Đọc truyện Máy Tính Sát Thủ – Chương 5
Vừa ra đến tỉnh lộ Bergerac, Logicielle lẩm bẩm:
– Phải có một bí mật…
– Quả là thế! Một cái máy tính đột nhiên liều lĩnh tự quyết định trở thành sát nhân vào ba giờ sáng, nghe có vẻ hơi quá! Cháu nói nó có bộ nhớ dạng nơ ron thần kinh phải không? Trí thông minh nhân tạo à? Nó hẳn cũng phải có tính cách nào đấy chứ nhỉ? Có thể là người sử dụng đã làm nó, hừm… phật lòng chăng?
Logicielle nhún vai.
– Không, bác Germain, điều đó là không thể! Mấy cái máy tính kiểu thế chỉ có trong tiểu thuyết hoặc là phim khoa học viễn tưởng thôi.
– Nhưng bác vẫn thấy cánh kỹ sư tin học hay phàn nàn về mấy con virus phá hoại dữ liệu trong máy đấy thôi. Liệu bọn virus này…? Sao cháu cười?
– Vì câu hỏi của bác quá đỗi ngây thơ, bác Germain ạ. Virus tin học không phải là virus sinh học!
Ngay lúc đó, có một đoạn nhạc phát ra từ bảng điều khiển, rồi một giọng thông báo:
– Nhiên liệu: đã gần hết!
Logicielle phá lên cười.
– Bác Germain này, sao bác lại ngạc nhiên khi một cái máy vi tính có thể nói chuyện nhỉ? Cái ô tô của bác cũng có khả năng nói chuyện đó thôi! Nếu nó hỏng, hay động cơ của nó trục trặc, bác có nghĩ là nó bị nhiễm virus không đấy?
– Thực thế, mấy cái việc kiểu như thế chắc chắn sẽ tác động lên hệ thần kinh của bác! Germain lẩm nhẩm! Ờ, nhìn kìa! Ông vừa nói thêm vừa chỉ vào một tòa lâu đài nằm trên sườn đồi. Đó là Monbazillac. Bác sẽ chở cháu đến đó, cháu phải thăm tòa lâu đài này.
Vì đã quá trưa, họ dùng bữa ngay tại nhà hàng trong lâu đài; và Germain cố nài thêm để cô cựu thực tập sinh có thể thưởng thức được hết đặc sản của vùng Périgord. Trong khi thưởng thức chai rượu Monbazillac 1999 mát vừa đủ độ, Germain lo lắng hỏi:
– Cháu có vẻ ưu tư, Logicielle?
– Vâng. Cháu đang không hiểu tại sao một thương nhân rượu vang lại phải sắm cho mình cái máy tính cao cấp thế.
– Bác nghĩ đó là một tay đam mê công nghệ! Đây này, bác có một ông bạn đã dốc toàn bộ tiền tiết kiệm để mua những chiếc xe Jaguar đã qua sử dụng. Xe Jaguar ấy! Cháu có tin nổi không?
– Bác Germain này, thứ nhất, Antoine không phải tên cuồng công nghệ vì cái OMNIA 3 này là máy tính đầu tiên của ông ta. Nữa là, qua năm tháng sử dụng mà ông ta chỉ lưu trữ rất ít thông tin trong máy. Cuối cùng, ông ta không cần phải dùng đến một cái máy ưu việt như thế: ghi chép các tính toán, ông ta chỉ cần một chiếc quyển sổ tay điện tử đơn giản thế này là đủ cho ông ta rồi!
Cô lấy từ trong túi ra một vật bằng nhựa đen, chỉ nhỉnh hơn chiếc máy tính cầm tay thông thường một chút. Germain ngờ ngợ:
– Đừng có nói là, Logicielle, cháu…?
– Tất nhiên. Đây là nhật ký của Antoine. Ờ, bác yên tâm đi, cháu sẽ trả lại mẹ của ông ta, cháu chỉ muốn xem qua chút thôi, họ sẽ không biết đâu.
