Đọc truyện Lục Mạch Thần Kiếm – Chương 114: Cứu sư phụ ngạc thần tham chiến
Bỗng nghe đánh vù một tiếng, Du Thản Chi thấy luồng gió thổi mát rượi, rồi những mảnh vải vụn tả tơi bay ra như bươm bướm. Tấm khăn che mặt gã bị Tiêu Phong vung quyền lên đánh, kình lực phát ra làm cho rách tướp.
Mọi người bàng quan thấy Bang chúa Cái Bang, chưởng môn phái Cực Lạc bộ mặt chỗ lồi chỗ lõm, đốm đen đốm đỏ, mặt đầy vết sẹo, ai trông cũng phải phát khiếp.
Tiêu Phong đánh ra ba chiêu đẩy lui được ba tay Ðại Hán cao thủ hiện thời. Lòng hào khí nổi lên ông lớn tiếng nói:
– Ðem rượu ra đây!
Một tên võ sĩ Khất Ðan cởi chiếc túi da lớn buộc miệng trên lưng con ngựa đã bị chết rồi. Gã rảo bước chạy lại, hai tay bê túi rượu dâng lên.
Tiêu Phong rút nút bì rượu ra, đưa cao lên khỏi đầu ngửa cổ lên đỡ rượu cho chảy vào miệng, nuốt ừng ực một hồi.
Bì rượu này ít ra cũng có tới hai mươi cân. Thế mà ông uống cạn sạch không còn lấy một giọt. Bụng ông hơi phình ra nhưng sắc mặt vẫn ngăm đen như người chưa uống chút rượu nào.
Quần hùng thấy vậy nhìn nhau sợ hãi.
Tiêu Phong lại vẫy tay một cái.
Mười bảy tên võ sĩ Khất Ðan kéo lại cởi một bì rượu đưa đến cho Tiêu Phong.
Tiêu Phong nhìn mười tám tên võ sĩ nói:
– Vị công tử nước Ðại Lý đây là nghĩa đệ. Bữa nay chúng ta bị hãm trong trùng vi, ít người không địch lại số đông, tất nhiên là không thoát thân.
Vừa rồi ông cùng Mộ Dung Phục ra chiêu, tuy đã chiếm được thượng phong, nhưng đối phương là ba tay cao thủ, mỗi người có một tuyệt kỹ ghê hồn. Nếu cả ba hiệp lực liên công thì dĩ nhiên ông không địch nổi. Huống chi còn mấy ngàn người đang hầm hầm nhìn ông, thì tình thế nguy ngập lại càng rõrệt.
Ông nắm lấy tay Ðoàn Dự nói:
– Hiền đệ! Hiền đệ cùng ta sống chết có nhau. Thiệt không uổng một phen kết nghĩa. Sống cũng vậy mà chết cũng thế thôi. Chúng ta hãy uống một hồi cho phỉ dạ.
Ðoàn Dự thấy Tiêu Phong hào khí hiên ngang cũng đón lấy một bì rượu nói:
– Phải đó! Tiểu đệ cùng đại ca sướng ẩm một hồi.
Ðột nhiên trong đám quần tăng chùa Thiếu Lâm, một nhà sư áo xám lớn tiếng nói:
– Ðại ca cùng tam đệ! Hai vị uống rượu sao không gọi ta?
Y chính là Hư Trúc.
Hư Trúc ở giữa đám đông thấy Tiêu Phong xuất hiện oai phong lẫm liệt, trấn áp mọi người, quần hùng đều tiu nghỉu thì trong lòng y không khỏi xốn xang. Y lại thấy Ðoàn Dự nghĩ tình kết nghĩa cam tâm cùng chết. Ngày y ở trên núi Phiêu Diễu cùng Ðoàn Dự kết nghĩa anh em, chàng cũng đã đọc tên Tiêu Phong cả vào lời thề.
Y nghĩ rằng:
– “Bực đại trượng phu đã nói một lời, sống chết không thay đổi.”
Hư Trúc lại nghĩ đến lúc cùng Ðoàn Dự quá chén say khướt rồi nổi lòng hào hiệp khảng khái, không nghĩ gì đến hiểm nguy sinh tử. Lúc bấy giờ thanh quy giới luật y cũng quên hết.
Tiêu Phong chưa từng gặp Hư Trúc bao giờ. Ðột nhiên ông nghe y kêu tên mình bằng đại ca thì không khỏi sửng sốt.
