Bạn đang đọc Live Stream Hiện Trường Án Mạng – Chương 18: Anh Hi Vọng Nếu Có Cơ Hội Mọi Người Hãy Trực Tiếp Nói Với Vương Đông Nhan Một Câu Xin Lỗi
Video được Khung Thương quay vào ban đêm, xung quanh tối mịt, kế bên có tia sáng yếu ớt hắt lên mặt.
Hôm qua sau khi bị Hạng Thanh Khê đánh một gậy, Khung Thương ngã lăn ra, trán đập phải cái xẻng bên cạnh nhưng sau đó cũng kịp đến bệnh viện xử lý vết thương.
Cơ mà ở trong video, cô đã tháo băng xuống, quanh miệng vết thương có máu đỏ tươi làm cho nó trông càng dữ tợn hơn.
Trừ cái đó ra, trên mặt cô còn rất nhiều vết bầm tím, như vừa bị đánh cho túi bụi.
Ánh mắt nhìn vào ống kính vô hồn, không chút sức sống.
Hạ Quyết Vân dí sát mặt vào màn hình quan sát hồi lâu.
Bởi vì ánh sáng trong video quá kém, cũng không chiếu thẳng lên mặt mục tiêu nên anh không nhìn ra được vết thương trên mặt cô là do trang điểm hay là thật.
Cảnh sát đứng cạnh không biết rõ chân tướng, lầm bầm mắng một câu cầm thú.
Đến đoạn Khung Thương mở miệng, mọi người đều nín thở lắng nghe.
“Hôm nay đã có rất nhiều người lên mạng dùng đủ loại ngôn ngữ để sỉ nhục, mắng chửi tôi.
Tôi không chấp nhận sự lên án của bọn họ.
Nếu lãnh đạo trường Nhất Trung nhất quyết không buông chuyện của tôi, đổi trắng thay đen, lật mặt gian dối, vậy thì giờ tôi ở đây, nói hết tất cả mọi chuyện.”
Cô mím môi, đưa tay gạt bớt mấy sợi tóc bám dính trên mặt.
“Vào tháng Một năm nay, lớp chúng tôi có một bạn học tên Điền Vận nhảy lầu tự sát.
Nguyên nhân khiến cô ấy tự sát là có lãnh đạo nhà trường đã tiến hành hành vi quấy rối tình dục với cô ấy.
Cô ấy là một học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ có tư tưởng trọng nam khinh nữ, dưới cô ấy còn có em trai.
Ban đầu, Điền Vận tức giận phản kháng quyết liệt sự quấy rối từ nhà trường nhưng cũng chính vì thế mà họ cắt xén mất phần trợ cấp dành cho học sinh nghèo của cô ấy.
Điền Vận đã phải chịu áp lực từ rất nhiều phía, cha mẹ cô ấy cũng bị nhà trường tẩy não, muốn cô ấy sớm không dựa vào tiền của gia đình.
Về sau Điền Vận có Chu Nam Tùng giúp đỡ nên cuộc sống mới ổn định phần nào.
Áp lực quá lớn đã dồn cô ấy vào bước đường cùng.
Khi đó, cô ấy đã nghĩ ra một kế, đó là giả đò gọi người đó tới, chuốc say rồi lục soát di động, tìm thấy một phần chứng cứ.”
Có vẻ việc mở lời đối với Vương Đông Nhan rất khó khăn.
Bởi cứ nói xong một câu, cô lại dừng tìm từ thích hợp.
Sau khi nói xong đoạn trên, cô xoay đề tài sang hướng khác.
“Người thứ hai nhảy lầu tên Chu Nam Tùng, cô ấy là bạn cùng phòng ký túc tôi, cũng là đối tượng mà nhà trường ấn định cho tôi tội danh đi bắt nạt.
Nhưng, tôi không bắt nạt cô ấy.
Cô ấy là bạn thân của Điền Vận, cũng biết chuyện bạn mình bị đối xử tệ, sau bắt được chứng cứ đã nói với tôi.”
Cô nuốt nước miếng, tạo cho người khác cảm giác mình hồi hộp.
Đang nói lại im lặng giơ tay gạt tóc ra sau.
Cảm giác lo âu sợ sệt của cô người khác nhìn thôi là thấy được.
Lúc này tinh thần cô tuyệt đối không bình thường.
