Đọc truyện Mật Mã Da Vinci – Chương 38
Nằm trên chiếc đivăng bên cạnh Langdon, Sophie uống tách trà và ăn bánh nướng, cảm thấy tác động dễ chịu của chất cafein và đồ ăn. Ngài Leigh Teabing tươi rói trong khi vụng về dạo bước phía trước lò sưởi để ngỏ, những chiếc nẹp chân lách cách trên nền đá.
“Chén Thánh”, Teabing nói, giọng giảng giải, “hầu hết mọi người chỉ hỏi tôi là hiện nó ở đâu. Tôi e rằng đó chính là câu hỏi tôi sẽ không bao giờ trả lời được”. Ông quay lại nhìn thẳng vào mặt Sophie. “Tuy nhiên… câu hỏi thích đáng nhất chính là: Chén Thánh là gì?”.
Sophie cảm thấy một vẻ rào đón mang tính học thuật ở cả hai người bạn nam của mình.
“Để có thể hiểu một cách đầy đủ về Chén Thánh”, Teabing tiếp tục trước tiên chúng ta cần phải hiểu Kinh thánh đã. Cô hiểu như thế nào về Tân ước?”.
Sophie nhún vai: “Thực sự, tôi chẳng hiểu gì cả. Người nuôi dạy tôi nên người lại rất sùng kính Leonardo Da Vinci”.
Teabing có vẻ vừa sửng sốt vừa hài lòng: “Một tâm hồn sáng láng. Tuyệt! Thế thì chắc chắn cô phải biết rất rõ Leonardo là một trong số những người nắm giữ bí mật về Chén Thánh. Và ông ta còn cất giấu những đầu mối về bí mật đó trong nghệ thuật của mình”.
“Vâng, Robert đã nói cho tôi như vậy”.
“Thế những quan điểm của Da Vinci về Tân ước thì sao?”.
“Tôi không biết”.
Mắt Teabing trở nên vui thích khi ông khoát tay về phía giá sách ở đầu kia phòng: “Robert này, phiền anh được không? Ở ngăn dưới cùng ấy. Cuốn La stora di Leonardo” (Truyện về Leonardo.
Langdon băng ngang qua căn phòng, ông tìm thấy một cuốn sách khổ lớn về nghệ thuật, đem nó lại, đặt lên mặt bàn giữa hai người. Xoay cuốn sách về phía Sophie, Teabing lật mở tấm bìa dày và chỉ vào một loạt những lời trích dẫn bên trong bìa sau. “Trích từ sổ tay của Da Vinci về luận chiến và suy biện”, Teabing vừa nói vừa chỉ tay vào một đoạn trích cụ thể. “Tôi nghĩ cô sẽ thấy đoạn trích này phù hợp với cuộc thảo luận của chúng ta”.
Sophie đọc những dòng chữ đó lên.
Nhiều người đã buôn bán những ảo tưởng và những phép màu giả mạo, lừa gạt đám đông ngu ngốc.
LEONARDO DA VINCI.
“Đây là một đoạn khác”, Teabing vừa nói vừa chỉ tay một đoạn trích khác.
Sự ngu dốt mù loà đưa chúng ta lầm đường lạc lối.
Hỡi lũ người trần tục khôn khổ, hãy mở mắt ra!
LEONARDO DA VINCI.
Sophie cảm thấy hơi ớn lạnh: “Da Vinci nói về Kinh Thánh đấy ư?”.
Teabing gật đầu: “Những cảm giác của Leonardo về Kinh Thánh liên quan trực tiếp tới Chén Thánh. Thực tế, Da Vinci đã vẽ chiếc Chén Thánh đích thực, mà lát nữa tôi sẽ chỉ cho cô xem, nhưng chúng ta phải nói về Kinh Thánh trước đã”. Teabing mỉm cười: “Và tất cả những gì cô cần biết về Kinh Thánh đã được tổng kết bởi vị Tiến sĩ, Giáo sĩ vĩ đại Martyn Percy”. Teabing hắng giọng và tuyên bố. “Kinh Thánh không đến từ thiên đàng bằng đường fax đâu”.
