Lý Trí Và Tình Cảm

Chương 45


Đọc truyện Lý Trí Và Tình Cảm – Chương 45

Một lúc sau khi anh ra đi, ngay cả một lúc sau khi tiếng cỗ xe anh dần tắt, Elinor vẫn còn bấn loạn qua mớ ý nghĩ hỗn độn khác hẳn nhau nhưng đều gây đau buồn, khiến cô không nhớ đến ngay cả em gái mình.

Willoughby – người mà chỉ nửa giờ trước cô đã căm ghét như là kẻ vô lại nhất – Willoughby, dù cho có lỗi lầm, đã khơi dậy lòng thương xót cho những khổ sở do các lỗi lầm ấy gây ra. Điều này khiến chẳng bao lâu cô ghi nhận trong thâm tâm là cô nghĩ về anh – như là người bị gia đình cô gạt bỏ hẳn từ đây – với niềm thương mến và nuối tiếc, theo ý nguyện của anh thay vì theo phẩm giá của anh. Cô cảm thấy ảnh hưởng của anh trên tâm trí mình trở nên mạnh mẽ thêm bởi những tình huống đáng lẽ không có lý do để gây ảnh hưởng; bởi con người có sức thu hút khác thường ấy – cung cách cởi mở, trìu mến và sống động không đi theo giá trị con người này; bởi tình yêu dành cho Marianne vẫn còn nồng nàn trong khi con người này không còn được vô tư để buông thả. Nhưng cô cảm nhận như thế trong một thời gian lâu, rất lâu, trước khi có thể thấy ảnh hưởng của anh dịu đi.

Khi trở lại bên Marianne, cô thấy em gái vừa thức dậy, tươi tắn sau một giấc ngủ dài và êm đềm như mình mong muốn. Tâm hồn của Elinor ngập tràn. Quá khư, hiện tại, tương lai – chuyến thăm viếng của Willoughby, tình trạng an nguy của Marianne, và chuyến thăm viếng sắp đến của bà mẹ, tất cả đều ném cô vào mớ bòng bong của cảm nghĩ khiến xóa đi mọi dấu hiệu mệt mỏi, nhưng chỉ sợ em gái nhận ra tâm tư của mình.

Tuy nhiên, thời gian không còn dài cho nỗi e sợ này có thể ảnh hưởng đến cô, vì chỉ trong nửa giờ sau khi Willoughby ra về, tiếng động của một cỗ xe khác gọi cô đi xuống. Nôn nóng không muốn để cho bà mẹ trải qua thời khắc bị hoang mang không cần thiết, cô chạy ngay đến tiền sảnh, và vừa đến cảnh cửa ngoài đúng lúc để đón lấy bà mẹ và dìu bà vào nhà.

Bà Daswood đã trở nên kinh hoàng khi đi gần đến nơi, hầu như tin rằng Marianne đã không còn nữa, giờ không thể cất tiếng để hỏi han về cô con gái nhỏ, thậm chí không thể cất tiếng với Elinor. Nhưng cô không đợi lời chào hoặc câu hỏi, lập tức báo tin vui. Bà mẹ bắt được tin bằng mọi thái độ nồng nhiệt thường thấy, trong khoảnh khắc tràn ngập niềm vui, cũng như trước đấy bà đã tràn ngập nỗi lo. Bà được cô con gái và ông bạn của cô dìu vào phòng gia đình; và ở đây, dàn dụi nước mắt vì vui mừng tuy vẫn chưa thể nói nên lời, bà ôm Elinor mà hôn lấy hôn để, thỉnh thoảng quay qua nắm lấy bàn tay Đại tá Brandon, với ánh mắt nói lên niềm tri ân và tin ông cũng chia sẻ với bà niềm vui hiện tại. Tuy nhiên, ông chia sẻ trong tư thái kém ồn ào hơn bà.

