Bạn đang đọc Liêu Uyển Hồng – Chương 38
Chương 31: Cuối cùng đã đưa “Cách mạng đỏ” đến Mĩ
Ann Abor – nơi đem đến cho Tuyết Nhung tình bạn và sự giúp đỡ trong những lúc khó khăn nhất, cuối cùng cô cũng đã quay lại đó. Cô nhanh chóng trở lại là một sinh viên. Bây giờ, ngoài việc lên lớp, mỗi ngày cô đều dành thời gian cho “Hiệp hội giáo dục phụ nữ tự bảo vệ mình trong hôn nhân”. Nhờ những đóng góp của các tập thể và cá nhân, quỹ quyên góp của hội đã lên đến năm trăm nghìn đô la Mĩ, vượt qua cả sự trông đợi của tất cả mọi người. Đặc biệt có một nhà từ thiện còn góp vào đó hai trăm nghìn đô la. Mặc dù không biết người đó là ai, nhưng Tuyết Nhung vô cùng cảm kích và biết ơn hành động này của ông ta. Chính vì có khoản tiền lớn này, mà hội của cô mới có thể thuận lợi thành lập và hoạt động. Đầu tiên, họ thuê hai văn phòng nhỏ ở cạnh trường, bạn thân của cô là Mia xung phong làm thư kí của hội. Họ đã kêu gọi được một số nữ sinh cấp ba và phụ nữ đã lập gia đình tham gia. Ngoài ra sự góp mặt của Ngô Vũ và Tim cũng giúp cho hội không giống như những hội phụ nữ thông thường khác, mà giống như một tổ chức đa phương trong đó tất cả thành viên đều rất nhiệt tình và có mục đích rõ ràng.
Mỗi người góp một thanh củi sẽ làm nên một ngọn lửa lớn. Chỉ sau một tháng ngắn ngủi, họ đã phát hành được tờ tạp chí “Kim chỉ nam hướng dẫn phụ nữ cách tự bảo vệ mình trong hôn nhân”. Số xuất bản đầu tiên đã nhận được rất nhiều phản hồi trên mạng. Khẩu hiệu của tờ báo đã nã một hồi súng, làm chấn động giới giáo dục, giới pháp luật, giới phụ nữ, giới tôn giáo luôn giữ thái độ hòa bình suốt bao lâu nay. Nó là đảo lộn những điều khoản luật pháp và tư tưởng vốn đã được xã hội mặc định suốt một thời gian dài, làm dư luận dậy sóng. Họ tranh luận liệu có nên đưa giáo dục về tình yêu và hôn nhân vào bậc mẫu giáo? Liệu có cần thiết để xếp nó thành một môn học bắt buộc trong các trường cấp hai, cấp ba như những môn Toán, Anh? Liệu có nên trừng phạt những kẻ vi phạm khế ước hôn nhân như những kẻ không tuân thủ hợp đồng thuê nhà? Tuyết Nhung và những người trong hội của cô không chỉ châm ngòi kíp nổ bằng tờ tạp chí kia, mà còn xây dựng những bài giảng miễn phí về tình yêu và hôn nhân trên mạng. Họ sưu tầm được rất nhiều bài viết và nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến vấn đề này từ các tạp chí và trang web ở khắp nơi trên thế giới, sau đó thảo ra hai cuốn “Kim chỉ nam cho hôn nhân” và “Sổ tay tự bảo vệ”. Nội dung chính xoay quanh việc chuẩn bị thế nào trước khi tiếp xúc với người khác giới, làm thế nào để làm quen với người khác giới, hẹn hò thế nào, thăm dò đối phương thế nào, kết hôn thế nào, đối mặt với việc thất tình thế nào, chia tay thế nào, tự bảo vệ mình khi ly hôn thế nào v.v… Trong đó bao gồm cả những câu hỏi trắc nghiệm khi hai người hẹn hò và cả cách tính chỉ số hạnh phúc sau hôn nhân. Chỉ trong một tuần đã có hàng chục ngàn phụ nữ đăng kí vào đọc những bài giảng trực tuyến miễn phí này. Cùng lúc đó, Tuyết Nhung còn mở thêm một chuyên mục và hòm thư của riêng mình trên mạng, sau đó mời một số chuyên gia về hôn nhân và luật sư của các vụ ly hôn tư vấn miễn phí cho những cô gái bị thất tình hay những phụ nữ đang đối mặt với vấn đề ly hôn.
