Đọc truyện Mariana – Chương 22
Tháng Sáu rực rỡ, với những ngày dài ngập nắng và ban đêm ấm áp, thoảng hương khi cơn gió hè phiêu dạt qua cánh đồng xanh mướt trong khi con chim sơn ca cất tiếng hót tìm bạn đời dưới màn đêm. Tiếng hót lẩn khuất trong tiếng rì rào của dòng sông. Ngay cả những cơn mưa cũng rơi dịu dàng hơn hẳn, khu vườn chuồng bồ câu cũng bẽn lẽn chuyển mình trổ hoa. Hoa mao lương và diên vĩ trĩu xuống nhường đường cho những nhành nữ lang đỏ táo bạo vươn lên, xen lẫn vô số cụm hoa chuông và cẩm chướng, màu xanh lam và hồng đan quyện, nhảy múa dưới chân vạt mao địa hoàng và phụ tử tím biếc đâm cao sừng sững.
Sự biến đổi tự nhiên của khu vườn huyễn hoặc tôi. Nhờ mượn được những cuốn sách từ chỗ Iain, tôi dần học được tên của mỗi loại hoa mới, và chẳng mấy chốc các loài hoa đã tự mình dọn đường vào thẳng các bức tranh minh họa, thêm sắc màu tươi tắn và đa dạng cho những cánh rừng Trung cổ tăm tối trong những câu chuyện cổ tích của tôi. Biên tập của tôi đã run lên vì sung sướng khi tôi gửi cho cô ấy các mẫu vẽ. Nếu có phát hiện tất cả các vị hoàng tử của tôi đều mang chung một vẻ giống nhau kỳ dị, cô ấy cũng không đưa ra bình luận gì.
Tôi, cũng như đang nở hoa, tắm trong niềm hồ hởi ngọt ngào báo trước sự khởi đầu của một mối tình lãng mạn mới mẻ.
Hai ngày sau cuộc du ngoạn bên bờ sông, Geoff đã quay trở lại vào tối thứ Bảy như đã hứa, mời tôi ăn tối rồi khiêu vũ tại một nhà hàng trang nhã ngay mạn bên này của Swindon.
Đó là một đêm tuyệt diệu không sao tin nổi, như trong những câu chuyện cổ tích mà tôi đang cần cù vẽ minh họa vậy. Bản thân nhà hàng cũng có thể trở thành một cảnh trong một bộ phim rồi – tất cả nến, hoa, khăn trải bàn và những người phục vụ thong dong. Khi chúng tôi uống xong ly cognac sau bữa ăn, tôi nghĩ mình đã rơi lưng chừng vào lưới tình với Geoffrey de Mornay mất rồi. Tôi phải là siêu nhân mới không đem lòng yêu anh.
Chúng tôi không thực sự thay đổi vì nhau, nhưng khi một tháng dần qua, rõ ràng có thứ gì đó được thêm vào mối quan hệ của chúng tôi, một loại tiềm năng ẩn giấu, tuy vậy vẫn đủ nhận thấy bên dưới những nụ cười thân thiết và cuộc chuyện trò đơn giản. Tôi được tán tỉnh.
Với quỹ thời gian được phân chia đều đặn giữa làm việc và giải trí, tôi chỉ còn lại một chút thời gian cho các chuyến du hành mang tính thử nghiệm về quá khứ. Bất cứ khi nào cảm thấy cơn chóng mặt báo động bắt đầu trỗi dậy, tôi nhanh chóng ép nó lại, nhắm nghiền hai mắt và kháng cự bóng tối xoay vần với từng chút sức sống trong người. Sau này vẫn còn ối thời gian, tôi lập luận. Nhưng mỗi sáng, khi tôi ngừng lại để chạm vào chiếc vòng tay của Mariana, đôi mắt như khảm ngọc của bầy chim thiên đường lại trợn trừng ngước nhìn tôi trong sự lên án lặng câm. “Tao không quên”, tôi thuyết phục, tự nói với gương mặt mình trong gương cũng như với bầy chim mạ vàng. “Tao chỉ muốn vui vẻ một chút, thế thôi.”
