Đọc truyện Lục Mạch Thần Kiếm – Chương 87: Quần hùng khiếp phục tiểu cô nương
Mộ Dung Phục nói:
– Các vị đây đã bị Thiên Sơn Ðồng Mỗ áp chế mà không phản kháng được. Phải chăng võ công mụ cao cường tuyệt đỉnh và mỗi lần các vị động thủ với mụ là một lần thất bại?
Ô lão đại đáp:
– Võ công mụ ác tặc này dĩ nhiên là lợi hại phi thường. Có điều bản lãnh mụ cao thâm đến mực nào thì không ai hiểu được.
Mộ Dung Phục hỏi:
– Ô tiên sinh nói như vậy tức là võ công mụ cao thâm khôn lường?
Ô lão đại gật đầu đáp:
– Ðúng là cao thâm khôn lường.
Mộ Dung Phục hỏi:
– Tiên sinh nói mụ sẽ có ngày phải đền tội nghĩa là làm sao?
Ô lão đại giương cặp lông mày lên, tinh thần phấn khởi đáp:
– Bữa nay anh em chúng tôi tụ họp ở đây chính là vì việc này. Ngày ba tháng ba năm nay tại hạ cùng bọn Hoắc động chúa động Tử Nham, Khâm đảo chúa đảo Hải Mã phải cung phụng đủ thứ nào trân châu bảo bối, nào gấm đoạn lượt là, nào sơn hào hải vị, nào các thứ phấn sáp đưa lên ngọn Phiêu diễu núi Thiên Sơn…
Bao Bất Ðồng cười ha hả ngắt lời:
– Mụ ác tặc đó đã là hạng yêu ma quỷ quái. Mụ đã già rồi thì còn dùng phấn sáp làm chi?
Ô lão đại đáp:
– Mụ ác tặc đó tuổi già nhưng thị nữ nô bộc rất nhiều. Trong bọn phụ nữ này kẻ nào ít tuổi cũng biết dùng phấn sáp. Nhưng trên ngọn núi này không có đàn ông, chẳng hiểu chúng trang điểm để cho ai nhìn?
Bao Bất Ðồng cười nói:
– Chắc là để Ô tiên sinh ngắm chứ còn ai?
Ô lão đại nghiêm nét mặt nói:
– Bao huynh lại nói giỡn rồi! Bọn tôi có lên ngọn Phiêu Diễu thì ai nấy đều phải dùng vải đen bịt mắt lại, nghĩa là chỉ được nghe tiếng chứ không trông rõ sự vật. Những nhân vật trên ngọn Phiêu diễu đẹp hay xấu, già hay trẻ, không ai biết cả.
Mộ Dung Phục hỏi:
– Như vậy thì Thiên Sơn Ðồng Mỗ là hạng người thế nào? Các vị đã ai nhìn thấy mặt chưa?
Ô lão đại thở dài đáp:
– Kể ra thì có người thấy mặt mụ rồi, nhưng lại bị cực hình rất thê thảm! Trước đây hai mươi ba năm có người cả gan vén tấm khăn đen che mặt để ngó lên mụ. Nhưng chưa kịp kéo tấm khăn xuống thì đã bị mụ chọc lòi con ngươi cả hai mắt, mù còn sai cắt lưỡi chặt cụt hai tay.
Mộ Dung Phục hỏi:
– Mụ chọc mù mắt là đủ rồi, còn cắt lưỡi chặt tay làm gì nữa?
Ô lão đại đáp:
– Chắc là mụ không để cho người đó tiết lộ chân tướng mụ với một ai, cắt lưỡi để y không nói được và chặt tay để y không viết chữ hoặc vẽ hình mụ được.
Bao Bất Ðồng lắc đầu lè lưỡi nói:
– Thế thì ghê thật!
Mộ Dung Phục nói:
– Ngày mùng ba tháng ba năm nay bọn Ô huynh lên ngọn núi Phiêu diễu có nghe được tin gì không?
Ô lão đại đáp:
– Tại hạ cùng bọn Hoắc động chúa, Khâm đảo chúa cả thảy chín người lên ngọn Phiêu diễu thì ai nấy trong lòng lúc nào cũng nơm nớp lo sợ mình bị mất mạng. Mụ lão tặc ba năm trước đây có dặn phải chuẩn bị một ít dược vật. Thiệt ra có mấy thứ rất hiếm, như trứng con rùa đã ba trăm năm, sừng hươu dài đến năm thước, không ai lấy đâu được. Bọn tại hạ không sao kiếm ra đủ thứ theo lời dặn của mụ và chắc rằng lần đó sẽ bị trách phạt nặng nề. Ngờ đâu chín người nơm nớp kinh hãi đưa vật phẩm lên rồi, mụ lão tặc chỉ sai người truyền lệnh ra nói: “Bấy nhiêu phẩm vật là xong rồi. Ðuổi cổ bọn đê tiện ấy xuống núi”.
Bọn tại hạ nghe lời truyền khác nào được đức hoàng thượng hạ chiếu phóng xá. Nỗi mừng biết lấy chi cân! Lập tức đưa nhau xuống núi. Ai cũng nghĩ rằng dời khỏi nơi nguy hiểm này sớm được khắc nào hay khắc ấy. Ai nấy trong dạ vẫn băn khoăn chỉ lo mụ lão tặc kiểm điểm lại phẩm vật không thấy đầy đủ sẽ truy cứu và lôi lại bắt chịu tội…
Ngừng một lát, Ô lão đại lại tiếp:
– Chín người chúng tôi xuống đến chân núi Phiêu diễu, mở tấm khăn bịt mặt ra thì thấy ở chân núi này có ba người chết. Trong đó có một người Hoắc động chúa quên biết là một tay cao thủ tại Nhất phẩm đường nước Tây Hạ tên gọi Cửu Dực đạo nhân.
Bất Bình đạo nhân kinh ngạc la lên:
– Ủa! Té ra Cửu Dực đạo nhân bị mụ lão tặc này sát hại. Thế mà trên chốn giang hồ lời đồn đại rất nhiều và đều cho là nhà Mộ Dung ở Cô Tô đã hạ độc thủ.
