Đọc truyện Mãi mãi tuổi hai mươi – Chương 18: Nguyễn Văn Thạc (16)
24/5/72
Lại.nói tiếp ve những trang lý lịch – Người ta bắt khai tỉ mỉ hết sức – Nào là ông, bà, cô dì, chú bác. Làm sao mà nhớ được cơ chứ – Ngay cả cái tên mình cũng khó mà nhớ được Nữa là phải nhớ cả ngày tháng năm sinh. Nhớ cả sinh hoạt vật chất và chính trị của các cụ ấy từ ngày mình có lẽ chưa có một chút gì trên trái đất này, ngay cả đó là những tế bào đầu tiên đơn sơ nhất!
Cứ mỗi lần giở lý lịch – mình lại càng thêm khẳng định trách nhiệm nặng nề của mình hôm nay. Hôm nay ra đi không phải chỉ là trách nhiệm của cá nhân mình cho trọn vẹn, mà mình còn phải làm cả phần gia đình, phần ông bà, cha mẹ.
Có lẽ vì do nghĩ như vậy mà mình không muốn ghen tị hay đòi hỏi gì dễ dàng về mình chăng. Phải khẳng định rằng mình đã cố gắng nhiều để trở thành một con người tốt, theo đúng ý muốn của mình.
Tuổi thơ ngây thơ, chưa làm gì được cho đời mà lại chỉ gây thêm phiền phức. Nhiều lúc ngẫm lại, cứ tự trách mình, dạo còn nhỏ, hẳn có nhiều lúc mình đã mặc chiếc áo mới đứng bàng quan ở bến tàu. Mình đứng trẻ dại ở bậc thang có làm buồn tận cõi sâu tâm hồn của một người lớn nào đã cảm thấy xa xôi cả một thời thơ ấu của nình?
Bây giờ lớn rồi – Mình đã hiểu nhiều hơn, đậm đà hơn lòng người. Mình hiểu được thế nào là lòng nhân đạo cao cả của lòng người – Người ta có thế hy sinh tất cả – Hy sinh là hết thảy những gì của riêng mình cho người khác. Mà sự hy sinh ấy là cần thiết, là đúng đắn, chứ không phải sự hy sinh một cái gì gò bó. Một sự hy sinh hò hét và không cần thiết.
Lòng tin tưởng ở con người cũng chính là một nét riêng rất độc đáo của lòng nhân đạo – Điều này thầy Lưu đã nói rất nhiều với mình từ 3 năm trước, từ hơn 2 năm trước – Nhưng đến giờ mình mới hiếu một cách sâu xa và đầy đủ nhất.
Có thế ngày mai, cuộc đời sẽ trả lời mình bằng luồng gió lạnh ngắt, nhưng có hề chi, khi mình đã cống hiến cho cuộc đời một tâm hồn chính trực và cao cả – Biết yêu và biết ghét – Biết lăn lộn trong cái bình dị của cuộc sống mà cảm hiểu hạnh phúc không có gì so sánh nổi. Biết sống cao thượng, vươn lên trên tất cả những gì tính toán cá nhân mòn mỏi và cằn cỗi. Phải, mình phải sống như vậy, phải cống hiến cho cuộc đời một tâm hồn như thế – Đây là mơ ước là nguyện vọng, quyết tâm và cũng là trách nhiệm mình phải làm. Phải làm.
Thạc còn buồn không? Có còn buồn bã vì những năm tháng phải xa trường đại học, vì không được ra nước ngoài học tập – Vì các bạn Thạc, người đi đây, người đi đó, sống êm ả, sung tức với tập giáo trình. Ngày mai, các bạn về, các bạn có kiến thức, các bạn là kỹ sư, là các nhà bác học, còn Thạc sẽ chỉ là một con người bình thường nhất, nếu chiến tranh không cướp đi của Thạc một bàn chân, một bàn tay…
Cũng không ngờ rằng dạo lớp 7, bài văn học sinh giỏi của miền Bắc lại chính là lời tiên tri cho tâm trạng mình sau này: “Trước kia bị áp bức, bóc lột đau khổ đã đành. Bây giờ, cái dốt nát về khoa học kỹ thuật cũng phải xem là một điều rất đáng đau khổ!” (Lê Quẩn). Đấy, bình luận câu ấy đi.
