Đọc truyện Lục Mạch Thần Kiếm – Chương 141: Những chuyện gặp gỡ ly kỳ
Vương Ngọc Yến vội chạy đến bên Ðoàn Dự hỏi:
– Hắn đánh chàng có đau không?
Ðoàn Dự cười đáp:
– Không có gì đáng ngại cả! Nhị ca đưa cho tiểu huynh một lá thư, gã Vương tử kia hiểu lầm, hắn ngờ là công chúa mời tiểu huynh vào hội kiến.
Bọn võ sĩ Thổ Phồn thấy chủ nhân bị người đánh ngã, kẻ lại nâng đỡ, kẻ thì vẻ mặt hầm hầm toan lại gây chuyện với Ðoàn Dự.
Ðoàn Dự bảo Vương Ngọc Yến:
– Chốn này nhiều chuyện thị phi, ở lại vô ích. Chúng ta về đi thôi!
Ba Thiên Thạch vội nói:
– Ðiện hạ đã tới đây sao lại hấp tấp bỏ đi ngay?
Chu Ðan Thần cũng nói:
– Nơi đây ở trong nội điện hoàng cung nước Tây Hạ, còn sợ gì bọn Thổ Phồn hung hăng? Không chừng công chúa sắp triệu kiến, điện hạ bỏ đi chẳng là khiếm lễ ư?
Hai gã mỗi người một câu cố tình lưu Ðoàn Dự ở lại.
Quả nhiên, trong Nhất phẩm đường có người chạy ra quát mắng bọn võ sĩ Thổ Phồn không được vô lễ.
Tôn Tản Vương tử lồm cồm bò dậy, gã thấy bức thư tiên không phải công chúa mời Ðoàn Dự vào diện kiến, cũng bình tâm lại.
Giữa lúc nhốn nháo, Mộc Uyển Thanh đột nhiên đưa tay ra vẫy gọi Ðoàn Dự, tay trái nàng cầm một mảnh giấy giơ lên.
Ðoàn Dự gật đầu bước lại đón lấy.
Mộc Uyển Thanh hoá trang làm Ðoàn Dự lẩn vào trong đám đông từ nãy giờ không ai lưu ý, bây giờ Tôn Tản mới để tâm đến hành động của Ðoàn Dự. Gã chợt thấy Mộc Uyển Thanh vẫy gọi chàng. Cách phục sức của hai người giống hệt nhau, nên vừa trông thấy ai cũng tưởng là một người biến thành hai.
Tôn Tản giật mình kinh hãi lẩm bẩm:
– Yêu quái! Ðúng là quân yêu đúng là quân yêu quái!
Gã lại thấy Ðoàn Dự mở bức thư tiên ra coi, sắc mặt chàng luôn luôn biến đổi, gã nghĩ ngay: “Ðây mới đúng là thử triệu kiến của công chúa”, gã liền lớn tiếng quát: Lần thứ nhất ngươi còn lừa gạt ta, chứ lần này thì đừng hòng.
Gã nhảy xổ lại đưa tay cướp lấy bức thư. Lần này gã khôn hơn không dám vung quyền đánh vào người Ðoàn Dự nữa. Gã cướp được thư rồi, liền vung chân phải đá vào bụng Ðoàn Dự. Gã tiếp tục phóng cước đá luôn theo thế “Uyên ương liên hoàn”. Thế đánh đã lợi hại mau lẹ vô cùng. Không ngờ hai chân Tôn Tản đá trúng vào khu huyệt “Ðan Ðiền” dưới rốn Ðoàn Dự. Ðó là nguồn gốc luyện nội tức của con người, không cần vận chuyển nội kình cũng có phản ứng.
Nội kình của Ðoàn Dự phản ứng một cách mau lẹ phi thường!
Vừa nghe đánh bốp một tiếng, Tôn Tản đã rú lên, người gã bị hất tung ra, vượt qua mấy chục đầu người đụng vào làm đổ bảy tám kỷ chè, rồi mới té xuống đất.