Cô lần nữa nhìn vào ống kính, mắt đỏ hoe, khóe mắt ầng ậc nước, chực trào rơi xuống.
Đúng! Chính là phản ứng này! Nó có thể khiến lời cô nói ra càng thêm đáng tin.
Tin rằng cô là người bị hại không còn đường lui, hoàn toàn trái ngược với hình ảnh nữ sinh độc ác mà nhà trường muốn gắn lên người cô.
Khung Thương chần chừ trong chốc lát, lại mở miệng nói bằng chất giọng khàn khàn.
“Chắc họ nghĩ tôi không có chuẩn bị gì mà đến nên vô tư ghi âm rồi cắt ghép lung tung.
Nhưng thật ra trước khi tới, tôi đã mua một chiếc di động mới, rồi dùng nó để ghi lại toàn bộ quá trình nói chuyện.
Tôi không tin bọn họ đổi tính làm người ngay thẳng.
Tất cả được ghi trong này, mời mọi người xem.”
Tiếp đấy là một đoạn video hơi rung lắc, màn hình nhắm thẳng vào một người đàn ông trung niên biểu cảm rất cao ngạo, khó làm người ta sinh hảo cảm.
Giọng nữ vang lên với vẻ kích động: “Mấy người đang ép tôi! Mấy người cố ý! Rõ ràng mấy người biết Chu Nam Tùng vì Điền Vận mới tự sát nhưng lại giở trò đùn trách nhiệm sang cho tôi, nói tôi hại cậu ấy.
Mấy người cố ý để các học sinh khác bắt nạt tôi! Mấy người muốn ép chết tôi đúng không?”
Đến lượt người đàn ông trung niên nói với giọng thản nhiên: “Nhà trường không hề làm thế, là các em học sinh tự làm.”
Vẻ mặt của ông ta rất khinh người, khiến ai xem cũng chỉ muốn nhảy vào đánh cho một trận.
“Trong cuốn sổ Chu Nam Tùng để lại, cậu ấy đã viết rất rõ mấy người dùng phương thức ấy để bắt các bạn bị quấy rối thỏa hiệp, yên lặng chịu sự nô dịch, quấy rối không giới hạn của mấy người.
Xong chuyện thì lại tìm mua mấy thứ đồ tốt hòng an ủi tinh thần.
Nếu các cô ấy không chịu tuân theo lại dùng kỳ thi đại học đe dọa.” Nữ sinh quát ầm lên: “Sổ của Chu Nam Tùng trong tay tôi, tôi sẽ giao nó cho cảnh sát.”
Người đàn ông trung niên xòe tay ra, nói: “Những cái đó căn bản không thể trở thành chứng cứ.
Em ấy có bệnh trầm cảm, khoảng thời gian trước khi qua đời tinh thần sa sút, mấy thứ viết trong lúc không tỉnh táo có đáng tin sao? Huống hồ, tin em ấy nhận được cũng chỉ là tin đồn, không có căn cứ.”
“Cậu ấy có ảnh chụp! Đó toàn ảnh mấy người chụp lén! Cậu ấy thấy hết rồi! Hiệu trưởng XX, chủ nhiệm giáo dục XX, tổng giám đốc công ty X…” Cô nữ sinh liên tiếp báo tên và thân phận kẻ quấy rối, nói: “Các ông đúng là không phải người.
Chụp lén, hãm hiếp, xoi mói các cậu ấy, xem dáng vẻ giãy dụa của các cậu ấy như trò vui!”
Ông ta hỏi: “Thế ảnh chụp đâu?”
“Ông muốn phủ nhận?” Nữ sinh đột nhiên đứng lên: “Có bản lĩnh thì ông lấy điện thoại của ông ra đây, mang tới cho cảnh sát xem bên trong tàng trữ thứ gì! Internet vẫn lưu dấu.
Ông nghĩ mình xóa là hết chắc? Tội của ông được xét vào tội hình sự đấy!”
“Được!” Người đàn ông trung niên bỗng nhiên quát to một tiếng, ra hiệu cho cô ngồi xuống: “Đấy phải gọi là em tình tôi nguyện, không tính phạm pháp, em có hiểu không?”
Cô thét lên: “Ông nói bậy! Ông im đi!”
