Lục Mạch Thần Kiếm

Chương 18: Anh hùng lắm nỗi bất bằng


Đọc truyện Lục Mạch Thần Kiếm – Chương 18: Anh hùng lắm nỗi bất bằng

Kiều Phong liếc mắt nhìn thấy A Châu có vẻ khao khát nghe chuyện, lại thấy nàng mặt võ mình gầy, dung nhan tiều tuỵ, thì nghĩ thầm: “Nàng bị trọng thương như thế e rằng khó qua khỏi. Lúc nào chân khí không truyền vào được nữa là nàng lập tức bỏ mạng. Nàng đã muốn nghe kể chuyện, thôi thì ta cũng nói chuyện lăng nhăng để chiều ý nàng”.

Nghĩ vậy, ông nói:

– Tôi kể chuyện cổ tích nhưng chỉ sợ cô không muốn nghe mà thôi.

A Châu mừng lắm, nói:

– Nhất định là hay lắm rồi! Xin đại gia kể đi!

Kiều Phong tuy nhận lời nhưng ông cũng chẳng nhớ mẩu chuyện cổ tích nào mà kể. Ông ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:

– Ðây tôi nói chuyện con chó sói: “Ngày xưa, có một ông già ở trong rừng. Một hôm, ông thấy con chó sói bị người ta trói bỏ trong đẫy vải. Con sói xin ông cởi trói tha ra. Ông liền mở túi rồi thả sói ra. Con sói…”

Ông kể tới đây, A Châu ngắt lời:

– Con sói được thả ra, nó kêu đói rồi đòi ăn thịt ông già phải không?

Kiều Phong nói:

– Ủa! Chuyện này cô cũng được nghe rồi ư?

A Châu nói:

– Ðó là câu chuyện đã chép sách. Tôi không thích nghe những chuyện trong sách.

Tôi xin đại gia kể những câu chuyện trong lòng chưa có sách vở này nói đến.

Kiều Phong ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

– Cô không ưa những chuyện đã có trong sách thì để tôi kể chuyện một đứa nhỏ nhà quê cho nghe.

“Ngày xưa, một gia đình cùng túng ở trên núi. Hai vợ chồng chỉ có một đứa con trai. Cậu nhỏ này mới được bẩy tuổi nhưng thân thể cao lớn, đã biết giúp gia gia lên rừng đốn củi. Một hôm, gia gia y bị bệnh, song nhà nghèo quá, không có tiền đón thầy chữa thuốc. Bệnh tình mỗi ngày một trầm trọng, nếu không uống thuốc thì không tài nào khỏi được.

Má cậu chỉ có bốn con gà và một giỏ trứng. Bà ta bắt gà đem ra chợ bán. Cả gà lẫn trứng bán được tám đồng cân bạc. Bà liền đi mời thầy thuốc. Nhưng thầy bảo nhà xa và trèo đèo vất vả, không chịu đi coi bệnh. Bà năn nỉ mãi mà thày lang chỉ lắc đầu quầy quậy. Bà liền quỳ mọp xuống đất kêu van, nói: “Dù xây bẩy đợt phù đồ không bằng làm phúc cứu cho một người.”

Thầy lang vẫn từ chối, nói: “Ði thăm bệnh cho người nhà mụ ở chốn thâm sơn cùng cốc tất bị nhiễm lam sơn chướng khí”. Bà liền níu áo thầy lang khóc lóc. Thầy lang ra sức giựt một cái mạnh, không ngờ bà nắm áo chặt quá, áo thầy lang bị rách một vệt dài. Thầy lang cả giận, đẩy bà ngã lăn xuống đất, lại đá mạnh một cái nữa,rồi lão còn giữ bà lại để bắt đền áo. Lão bảo áo lão còn mới nguyên trị giá ba lạng bạc…”

A Châu nghe tới đó, khẽ nói:

– Lão thầy lang đó thật là khả ố.