Tôn Tản da thô thịt dày, Ðoàn Dự lại không cố ý vận khí hại gã nên tuy gã bị té một cái tựa bằng trời giáng, mà vẫn không bị nội thương.
Người vừa chấm đất, gã đã giơ bức thư vừa cướp được lên, lớn tiếng đọc: “Có một nhân vật cực kỳ lợi hại định giết gia gia tại hạ và cũng là gia gia Dự ca nữa. Mau mau đi cứu ứng!”
Mọi người nghe chẳng hiểu đầu đuôi ra làm sao.
Ðoàn Dự cùng Ba Thiên Thạch, Chu Ðan Thần biết ngay bức thư này do Mộc Uyển Thanh viết ra. Câu gia gia tại hạ và cũng là gia gia Dự ca là để trỏ Ðoàn Chính Thuần. Mấy người liền lại bên Mộc Uyển Thanh để hỏi dò nàng về chuyện này.
Mộc Uyển Thanh đáp:
– Bọn ca ca tiến vào một lúc rồi thì Mai kiếm và Lan kiếm cũng tiến vào. Hai vị tỷ tỷ này có việc muốn gặp Hư Trúc tiên sinh để bẩm báo.
Hư Trúc Tử không ra, hai nàng liền nói cho ta biết là chúng được tin có mấy nhân vật cực kỳ lợi hại bố trí cơ quan, cố ý gia hại phụ thân. Những cạm bẫy này họ bố trí tại một giải Thục Nam, chính là đường gia gia phải đi qua để trở về Ðại Lý. Hai vị tỷ tỷ đó còn phái bộ Huyền Thiên và bộ Chu Thiên thuộc cung Linh Thứu rượt theo gia gia trước, để dặn người phải coi chừng cẩn thận, đồng thời có hay được chuyện gì sẽ trở lại báo tin.
Ðoàn Dự vội hỏi:
– Có Mai kiếm, Lan kiếm đến đây ư? Sao ta lại không thấy?
Mộc Uyển Thanh đáp:
– Trong mắt ca ca chỉ có một mình Vương cô nương mà thôi, thì còn nhìn thấy ai nữa? Mai kiếm, Lan kiếm muốn báo tin cho ca ca nhưng đã gọi ca ca mấy lần mà ca ca chẳng đoái hoài. Chẳng lẽ ca ca không thấy thật ư?
Ðoàn Dự đỏ mặt lên nói:
– Ta… ta không nhìn thấy thiệt.
Mộc Uyển Thanh lạnh lùng nói:
– Hai cô cần tìm Hư Trúc nhị ca rất gấp, không đợi ca ca được. Tiểu Muội gọi ca ca, nhưng chắc ca ca cũng lờ đi, nên phải viết mấy chữ đưa cho ca ca.
Ðoàn Dự nghe nàng nói vậy, không khỏi bẽn lẽn. Chàng biết rằng bao nhiêu tâm trí chàng để hết vào Vương Ngọc Yến. Mắt chàng chỉ nhìn thấy Vương Ngọc Yến vui vẻ hay buồn rầu tai chàng chỉ nghe thấy tiếng cười, tiếng khóc của Vương Ngọc Yến mà thôi. Dù trời có sụp xuống, chàng cũng không cần biết.
Mộc Uyển Thanh đứng đằng xa ra hiệu mãi mà Ðoàn Dự cũng chẳng trông thấy. Nếu không có Tôn Tản Vương tử nhảy lại đánh chàng một quyền, e rằng chàng chẳng có lúc nào ngẩng đầu lên để nhìn thấy Mộc Uyển Thanh vẫy tay gọi chàng nữa.
Ðoàn Dự nhìn Ba Thiên Thạch và Chu Ðan Thần nói:
– Chúng ta phải đi ngay đêm để theo kịp gia gia.
