Linh Phi Kinh

Chương 29: Cô Đảo Vô Song (5)


Đọc truyện Linh Phi Kinh – Chương 29: Cô Đảo Vô Song (5)

Xung đại sư cười bảo:

– Chân nhân không giống chúng ta, ngài là Đế Sư của Đại Minh, thống lĩnh Đạo giáo cả thiên hạ, chuyện tốt đẹp trên đời đều hưởng thụ cả rồi, những thứ khác đâu còn ở trong mắt của ngài nữa. Võ công của Thích Ấn Thần tuy ngài biết nhưng không lấy, không phải vì ngài không thể mà là không cần đến mà thôi!

– Lạ nhỉ? – Tịch Ứng Chân điềm giọng: – Ngươi biết rõ tâm tư ta như vậy, vì sao còn phải phí nước bọt thuyết phục?

– Không vì gì cả! Chỉ là, yêu cầu này của ta, chân nhân không thể không đồng ý.

Tịch Ứng Chân cười khà khà, vỗ tay:

– Thú vị, thú vị, ngươi muốn dùng võ công bức ép ta nghe theo ngươi à?

– Không dám! – Xung đại sư cười đáp: – Nhưng Tịch chân nhân ngài có biết, vì sao ta lại giao Thiên Cơ Thần Công Đồ cho ngài không?

Tịch Ứng Chân nói:

– Do bức bách không có sự chọn lựa nào khác, lẽ nào còn có lý do khác ư?

– Không hẳn, không hẳn! – Xung đại sư lắc đầu: – Hòa thượng bình sinh làm việc gì cũng không để ai ràng buột. Tịch chân nhân, ngài có tin hay không, ta có thể giao sách cho ngài thì cũng có thể thu hồi lại đấy.

Tịch Ứng Chân nhướng mày:

– Nếu ta không tin thì sao?

– Được thôi! – Xung đại sư khẽ mỉm cười, chắp tay nói: – Vậy thì chúng ta bốn ngày sau gặp lại.

Tịch Ứng Chân thoáng biến sắc, đôi mi nhướng cao. Nhạc Chi Dương cũng giật thót trong bụng, nhìn sang Diệp Linh Tô. Thiếu nữ khẽ cắn môi, mặt mày tái nhợt.

Im lặng một lúc sau, Tịch Ứng Chân từ từ cất tiếng:

– Đại hòa thượng, ngươi cũng biết về chuyện “Nghịch Dương Chỉ” sao?

– Trước khi chân nhân kịp đuổi theo, Minh tôn chủ đã mang toàn bộ chuyện kể hết cho ta biết. Tịch chân nhân thân mang kỳ thương, nếu như không ai cứu chữa, chỉ có thể sống được bảy ngày. Minh huynh nhẩm tính kỹ lại, lẫn cứu chữa gần nhất là vào ba hôm trước, cách ngày phát tác chỉ còn bốn hôm nữa. Cách thức chữa trị trên đời này chỉ có hai người biết được, một ở xa tận Côn Luân, một thì chẳng biết đi đằng nào, sức kiên nhẫn của bần tăng cao lắm, chỉ cần chờ hết bốn ngày nữa, quyển sách ấy tự nhiên sẽ trở về tay mà thôi.

Tịch Ứng Chân hừ một tiếng:

– Đại hòa thượng, ngươi vọng tưởng à? Trong bốn ngày tới, ta có thể hủy đi pho sách này bất cứ lúc nào.

– Tùy ý chân nhân thôi. – Xung đại sư mỉm cười, ánh mắt lóe lên sắc lạnh: – Nhưng khi ấy chân nhân đã cưỡi hạc về Tây rồi, không có Thiên Cơ Thần Công Đồ làm vật bảo hộ, thủ hạ của ngài – một nam một nữ – e là không ổn cho lắm.

Tịch Ứng Chân trầm ngâm giây lát, thở dài nói:

– Đại hòa thượng , nói như vậy là ngươi muốn ép ta phải giết ngươi rồi.


Xung đại sư bật cười:

– Chân nhân bản tính nhân hậu, nếu muốn giết ta thì đã giết từ lâu rồi, sao phải chờ đến bây giờ?