Kiều Phong ngoảnh mặt nhìn ra ngoài cửa sổ thì trời đã gần tối. Ông thủng thẳng kể tiếp:

“Cậu nhỏ đó đi luôn luôn bên cạnh má má, thấy má má bị người ta ức hiếp, liền xông lại, vừa đánh vừa cắn thày lang. Nhưng cậu chỉ là đứa nhỏ, sức lực phỏng được bao nhiêu. Cậu bị thầy lang xách lên, quẳng ra ngoài cửa. Bà mẹ sợ con bị thương nặng vội chạy ra xem. Thầy lang sợ mụ vào rắc rồi liền đóng chặt cửa lại.

Ðầu cậu bé bị sưng vù, chảy máu khá nhiều. Bà mẹ vốn tính hiền hậu, sợ lôi thôi, không dám ngồi lại cửa thày lang. Bà dắt con, vừa khóc vừa chạy về nhà. Cậu bé đi qua một tiệm bán đồ sắt, thấy trên bàn bày đủ thứ: dao giết lợn mổ trâu, răng bừa, lưỡi cày,… Chủ tiệm đang gọi khách bán cày bừa và bận giao hàng. Cậu bé liền lấy cắp một lưỡi dao nhọn giấu vào trong mình. Má má cậu cũng không biết.

Về đến nhà bà cũng không dám thuật chuyện cho chồng nghe, sợ ông căm phẫn bệnh sẽ nặng thêm. Bà toan móc tám đồng cân bạc đưa lại cho chồng. Ngờ đâu sờ vào bọc thì bạc đã mất rồi. Bà vừa kinh hãi vừa ngạc nhiên, chạy ra tìm cậu con để hỏi, thấy cậu con đang mài một con dao sáng loáng. Bà hỏi cậu: “Sao con lại có con dao này?”

Cậu bé không dám bảo là dao ăn cắp mà nói dối là có người cho cậu. Dĩ nhiên bà mẹ không tin. Con dao mới này sống dài, lưỡi mỏng, ngoài chợ bán đến bốn,năm đồng cân bạc một con, có lý nào người ta lại đem cho trẻ con. Bà hỏi ai cho thì cậu không trả lời được.

Bà thở dài bảo con: “Con ơi! Gia má nghèo khổ, bình nhật không mua được đồ chơi cho con, nghĩ thật tội nghiệp quá! Nay con mua dao về chơi cũng chả sao,nhưng chỗ tiền còn thừa con trả lại cho má để má mua cân thịt về nấu cho gia gia con ăn vì gia gia con đang bị bệnh.”

Cậu nhỏ giương mắt lên nhìn mẹ, hỏi lại: “Má bảo tiền thừa nào?” Bà mẹ nói:


“Má có tám đồng cân bạc, chắc con đi mua dao rồi chứ gì?” Cậu nhỏ vội đáp: “Con không lấy! Con không lấy!” Gia má cậu nhỏ trước nay chưa từng đánh con bao giờ.

Tuy cậu chỉ là đứa nhỏ mấy tuổi mà được gia má nuông chiều, kính trọng và coi cậu như người khách trong nhà.”

Kiều Phong kể đến đây đột nhiên rùng mình, tự hỏi: “Tại sao vậy? Khắp thiên hạ, người làm cha mẹ chỉ có lòng thương yêu nuông chiều con là cùng, quyết không có lý nào lại biệt đãi con nhỏ như khách”. Nghĩ vậy, bất gác lẩm bẩm: “ừ!

Mà lạ thật? Sao lại có chuyện kỳ quái như vậy?” A Châu nghe tiếng, hỏi:

– Ðại gia nói chuyện chi kỳ quái đó?

Nàng chỉ nói được bấy nhiêu rồi thở ra như hết hơi. Kiều Phong biết chân khí trong người nàng lại kiệt rồi, liền đặt bàn tay sau lưng để truyền nội lực vào thân thể nàng.

A Châu dần dần tỉnh lại, than rằng:

– Kiều đại gia! Mỗi lần truyền chân khí vào cho tôi là một lần nội lực đại gia bị giảm sút. Nội lực là một thứ rất cần trong võ học, đại gia tận tâm như vậy, A Châu này biết lấy chi báo đáp?

