Lưu Công Kỳ Án

Chương 79: Lưu thánh giá, lưu dung kiếm bạc


Đọc truyện Lưu Công Kỳ Án – Chương 79: Lưu thánh giá, lưu dung kiếm bạc

Lưu đại nhân miên man suy nghĩ, vượt đường ngang, ngõ tắt, không lâu sau đã tới cửa cung, xuống ngựa, tiến thẳng vào trong cung tới trước Tấu Sự Môn. Đợi một hồi, thấy một viên Tiếp Sư Quan từ trong đi ra. Đại nhân vẫn đứng đó chờ. Một lúc sau lại thấy rất nhiều quan viên văn võ của đội Bát Kỳ và Lục Bộ cùng bước tới trước mặt viên quan tấu sự, đưa bản tấu của mình cho ông ta. Lưu đại nhân thấy vậy, không dám chậm trễ, cũng vội tiến lên. Quan tiếp sự thấy tiếng, mỉm cười nói:

– Lão đại nhân hôm nay tới đây có chuyện gì vậy?

Lưu đại nhân nói:

– Nay có một việc muốn cầu xin đại nhân giúp cho Lưu Dung này truyền đạt tới thiên nhan.

Nói xong, đưa bản tấu của mình ra.

Dừng lại đã! Tác giả cuốn chuyện này, tôi muốn hỏi ông: Khi ấy Lưu đại nhân đã bị cách chức, coi như một viên quan đã bị phế bỏ, liệu ông ta còn khả năng dâng tấu nữa hay không? Hẳn quý vị độc giả còn chưa rõ. Tuy lúc ấy Lưu đại nhân đã bị cách chức nhưng ai chẳng biết ông ta là con nuôi của Hoàng Thái Hậu? Chức quan đã mất, nhưng chức con nuôi của Hoàng Thái Hậu ai cách được? Do đó, ông ta khác hẳn những người khác ở đây tôi đã kể rõ, giờ xin trở lại với chính truyện.

Lại nói chuyện viên quan Tiếp sư nhận lấy bản tấu của các vị vương công, đại thần, lập tức xoay mình, đi vào bên trong. Vào tới nơi, đưa cả lại cho một viên nội thị mặc áo màu vàng. Viên nội thị ấy lại dâng tập tấu chương lên trước thánh chúa để Người phê chuẩn. Thái Thượng Hoàng nhìn thấy bản tấu cuối cùng là của Lưu đại nhân, liền rút ra xem, thấy trên đó viết:

– Phế thần Lưu Dung tấu lên Thánh Thượng: Nay do có ba vị đại thần (có ghi rõ tên từng người một) mang theo ba ngàn lạng bạc tới nhà thần, nói thần thực sự nghèo khó, tình nguyện tặng cho vi thần ba ngàn lạng bạc làm lộ phí. Thần vốn có lòng muốn nhận. Nhưng nghĩ lại, ngày thường vốn không có qua lại gì thân mật với họ. Nhưng nếu thần không nhận, lại sợ ba vị đại thần ấy trách móc, thần làm sao kham nổi. Khẩn cầu thánh Chúa nghĩ tới công lao trước đây của thần, tuyên gọi ba người bọn họ tới đây, trước mặt mọi người hỏi cho rõ nguyên do tại sao họ lại tặng cho thần ba ngàn lạng bạc. Chúa thượng giúp thần làm rõ vấn đề này, Lưu Dung cảm tạ thánh nhân vạn kiếp!

Thái Thượng Hoàng xem xong trong lòng vui mừng, nói:

– Lưu Dung quả nhiên thanh liêm, tuyệt đối không phải lời đồn đãi bậy bạ. Tất cả chỉ vì trẫm đa nghi nên mới sai người mang ba ngàn lạng bạc tới thử hắn, xem hắn có nhận hay không. Nếu hắn nhận bạc của trẫm, tới lúc ấy xem hắn ăn nói sao đây. Nay hắn không chịu nhận bạc, lại tới hỏi ý kiến của trẫm, quả đúng người không ham tiền bạc. Đây chính là hồng phúc của trẫm nên mới có được một hiền thần như vậy.