Người đàn ông trung niên: “Đủ rồi!”
Nữ sinh phẫn nộ đập bàn: “Ông đừng có ép tôi! Cùng lắm thì tôi đứng trên tòa nhà kia nhảy xuống.
Trường học đã có hai người chết, giờ thêm người nữa, mấy người cũng chẳng có quả ngọt để ăn đâu.”
Ông ta bật cười: “Vậy em nhảy đi! Nhảy luôn đi.
Đến lúc đó người đời sẽ chỉ cười nhạo rằng em sợ tội tự sát.
Cục cảnh sát và nhà trường luôn có mối hợp tác em biết không? Bộ giáo dục cũng là một bộ phận trong bộ máy chính phủ, em nói xem đến lúc đó họ tin tưởng ai? Đúng là người trẻ tuổi không biết lượng sức mình.”
Nữ sinh gấp gáp thở dốc, hiển nhiên đã bị chọc tức điên.
Thấy thế, người đàn ông trung niên với lấy bao thuốc lá, rút một điếu, châm lửa dựa vào ghế sofa hút.
Một lúc sau, ông ta nói: “Hà cớ gì phải làm mọi người khó xử như thế? Em nghĩ tính mạng em đủ để uy hiếp thầy sao? Em đang đùa đúng không? Thầy muốn nói chuyện tử tế với em nhưng em kích động vậy thì chúng ta phải nói chuyện sao?”
“Thầy khuyên em không nên quản chuyện này.
Thay vào đó hãy sử dụng một ít yêu cầu hợp lý.” Ông ta nghiêm túc giảng giải: “Em thử suy xét cho bản thân đi.
Năm nay đã là học sinh lớp 12, còn chưa đầy một tháng nữa là thi đại học, giờ em nháo loạn như vậy có được gì không?”
Khung Thương: “Công bằng.”
Người đàn ông trung niên: “Công bằng đáng giá bao tiền?”
Ông ta hưởng thụ nhả ra làn khói trắng.
Cô im lặng mất một lúc mới mở miệng, run rẩy nói: “Tôi không thể để Điền Vận ra đi một cách vô ích được.
Cậu ấy bị chính các ông ép chết.
Trước đó ông động tay động chân với cậu ấy, nhưng đến sự bồi thường tối thiểu nhất vẫn chưa làm.”
“Ây dà, nói đến tiền có phải dễ giải quyết bao nhiêu không?” Ông ta gõ mặt bàn, nói: “Hai trăm nghìn.” (khoảng 712 triệu VND)
“Không đủ.” Nữ sinh chậm rãi lấy lại bình tĩnh: “Còn mẹ của Chu Nam Tùng nữa.
Bà ấy chỉ có một đứa con gái.”
Người đàn ông trung niên: “Vậy theo em bồi thường bao nhiêu mới thích hợp?”
Nữ sinh: “Đều là mạng người, ông nghĩ cái giá phải trả là bao nhiêu?”
Người đàn ông trung niên: “Một triệu thì sao? Được không?” (khoảng 3 tỷ rưỡi VND)
Cô nữ sinh lần nữa rơi vào im lặng, cách màn hình cũng cảm nhận được nội tâm cô đang giãy dụa.
Cuối cùng, cô yếu ớt nói: “Ông đừng tìm đến mẹ tôi nữa, vậy tôi có thể coi như chuyện này chưa xảy ra.
Bà ấy chỉ là một người bình thường.”
Người đàn ông trung niên phất tay, ý bảo cô ra ngoài.
Nữ sinh nói: “Tôi còn một câu hỏi nữa.”
Lần này ông ta tốt bụng nói: “Em nói đi.”
“Rốt cuộc ông có lương tâm không?” Cô kìm nén cơn giận, chất vấn: “Ông lấy kế hoạch hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn của hiệu trưởng ra lợi dụng, thu về cả tiền tài lẫn danh tiếng cho mình nhưng sau lưng lại làm chuyện không bằng cầm thú.
Ông phải xin lỗi quá nhiều người, trong đó có cả hiệu trưởng.
Ông đã giẫm nát tấm lòng thiện lương của thấy ấy, hủy hoại đi một môi trường học tập tốt đẹp.
Sớm muộn gì ông cũng gặp báo ứng thôi.”