Bao Bất Ðồng không nhịn được nói:
– Thúi lắm, thúi lắm! Chúng ta chả biết Cửu Dực đạo nhân hay Bát Vĩ hoà thượng gì gì ráo. Thế mà họ cũng đổ món nợ này lên đầu mới tức chớ. Câu gã nói tục: “Thúi lắm”là để mắng những kẻ đồn đại trên giang hồ, chứ không phải mắng Bất Bình đạo nhân, nhưng những người ngồi nghe cũng không khỏi chướng tai.
Bất Bình đạo nhân không lấy thế làm tức tối lại tủm tỉm cười nói:
– Cây lớn thường gặp gió dữ! Ai mà chả trông về nhà Mộ Dung ở Cô Tô.
Bao Bất Ðồng nói:
– Thúi…
Gã mới buột miệng ra một tiếng thúi, liếc mắt nhìn Mộ Dung Phục rồi ngừng lại không nói nữa.
Bất Bình đạo nhân nói móc:
– Sao Bao huynh chỉ nói có một tiếng rồi lại nuốt vào bụng ngay?
Bao Bất Ðồng vừa nghe lão nói vậy, thoáng nghĩ qua đã biết là lão nói xỏ, liền nổi giận đùng đùng quát hỏi:
– Sao? Ngươi mắng ta nuốt… thúi ư?
Bất Bình đạo nhân cười đáp:
– Không dám! Bao huynh muốn nuốt gì thì nuốt, lão phu biết đâu mà dám nói!
Bao Bất Ðồng còn muốn gây lộn với lão, nhưng Mộ Dung Phục đã gạt đi:
– Những tiếng khen chê vô căn cứ ở đời là việc rất thường. Bao tam ca có tranh biện làm gì?
Rồi y quay lại hỏi Bất Bình đạo nhân:
– Tại hạ nghe khinh công của Cửu Dực đạo nhân rất cao. Tuyệt kỹ Nhất thủ lôi công đáng của y ba mươi năm nay ít khi gặp tay địch thủ. Ðừng nói y cùng tại hạ trước nay chưa có chuyện gì xích mích, mà dù có thù oán đi chăng nữa thì tại hạ vị tất đã thắng được một nhân vật như Cửu Dực đạo trưởng, một người đã được người đời tặng cho cái ngoại hiệu là Sấm động chín từng mây.
Bất Bình đạo nhân tủm tỉm cười nói:
– Mộ Dung công tử thật quá khiêm nhượng. Tuy Cửu Dực đạo nhân có tuyệt nghệ Sấm động chín tầng mây, nhưng Mộ Dung công tử lại dùng thuật này đánh lại y thì y cũng đành bó tay chịu chết!
Ô lão đại nói:
– Trong mình Cửu Dực đạo nhân có hai vết thương đều do mũi kiếm đâm vào. Vì thế mà trên chốn giang hồ người ta đồn đại y bị giết về tay Mộ Dung ở Cô Tô. Nhưng đó toàn là những câu đồn đại hoang đường, chính tại hạ đã mục kích thì còn sai sao được? Giả tỷ là Mộ Dung công tử giết chết Cửu Dực đạo nhân thì đã dùng phép Lôi công đáng để hạ thủ.
Bất Bình đạo nhân hỏi:
– Y bị chết vì kiếm ư? Mà sao lại hai chỗ vết thương? Thế thì kỳ thiệt!
Ô lão đại vỗ đùi đánh đét một tiếng, trầm trồ khen ngợi:
– Bất Bình đạo trưởng quả nhiên danh bất hư truyền, vừa nghe đã biết ngay bên trong có điều khuất khúc. Cửu Dực đạo nhân chết ở chân núi Phiêu Diễu, trong mình hai chỗ bị thương về kiếm thì không đúng thật.
Mộ Dung Phục tự hỏi:
– Làm sao mà không đúng? Bất Bình đạo nhân nghi ngờ có điều khuất khúc bên trong sao mình nghĩ không ra?
Y nghĩ vậy rồi bất giác ra vẻ ngơ ngác.
Ô lão đại vốn muốn khảo nghiệm tài Mộ Dung Phục liền hỏi:
– Mộ Dung công tử! Công tử có nhận thấy như vậy là không đúng không?
Mộ Dung Phục không muốn miễn cưỡng nhận những điều mình chưa biết mà cho là biết rồi, y toan thành thực đáp: Cái đó tại hạ không hiểu rõ thì thốt nhiên Vương Ngọc Yến nói:
– Chắc là Cửu Dực đạo nhân bị thương ở giữa hai huyệt Phong Thị và Phục Thổ bên chân phải. Còn một mũi kiếm nữa đâm vào huyệt Huyền Khu ở sau. Mũi kiếm này đã chém đứt đốt xương sống, chẳng hiểu có đúng thế không?
Ô lão đại cả kinh hỏi:
– Lúc ấy cô nương cũng ở dưới chân núi Phiêu Diễu? Vậy mà sao chúng tôi… không ai trông thấy cô nương?
Hắn nói đến câu thứ hai thì thanh âm phát run tỏ ra sợ hãi vô cùng.
Ô lão đại tưởng rằng Vương Ngọc Yến lúc đó có mặt tại trường. Như vậy thì những hành động của hắn từ đó trở đi không thể nào qua con mắt nàng được và hắn rất sợ việc cơ mật đã bị tiết lộ.
Hắn lẩm bẩm:
– Thế thì mình chưa khởi sự rất có thể bị Thiên Sơn Ðồng Mỗ biết trước rồi.
Giữa đám đông lại có tiếng người vọng lại lắp bắp hỏi:
– Sao cô nương lại… biết mà… tại hạ… không thấy…
Người này nói lắp lại trong lúc vội vàng nên nói không được rõ. Y cũng đi theo Ô lão đại hồi tháng ba lên núi Phiêu Diễu để dâng lễ vật và y là một trong chín tay cao thủ nói trên.
Y mồm miệng vụng về nhưng võ công rất lợi hại nên tuy y nói lắp mà chẳng ai cười y cả.
Vương Ngọc Yến lạnh lùng nói:
– Mùa xuân năm nay tại hạ ở Giang Nam, mà núi Thiên Sơn lại ở về Tây Vực, tại hạ chưa đến đó bao giờ.