Nghe Thái thượng hoàng vui mừng nói vậy, Hoàng thượng cũng nở nụ cười, nói:

– Đó cũng là hồng phúc của trẫm nên nhà nước Đại Thanh mới được bảo hộ bởi một đại thần trung lương như vậy. Từ khi trẫm lên ngôi Cửu ngũ chí Tôn, bốn biển thanh bình năm năm được mùa. Cho tới nay nhất thống Hoa Di mười bảy tỉnh hàng năm vạn quốc đến tới triều tiến cống. Bên cạnh trẫm con em binh sỹ bát kỳ như hùm như beo, ngoại quốc nghe tin đều kinh hoàng mất mất. Lại có vị thần tử hiền năng như vậy, giang sơn lo gì không được thái bình? Cũng không hổ Thái Hậu năm xưa bảo vệ ông ta còn nhận làm con nuôi nữa. Cha của ông ta là quan nhất phẩm đương triều, giữ chức tể tướng, oai danh hiển hách, chẳng may thân mang bệnh nặng qua đời. Trẫm đã từng đích thân tới nhà ông ta. Nay Lưu Dung lại giống cha ông ấy, một lòng trung thành vô tư không ham tiền, thực chẳng khác gì Hải Thụy năm Gia tỉnh, không kém gì thành long trong triều ta nay.

Thánh Chúa càng nghĩ càng đẹp lòng, lập tức ban lệnh xuống. Hoàng thượng nghĩ xong, đưa mắt nhìn đám quần thần đứng hai bên, cất giọng nói:

– Khi nãy trẫm phê duyệt bản tấu của các khanh, thấy bản cuối cùng trong tập tấu sớ là của Lưu Dung. Bởi bị cách chức đuổi về quê, có ba người tặng cho ông ta ba ngàn lạng bạc làm lộ phí, ông ta có ý không nhận, tới hỏi ý kiến trẫm. Nhưng ông ta không thể biết rằng đó chính là kế của trẫm muốn thử ông ta. Không ngờ ông ta vô tư, chính trực đến mức ấy. Thôi thôi, rốt cuộc vẫn là con của bậc trung thần, nòi nào giống ấy.

Lại nói tiếp:


– Mau tuyên gọi Lưu Dung vào triều gặp trẫm?

Đám quan viên nhất tề ứng tiếng. Một tên nội thị sải bước, quay mình đi ra ngoài. Tới trước Tấu Sự Môn lớn tiếng tuyên:

– Lưu Dung vào diện kiến thánh giá.

Lưu đại nhân nghe vậy không dám chậm trễ, cao giọng ứng tiếng vội bước lên, vượt qua cửa cấm khiến Thánh Chúa cũng phải nhìn xuống phía ông ta:

– Lưu Dung đã bị bãi quan nay lại được vào diện kiến thánh giá, thực đã phụ thánh nhân của Hoàng thượng.

Thánh Chúa thấy vậy khẽ nở nụ cười, nói vọng xuống:

– Lưu Dung, chuyện khi nãy ngươi tấu trình, bảng án lạng bạc sáu mươi phong vốn không phải ba người bọn họ tự ý tặng cho khanh mà bên trong có nguyên do của nó. Đó toàn là bạc của trẫm mang ra thử lòng dạ thanh liêm của khanh mà thôi.

Gã cõng nồi nghe hoàng thượng nói vậy, vội chắp tay dập đầu miệng hô vang:

– Tạ ân? Lại được chúa ta ban thưởng cho ba ngàn lượng bạc.

Thánh Chúa nghe vậy, nói:

– Hay lắm, ta lại trúng kế của tên cõng nồi rồi! Thôi thôi, ba ngàn lạng bạc của trẫm không làm gì được hắn. Cứ coi như trẫm tiêu mất hết rồi?

Thánh Chúa lại nói tiếp:

– Hiền khanh hãy nghe ta nói đây: quả nhiên danh tiếng thanh liêm của khanh không hề giả, coi như trẫm đã đối xử không công bằng với khanh. Nay trẫm chọn khanh, tới phủ Bảo Định làm chủ khảo, không được ngần ngừ gấp gấp rời kinh! Hoàng thượng bề ngoài tỏ ra thăng chức nhưng thực chất lại ngầm giáng cấp của Luu đại nhân, bởi Người sợ ông ta chuyên dâng bản tấu gây chuyện lôi thôi. Lưu đại nhân đành phải khấu đầu tạ ơn. Hành lễ xong đứng dậy bước sang một bên. Hoàng thượng lại nói:

– Mau đi nhận chức, lập tức lên đường ngay trong buổi sáng hôm nay!

