Đọc truyện Mê Hiệp Ký – Chương 39Quyển 2 –
Kiệu đi lòng vòng bảy tám lượt cuối cùng cũng dừng trước cửa
Lâm thị y quán. Diệp Sĩ Viễn xuống kiệu, sai kiệu phu đợi bên ngoài, đích thân
bước tới gõ cửa.
Không có ai trả lời.
Chẳng lẽ Lâm Xử Hòa ốm quá nặng? Hay là bất tỉnh nhân sự rồi?
Cửa viện hoàn toàn không khóa, chỉ khép hờ, Diệp Sĩ Viễn chỉ
đành đẩy cửa bước vào, phòng khách không có ai, sân viện tĩnh lặng, đang là giờ
cơm trưa, vậy mà trong bếp củi lửa nguội ngắt, cảnh vật tuyền một vẻ tĩnh mịch.
Ông ta đi vào phòng trong, lại gõ cửa, lần này thì nghe thấy
bên trong vọng ra một giọng nói trầm thấp, kèm theo cơn ho kéo dài, hỏi: “Ai thế?”.
“Diệp Sĩ Viễn”, ông ta đáp.
“Là Diệp lão tiên sinh?”, Mộ Dung Vô Phong đang trong giấc
ngủ, đầu óc mơ màng, vừa nghe thấy cái tên ấy thì lập tức tỉnh táo trở lại,
nói: “Xin đợi một chút, tôi… tôi lập tức ra đây”.
Chàng liền thay áo, ngồi lên xe lăn, ra ngoài mở cửa.
Diệp Sĩ Viễn chỉ thấy một thanh niên mặt mũi xanh xao nhưng
tướng mạo cực kỳ anh tuấn, dáng vẻ thanh tú, tay dài, eo thon, thân người ngay
thẳng, ngồi trên một chiếc xe lăn tinh xảo. Có vẻ như người này rất sợ lạnh,
đang lúc đầu xuân mà thân dưới vẫn đắp một tấm chăn lông.
Diệp Sĩ Viễn cảm tạ ngồi xuống nhìn chàng hỏi: “Lâm tiên
sinh không phải người phương bắc?”.
“Vâng, vốn chỉ là khách ngụ cư nơi đây, muốn kiếm chút tiền
trả tiền thuê nhà mà thôi.”
“Nhân tài trung nguyên nhiều không kể xiết, lão phu sớm đã
nghe qua. Vừa rồi được xem đơn thuốc của Lâm tiên sinh, cao minh, quả là cao
minh, thật bội phục, bội phục.”
“Diệp thị mạch độc của Diệp tiên sinh, vãn sinh từng đọc đi
đọc lại, quả đúng là tác phẩm lưu truyền hậu thế. Đặc biệt là quyển sáu, quyển
bảy về mạch pháp là tinh túy nhất, thật khiến người ta tỉnh ngộ, hôm nay được gặp
thật còn gì hân hạnh hơn! Xin mời ngồi, tôi đi pha trà.”
Chàng nói câu này, thật trúng lòng Diệp Sĩ Viễn, vốn hai
chương ấy là có sáng tạo nhất, ông ta rất lấy làm đắc ý, ngay lập túc cảm thấy
tâm đầu ý hợp.
Chàng đẩy xe tới bên lư trà đỏ hồng, bỏ thêm mấy viên than
thơm vào rồi đặt ấm trà lên, sau đó dùng nước sạch rửa hai chén trà.
Diệp Sĩ Viễn nhìn chàng hơi cúi mình mà một tay cứ phải nắm
chắc lấy tay vịn xe lăn, cử động cực kỳ bất tiện, trong lòng không khỏi thương
cảm mà thở dài.
“Vãn sinh nghe nói tiên sinh từ trước tới giờ hành nghề y ở
một dải Tần Phượng, sao lại tới nơi này rồi?”, Mộ Dung Vô Phong hỏi.
“Ài, thời vận không tốt, số mệnh đa đoan. Đắc tội với quan
phủ nên phải chạy tới nơi này. May là những người ờ đây đều là những kẻ từng đắc
tội với quan phủ, nếu không phải là một vài chính khách sa cơ thì là dăm tay
văn nhân thất ý. Đất này tuy hẻo lánh, lại là đất của phường man di nhưng lão
phu lại như cá gặp nước, sống rất thoải mái. Lâm lão đệ quả thật tài cao, ngay
đơn thuốc vừa rồi, lão phu nhìn một cái là biết, đó không phải thứ kẻ phàm nhân
có thế làm đuọc Chỉ là lão đã ở nơi xa xôi này quá lâu, đối với sự tình trung
nguyên càng ngày càng ít biết, xin hỏi lão đệ nhà ở vùng nào, quê quán nơi
đâu?”, Diệp Sĩ Viễn cười hỏi.
Mộ Dung Vô Phong tinh tường các nhân vật trong ngành y, những
người lợi hại dưới gầm trời này, đếm đi đếm lại cũng chỉ có mấy người. Mà ba chữ
Lâm Xử Hòa này quả thật quá xa lạ, liền nói: “Vãn sinh nhà ở Giang Đông[1], nhiều
đời hành nghề y, lại tuân theo gia huấn, ‘thuật nhi bất tác[2]‘, cho nên chẳng
có tên tuổi gì, chỉ là một lang y tầm thường mà thôi”.