Kiều Phong cười, nói:

– Tôi chỉ cần tĩnh toạ, thở hít luyện tập trong mấy giờ là nội lực khôi phục lại như cũ, hà tất cô phải nói đến chuyện báo đáp. Tôi cùng chủ nhân cô là Mộ Dung công tử tuy chưa gặp mặt, nhưng đã cùng nhau thần giao cách cảm ở ngoài ngàn dặm.

Lúc nào tôi cũng có người bạn đó ở bên lòng. Cô đã là người nhà công tử, bất tất phải coi tôi như người ngoài.

A Châu buồn rầu đáp:

– Chỉ trong một thời gian ngắn là nội lực tôi lại dần dần tiêu tan. Ðại gia không thể… vĩnh viễn…

Kiều Phong biết ý nàng muốn nói mình không thể vĩnh viễn ở bên cạnh nàng để kéo dài chút hơi tàn cho nàng mãi được, ông liền an ủi:

– Cô cứ yên tâm, thế nào tôi cũng tìm được thày thuốc để chữa cho cô hết nội thương.

A Châu mỉm cười, nói:

– Tôi e rằng ông thày đó sợ tôi cùng cùng kiệt quá rồi, không chịu chữa cho. Kiều đại gia! Câu chuyện đại gia chưa kể hết, đại gia vừa nói cái gì kỳ quái nhỉ?

Kiều Phong sực nhớ lại, nói:

– Ủa! Tôi lại nói đi đâu rồi? Bây giờ tôi kể tiếp.

“Bà mẹ thấy cậu không thú nhận, cũng không nói gì nữa đi, vào trong nhà. Lát sau, cậu nhỏ mài dao xong cũng vào thì thấy má má đang khẽ bảo với gia gia là cậu trộm tiền đi mua dao nhưng không chịu nhận.

Gia gia cậu chỉ bảo: “Thằng nhỏ này ở với chúng ta, trước nay chả được tý đồ chơi nào. Y muốn mua gì thì mua, chúng ta chưa thoả mãn y được điều gì… Hai ông bà đang nói chuyện với nhau, thấy nhỏ vào liền thôi không nói nữa.

Gia gia cậu nét mặt từ ái, xoa đầu cậu, nói: “Từ đây con đi phải cẩn thận. Con ngã hay sao mà bươu đầu lên thế?” Gia gia cậu tuyệt nhiên không đả động đến chuyện mất tám đồng cân bạc cùng chuyện cậu đi mua dao chơi. Ông vẫn giữ nét mặt ôn hoà, không tỏ vẻ gì khó chịu…”

Ngừng một lát, Kiều Phong lại nói tiếp:

“Cậu nhỏ này tuy mới bẩy tuổi nhưng đã hiểu việc đời. Cậu nghĩ thầm: “Gia má ngờ mình ăn cắp tiền mua dao. Ðáng lẽ các người phải tức bực hoặc đánh mắng cho một chập mình đâu dám oán hận, sao gia má vẫn thương yêu chiều chuộng mình đến thế?”

Cậu nghĩ vậy, trong lòng băn khoăn, nói với gia gia: “Gia gia ơi! Con không ăn cắp tiền đâu, con dao này không phải con mua mất tiền”. Gia gia cậu nói: “Má con thật lắm chuyện! Mất tiền thì thôi chứ sao, làm gì mà phải cuống cuồng lên? Bụng dạ đàn bà vẫn nhỏ nhen thế. Con ngoan lắm, đừng buồn nghe! Ðầu con có đau lắm không?”

Cậu bé đáp: “Con không sao đâu!” Cậu tưởng biện bạch thêm nhưng không biết biện bạch cách nào. Cậu rất buồn bã trong lòng, tối đi ngủ không ăn cơm. Ðêm hôm ấy cậu trằn trọc mãi không sao ngủ được, bỗng nghe thấy má má khóc sụt sịt.

Cậu cho là má mình lo gia gia bệnh nặng lại căm giận về chuyện ban ngày bị thày lang đánh đập.

