Đọc truyện Mật Mã Maya – Chương 13
Chúng tôi bay về phía tây, ngang qua Thêm Một Ngày Mai và Thung Lũng Hòa Bình – cả hai đều là khu tái định cư của những người dân tị nạn với cái tên đầy hi vọng – rồi rẽ sang phía ban, hướng về dãy núi Maya. Marena đang nói chuyện qua micro và tai nghe. Còn tôi thì đang sưng sỉa.
– Này, có tin tốt này, – cuối cùng cô ta cũng quay sang nói với tôi.
– Vậy sao?
– Taro, Tony và Larry Boyle… à, anh chưa biết Larry… nhưng nói chung họ đã đưa Taro đến bằng máy bay sáng nay và ông ấy vẫn khỏe.
– Tốt quá, – tôi đáp.
Cơ trưởng thông báo chúng tôi sẽ hạ cánh trong hai phút nữa. Chúng tôi tiếp cận một bãi hình tròn rất rộng, lấm chấm ánh đèn điện và bếp lửa.
Công ty bất động sản Warren Development đã xây dựng hai khu liên hợp trên một bình nguyên rộng lớn, nằm cách khu phế tích Caracol chừng mười lăm dặm về phía nam và cách biên giới Guatemala chỉ bốn dặm. Khu liên hợp thể thao đẹp lộng lẫy với 2.010 mẫu rưỡi đất rừng râm mát và bằng bằng, khuôn gọn trong một hình tròn hoàn hảo, một đường đua khổng lồ đường kính một dặm tạo thành viền ngoài khu liên hợp, theo lời Marena, bề mặt của nó có thể thay đổi để thành đường đua ngựa, chạy bộ, trượt ván hay đua ô tô cũng được.
– Vậy sao chúng ta lại cứ phải bay lòng vòng thế? – Marena hỏi.
– Sao cơ? – tôi ngạc nhiên, – À! – Cô ta đang nói chuyện với phi công qua tai nghe.
Cô ta ngừng tai lại, lắng nghe.
– Dài dòng quá, – cô ta nói. Cô ta quay sang nói, – Anh ta nói quan sát viên của trạm điều hành không lưu đang kiểm tra chúng ta. Cứ như chúng ta đem bệnh truyền nhiễm không bằng.
– Hừ, rõ chết tiệt.
– Phải đấy.
Chúng tôi hạ độ cao xuống còn hai ngàn feet. Từ trung tâm đường tròn, sân vận động trung tâm – có tên là Hyperbowl – nổi bật giữa màu đen sẫm của rừng già. Đó là một khối kính màu khổng lồ, có vẻ như sắp hoàn tất, nằm dưới bộ khung dàn giáo, được chiếu sáng bởi những ngọn đèn pha sáng trắng, dát thêm những tia sáng xanh từ ánh lửa hàn trên cổng vòm.
– Cả công trình này sẽ được tu sửa lại để chuẩn bị cho Paralympic (Đại hội Olympic dành cho người tàn tật), – Marena nói. Cô ta đang nhai nhóp nhép thứ gì đó. – Anh biết chứ, Olympic đặc biệt ấy mà? Còn sáu năm nữa, – Nếu thế giới này còn tồn tại được đến hai năm nữa, cả hai chúng tôi cùng nghĩ, – Không chỉ phải xây dựng vô số đường dốc, họ còn phải xây dựng những con đường đặc biệt và lắp đặt một hệ thống van thoát nước thật lớn hay gì đó.
– Tôi cứ nghĩ cả hành tinh này đã là một Olympic đặc biệt rồi.
Marena cho tôi biết, theo thỏa thuận tám năm trước, khi Belize ứng cử đăng cai Olympic Mùa hè lần thứ 33, tập đoàn Warren đã bỏ thầu xây dựng một khu tiện nghi hạ tầng độc lập cách thủ đô sáu mươi dặm về phía đất liền để tránh cảnh nghèo đói và giao thông lộn xộn của thành phố.
– Điều nực cười là người ta phải đồng ý để Belize đăng cai bởi vì họ chưa bao giờ và sẽ chẳng bao giờ và sẽ chẳng bao giờ thắng được bất cứ trận đấu nào nếu không được tổ chức một kỳ Olympic thật kỳ khôi, – cô ta nói. – Anh ăn kẹo cao su ni-cô-tin không?
