Đọc truyện Lưu Công Kỳ Án – Chương 139: Quán họ Trương, Gia Khánh nhận con nuôi Làm mất chỉ dụ, Liên Đăng gặp nạn
Nguyệt sắc thiên sầu lộ
Trúc thanh hiềm dạ tuyền
Túc quán vô tân khách,
U điếm phiếm ẩm nhiên.
Dịch thơ:
Trăng soi sương thu lạnh
Tiếng trúc hòa suối ngân
Không khách đêm quán vắng
Lặng lẽ càng thêm buồn.
Trương Liên Đăng hỏi:
– Ngài sống trong thành Bắc Kinh, ở cửa nào vậy? Ngõ nào vậy?
Hoàng thượng nói:
– Ta sống ở giữa thành.
Trương Liên Đăng nói:
– Ở giữa thành là nơi Hoàng đế Gia Khánh sống, phải chăng ngài là họ hàng với Hoàng đế Gia Khánh?
Hoàng thượng nói:
– Không chỉ họ hàng, ta còn có họ rất gần nữa.
Trương Liên Đăng hỏi:
– Ngài họ gì, tên gọi thế nào?
Hoàng thượng nói:
– Ta họ Triệu, tên Phi Long. Nhà ta vốn là một đại tài chủ, vàng bạc chất như núi, quản gia nhà ta đều đội mũ chóp đỏ, chóp xanh, đeo vòng ngọc.
Liên Đăng hỏi:
– Quản gia nhà ngài đều đội mũ chóp đỏ, chóp xanh, vậy ngài hẳn phải là một vị đại nhân, đội mũ chóp lục rồi.
Hoàng thượng nói:
– Ôi! Cả đời này ta vẫn chân trắng.
Liên Đăng hỏi:
– Ngài đã là một vị đại tài chủ, chắc phải có tới cả trăm mẫu ruộng. Có hơn trăm quầy hàng.
Hoàng thượng nói:
– Các tỉnh các châu, phủ, huyện đều có hàng của ta. Đều do đám quản gia lo việc trồng trọt. Ta chỉ có một mẫu ba đất, hàng năm đều do ta đích thân trồng cấy.
Trương Liên Đăng nói:
– Ngài nói dối. Một mẫu ba đất sao được gọi là tài chủ? Nhà cháu có hai mẫu rưỡi đất, cả năm nay mới thu hoạch được một thạch hai đấu một thăng lương thực.
– Một mẫu ba ấy của ta là đất hương hỏa. Ngoài ra còn có mười tám tổng đốc, mỗi người quản một vùng đồng ruộng.
Liên Đăng hỏi:
– Họ đều ở ngoại thành Bắc Kinh ư?
Hoàng thượng nói:
– Vị đầu tiên ở tại phủ Bảo Định, Trục Lệ. Ngoài ra còn ở Sơn Đông, Sơn Tây, Thiểm Tây, Cam Túc, Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Nam, Giang Bắc, Biện Kinh, Triết Giang, Tứ Xuyên, Hồ Quảng, Kim Lăng, Quảng Đông, Lưỡng Quảng, Tô Châu, Hàng Châu. Lương thực ở quan ngoại đểu được trở về Thông Châu rồi chuyển xe đưa về thành Bắc Kinh. Ngươi tin hay không? Mười tám vị khoa đầu, tám vị đại triều thần đều tới nhà ta vay lương thảo, phải nhún nhường ta. Bốn mươi tám nhà vương tử ngoài quan ngoại đều thân thích với ta. Cho dù là tam cung lục viện, bảy mươi hai vị tần phi đều không tránh né ta. Cho dù là Chiêu Dương chính viện ta cũng có thể ra vào, không ai dám ngăn cản.
Trương Liên Đăng nói:
– Ngài xem, vừa nói được lời hay, chỉ trong phút chốc đã lại nói lời điên khùng rồi. Ngài thử nhìn xuống đế giày xem, chắc dẫm chết mấy con bọ rồi.
Hoàng thượng nói:
– Ngươi không tin, sao thể nhận ta làm cha nuôi.