Ngay khi bà Daswood định thần lại, ước muốn đầu tiên là đến xem Marianne. Trong vòng hai phút, bà đến kế bên cô con gái thân thương – càng thân thương hơn bao giờ do xa cách, đau khổ, và hiểm nguy. Khi nhìn cảm xúc của hai người, niềm vui của Elinor chỉ được kiểm soát bởi lo lắng Marianne có thể không ngủ tiếp được; nhưng bà Daswood có thể giữ trầm tĩnh, ngay cả cẩn trọng, khi cuộc sống một đứa con bị đe dọa; và Marianne cảm thấy mãn nguyện có bà mẹ kế bên và còn yếu ớt không thể tiếp chuyện, nghe theo lời khuyên của mọi người mà giữ bình tĩnh và im lặng. Bà Daswood sẽ ngồi bên cô suốt đêm; và Elinor nghe theo lời khẩn cầu của bà mà đi nghỉ.

Nhưng dù đã qua một đêm hoàn toàn không ngủ và nhiều giờ âu lo mệt mỏi nhất, cô không thể nghỉ ngơi, mà bị khuấy động về tinh thần. Willoughby, “Willoughby đáng thương” như cách bây giờ cô tự cho phép gọi, luôn hiện diện trong tâm trí cô; cô chỉ nghe anh biện minh cho thế gian, có lúc cô tự trách móc, có lúc tự tha thứ, vì đã phán xét anh quá nặng.

Nhưng lời hứa sẽ kể với em gái thì luôn đau đớn. Cô sợ hãi phải làm việc này, sợ hãi về ảnh hưởng đối với Marianne; băn khoăn sau khi nghe giải thích như thế liệu em gái có bao giờ được hạnh phúc với người khác; và trong một lúc cô mong Willoughby thành góa bụa.


Rồi nhớ đến Đại tá Brandon, cô tự trách mình, nghĩ rằng các đau khổ của ông và tính kiên định của ông đều vượt xa tình địch, phải được em gái đền đáp, rồi cô ước ao mọi điều ngoại trừ cái chết của bà Willoughby.

Các cảnh báo đi trước của cô đã giúp bà Daswood đỡ bị sốc khi Đại tá Brandon đến Barton, bởi vì bà quá lo lắng cho Marianne đến nỗi đã quyết định đi Cleveland trong cùng ngày mà không chờ có thêm tin tức. Cho đến lúc ấy, bà đã thu xếp mọi việc trước khi ông đến, nghĩa là vào bất cứ lúc nào gia đình Carey sẽ đến đón Margaret đi ở nhờ, vì bà không muốn mang cô con gái út đi đến nơi có thể bị nhiễm trùng.

-o0o-

Marianne tiếp tục hồi phục hàng ngày. Ánh mắt và tinh thần tươi vui của bà Daswood chứng tỏ, như bà nhiều lần tuyên bố, bà là một trong những phụ nữ hạnh phúc nhất thế gian. Elinor không thể nghe câu tuyên bố, hoặc nghe chứng cứ về câu tuyên bố , mà đôi lúc không khỏi băn khoăn bà còn nhớ gì về Edward hay không. Nhưng dù có tin vào điều cô kể trong chừng mực về thất vọng của riêng cô, bà vẫn bị lôi cuốn vào niềm vui của riêng mình nên chỉ nghĩ đến những gì làm thêm vui. Bây giờ, bà bắt đầu nghĩ rằng phán đoán sai lạc của bà trước kia, khi khích lệ sự gắn bó bất hạnh với Willoughby, đã đặt cô c

on gái vào tình cảnh không hay. Trong khi Marianne hồi phục, bà có thêm một nguồn vui mà Elinor không nghĩ đến.

Ngay khi có dịp được riêng tư, bà mẹ cho cô hay:

– Cuối cùng chúng ta được một mình. Elinor của mẹ, con chưa biết hết hạnh phúc của mẹ. Đại tá Brandon yêu Marianne. Tự ông ấy nói cho mẹ biết.

Con gái của bà vui rồi buồn, ngạc nhiên rồi không ngạc nhiên, và vẫn im lặng.