Ô lão đại lại càng sợ hãi nghĩ thầm:
– Nếu cô này không được mục kích thì cũng phải có người đưa tin đến. Chẳng lẽ việc này đã đồn đại sôi nổi trên chốn giang hồ rồi ư?
Nghĩ vậy y liền hỏi:
– Cô nương nghe ai nói mà biết?
Vương Ngọc Yến đáp:
– Tại hạ đoán vậy thôi. Cửu Dực đạo nhân là một tay cao thủ ở Lôi Ðiện môn. Mỗi khi y cùng ai động thủ là lại thi triển môn khinh công. Tay trái dùng thiết bài phóng ra bốn mươi hai đường Thục đao nan bài pháp để che đỡ cả trước mặt lẫn sau lưng. Thượng bàn về mé hữu kín đáo như một chiếc đai sắt. Ðối phương khó lòng hạ thủ được. Cửu Dực đạo nhân chỉ có một chỗ sở đoản là mé hữu hạ bàn. Nếu đối phương là một tay cao thủ sử dụng kiếm mà muốn đánh y bị thương tất phải đâm vào khoảng giữa hai huyệt đạo Phong Thị và Phục Thổ ở đùi bên phải. Khi bị đối phương dùng kiếm đâm vào chỗ này, Cửu Dực đạo nhân tất giơ thiết bài lên đỡ ngực, đồng thời sử chiêu Xuân lôi sa động để đập vào mé tả đối phương nhưng đối phương đã là tay cao thủ tự nhiên họ sẽ nhân cơ hội này để chém vào lưng y.
Tại hạ đoán chiêu sau này nếu hung thủ không dùng thế Bạch hồng quán nhật tất dùng thế Bạch đế trảm xà mà Cửu Dực đạo nhân bị chém trúng vào huyệt Huyền Khu trên xương sống.
Ngừng một lát nàng nói tiếp:
– Cửu Dực đạo nhân võ công cao cường, kẻ dùng kiếm khó chém y bị thương được. Nếu họ dùng phán quan bút hoặc những khí giới ngắn để điểm huyệt thì tương đối dễ hơn nhưng đối phương đã dùng kiếm thì phải ra hai chiêu đó mới hiệu nghiệm.
Ô lão đại thở phào một cái nhẹ nhõm như người được trút gánh nặng. Hồi lâu hắn mới giơ ngón tay cái lên nói:
– Lão phu rất khâm phục! Người nhà Mộ Dung ở Cô Tô thiệt không ai kém kiến thức. Lời biện luận của cô nương phân tích rõ ràng và rất hợp lý như được chính mắt mình trong thấy cuộc diễn biến đó vậy.
Ðoàn Dự không nhịn được, lên tiếng nói:
– Vị cô nương họ Vương đây không phải là…
– Bà ngoại tại hạ dòng họ Mộ Dung thì dù có kêu tại hạ là người nhà Mộ Dung cũng được.
Ðoàn Dự nghe nàng nói mà ù tai, rồi mặt mũi tối sầm lại, người chàng lảo đảo. Câu dù có kêu tại hạ là người nhà Mộ Dung cũng được của Vương Ngọc Yến đã làm cho chàng cực kỳ xúc động!
Vị đảo chúa nói lắp lên tiếng:
– Té ra… như…
Ô lão đại không chờ đảo chúa nói hết câu, đã ngắt lời:
– Cửu Dực đạo nhân đó đã bị thương đúng như lời Vương cô nương đoán. Y bị thương ở khu giữa hai huyệt Phong Thị và Phục Thổ và bị một kiếm chém đứt một đốt xương sống ở huyệt Huyền Khu. Cô nương suy đoán theo đạo lý võ học mà chẳng khác gì người được mắt thấy tai nghe.
Vương Ngọc Yến vừa ý gật đầu.
Vị đảo chúa nói lắp lại hỏi:
– Giả tỷ bây giờ cô nương… muốn giết… Ô lão đại… thì làm thế nào?
Ô lão đại nghe y hỏi vậy thì đùng đùng nổi giận, quát lớn:
– Ngươi hỏi câu này là có ý gì?
Nhưng rồi hắn nghĩ thầm:
– Cô này tuy còn nhỏ tuổi, nhưng có tài suy đoán theo võ học. Cô vừa đoán về cái chết của Cửu Dực đạo nhân, thực không thể tin là tuyệt diệu đến thế. Biết đâu cô ta chẳng ẩn núp ở chỗ nào dưới chân núi Phiêu Diễu và chính mắt cô trông thấy những chiêu thức của hung thủ. Việc này quan hệ rất lớn ta phải hỏi cho biết rõ mới được!
Hắn nghĩ vậy rồi cất tiếng hỏi:
– Xin cô nương cho biết: Giả tỷ cô nương muốn giết lão phu thì làm thế nào?
Vương Ngọc Yến tủm tỉm cười ghé vào tai Mộ Dung Phục nói nhỏ:
– Biểu ca! Lão này võ công sơ hở huyệt Thiên Tôn sau vai và huyệt Thanh Lãnh Uyên ở khuỷu tay. Nếu biểu ca đánh vào hai chỗ đó thì kiềm chế được lão ngay.
Những điều hiểu biết về võ học của Vương Ngọc Yến còn uyên bác hơn Mộ Dung Phục nhiều. Những khi rỗi, y thường nhờ nàng chỉ bảo những thế võ, nhưng chỉ ở những nơi vắng vẻ. Mạn đà sơn trang tại Cô Tô chẳng hạn thì y mới dám thỉnh giáo. Còn ở trước mặt hàng mấy trăm cao thủ, y phải giữ địa vị mình, có lý đâu cam chịu để một cô thiếu nữ chỉ điểm cho mất thể diện. Y hắng giọng rồi không chịu hoạ theo như lời Vương Ngọc Yến, y dõng dạc nói:
– Ô động chúa đã hỏi biểu Muội thì biểu Muội cứ việc đàng hoàng nói ra cũng chẳng hề chi.
Vương Ngọc Yến thẹn quá mặt đỏ bừng lên. Nàng lẩm bẩm:
– Mình tưởng công cân với y, ngờ đâu y lại giữ oai phong của một bậc đại trượng phu trước mặt mọi người, thành ra mình phải bẽ bàng.