– Ồ, không, cảm ơn, tôi sắp phải dùng Vicodin bây giờ…
– Vì thế, sau đại hội, chúng tôi sẽ sửa lại các sân đấu thành sân gôn và tiếp quản quyền vận hành khu liên hợp này, biến nó thành một khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí theo mô-típ đặc trưng của văn hóa Maya và các hoạt động liên quan đến trò chơi Neo-Teo, với một khoảnh khắc rừng dành cho báo đốm, một nhà máy điện địa nhiệt tiên tiến, một cột phun hơi nước giả làm núi lửa và một cộng đồng hơn mười ngàn thợ thủ công Maya bản địa được nuôi bao cấp.
– Tôi cá là cô có thể đọc ngược được những từ kia.
– Không, nhưng tôi cá là anh đọc được.
– Ừ… phải, tôi nghĩ là tôi đọc được.
– Thật á? Đọc thử tôi xem nào.
– Snos, repst, nayam (Đọc ngược của sons (các con trai), press (tiền cho vay) và Mayan (tiếng Maya)), – tôi đọc, – ờ… nas…
– Được, anh thuyết phục được tôi rồi, – Marena đáp, – Nơi ta cần đến kia rồi.
Phi công đã cho máy bay chuyển hướng và bay ở tầm thấp qua một con đường trải nhựa thẳng tắp và dẫn tới Stake, hay nên nói là StakeTM(Tức là cái tên này đã được đăng ký bản quyền), cách khu liên hợp Olympic một dặm rưỡi.
Bánh máy bay chạm mặt đất. Cỗ máy giảm tốc độ, quay đầu, chạy trượt trên đường băng và dừng lại. Chúng tôi ngồi chờ. Cửa mở ra. Cảm giác nhớ nhà đến lặng người đi khi các vi sinh vật sống trong không trung của miền Trung Mỹ theo ngụm không khí tràn vào phổi tôi. Cũng với cái mùi nằng nặng của những con ngựa và bè tông ướt, và một hương vị nào đó như làn hơi nhẹ nhất của khí ô-zôn. Chúng tôi xuống máy bay. Có bảy người đang đứng chờ trên mặt đường rải đá răm trộn nhựa đường, trong ánh đèn sáng trắng.
Hai trong số đó là nhân viên bảo vệ của Warren trong bộ đồ đồng phục màu xanh lá cây, ngoài ra còn một viên cảnh sát người Belize mặc áo sơ mi trắng cộc tay làm nhiệm vụ kiểm tra giấy tờ của tất cả mọi người. Tiếp đến là hai trưởng lão của hội truyền giáo – mặc dù cả hai chỉ mới ở tầm tuổi ba mươi – hình như là những người chịu trách nhiệm chính trong việc tiếp đón khách khứa ở nơi này. Một trong hai người mặc chiếc bu-dông có in hình một người đàn ông khoác áo choàng dài cùng một đoàn thầy tế đứng in bóng xuống mặt đất, đối diện với vầng mặt trời lớn đang lặn. “Moroni (Theo kinh thánh Mormon, Mormoni là nhà tiên tri Nephit cuối cùng, từng sống ở Bắc Mỹ vào cuối thế kỷ IV, đầu thế kỷ V), 421 BC”, dòng chữ viết in đậm bằng phông Papyrus, “Con người thánh thiện cuối cùng”. Họ hỏi thăm chúng tôi có được bình an không và “đồng bào” chúng tôi có được bình an không. Tôi những muốn trả lời rằng đồng bào tôi không được bình an trăm năm nay rồi. Cả hai cùng xiết tay tôi muốn gãy. Vào những lúc như thế này, tôi lấy làm mừng là mình thuận tay trái. Cuối cùng, chúng tôi được giới thiệu với hai viên đặc vụ to cao lực lưỡng đến từ Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ.
