt thân thể lỏng lẻo không nghiêm trang ắt dễ bị người khác khinh thường
coi rẻ.”
[1]
Thời cổ, con trai cứ đến hai mươi tuổi là làm lễ Gia quan (đội mũ), biểu thị đã
trưởng thành.
Nói
xong một tràng, bên dưới lập tức dấy lên một trận ồn ào, nào là buộc đầu tóc,
thắt dây giày, chỉnh đai lưng, thứ nào cũng có.
Lê tiên
sinh mặt mày lạnh tanh quét mắt nhìn đám trẻ nghiêng ngả, chân tay luống cuống
trước mặt, hắng giọng, nói tiếp: “Là người làm con, làm em, nói năng thì phải
nhỏ nhẹ, thưa thốt từ tốn rõ ràng, không được cao giọng to tiếng ồn ào, nói
cười buông thả. Cha anh bề trên có điều gì dạy bảo, phải biết cúi đầu lắng
nghe, không được tùy tiện nghị luận. Bề trên có gì sai lầm, không thể cứ vạch
ra rạch ròi, nên tạm thời ‘ậm ừ’, sau này từ từ lựa dịp thưa bẩm lại. Giữa bạn
bè với nhau cũng nên như thế”.
Lưu
Tuấn thì thầm hỏi: “Thế nào là ‘ậm ừ’?”.
Tử Hân
đáp: “Ý là ngậm miệng không nói gì”.
“Phàm
việc đi đứng, ắt phải ngay ngắn, phải ôm tay áo thong thả đi, không được bước
vội chạy nhảy. Nếu là phụ mẫu bề trên cho gọi, thì phải nhanh chóng tới diện
kiến, không được lề mề. Vái nhau ắt phải khom lưng, đối với phụ thân, bề trên,
bằng hữu thì phải tự xưng tên; xưng hô với bề trên không được gọi tên tự; có
khách thì không được ngồi chính sảnh, lên cầu thang không được đi mé đông,
không được lên xuống ngựa trước sảnh, phàm là việc gì cũng không được tự tiện
không hỏi ý phụ thân.”
“… Theo
hầu bên cạnh bề trên, nói năng phải nghiêm chỉnh, hai tay phải chắp vào, lời
thực mà thưa, không được nói xằng nói bậy. Cùng bề trên ra ngoài, đi ắt phải đi
bên phải, dừng ắt phải đứng bên trái. Ăn uống thì nhai nhẹ ăn chậm, không được
phát ra tiếng nhai nuốt. Mở cửa vén mành thì phải từ từ nhẹ tay, không được
mạnh tay gây ồn… Đi nhà xí phải cởi áo ngoài; đi xong thì phải rửa tay, không
có đèn nến thì không được đi. Đêm ngủ phải dùng gối không lấy áo ngủ chùm đầu…”
Vô cùng
vô tận quy củ cứ như nước suối chảy không bao giờ dứt tuôn ra từ miệng Lê tiên
sinh. Đám học trò nhẫn nại lắng nghe hơn nửa canh giờ đã mê muội mệt mỏi tới
buồn ngủ, chợt lại nghe Lê tiên sinh nói: “Mấy quy củ này mới chỉ là mở đầu, ta
đã sao cho mỗi trò một cuốn sách nhỏ, đợi chút nữa tan học, các trò về nhà phải
chăm chỉ ôn tập, học cho thuộc quy củ hôm nay ta giảng. Ngày mai ta hỏi từng
thứ một, đáp không được thì… khà khà!”, đám trẻ trong lòng lạnh toát, đang lúc
sợ hãi lại nghe cây thước gõ xuống bàn bang bang hai tiếng khiến cả đám toát
hết mồ hôi, bây giờ mới biết ngoại hiệu “dạ xoa mặt dài” các vị đàn anh lớp
trên đặt cho vị Lê tiên sinh này đúng là không hề nói quá. “Bây giờ chúng ta
học cách vái chào. Triệu Thanh Thuần, trò lên đây”, Lê tiên sinh đứng dậy, đi
ra trước thềm, quay mặt về đám học trò, nghiêm túc vái một cái rồi gọi học trò
tới phỏng theo.
Ai ai
cũng phải đứng dậy, chắp vái như bái Phật, nghe Lê tiên sinh chỉ dạy, chỉnh
sửa: “Hai chân phải đứng rộng một chút, như thế mới đứng vững được. Lúc khom
lưng, mắt phải nhìn xuống giày của mình, dáng vẻ nghiêm nghị mới là đẹp. Lúc
vái xuống, gối phải thẳng, không được co gập. Đối với người địa vị tôn quý thì
tay vái phải quá gối rồi sau đó tay theo người đứng thẳng lên. Đúng rồi, chính
là như thế…”.
Đưa mắt
nhìn, cả đám trẻ con đang lụp sụp vái nhau, duy chỉ có Mộ Dung Tử Hân vẫn một
mình ngồi đó, không động đậy gì, thờ ơ nhìn mọi người, bộ dạng như không có gì
liên quan tới mình.
Lê tiên
sinh nghiêm mặt, vẻ uy nghiêm trong mắt phóng ra bốn phía, trầm giọng hỏi: “Tử
Hân, sao trò không học?”
Từ Hân
chống nạng chật vật đứng dậy, qua loa vái một cái rồi lại ngồi xuống.
“Làm
lại”, Lê tiên sinh lạnh lùng nói: “Nếu đứng trước mặt trò là hoàng đế, trò cũng
tùy tiện khinh mạn thế sao?”.
Thoáng
cái, tất cả mọi người đều dừng lại, mười mấy cặp mắt nhìn chằm chằm vào thằng
bé.
Tử Hân
đành nghiêm chỉnh vái một lần nữa, trong lúc luống cuống gập lưng hơi quá, lập
tức đầu nặng chân nhẹ, đánh “uỵch” một tiếng rồi ngã xuống mặt đất. Mặt nó vốn
đã vừa xanh lại sưng, trông rất buồn cười, lần này ngã bộ dạng lại càng buồn
cười hơn. Một vài đứa trong đám học trò đứng xem bên cạnh đã không nhịn nổi mà
ha ha cười thành tiếng.
“Cười
cái gì mà cười! Nếu như người ngã đó là cha là anh các ngươi, các ngươi cũng
cười như thế hả?” Lê tiên sinh quát một tiếng, đám trẻ sợ hãi lập tức im phăng
phắc.
Lưu
Tuấn vội vàng cúi xuống đỡ Tử Hân dậy, Tử Hân lại tránh tay nó, nhẹ giọng bảo:
“Để tự ta”. Nói xong, nó tự mình chầm chậm bò dậy, ngồi lên ghế, phủi phủi mấy
hạt bụi bám trên áo, cả khuôn mặt xanh xao, cúi đầu không nói năng gì.
Thời
gian còn lại của buổi lên lớp là dạy về sớm khuya thăm hỏi, thỉnh an như thế
nào, phụng sự cha mẹ ra sao, chăm sóc đau ốm thế nào, một mạch cho tới mài mực,
cầm bút ra sao, viết chữ kiểu gì… hết thảy, Tử Hân đều không để vào tai, trong
lòng chỉ thấy tiếng cười nhạo của mọi người cứ vọng đi vọng lại hết lần này tới
lần khác. Khó khăn lắm mới đợi được cho tới lúc tan học, nó im lặng trở về, dọc
đường bất luận Lưu Tuấn có pha trò thế nào nó vẫn im lặng không nói nửa lời.
Đến ngã rẽ, hai đứa chia tay, nó tự mình đi thong thả men theo hành lang dài,
lúc sắp tới cửa phòng mình chợt có đôi tay lành lạnh che mắt nó, một giọng nói
ngọt ngào vang lên từ sau lưng: “Sớm thế này đã tan học rồi à?”