Ba, Chu hai gã đồng thanh đáp:
– Phải đó! Mọi người đều lo lắng về chuyện Trấn Nam vương gặp nạn là một việc khẩn yếu hơn hết, cả đến việc Ðoàn Dự có làm được phò mã Tây Hạ hay không cũng chẳng quan hệ bằng.
Ðoàn người lập tức đứng lên ra khỏi cửa.
Bọn Ðoàn Dự về đến nhà tân quán cùng Chung Linh hội họp sắp xếp hành lý.
Ba Thiên Thạch thì đến cáo từ quan Thượng thư bộ Lễ nước Tây Hạ. Gã nói Trấn Nam vương giữa đường bị trọng bệnh, nên thế tử phải lật đật đi ngay để thị phụng, không kịp vào bái tạ hoàng thượng. Phụ thân có bệnh, kẻ làm con phải ruổi sao đi ngày đêm để trông nom thang thuốc là một việc thiên kinh địa nghĩa.
Quan Thượng thư bộ Lễ khen lão một hồi, nào là: Lòng hiếu thảo của điện hạ thấu đến trời xanh. Nào là: Ðoàn Vương gia đại phúc sinh con thảo, cháu hiền.
Ba Thiên Thạch cáo từ xong, lật đật ra khỏi cửa Nam môn thành Linh Châu. Gã thi triển khinh công đến tột độ mà lúc đuổi kịp bọn Ðoàn Dự cũng cách thành Linh Châu đến ba mươi dặm.
Ðoàn người ngựa đi không dừng bước luôn mấy ngày.
Từ đất Linh Châu đến Nghiệt Lan (ta quen đọc là Niết Lan), qua Thiên Thủy rồi đi về mé Ðông sang đất Trịnh, qua Quảng Nguyên, Kiếm Các, mới đến Thục Bắc.
Dọc đường tiếp được truyền thư của quần nữ hai bộ Chu Thiên, Huyền Thiên cung Linh Thứu nói là Trấn Nam vương đang đi về phía chính Nam.
Lại có tin đưa đến nói Trấn Nam vương đưa hai vị phu nhân về đến Tử Ðồng thì hai bà gây ra một trường ác đấu, dường như bất phân thắng bại.
Ðoàn Dự biết hai vị phu nhân này thì một là Tần Hồng Miên, mẫu thân Mộc Uyển Thanh và một là Nguyễn Tinh Trúc, mẫu thân A Châu, A Tử. Trong hai người này thì võ công Tần Hồng Miên cao hơn, nhưng về mưu trí thì lại kém Nguyễn Tinh Trúc. Chàng yên trí đã có gia gia điều hoà cho hai bên, chắc cũng không đến nỗi xảy ra án mạng. Quả nhiên, sau một lúc lại có tin báo hai vị phu nhân đã đi đến chỗ hoà hảo và cùng Trấn Nam vương đang uống rượu trong một tửu lầu.
Bộ Huyền Thiên đã đưa tin cho Trấn Nam vương biết là có bọn đối đầu cực kỳ ghê gớm đang đón đường để toan gia hại.
Dọc đường, Ðoàn Dự cùng Ba Thiên Thạch và Chu Ðan Thần đã thương nghị với nhau mấy lần và cho là kẻ đối đầu với Trấn Nam vương ngoài lão đối đầu Tứ đại ác là Ðoàn Diên Khánh thì không còn ai nữa.
Mọi người nghĩ tới Ðoàn Diên Khánh đều phải điên đầu vì võ công của lão rất mực cao thâm. Trong nước Ðại Lý, trừ Bảo Ðịnh đế ra, cơ hồ không ai địch nổi. Nếu quả hắn đuổi kịp Trấn Nam vương ở dọc đường, thiệt là một điều rất đáng lo ngại. Việc khẩn cấp trước mắt là phải đuổi theo cho kịp Trấn Nam vương để hợp lực lại mới có thể cùng Ðoàn Diên Khánh chiến đấu được.