Hay đây, tôi nghĩ, ta đi nào, lại quay về cũi thôi. Tôi đã nhắc đến vụ tôi đi tù tám ngày ở Guatemala hồi năm 2001 chưa nhỉ? Song thật lạ, tất cả những gì hai gã to cao làm chỉ là bỏ thêm có tí thời gian để kiểm tra chắc chắn xem chúng tôi là ai. Một gã liếc qua hộ chiếu, dùng điện thoại chụp ảnh chúng tôi và chờ hồi âm của mấy ông sếp quỷ quái ngồi trong một hầm mộ bí mật nào đó dưới hầm Lầu Năm Góc. Họ hỏi chúng tôi có định rời khu công trường không và chúng tôi trả lời không. Họ hỏi chúng tôi có thể đăng ký lưu trú bằng điện thoại vào buổi trưa hay không. Chúng tôi trả lời dĩ nhiên. Cứ y như làm cam kết tạm tha vậy. Họ lên một lịch hẹn với Marena vào sáng hôm sau. Tôi chỉ đứng đó với bộ dạng thường làm khi muốn giả vờ không hiểu tiếng Anh. Họ nhìn tôi như nhìn một thằng hề. Nhưng mọi người đều nhìn tôi như thế cả. Họ không nói vì sao lại phải để mắt đến chúng tôi, nhưng hiển nhiên chúng tôi là Đối Tượng Cần Quan Tâm trong vụ tấn công ở Disney World.
– Nào, để tôi đưa các vị đi xem quanh đây, – vị trưởng lão bề trên, người không mặc áo bu-dông, nói. Anh ta đưa cho Marrena một chiếc phù hiệu cảm ứng và giúp cô ta kẹp nó vào áo khoác. Trong một giây, tôi thấy cảnh này giống như anh ta đang tặng một đóa hoa gài áo trước khi bắt đầu buổi khiêu vũ. Anh ta cũng đưa tôi một chiếc và để mặc tôi tự làm lấy. Nó có một chấm hình xoáy ốc màu xanh lục sáng và một cái kẹp như hàm cá sấu. Và thật khó hiểu, trên đó đã có hình của tôi, chính là ảnh đăng trên trang web của tạp chí Strategy mà tôi đã bắt gỡ xuống từ vài năm trước. Tiếp theo, anh ta đưa cho mỗi người một chiếc thẻ điện thoại.
– Để sử dụng mạng internet ở đây cũng cần có mật khẩu, – anh ta nói, – các vị có thể dùng điện thoại hoặc bất cứ thiết bị tra cứu cầm tay nào để tìm vị trí của chính mình trên bản đồ, liên lạc với người của Stake, vào xem lịch trình các hoạt động của Stake, thời gian biểu của Thứ Sáu Kỳ Quặc, giờ ăn và các thông tin hữu ích khác.
– Cảm ơn anh, – Marrena đáp.
– Tuy nhiên, – anh ta nói tiếp, – nếu tháo phù hiệu ra, đầu các vị sẽ nổ tung đấy. – Xin lỗi, tôi nói đùa thôi. Thực ra anh ta không nói câu đó. Anh ta chỉ thêm mỗi một câu: – Không có gì.
Họ dẫn chúng tôi đi về phía đông, ngược hướng đến khu liên hợp thể thao. Hai viên đặc vụ quay về, họ đi trước chúng tôi với dáng điệu nặng nề và toát ra vẻ hãnh diện được làm một con rô-bốt. Mỗi bước đi, gót giày tôi lại lún vài mi-li-mét xuống lớp nhựa đượng khỏe giữ nhiệt. Grgur ngỏ ý xách hộ tôi cái ba lô, nhưng tôi nói phải dùng nó để che cái bướu trên lưng, vì thế hắn xách hai cái túi nhỏ của Marrena và rảo bước trước chúng tôi chừng năm mười bước chân. Chúng tôi đi theo hắn qua một khu nhà tôn hình bán nguyệt và nhà chứa máy bay tiền chế. Những con nhậy gần như vô hình bay sượt qua tai chúng tôi trên đường lao vào thiêu thân dưới ánh đèn điện.
– Này, Jed? – Marrena gọi tôi.
– Ừ?
– Anh có biết vì sao cái lũ lừa kia lại có những cái chấm màu hồng khắp chân không?
– Ừ, biết.