Tịch Ứng Chân chẳng nói gì thêm, chỉ chăm chăm nhìn Xung đại sư một lúc, đoạn từ từ lên tiếng:

– Hòa thượng, bản chất của ngươi lanh lợi mạnh mẽ, đầu óc thông minh, Kim Cương Môn chỉ một nhánh đơn truyền, lệnh sư chọn ngươi làm đồ đệ quả thực là không chọn sai. Đáng tiếc, tài và đức lại không đi cùng nhau, ai đó từng nói “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”(*), nếu không có đức hạnh, lại thiếu đi tài hoa, thì chỉ gây tội ác thêm nhiều. Đại hòa thượng, nếu ngươi còn chút lương tri, hãy sớm hồi tâm chuyển ý mà quay lại, đừng phụ lòng kỳ vọng của lệnh sư nữa.

(ND chú: nguyên văn câu trên là “Tài Vi Đức Chi Tư, Đức Vi Tài Chi Suất” có nghĩa là tài năng là nhờ đức hạnh mà ra, đức hạnh là kim chỉ nam dẫn lối cho tài năng phát triển. Mình dịch vui, mượn câu nói của 1 ai đó cho nó quen tai vậy ^^)

Xung đại sư gật gật đầu:

– Tịch chân nhân, ta và ngài tuy quen biết chưa nhiều, nhưng ta kính nể ngài ba phần. Tiếc rằng phục quốc là chuyện trọng đại, chỉ có thể tiến không thể lùi, chân nhân một mực cố chấp kiên định, hòa thượng đành phải chờ qua bốn ngày, bốn ngày sau ta nhất định sẽ trở lại thỉnh giáo cao chiêu.

Nhạc Chi Dương nghe đến đây, nhịn không được nhảy xồ ra quát lớn:

– Lừa trọc, chỉ cần Nhạc Chi Dương ra còn một hơi thở, ngươi đừng mong tổn hại đến một sợi tóc của Tịch đạo trưởng.

Minh Đấu cười gằn:

– Thằng chó con, bản lĩnh không tới đâu mà miệng mồm cũng mạnh ra phết.

Nhạc Chi Dương giễu lại:

– Ta là chó con, còn nhà ngươi là phường chó săn, suốt ngày lẩn quẩn theo đuôi con lừa trọc chờ đớp phân của hắn.

Minh Đấu mặt mày sừng sộ, ưỡn người toan xông lên, chợt thấy Xung đại sư quay người bỏ đi, lão đành phải nín nhịn cái tôi cá nhân lại, hằn học nhìn Nhạc Chi Dương một lúc rồi lục tục đi theo sau y.

Diệp Linh Tô không nhịn được lớn giọng gọi:

– Tịch đạo trường, khách khí với bọn ác nhân này làm gì, ba người chúng ta hợp sức chưa chắc gì không cự lại bọn chúng.

Tịch Ứng Chân mặt lặng như nước, lắc đầu bảo:

– Vào trong động rồi nói.

Ba người vào trong động, Nhạc Chi Dương rải cỏ lát cành dưới nền hang ổn thỏa xong xuôi, Tịch Ứng Chân lặng lẽ hồi lâu chợt bảo:

– Nhạc Chi Dương, tiểu cô nương, đúng như hòa thượng vừa nói, ta chỉ còn sống được bốn ngày, có vài chuyện hậu sự cần dặn dò…

Nhạc Chi Dương nghe đến đây, trong lòng xốn xang không thôi, cao giọng bảo:


– Tịch đạo trưởng, ông đừng vội nản lòng, trời không tuyệt đường sống của con người đâu, nhất định có thể nghĩ ra cách gì đó mà!

Tịch Ứng Chân lắc đầu cười khổ:

– Nghịch Dương Chỉ một khi phát tác sẽ đối nghịch với khí huyết trong cơ thể, trừ khi khiến cho khí huyết toàn thân chảy ngược còn không thì đừng mong hóa giải. Khí huyết cơ thể vận hành vốn theo trật tự nhất định, muốn khiến cho nó đảo chiều cũng khó tin như chuyện làm cho trời trăng xoay ngược, đất trời đổi chỗ vậy.

