Mãi mãi tuổi hai mươi

Chương 20Tiểu sử LS. Nguyễn Văn Thạc (2)


Đọc truyện Mãi mãi tuổi hai mươi – Chương 20: Tiểu sử LS. Nguyễn Văn Thạc (2)


Luôn luôn ta mơ ước, ta khao khát, một buổi sáng đẹp trời, nhớ một màu xanh kỳ dị, ta thức giấc trong hạnh phúc. Một người đang chờ ta, đang đợi ta. Đó là P., đó là P. yêu dấu…
Ta khao khát một sớm mùa hạ, cùng nắm tay P. trong phòng đọc sách… Mùi sách quyến rũ hay gì mà làm ta xao xuyến thế?
Ta thường mơ, một mùa nào đó, dẫu là mùa đông ướt át và nhầy nhụa… Ta đứng trên sân ga lắng nghe tiếng mưa đuổi nhau trên bức tường rêu xám. Lòng ta đâu có thế, ta đứng chờ…
Và kia, P. yêu dấu của ta, từ trên tàu bước xuống, P. ùa vào lòng ta hay ta chạy đến dụi đầu vào gò má ấy, mấy năm trời còn gì nữa. P. hé miệng cười, nhưng ta đọc trong đôi mắt một màu ươn ướt. P. đưa ta về ngôi nhà 72, mới một lần ta hững hờ đến. Và P. sẽ kể cho ta vô vàn chuyện trên đất nước xa xôi.
Còn ta, sẽ kể cho P., về chuyện đời, vê những đồi phi lao Hà Bắc, mà mỗi bóng áo đều gợi nhớ tới P., sẽ kể cho P. những “mảnh liềm trăng cong một nỗi nhớ nhau”…
Ta sẽ kể cho P. rằng: P. ơi, một buổi họp trong đình, đình cũ kỹ, ống máng han rỉ, ta thèm được tay cầm khẩu súng loáng ngời ánh thép. Đạn vuốt nòng lắm, ta yêu khẩu AK này như yêu người nào ấy, khẩu súng ơi, súng sẽ gắn bó với đời ta, cùng sống chết với ta…
Khi ấy, chắc chắn ta sẽ lại nói với P. rằng, cả cuộc đời ta, cuộc sống riêng tư của ta thuộc về P. vĩnh viễn. Từ lâu rồi, cuộc sống tâm hồn của ta tan biến đi trong tình cảm nồng nàn của P., cái lò lửa rực hồng ấy.
Tới đây, ta mới hiểu thế nào là sự sợ hãi khi phải vĩnh viễn xa P. Đừng, lạy chúa, viễn cảnh ấy đừng bao giờ xảy ra cả, đừng, mà ta sống với ai, sống trơ trọi và cô đơn thế, ta làm sao sống nổi.
Khổ vô cùng là nói thật chỗ yếu của lòng mình. Ta đâu muốn thế. P. bảo: “Thích thư T. lắm!” Chẳng phải thế đâu P. ạ, rồi sau này nhiều năm, quay nhìn về dĩ vãng P. sẽ cười và lúc đó hết cả “thích thư T. lắm”. Lúc đó, những lá thư mà T. viết bằng những trưa không ngủ, bằng đêm khuya yên lặng trên trường Tổng hợp, trên mỏm đồi xa xôi này, viết bằng cả tâm hồn, bằng tất cả nỗi xao xuyến của trái tim – chỉ là một mớ giấy tầm thường, cần phải vứt đi.
Nhưng cũng chẳng sao, và cũng phải thôi. Vì ta chỉ thú nhận điều đó với riêng P., với một mình P. thôi. Ai chưa gặp ta cũng đều bảo ta ngớ ngẩn. Ai mới gặp ta cũng bảo rằng: Mình quý, mình thương. Ai ở với ta một thời gian cũng trỏ vào mặt ta mà bảo: Dở người!…
Còn ta, chỉ cười, chỉ khóc. Ta bay trên mây, dưới gió. Ta đã gặp ai đâu, ngoài người ta yêu quý, mà có một lần ta đã xoa tay vĩnh biệt! Rồi đây, người ấy có tự xa rời ta không, không biết. Có phải đời ta là cầm AK đánh giặc. Đứng trên đồi phun lửa vào kẻ thù, dạn dày, thầm lặng… chẳng cần ai biết đến đâu. Rồi lúc nào ta chết, chỉ cầu xin một điều, trên nấm mồ của ta là cây bạch đàn; cây bạch đàn mảnh dẻ…
Nằm trong lòng đất, giá còn được nghĩ, ta sẽ làm thơ, ừ, làm thơ, làm toán… Chà, lập dị, lập dị, ngớ ngẩn đến thế nữa cơ.