Ðoàn Dự liền chạy lại nắm tay Hư Trúc dẫn đến trước Tiêu Phong nói:
– Ðại ca! Ðây cũng là một vị đã cùng với tiểu đệ kết nghĩa. Y xuất gia pháp danh là Hư Trúc lúc hoàn tục kêu bằng Hư Trúc Tử. Lúc hai người giao bái có đưa cả tên đại ca vào nữa.
Rồi chàng giục Hư Trúc:
– Nhị ca! Nhị ca bái kiến đại ca đi!
Hư Trúc liền tiến lại gần quỳ xuống dập đầu nói:
– Ðại ca! Tiểu đệ xin khấu đầu.
Tiêu Phong vừa tủm tỉm cười vì thấy tính nết hai anh chàng này ngớ ngẩn là lúc cùng nhau kết nghĩa lại đem cả tên mình vào.
Rồi ông lẩm bẩm:
– Mình sắp mất mất mạng trong khoảnh khắc, tình thế nguy hiểm vô cùng! Nhưng nhà sư này cũng chẳng sợ gian nguy, thẳng thắn tiến lại thì đủ biết y lại là kẻ đại trượng phu, trọng nghĩa rẻ mình. Thiệt là một tay hảo hán! Tiêu Phong này kết nghĩa anh em với y thiệt chẳng uổng chút nào.
Tiêu Phong cũng quỳ xuống đáp lễ nói:
– Hiền đệ! Tiêu Phong này được kết nghĩa cùng hiền đệ thật vui sướng vô cùng!
Hai người lạy nhau tám lạy, nên nghĩa chi lan trước mặt quần hùng thiên hạ.
Tiêu Phong chưa biết Hư Trúc là người có võ công tuyệt đỉnh. Ông thấy y là một nhà sư vào hạng hậu bối ở chùa Thiếu Lâm thì tưởng y bản lãnh tầm thường.Nhưng y là người khảng khái mà bảo y tránh đi thì chẳng hoá ra coi thường y?
Ông cầm một bì rượu giơ lên nói:
– Nhị vị hiền đệ! Mười tám tên võ sĩ Khất Ðan này đối với ta một dạ trung thành, tình như thủ túc. Chúng ta hết thảy uống cho thoả thích một hồi rồi mở một trường đại sát. Nói xong ông mở nút bì rượu uống một hơi, đoạn đưa cho Hư Trúc.
Hư Trúc bầu nhiệt huyết như sôi lên, bất cần ngũ giới, lục giới, thất bát giới nhà Phật nữa, nâng bì rượu lên uống một hơi rồi đưa cho Ðoàn Dự.
Ðoàn Dự uống xong đi lại đưa cho một tên võ sĩ Khất Ðan.
Bọn võ sĩ Khất Ðan cũng giơ bì rượu lên uống.
Hư Trúc nhìn Tiêu Phong nói:
– Ðại ca! Tinh Tú lão quái kia đã hạ sát sư phụ, sư huynh tiểu đệ. Mấy vị sư thúc tổ là Huyền Nạn, Huyền Thống cũng bị chết về tay hắn. Tiểu đệ muốn báo thù đây!
Tiêu Phong trong lòng rất lấy làm kỳ nói:
– Nhị đệ… Rồi ông không nói thêm nữa. Hư Trúc đã vung chưởng phóng về phía Ðinh Xuân Thu.
Tiêu Phong thấy chưởng pháp tinh kỳ, nội lực thâm hậu thì vừa kinh hãi vừa mừng thầm. Ông lẩm bẩm:
– Té ra nhị đệ bản lãnh phi thường. Thế mà mình không biết.
Ông cũng quát lên:
– Coi quyền của ta đây!
Rồi vung hai quyền veo véo đánh tới Mộ Dung Phục và Du Thản Chi.
Mười tám tên võ sĩ Khất Ðan đã hiểu ý chúa công, đứng vây quanh mình Ðoàn Dự để hộ vệ cho chàng.
Du Thản Chi và Mộ Dung Phục chia ra chiêu để giải khai quyền của Tiêu Phong đánh tới. Chưởng pháp “Thiên Sơn lục dương chưởng” của Hư Trúc như gió cuốn mây bay, bức bách đối phương mỗi lúc một gắt gao.