Nhà hàng mang ra cho họ món kem nướng, Logicielle thích cả phần mềm mại và giòn tan, cả phần tươi mát của kem lẫn vị nướng cháy bùi. Khi Germain giải thích cho cô đây là món ăn địa phương có từ thời Trung cổ, cô nghĩ rằng vùng đất này bảo tồn thành công đến cả văn hóa ẩm thực. Và cô tự hỏi liệu những phương tiện lưu trữ ngày nay có thể lưu trữ với độ trung thành được như thế này không.
– Giờ đi thăm lâu đài thôi. Này, Logicielle, cháu đang mơ đấy à? Cháu nghĩ cái gì thế?
– Cháu nghĩ là trước khi chúng ta đi, bác nên nghe lời cái ô tô đi, bác Germain… đổ đầy xăng đi nào!
Sau khi đi thăm lâu đài Monbazillac, họ đến Issigeac nơi một tay Dominique Lavigne nào đó đã chết vào ngày 15 tháng Năm trước máy vi tính của mình. Vợ ông ta thú nhận đã tắt chiếc OMNIA 3. Thấy Logicielle thở dài đầy thất vọng, bà ta phân trần:
– Thế tôi phải làm gì bây giờ! Tôi chẳng biết gì về máy móc công nghệ và…
– Cái đó không quá quan trọng đâu thưa bà! Chúng tôi có thể vào phòng làm việc của chồng bà một chút được không? Logicielle khởi động lại máy: người sử dụng máy này đã không dùng hệ thống điều khiển bằng giọng nói: chiếc OMNIA 3 này hoàn toàn nín thinh. Logicielle điều khiển máy bằng bàn phím và con chuột.
– Cháu tìm cái gì thế?
– Ứng dụng cuối cùng được dùng trên máy. Cháu muốn biết trước khi chết, ông Lavigne có chơi, viết lách hay tính toán gì không.
– Nhưng máy tính bị tắt rồi thì còn thấy được cái gì nữa?
– Không đâu, bác Germain ạ, Logicielle chỉ lên màn hình. Bác nhìn này: ứng dụng cuối cùng là phần mềm TTCT, Internet, Dico + và Word 9.
– Nghĩa là sao?
– Ngày 14 tháng Năm lúc 18h17, ông Lavigne dùng Word 9 để soạn thảo một bức thư. Lúc 19h08 ông ta dùng từ điển được cài sẵn Dico + để soát lỗi chính tả. Lúc 22h34 ông ta kết nối Internet. Cuối cùng, ngày 15 tháng Năm lúc 16h08 ông ta sử dụng phần mềm tên là TTCT. Logicielle mở bức thư cuối cùng nạn nhân viết. Bức thư hoàn toàn vô hại với nội dung liên quan đến một vụ mua bán phòng ăn của Henri II – ông Lavigne là nhà buôn đồ cổ. Việc truy cập Internet không còn dấu vết nào có thể tra cứu. Không thể biết người sử dụng đã liên lạc với những ai; Logicielle chỉ biết thời gian truy cập là mười bảy phút.
– Còn TTCT? Germain hỏi. Nó là cái gì?
– Đó là ứng dụng cuối cùng ông ấy sử dụng. Ngoài việc đó ra, cháu không biết gì hơn.
Đó có thể là một phần mềm từ điển bách khoa, trò chơi điện tử, một phần mềm âm nhạc hoặc là karaoke.
Logicielle di chuột trên tấm thảm, nhấp chuột ba lần rồi thông báo:
– Đó là chương trình trên một chiếc HDX. Nói cách khác, nhiều khả năng là ông Lavigne đã chết vào ngày 15 tháng Năm lúc 16h08 trong khi sử dụng TTCT.
Cô mở ổ đĩa, lấy chiếc đĩa trong ổ ra và thông báo:
– Vấn đề là cái đĩa này trắng tinh, giống như đĩa của Antoine Bron.
– Cháu có chắc không, Logicielle, cái đĩa đó đã từng được ghi thông tin? Cháu làm gì đấy?
– Cháu đang cố gắng nhận dạng nội dung cũ của chiếc HDX này. Nhưng chỉ có thể biết được dung lượng thông tin cũ là: 83 Gb. Chiếc đĩa này đã chứa đến 83 tỷ byte bộ nhớ, vì một lý do nào đó không rõ, giờ đã trắng tinh. Việc này cứ như thể là cháu tìm thấy một quyển tiểu thuyết chỉ còn tiêu đề… các trang ruột thì trắng xóa.
