Đọc truyện Lưu Công Kỳ Án – Chương 114: Oan hồn quấy rối hoàng ái ngọc Lưu công dò xét rõ chân tình
Trấn nhật trường hôn ẩm,
Phi quan dưỡng tính linh
Nhãn khán nhân tận túy,
Hà nhẫn độc vi tinh.
Dịch thơ:
Uống cả ngày say tít
Không gìn giữ tính Linh
Thấy mọi người say ca
Sao nơ tỉnh một mình.
Lại nói chuyện Lại bộ thượng thư Lưu đại nhân nghe Hoàng ái Ngọc nói vậy, biết rõ đó chỉ là nhũng lời hoa mỹ lấp liếm sự thật bèn dặn dò thuộc hạ kéo quan tài lên khỏi huyệt mộ. Lúc này, võ cử Trương Bồi Nguyên cũng tới. Lén gặp người khám nghiệm tử thi, trao cho hắn một trăm lạng bạc, lén thì thầm vào tai hắn mấy câu, bảo hắn chỉ cần khám qua loa, chớ nên tìm ra thương tích của nạn nhân là xong. Viên khám nghiệm tử thi gật đầu ưng thuận. Hai người còn đang nói chuyện với nhau, chợt thấy đại nhân truyền gọi, lệnh khám nghiệm tử thi.
Hắn vội cùng võ cử chia tay, bước tới bên thi thể. Thấy bên cạnh đã trải sẵn một chiếc chiếu cói liền chuẩn bị làm việc. Sai mọi người mở nắp quan tài, khiêng thi thể đặt lên chiếu, lột bóc quần áo trên mình nạn nhân. Viên khám nghiệm tử thi tay cầm cây thước gỗ, phun rượu, giấm lên rửa sạch thi thể nạn nhân rồi bắt đầu kiểm tra. Đằng trước, đằng sau, đỉnh đầu tìm khắp một lượt không thấy có thương tích gì, trong lòng thầm nghĩ: “Thương tích tất ở trong nội tạng. Nay ta đã nhận của đút cũng không nên kiểm tra kỹ lưỡng làm gì”. Rồi tiến tới trước mặt Lưu lại bộ, quỳ xuống, nói:
– Bẩm đại nhân, tiểu nhân đã khám kỹ toàn thân, thấy không có vết thương gì, cũng không thấy phát hiện điểm khả nghi. Có lẽ là do bị bệnh chết thật.
Lưu lại bộ nghe bẩm vậy, lập tức đứng dậy, bước tới bên thi thể, đưa mắt nhìn. Thấy nạn nhân người thấp bé, cao chỉ khoảng ba thước bảy, tám tấc, bím tóc dài độ bốn, năm tấc, rối bù, mặt rỗ nhằng nhịt. Xem xong, quay qua phía thiếu phụ, thấy ả bộ dạng phong lưu, xinh đẹp, trong lòng nghĩ thầm:
– Vụ này hẳn do gian dâm giết chồng.
Rồi sai viên khám nghiệm tử thi khám lại lần nữa. Lưu công đích thân đứng một bên giám sát. Viên khám nghiệm tử thi lại khám hết lượt, vẫn không tìm ra thương tích gì. Lưu công trong lòng buồn bực, nghĩ thầm: “Nếu hắn chết bởi bệnh tật san lại có gió xoáy chặn kiệu, thiếu phụ mặc áo đỏ?”. Rồi kêu thầm tên mình: ” Lưu Dung ơi Lưu Dung! Hôm nay người gặp phải chuyện rầy rà rồi”. Đành cất giọng gọi:
– Bồ Hoàng thị. Bản bộ không tìm ra thương tích, đã nghĩ oan cho ngươi rồi. Bản bộ thưởng cho ngươi năm mươi lạng, sai treo vải đỏ trước cửa nhà ngươi. Ta sẽ viết một đạo công văn, xin cho ngươi tấm biểu trinh tiết, lập bia ghi nhận, khen ngợi ngươi là gái biết thủ tiết, danh thơm lưu truyền hậu thế, chôn thi thể của chồng ngươi xuống. Coi như khép lại vụ án này. Ngươi thấy vậy có được không?