Ba Thiên Thạch nói:
– Chúng ta mà gặp Ðoàn Diên Khánh thì lập tức cùng nhau xông vào để thủ thắng ngay quyết không trù trừ như chuyện xảy ra bên Tiểu Kính Hồ ngày trước, nếu để hắn cùng Vương gia lấy một chọi một là nguy đấy.
Chu Ðan Thần nói:
– Phải đó! Bọn ta có Ðoàn thế tử, Mộc cô nương, Chung cô nương, Vương cô nương cùng hai ta, lại thêm hai vị phu nhân và bọn Hoa Tư Ðồ, Phạm Tư Mã, Ðồng đại ca và các vị cô nương cung Linh Thứu giúp đỡ. Người nhiều thế mạnh như vậy, dù chẳng giết được Ðoàn Diên Khánh cũng không đến nỗi để khinh khi mình được.
Ðoàn Dự gật đầu nói:
– Chúng ta phải làm thế mới xong.
Ðoàn người ra roi cho ngựa đi thật nhanh. Khi đến Tung Châu, bỗng nghe phía trước có tiếng vó ngựa dồn dập, rồi thấy hai người con gái cửỡi ngựa song song đi đến.
Hai cô gái từ trên lưng ngựa nhảy xuống, la lên:
– Thuộc hạ ở bộ Huyền Thiên cung Linh Thứu xin tham kiến Ðoàn công tử nước Ðại Lý.
Ðoàn Dự cũng vội vàng xuống ngựa thi lễ nói:
– Hai vị tỷ tỷ phải mệt nhọc! Có gặp gia phụ không?
Nguyên quần nữ cung Linh Thứu ít khi đi một người. Mỗi lần đến đưa tin đều phải hai người, hoặc ba người trở lên. Nhất là lúc này đường sá không được yên tĩnh, thân gái dặm trường dù võ công cao thâm đến đâu cũng lắm điều phiền phức.
Mộc Uyển Thanh đã gây nên không biết bao nhiêu cừu hận. Ngoại hiệu nàng là Hương Dược Xoa, lại là một cô gái nhỏ tuổi, một mình một thân bôn tẩu giang hồ. Nàng lại che mặt bằng tấm khăn đen mà kẻ thù còn ròm rõ ghê gớm, huống chi quần nữ cung Linh Thứu lại lộ diện với mọi người.
Thiếu phụ trung niên đứng bên hữu, nói tiếp:
– Khải bẩm công tử! Sau khi Trấn Nam vương tiếp được tin cảnh báo của bọn tỳ tử, người liền chuyển hướng sang phía Ðông mà đi, nói là còn việc khác, rồi mới về Ðại Lý để tránh gặp bọn đối đầu.
Ðoàn Dự nghe thiếu phụ nói vậy đã hơi yên tâm.
Chàng mừng rỡ đáp:
– Thế là phải lắm! Gia gia vào hạng cành vàng lá ngọc, hà tất phải tranh hơi với bọn họ? Ðối với bọn độc trùng ác thú nên tránh đi là hơn, đâu có phải là sợ chúng?
Chàng lại hỏi:
– Hai vị có biết bọn người đối đầu đó là ai không? Tại sao lại nghe được tin này?
Thiếu phụ đáp:
– Ðầu tiên là Cúc kiếm cô nương nghe một vị cô nương khác là A Bích gì gì đó, nói cho hay. A Bích cô nương là đệ tử của một vị đại đồ đệ chủ nhân tại hạ…
Vương Ngọc Yến nói xen vào:
– Té ra là A Bích.
Ðoàn Dự cũng nói tiếp:
– ồ! A Bích cô nương ư? Ta cũng biết cô này. Nàng là tỳ nữ của Mộ Dung Phục.