[1] Giang Đông là một địa danh lịch sử của Trung Quốc, để chỉ
khu vực phía đông của sống Dương Tử, còn được gọi là Giang Tả.
[2] Chữ trong thiên Thuật nhi, sách Luận ngữ, nghĩa là chỉ
thuật lại thành tựu của cổ nhân mà không sáng tác thêm vào
Diệp Sĩ Viễn gật đầu nói: “Vùng Giang Tả nhiều anh tài, đời
nào cũng có danh gia. Tàng long ngọa hổ, không màng danh lợi. Thật chẳng phải
điều kẻ thô dã như lão phu có thể tường tận hết được. Đấy gọi là ‘Nói theo cái
học chính thống, không đem cái học sai trái lòe đời[3]‘, cái học chính thống của
trung nguyên lão phu ngưỡng mộ đã lâu”.
[3] Lời trong Nho lâm liệt truyện sách Sử ký của Tư Mã
Thiên.
Mộ Dung Vô Phong nói: “Lão tiên sinh không nên tự khiêm. Diệp
thị mạch độc tất sẽ lưu truyền y sử”.
Diệp Sĩ Viễn hỏi: “Lão đệ sống ở trung nguyên, có từng bái vọng
Mộ Dung tiên sinh ở Vân Mộng cốc chăng?”.
Mộ Dung Vô Phong đang uống trà, nghe thấy câu này thiếu chút
nữa thì sặc, vội vàng nói: “Chưa từng. Vãn sinh đi lại không được thuận tiện, rất
ít ra ngoài. Chuyến này… chuyến này đi xa là vì nhận lời mời của bằng hữu”.
Diệp Sĩ Viễn than rằng: “Lão phu rất muốn gặp người này một
lần, hỏi xem thiên kế tiếp sách Vân Mộng nghiệm án loại thuyết của anh ta bao
giờ mới ra. Chỉ đáng tiếc vài ngày trước lão phu nghe được một tin, nói rằng mấy
tháng trước vị này đã đột ngột qua đời rồi. Vân Mộng cốc vì việc này đã cử hành
lang lễ cực kỳ long trọng, bạn hữu trong giới Hạnh lâm[4] nghe tin cũng lũ lượt
tới phúng viếng. Thật là trời ghét người tài, đáng tiếc, đáng tiếc”.
[4] Từ phiếm chỉ cho giới Y học Trung Quốc ngày xưa. Điển xuất
phát từ thời Tam Quốc, nước Ngô cỏ một vị y sinh tên là Đổng Phụng. Vị này chữa
bệnh cứu người nhưng không nhận tiền cảm ơn. Nếu người bệnh nặng được ông ta chữa
khỏi thì sẽ trồng năm cây hạnh, nếu người bệnh không nặng được chữa khỏi, sẽ trồng
một cây hạnh. Cứ như thế sau mười năm nơi đó đã có tới mười mấy vạn cây hạnh. Đổng
Phụng nhìn rừng hạnh cảm thấy rất vui liền làm một ngôi nhà cỏ ở nơi ấy. Đến
khi quả hạnh chín, ông nói với mọi người, ai muốn mua hạnh thì không cần nói với
ông, chỉ cần đem một thúng gạo đổ vào kho gạo của ông là có thể lấy một thúng hạnh
về. Đổng Phụng đem hạnh đổi lấy gạo rồi lại đem gạo đi cứu tế cho nông dân
nghèo khổ. Về sau người ta nói tới “Hạnh lâm” là để ca tụng người làm nghề y. Y
đường của Diệp Sĩ Viễn trong truyện cũng nhân đó mà lấy lên Truyền Hạnh đường,
ý muốn nói tới việc noi theo y đức của Đổng Phụng mà hành nghề y.
Mộ Dung Vô Phong chỉ đành nói theo: “Đáng tiếc, thật đáng tiếc”.
Thầm nghĩ Hà Y khuấy đảo Đường môn đất Thục một trận rồi ôm
mình nhảy từ vách đá xuống, chỉ sợ đã có người nhìn thấy. Người ở Vân Mộng cốc
cho rằng hai người đã cùng nhau qua đời cũng chẳng phải việc gì kỳ lạ.
Diệp Sĩ Viễn nói: “Lão phu cũng đã phái một tên đồ đệ kém cỏi
đi trước rồi, đến được đó đại khái cũng phải mất bốn tháng. Nhân tiện cũng tìm
hiểu luôn trong Vân Mộng cốc liệu có còn sách mới nào mà người ấy chưa viết
xong không”.
Mộ Dung Vô Phong nói: “A… việc này chỉ sợ là không có rồi.
Có điều nơi ấy vẫn còn hai vị Sái đại phu và Trần đại phu, cũng rất hay viết
sách”.
“Đương nhiên, đương nhiên, lão đệ nói tới Sái Tuyên và Trần
Sách hả? Trước đây lão phu từng gặp qua tiểu Sái một lần rồi. Tên tiểu tử đó mắt
để trên trán, quá mức cao ngạo, phụ thân hắn nói chuyện với lão phu hãy còn vài
phần khách khí, hắn nói chuyện thì nửa điểm khách khí cũng chẳng có. Làm ta tức
muốn chết. Người trẻ tuổi cậy tài phóng đãng, chẳng có chút khuôn phép nào cả.