“Xin lỗi tôi không hiểu?”.
“Bạn thân mến, Kinh Thánh là một sản phẩm của con người. Chứ không phải là của Chúa. Kinh Thánh không phải rơi xuống từ những đám mây bằng phép mầu. Con người đã sáng tạo ra Kinh Thánh như một hồ sơ lịch sử ghi lại những thời đại loạn lạc và nó đã triển hóa qua vô số những bản dịch, bổ sung, và sửa chữa. Lịch sử chưa bao giờ có một bản chính dứt khoát của cuốn sách này!”.
“Tôi hiểu rồi”.
Chúa Jesus Christ là một nhân vật lịch sử có ảnh hưởng chấn động, có lẽ là người lãnh đạo bí hiểm nhất và đem lại nhiều nguồn cảm hứng nhất mà thế giới từng thấy. Với tư cách là vị Chúa Cứu Thế được báo trước, Jesus lật đổ các vị vua, khơi gợi cảm hứng cho hàng triệu người và đã sáng lập ra nhiều nền triết học. Với tư cách là người kế tục dòng dõi của các vị vua Salomon và David, Jesus có quyền chính đáng đòi ngôi Quân vương của người Do Thái. Thật dễ hiểu là cuộc đời của Người được hàng nghìn tín đồ trên khắp các vùng đất ghi chép lại”. Teabing dừng lại một chút để nhấm nháp tách trà rồi đặt nó trở lại trên mặt lò sưởi. “Có hơn tám mươi bản phúc âm được xem xét để soạn Tân ước, nhưng chỉ có một số tương đối ít được chọn để đưa vào – Matthew, Mark, Luke, và John”.
“Ai là người lựa chọn những bản phúc âm đó để đưa vào Tân ước?” Sophie hỏi.
“Aha!”. Teabing bốc lên. “Điều mỉa mai cơ bản của Thiên Chúa giáo! Cuốn Kinh thánh mà chúng ta biết ngày nay được tập hợp và chỉnh lý bởi Constantine Đại đế – một hoàng đế La Mã ngoại đạo”.
“Tôi tưởng Constantine là một tín đồ Thiên Chúa giáo”, Sophie nói.
“Đâu có”, Teabing chế giễu, “Ông ta cả đời là một kẻ ngoại đạo mãi đến khi nằm trên giường lâm chung, quá yếu không thể phản đối được, mới chịu lễ rửa tội. Dưới thời Constantine, quốc giáo của La Mã thờ thần Mặt trời – thờ Sol Invictus tức là Mặt trời không gì thắng nổi – và Constantine chính là tu sĩ đứng đầu quốc giáo đó. Rủi cho ông ta, một cuộc náo loạn tôn giáo ngày càng dữ dội đã tràn ngập La Mã. Ba thế kỉ sau khi Chúa Jesus Christ bị đóng đinh câu rút, số tín đồ của Người đã tăng bội lên theo cấp luỹ thừa. Những tín đồ Thiên Chúa giáo và những người ngoại đạo bắt đầu gây chiến với nhau, và cuộc xung đột phát triển đến mức đe doạ chia cắt La Mã làm hai. Constantine quyết định phải làm một điều gì đó. Vào năm 325 sau Thiên Chúa Giáng Sinh, ông ta quyết tâm thống nhất La Mã dưới hình thức một tôn giáo duy nhất. Đó chính là Thiên chúa giáo”.
Sophie ngạc nhiên: “Tại sao một hoàng đế ngoại đạo lại lựa chọn đạo Thiên chúa làm quốc giáo?”.
