Ma Đạo Tình Kiếp P1

Chương 103: Tơ Rối Nhất


Bạn đang đọc Ma Đạo Tình Kiếp P1 FULL – Chương 103: Tơ Rối Nhất


Giọt sương giá trên ngọn cây rơi xuống, nhiễu lên cái trán của Lam Hi Thần.

Đã là lần thứ tư giọt sương đó rơi xuống, cũng là ngày thứ mười.
Y bây giờ không còn ý thức được bản thân mình đang nóng hay lạnh, hai mắt khép mở trong vô thức dõi ra hướng bờ biển, trông chờ một hình bóng quay về.
Có tiếng bước chân giẫm lên lớp cỏ khô kêu lộp bộp.

Lam Hi Thần vẫy tai, mắt mờ mờ nhìn thấy một thân ảnh đang tiến tới, lập tức chống chân gượng ngồi dậy.
“Xin chào Trạch Vu Quân! Tới lúc về nhà rồi!”.
Thấy Lam Hi Thần ảo não cụp tai, Đàm Triết lấy làm liền ngồi xuống hỏi “Thái độ gì đây? Sắp về nhà thì ngươi nên vui mới phải? Thế nào, mấy hôm nay có lưu lại ấn tượng…..”.

Bàn tay vừa chạm tới người y liền rụt lại, giọng của Đàm Triết trở nên thảng thốt “Ngươi bị làm sao vậy? Sao cả người nóng như cục than thế kia?”.
Lam Hi Thần lắc lắc đầu cố lấy lại một tia tỉnh táo, run rẩy nhảy xuống đất.

Chân yếu đến mức vừa chạm tới mặt đất đã vô lực ngã ra.

Đàm Triết hốt hoảng định kéo y lên, y liền viết vội một chữ “Khoan”.
Đàm Triết không bận tâm mà nhấc y lên, vừa đi vừa nói “Còn khoan với chẳng đã cái gì nữa? Ngươi phát bệnh rồi, phải mau đi uống thuốc mới được”.
Lam Hi Thần dùng chút sức lực vùng vẫy, kêu la mấy tiếng khàn khàn.
Đàm Triết cuối cùng phát hiện điều bất thường, tặc lưỡi “Lại có chuyện gì?”.
Lam Hi Thần chỉ chỉ xuống đất, Đàm Triết không biết y có ý gì nhưng vẫn thả xuống.

Lam Hi Thần nhìn quanh rồi gắng sức đi đến chỗ đất nhiều cát hơn cập bờ biển, viết “Ta có thể nhờ ngươi một chuyện không?”.
Đàm Triết đọc xong liền làm ra vẻ nghi hoặc “Đừng có nói với ta là ngươi muốn ta cho ngươi thêm thời gian đấy nhé! Nếu vậy thì khỏi cần nhờ, ta để ngươi ở đây luôn, để ngươi tự mình xoay sở”.
Lam Hi Thần lắc lắc đầu, lại viết “Không phải chuyện đó.

Ngươi có biết chỗ nào có đá ngọc anh không? Ta muốn nhờ ngươi mang ta đi tìm đá ngọc anh đem về đây trước, rồi sẽ trở về sau”.
Đàm Triết ngẩn ra “Đá ngọc anh? Ngươi cần đá ngọc anh làm gì?”.
Lam Hi Thần viết “Ta muốn dùng nó tạ lỗi một người”.
Nếu là do y làm vỡ tâm huyết của hắn, y phải có trách nhiệm bồi thường mảnh tâm huyết đó.

Biết đâu, sau khi lấy được đá ngọc đem về đây, Nhiếp Minh Quyết cũng đã trở lại.

Vậy thì y có thể gặp hắn một lần cuối rồi!
Đàm Triết vuốt cằm suy nghĩ một lúc rồi nói “Đá ngọc anh thì ta biết ở đâu, nhưng mà lấy được nó thì không dễ chút nào”.
Lam Hi Thần ngẩn đầu nhìn cậu ta, tỏ ý thắc mắc.
Đàm Triết bắt đầu giải thích rằng đá ngọc anh vốn chỉ có ở Tây Hải, thuộc núi Phù Ngu nằm ở đảo Vạn Điểu.

