Bạn đang đọc Mắt âm dương – Chương 9 phần 1
Chương 7: Sông ngầm
Theo lời lão Tôn thì ba tên kia xuất quỷ nhập thần trong mộ thất, nhất thời cũng chưa làm gì được, nên tạm để chúng đấy. Lão đến mộ thất chỗ Vương Uy đang chờ, hai thi thể phụ nữ trên bệ đá đã hóa thành xương khô, nhưng vẫn mặt đối mặt ôm chặt lấy nhau. Thi thể đám lính đào mộ của Mã Văn Ninh trong mộ cũng đã bị phân hủy, chỉ còn một đống xương trắng. Trên bệ đá chỉ còn một bộ xương nâng nửa chiếc chân đẫm máu.
Lão Tôn đi vòng quanh bệ đá, tặc lưỡi:
– Anh Uy, chúng ta gặp phải cao nhân rồi.
Vương Uy ngớ ra hỏi lại:p>
– Cao nhân gì cơ?
Lão Tôn nói:
– Hai thi thể khỏa thân dâng rượu, nâng giày này thường được người Tạng gọi là thi chú. Năm xưa đạo Phật truyền vào đất Tạng, dưới sự khởi xướng của công chúa Xích Tôn và công chúa Chiêu Quân, dần dần trở nên thịnh hành, trong khi Bản giáo[1] ở đây ngày càng mai một. Đạo Phật đất Tạng phát triển nhanh chóng, khó tránh khỏi vàng thau lẫn lộn, chính trong thời kỳ này, đất Tạng lại xuất hiện một tà phái kết hợp cả Phật và Bản, gọi là đạo Già Lam. Về mặt giáo nghĩa, đạo Già Lam không phân biệt Bản, Phật, đã có thời được truyền tụng rộng rãi, rất đông tín đồ. Nhưng đạo Già Lam hành đạo lấy tà thuật làm chính, về sau vì làm nhiều điều ác, bị Phật giáo và Bản giáo liên hợp đàn áp, thế lực suy yếu dần, cuối cùng bị ép phải rời về phía Đông, từ đấy cũng mất tăm mất tích. Hình thức thi chú này chính là tà pháp được đạo Già Lam truyền bá khá rộng rãi, nghe nói sau khi đạo Già Lam rời về phía Đông, tà pháp này cũng thất truyền, không ngờ lại xuất hiện ở vùng núi tuyết này.
[1] Bản giáo: Tôn giáo nguyên thủy cổ sơ nhất ở Tây Tạng.
Nghe lão Tôn kể đâu ra đấy, Vương Uy cũng thầm kinh hãi, trong mộ thất này có thi chú của đạo Già Lam, lẽ nào đây là mộ của đạo Già Lam? Nhớ đến chiếc kích hình thú giắt trên lưng, anh lại nghĩ: cái kích này ít ra cũng phải mấy nghìn năm tuổi, nếu không phải là vật trong mộ này, lẽ nào trên núi tuyết còn có ngôi mộ cổ nào khác nữa ư?
Vương Uy giắt chiếc kích và con dao vào lưng áo khoác quân phục, đám người lão Tôn không t hiện ra, cứ tưởng đó là con dao anh vẫn đem theo từ trước.
Mấy người trong đội thám hiểm cầm đèn bão dẫn đầu, tiến vào đường hầm, ai nấy đều lăm lăm tiểu liên, chuẩn bị sẵn sàng, hễ ba tên lính áo vàng kia xuất hiện, sẽ lập tức nổ súng bắn cho người chúng thủng lỗ chỗ như tổ ong luôn.
