Đọc truyện Linh Phi Kinh – Chương 36: Ấn Thần Cổ Mộ (3)
Xung đại sư thừa thế muốn xông lên, chợt cảm thấy hàn khí ngợp trời, xuyên không ép đến. Y tức khắc thầm kêu không ổn, tay phải áp lên vách núi, cả người dịch ngang vài thước, một luồng sáng xanh bay xẹt qua thân thể, quẹt đánh “choang” một tiếng vào vách núi, khiến cho một mảng đá lớn bị cắt rơi xuống.
Xung đại sư quát dài, thân người dựa sát vào vách núi trượt xuống, hai chân liên tiếp đá về phía thiếu nữ. Diệp Linh Tô không dám đỡ đòn trực tiếp, cổ tay xoay chuyển, kiếm Thanh Li cắm ngập vào đá ba tấc. Cô mượn lực tung người lên, thân thể uyển chuyển biến hóa như một cánh quạt gió, xoay tròn một vòng quanh chuôi kiếm rồi lượn đến bên mạn trái của hòa thượng, tung cước đá vào mạn sườn y.
Xung đại sư hoàn toàn bất ngờ, trong lúc gấp gáp định đảo tay ngăn cản. “Phốc” một tiếng, Diệp Linh Tô búng người lên cao, Xung đại sư chỉ cảm giác ngực đau mắt mờ, thiếu chút nữa đã phun ra một ngụm máu. Y nếm phải một chưởng của Tịch Ứng Chân lúc trước, thương thế quả thật không nhẹ, nhưng chẳng đợi cho y kịp thở, mũi chân Diệp Linh Tô lại móc vào cọc gỗ, đầu dưới chân trên, người như cánh cung mềm, huơ kiếm đâm đến. Xung đại sư bất đắc dĩ đành rút một cọc gỗ dự phòng ra làm binh khí, cố gắng chống cự.
Nhạc Chi Dương đứng ở bên dưới nhìn đến ngây người, trận ác chiến như thế trước nay chưa từng thấy trong đời. Bên trên năm người nhào lộn bay nhảy tựa như chim sẻ chim yến; nơi có thể đặt chân được chẳng qua chỉ là mấy thanh cọc gỗ, vậy mà chiêu nào chiêu nấy đều độc địa, không chút nhân nhượng, đối mặt với cơn gió hung hãn nhưng chiêu thức bọn họ cũng ác liệt không kém. Nhạc Chi Dương mấy lần chứng kiến có kẻ suýt rơi khỏi vách núi nhưng năm người kia cuối cùng vẫn hóa nguy thành an, thoát chết trong gang tấc.
Ví trên đất bằng, trong năm người kể trên, võ công của Tịch Ứng Chân là cao nhất, thế nhưng tại vách núi cheo leo thế này, tất cả võ công đều bị giảm sức mạnh đáng kể. Minh Đấu và Trúc Nhân Phong thủ đoạn hiểm ác, lúc này vì tự bảo vệ bản thân mà kẻ nào kẻ nấy đều liều mạng quên mình, tấn công điên đảo, bất ngờ đẩy ngược lão đạo sĩ xuống thế hạ phong. Diệp Linh Tô tay cầm bảo kiếm, ngược lại chiếm được ưu thế, thanh kiếm ấy đâm xuyên núi cắm ngập đá, đến thời khắc nguy cấp có thể biến thành trụ chống neo trên vách. So ra, Xung đại sư bị thương không nhẹ, thân hình cao lớn của y trở thành một tấm bia hoàn hảo, bị cả màn kiếm quang bao trọn bên trong, bộ dáng che bên này hổng bên kia thảm hại vô cùng.
Y cùng Diệp Linh Tô khổ đấu trước mặt, sau lưng liền lộ ra sơ hở. Nhạc Chi Dương trông thấy rõ ràng, lập tức vẫy sáo ra hiệu, Phi Tuyết nghe lệnh chắp cánh bay đến, luồn ra sau lưng Xung đại sư, vươn trảo như chớp nhằm vào chổ hiểm sau gáy.