Hoàng ái Ngọc nghe vậy, trong lòng hớn hở, vội quỳ xuống, nói:
– Đa tạ ân điển của đại nhân. Tiểu nô nguyện…
Chữ “nguyện” vừa ra khỏi miệng, chợt thấy một trận gió xoáy bốc lên, xoay quanh mình Hoàng Ái Ngọc. Hoàng Ái Ngọc lập tức run lên, đôi lông mày dựng ngược, mắt phượng trợn tròn, đứng bật dậy, dậm chân xuống đất, đưa tay chỉ thẳng vào mặt Lưu đại nhân, lớn tiếng chửi mắng:
– Lưu gù, vẫn nghe nói ngươi là viên quan chính trực, thích can thiệp vào chuyện bất bình của dân. Nay thấy ngươi cũng chỉ là hòn gạch nung mà thôi. Chồng của ta rõ ràng bị bệnh mà chết, ngươi một mực đòi quật mộ, mở nắp quan tài khám nghiệm tử thi, làm nhơ bẩn danh tiếng của ta, ngậm máu phun người. Ta quyết không chịu để người thôi một cách dễ dàng như vậy?
Rồi rũ ống tay áo, xông tới phía Lưu đại nhân đòi liều mạng. Đám nha dịch vội vàng ngăn lại. Lôi lôi kéo kéo, không cho ả đến gần.
Lúc này, võ cử Trương Bồ Nguyên đứng xem ở ngoài, thấy đám nha dịch lôi kéo Hoàng Ái Ngọc, bất giác nổi giận trong lòng. Hắn liền cột chặt lại bím tóc, cởi áo ngoài ra, để hở lưng, hở bụng xông tới định làm khó dễ cho Lưu lại bộ. Đứng cạnh hắn có một ông già thấy vậy, vội ngăn hắn lại, nói:
– Trương đại lão gia, ông có quan hệ thân thích gì với Hoàng ái Ngọc không?
Trương võ cử nói:
– Không quan hệ thân thích.
Ông già nói:
– Không thân thích, chẳng quan hệ tại sao lại muốn xen vào chuyện này? Ông Lưu gù này không giống những viên quan qua đường khác. Tính tình ngay thẳng, ngạo thượng. Nếu ông xông lên, tôi chỉ e ông phải mang vạ, tự tìm lấy sự đau khổ mà thôi. Hãy nghe lời khuyên của già này, ai về lo việc nhà nấy, chớ nên lo chuyện người khác.
Võ cử nói:
– Tôi đứng đây nghe xử, tức không chịu nổi, muốn ra tay can thiệp bất bình. Ông đã khuyên vậy, tôi cũng không xen vào chuyện thiên hạ nữa.
Rồi mặc áo vào, quay đầu về nhà.
Lại nói chuyện Lưu công thấy Hoàng thị làm càn, dặn dò nha dịch đem Hoàng thị về công quán, lệnh bảo chính Phiên Tam canh giữ tử thi, cho phép tri châu về nha. Lưu công cũng lên kiệu về công quán.
Lại nói chuyện khám nghiệm tử thi kết thúc. Đám dân thôn túm năm túm ba bàn tán chuyện này. Có người nói:
– Nạn nhân chết không rõ ràng.
Người khác nói:
– Chắc do bệnh đột ngột qua đời.
Lại có người nói:
– Vụ này càng lúc càng lớn rồi.
Mọi người đang bàn tán xôn xao, chợt thấy một người từ xa đang hò hét chạy tới, nói:
– Đám các người nói chuyện gì vậy? Thì thà thì thầm, sao không chịu nói to ra, làm cho ta phải bực mình.
Đám đông nghe vậy, quay đầu lại nhìn. Thấy người ấy trên vai gánh chừng một, hai đấu gạo, lưng đeo hai xâu tiền. Thì ra là kẻ thích đánh nhau, hay gây rối Ban Bưu Tử. Hắn họ Lưu, tên Thanh, tự là Côn Sơn. Thì ra hắn về nhà ở Tam Lý Bảo để đưa tiền, đưa gạo cho mẹ. Thấy hắn đi xiêu xiêu, vẹo vẹo, biết đã quá say, mọi người đều tránh né, không ai muốn trêu vào. Chẳng ai bảo ai, tản đi cả. Có một người tuổi tác đã cao, không chạy thoát, bị Bưu Tử Lưu Thanh tóm được, nói:
– Các ngươi túm năm tụm ba lại một chỗ, thì thầm chi vậy? Tại sao không nói lớn lên làm ta đây bực mình? Mau nói cho ta nghe. Nói mau!