“Thiên Sơn lục dương chưởng” tuy do Thiên Sơn Ðồng Mỗ sáng chế ra, nhưng căn cơ vẫn là một công phu của phái Tiêu Dao.
Ðinh Xuân Thu tránh được ba chiêu rồi ngấm ngầm kinh hãi tự hỏi:
– Tại sao gã tiểu hoà thượng này lại biết sử dụng chưởng pháp phái Tiêu Dao? Từ lúc hắn đối chưởng với Du Thản Chi bị thua, bây giờ lại thấy Hư Trúc thi triển chưởng pháp phái Thiên Diệp, hắn không dám sử dụng độc công. Hắn rất sợ Hư Trúc dùng độc công cao thâm hơn mình, thì hại người chẳng được mà chính mình lại bị nguy khốn. Ðến chất kịch độc thấm vào người mình thì thảm hoạ không biết đến đâu mà lường.
Hắn nghĩ vậy rồi đem chưởng pháp bản môn ra đón tiếp.
Hắn định bụng:
– Ðể ta xem cho biết rõ thằng trọc này lai lịch thế nào rồi sẽ liệu cho vừa. Võ công phái Tiêu Dao nhẹ nhàng thưa thớt, khó mà dò ra được tung tích.
Ðinh Xuân Thu với Hư Trúc cũng là đồng môn. Lúc hai bên giao thủ một người đầu tóc bạc phơ, một người trai trẻ, phảng phất như một cặp thần tiên. Hai người vờn nhau chẳng khác bướm vờn hoa, chuyển động luôn luôn không ngừng và vẫn ra vẻ ung dung. Võ công phái Tiêu Dao thiệt đúng với cái nghĩa của hai chữ Tiêu Dao.
Quần hùng đứng bàng quan, hầu hết là chưa được nhìn thấy võ công phái Tiêu Dao, bữa nay xem cuộc đấu ai cũng cảm thấy tinh thần thư thái, nghĩ bụng:
– Hai người ra những chiêu rất độc địa nhằm đánh những chỗ nguy hiểm của đối phương. Hiển nhiên là một cuộc tranh đấu một mất, một còn, song chiêu thức của họ trông nhàn nhã và có vẻ mỹ quan tựa hồ như người nhảy múa. Những chưởng pháp và chiêu thức cực kỳ trầm trọng mà coi có vẻ rất nhẹ nhàng, lối đánh rất ung dung. Thật trong võ lâm chưa từng nghe thấy công phu của môn nào được thế này và không hiểu tên là gì?
Bên kia một mình Tiêu Phong đấu với hai người là Mộ Dung Phục cùng Du Thản Chi. Mười chiêu đầu xem chừng ông chiếm được thượng phong nhưng về sau những chiêu thức của Du Thản Chi phóng ra khí lạnh ghê người, khó lòng địch nổi.
Nên nhớ rằng trong mình Du Thản Chi có chất băng tầm kịch độc. Hơn nữa gã lại luyện “Dịch Cân Kinh” thành ra chính tà hoà hợp thuỷ hoả thông đồng thành một thứ nội công lợi hại nhất thiên hạ.
Tiêu Phong tuy có sức mạnh thiên nhiên nhưng gặp phải công phu cả chính lẫn tà này cũng khó mà đối phó được. Huống chi ngoài ra còn có võ công của Mộ Dung Phục so với ông chẳng hơn kém nhau là mấy.
Tiêu Phong một mình đấu với hai tay đại cao thủ. Tình thế nguy hiểm so với ngày ở Tụ Hiền Trang ông phải chiến đấu với mấy trăm hảo hán võ lâm, tưởng bữa nay còn nguy hiểm hơn.
Nhưng trời đã sinh ra con người oai võ, hùng tráng thì ở vào tình thế bất lợi càng phát huy nội lực tiềm tàng. Ông phóng ra một chưởng trong “Hàng Long thập bát chưởng” của phái dương cương khiến cho Mộ Dung Phục cùng Du Thản Chi không tiến lại gần được. Nhờ thế mà chất băng tầm trong người Du Thản Chi không thấm được vào người ông.
Nhưng Tiêu Phong phát chưởng như vậy tiêu hao mất nội lực không phải là ít. Ông chỉ phóng ra đến hai trăm chiêu mãnh liệt rồi những chưởng lực về sau thế nào cũng giảm sút.