A, nói thế thôi chứ tên tiểu tử ấy cũng đúng là thông minh thật. Cuốn Trừng
minh y giải của hắn và Úy phong tam cấp của Trần Sách vẽ mặt ngoại khoa và tạp
bệnh cũng xem như rất có kiến giải rồi. Đương nhiên so với mấy cuốn sách kia của
Mộ Dung Vô Phong – nghe nói người này còn rất trẻ, cũng tương đương với lão đệ
– thì vẫn còn thua xa lắm. Ta thấy hắn cũng chưa tìm được học trò nào thông
minh hơn mình, khà khà.”
Mộ Dung Vô Phong cũng cười nhạt, cúi đầu không nói năng gì.
Diệp Sĩ Viễn lại nói: “Nghe nói nơi ấy còn có một vị Ngô đại
phu rất nổi tiếng về nhi khoa và phụ khoa”.
Mộ Dung Vô Phong đáp: “Vâng, là Ngô Du. Cô ấy cững có viết một
cuôn sách”.
“Đọc qua rồi, đọc qua rồi, là Ấu khoa tạp luận. Nghe nói Ngô
đại phu cực kỳ xinh đẹp, cả đời sùng bái nhất là sư phụ Mộ Dung tiên sinh của
mình. Trong lời tựa của cuốn sách ấy, có quá nửa là để dành khen sư phụ của
mình, lúc lão phu mới đọc sách ấy còn cho rằng sách này là do Mộ Dung tiên sinh
giúp cô ấy viết ra. Ai ai cũng nói sớm muộn gì cô ấy cũng gả cho Mộ Dung tiên
sinh, nhưng không biết trước khi Mộ Dung tiên sinh qua đời cô ấy rốt cuộc đã gả
cho người hay chưa?”
Mộ Dung Vô Phong thầm lấy làm may mắn vì Hà Y không ở bên cạnh
lúc này, nếu không nàng nghe thấy mà để yên cho chàng mới là lạ.
Ban đầu vị Diệp Sĩ Viễn này là danh sĩ vùng Tây Bắc, từ nhỏ
đã có tài văn chương, tự thị rất cao, tuy vốn xuất thân từ danh y thế gia nhưng
lại yêu thích nghiệp học hành, nhất quyết không chịu lấy nghề y làm nghiệp
chính. Không ngờ, khoa cử hắc ám, mấy lần thi chẳng được, lúc ấy mới trong cơn
phẫn nộ mà vứt bỏ nghiệp khoa cử, chuyên tâm làm một vị đại phu. Lúc đến nơi
này, xa gần trong ngoài, tới một người có thể cùng ông ta bình luận về y thuật
cũng không có. Bây giờ gặp được Mộ Dung Vô Phong, thấy chàng là người trong nghề,
trình độ cũng chẳng thấp hơn mình thì lập tức cảm thấy như có được tri kỷ,
không nén được mà mừng ra mặt, liền đem chuyện trong nghề, những hay dở của
sách y, những giai thoại của ngành y bao nhiêu năm nay tích trong lòng không có
người để nói mà đàm đạo thảo luận hết với chàng. Cứ liên miên bất tuyệt mãi,
nói tới hơn một canh giờ vẫn không sao khép nổi miệng lại. Nếu không phải vì thấy
sức khỏe Mộ Dung Vô Phong còn kém, chỉ sợ ông ta đã cùng ngủ chung giường, thắp
đèn nói chuyện thâu đêm với chàng rồi.
Mộ Dung Vô Phong thì vốn là một người ít nói ít cưòi, không
thích trò chuyện với người xa lạ. Chỉ có ở trước mặt Hà Y mới hoạt bát tự do,
dám bầy trò đùa vui. Lúc gặp người trong nghề, chàng lại trở thành bộ dạng nói
năng thận trọng, chỉ bàn việc công.
Gần tời giờ thắp đèn, Diệp Sĩ Viễn mới từ biệt, về đến nhà lại
nghĩ tới Mộ Dung Vô Phong cô đơn một mình, ốm đau nơi đất khách, không khỏi chạnh
lòng, liền vội sai tiểu đồng đem tới một hộp bánh điểm tâm và vài loại thuốc bị
phong hàn, rồi lại hẹn chàng ngày sau bệnh khỏi nhất định phải tới Truyền Hạnh
đường tụ họp với mấy tên đệ tử của ông ta “trao đổi thân tình”. Mộ Dung Vô
Phong tuy không thích ồn ào nhưng thấy lão tiên sinh thịnh tình như thế mà bản
thân cũng là đêm dài vò võ một mình, thấy thật khó từ chối liền theo hẹn mà tới.
