Đọc truyện Loạn Thế Phong Vân – Phượng Tường Tam Quốc – Chương 44: Lữ bố
Thời gian qua thật
mau, ta ở đây thoáng cái đã hơn hai tháng, lúc này đã tới tháng 12 năm
195. Vì để sau này có thể thuận lợi thu phục Lữ Bố, ta ở chỗ Lữ Bố dốc
sức trổ công phu, nhất định khiến bọn họ nhớ ta thật kỹ. Cho nên, ngoại
trừ vấn đề Tào Tháo, những chuyện khác ta một chút cũng không giữ lại,
tận lực phân tích tình thế thiên hạ cho bọn họ, thuật lại tình huống nam bắc, đề xuất cách nhìn của ta. Về phần mưu lược chiến tranh, ta không
nói được, một thương nhân sao có thể nhìn thấu tình thế thiên hạ, cũng
không thể biết mưu lược chính trị, dù sao vận dụng mưu lược trong buôn
bán, ở thời đại này vẫn là quá mức. Lại nói, nếu như ta biết mấy thứ
này, sẽ khiến Lữ Bố quyết giữ ta lại, vậy thì thảm rồi, ta cũng không
thể trở mặt với hắn lúc này. Cho nên, ta chỉ có thể thể hiện mình là một thương nhân ưu tú mà thôi.
Hơn hai tháng ở chung, ta
phát hiện Lữ Bố kỳ thực không hề có tâm cơ. Có lẽ nguyên nhân vì hắn
sinh ra ở vùng tây bắc, tính cách của hắn có phần ngay thẳng như hán tử
thảo nguyên, cũng mang theo sự ngỗ ngược và dũng mãnh của nam nhi nơi
đó. Hắn là một con sói, một con sói kiêu ngạo và cô độc giữa thế gian.
Hắn không phải chó nhà, hắn không biết đạo lý quỳ gối thờ chủ, cho nên,
hắn mới có thể thường xuyên phản lại những kẻ dùng hắn như một con chó
giữ nhà, giống như Đinh Nguyên và Đổng Trác vậy.
Lữ Bố
không giống người bình thường, tính cách vô cùng liều lĩnh, ngỗ nghịch.
Hắn làm việc thẳng thắn, không kỵ lời nói, không câu nệ tiểu tiết. Hắn
ngỗ ngược như thế, thẳng thắn như thế, từ nhỏ đã sinh trưởng ở vùng tây
bắc hoang dã, nhiều tộc người quần cư, ở hắn có sự thô tục phong dã, võ
nghệ lại cao siêu, đương thời ai có thể sánh bằng? Người khác trên chiến trường gặp phải hắn, mới nghe thôi đã sợ mất mật, đừng nói là đối mặt,
đã khiến hắn hình thành tật xấu tự đại. Hắn từ nhỏ tới lớn rong ruổi
trên thảo nguyên, đương nhiên không ai dạy hắn lễ nghĩa nho gia ở Trung
nguyên. Loại cá tính không quá hòa đồng lại hành động không câu nệ này,
là loại cá tính dễ cởi mở dễ khép kín, loại người này tuy rằng có sức
quyến rũ cuốn hút một sô người, nhưng cũng sẽ gây ra nhiều mầm họa.
Lúc nhìn thấy Lữ Bố mặc giáp trụ, đứng trên chiến trường, ta cũng cảm giác
được hắn là loại người có khí chất ngạo thị thiên hạ, đó đúng là khí
chất của chiến thần. Lữ Bố trên chiến trường, tự nhiên là một tiếng kèn
tiến quân. Nhìn thấy bóng dáng tráng lệ của hắn, có thể khiến binh sĩ ý
thức được lòng căm giận kẻ địch, làm dũng khí tăng gấp bội. Vì ánh hào
quang sáng chói của chủ tướng mà tự hào, từ xưa đến nay chính là tâm lý
của chiến binh trên sa trường. Cho nên, ta thấy trên người Trương Liêu
cùng Cao Thuận, chính là sự sùng bái cuồng nhiệt với Lữ Bố. Một cao thủ
thường sùng bái kẻ mạnh hơn mình, họ đi theo Lữ Bố chính là vì thế.