Nhạc Chi Dương vừa nghe vừa sinh lòng tuyệt vọng, chợt Diệp Linh Tô trầm tư nói:

– Khí huyết chảy ngược không hẳn là không làm được, năm ấy “Tây Côn Luân” Lương Tiêu từng sáng chế ra một loại Chuyển Âm Dịch Dương Thuật, có thể khuấy đảo ngũ hành, xáo trộn âm dương.

Tịch Ứng Chân mỉm cười:

– Cô nương nói đúng, “Chuyển Âm Dịch Dương Thuật” chính là căn cơ của Nghịch Dương Chỉ. Tây Côn Luân suốt đời hành động theo cảm tính, trước nay không màng đến hậu quả. Ông ấy tạo ra Nghịch Dương Chỉ cốt ý muốn tìm tòi nghiên cứu võ học, kết quả khi lưu truyền hậu thế lại thành ra một hình phạt dày vò con người ta hết sức tàn khốc.

Nhạc Chi Dương nghe xong chợt khấp khởi hy vọng, vội nói:

– Diệp cô nương, cô là nữ… nữ đệ tử của Vân đảo vương, chẳng lẽ không học qua môn Chuyển Âm Dịch Dương Thuật này hay sao?

Gã nhất thời nhanh mồm, suýt thì thốt ra hai tiếng “nữ nhi” (con gái).

Diệp Linh Tô khẽ lắc đầu:

– Môn tâm pháp này được Lương Tiêu truyền lại cho Hoa Kính Viên, Hoa Kính Viên lại truyền cho tổ sư Vân Đình, học được một nửa, tổ sư Kính Viên bỗng nhiên mất tích, cho nên tổ sư Vân Đình cũng chưa luyện xong. Về sau, tuy ngài đã tìm cách bổ sung hoàn chỉnh nhưng chung quy vẫn không thể bằng được tâm pháp gốc, để tu luyện được nó thì rủi ro sẽ rất lớn. Tu vi của ta thấp kém, đảo vương sợ ta tẩu hỏa nhập ma cho nên không truyền thụ cho ta.

– Tiếc thật, tiếc thật!

Nhạc Chi Dương hận thiếu điều giẫm chân đấm ngực. Tịch Ứng Chân thì lại thản nhiên như không, ông bảo:

– Ý trời đã vậy, cải cũng không được. Có lẽ số bần đạo phải bỏ lại hòn đảo này. Trang Tử khóc vợ còn khua chum mà hát(*), sự sống cái chết, tính toán để mà làm gì?

(ND chú: tích “Trang Tử khóc vợ” như sau: 

Vợ Trang Tử chết, Huệ Tử lại điếu, thấy Trang Tử đang ngồi soạc chân ra, gõ nhịp vào cái vò mà hát, Huệ Tử bảo: “Ăn ở với người ta, người ta nuôi con cho. Nay người ta chết, chẳng khóc đã là bậy rồi lại còn gõ nhịp vào cái vò mà hát, chẳng phải bậy lắm sao?”

Trang Tử nói: “Không phải vậy. Khi vợ tôi mất, làm sao tôi không thương xót? Nhưng rồi nghĩ lại thấy lúc đau, nhà tôi vốn không có sinh mệnh; chẳng những không có hình thể mà đến cái khí cũng không có nữa. Hỗn tạp ở trong cái khoảng thấp thoáng mập mờ, mà biến thành khí, khí biến thành hình, hình biến ra thành sinh mệnh. Bây giờ sinh lại biến ra thành tử, có khác gì bốn mùa tuần hoàn vận hành đâu? Nay nhà tôi đã nghỉ yên trong cái nhà lớn (tức là trời đất), mà tôi còn ồn ào khóc lóc ở bên cạnh thì tôi không hiểu lẽ sống chết rồi. Vì vậy mà tôi không khóc.”)

Ông càng an phận lạc quan, cõi lòng Nhạc Chi Dương càn thêm khó chịu. Nghĩ đến tình nghĩa hôm sớm có nhau suốt hai năm nay, nhất thời trái tim gã hụt hẫng, chua xót cơ hồ chực rơi lệ.