Thậm chí nó khá giống một kỳ nghỉ. Geoff và tôi dạo bộ trên những con đường dài uốn lượn qua cánh đồng và miền quê, dành các buổi chiều lang thang trong mấy cửa hàng đồ cổ, các buổi tối chơi ném phi tiêu và chia sẻ những câu chuyện ở quán Sư Tử Đỏ, dưới đôi mắt hiền hòa của Vivien. Tôi tổ chức sinh nhật lần thứ ba mươi ở quán Sư Tử Đỏ, và rượu cứ thế khui tự do, từng người đàn ông lớn tuổi ngồi ở chiếc bàn trong góc đều khăng khăng đãi tôi một ly mừng sinh nhật. Tôi đã yêu cầu mọi người không mua quà, nhưng Geoff vẫn tặng tôi một bó hồng, Vivien thì tự làm một đôi khuyên tai, cả Iain cũng tặng tôi một món quà – một chiếc bay làm vườn sáng lấp lánh với chiếc nơ buộc xung quanh. “Để cô ngừng làm hỏng đám dụng cụ của tôi”, anh ta nói cụt lủn. “Cũng phải đến mười chiếc bay nằm gỉ sét trên ruộng rồi đấy.”
Cuối tháng, cha mẹ tôi cuối cùng cũng bay trở về từ Auckland, Tom và tôi cùng nhau lái xe xuống Heathrow để đón họ. Theo đúng thủ tục, hai người cứ khăng khăng đến xem nhà tôi, trước khi trở về nhà ở Oxford. Phản ứng của họ cũng như tôi dự đoán. Mẹ tôi, với tâm trí đầy ắp các kế hoạch cho giấy dán tường và cửa sổ, rộn rã dạo khắp các căn phòng, trong khi cha tôi bật người vài cái trên sàn nhà để kiểm tra độ chắc chắn của kết cấu. Hai tay đút túi quần, ông hơi cúi mặt và khẽ gật đầu. “Rất đẹp”, ông nói. Đó là lời tán thưởng đắt giá nhất tôi có thể hy vọng, thế là nhiệt tình của tôi được dịp lênh láng.
Trong niềm hoan hỉ ấy, tôi trở nên bất cẩn. Vào một buổi chiều đáng nhớ thuộc tuần đầu tiên của tháng Bảy, Geoff thuyết phục tôi đi cưỡi ngựa với anh, mặc kệ việc tôi chưa từng ngồi trên lưng ngựa kể từ thời đi học. May thay, dường như chỉ con ngựa mới phát hiện ra kỹ năng còn nhiều thiếu hụt của tôi, tôi giả vờ thể hiện một màn trình diễn gan dạ bằng cách giữ lưng mình thẳng đơ và khoác biểu cảm bình tĩnh lên khuôn mặt.
“Em thấy không?” Geoff hướng nụ cười cổ vũ về phía tôi khi chúng tôi ngừng lại cho ngựa nghỉ. “Em không cần lo lắng. Em cưỡi ngựa rất cừ.”
Cúi mình về phía trước trên yên ngựa, tôi vỗ về cổ con ngựa, thầm cám ơn nó vì đã tử tế cho phép tôi ngồi trên lưng nó thế này. “Vâng, cừ.” Tôi bắt chước với giọng tùy tiện. “Em nghĩ có một số chuyện người ta sẽ không bao giờ quên.” Đôi tai của con ngựa vểnh lên, đón lấy lời nói dối, nhưng Geoff đã quay sang hướng khác rồi.
“Nó đây”, anh bảo tôi. “Ranh giới của khu đất.”
“Ở đâu cơ?” Tôi tìm kiếm một hàng rào, nhưng không thấy đâu cả.
“Nằm ngay ngoài hàng cây kia. Đương nhiên trước đây còn vượt xa hơn nữa, nhưng phần lớn đất đai đã bị bán dần đi từ năm này sang năm khác. Anh nghĩ thời đó hẳn người sở hữu quá nhiều đất đai như thế là một tên đần độn. Và ích kỷ.”
Cũng còn tùy, tôi nghĩ, vào khả năng đánh giá của từng người. Sau cùng, gần như đất đai của trang viên đã vươn đến cửa sau nhà tôi, và chúng tôi chỉ mất nửa giờ để cưỡi ngựa từ lâu đài đến phần ranh giới phía tây của khu đất.
Một lúc sau Geoff thúc ngựa đi dọc theo những hàng cây, và với một bước giậm duyên dáng, con ngựa cái tôi đang cưỡi rơi lại phía sau, di chuyển thận trọng như một chú ngựa non đang giữ thăng bằng một đứa trẻ nhỏ trên lưng. Tôi để dây cương buông lỏng trên cổ con ngựa và thưởng thức quang cảnh xung quanh.