Nghĩ vậy rồi nàng nói:
– Biểu ca! Nhà Mộ Dung ở Cô Tô hiểu biết các môn võ khắp thiên hạ. Sao biểu ca không nói cho Ô lão đại nghe đi!
Nhưng Mộ Dung Phục vốn tính cao ngạo không muốn mượn điều hiểu biết của người làm của mình để lấy oai với thiên hạ. Y liền đáp:
– Ô động chúa võ công cao cường, muốn đánh động chúa bị thương đâu phải chuyện dễ dàng. Xin động chúa tiếp tục cho hay những điều mắt thấy tai nghe ở dưới chân núi Phiêu Diễu.
Ô lão đại muốn điều tra cho ra ngày đó ở dưới chân núi Phiêu Diễu có ai ẩn nấp gần đó không, liền nói:
– Vương cô nương! Cô nương đã không biết cách hạ thủ thế nào để sát hại Ô mỗ, thì dĩ nhiên những chiêu thức đã hạ sát Cửu Dực đạo nhân cô nương vừa nói đều là giả dối để khoe mình hoặc để giỡn Ô mỗ mà thôi. Xin hỏi lại: Tại sao cô nương biết hoàn cảnh Cửu Dực đạo nhân bị táng mạng? Cô nương nên nói thực tình đi! Vụ này quan hệ rất lớn chứ không phải như trò đùa.
Từ lúc Vương Ngọc Yến chạy qua bên mình Mộ Dung Phục, Ðoàn Dự đem hết tâm trí theo dõi nàng. Những cử chỉ của nàng như chăm chú nhìn Mộ Dung Phục và lắng tai nghe lời y đều không qua được mắt chàng. Có những câu nàng ghé tai nói nhỏ với Mộ Dung Phục, chàng đều nghe rõ hết vì nội công chàng rất thâm hậu.
Bây giờ Ðoàn Dự nghe Ô lão đại ra giọng bài xích Vương Ngọc Yến đã nói dối, chàng rất lấy làm khó chịu, vì nàng là một vị thiên thần ở trong đầu óc chàng. Chàng đã hết mình kính cẩn, thì khi nào chịu để kẻ khác dám đem lời khinh mạn nàng.
Ðoàn Dự tức quá nhưng không nói gì, bước xéo chân phải đi, thi triển phép Lăng Ba Vi Bộ hết xiên mé tả lại lạng về mé hữu đi tới phía sau Ô lão đại.
Ô lão đại cả kinh quát hỏi:
– Ngươi làm chi vậy?
Ðoàn Dự giơ tay phải ra chí vào huyệt Thiên Tôn, vai bên hữu Ô lão đại. Tay trái chàng nắm lấy huyệt Thanh Lãnh Uyên ở khuỷu tay trái hắn. Hai huyệt đạo này chính là những điểm mà Ô lão đại thường sơ hở, hễ đã để người điểm trúng là bị trọng thương.
Ðoàn Dự ra tay chẳng theo chiêu thức nào hết, nhưng một là bộ pháp của chàng rất tinh diệu, chàng lướt đến phía sau mà lão không kịp đề phòng, hai là Vương Ngọc Yến đã coi chuẩn đích võ công cùng chiêu số của Ô lão đại và biết rõ hai huyệt đạo này đều là nhược điểm của hắn.
Khi hai bên tỷ đấu, thì điều cần nhất là giữ kín những nhược điểm để khỏi bị đánh trúng. Ðiều tối kỵ là đừng để đối phương biết chỗ sở đoản của mình. Nếu đòn đối phương đánh trúng vào chỗ khác, thương thế dĩ nhiên nhẹ hơn.
Lúc này Ô lão đại muốn xoay tay phản kích thì phát giác ra hai nhược điểm của mình đồng thời bị đối phương nắm được.
Ðoàn Dự chỉ còn chí mạnh một cái là Ô lão đại sẽ thành phế nhân.
Ô lão đại có biết đâu Ðoàn Dự chỉ là người có nội lực thâm hậu nhưng không thể tuỳ ý phát huy thì dù chàng có nắm được hai chỗ nhược điểm của hắn mà vẫn chẳng làm gì hắn được.
Ô lão đại đã bị Ðoàn Dự giữ trúng huyệt đạo, khi nào còn dám hăng? Hắn gượng cười nói:
– Võ công Ðoàn công tử thiệt là thần diệu. Ô mỗ kính phục vô cùng!
Ðoàn Dự đáp:
– Tại hạ chẳng hiểu võ công là gì cả, hoàn toàn nhờ Vương cô nương chỉ điểm đó.
Nói xong chàng buông tay ra từ từ đi về chỗ cũ.
Ô lão đại kinh hãi vô cùng, đứng thộn mặt ra một lúc rồi nói:
– Bữa nay Ô mỗ mới biết thiên địa bao la bát ngát, người có võ công cao cường nhất thiên hạ chưa chắc đã phải chỉ một mình Thiên Sơn Ðồng Mỗ mà thôi!
Hắn vừa nói vừa nhìn bóng sau lưng Ðoàn Dự với vẻ mặt kinh nghi hoảng hốt.
Bất Bình đạo nhân nói:
– Ngươi đã được những bậc cao nhân bản lãnh kinh người tuốt gươm giúp đỡ. Thực là đáng mừng!
Ô lão đại gật đầu nói:
– Vâng vâng! Chúng ta hiện giờ có thể nắm vững phần thắng thêm được mấy phần.
Bất Bình đạo nhân nói:
– Cửu Dực đại huynh bị hai chỗ trúng kiếm uổng mạng, chắc không phải là nhân vật trong cung Linh Thứu núi Phiêu Diễu hạ thủ đâu.
Ô lão đại nói:
– Phải đó! Ngay khi thấy đạo nhân bị hai vết thương tại hạ cũng có ý nghĩ như đạo trưởng. Vì những người ở cung Linh Thứu núi Phiêu Diễu trước nay chỉ dùng một chiêu là giết được người ngay, không có lý nào lại phóng hai chiêu liền một lúc vào đối phương cả.