Tử Hân
dừng bước, nói: “Tan rồi”.
“Không
trốn học đấy chứ? Trông đệ, cái gì cũng không mang theo, đâu có giống một học
trò lên lớp?”, người đang nói là một cô bé mắt to tròn, mái tóc dày, lúc cười
đôi mắt long lanh, hai viên đá quý trên chiếc khuyên tai tròn cũng đinh đinh
đang đang theo tiếng cười.
Tâm
tình Tử Hân không tốt, chẳng buồn nói gì, cô bé kia lại cứ cuốn lấy nó, hỏi:
“Đệ vẫn chưa nói cho ta hôm qua rốt cuộc là ai đánh đệ? Là Tiểu Hổ phải không?
Hay là Tiếu Kim Tử? Đệ nói đi chứ! Đệ không nói, ta làm sao tính sổ giúp đệ
đây?”.
“Không
phải, mà cũng chẳng làm sao cả”, nó lại thở dài một tiếng.
Cô bé
lại hỏi: “Sao hôm nay đệ cứ thở dài mãi thế? Lên lớp không vui à?”.
“Không
phải.”
“Ăn cơm
chưa?”
“Không
muốn ăn”, nó đi vào phòng, ngồi lên giường.
“Đệ
không thèm để ý đến ta, ta đi chơi đây.”
“Đi
đi.”
“Ta đi
chơi, đệ giúp ta trông Đường Hành một lát được không?”
Tử Hân
tức tối kêu lên: “Tỷ, tỷ chớ có quấy rầy đệ nữa có được không?”.
Đang
nói, bỗng một đứa bé trai mặc áo đỏ tóc búi chỏm từ trong phòng chạy vụt ra,
trông thấy Tử Hân bèn gọi toáng lên: “Tử Hân ca ca! Tử Hân ca ca! Đệ nhớ huynh
chết đi được, huynh có nhớ đệ không?”. Nói xong, nó tháo giày trèo lên giường
ôm lấy cổ Tử Hân.
Tử
Duyệt vội nói: “Đường Hành ngoan, ca ca hôm nay không thoải mái, đệ phải ngoan
ngoãn đừng có chọc giận ca ca nghe chưa. Căn phòng này cũng lớn, đệ tự mình
chơi ở đây đi, có điều này, đừng đụng vào con cá vàng bảo bối của ca ca. Tối
nay cha đệ sẽ tới đón đệ.”
Đường
Hành chớp chớp mắt, từ trên giường nhảy lên người Tử Duyệt, ôm lấy mặt cô bé
hôn loạn cả lên, thoáng cái nước mũi, nước bọt đã bôi đầy mặt cô bé. Hai tay
Đường Hành bám lấy vai Tử Duyệt, trèo leo như chú khỉ trên người cô bé, thì
thầm nói: “Tử Duyệt tỷ tỷ thật là thơm, đệ theo tỷ đi chơi được không? Đệ nhất
định sẽ ngoan ngoan, việc gì cũng nghe lời tỷ. Thật đấy!”.
“Không
được, không được, hôm nay tỷ có việc cực kỳ quan trọng phải làm, đệ đi theo chỉ
tổ làm loạn… Cứ ở lại đây được rồi!” Tử Duyệt thành thạo đi giày cho Đường
Hành, thằng bé lập tức chạy vụt vào thư phòng tìm tranh vẽ.
Cánh
cửa nhẹ nhàng khép lại, căn phòng đột nhiên tối sầm, lúc này
Tử Hân
mới nhớ tới ngọn đèn sáng nay đã thổi tắt lúc ra khỏi cửa, ngọn đèn duy nhất đã
thắp sáng thì lại bị Đường Hành mang vào trong phòng rồi. Vài tia sáng len qua
rèm cửa sổ lọt vào, lẻ loi chiếu trên bình hoa cao hơn nửa thân người đặt bên
cạnh phi trạo[2]. Miệng bình mạ vàng lập tức phản chiếu lại ánh kim
lóa mắt.
[2]
Phi trạo: Một bộ phận trang trí trong kiến trúc truyền thống Trung Quốc, thường
được đặt giữa xà và cột.
Tử Hân
vội vàng nhắm mắt, lại nhớ tiếng cười của đám con trai, giọng hà khắc của Lê
tiên sinh cho tới bộ dạng nhếch nhác của bản thân lúc bị ngã trong Tiềm Long
trai.
Khi ấy
nó ngã không đau lắm, nhưng lúc bò trên mặt đất, nó có thể tưởng tượng ra mười
mấy cặp mắt đằng sau lưng đang nhìn chằm chằm vào mình như thế nào. Nó còn nhỏ,
tự nhiên cứ thế mà tiến vào kiểu suy lý phức tạp khúc chiết “ta nghĩ ngươi hẳn
đang nghĩ là nó đang nghĩ rằng ta đang nghĩ…” thường thấy trong thế giới loài
người. Giữa hai cái “ta” kia có thể tự do thêm vào vô số nhân xưng với phán
đoán. Rốt cuộc, chẳng ai biết được ai đang nghĩ về ai. Việc duy nhất không sai
vào đâu được là, vào lúc ấy, bụi bặm trên sàn cứng có vị chua đến lạ. Sàn gạch
sạch bóng mà lạnh lẽo, bốn cạnh có trạm khắc những bông hoa mai với dây leo
tinh tế. Vạt áo dưới của Lê tiên sinh có một miếng vá khuất mắt, phủ lên đôi
giày bông vải xanh đế dày nửa mới nửa cũ. Nó còn phát hiện chân của lão tiên
sinh rất nhỏ, giày cũng rất hẹp, thật không tương xứng với thân hình dong dỏng
cao gầy của tiên sinh ấy. Nếu không phải là mối nhục nhã kia cứ dâng lên cổ
họng, hay vị chua chua cứ hết lần này tới lần khác khuấy ký ức lên khiến nó
không lắng xuống nổi thì đây vốn cũng là một ngày bình thường. Có điều, bởi vì
việc đó, thế giới đã hoàn toàn thay đổi, trở nên nhạt nhẽo vô vị. Tử Hân nằm
yên trên giường không động đậy, trừng mắt nhìn trần nhà trang trí theo kiểu hải
mạn thiên hoa[3], cảm thấy mọi thứ xung quanh cứ quay vòng vòng.
[3]
Hải mạn thiên hoa: Một kiểu trang trí truyền thống của Trung Quốc, trần nhà
trạm trổ hình hoa theo hàng.
Nó bỗng
bắt đầu đếm tuổi của mình, bắt đầu tính toán phải bao nhiêu năm nữa nó mới chết
đi.
Đang
nghĩ ngợi lung tung, nó chợt ngửi thấy có mùi khói khét. Ngẩng đầu nhìn, nó
phát hiện trong thư phòng có khói dầy đặc bay ra, tiếp đến là tiếng “loảng
xỏang”, Đường Hành chạy ra, miệng kêu thất thanh: “Tử Hân ca ca! Tử Hân ca
ca!”.
Tử Hân
với nạng đi qua đấy, trông thấy mấy cuốn sách trên bàn đã cháy một nửa, còn may
Đường Hành kịp thời dội nước nên không đến mức xảy ra cháy lớn.
“Đệ…
lúc nãy đệ xem sách… xem không rõ mới bỏ cái lồng đèn ra. Sách ở gần lửa quá
thế là cháy… cháy bùng lên”, Đường Hành sợ lửa, thấy Tử Hân chạy lại liền chạy
tới ôm chân nó, núp sau lưng nó.