– Tại sao vậy?
– À, cô cũng thấy chúng gầy đến mức nào, phải không?
– Phải.
– Chuyện là lũ dơi mặt quỷ thường tấn công vào mắt cá chân, khuỷu chân sau, cẳng chân và những vị trí tương tự vậy, – tôi đáp. – Và chúng có xu hướng tấn công cùng một nạn nhân từ đêm này sang đêm khác. Vì vậy, chủ của lũ lừa liền sơn những vệt hồng ấy lên chân chúng, và trong sơn đó có chất chống đông tụ. Và thường thì chỉ cũ lũ dơi thực sự đi săn. Vậy là dơi bố uống thứ máu có lẫn cái chất nhờn nhờn kia rồi quay về với vợ con. Lũ dơi cái và dơi con treo mình chúc đầu xuống đất thành một chùm như những chùm nho ấy. Cô biết chứ?
– Ừ.
– Còn dơi đực thì đậu trên đỉnh của cái chùm ấy để nhả máu cho chúng và tất cả cùng uống. Những con dơi con rất yếu, chúng sẽ bị xuất huyết vì thuốc chống đông và chết.
– Anh biết không, không phải tôi tiếc vì đã hỏi, – Marrena nói, – mà tôi tiếc vì đã sinh ra trên đời này để biết điều đó.
– Tôi xin lỗi.
Khu công trình chính có hai lượt hàng rào cao tám feet bao quanh, khoảng trống giữa hai lượt rào rộng hai mươi feet, giữa hai cổng có một đường hành lang nhỏ để chúng tôi khỏi phải đối phó với chó canh gác ở những chỗ không có người bảo vệ. Một vài con tiến lại gần và nhìn chúng tôi bằng cặp mắt dữ tợn. Đó là những con chó chăn cừu to lớn, trông dị hợm đi với chiếc camera gắn trên đầu và bộ nanh vàng khè. Sang đến phía bên kia hàng rào, chúng tôi bước vào một cái sân lớn vuông vắn, xây dựng theo lối quân sự với những khu nhà tiền chế một tầng rất rộng, có đèn pha đặt ở mỗi góc mái nhà tráng kẽm, lợp hơi phẳng. Kẻ nào đó, với sự nhìn xa trông rộng, đã cho chặt hạ một cây tuyết tùng Tây Ban Nha trăm năm tuổi, tỉa tót thành một cây cột trụ trơn nhẵn, cắm nó xuống một cái hố đổ đầy bê tông gần cột cờ ở chính giữa khu đất và liền phủ lên nó một tấm mạng gồm khoảng mười ngàn bóng đèn xanh đỏ nhấp nháy. Đó là thứ trang nhã nhất ở chỗ này. Một cặp thầy tu truyền giáo dắt xe đạp đi bộ tới. Đạo Thiên Chúa, – tôi nghĩ bụng, – các người đã nhổ sạch tận gốc những tôn giáo tốt đẹp hơn trong suốt hai nghìn năm qua. Phía trước chúng tôi, ở góc sân xa hơn, vị Râu xồm bề trên đến trước khu nhà dành cho chúng tôi và loay hoay mãi không mở được cửa. Grgur đặt mấy cái túi xuống và bắt đầu cho anh chàng kia lời khuyên về việc làm thế nào để lách hoặc cắm phập được cái chìa khóa qua ổ.
– Này, cô nhìn này, – tôi bảo Marrena. Tôi nhấn cái nút ghi chữ Mở Rộng trên con rô-bốt bắn la-ze của Max và hướng nó lên chỗ xà nhà cạnh cây đèn pha gần nhất. Nó rọi một vệt sáng rộng màu tím xanh lên những đám côn trùng và vài đám gì đó lớn đang đu đưa.
– Dơi đấy, – tôi nói, – ý tôi là loài ăn sâu bọ, không phải…
Marena cau mày.
– Nếu muốn giật mình tỉnh dậy đêm nay, tôi sẽ tự xem C-SPAN.