Xung đại sư chỉ cảm thấy tiếng gió ập đến trên đầu, không kịp tránh né, tức thì khí dồn ra sau gáy. Bị trảo ưng xuyên vào toét da chảy máu, Xung đại sư đau đến rụt cổ, Diệp Linh Tô thừa lúc y rối loạn xuất kiếm, liên tiếp đâm về phía mặt y. Xung đại sư tung người lùi về sau, chẳng ngờ một chân đạp hụt vào không khí, rơi bổ nhào xuống bên dưới.
Diệp Linh Tô đánh rơi được cường địch, vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, dè đâu Xung đại sư trong lúc vùng vẫy tìm đường sống giữa không trung đã cởi được đám dây mây bó cọc gỗ, tung thẳng lên trên hệt như một con rắn dài, quấn chặt vào chân trái Nhạc Chi Dương. Người kia chẳng kịp đề phòng, rơi nhanh xuống theo, trong lúc nguy khốn liền giơ tay trái ra bấu chặt lấy một thanh cọc gỗ.
Diệp Linh Tô ở trên trông thấy cảnh ấy, sợ đến toát mồ hôi lạnh. Xung đại sư bản lĩnh nào phải hạng vừa, y mượn lực lắc người, khua mạnh vào sườn núi, tay phải chống lên vách đá, bay vọt lên hơn một trượng. Y bám lấy một thanh cọc gỗ, lại lộn người lên cao, giơ tay chộp về phía yết hầu Nhạc Chi Dương.
Nhạc Chi Dương vung sáo ngọc, dùng một chiêu “Anh Tinh Nhập Miếu” vòng qua trảo của y, điểm về phía ngực hòa thượng. Cổ tay Xung đại sư lật lại, chộp về phía cánh tay gã. Hai người đồng thời trúng chiêu, ngực Xung đại sư hứng chịu một đòn, tuy đau nhưng không có gì đáng ngại; Nhạc Chi Dương thì lại nhức nhối tận xương, trên cánh tay như thể bị vòng sắt thít chặt, chỉ thấy nội lực Xung đại sư tràn vào, vội vàng vận khí phản kích. Lần vận khí này lại gây kích động đến luồng nghịch khí trong Xung Mạch, nhất thời cả người gã mềm nhũn, hụt chân rơi khỏi sườn núi.
Xung đại sư bị trúng thương liên tục, nội lực không đủ, vừa rồi phải trải qua mấy lượt biến hóa đã hao sạch sức lực bình sinh. Một trảo này sức mạnh có hạn, vốn không hy vọng ra tay có thể chế ngự ngay được kẻ địch. Nhạc Chi Dương đột nhiên rơi xuống hoàn toàn nằm ngoài dự liệu của y. Hòa thượng không kịp nghĩ ngợi nhiều, duỗi tay chụp lấy thiếu niên giữa không trung, chợt thấy cần cổ phát lạnh, kiếm Thanh Li đang kề sát bên trên, chỉ nghe Diệp Linh Tô thét lớn:
– Tên lừa trọc, ngươi muốn chết hay muốn sống?
Xung đại sư thầm hít sâu một hơi, mỉm cười:
– Diệp cô nương, câu này cô nên hỏi tên tiểu tử họ Nhạc này mới đúng chứ.
Thì ra hòa thượng đang nắm lấy Nhạc Chi Dương, Diệp Linh Tô đang trỏ kiếm vào hòa thượng, một khi Xung đại sư trúng kiếm thì Nhạc Chi Dương cũng chắc chắn ngã chết tươi theo y.
Thiếu nữ lâm vào thế khó xử, ra tay thì Nhạc Chi Dương chết chắc mà thu kiếm thì lại không cam tâm, đang không biết phải xử trí thế nào cho phải, chợt nghe Xung đại sư cười bảo:
– Diệp cô nương, cô thu kiếm lại trước đi, chúng ta cùng leo lên trên đó, đến cửa huyệt động ta nhất định sẽ thả tên tiểu tử này ra.