Đường hầm này vừa dài vừa dốc, lại quanh co khúc khuỷu, đi sâu xuống, trên vách hầm dần dần có nước rỉ ra, tiếp tục đi tới đoạn đường hầm ngập nước, đều là nước do tuyết tan từ trên núi chảy xuống. Mọi người đồng loạt xắn cao quần lội nước, ai nấy run lên vì lạnh. Vương Uy và Dương Hoài Ngọc đi đầu, lão Tôn miệng ngậm tẩu, mắt nheo nheo đi giữa đoàn. Lão ta đi không nhanh không chậm, đầu cúi thật thấp, cặp mắt nheo nheo mà vẫn sáng rực, chăm chú quan sát những góc tối nơi ánh đèn không soi đến.
Hang động này dốc xuống lòng đất, trên vách lởm chởm những gờ đá hình thù quái dị, xung quanh đầy những vết nứt do thế núi chuyển động tạo nên, những trụ đá trên nóc hang đan chéo nhau thành một lòng máng, lại được các trụ đá hai bên lòng máng nghiêng nghiêng, từ trước ra sau đâm sâu vào bóng tối, trông hệt như một bộ xương rết khổng lồ, nằm dài trong bóng tối, đổ bóng xuống bao trùm cả đoàn người.
Trong hang yên tĩnh đến rợn người, cũng chẳng ai còn lòng dạ nào mà trò chuyện, không khí như đặc quánh lại, chỉ có tiếng lội nước bì bõm dội vào vách đá, âm ầm lan ra. Địa thế hang này ăn sâu xuống lòng đất, nhưng mọi người đi mãi đi mãi vẫn chẳng thấy tăm tích sông ngầm đâu cả. Kể từ lúc họ bước vào hang, thời gian phải dài gấp mấy lần thời gian hai người trong đội thám hiểm đuổi theo ba tên lính áo vàng vào hang động rồi trở lại.
Dương Hoài Ngọc vẫy tay:
– Vương Đại Vượng, Lý Quang, hai người lại đây.
Hai người mặc đồ đen thấy Dương Hoài Ngọc gọi liền bước lên trước, khẽ thưa một tiếng:
– Cô Ngọc.
– Vừa rồi các anh cũng chạy vào cái hang này hay sao?
Người tên Vương Đại Vượng gật đầu đáp:
– Hang này không có nhánh rẽ, chắc không nhầm được đâu. Chỉ lạ một điều là, cái hang chúng tôi vào lúc đầu tiên cửa hang rất hẹp, bên trong rất nhiều đoạn quanh co, ngáng trở, không giống hang này…
Mọi người nghe Vương Đại Vượng nói đều giật mình kinh hãi, họ thấy ba đồng đội đuổi theo mấy tên lính áo vàng chạy vào hang, cuối cùng chỉ có Vương Đại Vượng và Lý Quang quay ra. Cái hang này thẳng tuồn tuột, không có nhánh rẽ, vách hang rất kiên cố, đao búa khó mà đục nổi, vậy mà thoắt chốc lại biến đổi hoàn toàn, thật là kỳ quái.
Lão Tôn nheo mắt nhìn Vương Đại Vượng và Lý Quang, chẳng nói gì, chỉ quay sang hỏi Vương Uy:
– Anh Uy thấy thế nào?
Vương Uy cũng rất hoang mang, sự việc này ly kỳ quá sức, hơn nữa bọn họ lại không thể lần ra bất cứ một dấu vết nào từ kết cấu của hang cả. Cứ theo lộ trình mà phán đoán hẳn họ đã tiến sâu vào lòng đất đến mấy dặm rồi, nhưng hang động này vẫn tiếp tục dốc xuống sâu hơn, chưa hề có vẻ dừng lại.
Hễ gặp những chuyện đau đầu như thế này Vương Uy lại nhớ đến Nhị Rỗ. Nhị Rỗ được tổ tiên truyền cho bí thuật dò tìm long mạch địa nhãn, rất giỏi nhìn ra được chỗ kỳ diệu về phong thủy trong trời đất, tìm đường sống từ trong hiểm cảnh, nếu gã ở đây, chắc hẳn muốn khám phá bí mật trong chuyện này chẳng khó khăn gì.
