Lưu Công Kỳ Án

Chương 90: Gặp ân công, phùng cát nói về bọn thổ phỉ


Đọc truyện Lưu Công Kỳ Án – Chương 90: Gặp ân công, phùng cát nói về bọn thổ phỉ

Trần Đại Dũng rời khỏi thành Thương Châu theo lối cửa Nam, đi hơn chục dặm đường, tới một quán cơm. Hảo hán bèn vào quán, ngồi xuống, gọi đồ ăn uống rượu. Đang đánh chén, chợt thấy một người tay xách giỏ trúc, tay cầm bình rượu cũng vào quán mua đồ. Chỉ thấy người ấy mình mặc áo vải màu lam, hài vải, vớ vải, tuổi trạc ba mươi. Chợt anh ta quay đầu lại nhìn thấy hảo hán, hai mắt như bị đóng đinh. Đại Dũng nghĩ:

– Người này làm sao vậy? Ta chẳng nhìn hắn thì thôi, hà cớ gì hắn cứ nhìn ta chằm chặp vậy. Thực đáng cười!

Người kia cười, nói:

– Xin hỏi, phải chăng lão gia họ Trần?

Đại Dũng nói:

– Đúng vậy tại sao anh biết?

Người ấy nói:

– Quán này không tiện nới chuyện. Đợi ngài dùng cơm xong, chúng ta ra ngoài hãy hay.

Đại Dũng gật đầu, trong bụng nghĩ thầm:

– Người này là ai? Tại sao hắn lại biết cả họ của ta?

Rồi cúi xuống, ăn nốt chỗ thức ăn trên bàn. Ăn xong, nói:

– Chủ quán, dọn bàn!

Người kia nói:

– Để tôi tính tiền luôn thể!

Đại Dũng nói:

– Hà tất phải vậy!

Chủ quán tính tiền, cả thảy hết một trăm mười sáu tiền. Hảo hán trả tiền, đứng dậy, bước ra. Người kia nói:

– Chủ quán, đồ của tôi cứ để đây hẵng. Lúc nữa sẽ quay lại lấy sau?

Chủ quán ứng tiếng.


Hai người rời khỏi quán, rẽ sang hướng Nam. Đi được một đoạn, tới một ngôi miếu thổ địa. Bên trong không có ai, hai người liền rẽ vào, ngồi xuống. Người kia nói:

– Trần lão gia, ngài không nhận ra tiểu nhân sao?

Đại Dũng nói:

– Nhất thời không thể nhớ nổi tôn giá là ai!

Người kia nói:

– Cũng phải thôi, chớp mắt đã mười mấy năm rồi! Hơn nữa, trên đầu tiểu nhân lại mắc bệnh, phải cắt bỏ bím tóc đi, cho nên lão gia không nhận ra là phải.

Đại Dũng nói:

– Xin hỏi quý tính?

Người kia nói:

– Tiểu nhân tên gọi Phùng Cát, khi xưa từng có thời hầu hạ lão gia. Sau đó, lão gia được thăng chức Vận lương thiên tổng, tiểu nhân lại theo hầu lão gia trên thuyền chở lương. Bởi tối hôm ấy, tiểu nhân say rượu, đánh nhau với một tên lính trên thuyền, tiểu nhân sơ ý đẩy hắn ngã xuống nước, không biết sống chết ra sao. Lão gia niệm tình tiểu nhân ngày thường trung hậu, nên đã thưởng cho mười lạng bạc, bảo tiểu nhân trốn đi ngay trong đêm ấy. Tiểu nhân từ biệt lão gia, xuống thuyền bỏ chạy. Khi ấy chẳng biết phải chạy đi đâu, lại không có tiền lương sẵn. Số bạc lão gia ban cho đã tiêu hết, quần áo cũng không có mà mặc. Không có được miếng ăn, tiểu nhân đành lưu lạc tới đất Thương Châu này. Bởi tiểu nhân giúp một hòa thượng cuốc đất trong miếu, hòa thượng thấy tiểu nhân trung thực, nên đã giữ lại trong miếu làm kẻ sai vặt cho tới tận hôm nay, coi như tiểu nhân cũng có bát cơm ăn. Không biết vì cớ gì, lão gia ngài lại cải trang thế này? Nay chắc hẳn lão gia đã được thăng quan tiến chức?