Sao bây giờ ghét đời sinh viên đến thế. Thõng thẹo và ọp ẹp. Phải sống khỏe mạnh, dữ dội trong lửa đạn.
Dân quý anh bộ đội. Bọn mình đi xin tre về làm nhà ở. Tre đấy, ngoài vườn, anh cứ ra mà chặt. Tre đực, tre cái, tre bánh tẻ đan lóng đôi, lóng mốt, đan sọt đeo đá sau lưng. Cây tre , lòng bà mẹ , có phải bây giờ ta mới hiểu đâu. Nhưng bây giờ ta mới được nhìn, được thấy…
24.10.1971
Nằm mãi mà không ngủ được. Đêm nay là đêm thứ bao nhiêu rồi, mình thức dậy. Đồng hồ chỉ 11 giờ kém 15, Kisinhốp là mấy giờ rồi?
Lâu lắm, 20 ngày đã qua, bận bịu và mệt mỏi, mình bỏ quên trang nhật ký, nhưng có lúc nào quên được Như Anh. Tháng mười, tháng sinh nhật – Tuần lễ sinh nhật đi qua. Ừ, trời cũng trong xanh hơn và lòng ta cũng mở ra đón gió. Tuổi 19, 20…
Như Anh ở đâu, nắm lấy bàn tay T., gió rét về thổi tím ngọn bàng, đâu rồi hơi ấm của ta?

Ai bảo những ngày này không đẹp, không thơ?
25.10.1971
Tháng 11 sắp đến rồi… Và như vậy, tháng 8 đã trôi qua…
Buổi sáng đến chậm chạp.
14.11.1971
Đã 10 giờ đêm, chủ nhật. Đang buổi tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi còn ở nhà, những buổi tiếng thơ này, mình ngồi bên bờ ao hay bên một cái giao thông hào ngập nước, nghe những giọng ngâm quen thuộc. Thế mà hôm nay, ở đây, ở cái đất Hà Bắc này, mình ngồi viết, vừa lắng tai nghe… Kim Cúc đấy, với giọng hơi mượt mà, chải chuốt, Kim Dung, Trần Thị Tuyết. Nghe quen như giọng người hàng xóm.
Buổi trưa, vừa gửi thư cho P. Có lẽ đó là cái thư cuối cùng ở đất Hà Bắc. Từ ngày mai, không được ra khỏi chỗ đóng quân nữa. Không biết đi lúc nào – Lo lắm, liệu P. có hiểu và thông cảm cho không – Biết làm sao được, khi bản thân mình không thể chủ động trong chuyện đó.
Gặp Dũng, bạn học từ lớp 8 – Dũng học Đại học Y khoa, và bây giờ ở C.17. Dũng cũng tốt đấy, hiểu mình và rất quấn quít. Vẫn gặp trên sân bóng, xung quanh là phi lao, có con đường chui qua, đỏ bụi. Dũng hỏi thăm hết bạn bè. Xuyên đi Bungari rồi. Châu đi Cuba, Dung đi Tiệp hay Đức gì đó… Thường thôi… đừng coi trọng họ, đi nước ngoài thì người ta thích, nhưng ít ai thích người đi nước ngoài, có cái gì hơi là lạ…
Dũng nhắc cho mình chuyện lớp, trường, chuyện thằng Khang, Nhữ Đình Huân, cái tụi nghịch như quỉ sứ – Ngô Bình nữa, nó đang đóng ở Quảng Bình, bị thương và đã được kết nạp Đảng hay sao ấy… Nhanh quá, mới đó mà nay mỗi đứa một phương trời. Mình nhớ mấy câu thơ tặng Bình khi tiễn Bình đi bộ đội hồi cuối lớp 10…
Dũng hỏi mình về chuyện đi nước ngoài. Khơi dậy làm gì chuyện ấy. Nó khiến mình buồn bã suốt một thời gian dài. Thật hèn hạ và xấu xa.