Ông già nói:
– Ngươi bỏ tay ra ta nói cho mà nghe.
Lúc này, Bưu Tử Lưu Thanh mới thả tay ra. ông già kể lại một lượt cho hắn nghe chuyện khám nghiệm tử thi nhưng không tìm ra thương tích gì. Bưu Tử Lưu Thanh nghe xong, nổi giận đùng đùng, miệng hét vang:
– Chú à, chú không biết đấy thôi. Ả Hoàng ái Ngọc này tư thông với Trương võ cử, hại chết chồng ả là Bồ Hiền. Lưu Thanh tôi biết rất rõ. Chỉ vì tôi tham mấy ly rượu ở Bắc Trang, không kịp tới đây lúc Lưu lại bộ khám nghiệm tử thi. Thôi thì, để tôi tới công quán kêu oan với Lưu đại nhân vậy.
Nói xong, đùng đùng nhằm hướng công quán xông tới. Ông già đưa tay ra túm lấy hắn, nói:
– Lưu Thanh, ngươi thật vô lý! Ngươi kêu oan không công cho người ta, khiến mẹ già ngươi năm nay sáu bảy mươi tuổi phải lo sợ, biết lấy ai chăm sóc đây! Tục ngữ nói phải lắm: “Việc nhà thì nhác, việc chú bác lại siêng”. Tại sao ngươi lại phải đâm đầu vào đó chứ. Ngộ nhỡ mẹ ngươi hay tin ngươi bị lên quan vì vụ án liên quan đến mạng ngươi, sợ hãi mà sinh bệnh, xảy ra mệnh hệ gì, người sống không nuôi, chết không chôn, ngươi bày trò hảo hán ra làm gì?
Bưu Tử Lưu Thanh nghe vậy, chợt nở nụ cười, nói:
– Chú à, cháu cảm ơn chú đã chỉ dạy!
Rồi chào, bỏ đi.
Không lâu sau đã tới cổng Tây thành Cảnh Châu. Đám ăn không ngồi rồi ở đó thấy Lưu Thanh, đứa này gọi “Lưu hiền đệ” đứa kia gọi “Lưu đại ca” nói:
– Mấy ngày hôm nay không gặp, chúng ta phải đi uống một trận thực say mới được.
Nói xong, dắt nhau vào quán rượu.
Lại nói chuyện Lưu đại nhân tới công quán, dùng trà, ăn điểm tâm xong, trong lòng nghĩ thầm:
– Gió xoáy chặn kiệu, thiếu phụ bên mộ rõ ràng đã để lộ ra oan tình, tại sao mở quan tài khám nghiệm tử thi lại không tìm ra thương tích gì? Nghĩ tới nghĩ lui vẫn không tìm ra manh mối, chi bằng cải trang đi dò la, may ra tìm được chút manh mối cũng nên.
Nghĩ xong, lập tức sai Lưu An, Trương Thành mang ra một cái bao, mở bao ra. Lưu công lấy mũ đạo sĩ đội lên đầu, mặc đạo bào lên mình, lưng thắt đai nhung màu vàng, bỏ xõa tóc mai, chân đi hài vân du, cầm mỏ trên tay, cải trang thành một đạo sĩ đi hóa duyên, lén rời khỏi công quán, rời khỏi cổng thành đi thị sát dân tình. Đi mãi vẫn không có một chút tin tức gì, nghĩ thầm: “Ta hãy tới Tam Lý Bảo, sau đó tới Bồ Gia Loan thăm dò tin tức”. Nghĩ xong lập tức hỏi đường, rẽ sang phía Nam, tới Tam Lý Bảo. Vừa tới cạnh thôn Tam Lý Bảo, chợt thấy phía Đông Bắc có một đám mây đen lớn kéo tới, thoáng chốc đã che kín bầu trời. Một trận gió lạnh thổi qua, tiếp tới là mưa ầm ẩm. Đại nhân ướt lướt thướt. Đi gấp một hồi, tiến vào thôn trang Tam Lý Bảo. Thấy một khung cửa bèn tiến thẳng vào, tay khua mõ vang hóa duyên, làm kinh động bà lão chừng hơn sáu chục tuổi bên trong đang ngồi khâu vá. Bà lão đang chăm chỉ làm việc, chợt thấy ngoài cửa vang lên tiếng mỏ, bèn lần xuống giường, mò theo bờ tường ra ngõ, mở cửa nhìn ra. Thì ra là một lão đạo sĩ đi hóa duyên, bèn nói:
– Đạo gia. Trước đây nhà tôi cũng là nhà quan khá giả, nay lâm vào cảnh bần hàn, không có gì để bố thí. Xin hãy tới nhà khác mà hóa duyên.