Núi Phù Ngu ấy ngày trước cũng có tên là núi Vạn Điểu, sau này đổi tên vì có sự xuất hiện của một trong bốn vị Phượng Hoàng chi nữ, Lam Phù thánh điểu.

Đó là đứa con gái út và là người con thứ tám trong chín đứa con của Phượng Hoàng.


Nếu như trong các con trai Phượng Hoàng thiên vị Đại Bàng Kim Sí Điểu nhất thì Lam Phù là con gái được cưng chiều hơn các tỷ muội của mình.

Đại Bàng Kim Sí Điểu trước khi theo Như Lai về Tây Phương thường ăn mỗi ngày năm trăm thần long, cũng phải chia Lam Phù hai phần ba.

Vật cưỡi của Tây Vương mẫu là Thanh Loan mỗi lần gặp Lam Phù thì phải nhường đường để muội muội bay trước.

Ngay cả người chị lớn Khổng Tước về sau trở thành Phật Mẫu uy danh không hề nhỏ của cõi Phạm Thiên Phật cảnh cũng phải nhường nhịn Lam Phù mấy phần.
Năm đó sau khi Long Hán sơ kiếp kết thúc, Tổ Phượng và con trai mình là Côn Bằng cùng Tổ Long và Tổ Lân đồng quy vu tận, chỉ còn lại con gái của Tổ Phượng là Phượng Hoàng nhận mệnh lệnh của Hồng Quân Đạo Tổ mà dẫn Phượng tộc đi cai quản các hòn núi lửa.

Phượng Hoàng đã xin với Đạo Tổ ngài thương tình cho phép chín đứa con của mình được miễn đi theo, ngoài ra còn cầu xin cho Lam Phù được ở riêng một ngọn núi.

Núi ấy tích trữ vô số châu ngọc đá quý của thế gian, lại có vô số thụy điểu* sinh sống.
*Thụy điểu: loài chim thần mang đến phúc lành.
Lam Phù không những là ấu nữ của Phượng Hoàng mà còn được xem là nguyên khí ứng hình của thần điểu Phát Minh, một trong Ngũ phương thần điểu ban phát phúc lành, nên Lam Phù mới được xưng là thánh điểu, có thực lực mạnh nhất trong số chín người con của Phượng Hoàng.

Ngoài ra, do được Phượng Hoàng nhất mực bảo hộ, các huynh đệ tỷ muội kiêng dè khiến địa vị của Lam Phù vô cùng tôn quý, được xem là Phượng Hoàng ứng thân.

Có câu “bách điểu triều Phượng”, mà “Phượng” ở đây chính là chỉ Lam Phù.
Tuy thân phận không khác gì vạn điểu chi vương nhưng Lam Phù lại có sở thích rất kỳ quặc.

Cả ngày chỉ thích ở tại chỗ ngắm nghía mấy món đồ lấp lánh như trân châu, đá ngọc, mã não, lưu ly, xa cừ.

Hơn nữa, Lam Phù còn có điểm giống người cậu của mình là Côn Bằng ở tính cách khắc kỷ, bình thường thì tương đối ôn hòa, nhưng chỉ cần chọc cho nó không vui, nó sẽ bay đến giữa biển vỗ cánh không ngừng, từ đó làm dấy lên một trần cuồng phong bão tố thậm chí có thể trở thành đại hồng thủy nhấn chìm vạn vật mà không ai có thể cản nổi.

Cho nên không có một loài nào dám trêu chọc Lam Phù.

Ngay đến đứa em trai của nó là Điêu Phong, ấu tử của Phượng Hoàng, vốn nổi tiếng là kẻ hay trêu chọc thị phi cũng không dám động tới Lam Phù.