– Elinor thương, con không bao giờ giống mẹ, nếu không mẹ đã băn khoăn về vẻ điềm tĩnh của con bây giờ. Nếu mẹ có ý ước mong điều tốt cho gia đình, mẹ có thể hướng đến Đại tá Brandon cưới một trong hai chị em con như là mục tiêu đáng ao ước nhất. Và mẹ tin trong hai con, Marianne sẽ được hạnh phúc hơn với ông ấy.

Elinor có phần muốn hỏi lý do của bà khi tin như thế, vì nghĩ không có lý do nào dựa trên cơ sở vô tư của tuổi tác, tính tình, hoặc cảm nghĩ. Nhưng bà mẹ bị buông thả theo trí tưởng tượng bất kỳ điều gì thú vị, và do đó thay vì hỏi han, cô cho qua bằng nụ cười mỉm.

– Trên đường đi hôm qua, ông ấy thổ lộ cả cõi lòng với mẹ mà không ý thức, không tính toán. Như con biết rõ, mẹ không thể trò chuyện về việc gì, ngoại trừ về con gái của mẹ. Ông ấy không thể che giấu nỗi khổ của ông; mẹ thấy cũng bằng nỗi khổ của mẹ. Và có lẽ vì nghĩ rằng chỉ tình bằng hữu thôi không thể minh chứng cho sự cảm thông nồng nàn như thế – hoặc thật ra, mẹ đoán không nghĩ gì cả – vì chiều theo các cảm xúc không thể cưỡng được, nên ông ấy đã cho mẹ hiểu rõ hơn ý tình thiết tha, trìu mến, kiên định dành cho Marianne. Elinor ạ, ông ấy đã yêu em con kể từ giây phút đầu tiên ông gặp nó.

Tuy nhiên, ở đây Elinor nhận ra đấy không phải là ngôn từ, không phải là lời thú nhận của Đại tá Brandon, mà là thói quen cố hữu của bà mẹ thích tô điểm cho những vọng tưởng theo chiều hướng tích cực của bà để cấu thành bất kỳ điều gì bà thấy vui.

– Ý tình của ông ấy dành cho em con vượt quá những gì Willoughby đã từng cảm nhận hoặc giả vờ, mà còn nồng nàn hơn, chân thật hơn hoặc trung kiên hơn – bấy kỳ cái gì ta gọi. Ý tình của ông vẫn thế, ngay cả khi biết Marianne đáng thương đang thiên về anh chàng vô lại ấy! Có thể nhìn cô đang hạnh phúc với người khác mà không ích kỷ – không nuôi hy vọng! Một tâm hồn cao thượng như thế! – cởi mở như thế, chân tình như thế! – không ai có thể bị ông ấy lừa dối.

Elinor nói:

– Tư cách của Đại tá Brandon đã được biết rõ từ lâu.


Bà mẹ nói nghiêm túc:

– Mẹ biết, nếu không sau cảnh báo ấy, mẹ sẽ là người cuối cùng khích lệ tình cảm như thế, hoặc ngay cả thấy hài lòng. Nhưng cung cách ông ấy đến với mẹ, qua tình bằng hữu năng động và sẵn sàng như thế, là đủ để chứng tỏ ông là một trong những người đáng quý nhất.

Elinor đáp:

– Tuy nhiên, việc làm của ông ấy không chỉ dựa trên một động thái tử tế qua tình cảm dành cho Marianne, nếu không kể lý do nhân đạo, Bà Jennings và nhà Middleton đã thân thiết với ông từ lâu, họ đều quý trọng ông; và ngay cả những gì con nghe về ông ấy, dù chỉ mới gần đây, đều đáng kể. Con đánh giá và quý trọng ông ấy rất cao, nên nếu Marianne có thể được hạnh phúc với ông, con sẵn sàng nghĩ như mẹ rằng đây là một ân sủng to tát nhất trần đời. Mẹ trả lời ông ấy thế nào? Mẹ có cho phép ông nuôi hy vọng không?