Mộ Dung Phục nghe nói cả kinh, nghĩ thầm:
– Chủ trương gậy ông đập lưng ông của nhà Mộ Dung đã là một bản lãnh kinh người trong võ lâm. Thế mà tại cung Linh Thứu trên đỉnh Phiêu Diễu núi Thiên Sơn này còn có nhân vật ghê gớm hơn! Họ giết người không bao giờ phải cần đến chiêu thứ hai thì kỳ thật. Mình không thể tin rằng trên đời lại còn người có bản lãnh tuyệt diệu đến thế được!
Nhưng Mộ Dung Phục vốn là người thâm trầm kín đáo. Những nỗi mừng vui, lo lắng hay hoài nghi chỉ dấu kín trong thâm tâm chứ không để lộ ra ngoài mặt, mà cũng không nói hở ra lời.
Bao Bất Ðồng bốp xốp hỏi ngay:
– Ô động chúa! Ðộng chúa nói bọn đó muốn giết người chỉ cần một chiêu là xong, không bao giờ phải thi triển đến chiêu thứ hai là đối với hạng võ công tầm thường thì mới dễ thế được. Chẳng lẽ đối với những tay cao thủ tuyệt luân, họ cũng chỉ một chiêu mà hạ sát được đối phương ư? Tại hạ cho đó là họ nói khoác, không thể nào tin được.
Ô lão đại đáp:
– Sự thiệt là như vậy. Bao huynh không tin thì tại hạ cũng không biết nói sao nữa. Có điều bọn chúng ta bấy nhiêu người mà phải chịu mụ Thiên Sơn Ðồng Mỗ ức hiếp, khinh bỉ, bảo sao nghe vậy, không hề dám hé răng chống đối, tất nhiên mụ phải có tài siêu việt, không thì sao cả thảy ba mươi sáu động, bảy mươi hai đảo đều phải chịu lép một bề chẳng dám hó hé? Và tại sao chúng ta cam bề nô lệ hết năm này qua năm khác không một ai dám sinh lòng chống đối?
Bao Bất Ðồng gật đầu nói:
– Tại hạ chắc rằng bên trong hắn có điều chi khuất khúc, vị tất mọi người đều cam tâm làm tôi mọi cho mụ mãi mãi.
Bao Bất Ðồng vốn tính ưa phản đối thuyết của mọi người. Tuy gã biết Ô lão đại nói đúng lý rồi, nhưng vẫn cãi chơi, gã nói tiếp:
– Ô động chúa bảo không một ai dám sinh lòng chống đối thì hiện giờ đây mọi người chẳng sinh lòng chống đối mưu đồ chuyện phản nghịch là gì?
Ô lão đại đáp:
– Trong vụ này đương nhiên phải có lý do. Ngày đó tại hạ thấy Cửu Dực đạo nhân bị thương hai chỗ, mới sinh lòng nghi hoặc, lại xem đến hai thi thể xác chết kia thì họ cũng không phải chỉ bị một chiêu mà mất mạng ngay, rõ ràng họ đã trải qua một cuộc ác đấu, mà bị nhiều vết thương hơn nữa.
Ngừng một lát, hắn nói tiếp:
– Lúc đó tại hạ thương nghị cùng mấy ông bạn họ Hoắc, họ Khâm về vụ kỳ dị này và nêu ra nhiều nghi vấn: Bọn Cửu Dực đạo nhân ba người này có phải đã bị nhân vật trong cung Linh Thứu hạ sát không? Nếu không phải người cung Linh Thứu hạ thủ thì còn ai là người dám cả gan gây chuyện động trời này ngay dưới chân núi Phiêu Diễu?
Ô lão đại vỗ trán như để ôn lại cuộc diễn biến lúc đương thời rồi kể tiếp:
– Chúng tôi tuy trong lòng trăm mối nghi ngờ mà vẫn phải vừa đi vừa nói chuyện, ai cũng mong mau rời khỏi đầm rồng hang cọp này xa chừng nào hay chừng nấy. Ði thêm được mấy dặm đường nữa, An động chúa đột nhiên cất tiếng hỏi: “Chẳng lẽ… lão phu nhân… mắc…?”
Mộ Dung Phục thấy Ô lão đại bắt chước giọng nói nhát gừng thì biết ngay An động chúa là ai rồi. Y lẩm bẩm:
– Té ra anh chàng nói lắp đó cũng là một vị động chúa kia đấy!
Ô lão đại kể tiếp:
– Chúng tôi chưa rời xa núi Phiêu Diễu được mấy, mà thực ra dù có ở ngoài vạn dặm đi nữa, khi đề cập đến mụ lão tặc đó cũng chảng ai dám buông lời bất kính mà vẫn phải gọi mụ bằng lão phu nhân. An huynh đệ nói dở câu: “Chẳng lẽ… lão… phu nhân… mắc” … thì mọi người chẳng ai bảo ai đều buột miệng nói lên: “… mắc bệnh?” .
Bất Bình đạo nhân hỏi xen vào:
– Không hiểu mụ Ðồng Mỗ đã bao nhiêu tuổi?
Ô lão đại đáp:
– Ðiều này thực chẳng biết rõ. Chúng tôi ở dưới quyền thống trị của mụ kẻ ít cũng có đôi ba chục năm mà người nhiều thì đến bốn năm mươi năm rồi, nhưng chưa một ai được thấy mặt mụ, mà cũng chẳng ai hỏi đến tuổi mụ cả.
Ô lão đại trả lời Bất Bình đạo nhân rồi kể tiếp:
– An huynh đệ nêu ra câu hỏi đó, chúng tôi cũng nghĩ ngay đến cái chết? Dù Ðồng Mỗ bản lãnh có ghê gớm đến đâu chăng nữa, hay có tu luyện thành tinh, thành con người sắt thép chém không vào cũng không tránh khỏi được định luật của tạo hoá.
Ô lão đại nhìn Bao Bất Ðồng nói tiếp:
– Chuyến này chúng tôi lên núi Phiêu Diễu dâng phẩm vật không được đầy đủ. Ðồng Mỗ không trách phạt đã là một điều kỳ lạ. Lúc ra về xuống đến chân núi, lại thấy bọn Cửu Dực đạo nhân bị hạ sát có nhiều vết thương chứ không phải một, càng khiến cho chúng tôi thêm lòng ngờ vực. Nói tóm lại bên trong vụ này tất có điều gì bí ẩn phi thường.