Thấy Vương Uy lặng yên không đáp, lão Tôn lắc đầu nói:
– Bấy nhiêu năm nay đám quân phiệt Tứ Xuyên hỗn chiến, anh bôn ba khắp Xuyên Trung, vào Nam ra Bắc, những điều tai nghe mắt thấy không ít, vậy mà cũng không biết nguồn cơn chuyện này, thật là hết cách.
Vương Uy hắng giọng, bỏ ngoài tai câu châm chọc của lão Tôn, lão già này vô cùng xảo quyệt, chắc hẳn đã đến lúc lão dùng tới anh rồi đây. Hang động này ăn sâu vào lòng đất đến mấy dặm, nói theo khoa học tự nhiên của phương Tây thì đã tiến gần đến khu vực địa tâm, có lẽ lão Tôn muốn anh đi trước thăm dò, mở đường cho đội thám hiểm của lão chăng?
Có điều lão Tôn không dám nói thẳng, chỉ mượn lời khích bác nên Vương Uy đời nào chịu mắc lừa. Anh chỉ cười cười rồi để mặc lão ở đó, đi lòng vòng xung quanh xem xét kết cấu địa hình.
Vương Uy giơ đèn bão soi, chỉ trông thấy kết cấu nham thạch hình lòng máng như con rết treo ngược trên nóc hang. Vì phạm vi chiếu sáng của cây đèn có hạn nên chỉ thấy đường nét lòng máng, chẳng trông rõ được trong đó có gì.
Lão Tôn đằng hắng một tiếng, bực bội ra lênh cho đội thám hiểm:
– Theo lối cũ quay về.
Bỗng Vương Uy nói chen vào: – Hượm đã, hượm đã, tôi thấy trần hang có vấn đề
Dương Hoài Ngọc đứng bên Vương Uy, hỏi:
– Có chuyện gì thế?
Vương Uy dùng răng cắn dây buộc đèn bão, hai tay ôm chặt lấy trụ đá cắm sâu vào vị trí trung ương của hang, vận sức mấy lay mấy cái để thử độ vững, thấy trụ đá tuy mỏng mảnh nhưng rất vững chãi, mấy người leo lên cũng không vấn đề gì, anh liền bám vào hai bên trụ, dùng lực đu lên, chui vào lòng máng.
Lối vào lòng máng đá rất hẹp, nhưng không gian bên trong rộng vô cùng, nhờ ánh sáng cây đèn bão, anh nhận thấy khoảng cách với các trụ đá hai bên mỗi lúc một rộng ra, phía bên kia còn rộng đến chừng nào thật khó mà biết được.
Trụ đá càng lên cao càng to dần, tai cửa vào máng đá, trụ đá chỉ to bằng cánh tay trẻ con, Vương Uy đứng trên khúc cong của trụ đá, có thể chạm đến phần trụ đá to cỡ một người ôm. Anh bám lấy mấu đá lớn nhô ra trên trụ, hai chân quặp chặt, dùng sức trèo lên. Vương Uy vốn đã có ngón võ gia truyền, mấy trò trèo tường leo vách đối với anh chỉ là chuyện vặt.
Càng leo lên cao, Vương Uy càng thêm kinh ngạc, cây trụ đá này chẳng biết mọc từ đâu ra, anh leo lên được mấy mét, phát hiện trụ đá to hơn tưởng tượng của anh nhiều, mười người chưa chắc đã ôm xuể.
Những người trong hang cũng nhận ra sự kỳ dị của cái máng đá, liền học theo Vương Uy, lũ lượt leo lên. Hơn chục con người mặc áo đen miệng ngậm đèn bão, mỗi người ôm một cây trụ đá, thoăn thoắt leo lên.
