Bạn đang đọc Mặt Nạ Của Hoàng Tử – Chương 12: Thiếu tôi. Có sao không?
****
Thực sự thì cảm giác được nhiều người bám đuôi không thoải mái và happy như những gì trong tưởng tượng của tôi.
Bằng chứng là, trong khi cả nhóm chúng tôi còn đang lên kế hoạch sao cho trại nhỏ của mình có thể đoạt giải vào buổi lên hoan chấm trại đẹp nhất vào tối nay, thì ở đằng sau, ở đằng trước, ở bên phải, bên trái. Ở tứ phía. Lát lại có những tiếng xì xào trầm trồ, lát lại nghe như tiếng ghen tị, thỉnh thoảng lại thấy nhói mắt bởi ánh sáng phát ra từ máy ảnh.
Nghĩ cũng cứ cảm thấy khó chịu.
Việc dựng lều trại cũng chẳng khó như những gì tôi nghĩ, đơn giản là lều đã có sẵn khung và chỉ việc dựng theo khung là xong. Sau khi bàn bạc kĩ lưỡng; thực ra thì chỉ có 4 người là ; Tôi, Hạnh Nhi, Ju và Tùng. Yul vẫn ngồi im lìm cách xa chúng tôi độ 2 bước chân. Chẳng hiểu cậu ta mông lung nghĩ điều gì, nhưng thần sắc lạnh lùng và đôi mắt sắc bén như nhìn thấu mọi chuyện đầy vẻ kiêu ngạo của Yul là bức tường vô hình ngăn cách chúng tôi và cậu ấy.
Kì thực là kế hoạch cắm trại chỉ có Hạnh Nhi và Tùng bàn bạc sôi nổi. Không hiểu sao từ lúc xuống xe ô-tô đến giờ, Ju không nói lấy một lời. Sự im lặng đôi khi chính là vũ khí lợi hại nhất. Vậy nên, tôi cũng im lặng theo Ju.
Kế hoạch theo như lời Hạnh Nhi sẽ là. Ba chàng trai trong nhóm sẽ phụ trách việc dựng lều trại, còn tôi và Hạnh Nhi sẽ đi đâu đó để tìm thức ăn.
—
– Nghĩ sao nếu chúng mình không tìm được thức ăn ở đây nhỉ?
– Không phải thế chứ. Thầy chủ nhiệm có thông báo là nơi này nhiều thức ăn lắm mà.
– Nhưng không thấy chợ nhỉ. Rồi. Ngoại ô làm gì có chợ. Thức ăn thiên nhiên ư? Không lẽ là câu cá, trèo cây….Ơ…. Linh Đan…Sao không nói gì vậy.
Suốt quãng đường từ chỗ nhóm chúng tôi cắm trại tới khu vực mà thầy chủ nhiệm khoanh vùng sẵn cho chúng tôi trên bản đồ là có thể tìm thấy thức ăn, Hạnh Nhi vẫn cứ thao thao bất tuyệt tự hỏi, rồi vừa tự trả lời. Bị giật tay một cách bất ngờ vì im lặng bất thường quá lâu, tôi cười gượng gạo đáp nhỏ như muỗi kêu.
– Chúng ta cứ đi theo bản đồ là sẽ có thức ăn thôi.
Hạnh Nhi hết liếc xuống bản đồ, sau lại ngẩng mặt lên nhìn tôi bằng ánh mắt ngờ vực, hỏi lại:
– Thật không Đan?
Nhìn ánh mắt long lanh của Hạnh Nhi, tôi lấy đà giơ một nắm đấm thật to, cương quyết khẳng định.
– Yên tâm. Nơi nào có sự sống. Nơi đó nhất định phải có thức ăn!!!
Thật không uổng sự quyết tâm của tôi và sự chính xác của chiếc bản đồ, phía trước chúng tôi, thấp thoáng một cây táo, đỏ rực.
Nghĩ cũng cứ đắn đo mãi, quái lạ thật, chỗ ngoại ô hẻo lánh này lấy đâu ra một cây táo mèo quả đỏ chót thế kia?