Thiếu phụ nói:
– Thế thì phải rồi. Cúc kiếm cô nương bảo A Bích cô nương cũng trạc tuổi như nàng và đều là bọn người nhà cung Linh Thứu. Cúc kiếm cô nương còn nói là chủ nhân cô hộ vệ Ðoàn công tử đến Tây Hạ cầu thân. Theo lời A Bích thì dọc đường nàng được tin có một nhân vật cực kỳ lợi hại, muốn làm khó dễ với Trấn Nam vương. Cô còn nói Ðoàn công tử đối với cô rất tốt vì thế mà cô đến báo tin.
Ðoàn Dự nhớ lại hoàn cảnh gặp A Bích ở Cô Tô. Chàng cũng nhờ nàng cùng A Châu tiến dẫn mới được biết Vương Ngọc Yến. Không ngờ lần này chính nàng đã đưa tin quan hệ này, thì trong lòng chàng xiết bao cảm kích.
Ðoàn Dự hỏi:
– Hiện giờ A Bích cô nương ở đâu?
Thiếu nữ đáp:
– Thuộc hạ cũng không biết rõ. Thưa công tử! Theo lời Mai kiếm cô nương thì người đối đầu với Ðoàn vương gia thực là lợi hại, nên Mai cô nương không kịp chờ chủ nhân hạ lệnh đã phái ngay hai bộ Huyền Thiên, Chu Thiên đi hành động rất gấp. Công tử nên cẩn thận lắm mới được.
Ðoàn Dự nói:
– Ða tạ đại tẩu đã hết lòng với bọn ta. Ðại tẩu họ tên là gì? Sau này ta gặp nhị ca sẽ nói chuyện cho y biết.
Thiếu phụ hớn hở tươi cười đáp:
– Bọn tỳ nữ hai bộ Huyền Thiên, Chu Thiên chỉ làm việc theo bổn phận. Công tử chẳng nên đề cập đến tiện danh. Công tử đã có lòng tốt như vậy, tiểu phụ nhân xin đa tạ. Thiếu phụ nói xong, liền cùng người đàn bà kia khép vạt áo bành lại rồi lên ngựa đi ngay.
Ðoàn Dự hỏi Ba Thiên Thạch:
– Ba Tư Không! Theo ý Tư Không thì nên thế nào?
Ba Thiên Thạch đáp:
– Vương gia đã quay sang phía Ðông mà đi. Chúng ta cứ thẳng về phía Nam thì chắc là đến Thành Ðô sẽ gặp Vương gia.
Ðoàn Dự nói:
– Lời nói của Tư Không rất hợp ý ta.
Ðoàn người liền đi về phía Nam qua Miên Châu thì đến Thành Ðô.
Thành Cẩm Quan thiệt là nơi phồn hoa đô hội vào bậc nhất đất Thục.
Bọn Ðoàn Dự ở trong thành du ngoạn đã ba ngày mà chưa thấy Ðoàn Chính Thuần tới nơi.
Mọi người đều nghĩ rằng:
– Trấn Nam vương đã có hai vị phu nhân bầu bạn, dọc đường chắc còn thưởng ngoạn phong cảnh để tận hưởng những hạnh phúc êm đềm nên chậm tới nơi. Khi về tới Ðại Lý rồi sẽ không còn cảnh tiêu dao khoái lạc này nữa.
Ðoàn người cứ theo hướng Nam mà đi.
Ði mấy ngày nữa mà vẫn không thấy quần nữ cung Linh Thứu đến báo tin.
Ðoàn người đi mỗi ngày mỗi gần về nước Ðại Lý.
Ai nấy trong lòng thư thái, dọc đường hoa tựa gấm thêu, nhiều nơi phong cảnh tuyệt đẹp.
Ðoàn Dự cùng Vương Ngọc Yến lỏng buông tay khấu, từ từ sánh vai mà đi. Chàng sợ Mộc Uyển Thanh và Chung Linh khó chịu, nên không dám lạnh nhạt với hai nàng.