Teabing cười khúc khích: “Constantine là một nhà kinh doanh rất giỏi. Ông ta thấy rõ Thiên chúa giáo ở xu thế đang lên, và đơn giản là ông ta ủng hộ con ngựa thắng cuộc. Các sử gia lấy làm thán phục sự xuất sắc của Constantine trong việc cải đạo cho những người thờ thần Mặt Trời thành những tín đồ Thiên chúa giáo. Bằng việc phối quyện những biểu tượng, ngày tháng, nghi lễ ngoại đạo vào truyền thống Thiên chúa giáo đang ngày càng phát triển, ông đã tạo ra một thứ tôn giáo lai tạo có thể chấp nhận được với cả hai phía”.
“Thần thông biến hóa”, Langdon nói. “Những dấu tích của dị giáo trong những biểu tượng của Thiên chúa giáo là không thể chối cãi được. Đĩa mặt trời Ai Cập thành hào quang quanh đầu các thánh Thiên Chúa giáo. Những hình diễn đạt nữ thần Isis cho Horus bú, đứa con trai được thụ thai một cách kì diệu, đã trở thành mẫu phác thảo cho các hình vẽ hiện đại thể hiện Đức Mẹ Đồng Trinh Mary cho Chúa Hài Đồng Jesus bú. Và gần như mọi yếu tố trong các nghi lễ của Ki tô giáo như mũ tế, bàn thờ thánh, thánh ca, lễ ban thánh thể cũng như nghi thức rước mình Thánh Chúa đều được lấy thẳng từ những nghi lễ bí nhiệm dị giáo có từ trước đó”.
Teabing rên rỉ: “Đừng có để một nhà ký tượng học bắt đầu giảng những bức tượng thánh Thiên chúa giáo. Chẳng có gì trong Thiên chúa giáo là chính gốc. Mithras – mà người ta vẫn quen gọi là Con trai của Thượng đế và Anh sáng của thế giới – là một vị thần tiền – Thiên chúa giáo chào đời vào ngày 25 tháng 12, và khi chết được chôn trong một ngôi mộ bằng đá, rồi tái sinh sau đó ba ngày. Tiện đây xin nói ngày 25 tháng 12 cũng được coi là ngày sinh của Orisis, Adonis và Dionysus. Thần Krishna lúc mới sinh ra đã được dâng tặng vàng, trầm hương và cả nhựa trầm hương. Thậm chí ngày thánh hàng tuần của Cơ đốc giáo cũng là thứ đánh cắp từ những người ngoại đạo”.
“Ý ông muốn nói gì?”.
“Thoạt kỳ thuỷ”. Teabing nói, “Thiên chúa gỉáo tôn vinh ngày hành lễ thứ Bảy Sabbath của người Do Thái, nhưng Constantine đã chuyển ngày lễ đó cho trùng với ngày lễ thần Mặt Trời của người ngoại đạo”. Ông dừng lạí và cười. “Cho đến tận bây giờ, những con chiên đi lễ chầu sáng Chủ nhật vẫn không mảy may biết rằng họ ở đó để dự tế thần Mặt Trời hàng tuần của người ngoại đạo – Chủ nhật có nghĩa là ngày của mặt trời mà”.
Sophie cảm thấy đầu óc quay cuồng: “Và tất cả những điều này đều liên quan đến Chén Thánh?.
“Quả vậy”, Teabing nói, “hãy tiếp tục cùng tôi. Trong thời kì hợp nhất tôn giáo ấy, Constantine cẫn tăng cường truyền thống mới trong Thiên chúa giáo và triệu tập một cuộc họp toàn giáo hội nổi tiếng gọi là Hội đồng Nicaea”.
Sophie có nghe nói đến Hội đồng Nicaea nhưng chỉ biết đó là nơi ra đời của Kinh tin kính Nicene.
“Tại cuộc họp này”, Teabing nói, “nhiều khía cạnh của Thiên chúa giáo đã được mang ra tranh cãi và biểu quyết như lễ Phục sinh vai trò của các giám mục, việc quản lí các nghi lễ và tất nhiên, cũng bao gồm cả tính thiên giới của Jesus”.
“Tôi không hiểu. Tính thiên giới của Jesus nghĩa là sao?”.