Du Thản Chi không có kinh nghiệm chiến đấu lại không thấu triệt yếu quyết bên trong. Nhưng Mộ Dung Phục trong tâm lại sáng suốt. Y biết rằng nếu cứ thế này tiếp tục chiến đấu thì mình cùng Vương Tinh Thiên chỉ bị kém thế trong vòng một giờ nhưng về sau ổn định rồi sẽ chiếm được thượng phong.
“Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung”. Hai người vốn nổi tiếng ngang hàng nhau trước mặt mọi người. Mộ Dung Phục thấy mình phải nhờ Cái Bang Bang chúa Vương Tinh Thiên giúp sức thì dù có đánh chết được Tiêu Phong, cái tiếng “Nam Mộ Dung” cũng hiển nhiên không bằng “Bắc Kiều Phong”.
Sau y cân nhắc lại, rồi tự nhủ:
– Phục quốc là việc lớn, danh vọng là chuyện nhỏ. Nếu mình trừ được mối đại hoạ cho võ lâm ở Trung Nguyên trước mặt các vị anh hùng thiên hạ thì những tay hào kiệt nhà Ðại Tống dù đã quen biết hay không, cũng tự nhiên mang ơn đức của mình. Thế thì ngôi minh chủ võ lâm chẳng mình nắm được thì còn ai vào đây? Khi đó chỉ hô lên một tiếng là có thể phục hưng được nhà Ðại Yên. Vả Kiều Phong mà chết rồi, thì cái tiếng “Nam Mộ Dung” có thua kém “Bắc Kiều Phong” đã thành một sự kiện buông xuôi rồi.
Sau y lại nghĩ:
– Có điều sau khi giết được Kiều Phong thì Vương Tinh Thiên lại thành đại địch với mình. Nếu ngôi minh chủ võ lâm minh chủ mà bị hắn đoạt mất, mình phải nghe theo hiệu lệnh hắn thì cũng không ổn thoả.
Y tính toán như vậy rồi lúc ra chiêu vẫn ngấm ngầm dành lại mấy phần nội lực, tuy ngoài mặt y vẫn ra vẻ hết sức công kích.
“Hàng Long thập bát chưởng” của Tiêu Phong quá nửa là Du Thản Chi phải chịu đựng. Mộ Dung Phục thân pháp tinh kỳ người ngoài không ai nhìn rõ được.
Chỉ trong khoảnh khắc, ba người đã quần nhau đến dư trăm chiêu.
Tiêu Phong dùng những đòn rất khéo để dẫn dụ Du Thản Chi mắc vào tròng.
Du Thản Chi rất ít kinh nghiệm chiến đấu mấy lần xuýt bị mất mạng, nhưng nhờ có Mộ Dung Phục đứng bên liệu chiều hoá giải giúp. Còn những chưởng lực mãnh liệt phi thường của Tiêu Phong thì Du Thản Chi ỷ mình có nội lực thâm hậu, thản nhiên tiếp lấy.
Ðoàn Dự được mười tám võ sĩ Khất Ðan bảo vệ, chàng thấy nhị ca đang áp bức đối phương, rõ ràng chiếm được thượng phong. Còn đại ca một mình chọi hai tuy ông thần oai lẫm liệt, nhưng mỗi chưởng ông phóng ra cuồng phong rít lên veo véo làm cho đá chạy cát bay thì chàng e rằng ông không thể trì thủ được lâu dài.
Chàng tự nghĩ:
– Mình vẫn ngoài miệng nói cùng hai vị ca ca chịu đựng hoạn nạn, mà bây giờ đến việc lai nấp vào trong đám đông để người ta bảo vệ cho, thế thì còn nghĩa khí gì nữa? Sao gọi là đồng sinh đồng tử được? Trong ba anh em như vậy chẳng hoá ra mình là đốn mạt lắm sao? Tuy mình không biết võ công, nhưng cũng thi triển được bộ pháp Lăng Ba Vi Bộ ngăn ngừa Mộ Dung Phục, để đại ca rảnh tay hạ gã Vương Bang chúa mặt quỷ kia đi trước, như thế có phải hay hơn không?