Mộc Uyển Thanh đã biết Ðoàn Dự là anh mình.
Dọc đường, nàng còn nói cho Chung Linh hay cô cũng là do Ðoàn Chính Thuần sinh ra. Hai cô liền gọi nhau bằng chị em.
Tuy hai người thấy Ðoàn Dự cùng Vương Ngọc Yến nói cười vui vẻ, tình thâm ý mật cũng chỉ âm thầm rầu rĩ trong lòng.
Sau mối đau thương cũng mỗi ngày một giảm bớt.
Một hôm trời đã xế chiều, đoàn người gần đến khu rừng dương liễu, đột nhiên trời đổ mưa rào.
Mọi người giục ngựa đi tìm nơi trú ẩn.
Ðoàn người đi qua rặng liễu thì thấy bên cạnh sông con có bảy tám gian nhà tường trắng, ngói đen.
Ai nấy cả mừng giục ngựa chạy tới.
Khi đến trước thềm, thấy một lão già tay chắp để sau lưng, đang ngẩng trông những đám mây đen nghịt trên trời, ra chiều thư thái.
Chu Ðan Thần tung mình xuống ngựa, tiến lại chắp tay nói:
– Thưa lão trượng! Bọn tại hạ là khách lữ hành, giữa đường gặp mưa. Xin lão trượng cho vào bảo trang để tạm trú, mong rằng lão trượng mở lòng phương tiện cho.
Lão già đáp:
– Ông bạn dạy quá lời! Ai đi đâu mà mang cửa mang nhà theo đi được? Mời liệt vị quan nhân cùng liệt vị cô nương vào trong này.
Chu Ðan Thần nghe thanh âm lão trong trẻo không giống thổ âm ở Xuyên Nam. Cặp mắt lão lại sáng rực thì không khỏi hồi hộp, chắp tay nói:
– Xin đa tạ lão trượng.
Mọi người bước vào cổng rồi.
Chu Ðan Thần trỏ Ðoàn Dự giới thiệu:
– Vị này là Dư công tử, đi thăm người nhà ở thành đô trở về. Vị này là Thạch lão ca, còn tại hạ họ Trần. Chả dám nào, xin lão trượng cho nghe quý tính.
Lão già cười khành khạch đáp:
– Lão phu họ Giả, chân chân giả giả ấy! Dư công tử! Thạch đại ca! Xin mời liệt vị vào nội đường uống chén thanh trà coi cảnh trời mưa. Chắc trời mưa còn lâu đây.
Ðoàn Dự nghe Chu Ðan Thần báo tên họ giả thì biết là có điều gì ngoắt ngoéo đây.
Mọi người ai cũng lưu tâm đề phòng.
Lão họ Giả dẫn mọi người vào ngồi trong phòng dưới mái hiên. Trên tường trong phòng này có mấy bức tứ bình cùng những tranh vẽ. Cách trần thiết rất là trang nhã, không giống như nhà ở của người quê mùa.
Chu Ðan Thần và Ba Thiên Thạch đưa mắt nhìn nhau và cùng gia tâm đề phòng.
Ðoàn Dự thấy bút thiếp trên Tứ Bình đều do tay phàm tục viết, chàng không muốn nhìn lâu.
Lão họ Giả nói:
– Ðể lão phu đi đun nước pha trà.
Chu Ðan Thần vội gạt đi:
– Bọn tại hạ không dám phiền lão trượng.
Giả lão cười nói:
– Lão phu chỉ sợ không đủ lễ cung kính quý khách mà thôi.
Lão vừa nói vừa bước ra khép cửa lại.