Cứ thế, năm tháng trời loáng cái đã qua. Chớp mắt một cái đã
vào đầu tháng Tám. Khí hậu miền Tái Băc mùa này sớm đã nóng chẳng khác gì Giang
Nam. Việc làm ăn của “Lâm thị y quán” cũng cực kỳ tấp nập, ngoài cửa lúc nào
cùng đông đúc, càng ngày càng bận rộn. Mộ Dung Vô Phong không muốn cướp mối làm
ăn của Diệp tiên sinh, thêm vào đó thân thể chàng cũng yếu ớt, không chịu nổi vất
vá quá độ thế là cứ hết lần này tới lần khác tăng tiền khám bệnh đẻ giảm bớt bệnh
nhân tìm tới. Nhưng chẳng ngờ y thuật chàng quá cao, một truyền mười, mười truyền
trăm, chàng đã hô một lần khám sẽ thu năm mươi lượng bạc, thế mà bệnh nhân đợi
ngoài cửa lớn vẫn chỉ tăng không giảm, mà tiền vung ra cũng càng lúc càng hào
phóng. Cực chẳng đã, chàng dứt khoát dán một cáo thị ngoài cửa lớn, nói rõ bản
thân một ngày chỉ khám tối đa là mười bệnh nhân, tuyệt đối không hơn. Ban đầu mọi
người đều cho là chàng đang đùa. Tiền khám đã đòi cao như thế, không kiếm thì
quá uổng. Không ngờ, sau khi cáo thị được dán lên, khám xong mười bệnh nhân,
tuy mới tới trưa, chàng đã đóng kín cửa lớn, mặc kệ người ta ở bên ngoài kêu
gào van xin thế nào cũng tuyệt đối không ngó ngàng tới. Tính khí của Mộ Dung Vô
Phong thế nào, lúc đấy mọi người mới biết.
Vạn viên ngoại cũng rất hay tới hàn huyên. Thì ra ông ta thấy
việc làm ăn của Mộ Dung Vô Phong cực tốt, bèn lập tức mở một quán ăn bên cạnh y
quán, rồi lại đem một hậu viện bỏ trống làm một khách điếm đơn giản. Tiền bạc
nhờ thế cũng càng ngày càng nhiều. Đối với Mộ Dung Vô Phong lại càng quan tâm
hơn, không những để bảo tiêu của nhà mình bảo vệ luôn tòa tiểu viện của Mộ Dung
Vô Phong, lại còn ba lần bảy lượt muốn tặng chàng mấy đứa nha hoàn giúp việc.
“Lão đệ, không phải lão ca ta nói đệ. Việc y vụ của đệ rõ
ràng bận tối mắt, tới nước cũng không kịp uống, vậy mà bên người đến một đứa
coi cửa cùng không có. Cơm ngày ba bữa cũng vẫn là lão đệ tự mình lo liệu, đến
việc xách nước, giặt quần áo cũng không chịu để người khác tới giúp. Lão đệ
ngươi chỉ cần động ngón tay là một ngày đã kiếm được năm trăm lượng bạc. Đấy vẫn
chỉ là thích kiếm thì kiếm không thích thì thôi. Nói ra thật khiến mã tặc ở
quan ngoại nhìn muốn đỏ con mắt. Đứa sai vặt đó giá chẳng mấy đồng, năm lượng bạc
là có thể mua được một đứa nhanh nhẹn hoạt bát rồi. Ngón tay này của đệ, chỉ
vào đâu là nơi đó biến thành bạc trắng xóa, thật đúng là vật quý giá biết bao
nhiêu! Vậy mà hàng ngày vẫn cứ dùng để nấu ăn, giặt quần áo. Chân của đệ cũng
không được tiện lắm, dịp nọ chẳng phải còn mệt tới mức thở không ra hơi sao. Mấy
việc lặt vặt kia cứ để nha hoàn làm, bảo đảm vừa nhanh vừa gọn. Dứt khoát như thế
này đi, ta tặng đệ hai đứa nha hoàn, một đứa sai vặt, thế nào? Nha hoàn để giặt
giũ nấu nướng, xoa lưng bóp chân. Sai vặt để coi cửa tiếp khách, chạy đi mua đồ.
Cũng chẳng phải đệ không nuôi nổi! Ta tặng cho đệ đấy, ngày mai sẽ đưa đến.”
Mộ Dung Vô Phong thong thả đáp: “Ý tốt của Vạn huynh, đệ xin
nhận nhưng quả thật đệ không cần .
Vạn viên ngoại trố mắt nhìn chàng, khẽ hỏi: “Phu nhân đệ đâu
rồi? Lâu lắm rồi ta chẳng thấy cô ấy đâu?”.
Mộ Dung Vô Phong nói: “Cô ấy về nhà mẹ đẻ rồi”.
Vạn viên ngoại nói: “Có câu này không phải là huynh đệ thân
thiết, ta chẳng nói với đệ. Ta có một đứa cháu gái nhà thì bần cùng nhưng rất
xinh đẹp. Ta thấy đệ vốn cũng là người đọc sách, lại có thế kiếm tiền, sau này
nhất định không đến nỗi để nó chết đói. Ta sẽ đi hỏi giúp đệ nhé? Lấy làm tiểu
thiếp?”
Mộ Dung Vô Phong lập tức lắc đầu lia lịa nói: “Không dám,
không dám. Đệ trời sinh sợ vợ, lão bà mà biết được sẽ giết đệ mất”.
“Ha ha ha… cô nào gả cho đệ, thật sự là có phúc”, biết chàng
nhất quyết không chịu, Vạn viên ngoại cũng không để bụng liền trêu chọc chàng một
trận, cười ha hả rồi rời đi.