Ðoàn Dự nghĩ vậy, chàng liền lạng người ra khỏi vòng vây của mười tám tên võ sĩ Khất Ðan lớn tiếng hỏi:
– Mộ Dung công tử! Công tử đã tự xưng “Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung” thì nên cùng ca ca ta lấy một chọi một mà tỷ đấu mới phải. Sao còn kêu người hiệp lực mới có chống chọi được? Dù công tử ráng giữ cho được ngang sức nhưng phải hai người chẳng hoá ra cũng xấu mặt với thiên hạ ư? Lại đây! Nếu quả công tử bản lãnh cao thâm thì hãy thử đánh ta một quyền!
Chàng nói rồi lạng người đến sau lưng Mộ Dung Phục, giơ tay ra nắm lấy sau gáy y.
Mộ Dung Phục thấy thân pháp chàng mau lẹ phi thường, liền xoay lại đánh trúng vào má Ðoàn Dự.
Ðoàn Dự đau quá chảy nước mắt ra.
Nguyên phép Lăng Ba Vi Bộ của chàng tuy rất thần diệu, nhưng chàng lại không hiểu một chút võ học nào. Bộ pháp xảo diệu chỉ nên thi triển lúc bị người khác đánh tới thì không thể nào đánh trúng được. Nhưng nó không có diệu dụng để công kích người. Chiêu trảo của chàng là một người không hiểu võ nghệ, nắm làm sao được một tay võ công tuyệt đỉnh là Cô Tô Mộ Dung? Chàng bị đối phương đánh một chưởng không biết né tránh nên dập cả mặt mũi đau đớn khôn lường.
Nhưng Mộ Dung Phục vừa chạm tay vào má Ðoàn Dự, lập tức y cảm thấy nội lực trong mình đột nhiên tuôn ra ngoài rồi mất biến. Vì bàn tay bị mất đi một phần nội lực, bất giác y cảm thấy tê nhức và trong lòng kinh hãi nghĩ thầm:
– Không hiểu gã này có tà thuật cổ quái gì mà giống như “Hoá công đại pháp” của Ðinh Xuân Thu? Yêu thuật của phái Tinh Tú đã làm hại biết bao nhiêu người trong thiên hạ. Thằng lỏi này cũng học bọn chúng, mình không thể không đề phòng được.
Y liền biến sắc lớn tiếng mắng:
– Gã họ Ðoàn kia! Ngươi quy đầu vào làm môn hạ phái Tinh Tú tự bao giờ?
Ðoàn Dự đáp:
– Công tử nói cái gì…
Chàng chưa dứt lời, không kịp đề phòng bị Mộ Dung Phục đá một cước lăn đi tròng trọc.
Nguyên Mộ Dung Phục tưởng chàng thi triển “Hoá công đại pháp” không dám ra mặt tỷ đấu, bèn lừa khi chàng bất ý, lập tức đá ngã.
Mộ Dung Phục không ngờ mình thắng một cách dễ dàng, nhảy xổ lại chân trái đạp lên ngực Ðoàn Dự quát hỏi:
– Ngươi muốn sống hay là muốn chết?
Ðoàn Dự ngoảnh đầu nhìn thấy Tiêu Phong đang cùng Vương Tinh Thiên chiến đấu kịch liệt thì nghĩ ngay:
– Nếu mình nói bướng, tất hắn sẽ đập chết mình ngay để rảnh tay đi giúp Vương Tinh Thiên thì bất lợi cho đại ca. Chi bằng hãy kéo dài ra một khắc là hơn.
Nghĩ vậy chàng liền đáp:
– Chết có chi là thú? Còn sống ở đời để tỷ đấu dĩ nhiên hay hơn.
Mộ Dung Phục không ngờ anh chàng này chết đến gáy vẫn còn nói ngông.
Y sa sầm nét mặt mắng:
– Thế ra ngươi muốn sống, vậy ngươi dập đầu lạy ta trăm lạy.
Y tưởng bắt Ðoàn Dự dập đầu lạy trăm cái để làm nhục chàng. Nhưng y lại nghĩ rằng nếu buông tha chàng rồi thì sau khó lòng lại uy hiếp được, y liền đổi giọng nói:
– Vậy ngươi kêu ta một trăm tiếng gia gia!
Ðoàn Dự cười nói:
– Ngươi chỉ lớn hơn ta có vài tuổi mà đòi làm gia gia ta, không sợ chết yểu ư?
Mộ Dung Phục phóng chưởng ra đánh vào mé hữu đầu Ðoàn Dự. Lập tức bụi đất bay lên. Dưới đất hiện ra một hố.