Đến khi cả hai chúng tôi lật bản đồ và đọc phần ghi chú bên dưới, mới té ngửa. Ra là khoảng đất mà chúng tôi đang cắm trại, trước kia là khu vườn hoa quả. Trường Ping Yi có mua lại khu vườn này, để hàng năm học sinh có thể đi cắm trại theo sự hướng dẫn của giáo viên. Vì cơ bản thì đây không phải là một chuyến đi chơi dã ngoại đơn thuần, vì chúng tôi chỉ được ăn bữa tối do nhà trường tổ chức khi hoàn thành xong trại, còn bữa trưa, thì học sinh tự đi tìm thức ăn. Bên dưới mục ghi chú còn chỉ rõ thêm mục đích cuả bài học như này; rèn luyện cho học sinh tính kiên nhẫn, tự chăm sóc bản thân, tinh thần đồng đội, hoạt động theo nhóm….
Mắt tôi bắt đầu hoa lên và cái bụng đang réo ầm ĩ, vì đói. Vừa rời mắt khỏi bản đồ, mắt tôi tí nữa lòi luôn ra ngoài khi phía trên cây táo kia, là cô bạn Hạnh Nhi của tôi. Trời ạ. Sao cô bạn có thể trèo nhanh và trèo cao như thế cớ chứ?
Vất tập bản đồ xuống dưới, tôi cũng kéo cao tay áo, khởi động tay chân để chuẩn bị leo lên cây. Tôi hết đánh đi dưới gốc cây, lại quay sang leo từ cành leo lên, hết leo theo kiểu của khỉ, lại ôm cây như kiểu của thỏ. Nhưng cuối cùng, chỗ mà tôi tới được chỉ là…..Gốc cây!!!
– Haha. Linh Đan chưa trèo cây bao giờ đúng không?
Tôi ngửa cổ ra đằng sau một góc 90 độ mới trông thấy cô bạn Hạnh Nhi đang vắt vẻo trên cành táo đỏ mọng gần đó. Biết là dù cố gắng cũng không leo lên đó được, tôi lắc đầu nguây nguẩy. Hạnh Nhi chun mũi.
– Vậy xòe áo ra, tớ vặt rồi ném táo xuống.
Tôi gật như gà mổ thóc.
Công nhận là Hạnh Nhi rất khéo léo. Chẳng mấy chốc, chiếc áo khoác ngoài của tôi đã chứa đầy những quả táo mèo đỏ mọng, thơm phức.
Nhảy phịch xuống dưới đất, Hạnh Nhi cười hớn hở.
– Gì chứ, trèo cây thì khỉ cũng phải thua đứt tớ.
Tôi giơ một ngón tay cái lên trước mặt Hạnh Nhi, gật gù rối rít.
Trên dường chúng tôi trở về trại, Hạnh Nhi có tâm sự với tôi về gia đình của mình. Mẹ mất sớm, một mình bố Hạnh Nhi nuôi 5 chị em ăn học. Suất học trong trường Ping Yi là suất học bổng mà hiệu trưởng tặng riêng cho Hạnh Nhi. Cô bạn kể, hiệu trưởng là người điềm tĩnh, tốt bụng nhưng cũng rất nghiêm khắc.
Rồi Hạnh Nhi quay sang nhìn tôi bằng đôi mắt hí hửng.
– Chà. Xem Linh Đan nào. Nhỏ tới lớn là con một nên bố mẹ cưng chiều nhất nhà. Đúng không?
Tôi hì hì, ngắm nghía những quả táo đỏ trong túi, đáp mông lung.
– Tớ cũng không biết nữa. Nhưng đôi khi thấy hơi cô đơn. Bố mẹ tớ thi thoảng cũng đi công tác suốt.
Hạnh Nhi đưa tay quệt ngang mũi, sụt sùi.
– Ừ. Thì được cái này mất cái kia mà. À, thế Linh Đan có biết ăn táo mèo không?