Lại nói chuyện Thạch Tú Anh nấp ngoài cửa sổ nghe hai người bên trong nói chuyện. Bà ta ghé mắt nhòm vào trong, thấy vị tiên sinh này ngũ quan đoan chính, nếu không phải là vương gia thì cũng phải là bối tử, bối lặc, bèn dậm chân một cái. Trương Liên Đăng nghe thấy tiếng dậm chân của mẹ, lập tức quỳ xuống trước mặt Hoàng thượng, dập đầu lạy, nói:
– Con xin dập đầu lạy cha nuôi.
Hoàng thượng vội đỡ Liên Đăng dậy, hỏi:
– Con mở quán trọ nhỏ này hết bao nhiêu tiền vốn?
Trương Liên Đăng nghe hỏi, thở dài một hơi, nói:
– Chớ nhắc tới chuyện tiền vốn làm gì. Cả thảy chỉ hết có tám xâu tiền. Kiếm được bao nhiêu, ăn hết bấy nhiêu. Kiếm được nhiều thì có bữa ăn no, nhưng cũng có hôm chỉ lưng lửng dạ.
Hoàng thượng nói:
– Ta có một món nợ, con hãy đi đòi. Đòi được nợ, con sẽ không sống khổ cực nữa.
Liên Đăng nói:
– Con không đi đòi nợ.
Hoàng thượng hỏi:
– Tại sao con không đi?
Liên Đăng nói:
– Tiền nợ của cha bảo con đi đòi, chạy bên Đông một chuyến, chạy bên Tây một chuyến, đi đòi tiền coi bói. Có chạy cả ngày cũng thẳng đòi được bao nhiêu. Chi bằng ở nhà mở quán trọ vẫn hơn.
Hoàng thượng nói:
– Không phải là tiền coi bói nợ. Mà là tới phủ Hòa Thân, đòi hắn ba ngàn lạng.
Liên Đăng xua tay, nói:
– Con không đi đâu. Rõ ràng cha bảo con làm con thiêu thân lao đầu vào lửa mà chết.
Hoàng thượng nói:
– Chớ ngại. Con gặp Hòa Thân, chớ nên báo tên ra, cứ nói là Trương Liên Đăng, hắn sao nhận ra con được?
Trương Liên Đăng nghĩ:
– Cũng có lý!
Liền nói:
– Cha nuôi! Vậy cha hãy đưa sổ nợ cho con. Con đi đòi tiền một chuyến vậy.
Hoàng thượng nói:
– Ta không có sổ nợ. Giờ ta viết một phong thư.
Liên Đăng vội nói:
– Cha nuôi, nếu cha viết thư đòi nợ, con sẽ đi lấy mực.
Nói xong, chạy ngay xuống nhà sau.
Hoàng thượng vội giở bao hành lý ra, lấy bút, nghiên cùng một mảnh lĩnh vàng, viết: “Thượng dụ:
Cửu môn đề đốc Hòa Thân: Nay trẫm rời triều, đi vi hành tìm kiếm người hiền tài, tối nghỉ lại tại quán trọ nhà họ trương tại Thông Châu, nhận Trương Liên Đăng làm con nuôi. Nay sai con nuôi của trẫm vào kinh, tới phủ đề đốc. Khanh mau chóng cấp cho nó ba ngàn lạng bạc, đưa tới quán trọ nhà họTrương ở Thông Châu. Khâm thử!”
Viết xong đi nghỉ.
Sáng sớm hôm sau. Trương Liên Đăng lên phòng trọ thỉnh an, nói:
– Cha nuôi, đêm qua cha ngủ ngon giấc chứ?
Hoàng thượng nói:
– Ngon giấc.
Rồi đưa “thư đòi nợ” ra, nói:
– Dọc đường đi phải cẩn thận. Đi sớm, về cho sớm để ta yên lòng. Con đi chuyến này, vào theo lối Bắc Hóa Môn, lên đường lớn tới vương phủ, nhìn thấy hai cột cờ, bên dưới có hai con sư tử trên tường vẽ hình rồng cuốn, ngói lưu ly, đó chính là cửa phủ đề đốc. Con hãy quát lớn: “Người tới đòi nợ ở đây. Mau nổ ba tiếng pháo”. Bắt hắn mở cổng chính, tấu nhạc nghênh đón. Tất hắn sẽ đón con lên đại sảnh. Con hãy ngồi lên ghế trên, tới lúc ấy hãy đưa thư đòi nợ ra. Hắn tất quỳ lạy con. Con cần phải nghênh ngang, đừng gọi hắn là đại nhân hay thông gia gì, cứ việc gọi thẳng tên của hắn. Vậy mới không làm tổn hại tới danh tiếng của tổ tiên.