Diệp Linh Tô cười lạnh:
– Ngươi quỷ kế đa đoan, ta thèm tin ngươi!
Xung đại sư lạnh lùng đáp:
– Cô không tin ta, vậy chắc là tin Diêm La Vương rồi, ta đoán chừng tiểu tử này là người thân với Diêm La Vương nên có té xuống vực núi này cũng không chết đâu.
Vừa nói y vừa lắc lắc cánh tay, Nhạc Chi Dương đong đưa bên dưới, mặt mày trắng bệch như tờ giấy, ngoài miệng thì vẫn tỏ ra cứng cỏi:
– Diệp cô nương, cô đừng lo cho ta, tên hòa thượng này không thể tin được, ngàn vạn lần đừng mắc bẫy của y.
Diệp Linh Tô nghe y hét lên như vậy, lòng đau như cắt, thầm suy tính qua mấy lượt, cuối cùng nghiến răng gật đầu:
– Được rồi lừa trọc, ngươi mà sai lời, ta sẽ liều mạng với ngươi.
– Nào dám, nào dám! – Xung đại sư mỉm cười đồng ý. Diệp Linh Tô thu kiếm lại, Xung đại sư cũng kéo Nhạc Chi Dương trở lên. Ba người bên trên tai thính mắt tinh, nghe đoạn đối thoại vừa rồi, ai nấy đều thu tay về. Tịch Ứng Chân lặng lẽ nhìn Nhạc Chi Dương, đáy mắt tràn ngập vẻ buồn bã.
Xung đại sư phá lên cười:
– Tịch chân nhân, Minh huynh, Trúc huynh, mời đi trước một bước vậy.
Ba người đưa mắt nhìn nhau, hai tên Minh-Trúc dẫn đầu leo lên, Tịch Ứng Chân chần chừ một chút rồi cũng trèo lên theo. Xung đại sư lại cười bảo:
– Diệp cô nương, mời cô!
Y nắm giữ con tin trong tay, lại ra dáng vẻ ung dung, Phi Tuyết ra dáng muốn đánh lén lập tức bị Diệp Linh Tô quát lui.
Đoàn người thôi không đánh nhau nữa, bắt đầu dựng lại cọc gỗ nối đuôi nhau lục tục trèo lên, không lâu sau đã đến hang động. Xung đại sư chốt cuối, là người sau cùng tiến vào hang động. Hang động ấy có chiều cao cỡ một người, xung quanh chi chít vết đục đẽo, dưới nền rải rác xương muông thú, nhỏ thì như sẻ yến, lớn thì cỡ linh dương, mới có cũ có, trông đến giật mình, thảy đều là con mồi bị ưng trắng giết chết. Tổ của Phi Tuyết bị chiếm cứ, nó ở ngoài động kêu vang dậy trời, nhưng vì lệnh của chủ nhân nên không dám tự tiện xâm nhập.
Điểm cuối hang động không hề thấy quan tài đâu cả, chỉ có một cánh cửa bằng đồng chừng như xưa cũ, gỉ xanh loang lổ. Xung đại sư nhìn ngó xung quanh, cười bảo:
– Địa điểm hay thật, để dựng xây chốn này ước chừng đã hao phí không ít nhân lực.
Diệp Linh Tô sốt ruột giục:
– Đại hòa thượng, chớ có càm ràm nữa, đến nơi rồi ngươi cũng nên thả người đi chứ?
Xung đại sư cười đáp:
– Đừng vội, cứ thư thư đã nào.
Diệp Linh Tô nghe thấy trong ý tứ của y có điều không ổn, cõi lòng chùng xuống, xẵng giọng quát:
– Tên lừa trọc, ngươi định nuốt lời?
Minh Đấu cười lạnh:
– Không sai, Xung đại sư, chẳng cần giữ chữ tín làm gì, bắt tên tiểu tử này làm con tin ép chúng nghe lời chúng ta.
