Liêu Uyển Hồng

Chương 18 part 3


Bạn đang đọc Liêu Uyển Hồng – Chương 18 part 3

Mẹ tôi vô cùng hài lòng với công việc giáo viên dân lập này. Bà cho rằng thật đúng là ông trời có mắt, đã run rủi bà lựa chọn đến nơi này, được sống và làm việc với những nông dân, học sinh ngây thơ thuần phác ở đây, cuối cùng cũng rời xa được bể khổ. Giai đoạn ngụ lại nơi này làm giáo viên dân lập chính là giai đoạn vui vẻ nhất trong cuộc đời của mẹ.
Mẹ và cha tôi quen nhau trong thời gian này. Mẹ tôi là thanh niên trí thức của đội sáu, còn cha tôi là người ở đội hai. Phía sau nơi mẹ tôi ở có một con sông nhỏ, trên sông có một phòng xay gạo, đến tận đêm khuya vẫn chưa nghỉ vì còn phải xay gạo cho xã viên. Bên cạnh phòng xay gạo có một phòng chuyên để dụng cụ, sau khi mẹ tôi nghỉ dạy học trở về đội sáu, đội trưởng liền quyết định sắp xếp cho mẹ tôi đến ở ở cái phòng chuyên để dụng cụ, có duy nhất một phòng và một cái sân ấy. Đó là sự đãi ngộ ưu ái nhất trong toàn bộ thanh niên trí thức của công xã. Đội trưởng nhận thấy nhà của người nữ thanh niên trí thức này so với nhà của những bạn thanh niên trí thức khác xa hơn rất nhiều, phải đi tàu hai ngày hai đêm mới đến, cho nên đã đặc cách chiếu cố cho mẹ. Lại cộng thêm việc mẹ tôi đích xác là một người nữ thanh niên xuất sắc, người nào gặp cũng đều yêu mến, viết đẹp vẽ đẹp, hát hay múa giỏi, những người dân ở vùng quê này đặc biệt yêu quý và tôn trọng mẹ.
Dòng sông nhỏ mà tôi vừa nhắc đến ở trên, là một dòng sông đã có từ lâu đời, với dáng dấp rất cổ xưa. Nó như một dải lụa hẹp chảy vòng quanh uốn lượn kéo dài mãi nối liền cả mấy đội sản xuất với nhau, sau khi nó chảy xuyên qua vùng đất mà đội sáu ở thì hướng tiếp ra xa, chảy qua một vùng đất khác, cũng có thể là nhờ con sông này, nhờ chính sự êm đềm lặng lẽ của nó đã kết nối nên một mối tình vô cùng đẹp đẽ giữa cha và mẹ tôi.
Từ đội sáu đến đội hai, mẹ theo bờ sông mà đi, thì có lẽ là đi hết khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ. Giờ đây chẳng hiểu vì sao mà mẹ tôi không thể nhớ cho rõ ràng được vì sao mà lúc ấy mẹ lại quen cha. Mẹ chỉ còn nhớ một việc đã khiến cho mẹ xúc động vô cùng, vĩnh viễn không bao giờ quên. Đó là sau mỗi lần mẹ từ trường học hoặc kết thúc công việc của một ngày trở về, việc đầu tiên sau khi mở cửa phòng là vội vội vàng vàng đi nấu cơm, rồi ăn thật nhanh. Thông thường sau khi ăn cơm xong thì lúc đó trời cũng đã tối. Bấy giờ mẹ đi đến bên chiếc cửa sổ duy nhất ở trong phòng, ngồi xuống chiếc bàn gỗ đặt vuông góc với cửa sổ, dưới ánh sáng mù mờ của ngọn đèn lặng lẽ giỏng tai ra ngoài cửa sổ lắng nghe tiếng nước chảy của dòng sông và tiếng xay gạo vọng lại từ xưởng xay xát. Ở phía xa xa, thỉnh thoảng cũng vẳng đến một vài tiếng chó sủa và tiếng quát tháo của người nông dân đuổi trâu về nhà. Trong màn đêm tĩnh mịch thơm nồng mùi đất và tràn đầy những ân tứ mà đất trời ban tặng, mẹ tôi rất nhanh nghe thấy một tiếng “Cộp”, đó chính là tiếng của một hòn đá nhỏ ném lên cánh cửa sổ. Mỗi lần nghe thấy âm thanh này, mẹ liền lập tức mở toang cửa sổ, ngó đầu ra, lúc này mẹ sẽ nhìn thấy cha tôi lúc còn trẻ đang đứng ở phía đối diện bên bờ sông bên kia. Trên đầu cha đội một chiếc mũ bộ đội cũ, mặc bộ trang phục bộ đội hơi cũ – phong cách ăn mặc này của thanh niên trí thức lúc bấy giờ là rất mode. Còn cha, khi vừa nhìn thấy mẹ ngó đầu ra, liền toét miệng cười. Mẹ kể, trong đêm tối, mẹ chỉ nhìn thấy hai hàm răng trắng toát mà lúc cha cười lộ ra.