Cậu rón rén bò trước cổng nhà thày lang. Cửa trước, cửa sau nhà thày lang đều đóng chặt không có lối vào. Thân hình cậu bé nhỏ, cậu liền nằm ép bụng xuống,trườn mình qua lỗ chó chui để vào. Thấy trong phòng hãy còn ánh đèn, cậu liền chọc thủng giấy dán trên cửa sổ để nhòm vào. Thày lang chưa ngủ, đang ngồi thái thuốc. Cậu đẩy cửa bước vào phòng.”


A Châu nghe tới đây, vẻ mặt đầy nghiêm trọng, hỏi:

– Thằng nhỏ mới bảy tuổi, nửa đêm còn lần vào nhà người ta tất bị ăn đòn.

Kiều Phong lắc đầu, kể tiếp:

– Thầy lang nghe tiếng kẹt cửa vẫn không ngẩng đầu lên, chỉ cất tiếng hỏi: “Ai đó?” Cậu nhỏ không đáp, rảo bước đến cạnh thày lang, rút dao nhọn ra đâm một nhát. Người cậu thấp nên dao đâm trúng vào bụng thày lang. Thày lang chỉ kêu lên được một tiếng rồi ngã xuống đất.

A Châu cũng la lên một tiếng:

– Trời ơi!

Nàng cả kinh, hỏi:

– Thằng nhỏ đâm chết thày lang rồi sao?

Kiều Phong gật đầu, đáp:

– Ðúng rồi. Cậu nhỏ lại theo lỗ chó chui chuồn ra rồi chạy một mạch về nhà.

Ðang đêm mà phải chạy mấy chục dặm đường, cậu nhọc lử người. Sáng sớm hôm sau người nhà thầy lang mới biết thầy bị đâm chết lòi ruột ra ngoài, trông rất thê thảm. Nhưng cửa ngõ vẫn còn đóng y nguyên, tưởng hung thủ bên ngoài không có cách nào vào được, và đều cho là người trong nhà giết thầy. Quan huyện bắt hết anh, em, vợ, con thày lang khảo – đã truy vấn, tra xét đến mấy năm trời không ra thủ phạm. Thế là cơ nghiệp nhà thày lang bị tan tành và vụ giết người ở Hứa gia tập này thành một vụ thiên cổ nghi án.

A Châu hỏi:

– Câu chuyện đại gia nói đây ở Hứa gia tập, thì thày lang đó… cũng ở thị trấn này phải không?

Kiều Phong đáp:

– Ðúng rồi! Thày lang họ Ðặng, là một thày thuốc nổi tiếng ở trấn này. Mấy huyện lân cận cũng đều biết đến tên tuổi. Nhà thầy ở về phía tây thị trấn, bức tường cao quét vôi trắng đã bị tàn phá là nhà thày đó. Thày lang vừa rồi tôi mời

đến chữa cho cô ở ngay trước mặt nhà thày lang kia.

A Châu thở dài, nói:

– Thày lang kia không ngó tới kẻ cùng khổ, không coi mạng người vào đâu, dĩ nhiên là rất khả ố nhưng tội chưa đáng chết. Còn thằng nhỏ hành hung như vậy thật là dã man, tôi không thể tin được một đứa nhỏ bảy tuổi đã dám hạ thủ giết

người. Kiều đại gia! Câu chuyện đại gia kể đây có thật hay bịa ra?

Kiều Phong đáp:

– Chuyện này có thật đấy!

A Châu lại thở dài, nói:

– Thằng nhỏ hung hăng này đúng là giống Khất Ðan độc ác!

Kiều Phong đột nhiên run bắn lên, đứng phắt dậy hỏi:

– Cô bảo sao?

A Châu thấy Kiều Phong biến sắc thì giật mình kinh sợ, nàng hiểu ngay, liền run run nói:

– Kiều… Kiều đại gia! Tôi thật là có tội. Tôi… tôi không có ý nói xúc phạm đại gia.


Kiều Phong đứng thộn mặt ra một lúc rồi buồn bã ngồi xuống, hỏi:

– Cô đoán ra rồi ư?

A Châu gật đầu vì nàng đã đoán ra đứa nhỏ trong chuyện này chính là Kiều Phong. Kiều Phong lại nói:

– Tôi cũng vô tình mà kể chuyện với cô. Chuyện đó quả có thực. Tôi cũng không hiểu tại sao lại hạ độc thủ đến thế! Phải chăng vì có dòng máu Khất Ðan mà ra?