“Được
rồi, không cháy to là tốt rồi”, thấy Đường Hành sợ đến mức co đầu rụt cổ, Tử
Hân chẳng buồn dọa thằng bé thêm nữa, chỉ nhẹ nhàng nói.
“Sách
cháy hết rồi… thúc thúc có mắng huynh không?”
“Không
đâu. Đệ đi chỗ khác chơi đi.”
Tựa như
có lệnh đặc xá, Đường Hành định chạy đi thì lại bị Tử Hân túm lại: “Đệ lấy nước
ở đâu?”.
“Bình…
bình cá.”
Khuôn
mặt Tử Hân méo đi, vội vàng hỏi: “Đệ nói cái gì?”
“Bình
cá vàng… đệ đập vỡ nó rồi. Hôm qua Tử Duyệt tỷ tỷ vừa mới kể cho đệ nghe chuyện
Tư Mã Quang đập vỡ vại nước[4].”
[4]
Tư Mã Quang đập vỡ vại nước: Đây là câu chuyện được lưu truyền rộng rãi trong
dân gian, kể rằng, thuở nhỏ Tư Mã Quang cùng mấy người bạn chơi ở sân nhà, một
người bạn leo lên mép một chiếc vại lớn chứa đầy nước trong sân, nên bị ngã vào
vại. Những người khác hoảng hốt lo sợ, chỉ có Tư Mã Quang là bình tĩnh, thông
minh lấy một hòn đá lớn đập vỡ vại nước.
Tử Hân
chẳng nghĩ tới việc truy cứu nữa, cúi gập người trên đất tìm con cá vàng ấy
khắp nơi. Đường Hành cũng vội vàng chui xuống dưới bàn tìm. Một lúc sau, giọng
Đường Hành vui mừng cất lên: “Ở đây này! Nó vẫn chưa chết đâu!”, nói rồi bò từ
gầm bàn ra, xòe tay, một con cá vàng màu đỏ rực rỡ đang há miệng cật lực hít thở.
“Thế là
tốt rồi!”, Tử Hân mừng rỡ nói: “Trong phòng ngủ có nước, đệ mau đem nó thả vào
nước đi”.
Tử Hân
đi lại chậm chạp, sợ mình mà đem con cá đến được chỗ có nước thì đã muộn mất
rồi.
“Ừm!”,
Đường Hành co chân vụt đi, bình bịch bình bịch chạy vào phòng ngủ, rồi nói vọng
ra: “Tốt rồi! Đệ đã thả nó vào trong nước rồi! Tử Hân ca ca, huynh không cần lo
lắng nữa.”
Tử Hân
thong thả bước tới, đưa mắt nhìn, hỏi: “Đệ thả con cá vào đâu rồi?”.
“Trong
chén trà của huynh! Trong ấy có nước!”, Đường Hành nói.
Lửa
giận của Tử Hân lập tức bốc cao, gào lên: “Trong chén trà là trà, không phải
nước”.
“Thả
tạm một lúc, để con cá hít thở chút không được sao?”, Đường Hành lí nhí hỏi.
“Đấy là
trà nóng!”, Tử Hân nhìn con cá vàng đang quẫy quẫy tuyệt vọng, hấp hối trong
chén trà, nước mắt đã dâng lên hốc mắt, nhưng nó lại ra sức ép xuống.
Đường
Hành nơm nớp lo sợ nhìn nó không ngừng giậm chân nổi giận, đột nhiên thò tay
vớt con cá vàng trong chén trà ra, chạy về phía cửa, vừa chạy vừa nói: “Đằng
trước có hồ, đệ thả nó xuống hồ là nó có thể sống được!”.
“Đứng
lại! Đệ không biết bơi!”, nó đuổi theo ra ngoài, Đường Hành đã vụt chạy ra
ngoài trang viện, một cước đạp mở cửa lớn Trúc Ngô viện bên cạnh, chạy thẳng
tới cửu khúc kiều thả con cá trong tay xuống hồ.
Tử Hân
thở hồng hộc chạy tới, Đường Hành cắn môi, bộ dạng nghẹn ngào nói với nó: “Đệ
đã thả con cá xuống nước rồi, nó… nó vẫn cứ thế kia. Đệ thấy nó sắp chết mất
rồi”.
Trên
mặt hồ màu lục sẫm, băng mỏng bắt đầu tan, bên dưới lan can bạch ngọc, một con
cá vàng màu đỏ rực rỡ đã nổi lềnh phềnh, miệng chậm chạp đóng mở, thân thể tròn
vo nghiêng hẳn về một bên, hình như đến chính con cá cũng chẳng biết làm thế
nào để bản thân nổi lên nữa, chỉ dùng đôi mắt tuyệt vọng nhìn hai người đang
trù trừ trên bờ. Được một lúc, miệng con cá không cử động nữa. Nó giống như một
đóa hoa rụng lững lờ vô định, mặc sóng nước dập dềnh.
Tử Hân
vịn lan can, tìm một cành cây khều vớt con cá vàng, lấy khăn tay bọc nó lại, để
vào túi của mình.
“Xin
lỗi…”, trên lông mày của Đường Hành mới chỉ có một lớp lông tơ mỏng mỏng, lúc
nhíu đầu mày hơi đỏ lên: “Tử Duyệt tỷ tỷ nói huynh thường nói chuyện vơi chú cá
ấy, thật thế à?”.
Tử Hân
chẳng đáp đúng hay không, chỉ buồn bã nói: “Tên nó là Tiểu Hoan”.
“Huynh
không để nó chết dưới hồ, lẽ nào định chôn nó?”
“Không”,
nó nhìn về nơi xa xăm, thở dài một tiếng: “Ta sẽ đem nó theo bên người”.
“Huynh…
huynh muốn đem nó nấu thành cá kho?”, Đường Hành kéo kéo góc áo nó, run giọng
hỏi.
“Không.”
“Nó… nó
sẽ trở nên rất khó ngửi đấy.”
“Nếu đệ
đã thích một thứ gì đó, bất kể nó biến thành bộ dạng thế nào, đệ sẽ vẫn thích
nó.”
…
Mỗi khi
đi vào chính sảnh rộng rãi sáng sủa của Tiềm Long trai, nghe tiếng cười đùa của
đám hài đồng vô tư bên trong, Tử Hân lại vô duyên vô cớ cảm thấy lạc lõng, cảm
thấy bản thân không hề thuộc về nơi này, cảm thấy chẳng ai quan tâm đến mình,
cảm thấy một ngày dài tựa một năm. Đám trẻ kia thật ra có quá nửa quen biết nó
nhưng lại rất ít đứa trò chuyện với nó, cho dù có là khách khí chào hỏi thì đại
khái cũng là nể mặt Tử Duyệt. Nó biết đám trẻ con trong cốc cũng phân làm mấy
phái, mỗi phái đều có thủ lĩnh cũng như trò chơi đặc biệt của riêng mình. Nó
rất tự giác tránh qua một bên, mở sách giả bộ như đang đọc, kỳ thực trong lòng
đều là tiếng cười đùa vui vẻ của bọn trẻ con kia.
Mấy trò
chơi đó, trước giờ nó chưa từng tham gia nên cũng chẳng biết trò nào. Chuyện
duy nhất nó thích làm chính là đợi tới khi đám trẻ hai phái đột nhiên hục hặc
với nhau rồi đánh nhau loạn cả lên thì sẽ nhảy vào cấu xé, kể cả có bị đứa khác
đánh cho mặt mũi sưng vù, nó vẫn cứ vui thích không thôi.