Chỉ cần biết chắc là mẹ đang ở nhà, cha sẽ dùng hai tay của mình trèo lên một cành cây lớn cong cong vươn từ bờ sông bên ấy sang bờ sông bên này, rồi tùy theo lực đàn hồi của nó mà nhún người nhảy một cái, nhảy đến bên dưới của cánh cửa sổ ở bờ bên này, sau khi chân giẫm lên cỏ và đá, liền vịn theo chân tường lần đi vào phía bên trong phòng để gặp gỡ mẹ tôi. Mỗi lần mẹ kể đến đoạn mà cha mẹ hẹn hò nhau vô cùng lãng mạn này, thì nước mắt mẹ đã giàn giụa trên mặt. Mẹ nói, lúc đó đang là thời kỳ “Đại cách mạng văn hóa”, trong thời đại độc ác vô nhân tính đó, cha mẹ vẫn có thể tìm được một điểm tựa an ủi trong tâm hồn, hưởng thụ được một chút tình cảm lãng mạn thuần khiết của nam nữ tuổi thanh xuân, đó thật là một kỳ tích.
Mẹ còn nhớ, có một đêm lúc cha nhảy sang và đẩy cửa bước vào, trong tay cha vẫn còn cầm một cuốn sách được gói bằng giấy dai, cha nói đây là một cuốn sách đẹp nhất trên đời này, muốn tặng nó cho mẹ. Khi mẹ nghe được câu nói này, phản ứng đầu tiên của mẹ là cảm thấy dường như tất cả những điều này đều như là số phận đã định sẵn như vậy, không thể cưỡng lại được. Đầu những năm 50, lúc cha mẹ của mẹ bắt đầu yêu nhau, món quà đầu tiên mẹ tặng cho cha cũng là một quyển sách.
Mẹ vội vội vàng vàng nhận quyển sách từ tay cha rồi mở ra xem, hóa ra đó là một cuốn sổ tay, là tập thư “Gitanjali” (Thơ Dâng)[2] của nhà thơ nổi tiếng Tagore[3] người Ấn Độ do cha tự tay chép:
Em đã làm cho tôi sống mãi
Làm như vậy là hạnh phúc của em

Vừa đọc đến hai câu mở đầu này, trái tim mẹ đã hoàn toàn rung động. Mẹ nói lúc ấy mẹ hình như chỉ muốn nín thở đọc một hơi hết cả tập thơ chép tay ấy của Tagore:
Dưới sự vuốt ve của đôi bàn tay em mềm mại
Trái tim bé nhỏ của tôi
Chảy tan ra trong niềm vui sướng vô bờ
Không thể cất lên những vần điệu rõ ràng
Phần thưởng lớn lao của em trút hết vào trong bàn tay nhỏ bé của tôi
Thời đại đã đi qua
Mà trong bàn tay tôi vẫn còn tràn đầy lượng dư thừa

…..
(Tạm dịch)
Trên trang giấy trắng cuối cùng của tập thơ, cha đã đề một câu thơ tặng mẹ để cùng động viên khích lệ:
Để chúng ta trên trạm nghỉ chân của tuổi thanh xuân lưu lại những dấu chân sâu đậm
Đó sẽ là những câu chữ tỏa sáng lấp lánh trong cuốn sách lớn của cuộc đời chúng ta.
Mẹ tôi kể, khi cha tặng tập thơ đó cho mẹ, đã tạo thành một cơn địa chấn rung động trong tâm hồn mẹ mà trước đó chưa từng có. Thanh âm tự nhiên của những câu thơ tuyệt đẹp ấy giống như rót những giọt quỳnh tương vào trong cuộc đời gian khổ của mẹ, một lần nữa thắp sáng lên niềm mơ ước và hy vọng của mẹ về tất cả những điều đẹp đẽ nhất ở trên thế gian này.