A Châu dịu dàng nói:

– A Châu này thật là ngu muội, xin đại gia đừng để ý. Lão thày lang kia đấm đá bà cụ quá ư tàn nhẫn. Ðại gia hành động như vậy là có khí phách của một vị tiểu anh hùng. Giết lão đi có gì là lạ?

Kiều Phong hai tay ôm đầu, nói:

– Không những lão đá má tôi, khi đó tôi còn tức bực hơn nữa là mình bị mắc tiếng oan đã ăn cắp tiền. Tám đồng cân bạc của má tôi nhất định rơi ra trong nhà lão lang trong khi bị lão lôi kéo đánh đấm. Bình sinh tôi không thể nhịn được kẻ nào đã đổ oan cho mình.

Trong một ngày hôm đó, Kiều Phong gặp ba vụ kỳ oan. Ông có là người Khất Ðan hay không cũng không có cách nào quyết đoán được. Nhưng vợ chồng Kiều Tam Hoè cùng Huyền Khổ đại sư thì rõ ràng không phải chính tay ông hạ sát. Thế mà ba tội ác này đều trút lên đầu ông. Chính hung thủ là ai? Ai đã hãm hại ông?

Kiều Phong lại nghĩ đến một điều: “Tại sao gia má mình đều nói là các người không thể tất được cho mình. Theo lẽ thường thì “cha mẹ giàu con có, cha mẹ khó con không”. Nếu mình quả là con ruột người thì hà tất người đối với mình lại khách khí như vậy. Xem thế thì đúng mình không phải con đẻ, mà là có người ngoài gửi nuôi. Mà xét kỹ ra, người gửi nuôi này có một địa vị rất tôn quy, nên gia má đối với mình không những lộ vẻ khách khí mà còn ra chiều kính trọng nữa. Vậy người gửi mình ở đây là ai? Chắc là Uông Bang chúa không sai.”

Song thân Kiều Phong đối với ông khác hẳn người thường đối với con. Ông bản tính thông minh, đáng lẽ phải nhận biết như vậy. Nhưng từ thuở nhỏ đã thế rồi, ông chỉ cho là một tập quán. Dù ông có thông minh đến đâu đi nữa cũng chỉ tưởng rằng song thân mình có một tính tình đặc biệt ôn hoà, từ ái mà thôi. Giờ phút này ông mới nhận xét ra bằng chứng mình là dòng dõi Khất Ðan.

A Châu như đọc được ý nghĩ của ông, liền an ủi:

– Kiều đại gia! Người ta bảo đại gia là Khất Ðan, nhưng tôi xem thì nhất định họ bịa đặt để vu hãm đại gia mà thôi. Không kể đến bao nhiêu đức tính nhân nghĩa,khẳng khái lừng danh bốn bể, ngay việc đối đãi với tôi, một đứa nha hoàn thân phận hèn mọn như cỏ rác, mà đại gia cũng bận tâm chiếu cố. Người Khất Ðan độc dữ như loài lang sói, so với đại gia khác nhau một trời một vực, bì thế nào được!

Kiều Phong hỏi:

– A Châu! Giả tỷ tôi là người Khất Ðan thật, liệu cô có để cho tôi trông nom không?

Thời bấy giờ người Hán ở Trung Nguyên thống hận người Khất Ðan thấu xương,coi họ như rắn độc, mãnh thú.

A Châu nghe Kiều Phong hỏi vậy, rùng mình nói:

– Ðại gia đừng nghĩ vẩn vơ, nếu Khất Ðan mà sản xuất được người tốt như đại gia thì chúng tôi chẳng căm hận làm gì.

Kiều Phong im lặng không nói gì, nghĩ bụng: “Nếu quả mình là người Khất Ðan thì đến hạng thị tỳ như A Châu cũng không thèm đếm xỉa đến mình nữa”. Ông cảm thấy một bầu vũ trụ rộng lớn mênh mông mà mình không tìm được một chỗ để dung thân. Vì nghĩ ngợi quá nhiều nên máu nóng dường như sôi lên.