– Xin lỗi, – tôi thu hẹp tia sáng xuống thành một chấm nhỏ, hướng nó xuống bức tường trước mặt và kéo nó vào giữa cánh cửa vẫn đang đóng chặt, ngang qua tầm mắt của Grgur. Tôi thoáng nhìn thấy hắn đang cúi xuống và lẩn rất nhanh đi, có cảm giác như hắn bỗng dưng bốc hơi mất sau góc xa của tòa nhà.
Mẹ kiếp, – tôi nghĩ, – phản xạ của hắn nhanh thật đấy. Được huấn luyện đặc biệt chăng? Tôi vờ như không nhận thấy gì, tiếp tục nghịch con rô-bốt, dùng nó vẽ một vòng tròn trên mặt đất. Hắn đã quay trở lại, thở hơi nặng nề một chút còn bàn tay phải giấu sau lưng. Hắn xốc quần – dưới tầm nhìn thẳng của chúng tôi – trong lúc gài lại súng vào bao.
– Anh ổn chứ? – Marena hỏi.
– Vâng, – hắn đáp líu ríu. Tôi giả vờ ngớ ngẩn, nhìn sang Marena và tránh ánh mắt của Grgur, nhưng dĩ nhiên hắn biết, và tôi biết là hắn biết, và hắn cũng biết là tôi biết. Giỏi đấy, Jed. Bây giờ thì hắn đã thù mày rồi. Thông minh quá đấy.
Cánh cửa mở ra, chúng tôi bước vào giữa những bức tường thạch cao khô và bầu không khí đã được lọc với các hạt làm mát. Chúng tôi đi qua một trạm khóa hệ thống an toàn có dòng chữ “NGUY HIỂM/ KHÔNG ĐƯỢC PHÉP, MIỄN VÀO”, rồi đi dọc tiếp một hành lang dưới ánh đèn huỳnh quang lúc mờ lúc tỏ, trên mặt thảm đầy vết bùn đỏ quạch.
– …không, cảm ơn, – Marena nói với Asley 1, – thứ tôi thực sự cần là năm phút gặp mặt với Taro.
– Có lẽ ông ta hơi mệt, khó lòng nói chuyện ngay được, – Vị trưởng lão bề dưới tiếp lời – nhưng ông ta rất mừng vì chị đã đến đây.
– Và SSC vẫn đang hoạt động. Chúng tôi dành cho chị căn phòng như mọi khi.
Marena đáp vâng, cảm ơn. Ai đó đưa tôi một chiếc thẻ chìa khóa và dẫn tôi về xà lim. Xin lỗi. Về phòng. Marena nói vài phút nữa cô ta sẽ gọi cho tôi. Họ đóng cửa lại, chấm dứt câu chuyện. Căn phòng được sắp đặt như một phòng khách sạn sắp-sửa-thành-hạng-sang, với một cành lan hài cắm trong lọ thủy tinh và một tờ giấy bìa gấp lại, cho tôi biết rằng những dịch vụ tiếp đón này được điều hành bởi Tập đoàn Khách sạn Quốc tế Marriott, rằng tiệm cà phê Finn vẫn chưa khai trương nhưng bữa sáng được phục vụ ở Food Court từ bảy đến mười giờ, rằng toàn bộ khu vực này cấm hút thuốc lá, và rằng có một y tá và một chuyên gia tư vấn tâm lý túc trực hai tư trên hai tư. Và cuối cùng tờ giấy chi câu hỏi rằng tôi có muốn được báo thức bằng một thông điệp đầy cảm hứng, thay vì những cú điện thoại thông thường. Ồ, không, cảm ơn, – tôi nghĩ bụng, – tôi thà bị đánh thức bởi André Khổng Lồ té một xô nước tấy rửa lạnh cóng lên mặt còn hơn. Tôi đi ngó quanh một vòng như người ta vẫn thường làm khi nhận phòng khách sạn. Có một phòng tắm với vô số tiện nghi ra vẻ sang trọng, nhưng, dĩ nhiên, không có bao cao su. Trong một ngăn kéo có đặt cuốn kinh thánh Mormon thông dụng. Một tập sách hướng dẫn du lịch bày xòe hình quạt trên mặt bàn gương, cuốn trên cùng có dòng chữ: “Thám hiểm Guatemala” và bức hình một cô gái trẻ người Maya trong bộ trang phục dân tộc duyên dáng, với nét cười hóm hỉnh, đứng trước tấm bia thứ mười sáu của khu phế tích Tikal, “Bạn có thể chọn đến với Maya qua đá… hoặc qua con người”, cuốn sách viết, “Hãy ghé thăm Guatemala, Vùng đất Bí ẩn”. Hay đấy, – tôi nghĩ, – bạn có thể tiêu diệt người Maya bằng đá… hoặc trong tù. Hãy ghé thăm Guatemala, Vùng đất của Bất hạnh, Dominio de Desesperanza (Cánh cửa mở ra sự tuyệt vọng – Tiếng Tây Ban Nha).