Sau khi
đi học, những vụ đánh lộn như thế dần dần ít đi. Bọn trẻ con trong học đường
hình như chỉ sau có một đêm đều đã biến thành nho nhã lịch sự hết cả rồi. Những
trò ném đá, bắn chin, ném tuyết, cưỡi ngựa gỗ, đào giun, bơi lội bắt cá không
còn được ưa thích nữa, thay vào đó là chọi dế, chơi cờ năm quân, vẽ chiến mã
trường mâu, võ sĩ giáp trụ. Nơi vui chơi chuyển từ mặt đất lên bàn. Đại phu
trong cốc toàn là người đọc sách cả, cứ dến dịp ngày nghỉ nhàn rỗi, họ liền đưa
con cái tới hội chợ, hội giảng luận. Đến ngày xuân còn đội mũ trúc, thắt khăn,
đeo giày ôm bàn cờ đi chơi xa chốn núi non. Thảm lông hươu được trải xong,
người lớn thì đấu thơ, chuyện trẻ con làm được chẳng qua là mấy việc lặt vặt
như thu thập thẻ thơ, sắp xếp giấy tờ, phân phát vận bài, chuyển chén rượu. Một
tháng nay đã học xong Thiết vận, liền
học sang điền thơ làm văn, bắt đầu không ngoài Lý, Đỗ, Hàn, Liễu mấy vị danh
gia nổi tiếng thời Thịnh Đường. Lê tiên sinh sớm đã soạn xong giáo trình, sau
khi học Tứ Thư sẽ
giảng tớiHiếu Kinh, tiếp
đến lần lượt là Dịch, Thư, Thi, Lễ cho tớiXuân
Thu Tam Truyện. Tám tuổi vào học, giảng xong hết những thứ ấy, tuổi đã
sang mười lăm. Từ đấy về sau, thú chơi đã chuyển từ trên bàn vào đầu.
Cứ nghĩ
tới vẫn còn phải ở cùng Lê tiên sinh thêm bảy năm nữa, Tử Hân cảm thấy đầu to
như cái đấu. Đôi mắt lạnh lùng uy nghiêm của Lê tiên sinh tựa hồ luôn cố ý vô
tình xét nét nó. Cho dù có ngồi ở hàng sau cùng, Tử Hân vẫn có thể cảm thấy ánh
mắt của lão tiên sinh như kiếm sắc xuyên qua mấy đứa ngồi trước mặt đâm thẳng
vào tim mình. Lúc như thế, nó sẽ giả vờ như không thấy, nghiêng đầu nhìn bức
hoành cũ treo trên tường:
“Trúc
mật sơn trai lãnh,
Hà
khai thủy triển hương.
Sơn
hoa lâm vũ tịch,
Thủy
ảnh chiếu ca sàng”[5]
(Trúc
rậm sơn trai lạnh,
Sen
khai nước đượm hương.
Sơn hoa
lân chiếu múa,
Bóng
nước ánh sàng ca.)
[5]
Trích bài Phụng họa Giản Văn đế sơn trai thi của Từ Lăng (507
– 583), thi nhân, nhà văn thời Nam Bắc triều, Trung Quốc.
Bốn
hàng chữ viết theo lối Triệu thể này khỏe khoắn mà sáng sủa, an nhàn, chặt chẽ
cẩn thận theo đúng chuẩn mực. Nhìn thật kỹ, trong nét bút liền mạch đẹp đẽ lại
có thêm mấy phần thướt tha mềm mại.
Đang
mải trầm tư, bỗng thấy có bóng người phía sau tiến tới, Tử Hân vội quay đầu
nhìn, trông thấy Lê tiên sinh đã đứng ngay cạnh, khuôn mặt nghiêm lại hỏi:
“Những chữ ấy viết rất khá, phải không?”.
“…
Vâng.”
“Đấy là
chữ phụ thân trò viết lúc bằng tuổi trò bây giờ đấy.”
Lại nữa
rồi. Tử Hân thầm nhủ trong lòng, bất kể là việc gì, Lê tiên sinh cũng phải đem
Tử Hân so sánh với Mộ Dung Vô Phong rồi nhân đó dạy bảo giáo huấn một tràng
dài. Phụ thân trò là thần đồng. Phụ thân trò nghe hiểu nhớ kỹ, thấy là không
quên. Phụ thân trò bốn tuổi học y, sáu tuổi khám bệnh, mười tuổi làm chủ y
đường, mười lăm tuổi viết sách, mười bảy tuổi lừng danh thiên hạ. Phụ thân trò…
“Bạch!”,
quăng cuốn vở tập chữ tới trước mặt nó, Lê tiên sinh nói: “Đây là chữ trò viết,
tự mình nhìn chữ trên tường mà ngẫm nghĩ xem, có còn đắc ý được không?”.
Tử Hân
cúi đầu yên lặng.
“Sau
khi tan học, đem chữ trò viết ra cho phụ thân trò xem, bảo phụ thân trò ký vào,
ngày mai sửa lại cho tốt rồi nộp lên. Nếu vẫn viết không ra gì sẽ phạt trò mỗi
chữ chép năm trăm lần. Trò đã rõ chưa?”.
“Vâng.”
Mấy lần
đầu lão tiên sinh giáo huấn nó, nó vẫn mặt mũi đỏ phừng phừng, mồ hôi đẫm lưng,
hận không thể nổi cơn tam bành. Về sau bị giáo huấn nhiều rồi, Tử Hân hoặc cúi
đầu vâng dạ, hoặc im lặng không cãi, tan lớp, thu dọn sách vở, ra về đầu tiên.
…
Năm nay
mùa xuân tới cốc đặc biệt sớm. Trận tuyết cuối cùng rơi hết thì lập tức chuyển
nắng mười ngày liền, cứ thế cho tới thời tiết cây cỏ đâm chồi, hoa núi nở khắp,
oanh kêu yến hót, liễu rủ phất phơ. Đi qua cửa hoa, vòng hết một dải lan can
sơn đỏ ngăn ngắn, lại len qua mấy trăm cây trúc cao gầy, nó trông thấy bóng áo
trắng quen thuộc trong tiếu đình chỗ cầu cửu khúc. Trong lòng nó ấm lại, bước
vội tới đó, suýt nữa bị bụi cây kim ngân xanh mướt bên đường níu ngã.
Đây là
lần đầu tiên sau cả ngày hôm nay Tử Hân gặp phụ thân. Giống như bình thường,
phụ thân thích ngồi yên lặng trong đình ngắm mặt hồ mà suy nghĩ. Bóng lưng
người vẫn cứ hao gầy nhưng luôn thẳng tắp, khói trà bốc lên từ trong lò hồng
thành dải màu trắng nhàn nhạt, lơ lửng trong không gian rồi bị gió mát lay
động, từ từ tan đi mất tăm mất tích mà hòa vào trời nước biếc xanh.
“Cha!”,
bước chân của nó có chút loạng choạng, tiếng gọi vang vọng trong một vùng trời
nước mênh mông nghe cực kỳ nhỏ bé mà lẻ loi. Nhưng rõ ràng phụ thân nó đã nghe
thấy có tiếng động đằng sau, bèn quay người lại, nói: “Tử Hân”.
Trong
mắt chàng ấm áp nét cười, trông thấy dáng đi tập tễnh gắng sức của con trai,
ánh mắt bỗng thoáng hiện nét ưu sầu: “Không phải vội, cứ thong thả mà đi”.
Tới bên
cạnh phụ thân, Tử Hân bỏ nạng ra, xoay mình trèo lên người Mộ Dung Vô Phong,
ngồi sát vào chàng. Mộ Dung Vô Phong ôm lấy nó, ang áng trọng lượng rồi nói:
“Ừm, mấy tháng không gặp, con nặng thêm mấy cân rồi đấy”.
“Mẹ nói
con lại cao thêm một tấc rồi.”
“Chân
có còn đau không?”
“Không
đau lắm.”