Lưu đại nhân nghe vậy chắp tay từ biệt chúa thượng, lui bước xoay mình đi ra ngoài. Thoáng chốc đã ra khỏi cửa cung, gia nhân đỡ đại nhân lên lưng ngựa. Lưu đại nhân ngồi trên lưng ngựa suy nghĩ miên man: Muốn gạt bỏ ta không hề dễ! Ta vừa kiếm được ba ngàn lạng bạc, sao không mua chiếc áo bông để tránh rét mùa đông. Hoàng thượng bắt ta tới tỉnh thành Trục Lộc làm chủ khảo, ngoài mặt thăng chức nhưng thực tế giáng cấp ta. Chẳng còn cách nào khác, ta đành phải tạm thời tới đó nhận chức rồi từ từ tìm cách trở về kinh sau. Lưu đại nhân vừa nghĩ vừa đi nhanh như tên bắn, chẳng mấy chốc đã tới Tây Trực môn. Vượt đường ngang ngõ tắt, nhằm hướng Đông Tứ Bài Lầu thẳng tiến. Lại rẽ sang phía Nam đi chẳng bao lâu đã thấy tới trước cửa nhà mình, xuống ngựa.


Lưu đại nhân về tới trước cổng, xuống ngựa. Thuộc hạ bước tới đón lấy cương, đại nhân vào nhà. Gia nhân dâng trà, trà xong lại sắp cơm.

Đại nhân dùng cơm xong, lập tức truyền lệnh, nói:

– Chuẩn bị kiệu, hôm nay lập tức lên đường tới phủ Bảo Định nhận công tác.

Đám thuộc hạ nhất tề dạ ran, bước ra ngoài. Không lâu sau, có một đứa bước vào, nói:

– Kiệu phu đã chuẩn bị sẵn sàng.

Lưu đại nhân nghe xong, lập tức đứng dậy bước ra ngoài. Trước cổng lớn, lên kiệu. Kiệu phu khênh đòn đặt lên vai. Đại nhân không mang theo nhiều người. Chỉ để hai tên Trương Lộc, Vương An theo hầu mình. Trương Lộc đi trước Vương An theo sau. Vượt đường ngang ngõ tắt, chỉ trong chớp mắt đã rời khỏi Chương Nghĩa Môn, tiến lên đường lớn.

Cỗ dại kiệu của Lưu đại nhân ra khỏi thành, theo con đường đá tiến về phía nam, vượt làng qua thôn nhanh như chớp chẳng mấy chốc đã tới thành Hiểu Nguyệt của Lư Câu. Đêm ấy họ nghỉ lại khách điếm Thường Tân, tới sáng sớm hôm sau lại lên đường tới huyện Lương Hương dùng một bữa cơm, lại lên đường lớn nhằm Trác Châu thẳng tiến. Nghĩ lại trong khách điếm Tùng lạ một đêm, xem ra đã đến thành Định Hưng. Lưu đại nhân ngồi trên kiệu tiến về phía trước, chợt ngẩng đầu lên, thấy một đám đông cả nam cả nữ. Trong số ấy già có trẻ có. Đoàn người dắt già dìu trẻ tiến về phía trước. Đại nhân không hiểu vì sao, dặn dò tạm hạ kiệu xuống. Kiệu phu nghe lệnh lập tức dừng bước. Đại nhân gọi Vương An, nói:

– Mau gọi đám người kia lại đây, hỏi xem tại sao họ lại bỏ ruộng, vườn, nhà cửa đi nơi khác?

Vương An nghe lệnh, không chút chậm trễ, vội chạy lên trước đám đông, cất giọng nói:

– Đại nhân sai ta đi hỏi các vị, các vị hãy mau đi gặp đại nhân.

Dân chúng nghe vậy ngẩng đầu nhìn lên, thấy một cỗ kiệu nằm trên mặt đất. Phía trước, đằng sau có hai người hầu, bốn tên kiệu phu đang độ trai trẻ. Mọi người thấy vậy vội tiến lên quỳ cả xuống. Lưu đại nhân ngồi trong kiệu hỏi vọng ra:

– Các ngươi nghe ta hỏi đây, các ngươi nhà ở đâu, quê quán châu nào huyện nào? Tại làm sao bỏ cả ruộng vườn nhà cửa?

