Đọc truyện Lục Mạch Thần Kiếm – Chương 24: Tầm cừu nhân hào kiệt cải trang
Giữa lúc ấy, bất thình lình ở góc Ðông Bắc văng vẳng có tiếng vó ngựa đi về phía Nam.
Kiều Phong lắng tai nghe thì đoàn người ngựa này có đến dư hai chục, ông lập tức chạy nhanh quanh sườn núi, về phía có tiếng vó ngựa để xem ai.
Kiều Phong đứng trên cao trông thấy rõ hơn hai chục người kỵ mã điều mặc áo giáp vàng, đúng là quan binh nhà Ðại Tống. Ông nhận rõ bọn người này rồi, không muốn để ý đến nữa, nhưng chỗ ông và A Châu đang đứng lại là yếu lộ từ ngoài ải tiến vào Nhạn Môn Quan.
Năm trước quần hùng Trung Nguyên sở dĩ ẩn ở chỗ này để phục kích bọn võ sĩ Khất Ðan vì nơi đây trông ra ngoài rất rõ.
Kiều Phong nghĩ thầm:
– Ðây là nơi biên phòng hệ trọng, quan binh nhà Ðại Tống gặp người lạ mặt, tất thế nào cũng tra hỏi lôi thôi. Chi bằng mình tránh khỏi phiền phức .
Nghĩ vậy ông liền dắt A Châu nấp vào tảng đá lớn và bảo nàng:
– Ðây là quan binh nhà Ðại Tống.
Chỉ trong khoảnh khắc, hơn hai mươi tên quân kỵ ruổi ngựa lên núi.
Kiều Phong nấp sau tảng đá lớn đã trống thấy tên quân sĩ đầu trong lòng không khỏi xúc động thở dài lẩm bẩm:
– Ngày trước Trí Quang Ðại sư cùng bọn Triệu Tiền Tôn mai phục để tập kích quân địch chắc cũng nấp ở sau tảng đá lớn này ngó bọn võ sĩ Khất Ðan ruổi ngựa lên núi như ta bây giờ. Núi non trơ đó, tảng đá còn đây, mà bọn võ sĩ đôi bên đã biến thành đống xương trắng .
Trong lúc Kiều Phong đang bâng khuâng nghĩ ngợi, bỗng nghe thấy tiếng trẻ con kêu khóc.
Ông giật mình như người trong giấc mơ, tự hỏi:
– Tại sao lại có trẻ nít khóc?
Kế đó ông lại nghe thấy tiếng đàn bà lanh lãnh, liền thò đầu trông ra để xem cho rõ thì thấy bọn quan binh nhà Ðại Tống này, tên nào cũng cướp đem về một vài người đàn bà, con nít.
Bọn người bị bắt đều mặc quần áo Khất Ðan theo ông đều chăn bò.
Nhiều tên quan binh nhà Ðại Tống đưa tay ra sờ nắn vào những người đàn bà con gái Khất Ðan, trông rất bỉ ổi và khả ố.
Người đàn bà nào kháng cự là quan binh đánh đập.
Kiều Phong rất lấy kỳ, không hiểu ra sao?
Bọn người ngựa này đi qua bên tảng đá lớn, tiến thẳng vào Nhạn Môn Quan.
A Châu hỏi:
– Kiều đại gia! Bọn họ làm gì vậy?
Kiều Phong lắc đầu nghĩ thầm:
– Quan quân trấn thủ biên cương sao lại càn rỡ thế này .
Ông chưa kịp đáp thì A Châu lại nói:
Bọn quan binh này không khác gì quân giặc cướp.
Ðang khi nói chuyện, lại thấy hơn ba chục tên quan binh khác đi lên, xua mấy trăm con trâu bò và bắt về mười mấy người phụ nữ Khất Ðan.
Một tên quân nói:
– Chuyến này đi tuần tiểu, thu hoạch chẳng ra gì. Không hiểu chủ soái có lên ruột không?
Tên khác đáp:
– Kể ra thì không lấy được nhiều trâu bò của bọn Liêu Công. Song bọn đàn bà cướp về đây, được vài thị sạch nước cản hầu hạ Ðại soái. Chắc người khoái lắm, không lên ruột đâu mà sợ.
Tên kia lại nói:
– Ðược có ba chục đứa con gái đem về, làm sao đủ chia? Ðành phải vất vả thêm một ngày, mai lại đi cướp nữa.