“Đáng yêu quá, Geoff à”, tôi nói, dõi theo một chú diều hâu nhẩn nha lượn vòng quanh trên đầu. “Sao anh có thể chịu được việc xa rời nơi đây thường xuyên như vậy chứ?”
Anh nhún vai và gần như ngoái hẳn người lại trên lưng ngựa để nói. “Anh không biết nữa. Anh đoán do mình thích thay đổi. Nhà của anh ở Pháp cũng đẹp lắm. Anh không nghĩ có thể bó buộc tại một nơi suốt cả cuộc đời. Hơn nữa, nơi này luôn giống nhà của cha anh hơn của anh.”
Tôi lặng thinh, nghĩ về điều anh vừa nói. “Vì sao lại là Pháp?” Tôi hỏi anh.
Anh lại xoay người. “Sao cơ?”
“Sao anh lại mua một ngôi nhà ở Pháp? Anh có họ hàng gì ở đấy à?”
“Không hẳn”, anh trả lời. “Dù nghĩ nếu mang lịch sử gia đình qua eo biển Channel thì anh sẽ tìm thấy cả một đội quân những người họ hàng nhà de Mornay cư trú khắp các miền quê. Sau cùng, người de Mornay đầu tiên nhà anh là dân Norman. Lý do vì sao anh mua nhà ở đấy là do sở thích thôi. Nó nhìn ra Địa Trung Hải tuyệt đẹp, còn có một cảng biển ngay bên cạnh để anh neo thuyền nữa. Và nắng quanh năm”, anh thêm vào, “theo ý anh thì đó chính là yếu tố được cộng thêm một điểm vượt Exbury”.
“Em tưởng anh thích sự khác biệt”, tôi mỉm cười nhắc và anh kiên quyết lắc đầu.
“Đấy là khi không liên quan đến thời tiết.”
Từ đuôi mắt, tôi bắt được một chiếc bóng bập bùng lướt qua rặng cây phía bên tay phải của tôi. Kích động, tôi chỉ kịp kêu Geoff chú ý một giây trước khi một con hươu – một con hươu bệ vệ, mạnh mẽ với cặp sừng đồ sộ trên đầu – phá vỡ lớp ngụy trang và lao bắn qua cánh đồng trước mặt chúng tôi. Khi nó biến mất vào một rặng cây khác, tôi quay sang nhìn Geoff, đôi mắt vẫn sáng ngời và tôi thấy anh đang nhìn tôi với vẻ mặt rất kỳ quái.
“Ai là Richard vậy?” Anh bình tĩnh hỏi tôi.
“Cái gì cơ?”
“Vừa rồi em gọi anh là Richard.”
Nụ cười của tôi không được tự nhiên cho lắm. “Thế ư? Em cũng không biết sao nữa. Em xin lỗi.”
“Người tình cũ à?” Anh vẫn không buông tha.
“Đại loại vậy.” Tôi gật đầu, cố gắng biến nó thành một câu nói đùa. “Này, anh ghen đấy à?”
“Anh không chắc”, anh chậm rãi nói. Một thoáng sau thì nụ cười tôi trông đợi được nhìn thấy xuất hiện. “Đi nào”, anh nói, rồi hướng con ngựa về phía những ống khói cao vút của lâu đài Crofton, “Anh sẽ chạy đua với em về chuồng ngựa”.
Đúng là Chúa đã rủ lòng thương với tôi, bằng vài phép màu nào đó tôi đã gắng gượng duy trì được tư thế ngồi thẳng trước vó ngựa rền vang như sấm. Đến sân chuồng ngựa, tôi đường hoàng tuột xuống, thế nhưng đầu gối vẫn run rẩy trước ý nghĩ mình đã suýt văng qua đầu con ngựa vào đống phân bón lúc chúng tôi thắng cương lại.
“Cứng đơ rồi à?” Geoff nhìn tôi đánh giá lúc người trông ngựa dắt hai con ngựa đi.
“Một chút.” Đó là một lời tuyên bố trái sự thật. Tôi đang đi tập tễnh như một chàng cao bồi có đôi chân vòng kiềng, và tôi thì thừa biết điều đó. “Cũng lâu rồi em mới cưỡi ngựa.”
Anh cười ranh mãnh. “Em cưỡi cừ lắm mà. Thực tế còn hơn cả cừ ấy chứ.” Anh đỡ lấy khuỷu tay tôi và dẫn tôi về phía ngôi nhà. “Lại đây nào, để xem chúng ta có thể tìm ra món gì trong bếp của Freda không.”