Nếu như giờ đây, cho mình trở lại trường cấp 2 và làm lại bài văn ấy, mình tin rằng sẽ làm tốt bài văn đó. Vì bây giờ, mình đã thấm thía biết bao nhiêu nỗi khổ tâm, khi bản thân mình hoàn toàn mù tịt trước mọi vấn đề hôm qua mình hy vọng rằng sẽ nhanh chóng nắm chắc lấy nó.
Dạo ấy, có 8 đứa thân nhau, cùng đi thi học sinh giỏi văn miền Bắc trong đội Hà Nội. 8 đứa thì cùng phòng từ cụm, huyện, thành phố, và sau cùng, đều thi miền Bắc. 4 đứa con trai, còn lại là con gái: Lan – Hồng – Anh – Tấn – Bình – Lân – Hùng và tớ. Lan thì bị bom năm mình lớp 9 rồi- Vũ Hồng và Tấn, giờ đang học ở Nga – còn Phạm Kiều Anh hình như đi nước ngoài, ở nước ngoài, nước ngoài nào không rõ Bình và mình đi bộ đội – Lân học Triết học ở trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp. Hùng học bên Tiệp- Các bạn đã đi gần hết – Và bài văn thuở ấy hẳn hun đúc trong lòng mình niềm vui, trong lòng các bạn mình say mê học tập – ù, đúng đấy, dốt nát về khoa học là điều đau khổ vô cùng.
Hùng ơi, thằng bạn quê Sài Gòn, hôm nào ngồi trong phòng thi, nó cúi gằm mặt xuống bàn có đến 30 phút – Rồi ngẩng lên và tha hồ cắm cúi, cắm cúi viết, viết hoài. Nó tưởng chừng quên hết mọi người ở xung quanh và say mê với điều đang nghĩ ngợi. Hùng nghĩ gì nhỉ, Hùng hẳn nhớ đến ba má đang sống giữa Sài Gòn tăm tối, dưới ách quân thù. Phải, lòng khát vô tận ấy của những người thân yêu trên quê hương đã giục giã Hùng để nó làm bài văn được giải duy nhất của Hà Nội trong năm ấy. Hùng đang nghĩ ngợi điều gì nhỉ. Và các bạn kia nữa? Các bạn đang nghĩ ngợi điều gì? Hẳn các bạn đã quên tiệt mình rồi – Quên tiệt cái thằng bạn cứ hay ngồi lọt thỏm trong cái cống xỉ than làm hầm của người ta bỏ lăn lóc trên hè phố… Chỉ cần các bạn đừng bao giờ quên cái đề văn năm ấy, cái đề văn giờ đây đang trăn trở và day dứt tự đáy lòng mình.
Các bạn đi xa, các bạn ở lại còn được học hành, hẳn sẽ học thay cả phần mình còn bỏ dở. Mình nghĩ đến những tình bạn cao cả và đẹp đẽ của Mác-ănggen. Mình nghĩ đến vần thơ của nhà thơ trẻ Bế Kiến Quốc – bài thơ về tình bạn ấm cúng và tha thiết biết bao nhiêu:
“Ta thông với nhau như hai bình nước
Niềm vui từ ở bạn sẽ về tôi…”
(Tình bạn)
Mình nghĩ đến lớp người tìm nhau trên trận tuyến – Ao ước từ bao lâu rồi, mình ao ước từ bao lâu rồi đi trên đường Trường Sơn và gặp nhà thơ trẻ của quân đội – Phạm Tiến Duật – gặp anh và nói chuyện với anh về cái tổng đài nằm chênh vênh bên núi cao, về tiếng thở của rừng sâu, và cái tiếng hát không biết màu gì mà thiêu đốt lòng người.