Trương Liên Đăng nói:
– Con biết rồi! Con đi rồi, cha hãy chăm lo nhà cửa, phải gánh một ung nước, quét dọn chuồng ngựa, chớ có ngồi không. Cần phải dựa vào quán trọ này mới có miếng ăn đó!
Hoàng thượng nghe vậy, bật cười ha hả, nói:
– Con mau đi đòi nợ. Từ nay sẽ hết nghèo. Cần phải hết sức cẩn thận, đừng để mất lá thư đòi nợ này.
Trương Liên Đăng nói:
– Cha không cần phải dặn.
Rồi nhận lấy lá thư, đi ra khỏi quán. Nhét lá thư vào vành mũ, lên đường lớn, nhằm hướng Bắc Kinh thẳng tiến.
Đi được nửa đương, chợt có con gió lớn nổi lên, cuốn tờ thánh chỉ trong vành mũ bay mất tăm dạng. Trương Liên Đăng không hề hay biết, cứ việc cắm đầu tiến lên. Không lâu sau đã tới Bắc Kinh, gặp ai cũng hỏi đường tới phủ Hòa Thân. Hỏi thăm một hồi, phủ đề đốc đã hiện ra trước mắt. Đúng là nơi ấy có hai cột cờ hai bên, một đôi sư tử đá xếp hai bên Đông, Tây. Hai bên cửa có bốn tên quân canh, kẻ ra, người vào đều đội mũ chóp xanh, chóp trắng, sau gáy cắm lông chim trĩ. Binh sĩ ai cũng không xuôi tay, bên hông đều đeo đao bao màn lục. Trước cửa dựng một cây gậy dầu đỏ đầu đen, dưới có bốn chiếc giá gỗ.
Thấy vậy nó bèn tiến lên, hỏi:
– Đây là phủ Hòa Thân phải không?
Quân canh cửa nghe vậy, trợn mắt lên, quát lớn:
– Giỏi cho thằng nhãi ranh vô tri! Sao dám gọi thẳng tên húy của tướng gia? Thực là to gan! Đây chính là phủ đề đốc.
Trương Liên Đăng, nổi giận, nói:
– Các người dám giở thói chó điên cắn càn ư? Mau vào thông báo cho Hòa Thân biết. Nói ta là Trương Liên Đăng sống tại Thông Châu, nhận một người cha nuôi. Nói hắn thiếu của cha nuôi ta ba ngàn lạng bạc, cha ta sai ta tới đây đòi. Bảo hắn phải tấu nhạc đón tiếp, nổ ba tiếng pháo, mở rộng cửa lớn đón ta. Thế mới phải đạo. Nếu còn chần chừ, chức quan nhỏ nhoi của hắn cũng không còn!
Quân canh cửa nghe vậy. Không thể đánh được. Các ngươi thử nghĩ xem, nó dám lớn lối như vậy, nếu đánh nó mà gây ra họa, các ngươi gánh vác hay là ta? Chi bằng vào bẩm với tướng gia, xem tướng gia dặn dò ra sao. Mời vào hay phát lạc ra sao. Nếu có xảy ra việc gì sẽ do tướng gia gánh vác. Chúng ta vô can.
Đám quân canh cửa nghe vậy, vội đứng qua một bên.
Tên quản gia Đái Thành xoay người, vào trong phủ. Lên đại sảnh vào thư phòng, chắp tay vái, nói:
– Khai bẩm tướng gia. Bên ngoài phủ có một đứa trẻ tên gọiTrương Liên Đăng, nhà ở Thông Châu. Nó nói tướng gia nợ cha nuôi nó ba ngàn lạng bạc, nay tới đòi nợ hộ cha nó.
Hòa Thân nghe vậy, bực bội, nghĩ thầm:
– Ta chưa từng vay bạc của ai.
Định dặn thuộc hạ đánh cho thằng bé ấy một trận, nhưng lại sợ nó có lai lịch ghê gớm, bèn dặn dò:
– Cho thằng bé ấy vào phủ, hỏi cho rõ ràng.