“Trời ơi! Cô gái người Trung Quốc đó đã mang “Cách mạng đỏ” của Trung Quốc đến Mĩ rồi!” “Làm dấy lên một cuộc Cách mạng trên đất Mĩ trong thời đại không cần đến Cách mạng!” Đó chính là sự kinh ngạc mà báo giới dành cho cô. Bọn họ tìm hiểu mọi thứ liên quan đến thân thế và hoàn cảnh của Tuyết Nhung: “Sự báo thù của một phụ nữ Trung Quốc với xã hội Mĩ sau khi cô ta bị một “nhị thiếu gia” người Mĩ bỏ rơi!” Bọn họ thậm chí còn biết cả ý nghĩ sau cái tên Trung Quốc của cô. “Tuyết Nhung” trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là hoa tuyết, dịch sang tiếng Anh là “Edelweiss”, cũng là tên một bài hát trong bộ phim điện ảnh “m thanh của âm nhạc”. Song, đóa hoa tuyết “nhỏ bé trắng muốt, long lanh tinh khiết, mong manh dễ vỡ” này lại có thể làm nên một cuộc cách mạng chấn động lòng người.
Tuyết Nhung có hàng ngàn hàng vạn fan ở khắp nơi. Khi tìm thấy ảnh cô trên mạng, người ta mới biết cô chỉ là một cô gái trẻ người Trung Quốc, cao năm thước bốn tấc, để tóc đen dài và có một cặp mắt phượng xinh đẹp. Vậy nên, cuộc cách mạng của cô không chỉ thu hút sự tham gia của đông đảo phụ nữ mà còn được cánh đàn ông quan tâm và hứng thú. Lúc này, Tuyết Nhung đã trở thành một ngôi sao thực sự, chứ không phải là ngôi sao nổi tiếng bất đắc dĩ vì những trò đùa lòe thiên hạ của Lancer. Cô đã dành được sự quan tâm và tôn trọng của công chúng nhờ trí tuệ, lòng tin, tình yêu thương, lòng nhiệt tình, và sức hút của bản thân. Một số kênh truyền hình chính của Mĩ còn mời cô đến tham gia các chương trình phỏng vấn. Mỗi lần như vậy, cô lại ngậm ngùi kể về mẹ, về bà nội, bà ngoại, cụ ngoại và chuyện về những người đàn ông xấu trong dòng họ của cô. Dù bận rộn học tập và làm việc thế nào, cô vẫn kiên trì dẫn đoàn đến nói chuyện và thuyết phục Quốc hội cũng như Bộ Giáo dục. Chẳng bao lâu sau, người ta đã quên tên thật “Đinh Tuyết Nhung” của cô, mà bắt đầu gọi cô bằng cái tên “mẹ đỡ đầu cho những người phụ nữ ly hôn”. Đó là tên gọi thứ hai mà Tuyết Nhung có được sau cái tên “mẹ đỡ đầu cho những phụ nữ có chồng ngoại tình”. Nếu mẹ cô còn sống đến ngày hôm nay, nếu như bà có thể thấy nỗi đau mà những người phụ nữ trong dòng họ đã phải chịu đựng là không uổng phí, lòng oán hận và ấm ức của họ cuối cùng cũng đã được hóa giải vào đời của cô, thậm chí còn trở thành động lực cho những người phụ nữ thế hệ sau tự suy xét và tự cứu lấy mình, thì chắc bà sẽ được an ủi phần nào. Đã biết bao lần, Tuyết Nhung thầm thở dài trong lòng khi nghĩ như vậy.