“Hiệu trưởng?” Ông ta cười khẩy, hiển nhiên không để lời cô nói vào tai, rung tay gạt bớt tàn thuốc: “Em thử đi hỏi hiệu trưởng xem tại sao ông ấy lại cho thầy làm thế.
Người trẻ tuổi, em còn non lắm.”
Khung hình dần tối đen, màn hình lần nữa quay về mặt Khung Thương.
Khung Thương vỗ vỗ đầu, nhưng cảnh đó không lọt vào màn hình.
Cô thấp giọng nói: “Những gì tôi nói đều là sự thật.
Tôi không biết vì sao mọi người không tin tôi lại còn đi đe dọa nát nộ người thân của tôi, có phải tôi phải dùng cái chết để chứng minh lời tôi là đúng không? Đây là chính nghĩa mọi người cần đúng không? Tôi có thể dùng tính mạng mình để bảo đảm tính chân thật, vậy mấy người có thể gánh trách nhiệm với những gì bản thân nói không?”
Cô nghẹn ngào nói: “Tôi không có gì để nói nữa.
Tôi đã nói mọi người hãy tin tưởng tôi, đừng làm tổn thương người bị hại, đừng đoán xem rốt cuộc là bị ai uy hiếp.
Người phải chịu lời đàm tiếu phải là những kẻ ăn không nói có, nói dối trắng trợn kia mới đúng… Vĩnh biệt!”
*
Lúc video được tung ra, nhà trường đang nhận phỏng vấn của giới truyền thông.
Bọn họ dùng vẻ mặt tiếc nuối giả dối để bày tỏ sự thất vọng về Vương Đông Nhan, đồng thời cũng nói mấy câu kiểm điểm bản thân cho có lệ.
Họ nói phía nhà trường chưa quan tâm sát sao tâm lý học sinh, cũng có một phần trách nhiệm trong đấy.
Tốc độ đánh hơi thông tin của giới truyền thông nhạy hơn phía nhà trường nhiều.
Khi buổi phỏng vấn tiến hành được một nửa, di động vài tay phóng viên đã nhận được thông báo tin tức mới, họ lặng lẽ lui ra phía sau xem tin.
Vị lãnh đạo đứng ra nhận phỏng vấn chợt thấy hơi bất an, hắng giọng chuẩn bị nói tiếp.
Mấy tay phóng viên lui ra sau xem tin khiếp sợ, quay qua nhìn nhau bằng ánh mắt không thể tưởng được.
Bọn họ nhanh chóng thay đổi thái độ, tiến lên chĩa micro về phía lãnh đạo nhà trường, đưa ra câu hỏi: “Xin hỏi phía nhà trường có thái độ như nào với video Vương Đông Nhan vừa tung ra?”
Lãnh đạo đang đứng phỏng vấn ngây ra, chậm rãi nói: “Video gì? Bạn học Vương Đông Nhan thường xuyên nói dối, nếu là lời em ấy nói, tôi nghĩ chúng ta cần chứng thực thông tin trước.”
“Em ấy công bố hoàn chỉnh đoạn video cuộc nói chuyện ở văn phòng.” Phóng viên kích động nói: “Hình người trong video, khẩu âm cũng như âm thanh đều khớp nhau tuyệt đối.
Mấy người có dám tung ra file ghi âm hoàn chỉnh không?”
Người đang đứng chịu sự chất vấn từ bên truyền thông đổ mồ hôi lạnh, ngoan cố chống trả: “Cái chúng tôi tung ra là file ghi âm gốc.
Giờ chúng tôi cần được xem video đó để có thể đưa ra câu trả lời chính xác hơn.”
Phóng viên có mặt tại hiện trường không cho ông ta cơ hội tránh thoát, dồn lực tấn công:
“Ông có biết chuyện sáng nay Vương Đông Nhan nhảy cầu tự sát không?”
“Ông có biết việc Vương Đông Nhan dùng tính mạng của mình để lên án hành vi đồi bại của các ông không?”
“Những account marketing công kích Vương Đông Nhan trên mạng xã hội là các ông thuê đúng không?”
“Việc Chu Nam Tùng tự sát có phải được các ông cố tình bóp méo thành bạo lực học đường không? Mời ông đưa ra câu trả lời chính thức.”