Bất Bình đạo nhân hỏi:
– Các vị đã tình nghi có điều bí ẩn rồi có nghĩ cách khám phá ra không?
Ô lão đại đáp:
Bọn tại hạ đều có một ý nghĩ như nhau, nhưng chỉ người này trông thấy người kia chẳng ai dám mở miệng nêu lên ý kiến gì cả. Người thì vừa kinh ngạc vừa mừng thầm, có người lộ vẻ âu sầu buồn bã. ai cũng biết rằng đây là một cơ hội duy nhất để phá xiềng xích xây lại cuộc đời mới, nhưng Ðồng mỗ mỗ cai trị bọn tại hạ một cách quá nghiêm khắc thì còn ai dám xướng ra đề nghị đi do thám cho biết rõ thực hư nữa.
Lâu lắm, Khâm huynh đệ mới lên tiếng:
– Lời An nhị ca phỏng đoán rất có lý. Nhưng… nhưng việc này rất nguy hiểm, theo ý kiến tiểu đệ thì chúng ta hãy quay về nhà bình tĩnh chờ đợi tin tức. Khi nào được tin xác thực bấy giờ sẽ liệu cũng chưa muộn. Y cho đó là một ý kiến vẹn toàn.
Ô lão đại hít một hơi thở rồi kể tiếp:
– Nhâm huynh đệ là một tay lão thành, tính nết trì trọng. ý kiến của y kể ra rất chu đáo. Nhưng… bọn tại hạ nóng ruột quá, không chờ đợi được thì An động chúa lại nói: “Ðạo bùa… sinh tử…” y không nói hết mà mọi người cũng hiểu ngay. Lão ác tặc trong tay nắm giữ đạo bùa sinh tử về tính mạng bọn tại hạ nên không ai dám phản kháng. Giả tỷ mụ có lâm trọng bệnh chết đi thì lá bùa sinh tử đó lại sang tay người thứ hai, rồi đương nhiên chúng tôi lại làm nô lệ cho người thứ hai đó. Nếu người kế chân này hung tàn độc ác hơn cả mụ Ðồng mỗ mỗ thì số phận chúng tôi phải chịu hành hạ nhục nhã tệ hại hơn ngày nay nữa. Chúng tôi thiệt lâm vào tình trạng một mũi tên đã đặt lên dây cung không phóng ra không được, chúng tôi cũng biết rằng cuộc do thám này nguy hiểm phi thường nhưng không khám phá ra được thực sự cũng không xong.
Bao Bất Ðồng lại giục:
– Thế rồi sao nữa? Ô động chúa kể đi…
Ô lão đại đáp:
– Trong bọn chúng tôi, nói về võ công và cơ trí thì An động chúa là tay xuất sắc hơn cả. Nhất là về khinh công lại càng trội hơn người thường rất nhiều. Lúc ấy tám người đều yên lặng đưa mắt nhìn An động chúa.
Ô lão đại nói đến câu tám người đưa mắt nhìn An động chúa thì bọn Mộ Dung Phục, Vương Ngọc Yến, Ðoàn Dự, Ðặng Bách Xuyên và cả những người chưa biết An động chúa mặt mũi thế nào đều đảo mắt nhìn bọn này để nghe võ công của động chúa họ An, người nói lắp, xem thế nào. Mọi người nhớ lại vừa rồi Ô lão đại dẫn bọn Mộ Dung Phục cùng Bất Bình đạo nhân đi ra mắt các vị động chúa, đảo chúa mà không thấy Ô lão đại giới thiệu đến ai là An động chúa cả.
Ô lão đại tủm tỉm cười nói:
– An động chúa tính ưa thanh tĩnh, không thích kết bạn, xin các vị miễn trách.
– Lúc ấy chúng tôi đều tin cậy vào tài ba của An động chúa đi thám thính xem sao. An động chúa liền nói: “Các anh em đã hết lòng tin cậy, không có lý nào đệ lại khước từ”rồi y trở gót đi ngay.
Mọi người đều biết An động chúa đó tất cũng nói lắp chứ không được trơn tru. Nhưng vì Ô lão đại không tiện thuật theo giọng nói của y, sợ mọi người phải phì cười.
Ô lão đại kể tiếp:
– Chúng tôi ngồi chờ nóng ruột vô cùng! Quãng thì giờ của người lo lắng mong mỏi sao mà nó dài thế! Không trách người ta thường nói Một ngày đằng đaÜng xem bằng ba thu. Chúng tôi chỉ lo An động chúa đã gặp chuyện gì bất trắc. Tình thật mà nói chúng tôi sợ An động chúa bị mụ ác tặc bắt được hạ độc thủ chỉ có một phần, mà cái sợ mụ nổi trận lôi đình đuổi theo hỏi tội chúng tôi lại càng lớn hơn.
Tuy biết rằng có lo sợ cũng chẳng ích gì, vả lại sự việc đó đã bắt đầu rồi thì cũng phải dám liều.
Mụ ác tặc mà muốn trừng trị thì mình chẳng tài nào chạy thoát được. Chúng tôi chờ ròng rã ba giờ thì An động chúa trở về chỗ hẹn, vừa trông thấy y lộ vẻ vui mừng, ai nấy tưởng chừng như mình được bỏ tảng đá lớn đội trên đầu xuống. An động chúa nói ngay: “Lão phu nhân mắc bệnh không ở trên núi”. Y kể lại: “Lúc quay về núi Phiêu Diễu nghe lỏm được bọn thị nữ nói chuyện với nhau là mụ ác tặc mắc bệnh nặng phải đi xa tìm thuốc điều trị”.
Ô lão đại nói tới đây, đám đông có tiếng hoan hô nổi dậy.
Kể ra thì tin Thiên Sơn Ðồng Mỗ mắc bệnh họ đã biết cả nên mới đến tụ tập ở đây nhưng bây giờ họ nghe thấy Ô lão đại nhắc tới vẫn cảm thấy vui lòng nên lại hoan hô lần nữa.
Ðoàn Dự lắc đầu nói:
– Nghe tin người ta mắc bệnh mà vui mừng thì thật là kỳ!