Chạng vạng tối, trong trấn đã sớm điểm đèn, nhà nhà khói bếp
nghi ngút, thật là một cảnh tượng yên bình. Mộ Dung Vô Phong đã ăn xong cơm tối,
tự mình rửa bát, tắm táp rồi nằm ngả trên chiếc giường mềm trước cửa sổ, lặng lẽ
ngắm nhìn những đốm sao sáng trong bốn góc song cửa. Hoa trong sân đã nở rộ từ
lâu, cây cối xanh tươi, rậm rạp lá, bao phủ xuống trang viện nhỏ một không gian
trong mát.
Chàng thong dong nhấp một ngụm trà, thưởng thức đêm hè
phương bắc trước giờ hiếm có.
Trong mùa ấm áp chàng luôn tràn trề tinh lực, từ trước tới
giờ đa số sách chàng viết ra đều là vào mùa hè. Trong trấn nhỏ lại ấm áp tình
người, càng khiến chàng cảm thấy từng ngày trôi qua cũng không hề cô đơn. Đấy
là còn chưa nói ông chủ cho thuê nhà của chàng luôn luôn quan tâm tới chàng, chỉ
cấn chàng mở miệng thì chẳng việc gì là khó làm cả. Lại cả Diệp Sĩ Viễn nữa, cứ
ba ngày hai bữa dẫn theo đám đệ tử tới chuyện phiếm, luận đàm y vụ. Hai người họ
khâm phục lẫn nhau, càng nói càng thân, cuối cùng bỏ ra bốn tháng trời, cùng
nhau viết một cuốn sách về những dược liệu hiếm gặp vùng Tây Bắc, Mộ Dung Vô
Phong kiên quyết muốn dặt tên sách là Truyền Hạnh đường bản mộc tập lục. Tháng
trước vừa mới giao bản thảo mang đi in. Mấy ngày trước Diệp Sĩ Viễn đã đem một
bản còn thơm mùi mực, trang đầu có đề “Diệp Sĩ Viễn, Lâm Xử Hòa” tới trao tận
tay cho chàng, vô cùng đắc ý: “Lâm lão đệ, lần này có lẽ đệ phạm vào gia huấn rồi.
Rõ ràng nói ‘thuật nhi bất tác’, nhưng trong cuốn này của chúng ta thì đã là ‘vừa
thuật vừa tác’ rồi. Lúc về mà để phụ thân đệ nhìn thấy, lại chẳng lấy gia pháp
ra giáo huấn một trận sao?”.
Nếu như hai người không gặp nhau độ năm ngày, Mộ Dung Vô
Phong thì chẳng sao chứ Diệp Sĩ Viễn chắc chắn sẽ cả nghĩ tới phát hoảng, ắt phải
tìm một lý do nào đó tới kéo chàng ra quán uống rượu, không thì rẽ vào quán nhỏ
ven đường làm vài chén qua loa. Một đám người say túy lúy thêm đồ nhắm nào là lạc,
nào là đậu khô, nào lã hạt điều, liền có thể tán chuyện đến khi trời sáng.
Mộ Dung Vô Phong dần dần cảm thấy ở cùng đám người ấy, thời
gian trôi qua cũng rất nhanh nên chẳng muốn nghĩ ngợi gì quá nhiều, cười cười
nói nói ồn ào, cứ thế qua ngày. Những ngày tháng như thế, trước đây chàng chưa
từng trải qua, bây giờ nghĩ lại cũng không đến nỗi tệ.
Chỉ là mỗi khi đêm xuống, người người đã say ngủ, còn chàng
thì không tự chủ được cứ nhớ tới Hà Y, mỗi khi nhớ tới nàng, ký ức trong đầu cứ
cuồn cuộn trào dâng. Chàng nhớ từng chi tiết nhỏ lúc mình và nàng sống cùng
nhau, y phục cùa nàng, ánh mắt của nàng, nụ cười của nàng, bàn tay của nàng…
dáng vẻ nàng khi say ngủ, khi ăn cơm, lúc giặt đồ…
Nếu như trong một ký ức nào đó có chỗ mơ hồ, thậm chí chàng
còn cố gắng nghĩ đi nghĩ lại nhớ tái nhớ hồi, cho đến khi mỗi một tình tiết
trong đầu lại rõ ràng như cũ mới thôi. Có những khi chỉ để nhớ cho được trong sự
kiện nọ rốt cuộc nàng mặc chiếc váy nào, khuy áo trên đó là dạng gì, hoa văn thêu
ở bên trên hay là bên dưới mà chàng vắt hết cả đầu óc. Chàng như còn sợ mình
quên mất, còn vẽ lại nàng trên giấy tuyên, vẽ liền một mạch sáu bức, dán hết
lên tường phòng ngủ. Rồi lại sợ để Diệp Sĩ Viễn nhìn thấy sẽ lại nói linh tinh,
thế là cố ý vẽ thêm dưới người Hà Y một con hổ hoặc một con báo. Thật ra thần
thái trên khuôn mặt Hà Y đã không giống thục nữ, lại tuyệt đối không như Hoa Mộc
Lan, mấy kiểu truyền thống như trong các bức Đấu Miêu đồ, Triển Tú đồ hay Du
Xuân đồ đều không sao lột tả hết được thần thái của nàng. Nếu hỏi chàng vẽ cái
gì đó, chàng sẽ đáp “Sơn Quỷ”.