Xung đại sư liếc lão, cười khà khà:
– Minh tôn chủ bảo gì cơ? “Nhân nhược vô tín, bất tri kỳ khả” (*) Người, ta đương nhiên sẽ thả, chỉ muốn một lời thỉnh cầu.
(ND chú: trích luận ngữ, nghĩa là phàm người đã mất đi uy tín thì còn làm việc gì khác được)
Tịch Ứng Chân hỏi:
– Là gì?
Xung đại sư cười:
– Xin chân nhân ban trả lại “Thiên Cơ Thần Công Đồ”!
Lão đạo sĩ nhìn Nhạc Chi Dương, thở dài một tiếng, với tay vào ngực áo lấy ra quyển sách. Đang định trao đi, Diệp Linh Tô bỗng nhiên đoạt lấy, cười lạnh:
– Đại hòa thượng, ngươi cần sách đúng không?
Xung đại sư không vui bảo:
– Xin cô nương ban trả!
– Được thôi! – Diệp Linh Tô nói: – Ngươi đưa người qua đây, ta đưa ngươi một nửa.
Xung đại sư ngẩn ra:
– Một nửa? Sao lại một nửa…
Diệp Linh Tô giở tay xuất kiếm, quyển sách dày lập tức bị chia làm đôi, tay cô giữ một nửa bộ, nửa còn lại đặt trên mũi kiếm, lạnh lùng nói:
– Nửa bộ này giao cho ngươi, ngươi thả người ra ta sẽ giao nốt phần còn lại.
Pho sách này đa phần đều là bản vẽ cơ quan, nếu là chữ viết thì còn có thể lờ mờ đoán được nội dung, còn bản vẽ thì chỉ cần thiếu đi một nửa cũng thành phế thải. Xung đại sư không ngờ đến chiêu này, vừa kinh ngạc vừa phẫn bộ, mặt dần đỏ ửng lên, gườm gườm bảo:
– Diệp cô nương, cô không sợ ta giết tên tiểu tử này à?
– Giết hắn cũng chả nhằm gì. – Diệp Linh Tô thở hắt ra một hơi, cố gắng không nhìn đến Nhạc Chi Dương: – Còn lại một nửa quyển sách này, ta lập tức hủy thành phấn vụn, vứt xuống dưới vực, để cho cuồng phong thổi tan, mặc kệ bay lên núi hay xuổng bể cũng được.
Xung đại sư hết sức lưỡng lự, y đổ mồi hôi sôi nước mắt đến giờ phút này toàn bộ đều là vì quyển sách kia, trong bụng nhủ thầm: “Có được nửa pho sách còn hơn không có, cứ giao người ra trước đã. Tịch Ứng Chân lời nói đáng ngàn vàng, đương nhiên sẽ không bội ước.” Nghĩ đến đây, y cười bảo:
– Thôi được, xem như ta chịu thiệt. Tịch chân nhân, ngài phải lập lời thề, ta giao tên tiểu tử này ra, ngài không được làm khó ba người bọn ta.
Tịch Ứng Chân trầm ngâm một thoáng, gật đầu ưng thuận:
– Ngươi cũng phải thề, sau khi ta chết đi, không được gây khó dễ cho hai đứa trẻ này.
– Được. – Xung đại sư giơ tay lên trời, cười khà khà nói: – Như những gì chân nhân bảo, ta mà phạm lời thề, phật Tổ sẽ giáng tội.
Nhạc Chi Dương nghe đến đây, nhịn không được hét lên:
– Đạo trưởng đừng tin lời y, y chỉ là hòa thượng trá hình, vốn dĩ không tin vào phật Tổ.
Tịch Ứng Chân nhìn gã cười khổ, giơ tay lên phát thệ:
– Bần đạo cũng xin thề, nếu ta làm khó ba người các ngươi sẽ bị trời tru đất diệt.
Xung đại sư vỗ tay cười lớn:
– Diệp cô nương, mang sách đến đây.
