Bạn đang đọc Mặt Trái Của Sự Thật – Chương 7: Anh Làm Mẹ Em Được Không
Mặt trời đang dần khuất bóng, ánh hoàng hôn dịu dàng phát ra những tia nắng cuối ngày còn sót lại, vừa ấm áp lại vừa rực rỡ.
Bóng chiều tà như được tạo ra để trông hoà hợp với một bé gái mặc bộ đồng phục tiểu học xanh da trời.
Cô bé xinh xắn ấy đang chạy tung tăng về nhà, bím tóc được thắt gọn gàng của em ấy cũng theo đó mà đung đưa.
Nhã đẩy cửa bước vào nhà, ngay khi thấy anh trai đang ngồi xem tivi, cô bé hét lớn: “Anh ơi, em đi học về rồi! Anh cõng em đi!”
Dương nhìn cô bé bằng đôi mắt lấp lánh, cậu ấy ngồi xổm để em gái trèo lên lưng mình rồi ân cần hỏi han: “Hôm nay em học ở trường có ngoan không?”
Không biết vừa nghĩ đến chuyện gì, môi Nhã mím chặt.
Thấy em gái không nói, Dương liền thả cô xuống, quay lại nhìn cô và nói với giọng thật nhỏ cứ như sợ bị ai nghe thấy vậy: “Có phải ở trường em đánh nhau với bạn không?”
Hai con ngươi trên đôi mắt to tròn của cô bé liên tục đảo qua lại: “Anh ơi, có phải làm đại ca sẽ rất ngầu không?”
Anh trai không hiểu ý Nhã nên thắc mắc: “Sao em lại hỏi vậy?”
Cô bé ngay lập tức đứng thẳng lưng, tự hào nói: “Nếu làm đại ca, em sẽ được các bạn trong lớp mua bánh cho, em cũng không cần làm bài tập vì các bạn giỏi nhất lớp sẽ làm giúp em.
Như vậy rất ngầu đúng không anh?”
Anh trai bật cười trước suy nghĩ còn ngây thơ hơn cậu gấp nhiều lần: “Ai nói với em như vậy?”
Nhã không cần suy nghĩ liền đáp ngay: “Em thấy đại ca của lớp em đều như vậy.
Nhưng mà…”
Dương nghe tới đây càng tò mò hơn: “Nhưng mà sao?”
Cô bé mới 6 tuổi đầu đã học thở dài, mặt đầy phiền muộn: “Nhưng mà, khi em nói với cả lớp em muốn làm đại ca, bạn đó lại không cho, bạn đó nói em không có mẹ nên không được làm đại ca!”
Anh trai vừa đau lòng lại vừa giận dữ vì lời nói vô tâm của “bạn đó” trong lời em gái: “Bạn đó? Ai dám nói với em như vậy? Nói anh biết mai anh sẽ xả giận thay em?”
Nhã cười khúc khích: “Bạn đó là đại ca Khang của lớp, nhưng anh không cần làm gì đâu!”
Nói tới đây, bé gái kéo áo bảo anh cúi thấp đầu, sau đó ghé sát vào tai anh trai nói nhỏ: “Em đã đánh bạn đó sưng mặt rồi, sao này em sẽ làm đại ca của lớp vì đã đánh thắng bạn đó.
Anh thấy em giỏi không?”
Nhã nhìn anh trai bằng ánh mắt tự hào đợi được khích lệ, người anh không những không khuyên nhủ mà còn đưa tay dấu like cổ vũ cho em gái, nhưng Dương cũng không quên nhắc nhở cô bé: “Chuyện này tuyệt đối không được nói cho ba mẹ biết, anh mới vừa bị ba mẹ đánh, mông vẫn chưa hết sưng đâu!”
Hai anh em cứ thế nhìn nhau cười nghịch ngợm, chợt nhớ ra gì đó, cô bé hỏi anh: “Anh ơi, mẹ là như thế nào ạ?”
Câu hỏi này như đang đánh đố Dương, cậu ấy gãi đầu, suy nghĩ một lát rồi mới lên tiếng: “Mẹ là người luôn cười với em, mẹ sẽ mua đồ ăn ngon cho em, đối tốt với em mà không cần em phải làm gì cho mẹ!”
Cô bé im lặng suy nghĩ giây lát rồi gật đầu chắc nịch như đã hiểu: “Thì ra mẹ là như vậy!”
Bà Thu vừa bước vào nhà đã thấy hai đứa trẻ thì thầm to nhỏ với nhau, cảnh này vừa hay lại khiến bà ấm lòng.