Luu đại nhân nói:
– Nữ bồ tát, bần đạo không xin tiền, xin ăn, chỉ xin một nắm củi khô hơ khô quần áo là tôi đi ngay.
Bà lão nói:
– Vậy có chi là khó. Xin đi theo tôi, hãy tới căn phòng phía Đông kia mà hơ.
Lưu công nghe vậy, lập tức đi theo. Bà lão đóng kín cổng lại Lưu công hỏi:
– Nữ bồ tát, tại sao phải đóng cổng?
Bà lão nói:
– Đạo gia không biết đấy thôi. Già này chỉ có một thằng con trai tên gọi là Bưu Nhi. Già sợ nó về nhà. Những lúc về nhà nó thường say túy lúy. Chỉ sợ nó thấy đạo gia, nếu nó nổi giận, tất sẽ đánh ngài.
Lưu công nói:
– Nếu vậy, tôi không hơ quần áo nữa. Con bà về, tôi sẽ bị thua thiệt mất.
Bà lão nói:
– Già này đã mời ngài vào hơ sưởi, ngài cứ vào, chớ ngại.
Con trai già phải mười lăm, hai mươi hôm mới về một lần. Lần này nó đi mới được hơn mười ngày, thiết nghĩ hôm nay cũng chưa về đâu.
Lưu công nghe vậy mới theo bà lão đi vào căn phòng phía Đông. Bà lão ôm tới một ôm củi khô, bảo đại nhân tự đốt lửa sưởi.
Khi quần áo của đại nhân hơ đã gần khô, chợt ngoài cổng vang lên tiếng gõ cửa. Bà lão nói:
– Không ổn! Bưu Nhi nhà tôi trở về rồi.
Lưu công nói:
– Vậy nghĩ làm sao đây?
Bà lão nói:
– Chớ ngại. Đạo gia cứ việc ở trong phòng này sưởi ấm, chớ gây ra tiếng động. Bưu Nhi nhà tôi về nhà đưa tiền, đưa gạo, thường để gạo, tiền tại căn phòng phía Bắc, không tới nơi nào khác. Nói năm ba điều rồi, ngay cả nhà cũng chẳng thèm quét, lại đi cờ bạc ngay.
Lưu công nghe vậy gật đầu, không nói năng gì, chỉ chăm chú sấy quần áo. Bà lão nói xong bước ra ngoài cửa, hỏi:
– Ai gọi cửa đó?
Bưu Tử Lưu Thanh nói:
– Đứa con bất hiếu về đưa gạo, tiền cho mẹ đây.
Bà lão nghe vậy, mở cổng. Bưu Tử Lưu Thanh lảo đảo bước vào. Bà lão thấy Bưu Nhi như vậy, ho khan một tiếng, nói:
– Khi cha còn sống, ông ta làm quan. Con vốn là công tử nhà quan, chỉ quen thói ăn chơi, không nên người, không ra gì cả chỉ biết tiêu tiền, nhà cửa, ruộng vườn bị con mang đi đánh bạc hết. Nay gia cảnh tiêu điều như vậy, ngày tháng thật khó sống!
Bưu Tử Lưu Thanh nghe vậy bực bội, nói:
– Mẹ à, chuyện qua rồi xin chớ nhắc tới nữa. Có hối cũng chỉ uổng công thôi. Mẹ không biết sao? Hoàng Đại Thư đối diện nhà ta kia, hai nhà quan hệ với nhau bao nhiêu năm, mua đồ trang sức, may sắm quần áo cho, lại cung cấp ăn mặc cho cả nhà họ nữa, đâu phải chỉ một mình con phá hết của! Đáng buồn là Hoàng Đại Thư, ả thấy con không có tiền nên đã gạt con ra. Ả lại theo Trương võ cử nhà ở cổng Tây qua lại với nhau, bàn kế hại chết Bồ Hiền. Nay quả nhiên đã hại chết Bồ Hiền. Nhắc lại quả thấy cái chết của hắn thật oan uổng. Mẹ xin chớ nhắc con. Con nhất thời sai lầm. Mẹ xem, rồi con sẽ dần dần đòi lại hết.