Đái Thành nhận lệnh, chắp tay vái, nói:
– Tướng gia, thằng bé ấy còn nói tướng gia phải tấu nhạc đón tiếp, nổ ba tiếng pháo, mở rộng cửa lớn rồi đích thân tướng gia ra đón nó mới chịu vào phủ.
Hòa Thân nghe vậy, càng không đoán ra được đứa bé ấy là ai, lại không dám làm trái, đành phải ra đón. Nó vừa thấy Trương Liên Đăng thắt chiếc đai quý thêu hình nhị long hý châu, bất giác sững người, nghĩ thầm:
– Chiếc đai này khi xưa Hoàng thượng ban cho Triệu Nguyên Hội, tại sao lại trong tay thằng nhãi này? Chắc chắc nó là hậu nhân của nhà họ Triệu.
Con đang suy nghĩ, chợt thấy đứa bé nói:
– Người kia là Hòa Thân sao?
Quân canh cửa nói:
– Đó chính là tướng gia.
Liên Đăng nói:
– Là tướng gia của các ngươi, không phải là tướng gia của ta. Chỉ cần gọi thẳng hắn là Hòa Thân, vậy là đã nể mặt hắn lắm rồi.
Hòa Thân nghe vậy, bước lùi một bước, nghĩ thầm:
– Chẳng nhẽ thằng ranh này bị trúng gió phát cuồng?
Nhưng vẫn phải tiến lên thi lễ, nói:
– Mời anh bạn trẻ lên sảnh đường ngồi nói chuyện.
Trương Liên Đăng liền lên sảnh đường, ngồi lên ghế trên.
Hòa Thân hỏi:
– Anh bạn trẻ tới đây đòi nợ, hẳn phải có sổ sách, giấy tờ?
Liên Đăng nói:
– Có thư đòi nợ.
Rồi bỏ mũ xuống, tìm. Bất giác biến sắc mặt, nói:
– Ta đi vội vã, bỏ quên thư đòi nợ ở Thông Châu rồi. Đợi ta về lấy rồi hai ta sẽ tính nợ với nhau.
Nói xong, đứng dậy, đi ra ngoài.
Hòa Thân nghe vậy, nổi giận đùng đùng, quát vang:
– Thằng ranh con! Xem ngươi tuổi chưa đầy mươi hai, mươi ba mà đã biết tác oai tác quái! Nay ngươi đã vào phủ ta, muốn ra khỏi phủ, chỉ còn cách tìm mẹ khác mà đầu thai!
Rồi dặn dò tả hữu:
– Bắt lấy nó cho ta. Trói vào vườn hoa sau nhà, chém!
Đám thuộc hạ không dám chậm trễ, vội vàng xông lên, bắt lấyTrương Liên Đăng, đè xuống, dùng thừng trói gô lại, đứa lôi, đứa đẩy, kéo nó ra vườn hoa phía sau. Bốn tên đao phủ đẩy Trương Liên Đăng ra tới lườn hoa, trói vào cột đình, xuống hoa đình lấy đao. Chợt thấy dưới khóm hoa trong vườn phát sáng lấp lánh, nói:
– Chắc trong bụi hoa kia có vậy gì quý báu đang phát sáng?
Một đứa nói:
– Có bảo bối xuất hiện trong phủ đề đốc. Chúng ta hãy tới đó xem là vật gì.
Bốn tên đao phủ bèn kéo nhau tới bụi hoa, nhìn xuống, thấy một bình rượu Thiệu Hưng, bên cạnh còn có bốn cái chén.
Thì ra, bình rượu và bốn cái chén này đều do Thổ địa hóa phép ra. Thấy Đông Đầu Tinh bị nạn, không có cách cứu, thấy bên đại sảnh của Hòa Thân có một bình rượu Thiệu Hưng bèn hóa phép lấy đi cùng bốn cái chén, đặt dưới bụi hoa, đợi bốn tên đao phủ tới, lén dùng pháp lực dụ cho chúng uống, đợi thời cơ.
Lại nói chuyện bốn tên đao phủ thấy có bình uốn và bốn cái chén. Một tên nói:
– Hẳn là đám nô tài lấy trộm, mang ra đây. Chưa kịp uống, thấy anh em ta vào, chúng trốn đi cả. âu cũng là số của anh em ta. Uống ly rượu lấy khí thế, sau đó giết thằng ranh kia cũng không muộn.