Điêu Phong nể sợ như vậy, vạn vật cũng không có gan lớn để chọc giận Lam Phù thông qua chuyện đến đảo Vạn Điểu mà không có sự cho phép của nó, nhất là tới với mục đích lấy đá quý châu ngọc.

Những món phục sức của Thường Nga tiên tử, Tây Vương Mẫu và Nữ Oa nương nương, để có thể chế tác từ những vật quý trên đảo đều phải hết lời nói ngọt Lam Phù mới có thể lấy về.

Bình thường không một ai dám đến núi Phù Ngu, bởi không người nào muốn trở thành nguồn cơn tức giận của Lam Phù.
Lam Hi Thần dẫu biết là khó khăn, nhưng nghĩ tới ngày trước Nhiếp Minh Quyết chẳng phải cũng đã lấy đá ngọc anh về được, hắn một thân một mình còn lấy được thì y nhờ Đàm Triết đưa tới cũng phải lấy được.

Do vậy liền viết “Ta mặc kệ! Ta phải lấy được một khối ngọc về, nếu không Minh Quyết huynh sẽ không tha thứ cho ta.

Thiếu quân, ngươi đã giúp thì giúp cho trót được không? Ngươi chỉ cần đưa ta tới đó, ta sẽ tự mình lấy”.
Đàm Triết khó hiểu “Chỉ là một khối ngọc, ngươi cần gì phải liều lĩnh thế chứ?”.

Lam Hi Thần kiên cường viết “Chỉ cần khiến hắn tha thứ cho ta, ta cái gì cũng phải làm”.
Đàm Triết ôm trán, lắc đầu “Thôi được rồi! Tùy ngươi.

Dù sao ta cũng lỡ dính tới ngươi rồi, nếu mà không giúp cho trót, sau này ta trong mắt mọi người nhất là Tư Truy, chắc chắn sẽ không có điểm tốt”.
Lam Hi Thần không mấy để ý câu nói của cậu ta, y vội mừng rỡ, viết “Xin đa tạ”.
Rất nhanh sau đó, bọn họ đã tới đảo Vạn Điểu, trên đảo sừng sững một ngọn núi hùng vĩ.

Núi này cây xanh tươi tốt, hoa cỏ thơm lừng đã đành, khiến người ta say mê nhất là tiếng chim ríu rít không ngừng tạo nên một bản nhạc sống động.
Đàm Triết mang Lam Hi Thần đi cập theo những gờ đá dưới chân núi rồi đứng cách một mỏm đá chừng mười thước, mọi tiếng động đều hết sức nhẹ nhàng tránh gây ra tiếng động lớn.

Dù sao cũng chỉ là một khối ngọc nhỏ mà phải cất công lên tận đỉnh núi Phù Ngu để xin phép, thậm chí còn không biết Lam Phù có tâm trạng vui mà cho phép hay không.

Vì để tránh mất thời gian, Lam Hi Thần liền quyết định….trộm cho nhanh.

Từ khi y trở thành hồ ly, gia quy bốn ngàn điều cũng vì Nhiếp Minh Quyết mà vô tình phạm không ít rồi.

Nếu vô tình là phạm mà hữu ý cũng là phạm, vậy thì tiếc gì không phạm thêm một luật cấm để có thể khiến người kia bỏ qua lỗi cho mình?
Những khối đá màu xanh ngọc từ các kẽ hở của mỏm đá đua nhau phát sáng lấp lánh như đom đóm, thế nhưng bao bọc bên ngoài những khối đá ấy là một bầy chim mình tựa chim yến, lông xanh như phỉ thúy, mỏ và bụng đều có màu đỏ.

Đàm Triết nói đó là chim Mân*, được giao nhiệm vụ canh gác đá ngọc anh dưới chân núi cho Lam Phù.
*Mân: một loài thần thú trong Sơn Hải Kinh, có thần lực chống được lửa.