Đại Dũng nói:

– Đừng nhắc đến nữa!

Rồi kể lại chuyện thuyền lương gặp gió bão, mất sạch lương thảo của Hoàng gia, bị phế quan. Người ấy nghe vậy, nói:

– Coi như quan vận của lão gia không tốt nên mới như vậy. Nay lão gia cải trang thành người Tây, không biết có chuyện gì?

Đại Dũng nói:

– Anh cũng chẳng phải là người ngoài, để ta kể cho anh nghe.

Hảo hán đưa mắt nhìn người ấy, nói:

– Phùng Cát, nghe ta kể đây: Bởi mất chức quan, không có việc gì làm, người cũng biết đấy, nhà ta nghèo khó, sau ta tới phủ Giang Ninh chẳng còn đường nào khác, đành phải xung quân: Tổng gia thấy ta cung tên giỏi nên cho làm kẻ cầm cờ trong doanh trại. Sau lại có một vị đại nhân họ Lưu tới Giang Ninh nhận chức tri phủ. Ông ta với tham tướng vốn có quan hệ với nhau, cũng chẳng biết hai người nói chuyện gì với nhau, Lưu đại nhân và tham tướng bèn chuyển ta tới nha môn. Đại nhân cho ta làm chân tuần bổ, là một thừa sai phục vụ trong chốn công đường. Đại nhân giữ chức ở đó ba năm rồi lên kinh ta cũng được ông ấy mang theo. Hoàng thượng đích thân chỉ định đại nhân đi tuần sát phía Nam, tới Thương Châu, nghỉ lại trong công quán. Ngày hôm sau, đại nhân vào nha môn Tri Châu thăng đường, xem xét lại hồ sơ các vụ án và kiểm tra kho khố trong châu. Sau có người tên Lý Trung dâng cáo trạng, kiện vụ nửa đêm nhà bị cướp. Chúng đã cướp đồ lại giết hết bốn mạng cả nam lẫn nữ. Đại nhân nhận đơn kiện, giao việc cho ta, hẹn trong ba ngày phải điều tra ra lũ cướp. Do đó, ta mới cải trang thành người Tây để đi dò la tin tức. Trong tay không có một chút manh mối nào, theo ta nghĩ, vụ này chắc chắn khó thành công. Hôm nay, trong quán ăn cơm, gặp được người, thực chẳng khác nào gặp được người tri kỉ.


Nói xong, thở dài não nuột. Người kia nói:

– Không biết nhà ấy bị mất những thứ gì? Lão gia có thể nói cho tiểu nhân biết được không?

Đại Dũng nghe vậy, bật cười ha hả, nói:

– Người hỏi chuyện ấy để làm gì?

Đại Dũng nói:

– Người hỏi chuyện ấy có việc gì? Có kể với người cũng chỉ là phí hơi sức mà thôi.

Người kia nói:

– Lão gia hãy nói cho tôi nghe. Nếu đúng, chẳng phải rất tốt hay sao?

Đại Dũng liền kể lại chuyện nhà Lý võ cử bị giết mất bốn mạng người. Lũ cướp còn lấy đi vàng bạc và bình ngọc, tượng vàng. Người kia nghe vậy, bật cười ha hả, nói:

– Thế thì đúng rồi!

Đại Dũng vội hỏi:

– Phùng Cán Ngươi nói đúng là đúng thế nào?

Người kia nói:

– Chuyện này kể ra dài dòng lắm.

Đại Dũng nói:

– Từ từ mà kể.