Thứ chúng tôi tìm thấy, khá bất ngờ, là Iain, anh ta đang ngồi đong đưa trên ghế với đôi bốt gác lên thanh ngang dưới gầm bàn, điếu thuốc hút dở trên môi với tư thế hoàn toàn thỏa mãn, đậm chất đàn ông.
“Gì thế này?” Geoff hỏi, chỉ vào chiếc đĩa trống trơn đáng ngờ nằm trên mặt bàn trước mặt bạn mình.
Iain nhe răng ra cười. “Pudding thịt bò và tim cật”, anh ta nói, “cùng khoai tây chiên, salad và quả mâm xôi dầm”.
“Đểu thật”, Geoff nói với nụ cười chậm rãi. “Cậu làm thế nào đấy?”
Iain vênh cằm lên phẫn nộ. “Này, tôi làm việc nặng nhọc cả ngày đấy nhé, chứ không thong dong cưỡi ngựa thăm thú miền quê như tên quý tộc khỉ gió nào kia đâu. Mà chuyến cưỡi ngựa sao rồi?”
“Tôi ngồi yên được trên lưng ngựa”, tôi trả lời. “Vậy là thành công lắm rồi.”
Có vẻ dạo này chúng tôi không chạm trán Iain nhiều lắm. Thời điểm này, thời tiết thực ấm áp, anh ta quá bận rộn làm việc trong trang trại và vườn cây ăn quả để thường xuyên vận chuyển vào thị trấn. Tôi phát hiện mình thấy nhớ anh ta, lẫn bộ dạng tùy tiện của anh ta.
“Đàn cừu thế nào rồi?” Đến lượt tôi hỏi lại.
“Ngu ngốc hơn bao giờ hết. Tôi nghĩ hôm nay nếu tạm tách khỏi chúng để hoàn thành một số việc trong vườn hồng ở đây.”
Geoff trao cho anh ta một ánh nhìn hiền từ. “Chúng tôi có một người làm vườn làm việc rất chăm chỉ, Iain à. Cậu không cần lo lắng đâu, cậu sẽ càng khiến bản thân kiệt sức mất thôi.”
“Khi nào người làm vườn nhà cậu học được cách làm việc thỏa đáng, tôi sẽ ngừng lo lắng”, Iain hứa hẹn cụt lủn. “Bên cạnh đó, tôi nghĩ năm nay mình sẽ thử chút gì đó khác biệt. Tôi muốn nghe ý kiến của cậu, nếu cậu có thể bỏ ra chút thời gian.”
“Khi nào?”
Iain nhún bờ vai rộng. “Bây giờ thì sao? Không mất nhiều thời gian đâu.”
Geoff kiểm tra đồng hồ đeo tay, quay sang nhìn tôi, và đợi cái gật đầu của tôi trước khi trả lời. “Được”, anh đáp. “Nếu cậu nghĩ vẫn có thể đi lại sau bữa ăn vừa tiêu thụ. À mà Freda đâu rồi?”
“Bà ấy đi quét dọn thư viện.” Iain bỏ chân khỏi thanh ngang chiếc bàn và khiến chiếc ghế đang ngồi lao lên với tiếng cọt kẹt. “Khoảng mười lăm phút trước.”
“Được rồi.” Goeff quay sang tôi. “Em không phiền nếu gọi bà ấy xuống đây cho anh chứ?”
Tôi nhìn anh hồ nghi. “Gì cơ, ý anh là ở mạn đón khách du lịch á?”
“Ừ. Em không phải lo đâu”, anh đảm bảo với tôi. “Bọn anh không dẫn đoàn tham qua vào chiều muộn thế này. Em biết dùng cửa nào rồi chứ? Tốt. Để xem em có thể thuyết phục được Freda nấu nhanh cho chúng ta thứ gì đó tương tự như bữa tiệc thịnh soạn của Iain ở đây không.”
“Để em xem có thể làm gì”, tôi hứa.
Anh gửi đến tôi một cái nháy mắt kèm nụ cười chiến thắng trước khi theo Iain ra cửa sau. Tiếng cười và trò chuyện râm ran dội lại những ô cửa kính khi hai người đàn ông lên đường ra vườn hồng.
Khi họ khuất hẳn, tôi đi xuôi theo hành lang gập ghềnh mờ mịt và đẩy cánh cửa nặng nề phía cuối, cánh cửa chia khu vực riêng tư của Geoff khỏi phần mở cho khách vào tham quan tòa trang viên.