Tôi phì cười vì câu hỏi ngây thơ của cô bạn bên cạnh.
– Gì chứ. Ăn thì không ai bằng tớ.
Quãng đường từ cây táo về trại cũng ngắn hơn bởi những câu nói tếu táo của chúng tôi. Chợt nhận ra, đằng sau vóc dáng nhỏ bế của Hạnh Nhi, là một tinh thần “thép và nghị lực phi thường của cô bạn.
***
Khi tôi và Hạnh Nhi về tới chỗ cắm trại, chiếc trại nhỏ xíu đã được dựng lên trông khá vững chắc và xinh xắn.
Chỉ có điều, ngay cả khi chúng tôi đã rửa sạch sẽ táo mèo và chuẩn bị được ít củi để nấu Mì thì vẫn không thấy Yul và Ju. Nghe Tùng béo kể thì sau khi dựng lều trại xong, cả Ju và Yul đều bỏ ra ngoài. Đi đâu thì họ không nói.
Hạnh Nhi nãy giờ cứ chống cằm nhìn nồi nước đang sôi sùng sục, Tùng béo thì vẫn lăm le cây đàn ghi-ta của tôi trong tay, tôi thì ngồi như pho tượng ngắm mười đầu ngón chân của mình. Nghĩ đi nghĩ lại thì cũng không biết liệu hai con người kì bí nhất lớp này có thể đi đâu được, nghĩ mãi không ra, tôi cũng chẳng nghĩ nữa. Ngồi mãi cũng chán, tôi chợt nảy ra một ý.
Mon men lại gần Tùng béo, tôi vỗ vai cậu bạn, cười hớn hở.
– Này Tùng, cậu có thể chơi đàn cho bọn tớ nghe không?
Khi nghe lời đề nghị đó của tôi, cả Tùng và Hạnh Nhi có phần thích thú lắm, Hạnh Nhi cười rạng rỡ.
– Đúng đấy Tùng. Cậu chơi lại bài mà bữa trước chơi cho bọn tớ nghe đi.
– Cậu thích bài đó hả? – Tùng béo hỏi lại.
– Ừ. Tớ rất thích. – Hạnh Nhi gật đầu rối rít.
– Vậy tớ chơi cho cậu nghe nhé. À. Cho cả Linh Đan nữa nhé.
Tôi vuốt mặt, rề rề đáp.
– Ừ!
Tùng bắt đầu dùng những ngón tay mũm mĩm của cậu ấy lướt nhẹ trên cây đàn màu bạc. Những nốt nhạc có chút vụng về, nhưng tôi hiểu, nó chứa đựng những rung động đầu tiên một cách chân thành. Thực ra, muốn biết người đó có thật lòng hay không, chỉ cần nhìn vào ánh mắt của họ là biết ngay. Và tôi có để ý, ánh mắt của người chơi đàn đang nhìn một cách trìu mến về phía những người đang chăm chú nghe đàn, là chúng tôi. Ầy, thật ra thì tôi ngồi bên cạnh Hạnh Nhi!!!
Nhìn đôi mắt long lanh có chút bình yên lạ thường của Tùng và Hạnh Nhi, trong giây lát tôi thoáng ngưỡng mộ họ. Chẳng cần phô trương ồn ào, chẳng cần cầu kì, chẳng cần lời nói, chỉ đơn giản thể hiện tình cảm như cách mà họ vẫn thể hiện. Đủ để cả hai có thể cảm thấy đối phương là người đã chiếm lấy trái tim mình.
Nhưng cũng có thể là do tôi suy ra từ kho tàng tưởng tưởng của mình!!!
Nhưng kì lạ là, tôi chẳng thấy Thiên Thần và Ác quỷ bên vai như những lần tôi tưởng tượng trước đó.
” Bốp bốp bốp”
Tiếng vỗ tay này, đúng! Tiếng vỗ tay này sao mà nghe quen tai và mang lại cảm giác rùng mình quen người vậy.