“Bạn thân mến ơi”, Teabing tuyên bố, “cho đến thời điểm đó trong lịch sử, các tín đồ của Jesus vẫn chỉ coi Người như một nhà tiên tri trần tục… nghĩa là một con người vĩ đại và đầy uy lực nhưng dù sao mặc lòng vẫn là một con người. Một kẻ trần tục”.
“Không phải là Con trai của Chúa trời sao?”.
“Đúng vậy”, Teabing nhận xét, “việc cố tình công nhận Jesus là Con trai của Chúa trời được đề xuất chính thức và biểu quyết bởi Hội đồng Nicaea”.
“Hượm đã. Ông nói tính thiên giới của Jesus là kết quả của một cuộc bỏ phiếu biểu quyết?”.
“Mà lại là một cuộc biểu quyết tương đối hẹp nữa chứ”, Teabing bổ sung, “Dù sao đi nữa, việc khẳng định tính thiên giới của Christ có tính quyết định đối với việc thống nhất đế chế La Mã và cơ sở quyền lực mới của Vatican. Bằng việc chính thức xác nhận Jesus là Con trai của Chúa Trời, Constantine đã biến Jesus thành một vị thần tồn tại ngoài phạm vi thế giới loài người, một thực thể với quyền uy vượt qua mọi thách thức. Điều này không chỉ ngăn chặn những thách thức mới đối với Thiên Chúa giáo từ phía những người ngoại đại, mà giờ đây những tín đồ của Christ còn có thể tự cứu chuộc mình thông qua con đường linh thiêng duy nhất đã được chế định – nhà thờ Thiên Chúa giáo La Mã”.
Sophie liếc nhìn Langdon, ông nhẹ nhàng gật đầu khẳng định.
“Tất cả đều có liên quan đến quyền lực”, Teabing tiếp tục, “Christ, với tư cách là Chúa Cứu thế, có tầm quan trọng quyết định đối với sự vận hành của nhà thờ cũng như của nhà nước. Nhiều học giả tuyên bố rằng Nhà thờ sơ khởi đã đánh cắp Jesus theo nghĩa đen từ những tín đồ ban đầu của ông, cưỡng doạt thông điệp nhân văn của ông, trùm lên thông điệp đó một tấm màn dày đặc là tính thiên giới và sử dụng nó để mở rộng quyền lực của riêng họ. Tôi đã viết một vài cuốn sách về đề tài này”.
“Tôi đồ rằng hắn các tín đồ Thiên chúa giáo mộ đạo ngày nào cũng gửi cho ông những bức thư hằn học?”.
“Tại sao họ phải làm thế?”. Teabing phản bác. “Đại đa số những tín đồ Thiên chúa có học vấn đều biết lịch sử tín ngưỡng của mình. Quả thực, Jesus là một con người vĩ đại và giàu sức mạnh. Những thủ đoạn chính trị lừa lọc của Constantine không làm giảm sút sự vĩ đại của Jesus. Không ai nói rằng Christ là một vụ gian trá hay chối cãi rằng ông đã đi khắp thế gian và gieo vào lòng hàng triệu người khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng tôi chỉ nói Constantine đã lợi dụng tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn lao của Christ. Làm như vậy, ông ta đã tạo ra diện mạo của Thiên chúa giáo như chúng ta biết ngày nay”.
Sophie liếc nhìn cuốn sách nghệ thuật nằm trước mặt cô, háo hức muốn giở tiếp để xem bức hoạ của Da Vinci về Chén Thánh.