Một tên quân khác cười nói:
– Bọn Liêu Cẩu đã thấy rút dây động rừng, chúng nó trốn hết rồi còn gì. Có muốn đi càn quét, ít ra là phải vài ba tháng nữa mới được.
Kiều Phong nghe tới đây, khí giận đầy ruột, nghĩ bụng:
– Những hành động của lũ quan binh này còn hung ác hơn là quân giặc cướp .
Ðột nhiên một đứa con nít đang ngồi trong lòng mẹ khóc thét lên. Người mẹ Khất Ðan hất tay tên quân binh Ðại Tống ra, quay lại gọi đứa nhỏ đang khóc.
Tên quân cả giận, nắm lấy đứa nhỏ quật xuống đất rồi cho vó ngựa xéo lên mình.
Lập tức, ruột gan đứa nhỏ lòi ra.
Người đàn bà Khất Ðan sợ, mặt xám ngắt, muốn khóc mà không khóc ra tiếng.
Cả bọn quan binh cười rộ xúm lại.
Kiều Phong đã được chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh tượng thảm khốc nhưng cái lối tàn sát con nít một cách công nhiên để làm trò đùa thì đây mới là lần thứ nhất. Ông căm giận vô cùng, nhưng vốn tính trầm mặc, không buông cơn giận cho nổi lên, vẫn lẳng lặng xem sao.
Lũ quan binh này đi qua rồi thì lại một toán hơn mười tên quân binh khác la ó đi tới.
Toán quan binh Ðại Tống cũng đều cưỡi ngựa, tay cầm đao dài giơ lên.
Ðầu mũi giáo đều có bêu một cái thủ cấp máu chảy đầm đìa.
Khấu đuôi một con ngựa có buộc quăng dây dài trói năm người đàn ông Khất Ðan.
Kiều Phong nhìn cách ăn mặc những người Khất Ðan này cũng toàn là hạng bình dân chăn trâu bò.
Hai người đã già lắm, đầu tóc bạc phơ còn ba người nữa là thiếu niên mười lăm, mười sáu tuổi.
Ông hiểu ngay: khi thấy quan binh Ðại Tống đến ăn cướp, bọn tráng niên Khất Ðan mạnh khỏe đều chạy thoát, nên lũ quan binh chỉ cướp được những người già nua yếu đuối cùng đàn bà trẻ con đem về.
Bỗng thấy một tên quan binh cười nói:
– Chặt được bốn mươi cái thủ cấp, bắt sống được năm tên Liêu cẩu, công lao tuy chẳng có gì là lớn, nhưng cũng không phải là nhỏ. Mình sẽ được thăng một cấp bậc và phần thưởng trăm lạng bạc hẳn nắm chắc rồi.
Một tên khác nói:
– Này lão Triệu! Cách đây về phía Tây năm mươi dặm có một thị trấn Khất Ðan, anh có dám tới đó càn quét không?
Lão Triệu đáp:
– Có chi mà chẳng dám? Ngươi khinh ta mới đến chăng? Cũng vì mới đến nên ta muốn lập thêm công nữa đây. Trong khi hai tên nói chuyện thì mọi người đã đi đến bên tảng đá lớn. Một ông già Khất Ðan trông thấy đứa con nít bị dày xéo vừa rồi, đột nhiên kêu rống lên.
Kiều Phong tuy không hiểu tiếng Khất Ðan, song nghe tiếng la kêu la vừa bi thương vừa căm phẫn đến cùng cực, cũng đoán ra xác đứa nhỏ đó là thân nhân của lão.
Tên tiểu tốt cầm dây trói lão ra sức lôi bước đi, không để lão dừng lại gầm thét.
Lão già Khất Ðan điên tiết lên, nhảy xổ vào tên tiểu tốt.
Tên tiểu tốt cả kinh, vung dao lên chém lão.
Lão ráng sức đẩy mạnh một cái, tên tiểu tốt từ trên ngựa rơi tọt xuống, há mồm cắn vào cổ lão.
Giữa lúc ấy một tên quân Ðại Tống khác ngồi trên lưng ngựa vung dao chém tới ngập sâu vào lưng lão rồi bồi thêm một cái đá.
Tên tiểu tốt kia nhờ thế mới đứng dậy được.