Người kia nói:


– Tiểu nhân sống trong ngôi miếu ấy cùng vị sư phụ trụ trì được hai năm, thì ông ta tới Kim Sơn tự tại Hải Đảo, để miếu lại cho đại đệ tử của ông ta là Liễu Phàm lo việc nhang khói. Gã Liễu Phàm này chẳng ra thể thống gì! Đầu tiên, hắn để cho một đám người buôn bán ở trong miếu, sau lại đuổi đi. Hồi năm kia, hắn gọi một lũ người tới. Đám ấy động một tí là cầm đao động thương, nói năng cục cằn, hành vi ngang ngược. Sau lại có tám tên nữa tới ở trong miếu. Tôi thấy bọn chúng hung dữ lắm. Chúng còn giết trâu, mổ dê, đắp tượng Tam Anh, đốt tiền vàng, ngựa giấy thề cùng sinh tử. Ngoại hiệu và tên họ của bọn chúng là: một đứa họ Thường ngoại hiệu Thất Thốc Tử, vũ khí của hắn là một thanh đao, tay chống gậy trúc, có tài qua sông như đi trên đất bằng. Đứa thứ hai ngoại hiệu là Quá Giới Thử Lưu Lão Thiện, vũ khí là một đôi thiếp câu, lại giỏi trèo tường, có tài móc túi. Tên thứ ba ngoại hiệu Phi Thượng Phòng Ngô Phối, hắn giỏi nhảy cao, vũ khí là một cây roi. Tên thứ tư là Yến Vĩ Tử Lưu Tứ, nhảy nhót rất khỏe. Chim Yến bay trên trời, hắn có thể nhảy lên túm trúng đuôi chim, vũ khí là một cây thước sắt. Tên thứ năm là Thiểm Điện Thần Đặng Bát, có tài chạy trên mái nhà nhanh như chớp, vũ khí là một cây thiết quải. Tên thứ sáu là Tiên Hạc Thoái Trương Tứ, một ngày có thể chạy năm trăm dặm, rất hợp với việc truyền tin. Tên thứ bảy là Giáo Dương Tứ Bả Nhi. Kể cũng lạ, đầu tiên hắn bán thịt tại thành Bắc Kinh. Hôm ấy, trời đổ mưa to, nước ngập sâu đến hơn hai xích. Tới một ngõ tên gọi ngõ Bát Nhi, chợt thấy một ông lão, hơn sáu mươi tuổi, gọi, nói: “Người bán thịt dê kia, qua đây!”. Tứ Bả Nhi ứng tiếng, thấy nước sâu khó đi bèn dùng tay nắm càng xe, khiêng qua. Ngài thử nghĩ xem, chiếc xe nặng như vậy, trên xe lại có thịt. Trọng lượng ấy quả không tầm thường. Hắn khiêng cả xe, cả thịt tới trước cửa, đặt xuống, hỏi: “Ông mua ban nhiêu?”. ông lão nói “Bán cho một cân!” Tứ Bả Nhi cân thịt xong, đưa cho ông lão. Ông lão cầm thịt mang vào nhà. Khi trở ra, dùng hai ngón tay cầm một đồng tiền, nói: “Anh hãy dùng cái móc thịt móc tiền trên tay ta. Nếu móc được thì cầm lấy tiền mà đi. Ta cũng phục anh là bậc hảo hán”. Tứ Bả Nhi nghe vậy, bật cười ha hả, nói: “Vậy có gì là khó?” Nói xong, luồn mũi móc vào lỗ đồng tiền, vận sức kéo. Nhưng hắn vận sức kéo đến múc nào, đồng tiền trong tay ông lão vẫn không hề động đậy. Tứ Bả Nhi bị một phen xấu hổ, ấm ức về nhà quyết luyện võ công. Sau đó gặp được dị nhân truyền cho thuật phi thiềm tẩu bích. Sau đó, rời khỏi Kinh thành, tới đất Thương Châu này. Do bị bệnh nghỉ lại trong miếu, gặp lũ kia bèn kết làm anh em. Đứa thứ tám tên gọi Tiêu lão Thúc, ngoại hiệu là Bán Biên Tiêu, bởi bên vai trái của hắn xăm một con ong thực lớn, do đó mới có ngoại hiệu là Bán Biên Tiêu. Tiêu lão Thúc vũ khí là một thanh đao, giỏi phi thiềm tẩu bích. Trong tám tên ấy, có mình hắn là kẻ xấu xa nhất, vừa độc ác lại vừa hung tợn. Gặp con gái nhà người ta, đã cưỡng dâm xong còn giết luôn bịt đầu mối. Sáu tên kia ngày hôm qua đã lên đường. Nghe nói chúng đi buôn bán. Nay trong miếu chỉ còn lại Tiêu lão Thúc và Dương Tứ Bả mà thôi!