Phát chưởng này chỉ chệch có vài tấc, Ðoàn Dự suýt nữa thì đầu óc nát.
Mộ Dung lại quát:
– Ngươi có chịu gọi ta bằng gia gia không?
Ðoàn Dự né đầu đi để tránh cát bụi. Chàng liếc mắt nhìn thấy Vương Ngọc Yến đang đứng bên Bao Bất Ðồng và Phong Ba ác. Cặp mắt nàng vẫn đăm đăm nhìn mình. Ðoàn Dự nhìn thấy rõ ràng: Vương Ngọc Yến đang chú ý nhìn mình cùng Mộ Dung Phục tỷ đấu. Chàng chắc trong bụng nàng đang nghĩ liệu biểu ca có giết ta không? Nếu ta chết về tay Mộ Dung Phục, e rằng Vương cô nương cũng chẳng lấy gì làm khó chịu.
Ðoàn Dự nhìn vẻ mặt Vương Ngọc Yến trong lòng chán nản vô cùng, chàng muốn chết ngay dưới tay Mộ Dung Phục để khỏi bị bệnh tương tư dày vò khiến mình đau khổ vô cùng!
Chàng liền hỏi:
– Tại sao ngươi lại muốn ta gọi ngươi một trăm tiếng gia gia?
Mộ Dung Phục tức quá vung chưởng lên đánh vào giữa mặt Ðoàn Dự.
Ðột nhiên có tiếng la:
– Ðừng hại con ta!
Và một người quát lên:
– Ðừng hại sư phụ ta!
Hai người tuy thân pháp mau lẹ mà cũng không kịp ngăn trở phát chưởng của Mộ Dung Phục đánh xuống Ðoàn Dự. Song Ðoàn Chính Thuần và Nam Hải Ngạc Thần đều là những tay võ công rất cao thâm. Hai luồng chưởng lực một trước một sau chia ra đánh vào những chỗ yếu hại Mộ Dung Phục.
Mộ Dung Phục nếu không kịp thời thu chưởng lực về để tự cứu thì có đánh chết được Ðoàn Dự mà mình cũng không khỏi bị trọng thương. Y liền thu tay phải về để đỡ song chưởng của Ðoàn Chính Thuần đánh tới. Tay trái khoanh một vòng tròn ở phía sau lưng để hoá giải luồng kình lực của Nam Hải Ngạc Thần đánh tới.
Ba người sáu chưởng đón đỡ nhau, ai cũng kinh hãi và đều biết rằng võ công đối phương đều ghê gớm cả.
Ðoàn Chính Thuần vội giải cứu cho Ðoàn Dự. Ông giơ tay trái tạt ngang đỡ cho chàng, còn ngón tay phải điểm một chiêu “Nhất dương chỉ”. Chiêu thức này kỳ diệu, nội lực lại hùng hồn.
Vương Ngọc Yến vội la lên:
– Ðó là chiêu Nhất dương chỉ của họ Ðoàn nước Ðại Lý, biểu ca không nên khinh địch.
Nam Hải Ngạc Thần, miệng oang oác la lên rất lớn:
– Mẹ kiếp! Dù hắn chẳng ra gì cũng là sư phụ Nhạc lão nhị. Mi đánh sư phụ Nhạc lão nhị thì có khác gì đánh chính vào Nhạc lão nhị. Nếu ta để sư phụ tham sống sợ chết mà gọi mi một tiếng bằng gia gia thì Nhạc lão nhị này còn làm gì được nữa ư? Vì như vậy thì ta phải kêu mi bằng gì? Chẳng lẽ mi là thái thượng tam đại Nhạc lão nhị vào hàng cháu thì ra mi khinh ta quá lắm! Bữa nay ta quyết ăn thua với mi.
Lão vừa chửi mắng la ó, vừa giơ cặp Ngạc chuỷ tiễn lên mỗi tay một cây bổ xuống Mộ Dung Phục lia lịa.
Nguyên Nam Hải Ngạc Thần bình sinh có tính hiếu thắng, không muốn người ta liệt mình vào hạng thấp kém. Trong Tứ đại ác, lão là Nhạc lão tam mà vẫn tranh giành ngôi thứ với Diệp Nhị Nương, cứ tự xưng là Nhạc lão nhị, muốn đẩy Diệp Nhị Nương xuống hàng thứ ba. Bây giờ nếu Ðoàn Dự kêu Mộ Dung Phục một tiếng “gia gia” thì Nam Hải Ngạc Thần đứng vào hạng tôn tử y. Như vậy thì thà rằng lão chịu đầu rơi máu chảy còn hơn, quyết không làm tôn tử Mộ Dung Phục.