Gồm hai loài là Sơn Thúy lớn như chim gáy, màu tím xanh và Thủy Thúy nhỏ như chim yến, lông đuôi rất ngắn.
Để tiện hành động và tránh truyền tới Lam Phù, Đàm Triết sẽ tìm cách dụ bầy chim Mân kia ra hết bên ngoài, còn Lam Hi Thần sẽ vào trong lấy ngọc.
Bàn tính xong xuôi, Đàm Triết với tay hái một chiếc lá, kề lên môi thổi một điệu.

Âm thanh tuy nhỏ nhưng lại vô cùng thanh thúy mị hoặc.

Lam Hi Thần khó có thể tin Đàm Triết cũng có thể thổi âm luật.
Đám chim Mân nghe tiếng nhạc liền giống như bị thôi miên, nhất tề vỗ cánh bay về phía Đàm Triết.

Lam Hi Thần nhân cơ hội, hít một hơi lấy hết sức mà chạy tới một cái khe gần đó, cố căng mắt nhìn xem khối ngọc nào vừa vặn rồi chồm hai chân trước ôm trọn khối ngọc đó kéo ra.

Khổ nỗi Lam Hi Thần đang bệnh nặng, lực dùng không đủ, mà khối ngọc kia giống như có cái gì kết dính vào đá, gỡ thế nào cũng không nứt được.

Bất đắc dĩ, Lam Hi Thần đành phải sử dụng móng vuốt, cào một nhát vào đế khối ngọc.

Một tiếng “tách” thật lớn vang lên, kèm theo mấy tiếng “cong cong” do đế ngọc nứt ra thành mấy viên ngọc nhỏ rơi xuống đập vào thân đá.


Tuy khối ngọc đã bị tách khỏi mặt đá, nhưng đồng thời cũng gây chú ý cho đám chim Mân.
Bọn chúng trông thấy đã là khi Lam Hi Thần ôm khối ngọc định chạy tới chỗ Đàm Triết, thế là sau tràng tiếng kêu điếc tai của hơn ba trăm con, Lam Hi Thần bị vây giữa bầy chim Mân không thể nào chạy được.

Bọn chúng dùng cái mỏ của mình mổ khắp người Lam Hi Thần, mục đích muốn y mau chóng buông khối ngọc trong tay ra.

May mà cái mỏ của chim Mân không nhọn như mũi kim khâu, nếu không y sẽ bị mổ thủng thân mà chết.

Bây giờ Lam Hi Thần đã hiểu tại sao lần trước đi lấy ngọc về, hai bàn tay của Nhiếp Minh Quyết đều hằn những vết xước.
Bên kia, Đàm Triết nôn nóng hối thúc “Trạch Vu Quân qua đây nhanh lên! Coi chừng lát nữa…..”.
Nửa câu sau của cậu ta bị tiếng đập cánh phành phạch đánh gãy, sau đó là một cái bóng lớn bao trùm lấy chỗ Lam Hi Thần.

Y ngẩn đầu nhìn lên, bên trên mỏm đá là một con chim cực lớn, toàn thân không khác Phượng Hoàng nhưng lại mang màu xanh lam lấp lánh như được dát kim tuyết lên từng sợi lông tơ.
Thánh điểu Lam Phù!
Đàm Triết run giọng “Thôi xong rồi! Tính toán kỹ đến thế mà cuối cùng cũng không tránh được nó”.
Lam Phù thánh điểu cúi đầu xuống, thu hẹp con ngươi nhìn chằm chằm Lam Hi Thần.

Bầy chim Mân sau một lúc thất kinh vì sự xuất hiện của nó thì tiếp tục mổ vào người Lam Hi Thần, còn y thì nhất mực không chịu buông khối ngọc trong lòng.
Lẽ ra đám chim Mân là thụy điểu, chúng nó ít nhiều cũng có lòng tốt muốn giúp Lam Hi Thần thoát nạn, chỉ cần y buông khối ngọc ra thì chủ nhân chúng nó còn có thể tha cho, nhưng y cứ khư khư giữ lấy bất chấp nên đã chọc cho Lam Phù không vui.