“Lão đệ à, bức họa Sơn Quỷ này của đệ rất khá nhé! Không ngờ
họa pháp cúa tiểu tứ ngươi lại tốt đến thế. Sớm biết như vậy, mấy loại cây thuốc
cổ quái trong cuốn sách kia cùa chúng ta đã để đệ vẽ hết. Chữ đề bên cạnh cũng
viết rất đẹp. Tặng ta một bức nhé”, Diệp Sĩ Viễn vuốt vuốt chòm râu dài, gật gù
tán thưởng nói.
“Đây không phải bức tốt nhất, để vãn bối vẽ một bức khác tặng
cho người là được”, Mộ Dung Vô Phong vội vàng nói.
Đêm hôm ây chàng trằn trọc không ngủ được, trời vừa sáng đã
dậy khỏi giường.
Tiết hè oi nóng, trời sáng rất nhanh. Chàng dậy tắm rửa rồi
khoác lên một chiếc áo xám, cưỡi lên lạc dà, thong dong đi dạo trên con phố
dài.
Tuy bình thường rất ít ra ngoài nhưng tên tuổi của Mộ Dung
Vô Phong thì nhà nhà đều biết. Bộ dạng của chàng cũng khác xa người bình thường,
cho nên lúc đi trên đường, người nhận ra chàng cũng chào hỏi mà người không nhận
ra chàng cũng tới hỏi thăm.
“Lâm đại phu, ra ngoài đi dạo à? Chào buổi sáng!”
Chàng nhìn kỹ một lượt nhưng không nhận ra người đang chào hỏi,
chợt cảm thấy cực kỳ xấu hổ, chỉ đành đáp qua loa lấy lệ.
Chàng buông lỏng dây cương, suốt dọc đường đầu óc cứ suy
nghĩ vẩn vơ, con lạc đà đã đưa chàng rẽ vào một ngả đường khác. Càng đi càng
xa, lúc đầu chàng vẫn không để ý, sau đó mới từ từ phát hiện con đường càng
ngày càng thấy xa lạ, không còn nhận ra nữa.
Chàng quay trái quay phái, cuối cùng cũng xác định được muốn
quay về phải đi đường nào, có điều con đường ấy bắt buộc phải đi qua khu chợ ồn
ào tạp nham kia.
Chẳng thể làm khác, chàng đành theo đám con buôn từ bốn
phương tám hướng đổ tới tụ tập đi vào chợ.
Đưa mắt nhìn một lượt, xung quanh đầu người lúc nhúc, đầu kề
đầu, vai kề vai, thật là một cánh tượng náo nhiệt, lộn xộn phi thuờng.
Hãy còn may là chàng đang cưỡi lạc đà, ngồi cao hơn hẳn những
người xung quanh, nhờ thế mới không đến nỗi bị không khí ngột ngạt nơi đây hun
chết.
Chàng theo dòng người tiến về phía trước, rồi mới phát hiện,
thật ra đám tiểu thương này vẫn coi là có quy củ, bọn họ đều theo mặt hàng của
mình mà đứng vào một chỗ nhất định, để ra một con đường nhỏ cát bụi tung mù mịt
trước mặt để khách qua đường và người mua hàng đi lại xem xẻt
Tiếng mời chào đây đó vang lên không ngớt:
“Sữa ngựa mới vắt đây! Sáu văn tiền một bát!”
“Hạt tiêu hảo hạng đất Thục đây, không thơm không lấy tiền!”
“Khách Ngõa Phù đê! Khách Ngõa Phù đê!”
“Rượu Cao Xương đây! Hai lượng năm vò!”
“Đồ trang sức bằng bạc của phường Tân Long đê! Vừa rẻ vừa đẹp,
bây giờ không mua ngày mai chẳng còn đê!”
Chàng bật cười, cảm thấy nơi đây tuy chen chúc khó chịu,
nhưng cũng không phải là nơi không thế đến.
Mấy tiểu thương này vì một xu tiền mà cũng bằng lòng rã bọt
mép thương lượng với khách. Một xu cũng là tiền, một người cố gắng kiếm tiền
nuôi gia đình, bất kể nghề nghiệp của anh ta là gì thì đều đáng được tôn trọng.
Sau đó, trong âm thanh ồn ào inh ỏi nơi chợ búa, bỗng có một
giọng nói lanh lảnh rất trong, rất rõ cất lên, cứ thế vọng thẳng vào tai Mộ
Dung Vô Phong:
“Bánh nướng, bánh nưóng đi, bánh nướng nóng hổi mới ra lò. Đại
ca này, huynh mua một cái à? Bánh này có hai lớp đây, bên trong còn nhồi thịt
dê, lại còn thêm mười bảy loại gia vị với bơ và tương ớt nữa. Huynh ăn một cái
thì cả ngày hôm nay không cần xuống bếp luôn. Rẻ thôi, mười xu một cái. Hai cái
tôi lấy huynh mười tám xu.”
