Đọc truyện Lưỡng Đô Ký Sự – Chương 89: Phiên ngoại (3): Tuyết trong tuyết
Hết thảy rồi sẽ trở thành hồi ức xưa cũ, chìm vào dĩ vãng.
Tượng sư tử đá núi Chung Sơn, tháp Nhạn Hồi chùa Báo Quốc, bãi bồi Kiêm Gia, đê sông Lạc Thủy, lăng mộ Tướng quân, Trường Đình mùa tuyết đổ, và vườn hoa Xuân Nhật của Bất Nhị trai – dân gian vẫn gọi, Yến Kinh thất cảnh.
Sau khi dời đô, dẫu rằng luyến tiếc quá khứ, dù cho cung điện đình đài có thể sao chép y nguyên, thế nhưng Kim Lăng chung quy vẫn chẳng phải Yến Kinh, bảy cảnh đẹp khiến thế nhân thiên hạ lưu luyến quên về cũng chẳng để nào mang đi theo được. Thổ nhưỡng khí hậu hai miền Nam Bắc cũng chẳng giống nhau, đương nhiên, quang cảnh cũng sẽ khác.
Lại nói, những cảnh đẹp kia hai người cũng chẳng tới được mấy lần, chỉ có Trường đình trong cung, mỗi khi tuyết đầu mùa kéo đến, lại phải dịp Đường Oanh nhàn rỗi, nhất định sẽ tranh thủ gọi Nhan Y ra đón tuyết.
Dưới mái đình, chậu than hồng rực, đệm nhung trải ra trên phản. Hai người choàng phi phong trên vai, sóng vai ngồi bên nhau, chẳng ai nói một lời. Im lặng, cảm nhận hoa tuyết kéo đến từ phía chân trời, chao liệng trong không trung thật lâu mới đáp xuống đất. Bỗng chốc lại có cơn gió đông thoảng qua, đem theo cả lác đác những cánh hoa lê trắng, hoa hòa với tuyết, chẳng biết đâu là tuyết, đâu là hoa. Chỉ thấy thật giống như có một tấm lụa trắng rất mỏng, phủ lấy cả Trường đình.
Viên mãn như vậy, hồi ức lại tràn về.
Nhắc tới hồi ức, kỳ thực kỷ niệm với tuyết cũng không nhiều.
Năm xưa, khi Đường Oanh còn nhỏ, thể trạng của nàng cũng không phải là cường kiện, rất ít khi được phép ra Trường đình vào mùa Đông. Sau này đôi mắt của Nhan Y càng lúc càng kém dần, sức khỏe cũng chẳng được như xưa, Đường Oanh cũng hạn chế đề cập đến chuyện ra Trường đình ngắm tuyết, chỉ sợ lời nói khỏi miệng sẽ khiến cả hai suy nghĩ, suy nghĩ rồi lại đau lòng.
Ký ức không nhiều, cho nên mỗi một ký ức, đối với Đường Oanh mà nói, thì đều là khắc cốt ghi tâm.
Vào một năm nào đó, nay cũng chẳng còn nhớ chính xác là năm nào, chỉ biết Đường Oanh khi ấy ước chừng mới tám chín tuổi. Tám chín tuổi đã bắt đầu học món cung trường, cũng dần dần khỏe mạnh cao lớn hơn. Tiết Đại Tuyết năm ấy, lần đầu tiên nàng được ra Trường đình vào lúc tuyết đổ, còn nhớ khi ấy nàng chẳng thể tin được vào mắt mình, không ngờ tới ở chính nơi mình sống đã nhiều năm, lại có một nơi đẹp đến như vậy.
Lúc đó tuyết ngập quá mũi giày, chơi đến thật lòng vui vẻ. Nhan Y lại chỉ đứng một góc mà thôi, yên lặng đứng nhìn, không hề lo lắng. Nhẫn Đông đứng sau nàng, giữ ô giấy che cho tuyết không chạm tới chủ tử, nhưng đôi khi sẽ có cơn gió thoảng qua, thổi cho bông tuyết đậu trên mái tóc nàng.
Một hồi như vậy, lâu sau Nhan Y mới thấy đứa trẻ chạy về phía này, chạy rất nhanh, gần như là bổ nhào vào trong vòng tay mình. Đứa trẻ ngẩng đầu, đôi mắt lấp lánh, đuôi mắt cong cong như cánh hoa đào, hai má hồng lên, cũng chẳng rõ vì trời đông giá rét hay do quá sức vui vẻ.
“A nương…” Vừa gọi một tiếng, Nhan Y đã ôm đứa trẻ lên, động tác có chút đột ngột, Nhẫn Đông không kịp nghiêng tán ô theo, vậy là một làn tuyết phất qua hai người.
“Con lớn rồi, không cần ngài ôm bế nữa, ngài để con tự đi.” Đã tám chín tuổi, cũng không thể dựa dẫm mãi.
“Giày ướt tất ướt còn muốn tự mình đi?” Ngữ điệu trách móc không hài lòng một chút mà thôi, vẫn là trêu chọc đùa giỡn.
Đường Oanh cũng không giãy giụa muốn xuống nữa, đành yên vị, thi thoảng lại nhìn sườn mặt của người đang ôm mình, như muốn hiểu được tâm tư nàng qua nét mặt bình thản ấy.
Về đến dưới mái hiên Trường đình, Nhan Y mới thả đứa trẻ ngồi xuống, lại tự tay giúp thay giày tất. Giày khô tất ấm cũng đều đã được Thanh Đại chuẩn bị từ trước, đặt sẵn một bên. Vốn những việc này là của cung nga tùy thị, không phải việc của nàng, thế cho nên hành động của nàng lúc này khiến cho Đường Oanh nghẹn lời nói chẳng ra tiếng, cõi lòng ấm đến mức nóng lên, chợt lại có thứ cảm giác như muốn… rơi nước mắt.
Thay giày xong cả rồi, nghe Nhan Y hỏi, ngữ điệu ôn hòa: “Đói không? Muốn ăn điểm tâm chưa?”
“A nương.”
Nghe đứa trẻ thất thần gọi a nương, Nhan Y nhếch môi cười: “A nương làm sao? Đã nói không thể ăn a nương.”
Bỗng nhiên, đứa trẻ nhích lại gần, tới sát bên tai nàng, lúc ấy mới thì thầm: “Con thích ngài lắm.”
Cảm động, biết ơn, kính trọng, ngưỡng mộ – mọi thứ tình cảm đan lại vào nhau, trong lòng là thiên ngôn vạn ngữ, cuối cùng cũng chỉ có bốn chữ thành lời. Chỉ có vậy, thực ngắn gọn, nhưng cũng rất kiên định.
Chuyện xưa khép lại, sau khi dời đô, Yến Kinh cũng sẽ thành cố đô. Nơi Trường đình này sẽ ở lại chốn đây, trăm năm trôi đi có lẽ cũng chỉ như một ngày. Đông đến đông đi, tuyết đổ tuyết tan, nước sơn đỏ với hoa lê trắng, có lẽ rồi cũng sẽ bị chôn vùi dưới ngàn dặm xa cách giữa hai phương Nam Bắc. Hết thảy rồi sẽ trở thành hồi ức xưa cũ, chìm vào dĩ vãng.
Muốn xây lại một Trường đình nguyên dạng như vậy trong Hoàng thành Kim Lăng, không khó. Nhưng Kim Lăng hiếm khi có tuyết, cũng hiếm khi có được một cơn gió lạnh mang theo hoa lê trắng.
Cũng thật may mắn, vẫn còn có hai người ở bên nhau.
—-