Trước kia mẹ Dương còn lo sợ hai đứa vì không phải ruột thịt mà thường xuyên mâu thuẫn, cãi vã, nhưng giờ đây hai nhóc con đó lại thân thiết hơn cả anh em ruột.
Nghĩ vậy bà cũng yên tâm: “Dương, Nhã hai đứa vô rửa tay ăn cơm!”
…
Ánh mặt trời rọi vào căn phòng nhỏ màu hồng xinh xắn làm Nhã thức giấc.
Vì hôm nay là cuối tuần, cộng thêm hai anh em hôm qua còn hứa đi công viên cùng nhau khiến tâm trạng của Nhã rất vui lại đặc biệt dậy sớm.
Hai đứa trẻ cùng ăn sáng thật nhanh, sau đó đeo ba lô rời khỏi nhà.
“Anh nói xem hai đứa trẻ tuy không phải anh em ruột nhưng chẳng phải rất yêu thương nhau sao? Lúc trước anh chỉ biết lo chuyện không đâu thôi!” Mẹ Dương giọng thì oán trách chồng, nhưng lại khó che đậy niềm hạnh phúc đong đầy nơi đáy mắt.
“Em không thích chơi vòng xoay ngựa gỗ! Em muốn chơi tàu lượn siêu tốc!”
Đã nửa tiếng trôi qua, nhưng cô bé vẫn khóc lóc, bướng bỉnh đòi chơi trò nguy hiểm cho bằng được khiến Dương vô cùng khó xử.
Nhìn thấy tấm biển báo ở khu vực tàu lượn siêu tốc, lòng cậu bé mừng thầm vì đã có cách thuyết phục em gái, Dương dùng tay chỉ về hướng biển báo: “Nhã, nhìn kìa, ở đó ghi là trẻ em dưới 15 tuổi không được chơi!”
Cô bé hoài nghi nhìn tấm bảng trước mặt rồi lại quay sang nhìn anh trai: “Anh nói thật không? Anh đang lừa em phải không?”
Cậu bé nhẫn nại giải thích: “Anh có bao giờ lừa em đâu! Anh nói thật đó!”
Cô bé nghe vậy thở dài buồn bã: “Em tạm tin anh vậy, đợi em học xong lớp 1 đọc được hết chữ rồi em sẽ quay lại đây, nếu anh lừa em, anh sẽ phải cùng em chơi tàu lượn siêu tốc mười vòng! Anh có dám ngoắc tay hứa với em không?”
Nói xong lời này, Nhã đưa ngón tay út ra, còn trán cậu anh trai thì không ngừng đổ mồ hôi hột, cậu thầm nghĩ may là mình không lừa em ấy nếu không thì…Thế là giữa công viên rộng lớn đông người qua lại, hai anh em cùng ngoắc tay ước hẹn với nhau một lời hứa rất ngây ngô và trẻ con, cảnh tượng này vô cùng nổi bật đã vô tình lọt vào khung hình của một số khách qua đường.
Dương chỉ tay vào ghế đá gần đó: “Em ngồi đây đợi anh một lát, anh đi mua kem cho em!”.
“Em ăn kem hương vani trộn sô cô la.” Cô bé hồn nhiên nói ra vị kem yêu thích.
“Anh biết rồi!”, nói rồi cậu bé đi về hướng cửa hàng kem.
Nhã ngồi trên ghế đá đung đưa chân qua lại, hôm nay cô bé mặc váy màu xanh dương trên đầu cài nơ trắng tựa như một nàng công chúa nhỏ, nhiều người qua đường dường như bị thu hút bởi dáng vẻ đáng yêu của cô gái nhỏ.
Nhã ngồi cúi đầu nhìn lũ kiến dưới chân đang mang thức ăn về tổ, nhưng tư thế này lại vô tình khiến một người phụ nữ lạ mặt trong công viên hiểu lầm cô đang buồn.
Người này chợt dừng lại ngồi cạnh Nhã và dịu dàng hỏi thăm: “Cháu gái, có điều gì làm cháu không vui sao?”
Nghe thấy có người đang hỏi chuyện mình, cô bé ngẩng đầu lên, phút chốc bỗng mơ hồ trước nụ cười xinh đẹp của người phụ nữ.
Dì ấy cười thật đẹp, Nhã thầm nghĩ.
Thấy cô bé nhìn mình hồi lâu mà vẫn im lặng, bà ấy lại tưởng cô còn buồn không muốn nói chuyện, liền tặng cho cô cây kem duy nhất trên tay bà: “Cô tặng con đấy, cô bé đừng buồn nữa nha, con gái phải cười nhiều mới xinh!”