Mộ Dung Vô Phong vừa nghe thấy giọng nói này, toàn thân chấn
động, vội dừng lạc đà lại đưa mắt tìm bốn phía. Chỉ thấy người đông nghìn nghịt,
so vai kề lưng, ùn ùn như một con sông bùn chảy vòng qua chàng. Trong không
gian vang lên cả ngàn thứ âm thanh: tiếng chào hàng, tiếng lừa, ngựa khít mũi,
tiếng lạp xưởng nướng trong lò, tiếng mua bán mặc cả, tiếng kim loại leng keng.
Đủ các kiểu âm thanh không gọi tên nổi, tựa như sóng biển cuộn dâng, dội tới
người chàng, còn tiếng chào hàng bánh nướng kia thì lại mất tăm không thấy đâu.
Một lúc sau, chàng không còn phân biệt nổi rốt cuộc giọng nói ấy tới từ phía
trước hay phía sau mình nữa.
Chàng liền nín thở, nhắm mắt, đợi cho giọng nói ấy vọng tới
tai mình một lần nữa.
Một lúc sau quả nhiên giọng nói kia lại rao lên: “Bánh nướng!
Bánh nướng đi! Bánh nướng nóng hổi vừa mới ra lò đây!”.
Mí mắt chàng khẽ động, dòng người chen chúc qua lại bỗng như
nhạt đi, xa xa có một bóng người áo xám tựa như nét chấm phá trong tranh thủy mặc,
trên nền là khung cảnh chợ búa bụi bặm hiện lên thật rõ ràng.
Mắt chàng lập tức đăm đăm ghim chặt vào bóng người áo xám
hãy còn cách chàng mấy trượng kia. Bóng lưng đó lại là của một cô gái thấp béo,
dáng vẻ hoàn toàn xa lạ. Từ đằng sau nhìn lại, bụng nàng to tựa như một cái
thùng nước vậy.
Nghe thấy giọng nói ấy, cả người chàng kích động tới run lên,
gần như sắp ngã khỏi lưng lạc đà. Chàng vỗ lạc đà, từ từ đi tới sau lưng cô gái
vẫn đang vô tư buôn bán kia.
Chỉ thấy một tay nàng đỡ lưng, đang vùi đầu vào đếm tiền, đếm
xong thì nhét tất tần tật vào túi áo rồi lại rút ra một cái kẹp lớn, gắp từ
trong lò ra một cái bánh nướng vừa to vừa dày, lớn tiếng chào hàng: “Bánh nướng!
Bánh nướng đi! Bánh nướng nóng hổi đây!”.
Có một người đàn ông đi qua trước mặt nàng, nàng liền không
do dự kéo hắn lại, nói: “Bánh nướng mới ra lò đây, đại ca, lấy một cái đi! Chỉ
có mười xu thôi!”.
Nam nhân đó chẳng thèm quan tâm, gạt tay nàng ra, nói: “Ta
không mua, đừng có lôi lôi kéo kéo nữa!”.
Cô gái mặc kệ, liền tiếp tục kéo một phụ nữ đứng tuổi nói:
“Đại tẩu, bánh nướng mới ra lò, mười xu một cái. Xem người tuổi cũng lớn, lấy rẻ
đi một chút, trả tám xu là được”.
Người phụ nữ đứng tuổi kia nhìn cái bánh nướng, ngẫm nghĩ một
lát rồi nói: “Năm xu thì ta mua”.
“Năm xu? Thế có phải quá… quá rẻ rồi không? Xem người có
lòng, tôi chịu lỗ một chút vậy, cắn răng căn lợi chịu thiệt đấy nhé, bảy xu được
chưa”, nàng hừng hực khí thế ra giá.
Người phụ nữ đứng tuổi kia liễn quay phắt đầu đi luôn.
“Này… này… đại tẩu, đừng đi chứ. Đưọc rồi, năm xu thì năm xu
vậy, tôi bán đấy!”, nói rồi nhận tiền, lấy một tờ giấy gói bánh nướng lại bỏ
vào trong túi của bà ta.
Mộ Dung Vô Phong cứ nhìn tấm lưng ấy mãi, tới khi cô gái
xoay người lại, chuẩn bị găp thêm một cái bánh nướng trong lò ra.
Bụng của nàng rất lớn, xem ra đã mang thai được bảy, tám
tháng rồi, mặc trên người một tấm áo thụng rõ ràng là sửa lại từ quần áo cũ, phần
bụng bị bó lại, hiển nhiên là rất không vừa người. Thân thể nàng, trừ khuôn mặt
ra, những nơi khác trông đã béo hơn ngày xưa tới gấp đôi. Chỉ là thần thái của
nàng vẫn nguyên vẻ oai phong hoạt bát. Mái tóc của nàng vẫn dài như cũ, buộc
qua loa lại thành một túm, dùng trâm gỗ búi lên mà hình như lâu lắm rồi cũng chẳng
buồn gội, bên trên có ám một lớp dầu khói ẩn ẩn hiện hiện. Khuôn mặt tuy bởi
sán vào nướng bánh trong lò mà nhễ nhại mồ hôi nhưng vẫn vừa sáng vừa rạng rỡ.
Cả người nàng nồng nặc mùi dầu mỡ.
Mộ Dung Vô Phong ngây ngẩn nhìn nàng, gắng sức khống chế nhịp
tim mỗi lúc một nhanh của mình, nước mắt như sắp trào ra lại bị chàng ép mình
ngăn lại!