Ông tự biết mình tiếp chân khí cho A Châu nhiều lần, nội lực tiêu hao không phải là ít. Ông liền ngồi xếp bằng, tựa vào cạnh giường nàng, từ từ vận khí dưỡng thần.

A Châu cũng nhắm mắt lại. Hồi lâu, Kiều Phong vận công điền khí xong, sợ A Châu kiệt lực không thể chuyển tiếp chân khí được, toan đưa tay ra nghe mạch nàng thì bất thình lình từ góc tây bắc có hai tiếng lạch cạch vang lên.

Kiều Phong là tay từng trải giang hồ, vừa nghe đã biết ngay có người trong võ lâm nhảy lên nóc nhà. Tiếp theo, góc đông nam cũng có hai tiếng động khẽ, rõ ràng là những tay khinh công rất cao nhảy lên. Lúc nghe tiếng động ở góc Tây Bắc,Kiều Phong chưa quan tâm mấy, nhưng cả góc Ðông Nam cũng có tiếng động, ông nghĩ ngay là họ đến tìm mình, liền cúi xuống khẽ bảo A Châu:

– Tôi ra ngoài một chút rồi lại vào ngay. Cô đừng sợ gì nghe.

A Châu gật đầu. Kiều Phong không thổi tắt đèn, cửa phòng vẫn khép hờ, ông đứng bên cửa phòng để nghe ngóng rồi đi quanh ra phía cửa sổ phía sau, trèo lên tường đứng. Vừa đứng vững, Kiều Phong chợt nghe trong gian phòng phía Ðông khách sạn có tiếng người hỏi:

– Phải Hương Bát Gia đó không? Xuống đây mau!

Người đứng góc Tây Bắc cười, nói:

– Kỳ lão lục ở Quan Tây cũng đến đó.

Người trong phòng lại nói:

– Thế thì hay lắm! Mời xuống cả đây!

Từ trên nóc nhà, hai bóng đen kẻ trước người sau nhảy xuống, tiến vào trong phòng. Kiều Phong nghĩ thầm: “Kỳ lão lục ở Quan Tây người ta kêu bằng Khoái Ðao Kỳ Lục là một trang hảo hán nổi tiếng ở vùng đó. Còn Hương Bát Gia chắc là hơn Vọng Thiên Tương Ðông. Ta từng nghe người này trọng nghĩa khinh tài, bản lãnh tuyệt luân. Cả hai đều không phải là hạng người nguy hiểm, gian ác. Họ đối với ta không có liên quan gì, quyết không phải đến đây rình ta. Mình chả có điều gì ngờ vực họ”. Kiều Phong toan quay về phòng bỗng nghe Hướng Vọng Thiên hỏi:

– Diêm Vương Ðịch Tiết Thần Y đột nhiên gửi thiếp mời anh em đồng đạo trên chốn giang hồ. Ðó là một vấn đề gấp rút, đại ca có biết về việc gì không?

Kiều Phong vừa nghe sáu chữ “Diêm Vương Ðịch Tiết Thần Y” thì vừa kinh hãi vừa mừng thầm, tự hỏi: “Tiết Thần Y ở gần đây ư? Mình cứ tưởng y ở tận Cam Châu diệu vợi. Nếu ông ta ở gần đây thì A Châu gặp được cứu tinh rồi”. Nguyên Tiết Thần Y là một tay thánh thủ đệ nhất trong giới danh y đương thời. Vì vậy mà người ta gọi ông là Tiết Thần Y, còn tên thật ông thì chẳng mấy người biết. Khách giang hồ đồn đại khoa trương ông rất nhiều.


Họ bảo dù là người chết rồi ông cũng cứu cho sống lại. Còn người sống thì bất luận là bị trọng thương hay là bệnh nặng thế nào ông cũng có cách chữa khỏi. Vì thế mà Diêm Vương ở dưới âm cung rất bực mình với ông, thường phái tiểu quỷ đến quấy nhiễu và trở ngại công cuộc chữa bệnh của ông. Do đó mới có ngoại hiệu là Diêm Vương Ðịch (kẻ thù của Diêm Vương).