Tôi ngồi xuống giường, kết nối điện thoại với mạng internet và tìm thấy bản đồ định vị cá nhân. Tôi đánh vào chữ MARENA PARK, một chấm xanh lơ hiện lên cách chấm đỏ – tức là tôi – không xa. Tôi xem gần hơn. Có vẻ như ở ngay ngoài sảnh. Tôi rời phòng và đi theo cái chấm màu xanh. Có tiếng TV vọng ra từ một phòng ăn sáng sủa nhưng trống trải. Tôi bước vào. Có mùi văn phòng, nghĩa là có mùi rất giống nước hoa Comme des Garçons Odeur 53 nhưng không quyến rũ. Cộng thêm mùi cà phê phảng phất xa xa. Trên điện thoại của tôi, chấm xanh thực ra lại ở ngay trên đầu chấm đỏ. Hừ. Chính giữa phòng có một dãy máy bay bán hàng cao cấp. Tôi tiến lại gần một cái, ấn bừa chiếc thẻ ghi nợ qua khe máy – à, vậy ra hệ thống tiền tệ vẫn hoạt động, tôi nghĩ và lấy hai gói kẹo hạt đậu Jelly Bellies.
– …thương vong của các phóng viên theo dõi sự kiện này, – tiếng TV vọng ra. Tôi đi vòng qua dãy máy bán hàng. Phía bên kia, Marena, Taro cùng vài người nữa đang ngồi hoặc lừng khừng đi quanh ba cạnh của chiếc bàn rộng hình ô-van, mắt theo dõi một màn hình TV lớn đặt trên giá. Mặt bàn foóc-mi-ca trắng tung tóe những gói đồ ăn nhanh, mấy tách đồ uống và một thiết bị liên lạc cá nhân thuộc loại hiện đại nhất.
– Marena vẫy tay ra ý: xin chào, anh lại đây đi.
Tôi tiến lại.
– Brent Warshowsky sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin nữa, – tiếng TV tiếp tục, – Brent?
– Cảm ơn anh, Alexander, – Brent đáp, – Các phóng viên trong cơn khủng khoảng: Họ quá đồng cảm với các nạn nhân chăng?
Tôi đi qua Taro và lặng lẽ chào ông ta. Ông ta nắm lấy tay tôi một lúc, chắc hẳn rất mừng khi gặp tôi.
Ngồi xuống bên trái tôi đây này, Marena chỉ tay. Tôi ngồi xuống.
– Tôi đang trò chuyện với Anne-Marie García-McCarthy đến từ đài MSVN ở Miami, – Brent nói tiếp. Dòng chữ chạy bên dưới màn hình ghi: NHIỆM VỤ ĐẶC BIỆT: CÁC PHÓNG VIÊN ĐỐI MẶT THẾ NÀO VỚI THẢM HỌA. – Hôm nay, Anne đã thực hiện cuộc phỏng vấn đầy xúc động với một người đàn ông phát quẫn trí tại khu Overtown… ông ta vừa mất vợ trong một thảm kịch”
– Ông thế nào rồi, thưa ông? – Anne-Marie hỏi. Người đàn ông nói gì nó nhưng vì ông ta đang nức nở không nghe được ông ta nói gì.
– Thế nhà ông ở đâu? – cô ta hỏi tiếp.
– Mất rồi, vợ tôi và tôi đang… và chúng tôi đang cố thoát ra…và…và…lửa bốc lên…
– Vậy bây giờ ai đang ở đây cùng ông?