Ở thời kỳ đầu tiên khi tình yêu bắt đầu nảy nở, điều khiến mẹ cho đến giờ này vẫn nuối tiếc nhất chính là cho dù cha và mẹ mỗi tuần đều lén lén lút lút hẹn hò gặp gỡ nhau hai lần, nhưng cả hai người tuyệt đối chưa bao giờ vượt quá giới hạn cho phép: cả hai đều chưa hề bày tỏ tình yêu, chưa hề hôn nhau, thậm chí đến cầm tay nhau cũng còn chưa dám. Kiểu tình yêu trong sáng thuần khiết ấy lại khiến cả hai người vô cùng hạnh phúc, vượt qua cả không gian và thời gian. Bọn họ đã dựa sát vào nhau, kề vai nhau, sưởi ấm cho nhau, cùng nhau vượt qua những tháng năm gian khổ đó. Ngoài chân thành vẫn còn chân thành, ngoài thuần khiết vẫn còn thuần khiết.
Sau này, cuộc “Đại cách mạng văn hóa” cuối cùng cũng kết thúc, Trung Quốc khôi phục lại chế độ thi đại học, những việc phát sinh về sau, thật sự nên gọi đó là sự an bài của số phận. Cả hai người bọn họ chẳng biết run rủi thế nào mà cùng ở trong một thành phố. Mẹ tôi vẫn còn nhớ, lúc đó, cơ hội để mọi người được xem những bộ phim nước ngoài rất ít. Mỗi lần trường đại học của cha chiếu phim nước ngoài, việc đầu tiên là cha sẽ báo cho mẹ biết. Mẹ nói lúc ấy mẹ vô cùng sung sướng. Lúc mẹ đi đến hội trường lớn của trường đại học mà cha đang học để xem phim, ở đó sớm đã đông nghịt người, thật khó để có thể mau chóng tìm được cha. Thường thường những lúc ấy, cha sẽ đứng ở trên một chiếc ghế gỗ dài ở trong hội trường, nhìn chăm chú vào đám người đông đúc, rồi hướng về phía cổng chính vẫy tay thật cao khi nhìn thấy mẹ đi vào. Điều làm mẹ cảm động nhất là lúc ấy, trong tay cha còn cầm theo một tấm thảm nhỏ, cha luôn vì mẹ mà chuẩn bị chu đáo cả chỗ ngồi cho mẹ. Bởi vì là mùa đông, những chiếc ghế gỗ trong hội trường đều rất lạnh, cha sợ mẹ ngồi lâu sẽ bị cảm lạnh. Những hành động chăm sóc quan tâm nho nhỏ của cha như vậy, đều làm cho mẹ cảm thấy vô cùng ấm áp. Sau khi tốt nghiệp bốn năm đại học, bọn họ đều xin với trường đại học của mình ở lại cùng một thành phố.

Về sau, cũng giống như tất cả những cặp tình nhân may mắn trong thiên hạ, cả hai người cuối cùng cũng đã trở thành người một nhà, vài năm sau thì mẹ sinh tôi. Lúc sinh tôi ra, cuối cùng mẹ cũng đã thở phào nhẹ nhõm, cho rằng mình rốt cuộc cũng đã được giải thoát khỏi vận mệnh khủng khiếp của mấy đời phụ nữ trong gia tộc của mình, có thể là kẻ chuyên bóp chết tình yêu hôn nhân trong gia tộc của mẹ đã bị câu chuyện tình yêu chân thành giữa cha và mẹ làm cho cảm động mà nhờ vậy đã bỏ qua cho mẹ.
Trong ký ức của tôi, từ khi tôi bắt đầu hiểu chuyện, chúng tôi luôn là một gia đình nhỏ vô cùng hạnh phúc, tuy cha mẹ thỉnh thoảng cũng có những tranh cãi về vài sự việc nho nhỏ. Cả cha và mẹ tôi đều là giảng viên đại học, trường học của cha cách nhà khá xa, mỗi ngày đều tốn rất nhiều thời gian để đi làm, buổi tối lúc trở về nhà thì cũng đã mệt rã rời gân cốt. Cho nên, tất cả những việc như đưa tôi đến nhà trẻ, vào lớp, tan lớp, ba bữa ăn của tôi trong ngày, rồi việc học tiếng Anh, học đàn… tất cả đều do một mình mẹ cáng đáng.