Mình kể cho Dũng cuộc sống từ khi hết lớp 10. Dũng cũng đồng ý với mình và tỏ ra hài lòng với cách sống ấy. Kể cũng lạ, sao Dũng dễ dàng đồng ý với ý kiến của mình thế.
Dũng bảo mình cần đoàn kết sâu, rộng với bạn bè hơn nữa. Dũng bảo: “Hãy biết liên kết với các bạn bằng những mặt tốt của họ. Nên triệt để nối mình với các bạn bằng cái tốt đó”. Kể cũng hay. Mình sẽ cố gắng.
Đá bóng với B1. Gió mạnh. Dạo còn ở trường, mình với Thanh hay ở cùng một bên, bây giờ Thanh ở B1, còn mình lại sang B2. Đá bóng mà nhớ trường, nhớ kỷ niệm đến thế – ơi, Yên Hoà B… đâu rồi?
Buổi tối ba má và anh của Minh lên chơi. Còn mình thì chẳng có ai lên cả – Buồn và nhớ gia đình vô cùng. Nhưng mình không tán thành chuyện lên thăm đó. Mình ngồi nghe rất lâu chuyện hai bác và anh Bằng nói. Chẳng có gì mà phải lên tận đây cả – Nhớ Minh ư, mà sao có vẻ thờ ơ tệ. Không giống trong tưởng tượng của mình chút nào? Hay là tại mình không ở trong tình trạng đó nên mình không biết, không cảm hiểu?
Không, rõ ràng không. Gia đình đi từ 5h30 sáng mãi trưa mới đến nơi. Mang cả cơm nắm và thức ăn định ăn ở Bắc Giang, nhưng không hiểu sao lại về tận đây ăn. Buổi trưa, bọn mình ăn cơm, phải sang chỗ anh Hinh ăn tập trung. Mình chào gia đình và Minh cũng đi ăn – ở nhà còn ba má và anh Bằng – Sao hai bác và anh không gọi Minh ở lại ăn cùng.
Không hiểu ra sao cả – Lạ thật – Gia đình mình thì nhất định không thế rồi.
Nói chung, mình chưa hiểu rõ lắm về Minh và gia đình cậu ta. Biết chung chung, đại khái.
Tối nay, liên hoan tiểu đoàn, ăn cơm muộn nên được phép nghỉ. Mình nói chuyện với bà.
Bà kể chuyện “Duyên Tiên”, chuyện “Trương Chi”,v.v… làm mình như trở lại trẻ con. Thương anh Đổng Vĩnh ra gốc cây đề và khóc, ngóng lên trời tìm nàng Bảy.

Nàng tiên ơi, tấm lụa trắng đâu rồi, và gốc cây đề ấy ở đâu trong rừng sâu kia?
“Mùa xuân hoa nở, thiếp về
Mời chàng ra gốc cây đề nhận con…”
Bà bảo mình đọc “Bầm ơi”, mình đọc, gió lành lạnh và mình thương mẹ quá, mẹ ơi…
Bà đã 60 tuổi – Bà bảo, năm nay là “năm tuổi”, mẹ mình đã qua tuổi 49 và 53 rồi, không bị làm sao là mừng lắm. Lạy trời cho mẹ sống lâu, sống mãi và đừng ốm đau gì cả. Thương mẹ lắm mà không biết làm gì. Thù thằng Mỹ quá, phải giết hết nó đi.
15.11.1971
Thằng Mỹ, nó là cái gì mà mơ hồ như thế? Đi bộ đội, mình cảm thấy hơi mông lung trong việc nhìn nhận kẻ thù. Hố bom còn toác ra ở trên đồi. Và cảnh làng xóm tiêu điều, bị tàn phá ngày 29-2-1968, ta đâu có quên. Mặt mũi thằng Mỹ thế nào? Hẳn đó cũng là khuôn mặt người bị bóp méo xộc xệch. Hẳn đó là bộ mặt nhăn nhúm trước ánh sáng mặt trời.