“Sự xoay chuyển là thế này”, Teabing lúc này nói nhanh hơn, “bởi vì Constantine nâng vị thế của Jesus sau khi Jesus qua đời gần bốn thế kỉ, nên đã có hàng ngàn tài liệu ghi chép lại cuộc đời của Jesus như là một con người trần tục. Để chỉnh biên lại những cuốn sách lịch sử này, Constantine biết mình cần làm một cú táo bạo. Do vậy, đã nẩy sinh thời điểm sâu sắc nhất trong lịch sử Thiên chúa giáo”. Teabing dừng lại và nhìn Sophỉe. “Constantine đã tài trợ và đặt người viết một cuốn Kinh Thánh mới, trong đó tước bỏ những bản phúc âm mô tả những nét con người trần thế của Christ và tô điểm những bản thể hiện Christ như một vị thần. Những sách phúc âm trước đó bị coi là bất hợp pháp, phải thu gom lại và đốt sạch”.
“Một lưu ý thú vị”, Langdon bổ sung, “bất kì ai chọn những bản phúc âm bị cấm thay vì bản của Constantine đều bị coi là dị giáo. Từ dị giáo phát sinh từ thời điểm lịch sử này. Trong tiếng Latinh từ haereticus có nghĩa là “sự lựa chọn”. Những ai lựa chọn, lịch sử khởi nguyên của Christ đều là những kẻ dị giáo đầu tiên của thế giới”.
“Cũng may cho các sử gia”, Teabing nói, “một vài trong số những phúc âm mà Constantine cố gắng thủ tiêu vẫn còn sót.
Vào những năm 1950, người ta đã tìm thấy những bản ghi chép về vùng Biển Chết cuộn trong ống được giấu trong một cái hang gần Qumran trong sa mạc Judean. Và tất nhiên, phải kể đến những ống giấy Coptic mà người ta đã tìm thấy vào năm 1945 tại Nag Hammadi. Thêm vào việc kể câu chuyện thật về Chén Thánh, những văn bản này đều nói đến chức năng dẫn dắt của Christ bằng những lời lẽ rất người. Tất nhiên, phù hợp với truyền thống bóp méo thông tin của mình, Vatican đã ra sức dẹp việc lưu hành những ống giấy này. Tại sao lại không cơ chứ? Những ống giấy đó đã phanh phui sự bịa đặt và những sai trật rành rành về lịch sử, khẳng định rõ ràng rằng cuốn Kinh thánh ngày nay được soạn thảo và biên tập bởi những người có sẵn một đề cương chính trị: đề cao tính thiên giới của con người trần Jesus Christ và lợi dụng ảnh hưởng của Người để củng cố cơ sở quyền lực của chính họ.
“Tuy nhiên”, Langdon phản đối, “cần phải nhớ rằng mong muốn của Nhà Thờ hiện đại – xóa bỏ những tài liệu ấy – xuất phát từ một niềm tin chân thành vào quan điểm đã chế định về Christ. Vatican bao gồm những người mộ đạo sâu sắc thực sự tin rằng những tài liệu đối lập kia chỉ là những chứng cứ giả mạo mà thôi”.
Teabing cười tủm khi ông ngồi vào chiếc ghế đối diện với Sophie: “Như cô thấy đấy, vị giáo sư của chúng ta thông cảm với Roma hơn tôi nhiều. Tuy nhiên, ông ấy đúng khi nói giới tu sĩ hiện đại tin rằng những tài liệu chống đối kia là chứng cứ giả mạo. Điều đó hoàn toàn có thể hiểu được. Cuốn Kinh thánh của Constantine đã là chân lý của họ suốt nhiều thế kỉ. Chẳng có ai được truyền giáo triệt để hơn những người truyền giáo”.
“Điều ông ấy muốn nói”, Langdon nói, “là chúng ta thờ các vị thần của cha ông chúng ta”.
“Điều tôi muốn nói”, Teabing phản đối, “là hầu hết những điều ông cha chúng ta dạy chúng ta về Christ là sai. Cũng như những câu chuyện về Chén Thánh”.
Sophie nhìn lại đoạn trích của Da Vinci ở trước mặt cô. Sự ngu dốt mù loà đưa chúng ta lầm đường lạc lối. Hỡi lũ người trần tục khôn khổ, hãy mở mắt ra!