Băng qua một cánh cửa khác, tôi phát hiện mình đang đứng ở đại sảnh, nhìn chằm chằm chiếc lò sưởi khổng lồ cùng phần gia huy được chạm trổ và sơn màu ngự bên trên. Những con đại bàng trùm mũ nằm trên tấm khăn màu huyết dụ trông hung tợn hơn những gì tôi nhớ, đôi móng vuốt bằng vàng của chúng quắp vào không khí. Không thể phá hủy. Đó là lời của Geoff về khẩu hiệu bằng tiếng Latin của gia đình anh. Tôi nhìn lại những cặp móng vuốt kia và rùng mình.
Tòa nhà lớn im lìm, y hệt như những gì Geoff nói trước đó. Không có tiếng bước chân nào ngoại trừ của chính tôi vọng lại qua căn phòng sâu hun hút lúc tôi di chuyển từ vùng tối mờ mịt sang phần rọi nắng bên dưới hàng cửa sổ cao vời vợi ở mặt đông. Tôi thực sự không nghĩ sẽ tìm thấy bà Hutherson vẫn ở trong thư viện, nhưng vào đó tìm trước cũng chẳng hại gi. Và giả sử tôi có tốn mấy phút để nhìn những cuốn sách, ừm, cũng khó mà tránh khỏi, phải không? Nhất là khi ở đó chẳng có những hướng dẫn viên du lịch hay vị khách nào khác phá hỏng việc tận hưởng căn phòng đáng yêu đó của tôi.
Đương nhiên, tôi đã quên bay biến về bức chân dung. Bức chân dung của anh. Ngay giây phút bước vào sự tĩnh lặng mang đầy tính học thuật của thư viện, tôi cảm nhận được đôi mắt của Richard de Mornay chiếu lên mình, rõ ràng như thể hình ảnh trên bức tranh ấy đã từng là một người đàn ông sống động. Tôi nhìn không chớp mắt vào các kệ đựng sách, thậm chí còn đọc tiêu đề của vài cuốn sách tuyệt đẹp hơn cả, nhưng ánh mắt tôi cứ liên tục đảo qua đảo lại với dáng hình lừng lững mặc đồ đen đang liên tục dõi theo tôi từ góc của anh trong phòng.
Cuối cùng tôi cũng hoàn toàn đầu hàng và đến đứng trước bức tranh, nhận ra đôi mắt trên tranh dõi theo sự dịch chuyển của tôi. Siết hai bàn tay sau lưng, tôi hơi ngẩng đầu để nhìn rõ hơn, lấy làm kinh ngạc trước kỹ năng của họa sĩ khi có thể nắm bắt hoàn hảo phần cằm kiêu ngạo, tư thế tay trên hông, nụ cười nửa miệng hầu như không thể phát hiện cố tình nấn ná trên đôi môi kia…
Tôi tự hỏi điều gì đã xảy đến với người đàn ông này để các thế hệ tương lai không còn nhớ đến tên anh?
“Bọn tôi đặt tựa cho ông là Tay Chơi”, Geoff đã nói với tôi câu ấy vào lần đầu tiên tôi bình luận về tấm chân dung. Chắc chắn đó là một di sản không lấy làm tự hào, với bất cứ một người đàn ông nào. Tôi đã tìm kiếm tên của Richard de Mornay trên những cuốn sổ nặng trịch ghi chép về những lễ rửa tội, kết hôn và mai táng được mục sư của nhà thờ St. John cất giữ trong phòng lưu trữ.
Chính mục sư cũng tự mình giúp tôi, vùi đôi mắt lờ đờ vào những cuốn sổ chép tay ngay ngắn. “Thị lực của tôi không còn được như xưa”. Người đàn ông già tốt bụng xin lỗi. “Cô biết không, tôi từng làm việc này hàng giờ liền, tìm kiếm tên tuổi cho những người Mỹ muốn lần tìm tổ tiên của họ. Không có”, cuối cùng ông nói, “có vẻ không có Richard nào cả. Đương nhiên”, ông thêm vào, như một lời an ủi, “cũng không phải chúng tôi có tất thảy. Một vài cuốn bị thất lạc trong suốt giai đoạn Không người trị vì, cô biết đấy, khi Cromwell lên nắm quyền lực. Đấy không phải quãng thời gian dễ chịu với nhà thờ, tôi e là thế”. Ông cười hiền từ. “Phe Đầu Tròn thường xuyên phá hủy các bản ghi chép và tất cả các món đồ thiêng liêng thuộc về nhà thờ của chúng tôi, kể từ đó họ đã lưu giữ những cuốn sổ, nên thật đáng buồn là việc ghi chép đã bị thiếu hụt. Những ghi chép ở đây, như cô thấy, kết thúc vào năm 1626, và phần tiếp theo không bắt đầu cho đến năm 1653. gần ba mươi năm sau đó. Nhưng cô có thể tìm thấy một mối liên hệ sau đó…”
Thực sự tôi nên lường trước rằng đây sẽ là một nỗ lực vô ích. Cha của Geoff, với lòng mến mộ lịch sử gia đình, đã tìm kiếm tất cả ghi chép của giáo khu về hậu duệ của William de Mornay và đã thất bại.