Đêm ấy, thật đau lòng. Hồi chiều, bị ném 40 quả bom. Điện bị đứt lung tung. Làng xóm chìm trong tang tóc và bóng đêm. Ở ngay trước ngõ là một bát hương hiu hiu khói. Anh Phúc bị bom tiện đứt cả chân tay, nằm trong chiếc quan tài đỏ, ngọn đuốc nứa thổi phừng phừng, cái xe bò lăn lộc cộc… Sao giống “chiếc quan tài” như thế.
Không, suốt đời ta không quên, ta không quên cảnh em bé miền Nam đập tay lên vũng máu. Dưới tay em lẽ ra là chậu nước trong mát – cái biển mênh mông của tuổi thơ hồn nhiên, nhí nhảnh…
Thằng Mỹ, nó thế nào? Trời ơi, sao lâu quá. Bây giờ cái khao khát nhất của ta – cái day dứt trong ta là khi nào được vào miền Nam, vào Huế, Sài Gòn – xọc lê vào thỏi tim đen đủi của quân thù.
Ta ngồi đây, thanh bình như thế. Nhưng ở cuối trời Tổ quốc, bao nhiêu người con ưu tú của dân tộc đang đổ máu, đang giập gãy từng khúc xương, đang bị kẻ thù đày đọa và các đồng chí của ta, anh giải phóng quân kiên cường đang nín thở đợi giờ xung trận, đang đói rét và đau nhói vết thương trên một cánh rừng già.
Vậy mà, lại đến giờ đi ngủ. Những cơn gió liu riu trên cành tre đưa ta vào cơn mơ – Ta lại trở về với cái ngõ nhỏ của mình… Lạc lõng ư? Có lẽ nào!
Ta biết giấu mặt vào đâu, vào gấu quần hay gấu áo, khi đường Trường Sơn không có dấu chân ta? Khi cả cuộc đời ta chưa có cái niềm vui mãnh liệt của người chiến thắng, cắm cờ Tổ quốc trên cả nước thân yêu.
Phạm Tiến Duật, Triệu Bôn… Các anh đêm nay ở đâu trên Tổ quốc? Các anh có viết những bài thơ, những truyện ngắn vào giờ này? Ôi, những nhà thơ, nhà văn – chiến sỹ, ta gặp nhau trên cùng một ước mơ làm nhiều cho Tổ quốc. Chúng ta có mặt trên trận tuyến ác liệt nhất, khi đất nước đánh thù, có gì tự hào hơn nữa.
Ta bỗng nhớ câu thơ của Hồng Chính Hiền:
“Thương nhau, thương nhau nên hoá gần nhau
Nghe cả tiếng hiệp đồng qua hơi thở…”

Các anh có nghe tiếng tôi? Tiếng của đứa trẻ bước chập chững vào đời với bao thôi thúc, bao niềm tin, hy vọng?
20.11.1971
Đại đội trưởng cũng đi rồi. Quân đội đúng là một đại gia đình, và đi đâu cũng người nhà cả mà thôi.
Chẳng cần tiễn đưa gì cả. Cắt cho Đại đội trưởng cái đầu mới toe – Kỉ niệm, thế là đủ rồi. Mà kể cũng lạ, biết đâu lần này chính là lần gặp cuối cùng trong đời! Thế mà thật bình tĩnh, thật thanh thản. Nhưng, riêng mình vẫn không thể bình thường được.
Hôm nay Quốc tế hiến chương các nhà giáo đấy. Mình định viết thư cho thi sĩ, nhưng rồi lại bận quá. Không viết được.
Càng nhớ thầy, càng nhớ bạn, càng lo lắng về công việc của mình. Tuần lễ cứ trôi qua, ngoảnh lại, chưa làm được việc gì ra hồn cả. Cả thói quen ghi chép cũng không rèn luyện được. Thật đáng lo.
Khi còn phổ thông, ước mơ khá lớn, khá lâu dài là được đi xa và nhiều, và rảnh rỗi mà viết lách. Bây giờ, thoải mái, không phải suy nghĩ gì về bài học cả. Thế mà từ khi đi bộ đội đến giờ, mình đã viết được gì đâu.