Cánh cửa phòng khép lại rồi. Sau cửa lộ ra một bức vẽ mấy khóm trà hoa, một khóm ngân hồng thiệt đẹp, một khóm hoa trắng toát. Trà hoa thì còn đâu nhiều bằng Ðại Lý? Ðoàn Dự vừa ngó thấy trong lòng đã rất vui thích. Chàng lại thấy trong bức vẽ có đề một hàng chữ: “Ðại Lý trà hoa tối giáp hải nội, chủng loại thất thập nhất, đại ư mẫu đơn. Nhất vọng nhược hoả… thước nhật chửng…”
Ðoàn Dự biết dòng chữ này trích trong cuốn Ðiền Trung trà hoa ký mà chàng đã thuộc lòng. Nguyên câu đó là: “Ðại Lý trà hoa tối giáp hải nội, chủng loại thất thập nhất, đại ư mẫu đơn. Nhất vọng nhược hoả tề văn cẩm thước nhật chửng hà.” (Hoa trà ở Ðại Lý đứng vào hàng đầu thiên hạ. Cả thảy có bảy mươi hai loại. Có thứ hoa trà lớn hơn cả hoa mẫu đơn. Ðứng xa trông đỏ rõ một góc trời, dường như dễ hoà lẫn với ánh dương quang tô điểm những đám mây buồn ban mai cho thêm phần rực rỡ).
Ðoàn Dự thấy trên bàn có sẳn nghiên bút, liền viết thêm vào một nét ngang ở chữ nhất cho thành chữ nhị và viết thêm vào những chỗ còn bỏ trống.
Nguyên câu đề này theo thể chữ Chử Toại Lương. Chàng cũng theo thể chữ này viết vào, nên không có dấu vết gì là mới sửa cả.
Chung Linh vỗ tay cười nói:
– Ca ca viết thêm vào như vậy bức vẽ mới hoàn toàn, không còn thiếu sót nữa…
Nàng chưa dứt lời, lão họ Giả đã đẩy cửa bước vào rồi tiện tay khép lại.
Lão thấy những chỗ thiếu sót trên câu đề bức hoạ đã được điền thêm vào cho đủ thì lộ vẻ vui mừng, cười nói:
– Thưa quý khách! Tiểu lão thật là thất kính. Bức hoạ này do một ông bạn già vẽ nên, mà lúc đề lại quên mất mấy chữ. Y nói về nhà tra lại sách, lần sau đến sẽ thêm vào. Hỡi ơi! Không ngờ y về nhà rồi bị bệnh liệt giường, không đến đây để viết thêm vào nữa. Ngờ đâu Dư công tử học quán cổ kim, đã hoàn thành tâm nguyện cho người vong hữu của lão phu. Người nhà đâu! Bầy rượu ra đây mau!
Lão vừa gọi vừa bước ra.
Chẳng bao lâu lão họ Giả thay mặc một bộ trường bào bằng tơ tằm vào mời bọn Ðoàn Dự uống rượu.
Mọi người nhìn qua cửa sổ thấy trời vẫn mưa như trút nước.
Bao nhiêu khe, cử, ngoài lạch nước đầy ăm ắp vọt lên tung toé, khó lòng khởi hành được, lại thấy lão họ Giả có ý chân thành nên không tiện từ khước, liền cùng nhau lên sảnh đường ngồi vào ăn uống.
Bữa tiệc có đủ cá tươi, thịt ướp, gà vịt cùng rau xanh bày ra đến mười mấy đĩa.
Bọn Ðoàn Dự tạ ơn chủ nhân ngồi vào bàn tiệc.
Lão họ Giả tự rót rượu vào chén uống một hớp rồi cười nói:
– Nơi đây quê mùa chẳng có chi là cao lương mỹ vị. Dư công tử! Tiểu lão là nhân sĩ ở Giang Nam. Hồi tuổi trẻ tranh đấu giết mất hai kẻ thù, không thể ở lại quê nhà được nữa, nên trốn vào đất Thục này. Hỡi ôi! Chốc đã mấy chục năm trời, lắm lúc nghĩ thật nhớ quê hương. ở nhà quê tiểu lão rượu ngon hơn thứ rượu này nhiều.