Hắn tức quá vung dao chém vào mình lão hán Khất Ðan vài nhát nữa.
Lão loạng choạng rồi té lăn xuống đất.
Lũ quan binh, kẻ cầm dáo dài, người cầm đoản đao vây quanh người lão hán.
Lão hán ngoảnh mặt về phía Bắc, cởi áo ra rồi vùng đứng dậy bỗng nhiên lão lớn tiếng kêu gào, nghe rất bi thương, tự như tiếng voi rống.
Trong lúc thảng thốt, lũ quan binh đều lộ vẻ kinh hãi.
Kiều Phong cũng thấy nao nao trong dạ.
Bỗng nhiên ông tựa hồ như cảm thấy tâm linh thông cảm cùng lão hán Khất Ðan.
Mấy tiếng lão rú lên thê thảm lúc hấp hối, chính ông đã cảm thấy như ông bị trúng luôn mấy nhát đao tại Tụ Hiền Trang. Ðó là những tiếng rú của người biết mình sắp chết.
Lúc đó ông còn kịp nghĩ đến những tiếng rú này, chẳng khác chi loài dã thú, tổn hại đến thanh danh một đấng anh hùng, nên ông phải miễn cưỡng cố nhịn. Giả tỷ mà ông không được Ðại Hán áo đen đến cứu kịp thời, thì biết đâu lúc mình chết đến nơi, chẳng buột miệng thét lên những tiếng rú như sói gầm.
Kiều Phong nghe lão rú mấy tiếng, trong lòng bất giác nảy ra cảm tình với lão liền phi thân từ trong tảng đá nhảy xổ ra, chụp lấy từng tên một trong lũ quan binh liệng xuống khe vực.
Chỉ trong khoảnh khắc, cả lũ quan binh đều bị quẳng xuống vực thẳm.
Kiều Phong đang hăng máu, mỗi con ngựa cũng bị một chưởng hất lăn hết xuống khe núi.
Tiếng người kêu oai oái lẫn tiếng ngựa hí chói tai một lúc, rồi im lặng như tờ.
A Châu cùng bốn người Khất Ðan sống sót thấy thần oai Kiều Phong đều đứng thộn mặt ra mà nhìn.
Kiều Phong giết chết hơn mười tên quan binh, hú lên một tràng dài, vang động cả khe núi.
Ông thấy lão hán Khất Ðan bị trúng mấy nhát đao mà người vẫn đứng trơ như đá vững như đồng thì trọng kính phục lão là một tay hảo hán.
Ông liền bước lại trước mặt lão, thấy lão trễ áo để hở ngực và bụng, quay về hướng Bắc.
Kiều Phong vừa trông vào ngực lão, bỗng la lên một tiếng kinh dị, lùi lại một bước, loạng choạng tựa hồ xuýt ngã.
A Châu cả kinh vội hỏi:
– Kiều đại gia! đại gia… làm sao thế?
Bỗng nghe”roạc”một tiếng, Kiều Phong xé áo để lộ ngực ra trên có vẽ hình.
A Châu nhìn kỹ thấy trước ngực Kiều Phong có thích một cái đầu con sói xanh há miệng nhe nanh coi rất hung dữ. Nàng lại nhìn vào trước ngực lão hán Khất Ðan, cũng thấy chạm hình đầu con sói giống hình trên ngực Kiều Phong như hệt.
Thốt nhiên bốn người Khất Ðan la lên vang trời.
Kiều Phong từ thưở lên ba, mới hơi hiểu nhân sự, đã nhận biết trên ngực mình thích hình đầu con sói xanh, nhưng hình này đã có từ thưở nhỏ, tưởng chẳng có gì khác lạ, nên tuyệt không để ý đến.
Khi đến lớn lên, có lần ông đã hỏi song thân về hình này thì vợ chồng Kiều Tam Hòe chỉ biểu là thích vào cho đẹp, rồi trầm trồ khen ngợi một lúc, chớ không nói rõ lai lịch.
Về thời Bắc Tống tục thích hoa vào người đã thành tập quán. Thậm chí có người chạm hoa khắp từ đầu đến chân. Nguyên nhà Ðại Tống thừa kế giang sơn của Sài thị đời Hậu Chu, Ông Tổ mở nước nhà Hậu Chu là Quách Oai, trước ngực có thích một con sẻ. Vì thế mà người ta kêu rằng “Quách Tước Nhi “.