Vương Uy leo cao hơn những người trong đội thám hiểm, nhờ cả dãy đèn bão phía dưới chiếu sáng một khoảng khá rộng, anh thấy hàng trụ đá này hệt như một dãy xương sườn của dã thú. Nhưng gốc của hang trụ đá này ở đâu, lớn chừng nào, anh thật chẳng dám tưởng tượng. Từ trên trông xuống, anh chẳng thấy nổi bóng người cuối cùng leo lên, chỉ thấy ánh đèn le lói, khoảng cách giữa anh với dãy đèn bão xếp thành hình chữ nhất dưới kia áng chừng hơn trăm mét.
Lão Tôn leo lên một cây trụ đá sát bên trụ đá của Vương Uy, đợi trèo lên gần ngang với anh, lão quay sang nói:
– Này anh Uy, anh có nhận ra không? Chỗ này là đất độc.
Vương Uy ngơ ngác hỏi lại:
– Sao bác lại nói thế?
Lão Tôn nhìn quanh một hồi rồi mới đáp:
– Hồi trẻ tôi bôn ba giang hồ, gặp được cao nhân, học được thuật xem phong thủy để đào trộm mộ. Xem hình thế cái hang này giống hệt đất Bối long âm khư mà thầy tôi dạy khi xưa, thật hãi quá đi mất.
Lòng Vương Uy trầm hẳn xuống, anh thầm nghĩ lão Tôn cũng là một cao thủ về phong thủy, để nghe xem lão nói sao, liền hỏi:
– Bối long âm khư là nghĩa làm sao?
Lão Tôn giải thích:
– Trong Hám Long kinh có viết, núi Tu Di là xương sống của thiên địa, sừng sững giữa đất trời, trấn giữ thiên tâm. Giống như xương sống và gáy của con người vậy, từ đây lại tỏa ra bốn nhánh long mạch. Bốn nhánh chia ra làm bốn thế giới, coi Nam Bắc Đông Tây là bốn mạch. Tây Bắc, Không Đồng vạn dặm đường; Đông vào Tam Phụ khuất bầu không; riêng có rồng Nam chầu chính giữa; nghén sinh mạch tổ há lạ lùng. Nghe nói thiên hạ có bốn long mạch lớn, long mạch chạy vào Trung Quốc được gọi là Nam Long, núi Côn Luân là núi tổ của long mạch Nam Long, cũng là thủy tổ của long mạch trên toàn Trung Quốc, từ Côn Luân, long mạch chia ra làm ba nhánh, chạy về ba hướng Bắc, Trung, Nam. Long mạch phía Bắc chạy về phía Hoàng Hà, thế dồi dào, mạnh mẽ. Long mạch ở miền Trung nằm kẹp giữa Trường Giang và Hoàng Hà, thế bình ổn, phân ra làm hai mạch ở nơi giáp giới giữa hai dòng sông, có kinh mà không có hiểm, còn long mạch phía Nam lại nương theo thế núi Côn Luân, khởi nguồn từ Tuyết lĩnh, trỗi lên từ mạch núi phía Nam Trường Giang, dọc đường có ngang qua núi Đường Cổ Lạp, Dân sơn, Nam lĩnh, núi Vũ Di, chạy về phía Đông, đổ vào biển Đông. Long mạch phía Nam nhất định phải chạy qua núi Đường Cổ Lạp chỗ chúng ta, hơn nữa đây còn là nơi long mạch phía Nam đổi hướng. Vượt qua rặng núi tuyết này, thế của long mạch từ núi Côn Luân đổ xuống sẽ dần dần bình ổn, lại có hình thế rồng nằm phủ phục, chạy đến núi Vũ Di mới từ từ đổi thế, đổ vào Đông Hải, nhưng mạch núi này chuyển hướng từ núi Đường Cổ Lạp địa hình rất phức tạp, thế lại lắt léo hiểm trở, quả khiến người ta khó mà đoán định được. Lão đứng bên dưới tuyết tuyến[2] quan sát thấy một dãy các đỉnh núi nối liền thành một đường thẳng, các đường thẳng này đan xen nhau chồng chéo như bàn cờ, ở giữa nổi lên một ngọn núi cao vạn trượng, thế núi hiểm trở, như kinh long vút lên trời, đó chính là chỗ kỳ tuyệt của sơn thủy nơi này.