Cảm thấy có kẻ to gan dám ở trên địa bàn của nó lấy đá quý mà không được cho phép, lại còn bất chấp lấy cho bằng được, nếu không trừng trị thì còn gì là danh xưng vạn điểu chi vương của nó?
Lam Phù ngửa đầu kêu một tiếng thật lớn.

Lam Hi Thần chỉ nghe bên kia Đàm Triết hô một tiếng “Chạy mau!”, còn chưa kịp hành động thì Lam Phù đã quạt mạnh một bên cánh, đánh Lam Hi Thần quay cuồng té xuống mỏm đá.

Ngoài bề mặt đá sần sùi lởm chởm khiến cho y bị xốc nảy mỗi lần lăn xuống một bậc tựa như có ai đó đem thân mình đập mạnh vào mặt đá, cánh của Lam Phù cũng chẳng mềm mại hơn là bao, chỉ sau cú quạt vừa rồi, mặt cánh giống như lưỡi dao cứa một đường ngay bên chân trái phía sau của Lam Hi Thần, đến khi thân mình y nằm thoi thóp trên mặt đất thì dưới chân đã chảy một vũng máu, vài giọt vì cú rơi lúc nãy mà bắn tung tóe khắp nơi.
Lam Phù có vẻ không nguôi nổi cơn giận, nó đập cánh tạo thành một trận gió lớn, bay lên một vòng rồi lao thẳng xuống phía Lam Hi Thần, muốn một đòn mổ chết y ra thành hai khúc.

Lam Hi Thần tâm trí bắt đầu mê sảng, nằm thở như cá mắc cạn, trong lòng không cam tâm nhưng biết mình không chạy nổi nên nhắm chặt mắt.
“Gràooooo”.
Một tiếng rống thật lớn vang lên, so với đợt đập cánh vừa rồi lực cũng không kém hơn là bao.

Đất đai, cây cối và cả mấy khốc ngọc bám trụ trên đá bị tiếng vọng của âm thanh đó làm cho rung chuyển.

Bầy chim Mân nháo nhác bay, kêu la thất thanh.

Lam Phù cũng bị tiếng rống này đánh bật ra xa.
Lam Hi Thần hé mắt nhìn lên.

Đàm Triết đã biến thành nguyên hình tự bao giờ, không chỉ vậy, cơ thể trước mắt so với lần đầu gặp còn lớn hơn gấp mười lần.

Vô cùng oai dũng hùng hồn.
Lam Phù tuy rằng là huyết mạch của Tổ Phượng, nhưng Đàm Triết cũng là dõng dõi của Tổ Hổ.

Chẳng qua năm xưa Tổ Hổ và Tổ Quy không tham gia Long Hán sơ kiếp cho nên bầy đàn hiếm khi xuất hiện.

Nhưng luận về năng lực, nếu như khiến cho Hổ tính bộc phát, đừng nói là phi thân chạy như cách Phượng tộc bay xuyên ba mươi ba tầng trời, ngay cả lặn xuống tận đáy biển sâu như Long tộc thì Hổ tộc vẫn dư sức làm được.


Huống chi, xưa nay vật biết bay vẫn thua vật chạy trên đất về tốc độ.

Đàm Triết nắm được điểm này, mặc dù trong lòng sợ Lam Phù cứng ngắt đòi quyết tử nhưng không ngừng gầm gừ cố thể hiện hết oai phong của hậu nhân kế thừa từ Tổ Hổ.

Cũng may cho Đàm Triết, Lam Phù xưa nay chưa từng giao đấu với huyết mạch của Tổ Hổ nên không biết đối phương mạnh yếu ra sao, nhất thời bị dọa sợ, kêu mấy tiếng bất mãn rồi bay đi mất dạng, đám chim Mân thấy chủ bỏ chạy cũng không có gan lớn ở lại, con nào con nấy tranh nhau đường chạy, bay loạn xạ cả một vùng trời.
Đàm Triết bấy giờ mới thở phào nhẹ nhõm thu lại hình dáng, nhấc Lam Hi Thần lên, lo lắng nói “Ngươi bị thương rồi, coi bộ không nhẹ đâu? Lam Phù này đúng là đáng sợ thật!”.
Lam Hi Thần kêu lên một tiếng yếu ớt, dùng chân chỉ vào khối ngọc vẫn được ôm cứng trong lòng, ý muốn nói cậu ta đưa về, nhưng là về Kim Ngao đảo.