Mình đi tìm Phạm Tiến Quật. Còn anh, anh đi tìm Ca Lê Hiến, nhà thơ mà tập thơ đầu là “Tiếng gà gáy” báo hiệu một tài năng:
Trong những căn nhà dã chiến. Hiến ơi.
Tôi hỏi chuyện về anh và không kìm nỗi nhớ
Tình đời thiết tha có thể nào để dở
Đất vẫn nặn mồi, nặn bát những triền sông…”
(Những dòng sông chảy mãi…P.T.D)
Còn Ca Lê Hiến, anh chẳng yên tâm ngồi trên giảng đường trường đại học, anh không thể nghe hết tập giáo trình lịch sử – Không thể ngồi nghe tiếng gươm khua trong những trang giấy. Anh đi tìm Giang Nam. Anh đi tìm tiếng thơ trong trẻo và khoẻ mạnh nhất của miền Nam thuở ấy Anh đi theo tiếng gọi của trái tim mình…
Ca Lê Hiến giờ đã nằm xuống. Tài năng của anh đang độ phát triển và anh chưa kịp làm những gì tuổi thơ hằng mong ước. Nhưng những dòng sông ấy, có bao giờ cạn được Tiếng thơ của anh vẫn tiếp sức cho những người sau đi tới.
Tôi nghĩ đến những điều vĩnh cửu của tình bạn chân thực nhất: Không, ở lịnh vực này nên tách rời tình yêu ra – mặc dù tình yêu cũng chính là một tình bạn chân thực và cao quí. Phải tách ra, vì đôi khi, tình yêu còn làm nhiệm vụ riêng của nó.
Bất kỳ một thứ tình cảm nào, bất kỳ mối quan hệ kỳ lạ và thiêng liêng nào nếu như không biết gắn cái riêng của mình vào sợi dây vô hình mà bền chắc vô cùng của công việc trên đường thực hiện lý tưởng của mình, thì tình cảm ấy không thề gọi là đẹp đẽ, không thề tồn tại lâu dài, không thể vượt qua được những thử thách gay go và ác liệt của cuộc đời.
Lúc này đây, mình muốn nghĩ đến Như Anh là một người bạn chân thành và đáng tin cậy nhất. Lúc chia tay, bên hàng cây mờ ảo con đường dẫn ra ngoại ô thành phố. Như Anh đã thận trọng bảo mình: “Tình bạn thôi, Thạc nhé! Tình bạn thôi ư? Khi ta đi hơi xa một chút khỏi cái ranh giới ấy của cuộc đời – Nếu như đây là đất Nga phủ đầy tuyết trắng – Ta sẽ làm Paven và Ria, đôi bạn, đôi bạn có tình cảm trong sáng và đẹp đẽ biết chừng nào…
Lúc ấy, quả thực, mình không đồng ý. Mình không đồng ý vì sao cũng không còn biết nữa. Linh cảm mơ hồ không cho phép mình gật đầu. Song giờ đây, mình sẽ nói với Như Anh như thế – Mình sẽ nói với Như Anh rằng: “ù,anh bạn thôi – chỉ cần tình bạn và mình chỉ muốn là người bạn theo đúng nghĩa sát thực của nó!”. Tình bạn ấy có chân thực hay không tuỳ thuộc mức độ tin tưởng của Như Anh đổi với mình – Như Anh có nghi ngờ chút gì về lòng chung thuỷ của mình hay không? Câu hỏi ấy, mình đã đặt ra bao nhiêu lần, và lần nào cũng khẳng định – Không, nhất định Như Anh sẽ không nghi ngờ gì cả. Như Anh sẽ tin rằng mình nói thật – Trong cuộc đời này, tình yêu chỉ có the nẩy nở với Như Anh và không thể với một người khác được Mình đã yêu Như Anh, cái tình yêu đầu tiên trong sáng nhất và cái tình yêu duy nhất trong cả cuộc đời mình – Cái tình yêu thanh bạch – không hề có gì bụi bặm của đòi hỏi hưởng thụ nhục dục – Như Anh còn mong mỏi điều gì hơn thể nữa?