Còn nhớ khi tôi sáu tuổi, có một hôm mẹ đột nhiên nói với tôi với vẻ rất bí mật: “Hôm nay là ngày sinh nhật của cha con, chúng ta sẽ dành cho cha một món quà thật đặc biệt: Hai mẹ con mình đi xe buýt đến trường học của cha đón cha về có được không?”
Chúng tôi xách chiếc bánh sinh nhật, chuyển mấy lần xe, mới tìm được đến trường học của cha, rồi lại phải đi vòng qua mấy tòa nhà lớn mới tìm được phòng làm việc của cha. Sau khi bước vào, không biết cha đi đâu, tôi và mẹ liền ngồi trong phòng làm việc của cha để đợi. Mẹ ngẫu nhiên kéo chiếc ngăn kéo ở phía dưới bàn làm việc của cha ra, phát hiện ở trong đó có một tập thư, bút tích trên bức thư rất đẹp, giống như nét chữ của một người con gái. Mẹ hiếu kỳ mở bức thư ra xem, trời ơi! Thì ra là bức tình thư của một người phụ nữ viết gửi cho cha. Mẹ vội vàng xem hết những bức thư còn lại, tất cả đều là những bức thư tình của cùng một người phụ nữ. Hai người bọn họ dùng từ “vợ chồng” để xưng hô với nhau, có lẽ đã được một thời gian rồi. Từ những bức thư này có thể biết được, người phụ nữ đó là nữ thư ký ở trong cùng một viện với cha. Số phận của mẹ mình giờ đây lại tái hiện trước mắt mẹ với cảnh tượng máu me đầm đìa: Mẹ cũng bị người đàn ông mà trước đây mẹ cho là người chân thành nhất, cao thượng nhất, trung thực nhất trên thế giới này phản bội.
Lúc mẹ tôi nhìn thấy những bức thư kia, thì cha cũng quay trở về phòng làm việc. Cha vừa nhìn thấy chúng tôi thì sững người lại, lúc cha nhìn thấy mẹ đang đọc những bức thư tình kia của cha, cha liền chạy ngay đến, giật lại tất cả những lá thư ấy từ tay mẹ, rồi nhét chúng vào trong ngăn kéo, khóa lại. Mẹ ngồi đờ ra, ngẩn ngơ thẫn thờ, sắc mặt trắng bệch, chẳng thốt ra được lời nào. Tôi cũng sợ run lập cập, không biết giữa cha mẹ đột nhiên đã xảy ra chuyện gì. Lúc này, cha ngay lập tức dùng sức cố gắng kéo mẹ ra khỏi phòng làm việc, nói một mạch: “Đây là nơi làm việc, mọi người đều là thầy cô giáo, có việc gì thì chúng ta về nhà hãy nói.” Tôi còn nhớ rất rõ biểu cảm trên gương mặt của cha lúc ấy, xem ra cha còn bình tĩnh hơn mẹ rất nhiều, vẫn ôn hòa nhã nhặn, giống như chưa từng phát sinh bất cứ chuyện gì.
Tôi và mẹ đã bị cha bắt ép như vậy rồi đưa về nhà.
Về đến nhà, mẹ tôi cố gắng kìm chế không để nước mắt tuôn rơi, hỏi một cách nghiêm túc về mối quan hệ của cha với người phụ nữ đó. Cha lại luôn miệng phủ nhận, còn nói mẹ là nói không thành có, dựng chuyện bịa đặt, vu cáo hãm hại cha. Cãi nhau cả một đêm, nhưng cũng chẳng có kết quả gì, buổi sáng hôm sau cha quay lại trường đi dạy học. Mẹ ở nhà càng nghĩ càng tức, càng nghĩ càng không hiểu, rõ ràng là cha đã sai, vậy mà lại còn có chết cũng không chịu nhận, cũng không xin lỗi, lại còn già mồm át lẽ phải, chẳng còn chút liêm sỉ nào. Mẹ không có cách nào chấp nhận được sự thật này. Thế là trong một phút tức giận, mẹ đã chạy thẳng đến trường của cha, tìm gặp lãnh đạo, tố cáo cha ngoại tình, muốn ly hôn với cha. Xã hội lúc ấy còn chưa mở cửa như bây giờ, những người có tư tưởng khoan dung, dễ dàng tha thứ cho việc này còn rất ít, họ thường đề ra những hình phạt rất nặng nề về chính trị và đạo đức cho những người mắc phải lỗi này.