[2] Tuyết tuyến: đường ranh giới mà từ đó trở lên địa thế cao hơn, băng tuyết bắt đầu bao phủ quanh năm.
Vương Uy nghi hoặc hỏi:
– Thế giới bên dưới núi này có liên quan gì đến long mạch bên ngoài núi?
Lão Tôn quan sát hướng của các trụ đá, thở dài đáp:
– Người xưa tìm long mạch, chủ yếu xem trọng năm yếu tố “rồng”, “huyệt”, “cát”, “nước” và “phương hướng”. Nếu xét riêng rẽ thì năm yếu tố này có thể xem như năm nguyên lý “tính rồng”, “huyệt đất”, “cát vây”, “nước ôm” và “hướng tâm”. Tính rồng chỉ khí đất lưu chuyển bên trong mạch núi phải tuần hoàn, dồi dào không dứt; huyệt đất chỉ vùng đất tốt, khí đất ngưng kết, hội tụ, còn gọi là huyệt lành; cát vây, ý nói sau huyệt mộ có núi non trùng điệp bao bọc xung quanh, như vậy mới tốt; còn hướng tâm chỉ vùng đất mỏng yếu, long mạch chạy gấp, khí đất trống trơn, trước sau đứt gãy. Từ lúc bước vào khe núi này, lão đã thấy mạch núi chạy đến đây tựa như kinh long quay đầu, ắt hẳn hẻm núi từ thời tiền sử này chính là vùng đất dữ kìm hãm long mạch. Kinh long chạy từ Côn Luân đến mạch núi Đường Cổ Lạp này, hẳn muốn nương theo mảnh đất báu dồi dào khí đất, có thể sản sinh ra huyệt lành này để làm một cú nhảy vọt cuối cùng. Nào ngờ lại nảy ra khe núi ngầm này, vây hãm kinh long ở đây, trước mặt có đỉnh núi tuyết sừng sững vạn trượng ngăn trở, sau lưng lại có vô vàn núi tuyết kéo dài liên miên, kinh long tiến lùi đều khó, bèn biến mảnh đất lẽ ra là đất báu này thành một sơn cốc chết.
Nghe lão Tôn giảng giải một thôi một hồi về hình sông thế núi, Vương Uy sợ đến ngẩn cả người ra, về bí thuật tầm long điểm huyệt anh cũng biết được đôi chút. Hồi xưa ông nội anh là kỳ nhân trong đám lục lâm, từng nghiên cứu kỹ những phương thuật cổ xưa này, nhưng ông cụ cảm thấy đã đến thời Dân Quốc, những thứ ấy ắt phải vứt vào sọt rác, cho nên không truyền thụ lại cho anh, anh chỉ thỉnh thoảng nghe ông nội nhắc đến mà thôi. Những năm trong quân ngũ, Nhị Rỗ dựa vào bí thuật tầm long địa nhãn gia truyền đã nhiều lần cứu anh, dần dà Vương Uy cũng học được cách quan sát hình sông thế núi đôi chút. Nhưng Nhị Rỗ ngậm miệng rất chặt, chưa đến lúc cùng đường thì dù có moi móc thế nào gã cũng quyết không hở ra nửa chữ.
Nghe lão Tôn giảng giải, Vương Uy biết tuy lão này rất độc ác giảo hoạt nhưng cũng là một vị cao nhân trong dân gian, những bí thuật dò tìm long mạch mà lão vừa đề cập có nhiều điểm tương tự với những điều ông nội anh và Nhị Rỗ từng nói, hẳn không phải là bịa đặt.
Vương Uy suy nghĩ rồi nói:
– Vậy Bối long âm khư mà bác nói là gì thế?