Người ta thường nói: “Đằng sau mỗi người đàn ông thành công luôn có một người phụ nữ ưu tú.” Song đối với Tuyết Nhung: “Sau mỗi người phụ nữ thành công luôn có vài người đàn ông ưu tú.” Và những người đàn ông sau Tuyết Nhung chính là Ngô Vũ và Tim. Ngoài học tập và công việc của bản thân, họ dành hầu hết thời gian để giúp cô thực hiện cuộc cách mạng vĩ đại của mình. Tuyết Nhung trước giờ chưa từng hỏi tại sao họ lại làm vậy? Và bọn họ cũng chưa một lần tự hỏi bản thân tại sao mình lại làm vậy? Tất cả mọi thứ đều rất tự nhiên, không cần có lí do, cũng không vì một động cơ gì, mà chỉ nhằm một mục đích duy nhất: giúp ngày càng nhiều người có được cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và bền vững. Có thể nhiều người sẽ nghĩ, mục đích này không thực tế, nó chỉ giống như một trò chơi con trẻ hay lí tưởng của Plato. Nhưng đối với Tuyết Nhung và những người bạn của cô, đây là một sứ mệnh và lý tưởng thiêng liêng đáng để họ cống hiến tâm huyết và sức lực của mình. Ba người họ cùng bắt tay tổ chức những chương trình âm nhạc từ thiện và biểu diễn cùng nhau trên sân khấu. Thông thường, Tuyết Nhung và Ngô Vũ sẽ kéo vĩ cầm, còn Tim sẽ đệm cho họ. Tất cả những ai đã từng nghe họ biểu diễn đều không ngừng xuýt xoa trước những bản nhạc sâu sắc và thuần khiết của họ. Vì ba người thường xuyên xuất hiện bên nhau nên cùng được lên mặt báo, vì cùng thảo ra những bài phát biểu, nên cũng cùng xuất hiện trong các buổi họp báo. Dần dần, người ta gọi họ bằng cái tên “ba tay thiện xạ”. Đối với một phụ nữ đã ly hôn như Tuyết Nhung, Tim và Ngô Vũ chính là gia đình của cô. Cô vừa mất đi một gia đình, giờ lại có một gia đình thực sự khác. Trong gia đình đó, cô được yêu thương, được quan tâm và ủng hộ. Nếu như là trước đây, cô sẽ coi đó là chuyện đương nhiên và không mảy may quan tâm đến những tình cảm này. Song bây giờ, cô đã biết cách trân trọng tất cả những gì quanh mình: bạn bè, người thân và sự hi sinh mà có lẽ cả đời này e rằng cô cũng không thể đền đáp.
Đó là vào một đêm giữa mùa hạ. Ngô Vũ được công ty cử đi công tác ở miền Tây. “Ba tay thiện xạ” chỉ còn lại Tuyết Nhung và Tim. Hai người dự định sẽ đến thành phố gần Ann Abor để biểu diễn thường niên cho một tổ chức dành cho phụ nữ. Ngoài những bản nhạc cổ điển của châu u, Tuyết Nhung còn biểu diễn thêm bản nhạc “Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài” dành cho vĩ cầm. Tuyết Nhung nghĩ đây có lẽ là bản nhạc hay nhất, cảm động nhất của lịch sử Trung Quốc cận đại. Khi cô kéo nốt nốt nhạc cuối cùng, cả hội trường vẫn ngồi im bất động. Một chốc sau, khán giả mới bừng tỉnh, sau đó tặng cô một tràng vỗ tay như sấm dậy: “Trời ơi! Hay quá đi mất! Trước giờ tôi chưa từng được nghe một bản nhạc phương Đông nào cảm động đến như vậy!” “Câu chuyện tình yêu hồ điệp này thật quá cảm động!”