Cầm viết được nhiều, quả thực ở nó có tài năng, hay ít ra, đó cũng là một khả năng tốt. Khanh bảo Cầm nó chăm lắm, mặc dù sức khoẻ yếu. Mình nhớ dạo mới đi bộ đội, hay gặp Cầm lang thang trong đêm. Có lần đi gác, Cầm nằm ngủ ngay trên cái cầu xi măng bắc qua sông Tô Lịch. Nó bảo nó nằm nhớ lại dĩ vãng xa xưa của nó ở Kinh đô, đôi guốc mộc và cái quần chùng, hàn huyên với các sư huynh bên quán nước.
Kể cũng lạ, ở nó có gì đáng học đâu, ngoài những ý sáng tạo trong thơ. Cách sống của nó hơi ngang tàng và thiếu nghiêm túc. Nhưng vì sao nó nắm bắt mạch thơ đúng thế. Tưởng như lời nào của nó cũng là thơ(!)
Giới thiệu bài hát, nó bảo: Mười con chim sơn ca nuôi trong cổ họng xin ca nhạc phẩm “Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây” nhạc của (…), lời Phạm Tiến Duật. Nhạc Việt Nam được trộn pha ácjăngtin… liến thoắng như cái máy mà hấp dẫn. Lúc ấy, nó thật đáng yêu, và con người nó hoàn toàn là của nghệ thuật.
Có điều là những cái nó viết ra xanh xao lắm, và hơi trừi tượng, nó đèm đẹp và trơn tru, nhẵn nhụi; Nó thiếu một sức ấm nóng lan toả. Có lẽ điều đó không phải không đáng ngại.
Mình không muốn và không được đi theo con đường ấy. Cứ kiên trì, bình tĩnh và tích cực, mình sẽ làm được hết.
Có điều thơ là gì mình cũng chịu. Thơ không cần chi tiết mà cần hình tượng. Hình tượng thơ phản ánh tâm hồn con người. Đó là điều quan trọng trong thơ.
Cuộc sống này, mình rất yêu, rất đắm mình vào. Nhưng sao ngòi bút cứ tắc, cứ ngắc ngoải? Có phải vì mình không có khả năng? Dám thế lắm.
Càng ngày mình càng hiểu: Không dễ dàng gì đâu. Dẫu anh có đi nhiều, biết nhiều, nhưng cũng cần phải có phương pháp tốt.
Trước kia, còn viện cớ này nọ. Nào dò đường, nhận đường, nào tự tìm mình, tự xác định dấu vết… Nhưng chẳng lẽ mình cứ hão huyền thế mãi. Cứ lí luận suông thế mãi hay sao?
Mình đã sống thật hay chưa? Chưa, chưa nghiêm túc sống. Trong cả sinh hoạt, trong cả rèn luyện và trong cả danh dự, lương tâm của người cầm bút tự giác.
Ao ước quá, nếu như được đi trên tuyến đường Quyết Thắng, được đi trên đỉnh Trường Sơn, gặp nhà thơ trẻ P. T. Duật… Mình không biết sẽ hỏi gì, nhưng chắc chắn cuộc gặp gỡ đó sẽ thú vị biết bao.
Bao nhiêu điều muốn hỏi. Bao nhiêu băn khoăn thắc mắc: Thế nào là đề tài, chủ đề thơ? Thế nào là cấu tứ một bài thơ? Nhưng quan trọng hơn cả là nhìn cuộc sống ra sao để có thể đưa vào thơ, vào truyện những vấn đề nóng hỏi của cuộc sống.
Mình bắt đầu ghét những cảm xúc mòn, xáo về một đêm hành quân, một đêm gác khuya, một buổi gặp gỡ hoặc chia tay trong cái ngõ nhỏ thơ thơ. Không phải là Lý Bạch để có thể quên “Hoàng hạc lâu” mà sáng tác. Cứ hành quân, là trong đầu lại thơ, lại những bài thơ về hành quân mà mình đã đọc. Vậy là chịu, không thể có một ý gì mới mẻ nữa.
Chẳng có lẽ bầu trời kia không dành riêng ta một ngôi sao xanh, một ngôi sao đỏ làm nên cái lấp lánh của bài thơ?