Người đàn ông trung niên chịu không nổi, muốn trốn khỏi hiện trường, dùng tay chắn người: “Chờ chút… chờ một chút…”
“Đứng lại!”
“Đối với việc xúi giục người khác tự sát, tuy trong điều khoản pháp luật không nêu rõ nhưng cơ quan tư pháp vẫn có thể khép nó thành tội cố ý giết người, ông biết không? Xin hỏi, Nhất Trung có ép học sinh tự sát không ạ? Có không ạ?”
“Gọi lãnh đạo của mấy người ra đây! Chúng tôi cần chân tướng! Ba mạng người cần chân tướng!”
“Ông định giải thích thế nào về chuyện của Vương Đông Nhan?”
Tòa hành chính trường học bị vây chặt, có phóng viên còn mạnh mẽ xông thẳng đến phòng hiệu trưởng cùng với những người trước đó xem video Khung Thương đăng tải, nói muốn đòi công bằng.
Những người đó bất ngờ bị lôi ra, hoang mang đối diện với ống kính, cứng họng trước các lời lẽ chất vấn đầy giận dữ.
Song, dưới tình cảnh tay chân luống cuống, họ bị cảnh sát dẫn đi, đưa tới cục cảnh sát tiếp nhận điều tra.
Suốt dọc đường đi, vẻ bối rối chật vật của bọn họ được ghi lại rõ ràng trong khung hình.
Tới trước cửa cục cảnh sát, dưới tình trạng quần chúng vây xem, họ chạy vội như những chú chuột nhắt co rúm bởi sự kích động của mọi người.
Rất nhiều phụ huynh các em học sinh phẫn nộ ném rác rưởi lên người họ, còn cảnh sát chẳng đồng tình chút nào, chỉ hô hào mọi người nhường đường cho có lệ.
Mọi chuyện xảy ra quá nhanh, như mới phút trước mặt trời còn mới nhô lên khỏi đường chân trời, chốc sau tia nắng đã lan tràn khắp nơi.
*
Tin Vương Đông Nhan nhảy cầu tự sát còn lan nhanh hơn video cô tự đăng.
Phía cảnh sát dùng tài khoản của mình chứng thực tin Vương Đông Nhan rơi xuống nước, bọn họ tỏ vẻ mình vẫn đang tìm kiếm, hiện chưa có tung tích nạn nhân.
Cư dân mạng là người nhận tin nhanh hơn ai hết, cảm xúc lúc này khá phức tạp.
“Tự sát thật à?”
“Có yếu đuối quá không?”
“Không phải chính chúng mày ép chết người ta à?”
“Đáng lắm.
Không phải chính bạn học cô ta bảo cô ta bị thế là đáng sao?”
Nhưng người chết quan trọng hơn, thế nên tuy một bộ phận người vẫn nói rất khó nghe nhưng ít nhất không dám nói quá nặng nề.
Sau đó, khi video bùng nổ, đa số người bị dọa cho im bặt.
Bọn họ nhấn tìm weibo Vương Đông Nhan, nhìn những dòng bình luận để lại bên dưới bài đăng, đủ loại ngôn từ công kích làm người ớn lạnh, khiến cảm giác bi thương dâng trào mạnh mẽ.
“Nói nữa đi! Chúng mày giỏi thì nói nữa đi! Mẹ nó chứ, tất cả lời nói của chúng mày đều là con dao găm vào người người ta đấy! Đúng là bọn ác ôn ăn thịt không nhả xương? Giờ vừa lòng chưa hả? Vừa lòng chưa!”
“Tự dưng em thấy buồn quá, cứ xem là em lại khóc.
Tựa như nhìn thấy cô ấy sống sờ sờ đứng trước mặt mình rồi dần chết đi.
Một nữ sinh có tinh thần trượng nghĩa như thế lại mang theo tội danh nhơ nhuốc tự sát.
Xã hội này làm sao thế?”
“Da đầu tôi tê rần cả.
Tất cả là thật.
Một vụ giết người máu chảy đầm đìa.”
“Chúng mày đúng là một lũ ngu!”
“Giờ mắng chửi người ta thì có tác dụng gì chứ? Cô ấy tự sát, sống chết chưa biết ra sao, chúng ta cầu may đi được không? Bạn nào ở thành phố đó thì chạy qua giúp tìm người đi, phải nắm chặt thời gian.”