Buổi biểu diễn kết thúc, ban tổ chức có một buổi chiêu đãi bên ngoài sân khấu. Tuyết Nhung được hoan nghênh như một vị anh hùng. Một bà mẹ lớn tuổi dẫn theo con gái đến trước mặt Tuyết Nhung nói: “Cô đúng là một thiên thần! Cô đã giúp đứa con gái vừa ly dị chồng này của tôi có dũng khí để sống tiếp”. Có một bà mẹ khác cũng dẫn hai cô con gái sinh đôi đến chỗ Tuyết Nhung: “Cảm ơn cô đã dạy cho hai thế hệ phụ nữ chúng tôi cách để tự bảo vệ mình! Cô thật là giỏi! Chúng tôi sẽ luôn ủng hộ cô!” Còn có một nhóm nữ sinh cầm áo phông chạy đến xin Tuyết Nhung chữ ký: “Chị là thần tượng mới của chúng em! Ở trường em đang phát động phong trào ký tên yêu cầu nhà trường bổ sung thêm môn học về tình yêu và hôn nhân”.
Khi buổi chiêu đãi kết thúc, cùng Tim đi ra khỏi nhà hát, mặt Tuyết Nhung vẫn ửng hồng vì sung sướng. Sự nỗ lực của cô, nói đúng hơn là sự nỗ lực của họ cuối cùng cũng đã gặt hái được kết quả. “Những phụ nữ bình thường đã nhận thức được sự tồn tại của họ, điều này đã khẳng định cách làm của chúng ta, quan trọng hơn là sự giúp đỡ của chúng ta đã cứu được cuộc đời của biết bao người phụ nữ bất hạnh”.
Lúc này, lòng Tuyết Nhung bỗng trào dâng niềm hạnh phúc của người chiến thắng. Niềm hạnh phúc này lớn hơn rất nhiều so với niềm vui khi giành giải trong các cuộc thi đàn hoặc giành được học bổng. Đó chính là niềm hạnh phúc của xã hội, niềm hạnh phúc vì việc làm của cô đã có những tác động tích cực đến cuộc sống của hàng ngàn hàng vạn người. Niềm hạnh phúc này khiến cô thấy mãn nguyện, và hiểu được ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Bỗng nhiên, cô thấy khóe mắt mình ươn ướt vì xúc động. Cô thầm cảm ơn tất cả mọi người trên thế giới này, cảm ơn những người đã luôn ở bên cô, dìu cô bước qua những đường hầm tăm tối nhất của cuộc đời, để cô được một lần nữa nhìn thấy ánh sáng rực rỡ.
“Tim”, Tuyết Nhung dừng bước bên cạnh một khóm hoa tỏa hương thơm ngát, say đắm lòng người. Trong màn đêm, Tim ngạc nhiên quay đầu lại hỏi: “Gì vậy?”
“Cảm ơn anh đã là bạn của em! Bây giờ em kéo tặng anh một khúc nhạc nhé!” Nói đoạn, cô liền đặt hộp đàn trên vai xuống đất, lấy đàn ra kẹp vào giữa vai và cằm: “Bây giờ, anh không còn là bạn diễn của em nữa, mà là một người vô tư và cao thượng, đáng được nghe một bản nhạc biểu diễn riêng cho mình”.