Mộ Dung Phục chẳng hiểu lão mắng nhiếc gì mà om sòm lên. Chân phải y vẫn đè chặt lên ngực Ðoàn Dự, còn hai tay chia ra đối địch với hai người. Hai bên qua lại hơn chục chiêu, Mộ Dung Phục biết rằng Nam Hải Ngạc Thần tuy có món binh khí lợi hại nhưng còn dễ chống đỡ. Song về phía Ðoàn Chính Thuần thi triển môn Nhất dương chỉ thì y không dám coi thường. Vì thế mà y để ý đến Ðoàn Chính Thuần nhiều hơn. Còn đối với Nam Hải Ngạc Thần, những chiêu ngạc chuỷ tiễn thì y hoá giải được dễ dàng.
Dù trong lúc hoang mang, thỉnh thoảng Mộ Dung Phục vẫn đánh ra một vài chiêu khiến cho Nam Hải Ngạc Thần phải nhảy tránh ra xa đến vài trượng.
Ðoàn Dự bị Mộ Dung Phục đạp chân lên ngực, chàng cố dãy dụa để bò dậy nhưng không thể được.
Ðoàn Chính Thuần thấy cậu con bị kiềm chế, ông rất hoang mang vì nghĩ rằng Mộ Dung Phục chỉ đạp mạnh hơn một chút là chàng sẽ bị vỡ ngực, thổ huyết mà chết.
Ông nhận thấy đứng trước một tình thế cần phải đánh lẹ mới có lợi và có cơ hội cứu thoát được Ðoàn Dự ra khỏi cảnh tượng hiểm nghèo.
Ông liền thi triển môn Nhất dương chỉ đến tốc độ kình lực rít lên veo véo!
Bất thình lình có một thanh âm khem khép như tiếng vịt đực vang lên:
– Phép Nhất dương chỉ của họ Ðoàn nước Ðại Lý khí tượng oai nghiêm, phải xử nó một cách ung dung thì trong cái uy mãnh vẫn không mất phong độ của đấng vương giả. Ngươi ra chiêu tới tấp, hỗn loạn như vậy, thì không khác gì chiêu thức của một tên đệ tử hạng bét Cái Bang? Còn chi là uy danh Nhất dương chỉ? Ha! Ha! Phải chăng họ Ðoàn nước Ðại Lý đã đến ngày xuống dốc, không còn gì là thể diện trên chốn giang hồ nữa?
Ðoàn Chính Thuần vừa nghe đã biết ngay là thanh âm của Ðoàn Diên Khánh một kẻ đại thù trong họ Ðoàn.
Lão ác nhân nói vậy là đúng nhưng đứa con yêu quý lâm nạn thì Ðoàn Chính Thuần còn đâu mà nghĩ đến phong độ với khí lượng?
Ðoàn Chính Thuần phóng Nhất dương chỉ ra mỗi lúc một trầm trọng hơn. Nhưng như vậy làm mất chỗ hay của phép Nhất dương chỉ là vừa uy mãnh vừa khoan hồng rồi sau biến thành thâm độc thì nó thừa mà trầm trọng lại không đủ.
Ðột nhiên một chỉ điểm ra. Mộ Dung Phục tránh khỏi lại điểm trúng vào vai Nam Hải Ngạc Thần.
Nam Hải Ngạc Thần vừa đau vừa giận, ngoác miệng ra chửi mắng:
– Mẹ kiếp!…
Choảng một tiếng! Cây ngạc chuỷ tiễn rớt xuống đất, lại đập vào gót chân. Nam Hải Ngạc Thần đau điếng người, toan chửi bới nặng lời hơn nhưng lão lại nghĩ:
– Y là gia gia của sư phụ mình, nếu mình thoá mạ y thì không khỏi mang tiếng là mình đảo ngược luân thường. Lão này chỉ giết đi thì được chứ không được thoá mạ. Sau này nếu có được cơ hội thì mình hớt đầu lão đi là xong.
Lão nghĩ thế rồi chỉ thốt ra có hai tiếng đột nhiên rụt lưỡi lại không thoá mạ nữa.