Thời bấy giờ thích họa vào người hầu như là một tập tục.
Quần chúng cái bang mười người đến tám chín thích họa vào mình, nên Kiều Phong không có ý hoài nghi gì nữa.
Hôm nay Kiều Phong thấy lão hán Khất Ðan chết rồi để lộ hình con sói xanh trước ngực, giống hệt hình vẽ trên ngực mình đã kinh hãi vô cùng, lại thấy bốn gã Khất Ðan xúm lại bên mình, vừa la gọi lão vừa trổ hình đầu con sói trên ngực mình.
Kiều Phong không hiểu bọn họ nói gì, một gã cởi áo phanh mình ra.
Trên ngực gã cũng thích hình đầu sói.
Rồi ba gã kia cũng cởi áo ra để lộ hình vẽ trên ngực.
Kiều Phong không còn nghi ngờ gì nữa, biết chắc mình là giòng giống Khất Ðan.
Hình vẽ đầu sói trước ngực, nhất định là ký hiệu bộ lạc Khất Ðan nên người ta thích vào từ thưở nhỏ.
Trước nay, Kiều Phong vẫn thống hận người Khất Ðan vì cho họ là loài hèn mạt tàn ác, không giữ tín nghĩa, biết họ giết chóc người Hán cực kỳ thê thảm.
Bây giờ ông tự nhận là người Khất Ðan như loài muông thú trong lòng đau khổ vô cùng, mặt thộn ra người run lên bần bật một lúc.
Ðột nhiên ông gầm lên một tiếng thật to rồi cắm đầu chạy vào rừng như người nổi cơn điên.
A Châu vội gọi lại:
– Kiều đại gia! Kiều đại gia!
Ðoạn ra sức chạy theo. Nàng đuổi đến hơn mười dặm, mới thấy Kiều Phong dừng lại ôm đầu ngồi dưới gốc cây lớn, sắc mặt xám xanh, những đường gân to nổi lên trán xanh lè.
A Châu chạy đến ngồi cạnh ông.
Kiều Phong lảng ra nói:
– Ta là hạng người Hồ đất Liêu, không bằng giống chó lợn. Từ đây trở đi, cô chẳng nên nhìn mặt ta nữa.
A Châu vốn cùng một ý nghĩ như người Hán, thống hận người Khất Ðan thấu xương. Song Kiều Phong đối với nàng chẳng khác nào một bậc thiên thần mà nàng vẫn thờ kính trong lòng. Ðừng nói ông là người Khất Ðan mà là mãnh thú, ma quỷ hay là gì đi nữa, nàng cũng không rời ông nửa bước.
Nàng nghĩ thầm:
– Bây giờ Kiều Phong đang buồn bực trong lòng, mình phải cố ý mềm mỏng đối với ông mới được .
Nàng liền cười nói:
– Bất luận người Hán hay người Khất Ðan cũng có kẻ hay người dở. Kiều đại gia, đại gia chả nên quan tâm làm gì. Tính mạng A Châu nay đã được đại gia cứu thoát thì dù đại gia là người Hán hay người Khất Ðan cũng vậy, A Châu không phân biệt chi hết.
Kiều Phong lạnh lùng nói:
– Ta không cần cô an ủi ta. Thực tình cô chả muốn nhìn mặt ta cô bất tất phải giả vờ giả vịt tìm câu nói đãi lòng. Ta có cứu tính mạng cho cô, thực ra cũng không phải do bản thân ta, mà chỉ là tính hiếu thắng bồng bột trong lúc nhất thời xui nên. Việc đó đến đây là hết. Thôi cô đi đi!
A Châu bàng hoàng và bồn chồn trong dạ, nghĩ thầm:
– Bây giờ y đã tự biết mình đúng là người Khất Ðan. Không chừng y sẽ trở về đất Bắc và từ đây không trở lại Trung Nguyên nữa .
Nàng hốt hoảng bất giác năn nỉ:
– Kiều đại gia! Nếu đại gia nhất định bỏ tôi mà đi, tôi quyết nhảy xuống vực thẳm. A Châu này cũng là người nói sao làm vậy. Ðại gia là một tay anh hùng hảo hán Khất Ðan, chả coi đứa nha hoàn đê tiện này vào đâu. Tôi đành chết đi là hơn.