Tuy rằng Lữ Bố là người không có chủ kiến, thường xuyên thay đổi, rất buồn
cười, nhưng Trương Liêu bọn họ đều không thấy có vấn đề gì, chủ công
nói, ta chấp hành thôi. Mà Cao Thuận kia biết rõ Lữ Bố có tật xấu không
chịu suy nghĩ cho kỹ, về sau, cho dù biết rõ Lữ Bố đối với mình không
muốn trọng dụng, vẫn thề sống chết nguyện trung thành, thật sự là điển
hình của sự sùng bái mù quáng.
Thủ hạ của Lữ Bố, thậm chí cả địch thủ của Lữ Bố, đối với hắn đều ngưỡng mộ, cho dù hắn đánh Tào
Tháo đi nữa, tin rằng trên chiến trường, Tào Tháo cũng sẽ ngưỡng mộ hắn. Chiến thần cao cao tại thượng, nội tâm hắn nhất định là cô độc, trống
rỗng. Cho nên, hắn mới háo sắc như vậy, dùng những hành động ấy để che
dấu chính mình! Đáng tiếc, phương pháp của hắn cũng là phương pháp của
người phía bắc Trường Thành, sẽ không được nhiều người chấp nhận. Lúc
này ta có thể lý giải cảm giác của hắn khi nhìn thấy ta mặt đen sì tới
đòi hàng hóa, cuối cùng cũng thấy một khuôn mặt không giống người khác,
đương nhiên thấy hứng thú, ôi, cuộc sống của hắn cũng cần một chút gia
vị.
Ta nghĩ, kỳ thực trong nội tâm Lữ Bố, hắn chỉ muốn
làm người thật thống khoái, ân oán rõ ràng, để chính mình sống tự tại
trên thế gian mà thôi. Hắn nghĩ không ra, dựa vào cái gì bắt hắn đeo
theo hai chữ “trung thành” như xiềng xích trên lưng? Nếu nói hắn sai, là sai ở chỗ hắn đã tới vùng đất trung nguyên rộng lớn này trong thời loạn thế. Lữ Bố không thuộc về nơi này, hắn thuộc về thảo nguyên đơn giản.
Hắn phải ở trên thảo nguyên rộng lớn cưỡi ngựa, uống rượu, ăn thịt, đó
mới là thế giới của hắn. Hắn căn bản không thích ứng được với việc tranh bá ở Trung Nguyên đầy phức tạp, âm mưu, cạm bẫy. Thế nhân nói hắn là
gia nô ba họ, sĩ phu đều nói hành vi hắn thật trơ trẽn, kỳ thực nói
thiên ngôn vạn ngữ, Lữ Bố chẳng qua không có thể thích ứng với quy tắc
của cuộc chơi mà thôi! Phải biết rằng, từ xưa đã có câu người tài năng
tất chết vì tài năng, đối với một người đầu óc không phức tạp, lại càng
như thế.
Nhìn Lữ Bố, ta lại nghĩ đến lời nói của Vũ ca
ca, muốn thu phục Lữ Bố thật đơn giản, thứ nhất, đả kích hắn ở phương
diện hắn mạnh nhất, nói cách khác, dùng vũ lực chinh phục hắn. Hắn là
sói trên thảo nguyên, ta chỉ cần khiến sói sợ hãi thợ săn. Ngươi mạnh
hơn hắn, hắn mới có thể theo ngươi từ đáy lòng. Ở quê hương hắn, những
người dân du mục trời sinh bản tính hào sảng, người chiến thắng trong
trận chiến chính là tín ngưỡng; thứ hai, Vũ ca ca nói mấy chữ: “chân
thành lấy được tâm, lợi danh lấy được thân”. Đúng vậy, nếu như Lữ Bố
không trải qua mấy năm mưa gió, vẫn là thiếu niên võ nghệ cao siêu trên
thảo nguyên, hắn chỉ biết người khác thật lòng với hắn, hắn cũng thật
lòng hồi đáp, nếu dùng thành tâm đối đãi, hắn sẽ đối với ngươi một lòng. Đáng tiếc, hắn đã nhìn thấy sự đen tối trên thế gian, nhận lợi ích sẽ
nhận được yêu cầu, cho nên, ích lợi trước mắt sẽ khiến hắn động tâm. Như Đinh Nguyên kia không cho hắn lợi lộc gì, hắn phản; Đổng Trác không tôn trọng hắn, hắn cũng phản. Cả hai đều cho hắn, hắn có thể phản sao? Ta
khẳng định sẽ không, tuyệt đối không. Ta vô cùng có lòng tin đối với
việc thu phục Lữ Bố.