Nhưng tuyệt đối không thể ngờ được là, cha tôi ở trước mặt lãnh đạo của mình, trèo lên bên cửa sổ của mấy tầng lầu cao đòi nhảy xuống dưới. Ông nói với lãnh đạo của mình, tất cả những chuyện này đề là do thần kinh của mẹ trong một thời gian dài bị suy nhược, đã sử dụng thuốc ngủ hơi nhiều nên tạo thành ảo giác như vậy, cha hoàn toàn bị oan. Cha tự mình dám thề với trời đất rằng mình tuyệt đối không làm những chuyện có lỗi như vậy đối với mẹ, nếu như mọi người không tin, cha sẽ từ bên cửa sổ này nhảy xuống, lấy cái chết để chứng minh cho sự trong sạch của mình. Tận mắt nhìn thấy cha định nhảy xuống, mẹ tôi vô cùng lo lắng, trái tim mềm nhũn, vội chạy lại kéo cha xuống. Lãnh đạo của cha nói với mẹ tôi: “Cô nói đồng chí này của chúng tôi có quan hệ bất chính với người phụ nữ khác, vậy cô có bằng chứng gì không?” Mẹ tôi ngẩn người, hai mắt trợn tròn chẳng nói được lời nào.
Cha và mẹ tôi từ đó trở đi không thể nào hòa thuận được nữa, hai người thường xuyên xích mích với nhau đến mức trở thành thù hận, cha cũng không quay về nhà ở nữa. Ông đi đến chỗ nào cũng nói mẹ có quan hệ không rõ ràng với thầy giáo Uông, một lòng muốn ly hôn với ông ấy, nên mới bịa đặt ra những lời nói dối rằng cha có quan hệ với người phụ nữ khác để vu cáo hãm hại cha, lăng nhục cha…
Việc cha đi đến đâu cũng tung tin đồn mẹ có quan hệ với người đàn ông khác, cũng bằng như là hủy hoại thanh danh của mẹ, làm cho tất cả những người không hiểu rõ chân tướng sự việc đều nhìn thấy mẹ là chỉ chỉ trỏ trỏ, cắt đứt tất cả những sự ủng hộ từ phía bên ngoài của mẹ, dồn mẹ đến chỗ chỉ còn một mình đấu lại với cha. Trong hoàn cảnh tứ bề khốn đốn, chỉ có mình gia đình nhà Ngô Vũ là luôn luôn kiên định đứng ở bên cạnh mẹ, giúp đỡ mẹ tất cả và an ủi động viên tinh thần cho mẹ.

Thời kỳ cha mẹ đang tranh cãi nhau việc ly hôn, tuy cuộc “Đại cách mạng văn hóa” đã qua đi được vài năm, nhưng xã hội Trung Quốc vẫn còn là một xã hội khá đóng khép, cổ hủ lạc hậu, phần tử trí thức đa số vẫn rất xem trọng danh tiết của mình. Cãi đi cãi lại, bộ mặt của cha ngày càng trở nên hung ác, mẹ thì trái lại lại không muốn ly hôn, mẹ không muốn để cho cha và người đàn bà kia tùy ý muốn làm gì thì làm như vậy, nhưng cuối cùng cha kiên quyết đòi ly hôn với mẹ, không ly hôn không được. Thời điểm ấy, hai vị giảng viên đại học đòi ly hôn, nếu như có một bên kiên quyết không đồng ý, mà bên kia lại nhất quyết phải ly hôn, thì quả thực là một việc cũng không dễ dàng gì, đặc biệt là trong tình trạng cả hai bên đều chỉ trích bên kia ngoại tình, mà không đưa ra được những chứng cứ xác thực, việc ly hôn đã khó lại càng thêm khó. Tuy nhiên, cha tôi lại vô cùng may mắn, người bác ruột của người phụ nữ cặp bồ với cha ở trong trường là người vừa có quyền vừa có thế, ngoài ra ông ấy còn có các mối quan hệ với bên ngoài, cha lợi dụng mối quan hệ và tiền bạc của cô ấy để hối lộ cho lãnh đạo của trường, cuối cùng cha cũng đã thành công trong việc ly hôn với mẹ, cha bước ra khỏi cuộc hôn nhân của chính mình mà hoàn toàn không bị chút tổn thương nào.
Ngoài tôi ra, mẹ tôi đã mất đi tất cả, bao gồm cả trái tim và sức khỏe của bà. Đối với đàn ông Trung Quốc và cả xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ, mẹ tôi hoàn toàn không còn chút niềm tin nào nữa.