Nụ cười và hành động này của người phụ nữ khiến Nhã nhất thời nhớ lại câu nói của anh trai: “Mẹ là người luôn cười với em, mẹ sẽ mua đồ ăn ngon cho em, đối tốt với em mà không cần em phải làm gì cho mẹ!”
Đây không phải là mẹ của mình sao? Nhất định là vậy rồi! Mình phải ôm mẹ thật chặt mới được.
Trong lúc Nhã thất thần thì bà ấy đã rời khỏi, nhưng hiện tại cô vẫn còn thấy bóng lưng thấp thoáng của người phụ nữ đó, ngay lập tức Nhã đuổi theo và gọi to: “Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ có nhớ con không? Mẹ ơi!..”
Cô bé gọi đến khàn họng nhưng đối phương vẫn không nghe thấy, ngược lại bóng dáng ấy càng lúc càng xa dần rồi đột nhiên biến mất.
Đến lúc ý thức được thì Nhã đang đi trên một còn đường vắng, đến cả một bóng đèn đường cũng không có, trong khi bầu trời lúc này đã tối đen như mực, Nhã ngồi sụp xuống, cúi đầu khóc thút thít: “Mẹ ơi! Mẹ ơi!…Anh ơi! Anh đang ở đâu?”
Sau khi mua được kem, Dương quay về chỗ cũ nhưng không lại thấy em gái đâu, cậu bé điên cuồng chạy khắp công viên, hỏi tất cả những người qua đường, nhưng chẳng một ai biết cô bé đã đi đâu.
Dương cứ vô thức chạy mãi, chạy mãi, chạy nhanh đến mức trên đường đi cậu đã vấp té, ngã rồi thì lại đứng lên, hành động này cứ lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần, nhưng cậu bé vẫn cứ vừa chạy vừa hét lớn: “Nhã ơi! Em có nghe anh nói không! Nhã ơi! Em đang ở đâu? Nhã ơi!”
Đến khi trời tối, Dương lê đôi chân mỏi nhừ đi trên con đường vắng tanh, lúc này anh gần như tuyệt vọng thì lại nghe tiếng khóc ở cuối đường vọng lại.
Là tiếng của Nhã, anh vui mừng khôn xiết mà chạy về phía đó, nhìn thấy cô co ro ngồi khóc ở góc đường, anh có muốn mắng cũng không nỡ.
Thế là Dương ngồi xuống bên cạnh cô bé, đồng thời vỗ nhẹ lên lưng an ủi cô: “Có anh ở đây, em đừng khóc, nói cho anh biết sao em lại chạy tới đây?”
Cô bé nghe vậy càng khóc to hơn, bổ nhào vào lòng anh rồi mếu máo nói: “Em nhìn thấy mẹ…mẹ…mẹ đã cười với em, mẹ…mẹ…còn tặng em kem…em chạy theo gọi mẹ, nhưng mà…nhưng mà mẹ không nghe thấy…”
Phải khó khăn lắm Nhã mới vừa khóc vừa kể cho anh nghe hết mọi chuyện, nhưng cô nào biết sau khi nghe những lời này Dương lại lén lau nước mắt, anh buông cô ra rồi cười với cô: “Sau này mẹ của anh cũng là mẹ của em, em không cần phải đi tìm mẹ nữa!”
Mặc dù vẫn còn khóc thút thít, nhưng cô bé vẫn lên tiếng phản đối: “Không được! Mẹ của anh là của anh, em sẽ không giành mẹ với anh đâu!”
Anh dở khóc dở cười trước cái tính bướng bỉnh này của cô, nhưng cuối cùng vẫn thoả hiệp: “Được, được vậy mẹ của anh là của anh, nhưng từ nay anh sẽ làm mẹ em? Được không?”
Cô bé nín khóc, nhìn anh đầy nghi ngờ: “Có phải anh bị ngốc không? Mẹ đều là con gái, anh là con trai sao làm mẹ của em được?”
Trong ánh mắt anh giờ đây hàm chứa sự ngang ngạnh, cố chấp, khó một ai có thể lay động được: “Anh cứ thích làm mẹ của em đấy! Nào lên đây mẹ cõng về”, nói rồi Dương lại ngồi xổm xuống để cô trèo lên lưng mình.
Trên con hẻm nhỏ tăm tối ấy, có một cậu bé 12 tuổi đang cõng trên lưng một cô bé 6 tuổi, cậu bé ấy mặc chiếc quần lửng tới đầu gối nên có thể dễ dàng nhìn thấy đôi chân của cậu bé đang rớm máu với chi chít vết trầy xước, mắt cá chân sưng phù nhưng thay vì khóc lóc kêu đau, cậu ấy vẫn cười nói để dỗ dành em gái bé bỏng của mình.