Giờ này cũng đã chập choạng tối, Nhiếp Minh Quyết có lẽ đã về tới rồi cũng nên?
Đàm Triết biết ý, bặm môi “Ngươi còn không thấy cái chân ngươi đang túa máu ra sao? Muốn đưa ngọc thì trở về khôi phục hình dáng rồi trị thương đâu đó xong xuôi, sau đem tới cho hắn cũng không muộn mà?”.
Lam Hi Thần kịch liệt lắc đầu, nâng ánh mắt thảm thương nhìn cậu ta.
Ngươi không hiểu được đâu thiếu quân.

Sau khi ta khôi phục hình dáng, ta không có dũng khí để gặp hắn.

Hắn cũng sẽ chán ghét hình dáng kia của ta.
Đàm Triết thấy y như vậy, chỉ có thể hậm hực làm theo.
Hai người trở lại Kim Ngao đảo đã là lúc sao trời mọc đầy.

Không lên thẳng Bích Du cung mà đến chỗ phiến đá dưới chân núi.

Đàm Triết thấy đợi một tuần hương không có khả quan vốn định lên trên núi dò hỏi, tình cờ gặp Tự San như thường lệ mang trứng gà xuống cho Lam Hi Thần, qua cuộc nói chuyện giữa Đàm Triết với Tự San, y mới biết đến giờ Nhiếp Minh Quyết vẫn chưa về.
Một nỗi thất vọng lẫn thống khổ dâng trào trong lòng của Lam Hi Thần.
Tại sao hắn vẫn chưa về? Lẽ nào đến phút cuối cùng y ngay cả cơ hội gặp hắn cũng không có?
Đàm Triết đợi Tự San đi khuất rồi ngồi xuống, chống cằm “Ta đã bảo rồi, ngươi theo ta về trị thương trước, đem đồ tới đưa sau cũng có chết ai đâu chứ? Ngươi xem, cả người ngươi bây giờ mềm nhũn như cục bông, còn cái chân nữa, nếu không bôi thuốc thì nó sẽ nhiễm trùng, làm cho ngươi tương lai nhẹ thì bệnh liệt giường mấy tháng nặng thì….!bị gãy chân luôn cho coi.

Chừng đó mội tội lỗi lại đổ lên đầu ta, Tư Truy nhất định sẽ xem ta không ra gì”.
Lam Hi Thần bỏ ngoài tai mấy lời càm ràm đó.

Y nằm bệt ra đất, chân gắng gượng viết “Đợi thêm chút nữa được không? Một chút nữa thôi! Chắc hắn sắp về tới rồi!”.
Đàm Triết bực bội “Từ nãy đến giờ ngươi đã viết đúng mười lăm lần câu này.

Đầy cả ra đất hết rồi.

Ngươi lại còn ngoan cố muốn đợi tiếp?”.
Lam Hi Thần bắt đầu cảm thấy đầu óc ong ong đau nhức, chân vô lực mà tùy ý chà xóa một khoảng trống trên đất, mơ mơ hồ hồ viết “Một chút nữa.

Chỉ một chút nữa thôi.

Ta đã không ở trọn bên hắn vào ngày cuối cùng, thì nhất định phải gặp hắn vào phút cuối cùng trước khi không còn thấy nhau nữa”.

Cả người y bắt đầu tê dại, cơn đau từ cả thể xác lẫn tâm hồn dần dần kéo mất ý thức của y, mặc cho y vẫn gượng sức viết “Ta muốn hắn có thể nhớ đã từng có một tiểu hồ ly ở bên cạnh hắn.

Ta muốn…..”.
“Trạch Vu Quân!”.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.