Bỗng nghe Tịch Ứng Chân lại nói:


– Ta còn sống một ngày, Xung đại sư sẽ không dám đến kiếm chuyện. Sau khi ta chết, y nhất định sẽ nghĩ ra trăm phương ngàn kế đối phó hai đứa. May mà Nhạc Chi Dương lanh trí, ép y giao ra Thiên Cơ Thần Công Đồ. Pho sách này có can hệ đến đại nghiệp phục quốc của bọn Mông Nguyên, cho nên có thể khống chế được y. Nhạc Chi Dương, pho sách này ta giao lại cho ngươi giữ gìn, bất kể thế nào cũng phải bảo vệ bình an cho Diệp cô nương.

Lão đạo nói đến đây, tay cầm quyển sách đưa cho thiếu niên. Diệp Linh Tô trong bụng phật ý: “Quyển sách này là vật của Đông Đảo ta, sao lại giao cho cái tên ranh ma này chứ? Hắn ngoài ăn không nói có thì còn bản lĩnh nào đáng kể đâu? Hứ, còn nữa, hắn có tài đức gì mà đòi bảo vệ bình an cho ta?”

Đang bất bình, cô chợt thấy Nhạc Chi Dương đứng đực ra đó, không hề nhận lấy quyển sách. Tịch Ứng Chân không vui bảo:

– Nhóc con, ngây ra đó làm gì?

Nhạc Chi Dương lắc đầu:

– Đạo trưởng, một ngày ông còn chưa chết, chúng ta sẽ tiếp tục tìm biện pháp, chỉ cần ông còn một hơi thở sau cùng, quyển sách này vẫn do ông bảo quản.

Tịch Ứng Chân chau mày:

– Nhóc con, ngươi trước giờ thông minh, sao lúc khẩn cấp như vầy lại không chịu hiểu đại cuộc vậy?

– Đạo trưởng đánh giá cao ta rồi – Nhạc Chi Dương cười khổ: – Ta chỉ là gã lưu manh ven sông Tần Hoài thì hiểu cái gì mà đại cuộc tiểu cuộc chứ? Ta mà tiếp sách thì há chẳng phải đã ngầm công nhận ông chết chắc hay sao? Lấy cái chết của đạo trưởng đổi lấy hai tính mạng bọn ta, Nhạc Chi Dương vạn lần không làm được!

Tịch Ứng Chân vừa giận vừa cảm động, liên tục lắc đầu:

– Thằng nhóc nhà ngươi, đúng là lừa mình dối người.

Nói đến đây, ông nhắm mắt lại, lạnh lùng bảo:

– Thôi vậy, hai đứa ra ngoài cả đi.

Nhạc Chi Dương lặng lẽ lui ra khỏi hang động, dõi nhìn mặt biển xa xăm đằng trước, nghĩ đến tiền đồ gian nan mờ mịt, cõi lòng cảm thấy buồn rười rượi. Chợt gã ngửi thấy một mùi hương ngan ngát, đưa mắt nhìn lại, hóa ra Diệp Linh Tô đã đứng bên cạnh từ lúc nào. Đôi tròng mắt của cô trong như thủy tinh, lặng im nhìn gã hồi lâu, chợt thốt:

– Vừa rồi, ngươi làm rất đúng.

Nói dứt lời, mặt hoa phớt hồng, cô phất tay áo xoay người đi về phía xa.

Một lúc sau, cô quay trở lại, trên tay ôm theo vô số đất sét, kế đó bày ra mặt đất, nặn thành hình thù chén đĩa. Nhạc Chi Dương hiểu ý của cô, tinh thần trở nên phấn chấn, liền tiến lên trợ giúp. Hai người chẳng ai nói với ai lời nào, ngồi đối diện cùng nắn đất, tạo hình mâm to chén nhỏ, thau chậu các loại, tiếp đó dựng bếp lò để nung gốm.

Sau khi nung gốm xong, Nhạc Chi Dương bắt về một con dê núi, lại mượn của Diệp Linh Tô một mũi kim châm, uốn thành hình lưỡi câu, tuốt sợi tơ làm dây, câu lên hai con cá lớn, đem băm nhuyễn thịt dê dồn hết vào bụng cá, trải qua quá trình chế biển tỉ mỉ, sau cùng đã hoàn tất món “Ngư Dương Tiên” bưng vào trong hang động.