Đại Dũng nói:

– Sao ngươi lại biết bọn chúng là hung thủ?

Người ấy nói:

– Trước khi sáu tên kia đi, Tiêu lão nói: “Hãy mang hai món ngọc và vàng này của tôi tới Tiêu Châu, gặp khách thì bán đi” Bởi vậy, khi nghe Trần gia nói nhà võ cử bị mất đồ vàng, ngọc, tôi mới dám nói đúng là bọn chúng. Hôm nay chúng đi tiêu thụ hàng phi pháp, hòa thượng cũng đi luôn.

Đại Dũng nghe xong, trong lòng vô cùng mừng rỡ, nói:

– Làm thế nào để ta vào miếu nhận diện bọn chúng, sau đó sẽ tìm kế vây bắt?

Người này nói:

– Không khó! Tôi với lão gia đã nói chuyện với nhau nửa ngày trời, tôi sẽ về trước nói với chúng phải đợi bánh nướng, đợi lâu sốt ruột nên mang rượu và thức nhắm về trước, dặn chủ quán khi nào bánh chín thì sai tiểu nhị mang tới. Lão gia có thể giả làm tiểu nhị mang bánh vào. Vậy chẳng hay sao?

Đại Dũng nói:

– Hay lắm. Chúng ta đi thôi!

Người kia ứng tiếng. Hai người đứng dậy, rời khỏi miếu, trở về quán khi nãy. Chủ quán đã gói ghém mọi thứ xong xuôi, để ngay ngắn trên bàn. Người kia cầm bình rượu, tay xách giỏ bánh trao cho Đại Dũng. Hai người rời khỏi quán, qua mấy ngã rẽ đã tới trước miếu. Phùng Cát nói:

– Đợi bánh nướng lâu, tôi đi về trước. Bánh nướng được chủ quán sẽ sai tiểu nhị mang tới sau.

Nói xong, bày hết rượu, thịt lên mặt bàn. Chợt thấy Đại Dũng tiến vào miếu. Phùng Cát nói:

– Tiểu nhị, hãy mang vào phòng trong, để lên bàn.

Hảo hán ứng tiếng, bước vào phòng. Thấy trên bàn có một tăng một tục đương ngồi. Đại Dũng đưa mắt quan sát.

Hảo hán vờ xếp bánh lên bàn, hai mắt để ý một tăng, một tục. Chỉ thấy bên Tây có một hòa thượng ngồi. Tay hắn cầm một chiếc tẩu bằng mã não, trên mình mặc tăng y màu vàng. Bởi hắn ngồi khoanh chân nên không rõ giày, vớ ra sao. Ngồi ở chính giữa là một gã trẻ tuổi, mặt mũi trắng trẻo, rỗ hoa, ít râu ria. Hai mắt như bị treo ngược, đúng là mắt của kẻ tà ác, mặt trắng nổi toàn gân xanh. Trên mình mặc một tấm áo chẽn bằng điều màu xanh. Tuổi độ chưa đầy ba mươi, tay chống một cây gậy trúc đang múa may. Đại Dũng nhìn xong, nghĩ thầm:

– Chỉ cần hoàn thành nhiệm vụ là ta hả dạ rồi.

Hảo hán quan sát xong, nhớ kỹ diện mạo của chúng rồi mới quay đầu đi ra khỏi gian phòng, nói:

– Đã để bánh trong phòng rồi.

Nói xong, đi thẳng ra ngoài, lại nói:


– Nhờ anh đóng cửa giúp.

Phùng Cát theo sau, tới cửa sơn môn, Đại Dũng nói:

– Tới khoảng canh hai ta sẽ tới bắt bọn chúng. Ngươi chỉ cần khép hờ cửa. Ta còn có hai người bạn nữa, họ không được nhẹ nhàng lắm leo trèo bất tiện.

Phùng Cát gật đầu, đóng cửa miếu lại. Đại Dũng sải bước trở về.