Kiều Phong thấy nàng nói bằng một giọng cực kỳ thành khẩn trong lòng đâm ra cảm động. Ông vẫn tưởng mình là giòng giống man mọi thì người đời ai cũng coi mình như rắn rết, trong lòng chỉ muốn tránh xa.
Ngờ đâu A Châu đối với mình vẫn thủy chung như nhất, không có điều chi lạnh nhạt. Bất giác ông thò tay cầm lấy tay nàng ôn tồn nói:
– A Châu! Cô là nữ tỳ của Mộ Dung công tử, có phải là nữ hầu của tôi đâu mà bảo tôi khinh bỉ cô được.
A Châu nói:
– Tôi không cần đại gia an ủi. Thực tình trong lòng đại gia không muốn nhìn tôi nữa. Ðại gia bất tất phải giả vờ giả vịt tìm câu nói vừa lòng.
Nàng lắp lại mấy câu nói của Kiều Phong trước, đồng thời tỉnh tâm và mặt vẻ cũng bắt chước như in, mắt còn lộ ra đầy vẻ tính ngờ, Kiều Phong cười ha hả. Trong lúc ông bực mình được một cô gái lanh lợi thông minh cười nói, thành ra cũng khuây khỏa được cơn ngu muộn.
A Châu thốt nhiên nghiêm nét mặt nói:
– Kiều đại gia! Tôi phục thị Mộ Dung công tử thì có, chứ không dám bán mình cho công tử đâu! Chỉ vì nhà tôi gặp nạn: gia gia bị một kẻ đối đầu rất lợi hại đến tìm trả thù. Người tự liệu sức mình không chống chọi nổi, mới đem tôi ký thác vào chỗ phụ thân Mộ công tử. Tuy tiếng là một thị tỳ, nhưng thực ra là tôi đến Yến Từ Ô ở Cô Tô để lánh nạn. Rồi đây tôi có phục thị đại gia, làm kẻ nữ tỳ, Mộ công tử cũng không thể trách được.
Kiều Phong khoát tay lia lịa nói:
– Không! Không đâu! Tôi là người Hồ man mọi không bao giờ có thị tỳ. Những bậc phú quý ở Giang Nam các cô đã quen tính rồi, đi theo tôi chỉ tổ phiêu lưu khổ sở, chẳng có gì là thú? Cô nhìn con người thô lỗ như tôi liệu có đáng để cô phục thị không?
A Châu mỉm cười nói:
– Thế thì tôi sẽ đi cướp về cho đại gia mấy tên nô bộc. Lúc nào đại gia vui vẻ thì nói cười với tôi, mà lúc nào bực mình, đại gia tha hồ đánh đập mắng nhiếc! đại gia đã vừa lòng chưa?
Kiều Phong nói:
– Tôi chỉ e đánh ra một quyền là cô chết ngay tức khắc.
A Châu nói:
– Vậy thì xin đại gia nhẹ tay cho đừng ra đòn quá nặng.
Kiều Phong cười ha hả nói:
– Ðã đánh mà còn nhẹ tay thì thà rằng đừng đánh còn hơn. Tôi chả cần có nô bộc làm quái gì.
A Châu nói:
– Ðại gia là một vị anh hùng Khất Ðan đi cướp vài cô gái người về làm nô lệ cũng chả sao. Chính mắt đại gia chả vừa trông thấy quan binh nhà Ðại Tống đi cướp vô số người Khất Ðan là gì?
Kiều Phong lẳng lặng không nói gì nữa.
A Châu thấy ông nhíu cặp lông mày khóe mắt đăm chiêu thì nàng rất băn khoăn ngờ rằng là mình nói câu gì thất thố để ông phải buồn phiền.
Hồi lâu Kiều Phong thủng thỉnh nói:
– Trước nay tôi chỉ thấy nói người Khất Ðan hung ác, tàn bạo ngược đãi người Hán, nhưng giờ chính mắt mình được mục kích cảnh tượng quan quân nhà Ðại Tống tàn sát những người già nua cùng đàn bà trẻ con, tôi… tôi… A Châu! Tôi là người Khất Ðan, song từ đây không lấy thế làm thẹn mà cũng không cho dòng Hán tộc là vinh nữa.
Kiều Phong liếc mắt nhìn vực thẳm bên cạnh thẩn thờ nói:
– A Châu! Ngày trước gia gia cùng má má tôi không tội lỗi mà bị người Hán giết chết ở đây. Thù này không báo không được.