Chàng nói câu này giữa lúc tiếng hoan hô rầm rộ như sấm vang nên chẳng ai để ý đến.
Ô lão đại lại nói:
– Chúng tôi được tin này, ai cũng vui lòng hả dạ nhưng vẫn còn lo mụ ác tặc rất nhiều nguỵ kế, có khi mụ cố ý giả vờ để thám thính chúng tôi.
Ngừng một lát, Ô lão đại lại nói tiếp:
– Bọn chín người chúng tôi thương nghị xong rồi, hai hôm sau liền đưa nhau lên núi Phiêu Diễu để nghe ngóng tin tức. Lần này, chính tai Ô mỗ nghe được tin mụ lão tặc quả thực bị bệnh nặng, không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng lá bùa sinh tử ở đâu thì chưa điều tra ra được.
Bao Bất Ðồng đột nhiên hỏi xen vào:
– Trời ơi! Lá bùa sinh tử là cái quỷ gì? Ô lão huynh nói cho tại hạ nghe đi!
Ô lão đại thở dài đáp:
– Câu chuyện này dài lắm, khó mà giải thích trong một lúc cho Bao huynh rõ được. Tóm tắt lại thì lá bùa sinh tử đó, mụ ác tặc còn cầm ở trong tay thì bất cứ lúc nào mụ muốn bắt chúng tôi phải chết cũng được.
Bao Bất Ðồng hỏi:
– Ðó phải chăng là một thứ pháp bảo cực kỳ lợi hại?
Ô lão đại nhăn nhó cười đáp:
– Có thể nói thế được.
Hắn không muốn bàn nhiều về chuyện lá bùa sinh tử, liền ngay người nói tiếp:
– Mụ ác tặc mắc bệnh nặng là một điều chắc chắn trăm phần trăm. Công việc chúng ta là nhân cơ hội này vùng dậy để thoát ra khỏi xiềng xích mụ. Tại hạ tin rằng anh em phấn khởi tinh thần quyết liều một chuyến. Có điều hiện giờ mụ ác tặc đã quay về cung Linh Thứu núi Phiêu Diễu chưa thì không tài nào biết rõ. Mọi việc hành động cần được toàn thể anh em thương nghị kỹ càng. Nhất là ba vị Mộ Dung công tử, Ðoàn công tử, Bất Bình đạo trưởng có cao kiến gì xin nói cho nghe.
Ðoàn Dự nói:
– Nhân lúc người ta gặp nạn mà ám toán thì đâu phải là hành động của người quân tử? Tại hạ chẳng ý kiến chi hết, mà dù có ý kiến chăng nữa cũng không tiện nói ra.
Ô lão đại biến sắc toan đáp lời thì Bất Bình đạo nhân nhìn hắn đưa mắt ra hiệu, rồi tủm tỉm cười nói:
– Ðoàn huynh đã bảo đứng bàng quan không giúp bên nào, nên không chịu đưa ý kiến ra. Ðó là thường tình! Ô lão đại, bây giờ chúng ta muốn tiến đánh núi Phiêu Diễu thì cần nhất là phải biết rõ thực hư trong cung Linh Thứu. Bọn động chúa cùng Ô huynh cả thảy chín người đã lên núi thám thính, vậy sau khi mụ ác tặc rời khỏi cung Linh Thứu thì trong cung còn lại bao nhiêu tay cao thủ? Cách bố trí thế nào? Ô huynh tuy không biết hết nhưng chắc cũng hiểu được một đôi phần, xin Ô huynh nói ra để các vị liệu định.
Ô lão đại nói:
– Nói ra thiệt mắc cỡ! Chúng tôi đến dò xét cung Linh Thứu mà thực ra chẳng ai dám vào thám thính. Cả chín người phải hết sức ẩn nấp và chỉ sợ gặp phải một nhân vật lợi hại nào thì nguy to. Tại hạ nấp ở trong vườn hoa phía sau cung bị một ả nữ đồng bắt gặp. Coi cách ăn mặc của ả này thì biết ả là một đứa nha hoàn. Tại hạ tránh không kịp bị ả nhìn rõ mặt.
Sợ ả tiết lộ bí mật, tại hạ liền nhẩy xổ lại thi triển phép cầm nã muốn nắm ả lại. Thiệt là một sự liều lĩnh không kể gì đến tính mạng nữa. Ta nên hiểu rằng mọi nhân vật trong cung Linh Thứu không phải tầm thường. Dù ả chỉ là một đứa trẻ nít nhưng biết đâu võ công ả chẳng rất thần diệu? Tại hạ tự biết cử động của mình mười phần chết chín…
Ô lão đại nói tới đây thì giọng nói run lên, tỏ ra khi đó hắn lâm vào tình trạng cực kỳ nguy hiểm, bây giờ nhớ đến hãy còn phát ớn.
Mọi người lẳng lặng ngồi nghe Ô lão đại thuật chuyện, mắt thấy hắn lúc này vẫn được bình yên vô sự thì nghĩ ngay đến khi hắn có gặp nguy hiểm gì thì rồi cũng thoát khỏi được. Nhưng những người này hễ động nghĩ đến Thiên Sơn Ðồng Mỗ là lại rùng mình, thế mà Ô lão đại dám lên tận núi Phiêu Diễu hành động thì dù hắn có vì tình trạng bắt buộc mà phải liều lĩnh mạo hiểm cũng là một tay lớn mật vô cùng, nếu là hạng người tầm thường thì đành bó tay chịu chết, nên ai cũng sinh lòng bội phục hắn.
Ô lão đại kể tiếp:
– Tại hạ xông vào rồi vận dụng toàn lực thi triển ngay tuyệt chiêu Hổ trảo công. Lúc đó tại hạ đã định bụng sẳn, nếu một chiêu mà không bắt được con nhỏ, để nó chỉ kịp la lên một tiếng cho những tay tiếp viện đến nơi thì mình chỉ còn cách từ trên ngọn núi cao trăm trượng nhảy xuống tự vẫn một cách mau lẹ sung sướng, nhất định không để lọt vào tay mụ ác tặc rồi mà chịu đựng những cuộc hành hạ dã man tàn nhẫn.