Chúng ta sẽ là bạn. Chúng ta sẽ là bạn của nhau mãi. Và như vậy, tha hồ gặp nhau, tha hồ trò chuyện – Không còn sợ có gì ngăn cản dúng ta cả. Nhất là mình không muốn để một nỗi khổ dai dẳng và đau xót cho một người bạn nào trên trái đất này.
Con người có sức chịu đựng kỳ lạ vô cùng – Mình tin tưởng ở sức chịu đựng ấy có thể giúp cho mình vượt qua mọi cám dỗ, mọi đòi hỏi nhỏ bé và mốc thếch. Tuổi thơ lang thang trong tâm hồn, thì giờ đây, lang thang bằng đôi chân cầu thủ, mình đã cố gắng hết sức để tâm hồn mình trong sáng và đập nhịp với cuộc sống hào hùng, biến động Mình muốn mọi niềm vui, mọi nỗi lo lắng của mình đều là niềm vui và nỗi lo lắng của cả dân tộc, của thời đại mình đang sống.
Ch. hay nói mình, nó bảo mình nghĩ mọi điều đều đơn giản và thẳng băng. Nó bảo mình quá ư nhìn đời bằng một màu hồng – Nó bảo mình lý thuyết và nhất định vấp phải gai góc của cả cuộc đời. Với nó, nghi ngờ hết thảy! Nó nghi ngờ những người con gái đang đi học xa Tổ quốc. Rằng họ không hề có được sự chịu đựng cần thiết mà bạn bè mong muốn. Ch. bảo, đấy là sự thật, và theo nó, người ta nên có cách nhìn nhận riêng và không nên rập khuôn máy móc.
Mình nghĩ rằng, đến một tuổi nào đó, cả tuổi trẻ ngông cuồng và lắm ý kiến mới lạ, cứ thích tìm cho mình một quan niệm nào đấy mâu thuẫn in ít hay đôi khi đối lập hẳn với quan niệm chính thống của thời đại và cơi như mình đã tìm ra điều gì đáng quí lắm – Như một phát minh lớn. Họ kiêu ngạo nhìn những người khác đang theo đuổi khái niệm sách vở – Và tự bảo, chỉ có họ mới nghĩ được điều ấy mà thôi. Còn những người khác là sách vở, rập khuôn, là không có tính độc đáo, là tô hồng, v.v…
*
* *
Và bây giờ, tạm biệt cuốn Nhật ký đầu tiên của đời lính Không kịp xem lại được một lần. Không kịp chữa những âm bằng âm trắc trong cấu trúc một câu văn vội vàng và bụi bặm. Chuyện đời” mà thực ra, chẳng có chuyện gì. Một mớ tùm hum, xám xịt như căn bếp bỏ hoang.
Ngày mai, ngày kia… Phải để lại tất cả ở đằng sau. Tôi không thể để cho ai đọc những đòng suy nghĩ này. Trừ khitôi không còn sống mà gìn giữ nữa.
“Chuyện đời thì chưa viết hết vài chục trang giấy – Còn “Chuyện biển” thì chỉ được vài trang thơ – Nhật ký! Chao ôi, chuyện phiếm!
Kẻ thù không cho tôi ở lại – Phải đi – Tôi sẽ gửi về cuốn Nhật ký này, khi nào trở lại, khi nào trở lại tôi sẽ viết nốt những gì lớn lao mà tôi đã trải qua từ khi xa nó, xa cuốn Nhật ký thân yêu của đời lính.
Ừ, nếu như tôi không trở lại – Ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này? Tôi chỉ ao ước rằng, ngày mai, những trang giấy còn lại đằng sau sẽ toàn là những dòng vui vẻ và đông đúc. Đừng đề trống trải và bí ẩn như những trang giấy này.
Một ngày cuối tháng 5/72
Hà Tĩnh
Anh lính binh nhì
Kính chào Hậu phương – Chào gia đình, và người tôi yêu. Đêm nay tôi đi – Nhất định có ngày trở về Thủ đô yêu quí của lòng tôi.
3/6/1972
Ngã ba đồng lộc
Hết