Lão Tôn ngậm lấy quai xách của cây đèn bão đang treo trên mấu trụ đá vào miệng, chỉ vào bóng tối trước mặt, hừm một tiếng, nói:
– Ở kia…
Vương Uy nhìn theo hướng lão Tôn chỉ, thấy trong bóng tối hình như có hai ngọn đèn. Anh không xác định nổi đó là đèn hay là thứ gì, bởi khoảng cách từ đây tới đó rất xa, ánh sáng kia lại xanh lét như mắt mèo. Trong bóng tối thứ đó tỏa ra ánh sáng lạnh lẽo, lớn hơn ánh lửa ma trơi nhiều, nhưng lại mờ ảo không sao trông rõ được. Vương Uy cố căng mắt ra nhìn nhưng vẫn không xác định nổi hai chấm sáng xanh kia có tồn tại thật hay không.
Thấy Vương Uy nhìn mình bằng ánh mắt nghi ngờ, lão Tôn lại treo cây đèn lên mấu trụ, nói:p>
– Đúng là người nhà họ Vương vùng Quan Đông, chẳng uổng công rèn luyện đôi mắt âm dương.p>
Vương Uy tỏ vẻ bực bội:
– Đôi mắt âm dương là thế nào?
Lão Tôn trợn mắt nhìn Vương Uy hồi lâu, lạ lùng hỏi:
– Anh không biết anh có cặp mắt thiêng có thể nhìn thấu âm dương hay sao?
Vương Uy giật mình kinh hãi, liền chửi:
– Mẹ kiếp lão bớt giả thần giả quỷ với tôi đi, mắt âm dương quái gì, mắt tôi đây cũng chỉ có lòng đen lòng trắng, sao lại gọi là mắt âm dương?
Lão tôn suy nghĩ giây lát, bỗng sực hiểu ra:
– Có lẽ ông nội anh sợ rằng nhà họ Vương gây thù chuốc oán trong giang hồ đã nhiều, ngón Đoạn Môn chỉ hay đôi mắt âm dương đều là tuyệt kỹ của nhà họ Vương, lỡ như con cháu đời sau đi đó đi đây, bị kẻ thù nhận ra sẽ gây nên tai họa.
Vương Uy nói:
– Xin bác nói cho rõ, tôi thừa nhận ngón Đoạn Môn chỉ là đòn gia truyền của nhà mình, nhưng mắt âm dương là thứ gì?
Lão Tôn nói:
– Anh có nhớ hồi nhỏ người lớn trong nhà bảo anh lúc ngủ phải mở một mắt, nhắm một mắt, trên mí con mắt mở phải cài một mẩu xương chứ? Ngày rằm hoặc mùng một hàng tháng phải ở trong phòng tối suốt hai mươi tư giờ mới được ra ngoài, trong thời gian ấy không được ăn uống gì, đúng không nào?
Vương Uy ngạc nhiên, trước năm mười tuổi đúng là anh thường hay bị ông nội phạt. Hồi nhỏ anh rất nghịch ngợm phá phách, để dạy dỗ uốn nắn, ông nội anh đã nghĩ ra đủ mọi thủ đoạn ly kỳ, ví dụ lúc ngủ chỉ cho nhắm một mắt, mắt kia dùng mẩu xương vừa nhỏ vừa lành lạnh chống lên; mỗi tháng có mấy ngày anh bị nhốt trong một ngôi nhà cũ nát, Vương Uy còn nhớ mãi đến nửa đêm mới được ông nội bế ra. Trong gian nhà đó không có người, lại đầy mạng nhện, những con nhện to bằng bàn tay cứ bò đi bò lại, ban ngày trong nhà cũng vẫn tối om om, những ngày nóng nực lại thấy một luồng gió lành lạnh thổi dọc qua sống lưng, anh ở trong đó mấy lần đều nghe có tiếng phụ nữ khóc.