A Châu gật gật đầu, nhưng trong lòng không khỏi ngấm ngầm kinh hãi.
Tuy Kiều Phong chỉ nói sơ sơ hai chữ báo thù song A Châu bảo rằng hai chữ này bao hàm những cuộc ác đấu rùng rợn, máu chảy thây phơi.
Kiều Phong lại trỏ vực thẳm hỏi:
– Hôm ấy má má tôi bị bọn họ giết rồi, gia gia tôi đau xót không muốn sống. Chắc cũng đứng bên tảng đá này nhảy xuống vực sâu. Nhưng còn đang chơi vơi gia gia tôi không nỡ chôn sống tôi theo, hay quăng lên, nên Kiều mỗ mới có ngày này. Thế thì gia gia tôi thật đáng thương tôi vô bờ bến, có phải không cô?
A Châu rưng rưng dòng lệ đáp:
– Vâng!
Kiều Phong lại nói:
– Mối thù giết cha mẹ sâu nhường biển cả, lẽ nào quên đi không báo. Từ trước giờ tôi không biết lại đi nhận thù làm bạn, thẹn may bất hiếu vô cùng! Nếu nay không đi tìm giết thủ phạm đã hạ sát phụ thân mình, thì Kiều mỗ còn mặt mũi nào đứng trong trời đất? Không hiểu con người mà bọn họ xưng hô “Thủ lãnh đại ca” là ai? Trao bức thư gửi cho Uông Bang Chúa hắn có thư danh rõ ràng nhưng Trí Quang hòa thượng lại xé chỗ tên hắn bỏ vào miệng nuốt đi mất. Thằng cha “Thủ lãnh đại ca” đó chắc hãy còn sống không thì bọ họ cần gì phải giấu nhẹm.
Ông hỏi rồi tự trả lời như vậy vì ông biết rằng A Châu chẳng giúp gì mình tìm cho ra kẻ thù. Nhưng có người ngồi bàn để nghe mình nói thì cũng đỡ cơn phiền não được phần nào.
Kiều Phong lại nói tiếp:
– Gã “Thủ lãnh đại ca” đã đứng ra suất lĩnh bọn hào kiệt ở Trung Nguyên thì tất phải là tay không những võ nghệ tuyệt luân mà danh vọng còn cao xa hơn hơn nữa. Trong thơ hắn viết kêu Uông Bang Chúa bằng “Kiếm Nhiên Lão Ðệ” thì tuổi hắn ít ra nay cũng đã ngoài sáu chục có khi đến bảy chục hay hơn nữa. Một nhân vật lẫy lừng mà tuổi già như vậy tưởng cũng không khó tìm. À phải! Những người được coi bức thư này ngoài Trí Quang hòa thượng còn có Từ trưởng lão và Mã phu nhân bên Cái Bang, cả Thiết Ðiện Phán Quan Ðơn Chính, Triệu Tiền Tôn cũng biết hắn là ai: Trí Quang hòa thượng cùng Triệu Tiền Tôn cũng là những tên đồng phạm hạ sát song thân tôi. Mẹ kiếp! Tôi phải tìm cho được thằng cha “thủ lãnh đại ca” để chu diệt cả nhà hắn, bất cứ già trẻ, không để sống sót một mống.
A Châu sợ ớn da gà toan nói:
– Ðại gia giết một tên chính phạm là đủ, nên tha cho toàn gia y .
Song nàng ngập ngừng trong miệng không hở môi ra vì nàng trông thấy Kiều Phong thần oai lẫm liệt, không dám nói một câu gì trái ý.
Kiều Phong lại nói:
– Trí Quang hòa thượng vân du bốn bể, Triệu Tiền Tôn phiêu lưu vô định. Hai người này khó lòng tìm được. A Châu! Chúng ta đi tìm Từ trưởng lão bên Cái Bang thôi!
A Châu nghe Kiều Phong dùng hai chữ “Chúng ta” thì vui mừng khôn xiết.
Thế rồi Kiều Phong dắt nàng cùng đi. Hai người đi vòng quanh đỉnh núi quanh về phía Nam chứ không đi thẳng qua cửa ải.
Khi tới một thị trấn nhỏ, hai người tìm vào phạn điếm.
A Châu không đợi Kiều Phong phải mở miệng, sai điếm tiểu nhị lấy hai mươi cân rượu ra.