Diệp Linh Tô hất kiếm đẩy nửa bộ sách bay sang. Xung đại sư đón lấy, đoạn tươi cười xô Nhạc Chi Dương:
– Đi đi!
Nhạc Chi Dương ủ rũ đi đến bên cạnh Diệp Linh Tô, hậm hực nói:
– Đổi chác ta làm chi, sách đang ở trong tay chúng ta, xem y dám làm gì!
Diệp Linh Tô lườm mắt nhìn gã, kế đó trở tay nhét nửa bộ sách còn lại vào ngực áo. Xung đại sư biến sắc quát lên:
– Tiểu nha đầu, ngươi làm gì đó?
Diệp Linh Tô tỉnh bơ đáp:
– Tịch chân nhân là người quân tử, lời hứa đáng ngàn vàng, ta thì lại không được như vậy, Khổng Phu Tử từng nói: “Chỉ có hạng tiểu nhân và đàn bà là khó dạy”, vốn dĩ đàn bà con gái chúng ta và tiểu nhân là cùng một giuộc, nên cũng chẳng cần đem chữ tín ra giảng dạy.
Xung đại sư chỉ lo toan tính phía Tịch Ứng Chân chứ không hề đề phòng Diệp Linh Tô, xem ra lúc này đúng là vô cùng sai lầm. Nhạc Chi Dương cũng không ngờ Diệp Linh Tô lại nói được một câu hay như thế, trong lòng sướng rơn, lại thấy Xung đại sư mặt mũi rầu rĩ, không kềm được liền bật cười ha hả.
Xung đại sư hừ lạnh một tiếng, quát lớn:
– Tịch chân nhân, tiểu nha đầu nuốt lời, xem ngài giải thích thế nào?
Tịch Ứng Chân mỉm cười đáp:
– Đại hòa thượng ngươi tìm sai người rồi, pho sách này vốn là vật của Đông Đảo, Diệp cô nương mới là chủ nhân thật sự. Cô ấy thích làm sao thì cứ làm như vậy, bần đạo chẳng có quyền gì xen vào.
Xung đại sư nghẹn họng chẳng biết nói gì, hồi lâu mới thở dài:
– Bỏ đi, đúng là “Cả ngày đánh ngỗng trời cuối cùng lại bị mổ mù mắt” (*)! Tiểu nha đầu, xem như ngươi lợi hại.
(ND chú: câu này ví von con người luôn có những sai lầm, ngựa cũng có lúc trật vó. Thường dùng ám chỉ kẻ quá tự tin, sơ suất mà mắc phải sai lầm không đáng)
– Kể cũng đáng đời ngươi! – Diệp Linh Tô hừ lạnh: – Cái này gọi là “gậy ông đập lưng ông”, đối phó với hạng người không đáng tin như ngươi, ta chẳng cần phải giữ chữ tín làm gì.
Xung đại sư hừ lạnh một tiếng, đi thẳng đến trước cánh cửa bằng đồng. Cửa gồm hai cánh khép chặt vào giữa, khe cửa dùng đất sét trát kín, có thể xem là bí gió. Hòa thượng dùng tay đẩy thử một cái nhưng cánh cửa chẳng chút suy suyển, tuy trên người y bị thương nhưng cú đẩy này vẫn có sức mạnh hơn trăm cân, cửa đồng im ỉm như thế đủ thấy nó vững chắc cỡ nào.
Nhạc Chi Dương nổi tánh hiếu kỳ cũng bước lên quan sát. Trúc Nhân Phong liếc nhìn gã, trợn mắt cười lạnh:
– Mẹ nó, bày đặt ra vẻ chính nhân quân tử, kết cuộc cũng mò đến đây. Tiểu tử thối, ta nói cho ngươi biết, những thứ trong mộ đều đã có chủ rồi, ngươi muốn cuỗm đi thứ gì thì cũng giống như “cám treo heo nhịn” mà thôi! Tiếc thay, tiếc thay!