“Ừ, thế
thì tốt”, Mộ Dung Vô Phong gật đầu.
Tử Hân
vùi đầu vào lòng phụ thân, rồi bất chợt kéo kéo tay áo Mộ Dung Vô Phong.
“Nói
xem, lại nghịch ngợm gì rồi?”, Mộ Dung Vô Phong xoa đầu con, từ tốn hỏi.
Lo lắng
rút cuốn vở nhỏ bị vò tới nhăn nhúm ra, Tử Hân nói: “Chữ con tập viết kém, Lê
tiên sinh muốn phụ thân người xem qua rồi ký vào”.
Phụ
thân đang phê duyệt y án, bút nghiên hãy còn ở ngay cạnh. Nhìn phụ thân đón lấy
cuốn vở nhỏ, tim Tử Hân đập thình thịch, bất tri bất giác khuôn mặt đã đỏ bừng
bừng.
Mộ Dung
Vô Phong xem một lượt từ đầu tới cuối, rồi viết sáu chữ vào cuối cùng “Đã xem,
Mộ Dung Vô Phong”, sau đó trả lại cho nó: “Cầm lấy đi”.
Thấy
phụ thân không nói năng gì, Tử Hân lại đâm ra lo lắng, cắn môi, cân nhắc một
lúc mới lắp bắp nói: “Cha à… con… con viết chữ không đẹp”.
Mộ Dung
Vô Phong nhẹ giọng nói: “Không phải vội”.
“Con
làm toán… cũng không tốt.”
“Không
phải vội.”
“Sách
phải học thuộc, con nhớ mãi không được.”
“Không
phải vội.”
Vặn vẹo
trên người phụ thân một lúc, Tử Hân đưa mắt nhìn ra xa, thấy trong đám cỏ dưới
rặng liễu rủ ven bờ hồ đầy những bông bồ công anh cao thấp chen nhau, bèn hỏi:
“Cha à, tại sao đám bồ công anh kia có cây cao cây thấp?”.
Trong
ký ức non nớt của Tử Hân, không có vấn đề gì có thể làm khó được phụ thân.
Quả
nhiên, Mộ Dung Vô Phong cười nói: “Bồ công anh nhất định phải vươn cao hơn cỏ
xung quanh, như thế gió mới có thể đem hạt giống của nó thổi tới nơi khác. Cỏ
xung quanh cao thấp không giống nhau, bồ công anh cũng tự nhiên có cao có
thấp.” Ngừng giây lát, chàng lại thêm một câu: “Tương lai con lớn lên rồi cũng
giống như bồ công anh, phải nghĩ cách vươn cao hơn cỏ vây xung quanh mới được”.
Tử Hân
bật cười hì hì, cảm thấy rất thú vị, hỏi tiếp: “Cha, vậy ai là cỏ của con?”.
Mộ Dung
Vô Phong cười nhẹ: “Ta”.
Đứa bé
sáu tuổi như hiểu như không, gật đầu, rồi lại theo thói quen cắn móng tay.
“Không
được cắn móng tay”, Mộ Dung Vô Phong cầm tay con rút ra khỏi miệng. Được một
lúc, Tử Hân lại cắn móng tay. Thói quen của con trẻ thời kỳ này, chàng thế nào
cũng không sửa được.
Chơi
đùa bên phụ thân một lúc, lấy bút vẽ mấy chú cá nhỏ, đưa cho phụ thân xem xương
con cá vàng cất trong túi thơm, rồi lại uống mấy ngụm trà, nó chợt cảm thấy cơn
mệt mỏi ùa đến, bèn trèo lên người phụ thân ngả đầu ngủ.
Trong
lúc nó ngủ, Mộ Dung Vô Phong lại rút tay con khỏi miệng một lần nữa rồi thở dài
một tiếng. Đằng sau bỗng vang lên tiếng y phục sột soạt, một tiếng cười dịu
dàng vang lên: “Con khỉ nhỏ này lại tới quấn lấy chàng rồi”. Hà Y đặt một bát
canh xuống bàn, vươn tay ôm lấy Tử Hân: “Thằng nhóc này nặng thêm không ít,
thiếp đưa nó về giường ngủ đây.” Một lúc sau nàng quay trở lại ngồi xuống bên
Mộ Dung Vô Phong, nói: “Vừa rồi gặp Lê tiên sinh, ông ấy lại nghiêm khắc nói Tử
Hân một trận. Thằng bé này cả ngày tâm trí lơ đãng, viết chữ không đâu vào đâu…
Phạt đứng cũng chẳng có tác dụng, ông ấy tức tới không biết làm thế nào, bảo
chàng liều liệu mà quản giáo nó cho tốt .
Mộ Dung
Vô Phong chẳng hề bận tâm: “Nó còn bé, bốn tuổi mới bắt đầu nói. Bây giờ vừa
mới lên sáu, có thể viết chữ đã là không tồi rồi”.
“Sao
chàng cứ bênh nó mãi thế?”
“Mấy
năm nay làm phẫu thuật cho nó đã khiến nó chịu đủ lắm rồi, nếu không phải cả
ngày đau yếu, nó cũng không đến mức muộn như thế mới biết nói”, chàng cau mày,
nói tiếp: “Trong lòng ta rất áy náy, không muốn hà khắc trách phạt nó. Huống
chi nó đã uống quá nhiều thuốc giảm đau, cho tới tận bây giờ tinh thần vẫn chưa
được ổn định, động tí là mệt mỏi đấy đều là những mối lo bất đắc dĩ về sau”.
Nói tới
đây, Hà Y lại thấy lo: “Thuốc chàng cho con uống sẽ không biến nó thành ngốc
nghếch chứ? Sáng nay thiếp hỏi nó chín cộng sáu là bao nhiêu, nó đếm hết ngón
tay của mình rồi, thấy không đủ mới hỏi tiếp: ‘Mẹ à, cho con mượn ngón tay
người đếm chút được không?’, đếm mấy lượt mới trả lời thiếp, là mười lăm”.
“Phụt”,
ngụm trà trong miệng phun ra ngoài, Mộ Dung Vô Phong cười nói: “Thằng nhóc thật
hài”.
“Hồi
nhỏ chắc thiếp cũng không ngốc đến thế”, Hà Y than thở.
Mộ Dung
Vô Phong cười khổ, qua một lúc, chợt nói: “Hà Y, nó vẫn còn một lần phẫu thuật
nữa”. Sợ thê tử lo buồn, chàng lại bổ sung một câu: “Ta đảm bảo, đây sẽ là lần
cuối cùng”.
Hà Y
bỗng ngẩng khuôn mặt trắng bệch lên, run giọng hỏi: “Bây giờ Tinh Nhi đã tốt
lắm rồi, chàng tha cho nó đi!”.
“Còn có
thể tốt hơn nữa.”
Chàng
nắm lấy tay thê tử, ánh mắt kiên định: “Chúng ta không thể từ bỏ mọi cố gắng”.
Trong
thoáng chốc, một luồng sức mạnh vô hình từ bàn tay trượng phu truyền qua khiến
trái tim âu lo của nàng bình tĩnh lại, nhưng nàng vẫn thấy bất an nhìn chàng.
Bốn lần phẫu thuật cho Tử Hân đều do Mộ Dung Vô Phong tự mình cầm dao. Mỗi lần
phẫu thuật, chàng đều suy nghĩ kỹ lưỡng từng chi tiết phẫu thuật, bố trí và
kiểm tra tất thảy công tác chuẩn bị trước mấy chục ngày. Sau khi làm phẫu
thuật, chàng sẽ hoàn toàn chăm lo việc đi đứng ăn ở của con trai. Đến cả những
việc cực kỳ phí sức như băng bó, thay thuốc, ăn uống, tắm rửa, thay đồ, chàng
cũng làm hết. Nhiều nhất, Hà Y cũng chỉ có thể làm trợ thủ tạm thời của chàng.