Ðiếm tiểu nhị thấy hai người này vợ chồng không ra vợ chồng anh em chẳng phải anh em, mà đi với nhau đã lấy làm lạ, lại đòi lấy những hai mươi cân rượu, thì càng ngạc nhiên. Bất giác đã đứng dựa ra mà nhìn hai người. Không đi lấy rượu cũng chẳng trả lời.
Kiều Phong trừng mắt nhìn gã. Ông không giận mà cũng không nghiêm.
Ðiếm tiểu nhị uống nốt bát rượu rồi quay gót đi vào, vừa lẩm bẩm:
– Ðòi lấy những hai mươi cân rượu, để tắm bằng rượu chắc?
A Châu cười nói:
– Kiều đại gia! Nay ta đi kiếm Từ trưởng lão, còn phải đi những vài ngày nữa, tất thế nào cũng bị phát giác. Kể ra đại gia đi đường, đến đâu đánh chết đến đó cũng hay. Nhưng sợ Từ trưởng lão trốn biệt thì làm sao mà bắt được lão?
Kiều Phong cười ha hả nói:
– Thôi cô đừng cho tôi ăn bánh phỉnh nữa. Trên đường chạm trán với họ, địch nhân mỗi lúc kéo đến mỗi lúc một đông mà mình chỉ có hai người tất bị toi mạng.
A Châu nói:
– Nguy hiểm thì mình chưa trông thấy, hãy nói họ thấy bóng mình đã chạy bạt vía là mình khó đạt được mục đích rồi.
Kiều Phong hỏi:
– Vậy cô tính thế nào? Hay là chúng ta nằm quán đêm hay ra đi?
A Châu tủm tỉm cười đáp:
– Muốn cho họ khỏi nhận ra mình cũng chẳng khó gì. Có điều Kiều đại hiệp là người lừng lẫy tiếng tăm khắp thiên hạ, chẳng biết người có chịu cải trang hay không mà thôi.
Kiều Phong cười đáp:
– Tôi không phải Hán, bộ quần áo này không muốn mặc nữa A Châu! Cô bảo tôi cải trang thế nào đây?
A Châu nói:
– Ðại gia diện mạo khôi ngô khiến ai cũng để ý. Hay nhất là cải trang thành một người tầm thường, bộ dạng không lộ ra chút gì đặc biệt là người hào kiệt giang hồ. Làm như vậy thì một ngày đường có gặp đến mấy trăm người cũng chẳng ai để ý.
Kiều Phong vỗ tay khen:
– Tuyệt diệu! Thật là tuyệt diệu! Uống rượu xong rồi chúng ta sẽ cải trang.
Kiều Phong nốc một lúc hết hai mươi cân rượu.
A Châu liền lấy phấn bột, nước hồ, bút lông, mực keo, các đồ dùng ra. Nàng chỉ ra tay một lúc là những điểm dị dạng trên mặt Kiều Phong đều biến mất. Nàng lại thêm cho ông một chòm râu giả lơ thơ.
Kiều Phong được hóa trang xong lấy gương soi, thì chính mình cũng không nhận ra mình nữa.
A Châu lại hóa trang cho mình thành một gã Hán tử đứng tuổi, rồi cười nói:
– Tướng mạo đại gia đã hoàn toàn biến thành người khác rồi. Nhưng còn tiếng nói và cách xơi rượu của đại gia, người ta có thể nhận ra được đấy.
Kiều Phong nói:
– Ồ! Vậy tôi ít nói và uống ít rượu là xong.
Hai người nhằm phía Nam mà đi.
Quả nhiên từ đó Kiều Phong rất ít mở miệng, mỗi bữa cơm ông cũng chỉ uống vài ba chén rượu.
Một hôm đi đến thị trấn Tam giáp ở Tấn Nam, Kiều Phong cùng A Châu vào một tiệm nhỏ ăn mì, bỗng nghe thấy hai tên hành khất đang nói chuyện với nhau.
Một tên nói:
– Cái chết của Từ trưởng lão thật là thê thảm, chắc cũng bị tên ác tặc Kiều Phong hạ độc thủ!
Kiều Phong hơi rùng mình lẩm bẩm:
– Từ trưởng lão chết rồi ư?
