Đọc truyện [Ma Thổi Đèn] Phủ Tiên Độc Cổ – Chương 1: Lời dẫn
Dịch giả: gaygioxuong
Shirley Dương bị kẻ khác hạ độc, đầu óc không còn minh mẫn, không nhận ra được người quen. Tuy rằng hiện thời đã lấy được cổ độc ra, nhưng vẫn chưa xác định được nó thuộc giống loài nào. Tôi nhờ chú Tiết nói cho biết về sự huyền bí của trùng cổ. Ông lão lấy ra một số sách cổ, giải thích tường tận cho tôi nghe: Miêu Cương phóng cổ, xác thực là bí ẩn ngàn đời của con người. Cổ, còn thường được gọi là ma cỏ, trong tiếng Miêu là “Khi”. Xưa nay, thuật vu cổ chưa bao giờ tàn lụi.
Từ thời Tây Chu đã có ghi chép về cổ. “”Chu lễ – Thu quan”” viết: “Trăm họ muốn trừ cổ độc, phải dùng cây nhương hà vậy.” Trong “Tả truyện – Tuyên công năm thứ hai” lại viết: “Lý Khắc nước Tấn mắc bệnh do cổ.” Đến thời Tây Hán, vu cổ đã trở nên thịnh hành trong triều đình, ngay cả trong hoàng thành cũng bị ảnh hưởng sâu rộng. “Họa Vu Cổ” thời Hán Vũ Đế, số người liên quan bị chết lên tới mấy ngàn. Đến thời hậu Hán, Đường, Vu Cổ ngày càng hưng thịnh. Thời Đại Tống, những truyền thuyết về vu cổ lan tràn khắp các tỉnh vùng duyên hải của Phúc Kiến. Đến thời Minh Thanh, lại có lời đồn các nơi vùng tây nam rất thịnh hành thuật vu cổ. Đến đời nhà Thanh và những năm dân quốc, phong trào vu cổ dần tàn lụi, lác đác chỉ còn vài như Tương Tây, Vân Quý là còn lưu truyền cổ trong người Miêu. Đặc biệt, trong một số bản ghi chép của các quan lại địa phương trước đây miêu tả lại việc này rất kỹ. Như trong cuốn thứ bảy của “Càn châu sảnh chí” đời nhà Thanh có viết: “Phụ nữ Miêu có thể Vu Cổ giết người, thường gọi “Phóng ma cỏ”. Gặp người có cừu oán hay hiềm khích thì sẽ phóng (cổ) ra. Nếu phóng (cổ) ở bên ngoài, tức thì trùng xà ăn mất ngũ thể, phóng (cổ) ở bên trong tức thì ăn ngũ tạng(1)…”. Những bản ghi chép như vậy có khá nhiều.
(1)Ngũ thể: gân, mạch, thịt, da, xương. Ngũ tạng: tim, gan, lá lách, phổi, thận
Chú Tiết giảng giải kỹ lưỡng về lịch sử Vu Cổ cho tôi nghe, cuối cùng chốt lại: “Chú có một người bạn thân thiết, đã từng làm quan lớn ở Vân Nam. Vài ngày trước, khi chú hỏi thông tin về cổ độc, ông ấy đã lập tức đề cử một vị nhà nghiên cứu uyên bác. Nếu đã muốn tìm hiểu, sao quản lý không cất công tới Vân Nam một chuyến cho rõ ngọn ngành.”
Bởi vì câu nói của chú Tiết, đồng thời nhân tiện truy xét thân thế của lão già thần bí kia, cả bọn tôi lại tiếp tục dấn thân vào một chuyến hành trình mới, đích đến là cái nôi của muôn loài cổ trong truyền thuyết, Vân Nam.