Theo lời Mộ Dung Vô Phong thì chính là “Con cần phải có được sự chăm sóc chuyên
nghiệp nhất thì thân thể của nó mới có thể khôi phục tới tình trạng tốt nhất”.
Sau mỗi cuộc phẫu thuật, thường là nhi tử bình an hồi phục, phụ thân thì tâm
lực kiệt quệ, ốm nặng một phen.
“Thiếp
lo cho con”, ánh mắt nàng sâu thẳm mang nét bi thương: “Cũng lo cho chàng nữa”.
Nắm tay
nàng vừa vững vừa chắc, Mộ Dung Vô Phong nói: “Hà Y, ta không sao”.
“Chúng
ta không sinh con nữa nhé?”, nước mắt nàng đột nhiên trào ra, lời bỗng không
thành tiếng.
“Đương
nhiên”, chàng cười khổ, ôm chặt lấy vai vợ.
… Vì
chuyện con cái, hai người cãi nhau bao nhiêu lần, Hà Y không nhớ nổi nữa.
Hồi
lâu, nàng gạt nước mắt, hỏi: “Chuẩn bị bao giờ làm phẫu thuật?”.
“Đầu
tháng Năm, ta cần thời gian hai tháng để chuẩn bị kỹ càng mọi việc.”
Cả một
mùa đông, Mộ Dung Vô Phong cắm đầu đọc sách, những phiền phức của bệnh nằm liệt
giường cũng như nỗi đau đớn của chứng phong thấp đều bị chàng quẳng ra khỏi
đầu. Tất thảy những ghi chép về chứng bệnh, y án đều được lật lại, Hà Y hết lần
này tới lần khác chạy tới tàng thư thất tìm trong đống sách vở thư tịch bệnh án
chất thành núi những tư liệu mà Mộ Dung Vô Phong liệt kê ra. Có lần, đến chính
bản thân chàng cũng không nén được mà than rằng: “Hà Y, bệnh của Tử Hân đã dùng
hết tất cả tri thức của ta rồi”.
…
Lần
phẫu thuật cuối cùng tuy là sự mạo hiểm trước nay chưa từng có trong cuộc đời
hành nghề y của Mộ Dung Vô Phong, nhưng là một lần mạo hiểm thành công. Chàng
cẩn thận từng li từng tí lấy một sợi kinh mạch còn sức sống từ chân phải của Tử
Hân cấy sang cái chân trái khá mạnh khỏe của nó. Nhờ thế, cái chân trái vốn trơ
trơ tê liệt dần dần khôi phục được cảm giác, cơ nhục bắt đầu sinh trưởng, xương
cốt trở nên cường tráng. Cái giá phải trả là chân phải của Tử Hân hoàn toàn mất
đi sức sống. Tới mùa xuân năm sau, Tử Hân chỉ cần chống trượng là có thể đi
lại, so với những vất vả khó khăn ngày xưa, đây quả là một chuyển biến lớn. Mộ
Dung Vô Phong vì lần này mà tâm lực tiêu hao rất nhiều, ngay hôm phẫu thuật kết
thúc liền không ngừng nôn ra máu, sáu tháng liền sau đó, nhi tử đã hoàn toàn
khỏe mạnh, chàng thì vẫn không rời nổi khỏi giường.
Vốn cho
rằng sau khi phẫu thuật, Tử Hân sẽ trở nên hoạt bát tinh nghịch, nhưng Mộ Dung
phu phụ đều kinh ngạc phát hiện tính tình của nhi tử lại nghiêng theo hướng
hoàn toàn tương phản. Nó càng ngày càng trầm tĩnh, càng ngày càng cả thẹn, càng
ngày càng cố chấp. Sau khi không cần phải uống thuốc điều dưỡng nữa, đầu óc Tử
Hân như trong sáng tỉnh táo hơn rất nhiều. Người trong Vân Mộng cốc đều nhanh
chóng nhận ra, Tử Hân ít nhất có hai thứ hoàn toàn giống với phụ thân mình.
Sự
thông minh.
Tính
khí.
Cái gan
chống đối Lê tiên sinh của Tử Hân mỗi lúc một lớn. Lần sau chót, sau khi hai
người cãi nhau to một trận, nó gào lên với lão tiên sinh: “Sao người còn chưa
xuống địa ngục đi?”, Lê tiên sinh tức đến tóc tai dựng đứng, suýt chút nữa thì
ngất đi, bèn đóng gói hành lý, phất tay áo mà đi. Ngày hôm ấy, Hà Y phải đích
thân tới quê của Lê tiên sinh tạ lỗi. Khó khăn lắm mới mời được Lê tiên sinh
quay lại, Tử Hân lại nhất quyết không chịu vào lớp một bước. Hà Y cứng mềm đều
dùng nhưng chẳng có mảy may tác dụng. Cuối cùng, chỉ còn cách xuất ra sát
chiêu: “Đi gặp cha con, nếu cha con đồng ý con không đi học nữa, con có thể
không đi”.
Cứ như
thế, hè tháng Sáu năm Đinh Sửu, Tử Hân một lần nữa thấp thỏm trong lòng mà đẩy
mở cánh cổng trạm khắc hoa rủ của Trúc Ngô viện. Hương thơm với những cành trúc
rợp bóng đầy sân chẳng thể đem tới cho nó chút vui vẻ nào, tim nó đập như trống
nhưng vẫn kiên định lòng quyết tâm.
Bất kể
phụ thân có tức giận tới thế nào, Tiềm Long trai ấy, nó tuyệt đối không quay
trở lại nữa.
Thật ra
nó sớm đã từng nghe tính khí của phụ thân rất nóng nảy, chỉ là trước giờ chưa
từng thấy qua phụ thân nổi giận, cũng không tưởng tượng nổi phụ thân mà nổi
giận thì sẽ như thế nào, cho nên trong lòng nó vẫn ôm chút tâm lý cầu may.
Mùa hè
năm nay, Mộ Dung Vô Phong vẫn chưa khỏe hẳn bởi lần phẫu thuật cho Tử Hân. Tim
chàng cực kỳ yếu mệt, chỉ hơi dùng sức sẽ đầu váng mắt hoa, tim đập mạnh không
thôi, một ngày có tới quá nửa thời gian không thể không nằm trên giường tĩnh
dưỡng. Trừ lúc phê duyệt y án, thỉnh thoảng đi tới phòng chẩn bệnh, thời gian
còn lại, chàng cực kỳ ít tiếp khách.
Tử Hân
vén tấm rèm đi tới bên giường phụ thân, thấy người đang nửa nằm nửa ngồi, nhắm
mắt dưỡng thần bền khe khẽ gọi: “Cha”.
Mộ Dung
Vô Phong mở mắt ra, nhìn nhi tử hỏi: “Chuyện gì vậy?”.
“Từ nay
về sau con… có thể không tới học đường nữa được không?”, nó dè dặt thỉnh cầu.
“Hử?
Hôm qua mẫu thân con đã thay con dâng lễ tạ tội với Lê tiên sinh rồi, ông ấy sẽ
không trách phạt con nữa đâu”, Mộ Dung Vô Phong nhạt giọng nói.
“Con
không thích Lê tiên sinh.”
“Không
thích Lê tiên sinh?”, Mộ Dung Vô Phong hừ một tiếng, hỏi: “Vậy con thích ai?”.
“Con
thích theo cha”, nó nói: “Con muốn học y”.