Vốn dĩ cá tanh dê hôi, nhưng sau khi trải qua một phen chưng cất, không những mùi tanh hôi bay biến đi mất, mà hương thơm còn bốc lên ngào ngạt, vào miệng rồi càng trở nên tuyệt hảo, vì cá dưới biển cần nhai thật kỹ, nên còn có thêm một mùi vị mằn mẵn hòa quyện. Tịch Ứng Chân nếm thử rồi khen ngợi không ngớt lời, quên mất cơn bực bội lúc nãy, cười khà khà bảo:

– Hai từ “Ngư”(鱼) và “Dương”(羊) hợp lại thành chữ “Tiên”(鲜), cổ nhân thật không lừa ta. Nhạc Chi Dương , ngươi làm món này chứ có biết về lai lịch của nó không?

Nhạc Chi Dương cười trừ:

– Ta chỉ là kẻ vá áo túi cơm, làm đồ ăn thì biết chứ lai lịch của nó thì mù tịt.

Tịch Ứng Chân nói:

– Bắc chuộng thịt dê, Nam chuộng món cá, hai thứ này tưởng chẳng dính dáng gì nhau, nào ngờ đến thời Xuân Thu, nước Tề bỗng xuất hiện một kỳ tài nấu nướng, tên gọi là Khiếu Dịch Nha, là đầu bếp của Tề Hoàn Công…


– Ta có nghe về nhân vật này! – Hàng mi của Diệp Linh Tô khẽ nhướng lên: – Hắn ta chẳng phải là một tên đại gian thần ư?

– Nấu ăn thì không liên quan đến trung hay gian. – Tịch Ứng Chân xua xua tay: – Gian thần từ xưa đến nay đa phần đều là những nhân vật cực kỳ thông minh. Triệu Cao tinh thông luật lệnh, Thái Kinh thư pháp tuyệt diệu, Tần Cối là trạng nguyên của Đại Tống, văn chương tự nhiên trôi chảy. Tên Dịch Nha này tuy nhân phẩm không tốt nhưng tài nấu nướng thì lại được trời phú cho. Hắn dùng phương pháp độc quyền, mang cá Nam dê Bắc kết hợp lại với nhau, trong bụng cá có chứa thịt dê, điều chế ra một món mỹ vị hảo hạng. Tề Hoàn Công sau khi thưởng thức xong liên tục khen ngon, từ đó càng thêm tín nhiệm hắn ta. Có câu “Cá tanh dê hôi”, ý bảo chỗ khó nhất ở đây chính là khử đi mùi tanh hôi mà không phạm đến chất vị vốn có của dê và cá, vừa ngon vừa phân biệt rõ ràng, nếm vào là biết đâu là vị cá đâu là vị dê.

Nhạc Chi Dương vội hỏi:

– Đạo trưởng đánh giá món ăn của ta thế nào?

– Không tệ, không tệ. – Tịch Ứng Chân vuốt râu cười: – Vừa ngon vừa tươi, chẳng kém cổ nhân là mấy. Ta chỉ lấy làm lạ, thằng nhóc nhà ngươi từ đâu học được món ngon thế này?

Diệp Linh Tô nghe xong cũng thấy tò mò, ánh mắt chuyển sang liếc trộm Nhạc Chi Dương, thấy gã cười khì khì:

– Nào có học ai đâu, toàn là do đói bụng mò ra đó! Cha ta lười nhác đến nỗi không phân biệt được ngũ cốc, thà nhịn đói đọc sách chứ không chịu động vào bếp núc, ta mà không biết nấu ăn nữa thì chắc sống không nổi. Hơn nữa, do tiền nong eo hẹp, không mua được thịt heo thịt dê trong chợ, nên ta thường cùng Giang Tiểu Lưu ra vùng ngoại ô tìm các món ăn dân dã, bắt chước theo đám đầu bếp của thanh lâu, lâu ngày dài tháng cũng học được cách chế biến vài món ăn. Hai vị không biết chứ nói đến ẩm thực thì đầu bếp giỏi nhất kinh thành toàn ở bến sông Tần Hoài cả đấy, các món ăn họ làm đa dạng phong phú lắm, ngay cả ngự trù ở Tử Cấm Thành cũng không bì được đâu!