Khi cả ba người chúng tôi quay sang, gặp ngay nụ cười nửa miệng đặc trưng của Yul. Yul lơ đãng liếc mắt nhìn cả ba, ánh mắt quái dị lóe lên một cách khó hiểu, dửng dưng nói.
– Rất khá.
Tôi nghiêng người, ngó ra phía sau lưng Yul. Phía sau, Ju cũng đang từ từ tiến lại phía chúng tôi, nét mặt tư lự khó hiểu.
Khi cả ba người chúng tôi vẫn chưa kịp nói lời nào, Yul đã xoay người lại phía sau, giọng nói nhẹ nhàng đến quỷ dị.
– Ju. Đúng là người của cậu có khác.
Cả tôi và Hạnh Nhi vẫn cứ há hốc mồm ra không hiểu cách cư xử khó hiểu này của Yul. Bên cạnh chúng tôi, nét mặt của cậu bạn Tùng béo có vẻ khá khẩm hơn. Trong giây lát, Tùng béo bỏ cây đàn ghi-ta xuống, chạy vội ra phía Ju ở đằng sau. Yul cười khẩy, tiến lại gần phía tôi và Hạnh Nhi.
Tôi thề là tôi không còn sợ cái vẻ bất cần và độc ác của cậu ta nữa. Vì sao ư? Vì…Vì ở đây có cả thầy giáo rồi đấy nhé! Tôi sẽ mách thầy.
Yul không nói không rằng, cậu ta khẽ cúi người xuống, nhìn thẳng vào mắt tôi. Trong đôi mắt lạnh, sắc bén đầy u mê của người đối diện tôi thấy rõ nét mặt lúng túng của mình.
– Thiếu tôi. Có sao không?
Tôi cười khan hai tiếng, gục gặc đáp.
– Chắc sẽ không phải tốn thêm Mì.
Viền môi người đối diện khẽ nhếch lên, nụ cười sao mà khiến người khác phải tức anh ách thế này. Đúng, nó giống như nụ cười của Yul khi nghe xong bài đàn của tôi.
– Cậu thật thú vị đấy, Đan.
Phân nửa mặt tôi tối om.
Nói xong câu ấy, người đối diện dùng tay khẽ xoa đầu tôi. Một cách nhẹ nhàng.
Phân nửa kia mặt tôi đen nốt!
Rồi Yul quay đầu lại, nhìn về phía Ju. Sau đi thẳng về chỗ để xe của mình, thấp thoáng đâu đó vài bóng người áo đen khiến tôi có chút ngạt thở, sau rồi…
B rừm…B rừm…B rừm……….
Chiếc xe mô tô phóng đi mất hút, tôi rùng mình quay sang phía Hạnh Nhi.
Chính thức thì tôi ngạt thở.
Không chỉ Hạnh Nhi nhìn tôi bằng ánh mắt quái dị, mà sau lưng cô bạn, có cả một đội quân nữ sinh nhìn tôi như thể tôi là sinh vật lạ.
Tôi thều thào giải thích.
– Tớ. Tớ là Linh Đan đây.
Người đối diện nghi ngờ hỏi lại.
– Chuyện nãy giờ là sao?
Tôi cười như sắp mếu, đáp.
– Tớ biết sao được.
Chứng kiến tất cả những gì vừa xảy ra, Tùng béo chạy xồng xộc tới, cất giọng an ủi.
– Cái tên Yul này đôi khi hơi khó hiểu vậy đấy.
Rồi đâu đó, có một giọng nói bình thản vang lên.
– Chúng ta dùng bữa trưa được chứ?
Giọng bình thản này nghe như chẳng liên quan tới vấn đề mà chúng tôi đang nói, nhưng kì thực thì tôi mừng rớt nước mắt, hận một điều là không chạy tới bắt tay nói lời cảm ơn rối rít với cậu bạn Ju đang chậm rãi tiến lại gần chúng tôi kia.
Thú thật là tôi đói đến mức mắt hoa và ruột gan đang quặn hết lên rồi. Có nghĩ được điều gì ngoài việc phải ăn đâu!!!