“Ừm,
được rồi. Con không cần tới học đường nữa, về sau hằng ngày đến chỗ này gặp
ta”, vẫn giống ngày thường, Mộ Dung Vô Phong khép hờ mắt lắng nghe rồi bình
tĩnh ôn hòa đáp ứng lời thỉnh cầu của nhi tử.
“Vâng,
thưa cha”, Tử Hân vui mừng hân hoan: “Cha khát không? Con đi lấy chén trà cho
cha”.
“Cẩn
thận kẻo bỏng tay.”
“Không
đâu”, Tử Hân cao hứng đi tới phòng trà kế bên đun nước, cẩn thận quy củ pha cho
phụ thân một chén trà. Ngồi bên cạnh hầu chuyện một lúc, Mộ Dung Vô Phong nói:
“Về sau, hằng ngày giờ Thìn ba khắc con tới đây, buổi sáng Nội
Kinh, buổi chiều Mạch Kinh, buổi
tối Bản kinh, con đọc được không?”.
“Đọc
được.”
“Bản
kinh có ba mươi mốt quyển, cứ
hai ngày con học thuộc một quyển, chắc là không phải quá khó chứ?”
“Cha à,
con không phải thần đồng”, Tử Hân vội vàng trình bày.
“Cho
nên ta đã áng chừng mà giảm bớt rồi. Trước đây, mỗi ngày ta đọc thuộc một
cuốn.”
“Nhưng
mà, cứ theo như thế, con còn có thời gian đi chơi sao?”
Mộ Dung
Vô Phong lắc đầu nói: “Ta nghĩ là không”.
Lập
tức, mỗi sợi tóc trên đầu nó đều như muốn dựng đứng lên: “Cha, con không làm
được!”.
“Không
làm cũng phải làm, đây mới chỉ là bắt đầu”, Mộ Dung Vô Phong thản nhiên uống
một ngụm trà rồi đưa một cuốn sách dày cộp cho nó: “Đây là ba quyển đầu củaBản
Kinh học thuộc nửa đầu quyển thứ nhất đi, tối nay tới đây
đọc thuộc cho ta nghe. Nếu có chữ nào không đọc được, tra tự điển hoặc hỏi tỷ
tỷ con đều được.”
Tử Hân
vừa nhìn thấy cuốn sách tuy đã có chút vàng vọt cũ kỹ nhưng vẫn được giữ gìn
cực kỳ chỉnh tề, bên trên sách viết tám chữ “Kinh sử chứng
loại bị cấp bản thảo”, thì mới biết bản thân vừa
thoát khỏi miệng hổ lại vào hang sói, so với Trúc Ngô viện thì Tiềm Long trai
chính là thiên đường.
Cứ như
thế ủ dột cúi đầu ra khỏi cửa, trong lòng Tử Hân buồn bực khó chịu. Đứng ngẩn
người ra ở hành lang một hồi, bỗng gặp một đám học trò vừa tan học đang huyên
náo bên hồ nước, Lưu Tuấn thấy nó từ xa bèn chạy lại: “Tử Hân, hôm nay ngươi
lại trốn học rồi!”.
“Ta
không tới lớp nữa, từ nay về sau ta sẽ theo phụ thân học y.”
“Cha
ngươi có ác không?”
“Vốn dĩ
cho rằng người không ác, giờ mới thấy hình như cực ác. Ngay ngày đầu đã bắt ta
học thuộc một cuốn sách dày cộp rồi.”
“Chuồng
ngựa đang không có ai, ngươi có muốn đi xem ngựa không?”, đột nhiên Lưu Tuấn
hỏi.
Tử Hân
nhét sách vào người, vui mừng nói: “Bọn mình cưỡi ngựa được không?”.
“Cho dù
không được cưỡi ngựa ra ngoài, chí ít cũng có thể ngồi trên ngựa một lúc.”
Tử Hân
nghe thế lòng ham chơi trào lên: “Bây giờ bọn mình đi đi!”.
Hai đứa
lén la lén lút mò vào chuồng ngựa, thấy vắng tanh không có ai, chỉ có mấy con
tuấn mã đen tuyền đứng yên nhai cỏ. Hai đứa mới thở phào, bắt đầu trò chuyện,
Tử Hân hỏi: “A Tuấn, ngươi biết xem ngựa không?”.
“Sao
lại không? Ngựa có ba mươi hai tướng”, vừa nhắc tới ngựa, Lưu Tuấn lập tức trở
nên đắc ý, hai lúm đồng tiền trên má sâu tới mức có để để vừa nửa cái chén nhỏ:
“Ba mươi hai tướng xem mắt trước. Mắt như chuông rủ, tím tươi màu, con ngươi
sợi trắng (có thể phóng) năm trăm dặm. Mình đốm thì lại phải xem khác, xương sọ
chúi nghiêng giống cái liềm, mũi như cốc vàng tay lọt khít. Miệng ngựa răng lợi
phải ở sâu, lưỡi như kiếm nhọn màu như sen. Ăn máng thong dong cái má gọn, nuốt
thì đều đặn gân rõ đường. Gáy dài như phượng ria cong cong, bờm phải mượt mềm
tựa gấm lụa. Gối phải cao, móng phải tròn, thân thăng bằng, sườn phải chắc; nằm
như vượn cuộn, đuôi tựa sao băng…”.
Tử Hân
ha ha cười lớn: “Xem ngươi bô lô ba la kìa, có nhiều điều phải chú ý thế cơ
à?”.
“Lại
chẳng! Cha ta nói, ngựa thuộc giống hỏa, trời sinh sợ ẩm ướt. Cho nên phải nuôi
ở nơi sạch sẽ khô ráo thế này. Lúc lựa ngựa, phải chọn con đầu cao đẹp, mặt gầy
mà ít thịt. Tai ngựa phải nhỏ, tai nhỏ tức gan nhỏ mà hiểu ý người. Mũi ngựa
phải lớn, mũi lớn tức phổi lớn mà có thể chạy khỏe. Mắt ngựa cũng phải to, mắt
to ắt tim to, gặp thú dữ hay vật sắc nhọn không hoảng hốt. Ngoài ra còn phải
cật nhỏ ruột dày, ngực rộng lớn, xương sườn nhiều hơn hai mươi chiếc mới là
ngựa tốt đấy”, lập tức nó đọc thuộc một tràng kinh nghiệm xem ngựa, vừa nhanh
vừa lưu loát, thấy Tử Hân nghe không hiểu, nó bèn lựa mấy chỗ quan trọng giải
thích lại một lượt.
Tử Hân
vuốt ve lưng ngựa trơn bóng, nghe tới mức thích thú, than thở: “Tại sao cha ta
không phải là mã phu chứ! Nếu ngày nào ta cũng được cưỡi ngựa thì vui biết
chừng nào!”.
“Suỵt!”,
Lưu Tuấn không biết moi từ đâu ra một cái yên ngựa, nhẹ nhàng đặt lên lưng
ngựa, chân giẫm tay vịn, cực kỳ nhanh nhẹn nhảy lên ngồi vững trên ngựa, đón
lấy cây trượng Tử Hân đưa tới: “Ta kéo ngươi lên!”.
Tử Hân
tóm tay Lưu Tuấn, chật vật hồi lâu mới trèo được lên lưng ngựa, ngồi trước mặt
Lưu Tuấn. Vừa hay con hắc mã ngẩng đầu quay lại, liếc mắt về phía sau, Tử Hân
thất kinh, túm chặt tay Lưu Tuấn không chịu buông.
“Không
phải sợ, đây là con ngựa tốt hạng nhất, ngoan ngoãn hiểu ý người, tuyệt đối
không dễ hoảng hốt.”
“Ta sờ
đầu nó thì đáng ngại không?” Tử Hân lấy can đảm vươn tay ra.