A Châu đưa mắt nhìn ông, thì lại nghe thấy tên hành khất khác nói với nhau:
– Mai mốt, các vị trưởng lão Cái Bang ta thành Vệ Huy bên Hà Nam tế điện, chắc sẽ bàn cách bắt Kiều Phong.
Tên kia lại nói mấy câu tiếng lóng. Nhưng Kiều Phong cũng hiểu ý gã. Gã nói: Kiều Phong là một tên đại địch của bọn hào kiệt Trung Nguyên. Vụ này ghê gớm lắm đừng có bạ đâu nói đấy để bọn thủ đối phương biết tin.
Kiều Phong cùng A Châu ăn mì xong ra khỏi trấn giáp.
Ra đến ngoại ô, Kiều Phong mới nói:
– Chúng ta thủ đến Vệ Huy xem, may ra nghe ngóng được gì chăng?
A Châu đáp:
– Phải đó! Cố nhiên ta phải tới đó. Nhưng những người đến điện Từ trưởng lão, Kiều đại gia gặp toàn người cũ, đại gia nhớ trong mọi cử chỉ chớ để lộ hình tích.
Kiều Phong gật đầu nói:
– Cái đó đã hẳn. Hai người liền quay ra phía Ðông nhằm thành Vệ Huy mà tiến.
Hôm sau hai người tới nơi trong thành Vệ Huy ăn uống trong lâu, người thì mổ trâu mổ lợn trong các ngõ hẻm, lại có người đi xin trên hàng phố, lên mặt yêu sách rất khả ố.
Kiều Phong lấy làm khó chịu.
Cái Bang là một bang lớn nhất tiếng trong đám giang hồ, ngày nay còn đâu là luật pháp nghiêm minh, còn đâu bộ mặt hưng thịnh, như khi mình còn là Bang Chúa nắm quyền hành. Tình thế này tất bị người đời khinh rẻ. Dù hiện nay, Bang đối ông hết bạn ra thù, song trong lòng ông không khỏi luyến công tình mình xây đắp bấy nhiêu năm.
Linh cữu Từ trưởng lão đặt tại một khu vườn hoang phía Tây thị, Kiều Phong cùng A Châu mua vàng hương và đồ lễ tam sinh đi người ngoài vườn.
Hai người vào cúi lạy trước linh vị Từ trưởng, ngẩng mặt lên trông thấy bài vị quét đầy máu tươi.
Ðó là một thể lệ Cái Bang để biểu thị người chết đã bị kẻ khác giết và quần chúng bản bang phải báo thù rửa hận cho vong linh người quá cố.
Trong nhà lịnh gương thống mạ Kiều Phong, họ có ngờ đâu ông đang đứng ngay bên cạnh họ.
Kiều Phong thấy bọn người trông nom linh vị Từ trưởng lão đều là những nhân vật đầu não Cái Bang.
Ông sợ tiết lộ cơ quan không tiện đứng lâu, liền cáo từ cùng A Châu đi ra.
Kiều Phong nghĩ thầm:
– Từ trưởng lão chết là trên đời này bớt đi một người biết mặt biết tên”thủ lãnh đại ca” .
Thốt nhiên trong cùng ngõ hẻm, thấp thoáng có bóng người một thân thể cao lớn.
Kiều Phong nhanh mắt trông thấy nhận ra Ðàm Bà thì lẩm bẩm:
– Hay lắm! Mình đang muốn tìm mụ lại thấy ngay. Chắc mụ cũng đến đây viếng Từ trưởng lão .
Kiều Phong lại thấy thoáng có bóng người theo mụ. Người này khinh công rất giỏi. Tưởng ai té ra Triệu Tiền Tôn.
Kiều Phong rùng mình tự hỏi: Hai người thậm thụt với nhau chắc có tình ý gì đây? Ông biết họ là một cặp sư huynh sư Muội, mối tình oan trái giữa hai người đến nay vẫn chưa dứt khoát, rồi ông lẩm bẩm:
– Cả đôi đều sáu bảy chục tuổi đầu chẳng lẽ cùng nhau đi làm chuyện thầm kín?
Kiều Phong vốn là người không ưa dính líu vào chuyện vẩn vơ. Nhưng nghĩ đến Triệu Tiền Tôn cùng Ðàm Bà biết rõ “Thủ lĩnh đại ca” là ai. Nếu mình biết được không chừng sẽ bức bách họ, phải thổ lộ chân tướng gã kia.