Dân chúng nghe hỏi vội dập đầu lạy, miệng hô “Lão gia” đua nhau kể lể.

– Đại nhân đã hỏi đến nhà cửa của chúng tôi, chúng tôi đây thực không dám giấu. Chúng tôi đều là người trong thành Thâm Châu, bị nạn hạn hán thực khó sống. Gạo đắt như ngọc khó lòng mua. Bất đắc dĩ, đành bỏ nhà cửa ruộng vườn đi lánh nạn. Bọn tôi đang muốn lên kinh đô.


Đại nhân nghe họ nói vậy, bèn từ trong kiệu nói vọng ra:

– Ta nghe nói Hoàng thượng đã hạ chỉ mở kho bán gạo cho dân, tại sao còn phải chạy lên kinh thành?

Lưu đại nhân nói:

– Ta nghe nói Thâm Châu phụng chỉ mở kho bán gạo cứu tế cho dân, tại sao các người không đi mà mua?

Dân chúng nghe hỏi, trả lời nói:

– Lão gia không biết đấy thôi. Tuy nói là quan bán gạo cứu tế nhưng so với giá ngoài chợ cũng chẳng khác là bao.

Lưu đại nhân hỏi:

– Gạo cứu tế bán bao nhiêu tiền một đấu?

Một ông già tiến lên trả lời nói:

– Bán bốn trăm tiền một đấu gạo.

Lưu đại nhân hỏi:

– Phụng chỉ bán ba trăm tiền một đấu, tại sao lại bán tới giá bốn trăm tiền? Một trăm tiền ấy thuộc về ai? ông lão nói:

– Lão gia còn chưa biết đấy thôi, một đấu gạo bán hơn một trăm tiền, quan châu ăn bảy phần, nha dịch, thư biện, trưởng tùy bọn chúng ăn ba phần. Nhưng như thế vẫn chưa có gì là quá đáng, tệ hại hơn cả là một đấu chỉ có bảy thăng. Lão gia thử nghĩ xem, trong chiết ngoài khấu, chia năm xẻ bảy, nào có khác gì giá trên thị trường đâu!

Lưu đại nhân nghe vậy, nói:

– Giỏi cho tên tham quan ác độc! Ngươi chiết khấu lương thực của dân, có biết đáng bị trị tội như thế nào không?

Lại nói:

– Các ngươi hãy ở lại, chớ nên tới kinh thành chạy nạn, hãy tạm về nhà, chớ nên làm lớn chuyện. Đảm bảo trong vòng mười ngày nữa, các người sẽ được mua gạo với giá ba trăm tiền một đấu – Nếu không làm được vậy, tức là ta đã hưởng uổng lộc của Hoàng gia rồi!

Dân chúng nghe vậy đều dập đầu lạy rồi quay trở về.


Lại nói chuyện Lưu đại nhân dặn dò khởi kiệu. Kiệu phu đặt cáng lên vai, tiếp tục tiến lên. Chuyện trên đường đi không phải kể ra đây. Vượt qua các châu huyện, chẳng mấy chốc đã tới Hà Diên thuộc phía Bắc tỉnh thành phủ Bảo Định. Quan viên phủ Bảo Định đón đại nhân vào công quán. Việc thi cử chẳng qua chỉ là khảo nghiệm tài văn, phân tài cao thấp. Không đầy mấy ngày sau, mọi việc đã hoàn tất. Mặt trời xế non Tây, đèn được thắp lên. Chuyện đêm ấy không có gì đáng kể.

Tới sáng sớm ngày hôm sau, Lưu đại nhân trở dậy rửa mặt, dùng trà, lên kiệu lớn trong sân công quán, dặn kiệu phu khiêng ông ta đi vi hành, từ phủ Bảo Định tới Thâm Châu công tác. Đám thủ hạ ứng tiếng, không dám trễ nải, lén rời khỏi phủ thành Bảo Định, lên đường lớn nhằm Thâm Châu thẳng tiến. Bởi đây là chuyến đi bí mật không thể để lộ ra nên dọc đường đi đại nhân không dính dáng gì tới chuyện nào. Dọc đường đi không có gì đáng kể, trong sách này cũng chẳng cần tả chi ly. Đại nhân tiến vào địa phận giáp danh với Thâm Châu. Cách thành chừng hai mươi lăm dặm đường có một nơi tên gọi Lý Gia Trấn. Tuy thị trấn này không lớn lắm, nhưng cũng rất náo nhiệt Lưu đại nhân ở lại trong Lý Gia Điếm. Bữa ăn của đại nhân chỉ có hai cái bánh nướng, một bát óc đậu phụ là xong. Lại gọi một bát trà để uống, cả thảy chỉ hết chưa đầy ba mươi tiền. Lưu đại nhân dùng bữa xong, sắc trời cũng đã muộn. Trương Lộc thắp đèn lên, chuyện đêm ấy không có gì đáng kể. Tới sáng ngày hôm sau, đại nhân trở dậy rửa mặt, dùng trà xong xuôi nhìn Trương Lộc, nói:

– Ngươi hãy nghe đây: Hôm nay ta muốn vào thành Thâm Châu vì muốn làm rõ việc cứu đói cho lê dân. Kiệu, ngựa đều không cần. Các ngươi tạm thời ở lại trong quán trọ. Sau giờ Thân hãy đi tìm ta, tuyệt đối không được để lộ chuyện ra ngoài.

Trương Lộc nghe xong, nói:

– Biết rồi. Lời đại nhân dặn, bọn tiểu nhân sao dám không nghe?

Hiền thần lại dặn dò:

– Mau gọi chủ quán trọ tới đây! Trương Lộc ứng tiếng, chạy ra ngoài. Không lâu sau đã gọi chủ quán tới. Chủ quán quỳ sụp xuống nền, nói:

– Lão gia cho gọi tiểu nhân, không biết có chuyện chi dạy bảo?

Đại nhân mỉm cười, nói:

– Chủ quán nghe ta nói đây: Ngươi hãy kiếm cho ta một chiếc mũ cỏ rách, một đôi giày vải sờn cũ, một tấm áo ngoài bằng vải trắng, lại thêm một chiếc túi nhỏ nữa. Mau mang tới đây ta có việc cần dùng. Sau khi dùng xong, ta sẽ ban thưởng.

Chủ quán ứng tiếng, không dám chậm trễ, vội vàng xoay mình đi ra ngoài. Không lâu sau đã mang đủ bốn món đại nhân dặn tới. Chủ quán đi ra, chuyện không phải kể. Lại nói chuyện đại nhân thấy những thứ mình cần đều đã mang tới đầy đủ, lập tức đứng dậy thay quần áo. Áo mão cân đai cởi xuống cả, giày thêu cũng cởi, xỏ giày vải vào. Khoác lên mình chiếc áo ngoài bằng vải trắng chủ quán trọ mới mang tới, với tay lấy chiếc mũ cỏ rách đội lên đầu, vắt chiếc túi vải qua vai, mang theo ba trăm tiền nữa. Đại nhân một lòng muốn tới Thâm Châu một chuyến. Mọi việc chuẩn bị đã xong, liền nói:

– Trương Lộc, ta có điều này muốn nói với con:

Tên người hầu ứng tiếng, nói:

– Biết rồi, không cần đại nhân phải dặn nữa.

Lưu đại nhân nghe vậy, lập tức sải bước, xoay mình tiến ra ngoài. Bộ dạng của ông lúc này hệt như một lão nhà quê, rời khỏi quán trọ Lý Gia. Lên đường lớn, nhằm hướng thành Thâm Châu đi tới. Lưu đại nhân vừa đi, trong lòng thầm nghĩ:

– Hoàng ân bát ngát, không thể coi nhẹ. Thánh Chúa yêu thương dân nên mới bán gạo cứu tế. Cũng chỉ vì dân chúng gặp năm hạn hán mất mùa. Chẳng ngờ châu quan làm điều tệ hại, tham lam, làm lỡ việc quốc gia, lại hãm hại dân lành. Thực đúng là, dân chúng không cơm ăn, quan châu dùng gạo nấu rượu bán. Lưu Dung ta lẽ nào lại bỏ qua chuyện này? Đợi ta tra xét rõ tội lỗi của hắn, đảm bảo, ta sẽ khiến đầu tên cẩu quan này phải lìa khỏi cổ!

Lưu đại nhân nghĩ ngợi miên man, chân bước như gió thoảng. Ngẩng mặt nhìn lên, đã thấy cổng Bắc thành Thâm Châu hiện ra trước mắt.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.