Càng làm ta tin tưởng hơn, đó là ta
đã nắm được nhược điểm trong võ nghệ của Lữ Bố. Người như Lữ Bố trải qua ta không ngừng dùng lời ngon tiếng ngọt, rất dễ dàng bị ta vỗ mông ngựa mà choáng váng. Bởi vậy, ta phân phó cho thuộc hạ, đưa hoa quả khô gom
được ở Vô Chung tới đây, thấy đám đồ khô đó, hắn thật sự cao hứng. Lại
đúng lúc ta khuyến khích, hắn đắc ý cùng bọn Trương Liêu, Cao Thuận đánh hai trận. Trận đầu là Trương Liêu – Cao Thuận hai người giáp công; trận sau cả bốn người thêm Hầu Thành, Ngụy Tục công kích. Lữ Bố chơi tận
hứng, ta nhìn cũng rất tiếp thu, nhược điểm của hắn hoàn toàn bại lộ.
Tốc độ tấn công của Lữ Bố rất nhanh, chỉ trong khoảnh khắc bóng ngựa lướt
qua nhau, mà hắn lại có thể tấn công liền bốn chiêu, hơn nữa, ta thấy
hắn còn chưa ra hết sức. Nếu như trên chiến trường, ta nghĩ, hắn có thể
ra tới năm chiêu. Mà ta, có thể ra đến tám chiêu. Ra sáu chiêu, Vân ca
ca có thể làm được. Không chỉ vậy, Xích Thố của Lữ Bố đúng là rất nhanh, có điều, Tiểu Bạch của ta và Ngân Long của Vân ca ca cũng không hề thua kém. Phương thiên họa kích của hắn so với vũ khí của người khác dài
hơn, cho nên khi hắn dùng kích, sức mạnh nhất định phải tập trung toàn
bộ trên Phương thiên họa kích, chủ yếu đặt ở cổ tay và cánh tay, cho nên mặt trong cánh tay chính là tử huyệt của hắn. Đương nhiên, gặp những
người kém hơn, không thể đánh vào nhược điểm đó, đáng tiếc, ta và Vân có ca cũng có thể làm được. Lữ Bố nhất định phải thua.
Trong hai tháng này, lúc ta quan sát thấy ưu khuyết điểm của Lữ Bố, suy nghĩ
việc thu phục hắn, Tào Tháo ở bên kia cũng bắt đầu thực hiện hành động
quan trọng nhất trong cuộc đời ông ta: ép buộc thiên tử hiệu lệnh chư
hầu. Kỳ thực, từ lúc Lữ Bố cùng Tào Tháo khai chiến ở Định Đào, Lữ Bố đã nhận được chiếu thư cần vương của Hoàng đế. Đáng thương cho tiểu hoàng
đế, trốn đông trốn tây, lưu lạc hai năm trời, rốt cục về tới trung
nguyên, cũng xem như về nhà. Vì có Trương Dương tiếp tế, miễn cưỡng bảo
vệ được mặt mũi của hoàng gia, đối mặt nơi nơi đều là kẻ địch, nghĩ đến
Lữ Ôn hầu đối xử với mình không tồi, liền nhanh chóng ban chiếu thư gọi
Lữ Bố về. Đáng tiếc, lúc ấy Lữ Bố chỉ nghĩ tới chuyện làm sao đánh bại
được Tào Tháo, kiếm chút lương thực, nào còn sức đi cần vương nữa, không biết làm sao, đành trả lời hoàng đế: Bệ hạ nhẫn nại một chút, chờ thần
đánh bại Tào Tháo sẽ tới!
Mắt thấy Lữ Bố không tới được,
thân phụ hoàng mệnh vua giao, sứ giả thật ra là một người rất trung
thành, trở về nói với hoàng đế: Lữ Bố bị Tào Tháo đánh bại, không tới
được, thần thấy Tào Tháo không tồi, hay là tìm ông ta thử xem?
Tục ngữ nói đúng, tuyệt vọng thì cái gì cũng có thể thử. Lưu Hiệp nghe sứ
giả nói xong, hỏi lại thủ hạ: Tào Tháo là người thế nào? Thái úy Dương
Bưu nói, người này không tồi, năm đó vì phản Đổng Trác trùng hưng Hán
thất đã trở thành tội phạm bị truy nã, là một nghĩa sĩ. Hoàng đế vừa
nghe, ồ, hắn phản Đổng Trác, chính là một trung thần, tốt, trẫm trước
tiên phong hắn làm Duyện châu mục, xem hắn phản ứng thế nào? Cứ như vậy, lúc ta và Thái Sử Từ còn chưa trở lại nơi đó, Tào Tháo đã nhận được sắc phong chính thức trên giấy tờ của triều đình, trở thành Duyện châu mục.