– Ai bảo ta là chính nhân quân tử chứ? – Nhạc Chi Dương cười hì hì đáp: – Ta thấy lớp cửa này còn dày và cứng hơn da mặt ngươi, nếu Trúc huynh muốn vượt qua thì e là “rùa nước đòi lên trời” rồi! Tiếc thay, tiếc thay!
Trúc Nhân Phong nổi sùng, thé thé rít lên:
– Thằng nhãi chó chết, ngươi cứ thử chửi lần nữa xem ông có xẻo cái lưỡi ngươi xuống không?
– À, được! – Nhạc Chi Dương cười thách: – Ngươi mà không xẻo thì chính là cháu chắt của ta đấy.
Trúc Nhân Phong chẳng qua chỉ muốn phô trương thanh thế, có Tịch Ứng Chân ở đây chống lưng, hắn thật sự không dám làm càn, mà như thế hóa ra hai chữ “cháu chắt” này hắn phải mang tiếng. Nhất thời hắn giận đến hai mắt trắng dã, lỗ mũi thở phì phò.
Hai người ở một bên đấu võ mồm, bên kia Xung đại sư lại như không hề nghe thấy. Y quan sát đánh giá cánh cửa đồng một lúc, đoạn rút từ trong tay áo ra một mũi khoan thép, trông như một cái thước gập, mảnh mai mềm dẻo, dài khoảng hơn một thước, đầu mũi dây vô cùng bén nhọn.
Tịch Ứng Chân trông thấy khoan thép, mặt thoáng đổi sắc, bảo:
– Giỏi nhỉ, ngay cả chìa khóa Quải Đinh mà ngươi cũng mang theo. Đại hòa thượng, ngươi quả nhiên là có chuẩn bị mà đến.
– Quá khen! – Xung đại sư dùng khoan thép chọc thủng đi lớp đất sét, một luồng khí hôi hám ùn ùn túa ra, mọi người ai nấy đều bịt mũi lui lại. Đến khi mùi hôi tản đi, Xung đại sư mới tiếp cận khe hở ngắm nghía rồi gật gù: – Quả nhiên là đá Tự Lai!
Đá Tự Lai là một hòn đá lớn, hình dáng dài hẹp, từ xa xưa chuyên dùng để phong bế cửa mã. Vào thời khắc hai cánh cửa chưa đóng chặt thì đặt đá này tựa vào sau cửa, lúc khép lại đá Tự Lai sẽ theo đó lọt xuống, chêm khít vào giữa khe, giúp cho cánh cửa khóa chết từ bên trong.
Hòn đá này một khi đã rơi xuống, nếu muốn mở cửa, không có chìa khóa Quải Đinh chắc chắc không thực hiện được. Xung đại sư đưa mũi khoan thép lòn qua khe cửa rồi khẽ vặn nhẹ, chìa khóa Quải Đinh quay ngoắt, hóa thành một mảnh chữ thập. Xung đại sư dùng mảnh chữ thập này chịu lực từ hòn đá Tự Lai, khí dồn lên hai tay, quát trầm một tiếng: “Mở!” Viên đá theo đó bật mạnh ra đằng sau, rớt xuống đất đánh cộp một tiếng.
Xung đại sư thu hồi chìa khóa Quải Đinh, giơ tay đẩy nhẹ một cái, cánh cửa đồng mở toang đón luồng ánh sáng tràn vào bên trong, hầm mộ trước mặt cũng dần dần lộ ra.
Không gian trong mộ hết sức vuông vức, vừa nhìn đã bao quát ngay: bên trái là mấy hàng giá treo chất đầy đao-thương-kiếm-kích, vì thời gian tàn phá mà đa phần binh khí đã hư hỏng cả; bên phải là ba cái rương sắt lốm đốm rỉ sét, chẳng biết là chứa đựng thứ gì; còn chính giữa hầm mộ là một tòa thạch tháp cao khoảng hai người cộng lại, hình dạng thon dài.