Teabing với tay lấy cuốn sách và lật đến trang giữa: “Và cuối cùng, trước khi tôi chỉ cho cô thấy những bức hoạ của Da Vinci về Chén Thánh, tôi muốn cô hãy xem qua cái này”. Ông giở tới một bức đồ hoạ màu in tràn cả hai trang. “Tôi cho rằng cô nhận ra bức bích họa này chứ?”.
Ông ta đang đùa, đúng không? Sophie nhìn chăm chú vào bức bích họa nổi tiếng mọi thời đại -Bữa ăn tối cuối cùng – bức tranh huyền thoại của Da Vinci trên tường nhà thờ Santa Maria della Grazie ở Milan. Bức bích họa đang hư nát ấy mô tả cảnh Jesus và các tông đồ của mình vào lúc Jesus thông báo rằng một tông đồ đã phản bội ông.
“Vâng, tôi biết bức tranh tường này”.
“Vậy thì có lẽ cô sẽ cho phép tôi làm một trò nhỏ này nhé? Xin cô hãy nhắm mắt lại”.
Lưỡng lự rồi cô nhắm mắt lại.
“Jesus ngồi ở đâu?”, Teabing hỏi.
“Ở giữa”.
“Tốt. Và ông cùng với các tông đồ đang ăn thứ gì vậy?”.
“Bánh mì”. Rõ ràng là thế.
“Tuyệt. Thế họ uống gì?”.
“Rượu. Họ uống rượu”.
“Tuyệt. Câu hỏi cuối cùng đây. Có bao nhiêu cốc rượu trên mặt bàn?”.
Sophie dừng lại nhận ra đây là câu hỏi bẫy. Sau bữa tối, Jesus đã cầm chiếc cốc rượu của mình lên, uống cùng với các tông đồ. “Một chiếc”, cô trả lời. “Chiếc cốc. Chiếc cốc của Christ. Chén thánh”. Jesu chỉ truyền tay với họ một cốc rượu vang thôi giống như những người Thiên chúa giáo hiện đại làm trong lễ Thánh Thể”.
Teabing thở dài: “Cô mở mắt ra được rồi”.
Cô mở mắt. Teabing cười tự mãn. Sophie xoáy mắt vào bức tranh, và ngạc nhiên thấy mọi người ngồi ở bàn ấy đều có một ly rượu vang, kể cả Christ nữa. Mười ba chiếc ly. Hơn nữa, những chiếc ly này đều nhỏ, không có chân và bằng thuỷ tinh. Không hề có một chiếc chén thiêng nào trong bức tranh này. Không có Chén Thánh.
Mắt Teabing lấp lánh: “Hơi lạ lùng đấy, cô không nghĩ như vậy sao, vì cả Kinh Thánh lẫn giai thoại về Chén Thánh đều tôn vinh thời điểm này như là sự xuất hiện chính thức của Chén Thánh. Kì thay, Da Vinci có vẻ như đã quên không vẽ chiếc Chén thiêng của Christ”.
“Chắc chắn các học giả nghiên cứu nghệ thuật sẽ phải lưu ý đến điều này”.
“Cô sẽ bị sốc khi biết rằng những điều bất thường mà Da Vinci đưa vào bức tranh này, hầu hết các học giả hoặc là không nhìn ra hoặc là cố tình phớt lờ đi. Trên thực tế, bức tranh này chính là toàn bộ chìa khoá để mở ra bí mật Chén Thánh. Da Vinci đã phơi bày ra cả trong Bữa tối cuối cùng”.
Sophie hăm hở rà mắt trên bức tranh: “Bức bích họa này cho chúng ta biết thực sự Chén Thánh là cái gì sao?”.
“Không phải là cái gì”, Teabing thì thào. “Mà là ai mới đúng. Chén Thánh không phải là một vật. Trên thực tế, đó là một… người”.
Sophie đăm đăm nhìn Teabing hồi lâu, rồi quay sang Langdon: “Chén Thánh là một người thật sao?”.