Mình đi lạc đường chăng? Đâu là “Đường vào thơ”? Càng nghĩ, mình càng bị day dứt và dằn vặt. Mình hiểu rằng không thể rời bỏ được thơ, được văn. Nhưng viết ra thì không đủ độ chín. Chí nghĩ trong đầu đã đủ thấy nó xèm xẹp, chỉ muốn dập tắt cái cảm xúc ấy đi. Không hiểu nhà thơ nào đã nói: Ai đến với cuộc đời chiến đấu để làm thơ thì khó mà làm nên hồn một bài thơ. Hãy bắt đầu từ cuộc sống, và từ đó sẽ nẩy ra thơ.

Mình đến từ đâu? Mình mong làm được thơ, làm được nhiều thơ hay để làm gì? Thú thực, chưa rõ ràng gì cả. Có lúc, mình muốn làm thơ chỉ vì được đọc một bài thơ hay đến xuýt xoa! Có lúc lại muốn làm thơ để có tên mình trên sách báo “Lưu truyền hậu thế” hay sao? Tư tưởng này rõ ràng là xấu, không xuất phát từ quan điểm đúng đắn: Phục vụ nhân dân. Hãy bắt đâu bằng người lính.
Bao nhiêu cơn mơ, chỉ còn lại những cơn mơ hữu ích. Nhưng đêm tháng 7… “Tháng 6 qua rồi T. nhỉ, bây giờ là tháng 7”… – “Tháng 7 là gì?” – “Tháng 7, mùa thu, lá phong đỏ…” Cô gái nhỏ ấy ư, trong “ngõ cụt của tâm hồn”…
Mùa thu trải dài như vô tận, cái màu xanh da trời như một niềm thương nhớ khôn nguôi…
Nhưng còn mùa xuân, mùa xuân, mùa vạn vật sinh sôi của trăm ngàn hoa thơm quả ngọt… “Thế là P. đã ở đây với những mùa đông lạnh lẽo và hoa tuyết thờ ơ, bình thản này… Biết bao giờ ta mới gặp nhau? Bỗng nhiên lòng buồn vô hạn. Hay là không bao giờ nữa? Và mùa xuân của cuộc đời P. là như thế đấy…”
Không phải là như thế! Mùa xuân sẽ về, sẽ đẹp tuyệt vời nhờ sức lực của chính mình.
Tự nhiên, mình cảm thấy và rất rõ ràng, mình có trách nhiệm với cuộc sống của P.. P. như một cái gì, như trái tim mình, như một phần thân thể mình. P. có khoẻ không, có nhức đầu và mệt mỏi hay không? Những đêm khuya như thế này, P. đã đi ngủ hay chưa? Bài chắc nhiều và khó, có lúc nào P. phải nhíu mày, tập trung suy nghĩ về một bài toán? Ước gì giúp được cho P. phần nào, đỡ cho P. một phần khó khăn trong học tập…
Nhưng xa nhau rồi… Kisinhốp, một thành phố nhỏ li ti trong cả liên bang Xô Viết, xa lạ, xa lạ… Còn ngày mai, mình sẽ ở đâu, mình sẽ đi đâu, không thể biết được. Chẳng bao lâu nữa là hai đứa hoàn toàn bặt vô âm tín… Rồi sau đó sẽ ra sao? P. sẽ sống ra sao giữa Thủ đô của bình yên và sung túc, của vật lý hiện đại?
Và chính cả mình nữa, mình sẽ sống ra sao?
Cơn gió thổi từ phía đồi mặt trời qua hồ cá. Sương mù thốc nhẹ lên rặng phi lao ven đường… Con trâu đi ngang, con cá trắng bơi dọc, và những vòng sóng hình tròn toả rộng xung quanh… Sự sống hiện ra ở khắp mọi chiều. Và chỗ nào mà chẳng có mầm xanh, chỗ nào mà chẳng có giọt nắng hình quả trứng lăn nghiêng?
“Dĩ vãng thì đã xa xăm. Mà cuộc sống thì luôn cất tiếng gọi trở về” – Altưnai đấy – Có phải đấy là lời tự bào chữa. Song, chắc Đuy Sen cũng rất hài lòng về chuyện đó – Như vậy đúng hơn và hợp lô-gich hơn!