Lão vừa nói vừa rót rượu cho mọi người.
Mọi người nghe lão tự thuật thân thế, tuy không tin hẳn nhưng cũng bớt nỗi lo âu.
Lão họ Giả rót rượu xong lại nói:
– Lão xin cạn chén trước để tỏ lòng kính khách!
Lão đưa chén rượu lên môi uống một hơi cạn sạch.
Mọi người yên tâm cũng nâng chén rượu lên uống.
Ba Thiên Thạch cùng Chu Ðan Thần đều là những người tinh tế cẩn thận.
Hai gã uống rất ít mà bất cứ món ăn nào cũng chờ cho lão họ Giả xuống đũa trước rồi mới gắp ăn sau.
Cơm rượu xong, trời vẫn mưa rả rích.
Lão họ Giả lại thành khẩn lưu khách, bọn Ðoàn Dự gặp khi trời tối liền ngủ trọ lại một đêm.
Lúc sắp đi ngủ, Ba Thiên Thạch khẽ nói với Mộc Uyển Thanh:
– Mộc cô nương! Ðêm nay cô ngủ tỉnh một chút! Tại hạ xem chừng nơi đây có lẽ là một tà môn!
Mộc Uyển Thanh gật đầu, để nguyên áo nằm trên lò sưởi. Trong tay áo chuẩn bị những mũi tên độc. Nàng lắng nghe mưa rơi dào dạt bên ngoài, mà vẫn không thấy gì khác lạ đến lúc trời sáng.
Sáng sớm hôm sau mọi người rửa mặt xong thấy ngoài trời ngớt mưa liền cáo từ lão họ Giả.
Giả lão tiễn chân khách ra ngoài mấy chục trượng rồi kính cẩn thi lễ xong mới quay về. Ðoàn người đi xa rồi mới tấm tắc cho là chuyện lạ.
Ba Thiên Thạch nói:
– Lão họ Giả này không hiểu gốc gác ra sao, thiệt là khó hiểu. Lần này lão qua được mắt mình rồi.
Chu Ðan Thần nói:
– Ba huynh! Tiểu đệ xem ra chúng mình không lầm đâu. Lão họ Giả này có lòng bất lương, nhưng thấy công tử ta điền vào những chữ thiếu trong bức vẽ, thì lão đột nhiên biến sắc. Công tử! Công tử thử nghĩ coi bức hoạ đó cùng những chữ đề có quan hệ gì không?
Ðoàn Dự lắc đầu đáp:
– Bức hoạ này vẽ mấy khóm sơn trà, là một chuyện rất tầm thường. Hai khóm trà thì một là Phấn Hầu, một là Tuyết Tháp. Tuy đó là những thứ danh trà, nhưng không phải hiếm có.
Mọi người đoán mãi không ra dụng tâm của lão họ Giả, rồi đành bỏ đi.
Chung Linh đột nhiên cười nói:
– Dọc đường ước gì cứ gặp mấy bức hoạ đồ khuyết chữ để ca ca thêm vào. Mỗi cái vẩy bút của ca ca là được hai bữa cơm rượu một đêm ngủ mà chẳng phí đồng tiền nào. Mọi người nghe Chung Linh nói đều cười ồ. Thiệt là kỳ quái! Chung Linh chỉ nói đùa một câu chơi, ngờ đâu sau đó vào chỗ trọ nào cũng xuất hiện những bức hoạ đồ mà đều vẽ sơn trà. Có bức viết lộn chữ, có bức hoạ đề thiếu chữ, có bức có cành lá mà chẳng có hoa, hoặc có hoa mà không có lá.
Ðoàn Dự thấy thế thì lại viết thêm vào. Cứ mỗi lần chàng cất bút là lại được chủ nhân ân cần mời mọc và được thết đãi rượu ngon đồ nhắm tốt.
Mọi người ăn uống no say mà chẳng phải trả đồng tiền phân bạc nào hết.