Không đợi cho Xung đại sư réo gọi, hai tên Minh-Trúc vội vã xông vào bên trong tranh giành mở rương. Chỉ thấy bên trong chiếc rương thứ nhất đựng mấy món đồ cổ đã lốm đốm han gỉ, trông không được bắt mắt cho lắm; chiếc rương thứ hai chứa kinh Phật và tranh chữ, đa số đã bị ẩm mốc hư hỏng; đến chiếc rương thứ ba vẫn là mấy món gốm sứ, vật dụng vàng bạc.
Những món bên trong tuy không phải là đồ vật tầm thường nhưng cũng chẳng phải thứ quý giá. Hai kẻ nọ không khỏi thất vọng, quyết tâm “đã cướp thì không về tay trắng”, vì vậy mạnh ai nấy lo gom góp chung vàng chén bạc nhồi nhét cả vào ngực áo. Tịch Ứng Chân và Diệp Linh Tô đứng ngoài lạnh nhạt quan sát, không khỏi nảy sinh cảm giác khinh thường. Mấy vật bồi táng trong rương có lẽ chính là những vật dụng yêu thích của Thích Ấn Thần lúc sinh thời, tiếc thay vẫn không thoát khỏi bàn tay bẩn thỉu của hai kẻ nọ.
Nhạc Chi Dương bản tính tò mò, thấy bọn chúng đang bận bịu chiếm giữ rương sắt liền bước sang giá binh khí xem xét. Binh khí phần lớn đều trần trụi, sớm đã lóm đóm hoen gỉ, chỉ trừ một thanh kiếm còn nằm nguyên trong vỏ, gác trên góc tường, chuôi kiếm theo kiểu cổ xưa, ngoài vỏ được bọc sắt.
Nhạc Chi Dương nhặt thanh kiếm lên, tiện tay rút ra, chợt nghe một tiếng rền khe khẽ, nhất thời hàn khí tỏa ngập, thân kiếm lộ ra khỏi vỏ một nửa, sắc kiếm màu xanh biếc như nước thu, soi được cả râu tóc.
Hai tên Minh-Trúc đơ mắt há mõm, bọn chúng chỉ chăm chăm lật xem rương sắt, chẳng ngờ giữa đống đồng nát phế thải thế này lại có cất giấu một thanh bảo kiếm. Trải qua hơn năm trăm năm, thân kiếm vẫn còn ngời sáng như mới, chỉ bằng vào điểm này thôi cũng đủ thấy đây đúng là một bảo vật hiếm có khó tìm.
Nhạc Chi Dương chìm đắm trong luồng ánh sáng, tỉ mỉ quan sát thân kiếm, bên dưới lưỡi kiếm có khắc một hàng chữ nho nhỏ, bút tích cổ xưa khiến gã không thể đọc được. Tịch Ứng Chân bèn tiếp lấy kiếm, nhẩm đọc: “Chân Cương Đoạn Ngọc!” Thình lình đôi mày nhướng cao, ông ồ lên một tiếng, bật thốt:
– Đây chính là kiếm Chân Cương trong Việt Vương Bát Kiếm.
– Việt Vương Bát Kiếm? – Nhạc Chi Dương thắc mắc: – Đó là thứ gì?
Tịch Ứng Chân khẽ vuốt thân kiếm, thần thái nghiêm trang:
– Tương truyền vào thời Xuân Thu, Việt Vương Câu Tiễn lấy kim loại ở Côn Sơn, dẫn nước của Xích Tuyền, triệu tập danh tướng đúc ra tám thanh kiếm, một trong tám thanh kiếm ấy chính là Chân Cương. Kiếm này cắt ngọc chém vàng hệt như đâm bùn vót cây, không hề kém cạnh so với các thanh kiếm như Cự Khuyết, Trạm Lư (*). Vốn nghĩ đây chỉ là truyền thuyết, nào ngờ thật sự trên đời có thanh kiếm này tồn tại, tính ra nó đã trải qua hơn hai nghìn năm tuổi, sắc tựa lụa thu, hoa văn lấp lánh, hoàn toàn không có một vết tích hư hại nào.