“Mấy người hôm qua kéo nhau đến náo loạn trước cổng công ty mẹ Vương mau lăn ra đây quỳ xuống xin lỗi đi.”
“Sự thiện lương bị bào mòn, lòng người bị lợi dụng.
Kẻ đáng ghê tởm nhất là người đứng đằng sau giật dây mọi chuyện.
Đừng có gây mâu thuẫn nội bộ nữa! Phía lãnh đạo trường Nhất Trung đưa ra lời giải thích đi!”
“Chưa kịp ú ớ gì đã bị còng đi điều tra rồi.
Lần này cảnh sát phản ứng nhanh ghê.”
“Học sinh trường Nhất Trung bị sao thế? Quỷ cũng không ngờ được có màn xoay chuyển này.”
Khi một người bị phát hiện đang nói dối, quần chúng theo bản năng sẽ nảy sinh hoài nghi với họ.
Trước khi có chứng cứ xác thực hơn, bọn họ lựa chọn tin tưởng video Khung Thương tung ra.
Đồng thời cho rằng vết thương trên mặt cô là do nhân viên trong trường tạo thành.
Cũng vào lúc đó, cơ quan truyền thông của chính quyền khẩn cấp tung ra video phỏng vấn đầu tiên.
Khác với bài phỏng vấn trước đó một công ty truyền thông bên ngoài, lần này họ trực sẵn đợi cổng trường mở, sau đó vào trường đi thẳng đến phỏng vấn học sinh cùng lớp Vương Đông Nhan.
Chẳng cần nghe học sinh các lớp khác nói, đến thẳng ngọn nguồn vấn đề, nơi nổ ra tin tức, lớp 12A1.
Phóng viên hỏi: “Em quen Vương Đông Nhan không?”
Học sinh khó chịu nói: “Quen?”
Phóng viên tiếp tục hỏi: “Em ấy từng có hành vi bạo lực Chu Nam Tùng không?”
“Không.
Cậu ấy không đánh người.”
“Thế bạo lực về tinh thần thì sao?”
“Em không biết phải nói sao nữa.
Cậu ấy có cố ý dọa Chu Nam Tùng.”
“Dọa thế nào? Nó quá đáng đến mức độ nào? Anh nghe một số bạn học sinh trước đó nói, em ấy giả ma dọa bạn?”
Bạn học sinh nhận phỏng vấn lí nhí trả lời: “Cái này em chưa thấy.
Hình như cậu ấy dùng một món đồ chơi nhỏ để dọa.”
Phóng viên lấy ra hộp đồ chơi be bé, nói: “Giống thế này?”
Học sinh nói: “Vâng.”
Anh phóng viên ấn mở chốt hộp, nắp hộp bật ra, bên trong có con nhện cao su nhảy lên, hỏi: “Ý em là em ấy chỉ dùng món đồ chơi này đã dọa Chu Nam Tùng suy sụp đến tự sát đúng không? Mọi người đều cho rằng như thế?”
Cậu học sinh nhận phỏng vấn lặng thinh.
Lúc lên hình mặt cậu đã được làm mờ nên vẻ xấu hổ chẳng ai hay.
Phóng viên lại hỏi: “Trong trường có ai giả ma dọa các bạn không? Anh từng nghe có bạn bảo có.
Hơn nữa còn thuộc vào kiểu làm rất quá đáng.”
Cậu bạn kia vẫn không nói câu nào.
Anh chàng phóng viên tiếp tục đặt vấn đề: “Có không?”
Cậu học sinh đáp: “Có.”
Phóng viên: “Đối tượng là ai?”
Cậu học sinh ngắc ngứ: “Vương Đông Nhan.”
Phóng viên: “Tới đây anh xin được xác nhận thông tin.
Người bị dọa là Vương Đông Nhan, đúng không?”
“Vâng.
Mọi người muốn báo thù cho Chu Nam Tùng.”
Phóng viên ra câu hỏi: “Thế ở trên lớp, Vương Đông Nhan có kéo bè kết phái, cô lập Chu Nam Tùng không?”
“Không ạ.
Cậu ấy chỉ không thích chơi cùng Chu Nam Tùng thôi.”
“Vậy theo em như thế có gọi là bạo lực học đường không? Em ấy có xứng với cái danh hung thủ không?”