©STENT
Cái chết của Mariana Farr, vào ngày mùng 3 tháng Mười năm 1728, đã được ghi lại chính xác dưới một bàn tay lưu loát, vô cảm. Nhưng số phận của Richard vẫn còn là một bí ẩn.
Giờ tôi nhìn chằm chằm lên bức chân dung, với cái nhíu mày lơ đãng. Nâng một tay lên, tôi để những ngón tay vạch theo tà áo bay bay rũ xuống từ những nếp gấp đầy nghệ thuật trên bờ vai bất động của Richard. Đó là một sai lầm. Ngay cả khi những đầu ngón tay tôi đã rời xa khỏi lớp vải, những bức tường bắt đầu rung chuyển, các gam màu trên bức tranh chạy loạn xạ như thể bàn tay của họa sĩ đã vẽ nên những nét bất cần, khiến đường nét trên gương mặt đẹp trai, cay nghiệt đó nhòe nhoẹt. Vội vã lùi một bước, tôi ép mắt mình nhắm chặt.
Em không thể, tôi khẩn cầu trong im lặng. Anh không thấy em không thể làm vậy sao? Không phải lúc…
Như thể để trả lời cho những ý nghĩ của tôi, cơn chóng mặt giảm bớt và những bức tường đang chao nghiêng chấn động tự mình vững lại, mọi thứ hiện ra một cách vô hại đến yên bình khi tôi lấy dũng khí mở mắt. Hơi thở co rút gấp gáp đầy kích động khiến hai lá phổi của tôi đau đớn. Tôi nhanh chóng quay lưng lại với bức chân dung và chạy nhanh ra khỏi phòng, chống người lên tấm bản lề kiên cố khiến tôi an tâm phần nào. Tràng cười của cô gái nào đó vẳng vào hành lang mờ tối qua cánh cửa trước hé mở, tôi hướng những bước chân của mình về phía ấy, như một tù nhân tìm kiếm không khí trong lành và sự ấm áp từ tia nắng mặt trời.
Tôi không đến được chỗ cánh cửa. Chỉ còn cách vài bước chân trước khi lần nữa một cảm giác hung tợn ập đến, gần như một vũ lực trừng phạt khiến những hạt mồ hôi lạnh túa ra trên trán làm tôi phải vồ lấy bức tường để nỗ lực giữ bản thân đứng vững. Tôi cố gắng chiến đấu lại, nhưng thất bại. Lần này tiếng chuông rít lên inh ỏi bên tai, tôi cứ thế tuột dần theo hình trôn ốc vào bóng tối. Thời gian tưởng chừng dài vô tận trước khi cơn bão qua đi, bỏ tôi đứng đơn độc trong hành lang câm lặng, đôi bàn tay tôi run rẩy chờ đợi. Tiếng bước chân vọng lại từ lối đi chính sau lưng, tôi quay phắt lại, làn váy quét lên sàn nhà bóng loáng. Richard de Mornay ngừng chân ngay khi vẫn cách tôi vài mét, và tôi chờ đợi phản ứng của anh.
Đến thăm anh là một hành vi táo bạo vô cùng, tôi cũng không dám chắc lý do vì sao mình làm thế, có lẽ vì hai bác của tôi đã xuống Salisbury, còn tôi thì trở nên mất trí trước sự tự do bất thường như vậy. Hoặc có lẽ là vì chính những gì Richard đã nói với tôi hôm ở chợ, vì cái vẻ can đảm của tôi. Tôi đã đọc được nét thách thức cười cợt trong mắt anh ngày hôm đó, cũng chính là điều tôi thấy lúc này khi anh tiến thêm một bước lên trước và hơi cúi đầu chào lịch thiệp.
“Hoan nghênh đến lâu đài Crofton”, Richard de Mornay nói.