“Hà Y”
Giọng của chàng xưa nay rất thấp, vừa cất lên đã bị âm thanh
ồn ào xung quanh nuốt gọn nhưng cô gái bụng lớn kia lại lập tức quay người, vừa
nhìn thấy chàng thì có chút kinh ngạc rồi liền nở nụ cười, bước tới chào hỏi:
“Xin chào! Mộ Dung Vô Phong!”
Chàng vỗ vỗ lạc đà để nó ngồi xuống rồi lê người lên xe lăn,
lăn bánh tới trước mặt nàng, chẳng quản tất thảy, cứ sống chết túm chặt lấy bàn
tay đầy dầu mỡ cùa nàng.
“Làm gì thế? Bỏ tay ra đi! Người ta còn phải làm ăn nữa nhé!
A! Bánh nướng đây!”, nàng muốn rút tay lại nhưng phát hiện tay của chàng dứt
khoát nắm chặt lấy tay mình, chẳng chịu buông ra.
“Hà Y… nàng… nàng mang thai từ lúc nào?”, chàng ngắm nhìn
cái bụng to đùng của nàng, hỏi.
Hỏi vớ vẩn, chàng là đại phu, đương nhiên biết thân hình đó
là của người đã mang thai tám tháng rồi. Lúc Hà Y rời khỏi chàng, nàng đã thụ
thai hai tháng. Trong lòng chàng tự mắng chửi mình một trận. Lúc ấy chàng chỉ để
ý tới việc dưỡng thương, một lòng chỉ nghĩ tới chuyện của mình, nếu không nên sớm
nhận ra rồi.
“Thiếp…”, Hà Y đang định trả lời, chợt thấy có một người đàn
ông tới hỏi: “Bánh nướng bao nhiêu tiền một cái”.
Hà Y đáp: “Mười….”
Mộ Dung Vô Phong đã ngắt lời nàng, quăng một đĩnh bạc cho
người kia, nói: “Đây là năm lượng bạc, chỗ bánh nướng này anh lấy hết đi”.
Người đàn ông đó trợn mắt há mồm nhìn chàng, trong lòng nhủ:
“Vừa cho tiền vừa tặng bánh nướng, thằng cha này nhất định điên rồi. Trên đời
còn có việc tốt thế này sao?”, rồi lại sợ chàng đổi ý, lập tức đem tất cả bánh
nướng dốc hết vào bao của mình rồi co chân chạy biến như gió.
Hà Y tức tối giậm chân, nói: “Mộ Dung Vô Phong, sao chàng lại
phá việc làm ăn của thiếp!”.
Chàng mặc kệ, lại quay sang hỏi một ông lão bán bánh nướng
bên cạnh: “Cái lò này ông có thích không?”.
Lão đầu đó nói: “Lò tốt thế này ai mà không thích?”.
Chàng liền đưa cho ông ta một tấm ngân phiếu nói: “Tất cả những
thứ trong lò đều tặng cho ông hết, tôi còn đưa thêm hai mươi lượng bạc chỉ mong
ông nhanh chóng lấy nó đi”.
Lão đầu kia nhận lây ngân phiếu, rồi chất lò nướng của Hà Y
lên xe đẩy, ba chân bốn cẳng chuồn thẳng.
Hà Y lớn tiếng kêu: “Này! Này! Lão đầu, ông đứng lại! Trả lò
của tôi đây!”.
Lão đầu kia vừa nghe thấy, lại càng chạy nhanh hơn, thoắt
cái đã chẳng thấy bóng dáng đâu nữa.
Hà Y giậm chân, quay lại véo vào vai Mộ Dung Vô Phong: “Mộ
Dung Vô Phong! Chàng trúng tà rồi hả? Sao lại bán hết gia sản của thiếp? Sao
thiếp cứ gặp chàng là xúi quẩy thế này!”.
Mộ Dung Vô Phong bảo: “Tùy nàng nói sao cũng được. Nói cho
ta biết, sao nàng… sao nàng…”, trong lòng chàng dấy lên một cơn chua xót, hỏi:
“Bụng đã lớn nhường này rồi mà vẫn muốn bán bánh kiếm sống sao?”.
Hà Y càng ưỡn bụng cao hơn, nói: “Chàng quản nổi à? Từ nhỏ
thiếp đã thích bán bánh đấy. Thiếp cứ thích bán đấy!”
Mộ Dung Vô Phong lại nói: “Sao nàng không đi Thọ Ninh? Sao vẫn
còn ở đây mà không chịu tới tìm ta? Thời gian vừa rồi… nàng sống ở đâu? Lại phải…
lại phải chịu bao nhiêu khổ cực rồi?”.
Mộ Dung Vô Phong nhìn nàng, nhẹ nhàng chạm vào cái bụng nhô
lên của nàng, cảm thấy rất đau lòng.
“Khổ cực gì đâu? Thiếp thế này chẳng phải rất tốt sao?”,
lòng nàng lại mềm nhũn, bèn vuốt ve mái tóc chàng, hỏi lại: “Những nơi như thế
này trước giờ chàng chẳng bao giờ tới, hôm nay lại lên cơn quái gở gì thế?”.