“Không
cần lo, ta sờ trước cho ngươi xem”, Lưu Tuấn vỗ nhẹ bờm ngựa, chú ngựa ấy ngoan
ngoãn hiền thục như một cô gái, vươn đầu lên.
Đôi tay
bé nhỏ đang vuốt ve bờm ngựa, trong lòng sảng khoái muốn chết, bỗng thấy con
ngựa run run. Tử Hân giật mình, hỏi: “Ngựa giận rồi hả?”.
Còn
đang nghi hoặc bỗng thấy ngoài cửa có bóng đen, Tiên Nhi tay cầm dao nấu bếp
xông về phía bọn họ. Con ngựa kia tính rất linh, vừa thấy bóng dao lập tức lo
lắng không yên.
“Mẹ
ơi!”, hai đứa trẻ trên lưng ngựa thấy Tiên Nhi hung dữ lao tới,
Lưu
Tuấn túm lấy dây cương ngựa, thúc chân hô: “Mau chạy đi!”.
Con
ngựa đó hiểu ý người, cất hai chân trước đạp tung thanh chắn rồi phóng tới nhảy
vọt qua đầu Tiên Nhi chạy ra ngoài. Ai ngờ, Lưu Tuấn nhớ được việc cầm cương
ngựa nhưng lại quên mở cửa chuồng ngựa. Con ngựa chỉ chạy vòng vòng trong
chuồng, Tiên Nhi cầm dao đâm trúng chân ngựa. Con ngựa bị đau lồng lên, đồng
thời hất mạnh hai đứa trẻ trên lưng rơi xuống!
Đúng
lúc ấy, cửa lớn bật mở, một bóng người lao vào, chỉ nghe thấy tiếng quát, một
bàn tay to lớn nắm vững dây cương ngựa, bàn tay kia túm lấy Tiên Nhi đang cầm
dao, xách lên như một chú gà.
Hậu quả
trực tiếp của chuyện này là Lưu Tuấn bị phụ thân đánh cho một trận ra trò. Đến
tối lúc Tử Hân gặp lại nó, nó mới đưa tay cho Tử Hân xem vết roi.
“Tử
Hân, sau này ta không dám dạy ngươi cưỡi ngựa nữa đâu.”
“Len
lén cũng không được à?”
Lưu
Tuấn lắc đầu, mặt đầy nước mắt.
“Không
sao.”
Lúc sắp
hoàng hôn, Tử Hân bấy giờ mới hốt hoảng nhớ tới bài tập buổi tối nay phụ thân
sẽ hỏi mình, sợ tới mức đến cơm cũng chẳng muốn ăn, vật vã ngồi trước đèn học
thuộc Chứng loại bản thảo. Tới
cuối giờ Dậu, nó cầm sách tới bên giường phụ thân, Mộ Dung Vô Phong vừa uống
thuốc xong, đang ngồi tựa bên giường, thấy nhi tử bèn chỉ vào chiếc ghế bên
cạnh, ý bảo nó ngồi xuống.
“Học
thuộc sách chưa?”
“Sắp…
sắp thuộc rồi.”
“Sắp
thuộc là ý gì?”, Mộ Dung Vô Phong nghiêm mặt.
“Thuộc
tới trang bảy mươi tám… chỉ có thể thuộc từng ấy.”
“Đọc ta
nghe xem. ‘Dùng thuốc giống như phép sắp đặt người’, tiếp
đó là gì?”
Tử Hân
nhắm mắt, đọc rằng: “Dùng thuốc giống như phép sắp đặt người, nếu như nhiều vua
mà ít bề tôi, lắm bề tôi mà ít trợ tá thì khí lực không được vẹn đủ. Nhưng cứ
xem phép tiên, việc đời thì cũng không hẳn đều thế cả. Đại để là thuốc dưỡng
mệnh ắt nhiều vua, thuốc dưỡng tính ắt lắm bề tôi, thuốc trị bệnh ắt nhiều trợ
tá, từ việc bản tính chủ cái nào mà cân nhắc đôi đường dùng cho cẩn thận, thế
mới là tốt…”
Mộ Dung
Vô Phong kiểm tra liền mấy trang, quả nhiên Tử Hân có thể đọc thuộc, thế rồi
nhảy tới phía cuối, hỏi: “Luận ngữ có câu, Người
mà không có cái tâm bền vững…”.
Thì ra
Tử Hân giỏi nhớ vội, mười mấy trang đầu đọc ba lượt là nhập tâm, về sau những
đoạn bỏ sót ngày càng nhiều, lúc cuống lên, miệng cắn móng tay, móc ruột moi
gan nghĩ ngợi hồi lâu mới lắp ba lắp bắp đáp: “Luận
Ngữ có câu, người mà không có cái tâm bền vững thì không
thể làm vu y[6]. Làm rõ hai phép này… không thể lấy màu mè tùy tiện
làm bừa. Cho nên… cho nên… cho nên…”.
[6]
Thời cổ, vu y là những người dùng thuật cầu đảo để trị bệnh cho người.
Mộ Dung
Vô Phong hừ lạnh một tiếng, hỏi: “Cho nên làm sao?”.
Bị câu
hỏi của cha thúc ép, Tử Hân sợ đến mức lại nhớ ra một câu, vội đọc tiếp: “Cho
nên chưa hành nghề y ba đời chưa được tự chế thuốc cho bệnh nhân uống, kẻ lịch
duyệt nhiều mới thành được lương y, đấy… đấy ý chỉ công phu học tập cần phải
lâu dài và sâu sắc. Lại lo những người thừa kế sách vở ngày nay… những người
thừa kế sách vở ngày nay… đa phần toàn vin vào danh tiếng người xưa, không chịu
chuyên tâm nghiên cứu học tập, thật đáng tiếc… thật đáng tiếc… a… ừm… thực đáng
tiếc… cha, con không nhớ được nữa rồi!”.
“Không
thuộc thì ra ngoài hành lang học thuộc”, Mộ Dung Vô Phong lạnh lùng hỏi: “Mỗi
lần Lê tiên sinh phạt con đứng bao lâu?”.
“Nửa…
nửa canh giờ.”
“Vậy
con ra ngoài hành lang đứng đi, học thuộc sách rồi lại vào đây gặp ta.”
Nó chán
nản “vâng” một tiếng rồi lầm lũi chậm chạp đi ra ngoài. Ra tới cửa lại bị phụ
thân gọi dừng lại: “Đem nến theo. Tối nay nếu con không học thuộc được những
trang còn lại thì chớ có đi ngủ nữa. Đi đi”.
Nó đi
ra ngoài, tụa lưng vào cột, một tay cầm nến, một tay cầm sách, bộ dáng đáng
thương, ngó đông trông tây, nhìn thấy đàn kiến đang khuân mấy con ruồi, học
được vài câu, đứng một tuần hương, tay cầm nến đã đau mỏi khó chịu nổi. Bộ dạng
nhếch nhác này còn thảm hại hơn mười lần so với hồi ở Tiềm Long trai. Giờ mới
biết cái chuyện hùng tâm vạn trượng lớn tiếng đòi học y của mình là một sai lầm
lớn khôn tả. Cứ dính tới hai chữ học vấn, phụ thân ngày thường hiền từ ôn hòa
lập tức biến mất vô tăm tích, tuy không có kiểu trợn mắt lớn tiếng như Lê tiên
sinh nhưng cái sự hung ác nghiêm khắc không nói tình cảm thì chỉ hơn chứ tuyệt
đối không kém. Trong lòng không nén được thầm kêu gào sự tính toán sai lầm của
mình. Đúng lúc đang tâm phiền ý loạn, nó bỗng nghe ngoài hành lang có tiếng gọi
khe khẽ: “Tử Hân”