Logicielle hỏi bà Lavigne xem ông chồng có sử dụng Taminox không.
– Có! bà ta thú nhận, không giấu nổi ngạc nhiên. Tuy nhiên bác sĩ đã phải ngần ngại rất lâu rồi mới kê thuốc đó cho ông ấy. Sao cô biết…?
– Khám nghiệm tử thi chồng bà cho thấy ông ấy đã sử dụng amphétamin, Germain trả lời. Bà có biết tại sao ông ấy phải dùng đến loại thuốc kích thích đó không?
– Không. Tôi hoàn toàn chẳng hiểu ra làm sao khi biết ông ấy đã yêu cầu bác sĩ loại thuốc đó.
Họ kết thúc cuộc điều tra tại Bergerac. Ở đó, bà Sauzon, một phụ nữ có đầu óc, đã giữ họ lại rất lâu vì tin rằng chính chiếc OMNIA 3 là thủ phạm giết hại chồng bà một cách tàn nhẫn vì ông này từ trước tới giờ chưa có bất kỳ dấu hiệu bất ổn nào về sức khỏe.
– Xin bà thứ lỗi, Logicielle nhấn mạnh, chẳng nhẽ chồng bà không dùng bất kỳ loại thuốc nào à? Thuốc an thần? Thuốc kích thích?
– Không gì cả cô ạ. Cho tới khi chồng tôi mua cái thứ máy này, ông ấy hoàn toàn khỏe mạnh. Chính cái máy ấy đã giết ông nhà tôi, tôi tin chắc đấy. Tại sao ông ấy không mua một cái máy bình thường như cái của tôi?
– Bà cũng dùng máy vi tính, thưa bà?
– Vâng, tôi làm kế toán tại nhà. Tôi tự hỏi không hiểu làm sao đột nhiên ông ấy nảy ra ý định ngông cuồng đi mua cái đồ của nợ ấy.
Logicielle mất đến mười lăm phút để tra cứu dữ liệu trên chiếc OMNIA 3 đó.
– Vấn đề gì không? Germain hỏi.
– Có. Vấn đề đây: bác nhìn đi.
Màn hình hiển thị đầy ngoan cố: MẬT KHẨU?
– Ông Sauzon đã bảo vệ quyền truy nhập bằng cách đặt mật khẩu. Rõ là cháu sẽ không biết được tiếng của cái máy này như thế nào rồi! Và càng không biết được nó có những gì.
– Cố gắng giải mật khẩu đi vậy!
– Khó lắm. Có hàng tỷ khả năng. Cần phải có kỹ thuật viên mở phần cứng của cái đồ quỷ này và phân tích nó một cách cẩn thận… Cháu tin là việc đó cũng vô ích thôi. Logicielle lấy chiếc đĩa màu vàng từ ổ đọc HDX cho vào túi cùng với nhật ký điện tử của Antoine Đron. Cô dám cá cả tháng lương của mình là cái đĩa đó cũng trống đến 83 tỷ byte dữ liệu.
Khi họ rời nhà bà Sauzon, cả vùng Dordogne đã tối mịt. Germain chỉ cho Logicielle những cụm mây hồng tản mạn ở cuối trời phía Tây.
– Nhìn kìa Logicielle, vậy là ngày mai sẽ có chút mưa đây! Trong lúc chờ có mưa, bác sẽ mời cháu đi ăn tối ở một quán ăn trang trại nhé.
Khi họ xong bữa tối thì đã quá nửa đêm. Trên đường quay về, những tia chớp sáng rực cả bầu trời của một ngày nóng bức.
Logicielle giật mình tỉnh giấc trong đêm. Giấc mơ đầy bạo lực kinh hoàng làm cô sững sờ đến nghẹt thở, cô ngồi thừ ra trên giường chờ cho nhịp tim chậm lại. Bên ngoài, gió quất thành từng đợt cuồng phong và sấm rền vang cả vùng quê. Cô thức ngồi đợi mưa rất lâu. Nhưng vì mệt rũ nên cô đã thiếp đi ngay trước bình minh.
Cơn dông không đến và cũng chẳng có một giọt mưa nào.