Tiết Thần Y không những chữa bệnh công hiệu như thần mà công ông lại vào hạng giỏi. Tính ông thích kết giao với anh em trên chốn giang hồ. Ông trị bệnh cho người rồi gặp ai có thế võ nào hay ông cũng thỉnh giáo. Người ta cảm tấm lòng ông chữa cho khỏi bệnh, dĩ nhiên là đem những tuyệt kỹ của mình truyền thụ cho ông,không giấu giếm chút nào. Vì vậy mà võ học ông cũng uyên thâm lắm. Bỗng thấy Khoái Ðạo Kỳ lục lại nói:

– Bảo lão bản! Mấy hôm nay anh đi mần ăn ở đâu?

Kiều Phong gật đầu lẩm bẩm: “Thảo nào nào mình nghe tiếng quen quen, té ra là Một Bản Tiền Bảo Thiên Linh. Gã này giàu lòng nghĩa hiệp, chuyên ăn trộm nhà phú hộ, chẩn tế cho kẻ bần cùng. Ngày cử hành diễn lễ mình nhậm chức Bang

chúa Cái Bang gã cũng đến dự.”

Kiều Phong đã biết ba người Hướng Vọng Thiên, Kỳ Lục, Bảo Thiên Linh đều là những tay hào kiệt, mình chẳng nên nghe chuyện riêng của họ. Ông định bụng sáng hôm sau sẽ qua bái phỏng Bảo Thiên Linh để hỏi xem Tiết Thần Y hiện ở đâu. Kiều Phong toan trở về phòng, bỗng nghe Bảo Thiên Linh thở dài, nói:

– Hỡi ôi! Mấy hôm rồi trong lòng tôi thấy chán nản, chả muốn tính đến chuyện làm ăn gì. Nay lại thấy nói y đã giết chết cha mẹ, lại giết cả thầy.

Kiều Phong giật mình, nghĩ bụng: “Chắc họ đang bàn chuyện mình”. Bỗng thấy Hướng Vọng Thiên nói:

– Gã Kiều Phong lừng lẫy tiếng tăm là thế, thì tay giả nhân nghĩa đánh lừa không biết bao nhiêu là người? Ngờ đâu nay y phạm vào những tội ác tầy trời.

Bảo Thiên Linh nói:

– Ngày y nhậm chức Cái Bang tôi có được gặp một lần. Lúc đầu tôi nghe Triệu lão tam bảo y là giòng giống man di Khất Ðan tôi còn đỏ mặt tía tai cãi nhau với Triệu lão tam để bênh y, suýt nữa xảy ra đánh lộn. Trời ơi! Con người di dịch quả nhiên chẳng khác chi loài cầm thú. Nhưng y chỉ bịp bợm được một thời rồi về sau chó đen giữ mực tính hung ác lại nổi lên.

Kỳ lục nói:

– Không ai ngờ y xuất thân ở phái Thiếu Lâm. Huyền Khổ đại sư là sư phụ y.

Bảo Thiên Linh nói:

– Việc đó rất bí mật. Ngay chưởng môn phương trượng phái Thiếu Lâm cũng không biết. Mãi sau chính Kiều Phong nói ra, rồi người Cái Bang đồn đại đi, mọi người mới biết rõ đầu đuôi. Tên ác tặc họ Kiều tưởng giết cha, mẹ cùng sư phụ là bít kín được gốc gác của mình. Bất cứ đối với ai, y đành chịu chết thôi chứ không chịu thừa nhận. Không ngờ y đã tưởng là mình khôn mà hoá ra dại, tội nghiệt ngày càng nhiều.