Ngừng một lúc, Ô lão đại kể tiếp:
– Ngờ đâu… tay trái tại hạ chụp xuống vai con nhỏ, tay phải nắm chặt được cánh tay nó, mà nó tuyệt không kháng cự chi hết. Người nó chỉ lạng đi một cái rồi ngã lăn ra. Toàn thân nó không một chút khí lực, dường như nó không có võ công chi hết.
Mọi người ngồi nghe đều ngạc nhiên thì Ô lão đại lại nói:
– Lúc đó tại hạ mừng rỡ không biết đến thế nào mà kể, mừng đến nỗi bủn rủn cả chân tay. Nói ra chẳng bõ làm trò cười cho các vị. Con nhỏ đó ngã ra rồi thì cái con người Ô lão đại vô vị này xuýt nữa cũng ngã theo.
Nghe Ô lão đại nói đến đây, mọi người đều cười ồ lên, đầu óc cảm thấy khoan khoái, trút bỏ hẳn những chuyện lo lắng hoang mang trong giây lát.
Tuy Ô lão đại tự cười mình là con người nhát gan, chỉ bụng nát dạ, quá lo những chuyện không đâu, nhưng ai nấy đều cho hắn là một tay dũng cảm phi thường vì hắn dám lên tận núi Phiêu Diễu bắt người là làm một việc kinh thiên động địa.
Ô lão đại giơ tay ra vẫy, một tên thủ hạ của hắn liền xách một cái túi vải đen chạy ra. Gã đặt túi xuống trước mặt Ô lão đại.
Ô lão đại cởi miệng túi kéo thấp xuống, để lộ ra một con người.
Ai nấy đều ồ lên một tiếng, người đứng trong túi thân hình bé nhỏ và chỉ là một đứa trẻ nít con gái.
– Con nhỏ này Ô mỗ bắt ở trên núi Phiêu Diễu đem về đó.
Mọi người hò reo ầm trời:
– Hoan hô Ô lão đại!
– Ô lão đại bất hủ!
– Ô lão đại quả là một tay anh hùng hảo hán!
– Quần tiên ba mươi sáu động, bảy mươi hai đảo xin tôn Ô lão đại lên làm thủ lãnh!
Tiếng hoan hô của mọi người xen lẫn với tiếng khóc u ú.
Tiếng khóc đó ở miệng con nhỏ bật ra, nó hai tay bưng mặt khóc nức nở. Ô lão đại nói:
– Chúng tôi bắt được nhỏ này rồi, vẫn nơm nớp lo sợ có người biết ra rượt theo, nên hấp tấp chạy xuống núi liền. Lúc hỏi con nhỏ này thì thật là đáng buồn, không khai thác được chút gì vì nó là một đứa câm. Ban đầu chúng tôi tưởng nó giả vờ, đã nghĩ ra bao nhiêu biện pháp để thử thách. Có lúc lại bất thình lình thét vào sau lưng nó một tiếng thật to thử xem nó có giật mình không. Nhưng thử đi thử lại mãi, nó vẫn hoàn câm.
Mọi người nghe tiếng con nhỏ khóc u ú thì biết rằng quả nhiên nó câm thật, có điều tiếng khóc nó lanh lảnh, đúng là tiếng khóc của đứa con nít.
Giữa đám đông có người cất tiếng hỏi:
– Ô lão đại! Nó đã không biết nói, sao không viết chữ thử hỏi xem nó có hiểu không?
Ô lão đại đáp:
Nó chẳng hiểu chi hết! Chúng tôi đã dùng đủ cách, nào dìm xuống nước lạnh, nào dúng vào nước nóng, nào bắt nhịn đói, chẳng còn thiếu cách gì mà xem ra nó không phải là đứa quật cường. Thiệt là một đứa nhỏ vừa câm vừa ngu ngốc.
Ðoàn Dự không nhịn được, cười khằng khặc nói:
– Dùng những thủ đoạn đê hèn để hành hạ một cô bé, thế mà không biết nhục?
Ô lão đại nói:
– Chúng tôi bị mụ Thiên Sơn Ðồng Mỗ hành hạ còn thảm khốc dã man gấp mười. Mình có trả oán một chút đã thấm vào đâu, nhục gì mà nhục?
Ðoàn Dự nói:
– Các vị có báo thù trả oán thì phải đối phó với chính mụ Thiên Sơn Ðồng Mỗ mới hợp lý. Ai đời lại đi ăn thua với đứa con nít thì được ích gì?
Ô lão đại nói:
– Cũng có ích chứ!…
Rồi hắn cất cao giọng, nói:
– Các vị huynh đệ! Hôm nay chúng ta đồng tâm hiệp lực lại lên núi Phiêu Diễu phản kháng. Kể từ giờ phút này, phúc cùng hưởng, hoạ cùng chịu. Vậy chúng ta phải uống máu ăn thề, mưu đồ việc lớn. Vị nào không đồng ý cho biết?
Ô lão đại hỏi liền hai câu không thấy có tiếng người đáp lại.
Khi hắn hỏi đến câu thứ ba thì một Ðại Hán cao lớn đứng lên không nói gì rồi trở gót quay về phía tây mà chạy.
Ô lão đại lớn tiếng gọi:
– Khu đảo chúa Kiếm Ngư!
Ðại Hán vẫn không trả lời, cứ cắm đầu chạy như bay. Y chạy lẹ quá chừng, mới chớp mắt đã chạy quanh hết một khu thung lũng.
Mọi người la lên:
– Thằng cha này nhát gan, chưa lâm trận đã bỏ chạy. Mau ngăn chặn hắn lại!
Mười mấy người lập tức rượt theo. Những người này đều vào loại khinh công rất giỏi, nhưng Khu đảo chúa đã chạy xa rồi, chẳng hiểu họ còn đuổi kịp nữa không?
Bất thình lình một tiếng rú thê thảm từ phía sau núi vọng lại.
Mọi người đều kinh ngạc, nhìn nhau thất sắc. Cả mười mấy người đi rượt Khu đảo chúa cùng dừng bước.
Bỗng nghe một luồng gió rít lên vù vù, một vật hình tròn như quả bóng từ sau núi vọt lên trên không bay tới rớt vào giữa đám đông.