Bà lão ngăn hắn lại, nói:
– Chớ nói bọn họ hại Bồ Hiền, sợ người ngoài nghe được, sẽ không tiện.
Bưu Tử trợn hai mắt lên, nói:
– Mẹ à, không phải cản con. Ai nghe thấy con cũng không sợ. Làm con bực lên, con sẽ đi kêu oan thay Bồ Hiền đó. Phải cho hả cơn giận này, để xem tiểu Ái Ngọc nhìn con bằng con mắt như thế nào?
Lưu công trong gian phòng phía Đông đã nghe rõ cả, trong lòng nghĩ thầm:
– Chuyến đi này của bản bộ thực không uổng.
Trong lòng thầm vui mừng. Chợt lại nghe Bưu Tử hét lớn:
– Không ổn! Bên căn phòng phía Đông có lửa cháy.
Rồi vội vàng chạy qua. Thấy một lão đạo sĩ đang ngồi trong đó sấy quần áo, bất giác nổi giận nói:
– Giỏi cho lão đạo lỗ mũi trâu này. Dám lẻn vào nhà ta hả?
Rồi bưởi tới, nắm lấy cổ áo, giơ nắm đấm lên đòi đánh. Bà lão vội tiến lên ngăn hắn lại, quát lớn:
– Giỏi cho thằng tiểu oan gia này. Còn chưa chịu buông tay? Mẹ mày nay đã sáu mươi ba tuổi, lão đạo cũng đã năm sáu chục dư. Bởi lão đạo đi mưa bị ướt hết đạo bào, xin ta bó củi sấy cho khô. Ngươi trở về nhà nói càn nói dở. Nếu ngươi cho rằng mẹ mày làm phiền ngươi, chi bằng ta chết cho xong.
Nói xong, lao đầu vào tường. Bưu Nhi thấy vậy, nói:
– Không ổn!
Rồi vội lao tới ôm lấy mẹ, nói:
– Mẹ à, xin chớ giận dữ. Con đã sai rồi, hiểu lầm rồi. Mẹ còn lạ gì tính khí của con? Vừa ngang, vừa cục, vừa lỗ mãng là con vô lễ, xin mẹ tha cho. Con sẽ tới xin lỗi lão đạo ngay đây.
Bà lão nghe vậy nguôi giận. Bưu Tử xoay mình, đưa mắt nhìn Lưu công, chắp tay vái một vái, cười giả lả, nói:
– Đạo gia, xin chớ trách tôi. Lưu Thanh tôi ai mà chẳng biết. Là một kẻ gàn dở, hành sự lỗ mãng, chưa kịp tìm hiểu rõ ràng đã vội ra tay. Xin thứ cho tôi, mời đạo gia lên phòng Bắc uống vài chén, coi như là lời xin lỗi của tôi.
Lưu công nói:
– Ta không biết uống rượu!
Bưu Tử trợn mắt lên, nói:
– Tôi mời ông uống rượu, ông uống tức là bỏ qua cho tôi. ông không chịu bỏ qua cho tôi sao được?
Rồi đưa tay ra tóm lấy Lưu công, lôi về phía gian phòng phía Bắc. Bà lão nháy mắt ra hiệu, miệng nói:
– Đạo gia. Con già mời ngài xơi rượu là ý tốt của nó. Nếu ngài không chịu, thực khó cho già quá.
Lưu công nghĩ thầm: “Chi bằng nhân cơ hội này, hỏi dò chuyện của Bồ Hiền”, liền nói:
– Vốn không quen biết, sao dám quấy rối.
Bưu Tử nói:
– Toàn là những lời khách sáo thừa.
Rồi cùng nhau lên căn phòng phía Bắc. Bưu Tử với tay, cầm lấy bình rượu, nói:
– Đạo gia, xin đợi cho một chút. Tam Lý Bảo đây không có rượu ngon, đợi tôi vào thành mua một bình.
Nói xong, xuống lầu đi thẳng.
Không biết chuyện sau này sẽ ra sao? Mời quý vị xem tiếp hồi sau.