– Chẳng ai cả.
– Thế vợ ông đâu?
– Chẳng ai ở đó cả?
– Nhưng vợ ông ở đâu?
– Chẳng ai ở đó cả?
– Bà ấy không ở đây. Bà ấy đi rồi.
– Ông không tìm thấy bà ấy ư?
– Tôi…tôi…đã cố, tôi đã cố túm lấy tay bà ấy, và bà ấy bốc cháy…nóng lắm…ở trong ấy…tôi không giữ được bà ấy. Bà ấy nói thôi, anh hãy chăm sóc các con. Và các cháu…
– Vâng, vậy xin ông cho biết tên bà ấy, để chúng tôi có thể thông báo cho mọi người.
– Chẳng ích gì. Bà ấy đi rồi.
– Tên bà ấy là gì?
– Lakersha.
– Và tên ông.
– JC Calhoun.
– Vâng, để phòng khi các nhân viên cứu hộ tìm thấy người nào đó tên là Lakerisha Calhoun…
– Không ích gì đâu, bà ấy đi rồi. Bà ấy cháy rụi rồi. Bà ấy là…bà ấy cháy rụi rồi…
– Các phóng viên đang phải đối mặt với tình huống khó khăn và nhạy cảm, – tiếng Brent, – Anne-Marie, cảm ơn chị đã nhận lời tham gia cùng chúng tôi. Khi đương đầu với những tình huống như thế này…ngay bây giờ và ở đây, chúng tôi đang dõi theo chị, Anne-Marie, trên tuyến đầu…
– Tắt giúp tôi cái tiếng ấy đi được không? – Marena yêu cầu. Ai đó liền tắt tiếng. – Cảm ơn.
Chúng tôi nhìn nhau trong không khí im lặng hoàn toàn.
– Xin lỗi đã làm gián đoạn công việc của mọi người, – tôi lên tiếng, – tôi chỉ muốn ra đây xem có kẹo dẻo hay không thôi.
– Không sao, anh cứ ở lại, – Marena nói, – dù sao tin tức cũng chẳng có gì mới.
– Được.
– Anh biết Laurence Boyle rồi, đúng không?
Anh ta chào tôi. Đó chính là vị trưởng lão đón chúng tôi ở đường băng. Chắc Marena đã giới thiệu tôi với anh ta và thế nào đấy tôi lại lơ đễnh không để ý, tôi lúc nào cũng vậy.
– Laurence là phó giám đốc trung tâm nghiên cứu và phát triển của Warren Research, – Marena nói tiếp. – Còn Taro và Tony thì anh biết rồi.
Chúng tôi nói xin chào và thật may vì tất cả đều không sao. Taro nom có vẻ mệt mỏi. Còn Sic thì lại phây phây một cách phi lý.
Còn đây là Michael Weiner, – cô ta chỉ sang một núi thịt bên tay trái mình.
– Rất vui được gặp anh, – ông ta chào với cái giọng trầm trầm, đặc New Zealand, được huấn luyện để diễn thuyết trước công chúng của mình. Tôi nghe nói khi lên hình người ta thường trông béo ra khoảng hai mươi pound, nhưng trong trường hợp của người này thì khi lên hình ông ta trông phải gầy hơn phải đến một trăm pound. Thật là một gã khổng lồ. Ông ta nom y hệt Andrew Weil, cái người nổi tiếng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ấy. Cũng một bộ râu quai nón đồ sộ như thế, cũng một cái sọ to đùng bóng loáng như thế, khiến cái đầu nhìn không khác gì bị lộn phộc. Ừ, chí ít thì nhìn ông ta cũng có nét đặc sắc, tôi nghĩ. Ông ta vươn chi trước qua mặt Marena và bóp nghiến lấy bàn tay phúc tổ mà chẳng mấy quan trọng của tôi.
– Được rồi, – Marena nói, – Ông đang nói đến đâu nhỉ, ông Taro?
Taro thường ngừng một lát trước khi nói, và lần này cũng vậy. Nhưng thay vì chờ đợi, Michael Weiner nhảy vào cướp lời.
– Ngày tận thế sắp tới, – ông ta nói. – Hiệu ứng cánh nỏ.