Tim ngồi xuống một tảng đá đặt trước khóm hoa. Lúc này chỉ còn lại màn đêm yên tĩnh. Hương hoa tràn ngập khắp không gian, hòa trong tiếng đàn du dương trầm bổng:
Tiếng đàn của em
Vượt qua màn đêm
Nhẹ nhàng bay đến bên anh
Bên gốc cây bình yên
Người yêu ơi em đang đợi anh
Ánh trăng sáng trong chiếu rọi khắp không gian
Những ngọn cây đang than thở
Những ngọn cây đang than thở
Sẽ chẳng có ai đợi chúng ta
…
Mắt Tim ngấn lệ. Trong màn đêm huyền ảo ngào ngạt hương hoa, hình ảnh người con gái kéo đàn vĩ cầm thật xinh đẹp biết bao, lộng lẫy biết bao. Cô ấy là cô gái đáng được đàn ông trên toàn thế giới này yêu thương và trân trọng. Từ lần đầu tiên nhìn thấy cô ấy trong phòng tập đàn của khoa nhạc, cô ấy vẫn luôn ở trong trái tim anh. Thời gian trôi qua, ấn tượng về cô mỗi ngày một khắc sâu trong anh. Lúc vừa mới bắt đầu, anh cũng không hiểu tình cảm mà mình dành cho Tuyết Nhung là gì? Là bạn diễn? Là bạn? Hay là huynh trưởng? Nói tóm lại, anh không hiểu tại sao mình luôn thích ở bên cô. Cho dù cô đã có Lancer, có Ngô Vũ và có rất nhiều vệ tinh xung quanh, nhưng anh vẫn cố chấp, vẫn âm thầm gắn bó với cô như hình với bóng với danh nghĩa một người bạn diễn, một người bạn thân.
Khi gần ba mươi tuổi, Tim đã gặp rất nhiều phụ nữ, cũng đã yêu không biết bao nhiêu lần, trong số đó có cả các cô gái người Mĩ, Ấn Độ, Trung Quốc, nhưng Tuyết Nhung không hề giống họ. Vẻ đẹp bề ngoài của phụ nữ có thể dùng mắt để nhìn, dùng ngũ quan bình thường của một người đàn ông để cảm nhận. Nhưng vẻ đẹp đặc biệt của Tuyết Nhung không thể nhìn thấy và cảm nhận bằng mắt mũi và ngũ quan thông thường, mà chỉ có những người đàn ông có tâm hồn đồng điệu mới cảm nhận được và biết trân trọng vẻ đẹp đó. Nhìn cô ấy từ một cô gái bé nhỏ kéo vĩ cầm, trải qua những đau đớn của cuộc đời mới có được ngày hôm nay, lòng Tim bỗng rạo rực. Anh không muốn tiếp tục kìm nén tình cảm của mình nữa. Anh không muốn tiếp tục chỉ là bạn diễn trong cuộc đời cô, cũng không muốn bận tâm đến những suy nghĩ của Ngô Vũ. Anh muốn ngắm nhìn cô, cầm tay cô cùng đi hết cuộc đời này.
Một cơn gió nhẹ nhàng thổi qua, làm lay động những khóm hoa trước mặt. Phía xa xa, lá cây xào xạc, đất trời dường như đang trút tiếng thở dài.
Sau khi Tuyết Nhung kéo xong bản nhạc, Tim vẫn ngồi im bất động, ánh mắt nhìn về phía xa xăm. Cô đi đến bên, cúi người gọi anh thật khẽ: “Tim.” Nhưng Tim vẫn nhìn ra xa, dường như không nghe thấy tiếng gọi của cô. “Tim, chúng ta đi thôi.” Tuyết Nhung lại khe khẽ nói.
“Tối nay cho anh nắm tay em bước đi được không?”
Tuyết Nhung không chút do dự, chìa tay về phía Tim. Dưới ánh trăng huyền ảo, hai người dắt tay nhau đi đến bãi đỗ xe. Đó là buổi tối đáng nhớ nhất mà Tim đã từng trải qua. Anh được nắm tay một người con gái xinh đẹp, được cảm nhận niềm hạnh phúc từ bàn tay của mình. Anh thấy trái tim mình tối nay cũng giống như một cung đàn, và mỗi bước chân họ đi là một nốt nhạc đẹp đẽ nhất đang được tấu lên. Thực sự, anh ước ao sẽ mãi mãi được cùng Tuyết Nhung sánh bước bên nhau như thế này.