– Ồ! Con yêu, mẹ không thể nói về hy vọng với ông ấy hoặc với chính mẹ. Vào lúc ấy, Marianne có thể đang hấp hối. Nhưng ông ấy không hỏi về hy vọng hoặc khích lệ. Đây chỉ là việc tâm sự tự nguyện, lời thổ lộ không thể kiềm chế được đối với một người bạn dễ chịu – không phải là đối với bậc cha mẹ. Tuy vậy, sau một thời gian hoang mang, mẹ có nói rằng nếu em con sống được như mẹ tin tưởng, hạnh phúc lớn lao nhất của mẹ sẽ là khích lệ hôn nhân giữa hai người.

“Từ lúc ông ấy và mẹ đến đây, từ khi được an tâm về em con, mẹ đã lặp lại điều này với ông, và khích lệ ông trong mọi khả năng của mẹ. Mẹ bảo ông ấy là thời gian – chỉ chút ít thời gian – sẽ làm nên mọi việc. Con tim của Marianne không nên bị phí phạm vì một người đàn ông như Willoughby. Chính phẩm giá của ông ấy chẳng bao lâu sẽ chiếm được con tim này.”

– Tuy thế, xét qua tinh thần của ông Đại tá, mẹ vẫn chưa giúp ông được lạc quan.

– Đúng. Ông ấy nghĩ tình cảm của Marianne đã quá sâu nặng nên khó thay đổi. Ngay cả giả sử con tim của Marianne được tự do lần nữa, ông ấy quá khiêm tốn nên không tin mình có thể chiếm cảm tình của em con qua cách biệt về tuổi tác và tính khí như thế.


“Nhưng ở đây, ông đã lầm. Tuổi ông cao hơn chỉ có lợi điểm khiến tư cách và phép tắc của ông được ổn số; còn tính khí, mẹ tin là chính tính khí này sẽ tạo hạnh phúc cho em con. Và ngoại hình, cử chỉ của ông đều tốt. Mẹ không bị mù quáng vì thiên kiến; ông ấy chắc chắn không đẹp trai như Willouhgby, nhưng cùng lúc có vẻ gì đấy dễ chịu hơn trên gương mặt ông. Luôn có cái gì đấy… chắc con còn nhớ… đôi lúc trong ánh mắt của Willoughby, mà mẹ không thích.”

Elinor không thể nhớ điều này, nhưng không đợi cho cô đồng ý, bà tiếp:

– Về cử chỉ – các cử chỉ của ông Đại tá không những dễ chịu hơn đôi mắt của Willoughby, mà còn thuộc loại mà mẹ biết rõ gắn bó gần gũi hơn với Marianne. Những tố chất hòa nhã, chăm chút đến người khác và giản đơn không màu mè thì hợp với tính khí của con nhỏ hơn là sự sôi động thường giả tạo và không đúng lúc của anh kia. Chính mẹ thấy rõ ràng, dù cho Willoughby có thật sự dễ thương, Marianne cũng không bao giờ được hạnh phúc với anh ta, như với Đại tá Brandon.

Bà ngưng lại. Cô con gái của bà không đồng ý hẳn với bà, nhưng cô không nói ra, vì thế không gây phật ý.

Bà Daswood thêm:

– Ở Delaford, em con sẽ cách mẹ một khoảng đường tiện lợi ngay cả nếu mẹ vẫn ở tại Barton; nhưng vì mẹ nghe nói đây là một làng lớn – rất có thể gần đấy phải có một ngôi nhà thích hợp với chúng ta như là cuộc sống hiện tại.

Tội nghiệp Elinor! Đây là kế hoạch mới nhằm mang cô đến Delaford! – Nhưng cô có tinh thần ương ngạnh.

– Còn sự sản của ông ấy! Vì con biết đấy, đến tuổi này trong đời, ai cũng quan tâm đến chuyện này. Và mặc dù mẹ không biết hoặc không muốn biết chính xác bao nhiêu, mẹ tin chắc đấy là sự sản lớn.

Đến đây họ bị gián đoạn vì một người bước vào. Elinor rút lui để suy nghĩ trong riêng tư, để chúc ông bạn được thành công, và tuy thế khi chúc điều này, cô cảm thấy đau nhói dùm cho Willoughby.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.