Langdon gật đầu: “Thực tế, đó là một phụ nữ”. Bằng vào cái nhìn đờ đẫn trên khuôn mặt Sophie, Langdon có thể nói họ đã làm cô hoang mang. Langdon chợt nhớ ra ông cũng có phản ứng như vậy khi lần đầu tiên nghe lời khẳng định ấy. Mãi tới khi ông hiểu ra biểu tượng đằng sau Chén Thánh thì mối liên hệ với tính nữ ấy mới trở nên rõ ràng.
Rõ ràng Teabing cũng có suy nghĩ tương tự như vậy: “Robert này, có lẽ đây là lúc nhà ký tượng học làm sáng tỏ vấn đề, đúng không?”. Bước tới một cái bàn gần đấy, ông tìm thấy một mảnh giấy và đặt nó trước mặt Langdon.
Langdon rút từ trong túi áo ra một chiếc bút máy: “Sophie, cô biết biểu tượng hiện đại dành cho nam và nữ chứ?”. Ông vẽ kí tượng nam và kí tượng nữ”.
“Tất nhiên”, cô trả lời.
“Những hình này”, ông nói nhẹ nhàng, “không phải là biểu tượng ban đầu của nam và nữ đâu. Nhiều người đã lầm khi cho rằng biểu tượng nam bắt nguồn từ một cái khiên và một cái thương, còn biểu tượng nữ là một tấm gương phản chiếu vẻ đẹp. Thực ra những biểu tượng này bắt nguồn từ những biểu tượng trong thiên văn cổ xưa là nam thần Hỏa tinh và nữ thần Kim tinh. Những biểu tượng ban đầu bao giờ cũng đơn giản hơn nhiều”.
Langdon vẽ lên mẩu giấy một kí tượng khác.
“Đây là biểu tượng ban đầu dành cho nam”, ông giảng giải cho Sophie biết, “Một chiếc dương v*t ở dạng thô sơ”.
“Rất thích đáng”, Sophie nhận xét.
“Có thể nói thế”. Teabing bổ sung.
Langdon tiếp tục: “Biểu tượng này chính thức được biết đến như là lưỡi gươm, và nó tượng trưng cho sự hiếu chiến và nam tính. Trong thực tế, biểu tượng dương v*t chính xác này ngày nay vẫn được sử dụng trên đồng phục của quân đội để chỉ cấp bậc”.
“Thực thế”, Teabing nhe răng ra cười, “anh càng lắm dương v*t cấp bậc anh càng cao. Nam nhi vẫn là nam nhi mà”.
Langdon cau mày lại: “Tiếp tục, biểu tượng nữ, như cô có thể hình dung, là hoàn toàn ngược lại”. Ông lại vẽ một biểu tượng khác lên mẩu giấy, “Biểu tượng này được gọi là chiếc ly”.
Sophie ngước lên, vẻ ngạc nhiên.
Langdon có thề thấy cô đã nhận ra mối liên hệ: “Chiếc ly”, Langdon nói vậy, “giống hình một cái cốc hay một chiếc bát, và quan trọng hơn, nó giống hình tử cung đàn bà. Biểu tượng này biểu đạt tính nữ, tính chất đàn bà và tính phồn thực”. Lúc này Langdon nhìn thẳng vào Sophie. “Sophie, truyền thuyết bảo chúng ta rằng Chén Thánh là một chiếc ly – một loại cốc. Nhưng sự mô tả Chén Thánh như một chiếc ly thực chất là một phép phóng dụ để bảo vệ bản chất đích thực của Chén Thánh mà thôi. Có nghĩa là truyền thuyết dùng hình ảnh chiếc ly như một ẩn dụ cho một cái gì quan trọng hơn nhiều”.
“Một phụ nữ?” Sophie hỏi.