Hảo hán đã điều tra ra hung phạm, trong lòng vô cùng vui vẻ. Trong lúc vô tình gặp được Phùng Cát. Nếu không có anh ta, muốn tìm tin tức thực khó hơn lên trời. Giờ về gặp đại nhân sẽ bàn kế sách. Nghe nói Bán Biên Tiêu thực là tay lợi hại, người trong miếu đều là anh em của hắn. Đêm nay, muốn bắt hắn tất không thể tránh khỏi một phen náo loạn. Phải đánh nhau một trận mới xong. Nhất thiết phải bắt được hung thủ, để hắn chạy thoát rầy rà to. Hảo hán nghĩ xong, sải bước đi như bay. Tới khi mặt trời xế bóng, Đại Dũng đã vào tới trong thành.

Khi mặt trời xế non Tây, Đại Dũng đã vào thành, trở về miếu Tam Thánh. Hỏi tình hình, người khác trả lời, nói:

– Đại nhân đã về miếu từ lúc giờ Tỵ bữa trưa.

Đại Dũng vội vào phòng khách, thấy đại nhân đang ngồi rỗi. Vừa thấy hảo hán bước vào, đại nhân đã nói ngay:

– Hảo hán trở về rồi đấy ư? Đã vất vả rồi. Có tìm hiểu được chút manh mối gì không?

Đại Dũng nói:

– Tiểu nhân đã dò hỏi ra, người cũng đã gặp rồi.

Rồi kể lại chuyện gặp Phùng Cát trong quán cơm, Phùng Cát kể ra tên tuổi, tình hình của tám tên kia cùng chuyện sáu tên không có trong miếu, hiện chỉ còn hung thủ Bán Biên Tiêu Tiêu lão Thúc và kể luôn cho đại nhân nghe chuyện mình giả dạng thành tiểu nhị đưa bánh nướng lên miếu ra sao cho đại nhân nghe.

Nghe hảo hán kể xong, đại nhân vô cùng mừng rỡ, cũng rất kinh hãi. Mừng vì rốt cuộc đã tìm ra hung thủ, kinh hãi vì biết chúng đều giỏi giang, sợ không bắt được. Qua câu chuyện được biết Tiêu lão thúc võ nghệ cao cường, không phải loại tầm thường. Hắn lại còn một đám anh em đồng đảng. Nếu hành động một cách khinh xuất, chỉ e hỏng việc. Nếu nay sai ba người họ Trần, Chu, Vương đi bắt hai tên trong miếu sợ không xong.

Nếu làm kinh động, để Tiêu lão thúc chạy mất e sau này rất khó tìm được. Đại nhân cúi đầu ngẫm nghĩ một hồi, trong lòng ngổn ngang trăm mối. Nghĩ mãi vẫn chưa tìm được ra kế vẹn toàn. Chợt thấy Trần Đại Dũng nói:

– Đại nhân không cần phải lo nghĩ. Chớ ngại bọn tiểu nhân không thành công. Trong lòng tiểu nhân đã có diệu kế. Tối nay, tiểu nhân sẽ cùng Chu Văn, Vương Minh tới đó. Đại nhân hãy mau chóng hạ lệnh truyền gọi thiên tổng họ Vương bảo ông ta dẫn theo mấy chục binh sĩ mang sẵn câu liêm, dây trói, vây kín ngoài miếu nghe lệnh phối hợp. Ba người bọn thuộc hạ vào miếu, quân sĩ bên ngoài chặn cổng đợi bắt, tất sẽ thành công. Chỉ có cách ấy xem ra mới kín kẽ. Tặc nhân muốn chạy e khó hơn lên trời.

Đại nhân nghe xong, gật đầu, nói:

– Cần phải làm vậy mới xong.

Nói xong gọi công sai tới, truyền lệnh:

– Mau đi gọi Vương thiên tổng tới đây!

Nha dịch ứng tiếng, xoay mình chạy ra. Không lâu sau, thiên tổng Vương Bưu đã bước vào miếu, chắp tay vái chào đại nhân Lưu đại nhân dặn dò, nói:

– Ngươi mau điều binh đi theo người của ta bắt giặc cướp! 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.