Rồi ngồi cả xuống, rót rượu ra. Anh một chén, tôi một chén, càng uống càng mềm môi. Chẳng mấy chốc, bình rượu đã cạn sạch. Một cơn gió thổi qua, cả bốn tên đều cảm thấy đầu nặng bồng, chân nhẹ thếch, nằm lăn quay ra ngủ. Thổ địa thần thấy vậy lại tung ra một nắm bọ ngủ, rải lên mí mắt chúng, khiến không đứa nào tỉnh dậy nổi.
Thần Thổ Địa vội vàng đi tìm thánh chỉ, cầm lên tay, tới thẳng cổng phủ của Lại bộ thiên quan Lưu Dung, đặt thánh chỉ bên ngoài cửa. Đúng lúc ấy, tên tùy tướng tin cẩn của Lại bộ thiên quan là Phiên Giám từ trong phủ đi ra, thấy trước cửa phủ có một vật giống như đạo thánh chỉ, vội vàng nhặt lên, chạy trở vào phủ, gọi lớn:
– Đại nhân, khi nãy tiểu nhân nhặt được một đạo phong hàm bên ngoài cửa phủ, không dám tự quyết, mời đại nhân xem qua.
Lại bộ Lau Dung nhận lấy, bóc phong bì ra đọc, thấy trong viết hai chữ “Thượng dụ” vội dặn dò:
– Bày hương án.
Rồi mở thánh chỉ ra, cầm trên tay. Lưu lại bộ hành lễ tam quỳ cửu khấu xong, mở ra đọc:
– Thượng dụ:
Cửu môn đề đốc Hòa Thân: Nay trẫm rời cung đi vi hành tìm người hiền tài, tối nghỉ lại trong quán trọ nhà họ thông tại Thông Châu, nhận Trương Liên Đăng làm con nuôi. Nay sai con nuôi vào kinh, tới phủ đề đốc. Khanh mau chóng cấp cho nó ba ngàn lạng bạc, đưa tới quán trọ nhà họ Trương tại Thông
Châu. Khâm thử.
Đọc xong đạo dụ chỉ, bất giác trong lòng kinh hãi, nghĩ:
Đây là do bản bộ dâng bản tấu, thánh thượng mới xuất cung vi hành. Sai tiểu điện hạ mang chỉ dụ tới phủ đề đốc lấy bạc. Chắc tiểu điện hạ đánh rơi chỉ dụ. Nếu Hòa Thân không thấy thánh chỉ, tất sẽ nổi giận. Trương Liên Đăng sẽ nguy tới tính mạng. Nếu có điều chi sơ suốt, ai dám đứng ra gánh vác chuyện này?
Liền gọi thư đồng Lưu An tới, dặn dò:
– Cùng bản bộ ngồi triệu tới phủ đề đốc. Sau khi tới đó, ngươi hãy làm thế này, thế này. Sau đó xem ánh mắt ta mà hành sự.
Lưu An tuân lệnh, ra ngoài, dặn dò:
– Chuẩn bị kiệu. Đại nhân tới phủ đề đốc.
Kiệu phu nghe lệnh, không dám chậm trễ, vội khiêng kiệu tới Lưu lại bộ lên kiệu. BọnTrương Thành, Phan Kiểm, Cát Khánh, Cát Kính, Mã Khải, Vương Toàn sáu người đi trước mở đường, thư đồng Lưu An theo sau. Không lâu sau đã tới phủ đề đốc. Quân canh cửa thấy vậy, không dám chậm trễ, vội vào phủ bẩm báo.
Hòa Thân nghe báo, trong lòng sinh nghi, nghĩ thầm:
– Nay ta giếtTrương Liên Thành, hắn lại tới đây chơi. Chắc phải có chuyện gì. Hắn là thầy ta, ta không thể không ra nghênh đón.
Bèn đứng dậy, đi ra ngoài đón tiếp. Gặp Lưu lại bộ, cúi mình thi lễ. Lại bộ trả lễ, rụt rè đi vào đại sảnh, phân ngôi chủ, khách ngồi xuống. Đái Thành dâng trà lên. Trà nước xong xuôi, Hòa Thân hỏi:
– Thầy giá lâm tệ phủ, không biết có việc gì chỉ dạy?