Nói đến đây gã tự cảm giác buồn cười, nhưng thấy hai người còn lại đều đang ngây ra nhìn mình. Nhạc Chi Dương hiểu ra suy nghĩ bọn họ, nhưng tính tình gã cứng cỏi, ghét nhất là bị người khác thương hại, lập tức cố ý bảo:

– Hai vị, món này nên dùng khi còn nóng, để nguội rồi hương vị tanh hôi sẽ phát tán trở lại, vậy thì ăn không ngon đâu.

Tịch Ứng Chân thở dài bảo:

– Tay của Nhạc Thiều Phượng là để cầm bút khảy đàn, bắt ông ta lo liệu việc nhà thì đúng là phí tài. Lạ thật, ông ta sa sút đến như vậy, ngay cả bản thân còn không thèm quan tâm, vì sao còn thu nhận ngươi làm con nuôi nhỉ?

Câu nói này khiến cho Nhạc Chi Dương lại nhớ đến miếng ngọc bội hình bán nguyệt trên ngực, trước mắt cũng hiển hiện rõ ràng bút tích trong di thư của Nhạc Thiều Phượng năm ấy, xiết bao hoài nghi dâng ngập cõi lòng, hệt như sóng biển đại dương cồn cào xô đẩy. Bất chợt gã cảm thấy cục hứng, chả thiết ăn uống nữa, bèn đứng dậy đi ra khỏi hang động.

Lúc này sắc trời đã xế vãn, mặt biển lấp lánh ánh bạc hắt lên ngọn núi ở đằng sau, thoạt trông như một cây cột trụ bằng ngọc được phết mỡ dê bóng bẩy, trước núi là rừng tùng nhấp nhô, làn nước được nhuộm dưới ánh trăng trong vắt như thể dát bạc trên nền tuyết, liên tục xạt xào cuộn sóng.

Nhạc Chi Dương chứng kiến khung cảnh này, nỗi phiền muộn trong lòng cũng dần giảm đi. Gã vứt bỏ tạp niệm, lấy lại tinh thần, chạy một mạch lên trên mỏm đá ngầm nhìn khắp bốn phía, tứ bề là cỏ đá vây quanh, một cơn gió biển len qua rừng thổi đến, âm thanh lúc lớn lúc bé, lớn thì như cọp sư gầm rống, bé hệt như tiếng quỷ thều thào.

Nhạc Chi Dương nhắm mắt lại, các loại tiếng động to nhỏ thảy đều ùn ùn lọt vào trong tai gã, tiếng gió hay tiếng sóng thì không bàn đến, cả tiếng lá rơi khe khẽ, tiếng ngư long vượt sóng, lẫn cùng tiếng ri rỉ ra rả trong Hải Âm Mộng Điệp Trận cũng không đánh rơi một nhịp nào khỏi màng nhĩ của gã.

Rồi bất tri bất giác, tâm tư của gã bay bổng lên cao, len lỏi qua biển sao trời, tư tưởng lớn lao ùn ùn thoát ra, gom tụ dung hợp thành một thể thống nhất. Trạng thái này như mộng mà không phải mộng, diệu hoặc vô cùng, từ nhỏ đến lớn nó luôn ẩn giấu trong lòng gã, mỗi khi chán nản tuyệt vọng, buồn bã u phiền, chỉ cần tiến vào bên trong cảnh giới này thì sẽ lấy lại được hưng phấn.

Qua một lúc sau, Nhạc Chi Dương mở bừng hai mắt, thân thể mềm yếu lờ đờ nhưng tinh thần lại hết sức linh hoạt nhạy bén. Gã dõi nhìn biển cả, chỉ thấy sóng cuộn nhấp nhô hệt như một tấm lụa đào đen bóng lấp loáng. Quan sát một hồi, gã đưa sáo ngang miệng, trước tiên thổi “Dương Minh Thanh Vị Chi Khúc”, lại tấu đến “Thái Âm An Tì Chi Khúc”, thổi được một nửa, mình mẩy trên dưới như thể bị nhúng vào nước nóng, nhiệt tỏa hầm hập ấm áp, khí cơ rót vào lỗ chân lông, từng sơi lông tơ trên người như muốn dựng ngược lên.