“Chính xác”, Langdon mỉm cười, “chiếc Chén, theo nghĩa đen, là biểu tượng cổ xưa của tính chất đàn bà và Chén Thánh biểu thị tính nữ thiêng liêng và nữ thần, điều này tất nhiên hiện nay đã mai một, thực tế đã bị Nhà Thờ loại bỏ. Quyền năng của người nữ và khả năng sản sinh ra sự sống đã từng được coi là linh thiêng, nhưng sự linh thiêng ấy đe doạ sự thăng tiến của Nhà Thờ mà đại đa số thành phần là nam, và thế là tính nữ thiêng liêng bị cho là quỷ quyệt và không trong sạch. Chính con người, chứ không phải Chúa, đã tạo ra khái niệm “tội tổ tông truyền”, theo đó Eve đã ăn quả táo và gây ra sự sa đọa của loài người. Đàn bà trước đây là người đem lại sự sống thiêng liêng thì giờ đây lại trở thành kẻ thù”.
“Tôi nên bổ sung một chút”, Teabing hùn vào, “khái niệm về đàn bà với tư cách là người đem lại sự sống chính là nền tảng của tôn giáo cổ xưa. Sinh nở là huyền bí và đầy quyền năng.
Buồn thay, triết lý Thiên Chúa giáo sau này đã quyết định biển thủ quyền năng tạo sinh của người nữ bằng cách không đếm xỉa đến sự thật sinh học ấy và biến đàn ông thành Đấng Sáng Tạo. Sáng Thế Ký (1) dạy chúng ta rằng Eve được tạo ra từ chỉếc xương sườn của Adam. Và từ đó người phụ nữ đã trở thành một nhánh phụ của người đàn ông. Đã thế lại là một nhánh phụ tội lỗi nữa. Sáng Thế Ký là điểm khởi đầu cho sự kết thúc đối với các nữ thần”.
“Chén thánh”, Langdon nói, “tượng trưng cho hình ảnh nữ thần tiêu vong. Khi Thiên chúa giáo lớn mạnh, các tôn giáo ngoại đạo cổ xưa cũng không chết dễ dàng. Các truyền thuyết về các hiệp sĩ đi tìm Chén Thánh bị thất lạc trên thực tế là những truyện kể về cuộc tìm kiếm tính nữ thiêng liêng bị thất lạc một cuộc tìm kiếm bị cấm. Những hiệp sĩ tuyên bố “kiếm tìm Chén Thánh”, thực ra đang nói theo cách mã hóa như là một phương thức để bảo vệ an toàn cho chính họ trước thế lực của Nhà Thờ – thế lực đã chế ngự phụ nữ, loại trừ nữ thần, thiêu sống những người không tin Chúa và cấm việc tôn sùng tính nữ linh thiêng của những người ngoại đạo”.
Sophie lắc đầu: “Tôi xin lỗi, khi anh nói rằng Chén Thánh là một con người. Tôi cứ đinh ninh rằng anh định nói đó là một con người có trong thực tế hẳn hoi”.
“Đúng vậy”, Langdon trả lời.
“Và không phải bất kì người nào nhé”, Teabing bật ra và phấn khích đứng dậy một cách khó khăn, “một người phụ nữ mang theo mình một bí mật; bí mật này hàm chứa một quyền năng ghê gớm đến nỗi nếu bị tiết lộ, nó có thể phá huỷ chính nền tảng của Thiên chúa giáo!”.
Sophie có vẻ bị choáng ngợp: “Người phụ nữ này có nổi tiếng trong lịch sử không?”.
“Rất nổi tiếng”. Teabing lượm lấy đôi nạng và chỉ về phía hành lang. “Bạn thân mến, nếu chúng ta rời đến thư phòng của tôi, tôi sẽ rất vinh dự chỉ cho bạn thấy bức hoạ của Da Vinci về người đàn bà ấy”.
Cách đó hai phòng, trong nhà bếp, người hầu Rémy Lagadulec đứng lặng trước một cái tivi. Đài truyền hình đang phát đi bức ảnh một người đàn ông và một phụ nữ. Chính hai người khách mà Rémy vừa mới phục vụ trà.
Chú thích:
(1) Phần đầu tiên của Kinh Cựu ước
——————————————————————————–