Bắt đầu là bộ đội. Rồi sau là thầy giáo. Sau nữa là Đuy Sen. Tập đó là Anh – và cuối cùng, là Người, là ông già đưa thư âm thầm, lặng lẽ… Đuy Sen sao khéo chôn kỷ niệm của mình mà sống. Đâu phải dễ dàng vì hai cây phong còn đó, vì ngọn đồi Đuy Sen còn đó và mùa thu trở lại, lá phong đỏ lại rơi, tơi bời trong chòm râu bạc… Con người đó đáng kính phục lắm, lý tưởng lắm. Đã có ai trên đời này lấy Đuy Sen thay cho Carơsaghin? Cuộc sống này thi vị biết bao và cần nghị lực biết bao!
Tại sao Đuy Sen lại tự im lặng, tự ôm lấy con tim mình cho nó khóc? Vì hạnh phúc của Altưnai ư? Vì quyền lợi của học trò ư? Vì ước mơ cao cả của cả thầy và trò, của dân làng vùng Kadắc, thèm khát vươn tới đỉnh cao của khoa học…
Còn nhiều nữa và tin rằng, tất cả là sự thật. Nếu như Altưnai và Đuy Sen lại ở bên nhau như hai cây phong tuyệt diệu như vậy, thì ông già Đuy Sen cũng là một cái “tôi” to tướng…
Ta biết vậy, ta biết vậy… Và con đường cũng mở cho ta hai nhánh lớn. Đuy Sen ơi, Người là ngọn lửa, là ngọn lửa hồng giữa đêm thâu giá buốt. Ta ước mong gì hơn nữa, được làm, được sống như Đuy Sen, được đau khổ và sung sướng như Đuy Sen…
Ôi, tiếng nói nghẹn thắt của Người thầy đầu tiên khi con tàu chuyển bánh, cái tiếng thất thanh của con tim ứ tràn niềm xao xuyến… Altưnai… Altưnai… Cái tiếng thân yêu ấy bánh sắt của con tàu đã lăn qua – Hay trái tim giầu xúc cảm và lòng nhân đạo, lòng cao thượng ấy bị bẹp nát trên đường xe lửa?
Cuộc sống tuyệt vời biết bao, trong thực tế và trên trang sách. Nhưng cuộc sống cũng bi thảm biết bao. Cái đẹp còn trộn lẫn niềm sầu muộn. Cái nên thơ còn lóng lánh giọt nước mắt ở đời. Bao giờ để niềm vui về cùng hạnh phúc, để những đôi bạn bình yên dạo trong rừng bạch đàn, có ánh nắng xanh dịu và những đàn chim câu trắng muốt điểm sáng của rừng?
Phải đấy, rừng không nên thơ như ta tưởng. Và để ngày mai tuyệt diệu ấy, hôm nay, có bao người cầm súng, có bao người gửi gắm vào thiên nhiên xanh tươi, vào cánh rừng gai góc âm u tất cả thời thanh xuân của mình.
Ai đấy, khi nắm tay người bạn thân yêu của mình, khi cánh buồm xanh đi về, cánh cửa trời rộng mở, chớ quên dưới chân mình là cát sỏi, là hòn đất đượm mồ hôi, thấm máu của bao thế hệ, mà cuộc sống của họ đã xa xôi…
Ai đấy, khi khoác vai người bạn yêu quí của mình, chỉ cho bạn, kia là ngôi sao Hôm – ngôi sao Mai. .. Ngôi sao ban chiều và ngôi sao của bình minh. Chớ quên rằng, có buổi sáng nào, sao Mai, mang màu đỏ, màu máu và màu lửa! Chớ quên rằng, để đêm trăng có những ngôi sao tình tự, để con người tự do mơ ước vươn tới những đỉnh cao xa; có những trái tim đầy khát vọng phải xếp vào ba lô mọi mơ ước dịu hiền nhất, mọi tương lai cá nhân quen thuộc nhất. Mà đánh giặc.
Có lúc nào anh tự hỏi mình: Đâu là chiến hào đánh Mỹ? Đâu là dây cung để bật những mũi tên căm uất? Còn tôi. Từ rất lâu rồi, tôi đã tìm ra đâu là chỗ đi và chỗ đến của mình…


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.