Đột nhiên, hào quang trong người Nhạc Chi Dương lóe sáng, gã nảy ra một ý nghĩ đáng kinh ngạc: “Muốn phá Nghịch Dương Chỉ cần phải để cho khí huyết chảy ngược, nếu đem “Chu Thiên Linh Phi Khúc” đảo lại, không thổi “Dương Minh Thanh Vị Chi Khúc” mà trước tiên thổi điệu “Dương Kiểu” trong tám điệu của kỳ kinh, biết đâu có thể khiến cho khí huyết chảy ngược thì sao?”

“Chu Thiên Linh Phi Khúc” tổng cộng có hai mươi hai khúc nhạc tương ứng với mười bốn kinh và tám mạch của kỳ kinh, dựa theo thứ tự mà thổi ra, khí huyết sẽ chuyển động theo nhạc điệu, vận hành theo đường chính đạo của kinh mạch. Chiếu theo đạo lý này, nếu thổi xáo trộn hai mươi hai khúc nhạc thì có lẽ chân khí vận hành cũng sẽ chảy ngược theo.

Nghĩ đến đây, Nhạc Chi Dương có một sự phấn khích lạ lùng, trong màn đêm tăm tối đã tìm thấy chút ánh sáng le lói cuối cùng, nếu như dùng tiếng sáo đảo chiều khí huyết, vậy thì bài toán “Nghịch Dương Chỉ” khó nhằn đã tìm ra lời giải.

Gã hăm hở bắt đầu từ bài cuối “Dương Kiểu Điệu”, thổi một lượt hai mươi hai khúc nhạc thay đổi trật tự. Ở “Dương Kiểu Điệu” chưa thấy gì khác biệt, thổi đến bài thứ hai “Âm Kiểu Điệu”, gã chợt thấy chân khí như nóng dần lên, tả xung hữu đột trong hai mạch “Dương Kiểu” và “Âm Kiểu”, hỗn loạn đến mức huyệt đạo kinh mạch ngầm nhói đau.

Hai kinh mạch này thuộc kỳ kinh bát mạch, khí mạch hết sức yếu ớt, như có như không, sau khi luyện thành kỳ kinh bát mạch, có được chân khí sung mãn rồi mới có thể ung dung dẫn dắt. Vì vậy trên đời này, chiếu theo luyện khí chính tông thì hai mạch “Dương Kiểu” và “Âm Kiểu” đều ở vào giai đoạn tu luyện cuối cùng, Nhạc Chi Dương làm như vậy, căn bản là đang làm trái với lẽ trời.

“Âm Kiểu Điệu” còn chưa thổi xong, luồng khí nóng hôi hổi càng lúc càng bành trướng, hệt như một con rắn nhỏ bị nhốt trong hai mạch, trườn quẫy lung tung khiến cho kinh mạch tê ngứa buốt đau, khó chịu khôn tả. Nhạc Chi Dương vốn định bỏ cuộc, thế nhưng cứ nghĩ đến tính mạng của Tịch Ứng Chân không còn bao lâu nữa, gã lại cắn răng cố chịu đựng. Gã thổi đi thổi lại hai khúc “Dương Kiểu”, “Âm Kiểu” đến bảy tám lượt, cổ chân khí nọ vẫn không có động tĩnh, đang cảm thấy tuyệt vọng thì bất chợt cảm thấy mạch “Dương Kiểu” nhảy giật lên một cái, chân khí nhanh như chớp chạy thoát ra trước, vượt qua trở ngại trùng trùng, đi theo một đường lối trước nay chưa từng có đổ dồn vào mạch “Âm Kiểu”.

Nhạc Chi Dương mừng rỡ khôn xiết, vội thổi khúc thứ ba “Dương Duy Điệu” để đưa chân khí dẫn nhập vào mạch “Dương Duy”. Nào ngờ chân khí đi đến đây lại bị trì trệ không tiến thêm được, lại càng lúc càng nóng, hơi nóng xuyên qua cơ thể ra ngoài. Nhạc Chi Dương bất giác mồ hôi vã như tấm, gã thổi đi thổi lại mấy lần đều phí công vô ích, đột nhiên gã thở phì một hơi buông sáo xuống không thổi tiếp nữa.

Đang cơn chán chường, gã chợt nghe một tràng âm thanh phành phạch vang lên. Từ trên không trung sà xuống một thứ gì đó trắng loa lóa.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.