Kiều Phong đứng ngoài cửa sổ nghe Bảo Thiên Linh đánh giá mình như thế thì nghĩ thầm: “Một bản tiền đồ Bảo Thiên Linh là một kẻ ăn trộm nghĩa hiệp đối với mình thâm giao là thế. Gã lại là con người khảng khái lỗi lạc mà còn coi mình như vậy, thì người ngoài chắc bình phẩm mình còn tệ hơn nhiều! Hỡi ôi! Nỗi kỳ oan này Kiều Phong này tài nào giải tỏ được nữa thì còn tìm cách gột rửa làm chi cho mệt? Thôi, từ đây mình đi mai danh ẩn tích. Hàng chục năm sau bạn hữu giang hồ sẽ quên đi. Bấy giờ sẽ liệu”. Kiều Phong cảm thấy chán nản vô cùng, bỗng lại nghe Hướng Vọng Thiên nói:

– Theo tôi đoán thì Tiết Thần Y gửi thiệp đi mời anh hùng khắp nơi cũng chỉ là việc đối phó với Kiều Phong. Cái ông Diêm Vương Ðịch ấy ghét kẻ làm ác như là thù nghịch. Một khi y đã nghe bất bình, tất y dúng tay vào làm rõ trắng đen mới nghe. Huống chi y lại thâm giao với các nhà sư Huyền Tịch, Huyền Nạn chùa Thiếu Lâm.

Bảo Thiên Linh nói:

– Ðúng rồi! Tôi tưởng ngoại trừ việc Kiều Phong tàn ác thì hiện nay trên chốn giang hồ không còn việc gì lớn khác. Hương huynh! Kỳ huynh! Lại đây, chúng ta uống cạn mấy cân rượu này để tán chuyện cho tới sáng.

Kiều Phong nghĩ bụng: “Ðêm nay chắc họ cũng chỉ tán chuyện mình mà thôi.

Họ còn tìm những câu thoá mạ tệ hại hơn nữa, khác nào lửa cháy thêm dầu, mình chẳng cần nghe nữa”. Nghĩ vậy, ông quay về phòng A Châu. A Châu thấy Kiều Phong sắc mặt lợt lạt trông gớm khiếp, liền hỏi:

– Kiều đại gia! Phải chăng đại gia vừa gặp địch nhân?

Nàng vẫn lo cho Kiều Phong, chỉ sợ ông bị nội thương. Kiều Phong lắc đầu.

A Châu vẫn không yên dạ, hỏi nữa:

– Ðại gia có bị thương không?

Kiều Phong từ khi bước chân vào chốn giang hồ bao giờ cũng chỉ thấy bạn hữu kính trọng mình, địch nhân khiếp sợ mình. Có bao giờ bị người khinh miệt như mấy hôm nay. Ông nghe A Châu hỏi “có bị thương không”, bất giác tấm lòng cao ngạo lại nổi lên, lớn tiếng đáp:

– Không đâu! Bọn tiểu nhân ngu dốt đó khinh khi Kiều mỗ thế nào được. Dù muốn động thủ đánh tôi bị thương há phải là chuyện dễ?

Ðột nhiên khí khái anh hùng trỗi dậy, ông nói tiếp:

– A Châu! Sáng mai tôi đưa cô đi tìm một vị danh y giỏi nhất thiên hạ để chữa nội thương cho cô. Cô yên tâm ngủ đi thôi!

A Châu nhìn nét mặt Kiều Phong cao ngạo thì vừa kính phục vừa sợ hãi. Nàng thấy người đang đứng trước mắt mình khác xa công tử Mộ Dung mà lại có nhiều điểm giống Mộ Dung. Giống ở chỗ cả hai người đều chẳng biết sợ trời sợ đất là gì,giống ở chỗ vẻ mặt hiên ngang, tính khí cao ngạo. Song Kiều Phong người to lớn,hào sảng tỷ như con hùng sư, còn Mộ Dung công tử ôn nhu văn tỷ như con phượng hoàng.

Kiều Phong đã quyết định chủ ý, yên tâm ngủ ngon.

A Châu nhìn nét mặt Kiều Phong qua ánh sáng ảm đạm của ngọn đèn dầu hồi lâu, nàng nghe thấy tiếng ông ngáy và các bắp thịt trên mặt mấp máy. Ông nghiến răng, bộ mặt vuông vắn lồi lên, lõm xuống, nàng không khỏi xót thương cho người hào kiệt đang gặp phải nỗi đau lòng, so với mình ông còn khổ hơn nhiều.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.