Cậu học sinh lại không nói gì.
Giọng điệu anh phóng viên rất bình tĩnh, nhưng những vấn đề đưa ra rất sắc bén: “Em có biết sao em ấy lại tự sát không?”
Trong video bỗng xuất hiện tiếng nấc nghẹn ngào.
Cậu bạn ấy đưa tay dụi mắt.
“Sao các em lại làm thế?”
Học sinh: “Ai trong trường cũng nói vậy cả.”
Phóng viên: “Lời đồn không phải xuất phát từ lớp các em sao?”
“Là các giáo viên trong trường và ban giám hiệu để lộ.
Với cả lúc mẹ Chu Nam Tùng đến nói chuyện với hiệu trưởng có người nghe được.” Cậu ta nói: “Em không nghĩ quá sâu xa.”
Anh phóng viên cũng chẳng biết nói gì, phải một lúc sau mới tiếp lời: “Em có biết anh muốn nói gì không?”
Cậu ta cúi gằm mặt.
Anh phóng viên nói: “Các em… các em là mầm non tương lai của đất nước.
Em biết không, mọi người ai cũng đặt kỳ vọng rất lớn vào thế hệ trẻ như em.
Nhưng, bi kịch vừa xuất hiện khiến anh không cách nào tưởng tượng được.”
Cậu học sinh hỏi: “Giờ bạn ấy thế nào ạ?”
“May quá!” Anh phóng viên mừng: “Cuối cùng em cũng hỏi đến vấn đề này.
Nhưng, giờ chính anh cũng không biết em ấy ra sao.
Vào mùa này, tốc độ dòng chảy trên sông khá xiết, em ấy nhảy xuống dứt khoát như thế chẳng biết thi thể đã trôi dạt đi đâu.
Đội cứu hộ vẫn đang cố gắng hết sức để tìm.”
Dứt câu, anh chàng giơ tay xem đồng hồ: “Tính từ lúc em ấy nhảy cầu đến giờ đã qua hai tiếng đồng hồ chưa có tin tức gì.
Giờ phía cảnh sát đang huy động người dần đi xa xuống khu vực hạ lưu tìm.
Em có biết điều này có nghĩa là gì không?”
Cậu học sinh đau đớn khóc không thành tiếng.
Anh phóng viên nói: “Anh không ép em.
Anh hi vọng tất cả đều bình an.”
Cậu ta áy náy nói: “Xin lỗi.”
Thấy vậy, anh chàng bảo: “Anh hi vọng nếu có cơ hội, mọi người hãy trực tiếp nói với Vương Đông Nhan một câu xin lỗi.”
Cậu học sinh gật đầu, hỏi: “Em có thể đi hỗ trợ tìm bạn ấy không?”
“Chuyện này không nên hỏi anh.” Anh phóng viên đáp: “Nếu em thấy cần thiết, em có thể đi.
Còn nếu thấy bản thân cần có thời gian để bình tĩnh thì trước hết hãy đi điều chỉnh tâm trạng.
Sinh mạng là thứ cao quý nhất.
Anh không muốn thấy thêm bất cứ bi kịch nào.”
Cậu ta lặp lại lời ban nãy: “Xin lỗi.
Thật sự rất xin lỗi…”
*
Sự kiện Vương Đông Nhan tự sát cùng việc đảo ngược chiều hướng sự việc biến thành lưỡi dao sắc găm vào tim mọi người.
Dù cho trước đó có tham gia vào hay không, bọn họ đều cảm nhận được nỗi đau từ tận sâu thẳm đáy lòng.
Bọn họ tức giận, nhưng không có chỗ phát tiết.
Bọn họ im lặng, nhưng không nguôi ngoai được cảm giác tội lỗi.
Trong lòng bọn họ, dù nhiều hay ít, cũng cảm thấy rất áy náy với cái chết của Vương Đông Nhan.
Ấy là sự xấu hổ của những người xui xẻo, sự dằn vặt lương tâm của những kẻ vừa thức tỉnh sau cơn cuồng vọng.
Luồng cảm xúc dâng trào làm bùng nổ lực lượng mới, yên lặng tác động lên bằng một cái tên phản đối bạo lực mạng.
Theo sau đó là hoạt động “tìm kiếm Vương Đông Nhan” bùng nổ trong thành phố một cách tự phát..