Tào Tháo tiếp nhận sắc phong, trong nhất thời có chút cảm tạ hoàng đế biết
cách dùng người. Hơn nữa, năm nay xuất hiện một nhân tài mới, là Trị
Trung Tòng Sự Mao Giới. Đề nghị “Phù trợ thiên tử lệnh cho kẻ không tuân mệnh” của Mao Giới khiến ông ta động tâm, cho nên mới phái người tích
cực hồi âm cho hoàng đế, thể hiện lòng trung thành một phen. Mà chính
Tào Tháo, tháng 12 năm 195 thừa thắng truy kích, vây khốn Ung Khâu hai
tháng, cuối cùng phá thành, đệ đệ Trương Siêu của Trương Mạc bị Thái Sử
Từ một mũi tên bắn chết, cả nhà Trương Mạc bị giết. Sau này, lúc ta tỏ
vẻ bất mãn chuyện ấy, Tào Tháo cau mày nói: diệt cỏ tận gốc, nếu Trương
Mạc không chết, sẽ lưu tính mạng người nhà hắn lại. Trương Mạc hai tháng trước, trên đường tìm Viên Thuật đã bị bộ hạ giết chết, nhưng hiện tại
chỉ có cách đó. Người chết cả rồi, nói gì cũng vô dụng, ta cũng không
thể làm gì. Sau khi triệt để tiêu diệt những thế lực còn sót lại của
Trương Mạc, Tào Tháo mới chính thức thu phục lại Duyện châu. Lúc này đã
là tháng giêng năm 196, Tào Tháo nói ra ý tưởng nghênh đón hoàng đế.
Tào Tháo không biết rằng, từ trước đó, Viên Thiệu đã có ý tưởng “Ép thiên
tử hiệu lệnh chư hầu”. Đề xuất ý tưởng này chính là đệ nhất mưu sĩ của
Viên Thiệu: Tự Thụ. Tự Thụ khi biết hoàng đế rời khỏi Trường An, liền
nói với Viên Thiệu, chúng ta có thể “Đón thánh giá phía tây, lấy Nghiệp
thành làm cung điện”, có thể “ép thiên tử hiệu lệnh chư hầu.” Viên Thiệu cũng động tâm, nhưng hai mưu sĩ khác của y là Quách Đồ và Thuần Vu
Quỳnh kiên quyết phản đối. Bọn họ cho rằng: một khi đem hoàng đế đặt ở
bên cạnh, làm bất cứ chuyện gì cũng đều phải “Tuân theo thì quyền khinh, không tuân thì cự mệnh”, không thoải mái. Viên Thiệu nổi danh là gió
chiều nào xoay chiều ấy, đã có người phản đối, vậy thì quên đi.
Hiện tại, lúc Tào Tháo đem ý nghĩ của mình nói ra, người dưới rối loạn cả.
Đại đa số người phản đối, bởi vì đều có cảm giác mình làm việc đang
thoải mái, có người ở bên cạnh vướng tay, sẽ không thoải mái nữa. Nhưng
mà, hai đại mưu sĩ lại nhất trí cho rằng phải nghênh đón, bọn họ chính
là Tuân Úc và Trình Dục. Cổ thư đều nói, Tuân Úc là trung thần Hán thất, mà không phải trung thần của Tào Tháo, hắn nhiều nhất cũng chỉ là bộ hạ của Tào Tháo mà thôi. Cho nên, vừa nghe lời nói của Tào Tháo, ông ta
lập tức đưa ra ba luận cứ: “Phò thiên tử để thuận lòng dân; chí công vô
tư để thu phục thiên hạ; giương cao đại nghĩa để chiêu mộ anh hùng.”
Trình Dục không nghĩ nhiều như vậy, ông ta nói với Tào Tháo, nếu người
khác dùng hoàng đế áp chế chúng ta, chúng ta có thể không nghe sao? Cho
nên, để người khác ra lệnh với mình không bằng chúng ta đi ra lệnh cho
người khác. Tốt, có những lời đó của mưu sĩ, Tào Tháo thư thái, đúng, để ta làm người tốt đi, liền phái Tào Hồng nghênh đón Hoàng đế.