Tôi còn nhớ có duy nhất một lần sau khi ly hôn, cha tôi quay về nhà để lấy đồ, lúc ấy mẹ không có ở nhà, chỉ có bà ngoại đang kèm cặp tôi. Cha đã cãi nhau với bà ngoại, cuối cùng cha quay lưng đi đến lấy chiếc đàn phong cầm mà mẹ tôi yêu quý nhất, cha nói chiếc đàn này là do ngày trước cha đã bỏ tiền ra mua cho mẹ, cho nên bây giờ cha phải lấy đi. Không chỉ có thế, cha còn đến giật chiếc chăn lông ấm duy nhất của nhà chúng tôi trong tay bà ngoại, nói đó là đồ mà nhà trường đã phát cho cha.
Cha đã vứt bỏ mẹ con tôi như vậy. Tôi cảm thấy có dùng cả cụm từ “cào gan xé ruột” thì cũng không đủ để hình dung trái tim vụn vỡ của mẹ tôi lúc đó. Nghĩ mà xem, một chàng thanh niên năm đó men theo dòng sông nhỏ đến tặng mẹ tập thơ đầy lãng mạn, chàng thanh niên đó đã cùng mẹ đầu gối tay ấp, ý hợp tâm đầu, vậy mà giờ đây lại giống như sài lang hổ báo, thực đúng là không bằng loài cầm thú.
Sau đó mẹ nói với tôi: “Nhung Nhi à, nếu như không phải vì con, mẹ đã sớm đâm đầu xuống sông Trường Giang rồi!”
Lúc đó, nhìn thấy cảnh ấy tôi đã vô cùng sợ hãi, nhưng may mà sau một thời gian dài, tôi đã không còn nhớ được vẻ mặt của cha tôi lúc đó.
Sau khi ly hôn với mẹ, cha tôi đã cùng người nữ thư ký đó lặng lẽ kết hôn, rồi thông qua mối quan hệ của cô ấy, cả hai người đã ra nước ngoài sinh sống. Lúc đó, đối với đại đa số những người dân Trung Quốc bình thường, xuất ngoại thực sự là một việc mà bất kể phần tử tri thức nào cũng vô cùng ngưỡng mộ và mơ ước. “Chẳng nhẽ chỉ vì muốn xuất ngoại mà ông ấy lại biến mình trở thành loài cầm thú ư?” Sau này lớn lên, có một lần tôi đã hỏi mẹ như vậy, mẹ nói: “Con gái ngoan, đó không phải là loài cầm thú, đó là thứ cặn bã!”
Lancer, trên đây, em đã kể cho anh nghe toàn bộ câu chuyện của gia đình em, anh có biết em đã dùng thứ tình cảm gì để viết ra câu chuyện này không? Em rất muốn biết anh đã dùng tình cảm gì để đọc hết lá thư dài dằng dặc kể những chuyện đến từ phương Đông chân thực đến mức không thể chân thực hơn được nữa. “Bị đàn ông ruồng rẫy và phản bội” dường như đã trở thành một số mệnh không thể nào vượt qua được của những người phụ nữ trong gia tộc em. Số mệnh này khiến cho mẹ em vô cùng lo sợ, sở dĩ bằng bất cứ lý do gì, mẹ đều muốn em đi nước ngoài du học, là bởi mẹ muốn em thoát khỏi số mệnh đáng sợ của rất nhiều đời phụ nữ Trung Quốc ấy. Trước khi qua đời, mẹ đã dặn em đến đất nước phương Tây này, mở to đôi mắt của mình để tìm “một người đàn ông có tấm lòng”. Cho dù, đến giờ này, em vẫn chưa thực sự hiểu hết ý nghĩa thực sự của mấy chữ “người đàn ông thực sự có tấm lòng”, nhưng em tin chúng ta đều có thể cảm nhận được sức nặng của mấy chữ này.
Sau khi đọc hết lá thứ này, nếu như anh cho rằng, anh chính là “người đàn ông thực sự có tấm lòng” mà em đang đi tìm, thì anh hãy lên tiếng nhé. Nếu như anh cho rằng anh không phải là người như vậy, thì xin anh đừng xuất hiện ở đây nữa, để chúng ta có thể từ lúc này âm thầm nói lời tạm biệt với đối phương trong trái tim mình, vĩnh viễn không bao giờ làm tổn hại đối phương!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.