(ND chú: Cự Khuyết và Trạm Lư đều là những thanh danh kiếm thời Xuân Thu cổ đại, cùng với Thừa Ảnh, Thuần Quân, Ngư Trường, Thái A, Long Uyên, Công Bố hợp thành “Bát hoang danh kiếm”, trong danh sách đó không có tên Chân Cương, có lẽ là sáng tạo của tác giả …)
Diệp Linh Tô nhíu mày:
– Làm gì có loại kiếm nào nghìn năm không hư hỏng chứ, có lẽ chỉ là vật giả mạo mà thôi!
Tịch Ứng Chân cười bảo:
– Thử thì biết ngay!
Dứt lời ông nhặt một cái lư đồng trong rương sắt ném ra ngoài, tiếp đó nhẹ nhàng vạch một đường kiếm, “keng” một tiếng, lư đồng bị chẻ làm hai mảnh, vết đứt sáng bóng thẳng tắp, hệt như dùng dao cắt đậu hủ.
Tịch Ứng Chân mỉm cười:
– Đây còn gọi là “Chân Cương Đoạn Ngọc”.
Ông nhìn Diệp Linh Tô vẫn tỏ vẻ không phục, bất giác bật cười:
– Ừ thì kiếm này tuy có sắc bén thật nhưng luận về chất kiếm vẫn không bì được với Thanh Li.
Diệp Linh Tô nghe câu này xong mới cảm thấy thỏa ý, liên tục gật đầu.
Hai tên Minh-Trúc lỡ mất dị bảo trong khoảnh khắc, hối hận không thôi, cứ trừng mắt nhìn Nhạc Chi Dương với vẻ thèm thuồng. Tịch Ứng Chân trông thấy cảnh đó, khe khẽ nhíu mày, đưa kiếm lại cho Nhạc Chi Dương, căn dặn:
– Giữ gìn cẩn thận, không được vứt đi đấy.
Nhạc Chi Dương vui vẻ đáp:
– Ngài cho ta à?
Tịch Ứng Chân lặng im gật đầu, trong lòng nghĩ: “Đây vốn là vật tuẫn táng, lấy đi như vậy có điểm không thỏa, nhưng chúng ta không lấy thì nó cũng rơi vào tay bọn ác nhân mà thôi.
Xung đại sư nãy giờ đứng chắp tay làm ngơ, giờ mới cười giả lả:
– Nhạc lão đệ có được danh kiếm, thật là đáng vui đáng mừng.
Nhạc Chi Dương tra kiếm vào vỏ, cười đáp:
– Cùng vui cùng vui, nếu không nhờ hòa thượng ngươi thì thanh kiếm này cũng không có cơ hội xuất thế.
Trúc Nhân Phong phun đánh phèo, nhiếc móc:
– Một cây kiếm quèn thì có gì hay ho? Cho dù có tốt cách mấy mà người dùng kiếm không ra gì thì cũng chỉ phí phạm.
– Chua quá, chua quá! – Nhạc Chi Dương giơ tay ra phẩy phẩy trước mũi: – Vị chua này ghê gớm thật.
Trúc Nhân Phong đang định nổi sùng thì Xung đại sư đã cản lại:
– Tịch chân nhân, tòa thạch tháp này ông có ý kiến gì không?
Tịch Ứng Chân đáp:
– Đây là tháp niết bàn của nhà Phật, đặt tại nơi này đúng là dở dở ương ương.
Xung đại sư khẽ mỉm cười:
– Thích Ấn Thần vốn xuất thân nhà Phật, vì lý do gì đó mà hoàn tục, có lẽ lúc về già ngài ấy bỗng nhiên giác ngộ tìm về cửa Phật, sau khi chết đi cũng muốn an táng theo nghi thức Phật môn.
Tịch Ứng Chân vuốt râu hỏi:
– Nói như vậy, di cốt ông ấy hiện đang ở trong tháp?