Nhưng mà, nhận được tin tức của Viên Thiệu, lại thêm Đổng Thừa khi ấy không
đồng ý, phái người ngăn cản Tào Hồng. Chuyện đó, khiến Tào Tháo cảm thấy mình quyết định đúng, ông ta bảo với những người phản đối: “Mấy kẻ đó
(chỉ Viên Thiệu và Đổng Thừa) vì cái gì muốn cản chúng ta? Không phải là nghĩ chúng ta có được hoàng đế, nhất định sẽ có được ưu thế sao, bọn họ chiếm không được, nếu không, chuyện bất lợi với chúng ta sao họ phải
ngăn cản?” Những người còn phản đối nghe được, phải, có đạo lý. Chuyện
này khiến đa số người đều đồng ý.
Chuyện vẫn chưa xong.
Lúc Tào Tháo còn đang than thở, một người tên gọi Đổng Chiêu (sau này là tâm phúc của Tào Tháo) vốn xem trọng Tào Tháo, cũng chủ trương ép thiên tử lệnh chư hầu, nên đã dùng danh nghĩa Tào Tháo viết một phong thư vô
cùng cung kính gửi cho Dương Phụng, một một trong những công thần trong
triều với nội dung: “Tướng quân làm chủ bên trong, ta là viện trợ bên
ngoài. Nay ta có lương, tướng quân có lính, còn thiếu điều gì, ta giúp
đỡ nhau, hợp tác ăn ý, sinh tử có nhau.” Chứng tỏ quyết tâm cần vương
của Tào Tháo. Dương Phụng lúc này đang tranh quyền với Hàn Xiêm, nhận
được thư vô cùng mừng rỡ, lập tức phái người liên hệ với Tào Tháo, trước mặt hoàng đế và Đổng Thừa các vị đại thần nói lời hay cho Tào Tháo. Về
tới Lạc Dương Hoàng đế đã sắp chết đói, nghe thấy rất có hứng thú (ngươi sắp chết đói, có người đưa cơm, ngươi có thể không hứng thú sao?), lập
tức phong Tào Tháo làm Trấn Đông tướng quân, cũng cho ông ta thừa kế
tước vị Phí Đình hầu, còn cho Đổng Thừa tự thân đón Tào Tháo tới. Vì
thế, Tào Tháo tự mình mang theo 5000 binh tới Lạc Dương yết kiến hoàng
đế. Vị hoàng đế 17 tuổi phùng mồm ăn lương thực Tào Tháo mang tới, lập
tức phong Tào Tháo làm Tư Lệ hiệu úy, Giả tiết việt, quyền ngang thượng
thư, thực quyền rất lớn.
Tào Tháo thấy thành Lạc Dương
rách nát, nhìn đám đại thần như kẻ ăn mày, trong lòng bỗng thấy đắc ý,
lập tức đề xuất với Hoàng đế rời đô. Nói rằng: Lạc Dương cách chỗ thần
quá xa, thần không có cách nào giúp đỡ hoàng thượng, hơn nữa, tình hình
Lạc Dương quá bết bát, thần ở nơi đó chí ít có nhà để ở. Hoàng đế vừa
giải quyết vấn đề đói bụng, lại nghe giải quyết được cả chuyện ngủ nghê, đương nhiên cao hứng, lập tức đồng ý đề nghị của Tào Tháo.
Trong đám người đó chỉ có Dương Phụng là phản đối, bởi vì tới địa bàn của Tào Tháo, sẽ phải nghe lệnh Tào Tháo, thật không thoải mái. Phản đối không
có hiệu quả, Dương Phụng quyết định đánh, đáng tiếc đánh không lại, đại
tướng thủ hạ Từ Hoảng đầu hàng Tào Tháo, Dương Phụng đành chạy trốn. Tào Tháo thuận lợi đem hoàng đế về Hứa Đô. Những chuyện đó đều phát sinh
trong tháng 8 năm 196.
Ta không phải không biết chuyện
đó, nhưng mà ta một mực trốn tránh vấn đề khó giải quyết ấy, không biết
phải làm gì cả! Đây là một việc khiến ta thống khổ. Nếu không biết phải
làm gì, vậy thì không thèm nghĩ nữa, ta cứ lo chuyện Lữ Bố này cho tốt
đã. Hơn nữa, trong trí nhớ của ta, thời gian Hoàng đế tới Hứa Đô là cuối năm, cho nên, lúc ta về tới Hứa Đô, muốn cùng Tào Tháo bàn thảo việc
này, ông ta đã trên đường nghênh đón Hoàng đế rồi.