Đọc truyện Liêu Trai Chí Dị – Chương 90: Chuyện ở đảo thần tiên
( Phấn Điệp)
Dương Viết Đán là sĩ nhân đất Quỳnh Châu. Dịp ấy chàng ta từ một quận khác trở về nhà, đi thuyền qua biển. Chẳng may gặp gió bão, thuyền sắp đắm, chàng vội nhảy sang một chiếc thuyền không vừa dạt tới. Nhìn lại, thuyền cũ đã đắm, mọi người trên ấy không thoát một ai.
Gió nổi càng dữ, chàng cứ nhắm mắt mặc cho muốn đến đâu thì đến. Khi trời lặng, mở mắt ra đã thấy một hòn đảo, nhà cửa san sát. Chèo thuyền vào bờ, đi thẳng đến cổng làng, trong làng không có tiếng chó sủa, gà kêu. Chung quanh một tòa nhà cổng quay hướng bắc, bóng tùng trúc ẩn hiện dưới sương mơ, trong tường vây không biết là cây gì mà nụ hoa chúm chím đầy cành mặc dù tiết đã bắt đầu đông.
Trước cảnh ngoạn mục ấy, lòng Dương đã thấy vui vui, liền quanh quẩn tìm vào. Trong nhà chợt có tiếng đàn văng vẳng. Dương ngập ngừng bước. Một cô hầu khoảng chừng mười bốn mười lăm, xinh xắn tươi đẹp, từ trong đi ra, vừa trông thấy Dương quay ngoắt vào. Tiếng đàn trong nhà ngừng bặt. Một chàng trai trẻ bước ra, hỏi khách từ đâu tới. Dương thuật lại từ đầu. Hỏi họ tên quê quán, Dương kể rõ ngọn ngành. Chàng trai sửng sốt:
– Hóa ra khách là người thân của vợ tôi.
Rồi vội thi lễ, dẫn khách vào nhà. Trong nhà trần thiết rất mực tinh tế, hoa lệ, tiếng đàn thánh thót ngân vang. Một cô gái trẻ chỉ khoảng mười tám mười chín, dáng vẻ lộng lẫy đang ngồi gảy đàn, thấy khách vào buông đàn định đi. Chàng trai giữ lại:
– Đừng vội, khách đây có họ với mình đấy!
Rồi kể tung tích khách. Thiếu phụ mừng rỡ:
– Thế là cháu tôi đó!
Rồi hỏi luôn:
– Bà cháu còn khỏe không? Cha mẹ cháu bao nhiêu tuổi rồi?
Dương thưa:
– Cha mẹ cháu đều ngoài bốn mươi, khỏe mạnh cả. Bà cháu đã sáu mươi, ốm yếu lắm, một bước cũng phải có người dìu. Cháu thực chưa biết cô thứ bậc thế nào trong gia tộc, xin cho được biết để khi về thuật lại.
– Đường xa cách trở, tin tức không thông đã lâu rồi. Cháu về thưa với cha: Cô Mười hỏi thăm, tự khắc cha cháu biết.
Dương lại hỏi:
– Thưa, dượng họ gì?
Người đàn ông đáp:
– Họ Ân, tên Hải Dư. Nơi đây là đảo thần tiên cách Quỳnh Châu ba nghìn dặm. Tôi ở đây cũng chưa lâu đâu.
Cô Mười vào nhà trong sai sửa soạn cơm rượu thết đãi khách, có nhiều món lạ. Dương chưa hề biết. Ăn xong họ dẫn nhau ra ngắm cảnh vườn đào mận còn đangủ nụ. Dương ngỡ ngàng, Ân giải thích:
– Ở đây mùa hè không nắng nhiều, mùa đông không rét lắm, hoa nở liên tiếp bốn mùa.
Dương hí hửng:
– Thế thật là cảnh tiên. Cháu về thưa với cha mẹ chuyển nhà đến đây ở với cô dượng.
Ân chỉ mỉm cười.
Khi trở vào thư phòng, Dương thấy có cây đàn đặt ngay giá sách, có ý xin được nghe. Ân liền nắn cần, so dây gọi cô Mười từ trong nhà đi ra:
– Lại đây! Lại đây! Mình gảy cho cháu nghe một khúc.
Cô Mười ngồi xuống hỏi cháu:
– Cháu muốn nghe bản nào?
Dương thưa:
– Cháu chưa từng đọc về sách đàn, cho nên không biết thế nào mà nói.
– Thế cháu cứ nêu đề tài ra, cô đều có thể ngẫu hứng gảy thành điệu, thành bản.
– Thưa, gió chuyển bạt thuyền, có thể thành một khúc được không?
– Được chứ!
Rồi nâng đàn, bật dây, âm thanh cứ theo ý mà thành điệu khoan nhặt, bổng trầm, thành thục y như theo một bài bản sẳn có. Dương lắng nghe mà cảm thấy mình như đang lênh đênh trên thuyền, sóng gió cuồn cuộn hất lên dội xuống. Dương vừa kính vừa phục, khen nức khen nở, hỏi cô:
– Thưa, có học được không?
Cô Mười trao đàn cho cháu sai gảy thử và bảo:
– Cháu có thể học được. Thíc học gì?
– Cô dạy cho cháu bản “gió bão” vừa rồi, không biết mấy ngày thì có thể thuộc. Xin cô viết ra trước cho cháu đọc đã.
– Không thể viết thành văn được đâu. Cô chỉ theo ý mà phổ đàn thôi.
Rồi cô lấy một cây đản khác, gảy trước một đoạn làm mẫu, bảo Dương tập theo. Tập được hơn một trống canh, tiếng đàn của Dương đã hợp làn điệu tuy còn thô vụng, thì cô và dượng tạm biệt đi nghỉ. Dương còn ngồi lại tập trung tinh thần tập gảy dưới đèn khá lâu, đột nhiên bừng hiểu, bất giác hứng khởi đứng lên múa. Bất chợt ngẩng đầu, Dương thấy cô hầu gái vẫn đang đứng đó, Dương sửng sốt hỏi:
– Cô vẫn còn đây vẫn chưa đi nghỉ ư?
Cô ta cười nhoẻn:
– Cô Mười sai em thu xếp giường chiếu chu đáo để chàng yên nghỉ. Lại còn phải đóng cửa tắt đèn.
Dương ngước nhìn kỹ cô ta: đôi mắt long lanh như làn thu thủy, dáng vẻ tình ý rất mực dể thương. Dương bồi hồi cả thần hồn, ỡm ờ kêu gọi. Cô lặng lẽ cúi đầu, làn môi mủm mỉm. Dương càng mê mẩn đứng vụt dậy bá lấy cổ.
Cô ta ngăn lại:
– Chớ! Chớ! Đêm đã canh tư rồi, chủ nhân sắp dậy. Đây đấy nếu có lòng nào, đêm mai chưa muộn.
Dương đang ôm cô ta, chợt có tiếng dượng Ân gọi:
– Phấn Điệp!
Cô gái thất sắc:
– Chết rồi!
Rồi vội vã bỏ đi. Dương lẻn theo nghe ngóng. Tiếng dượng Ân:
– Tôi đã bảo con bé này chưa dứt được trần duyên thế mà mình cứ nhất định thu nhận. Nay làm thế nào? Phải đánh đòn ba trăm roi.
Tiếng cô Mười:
– Cái tâm địa ấy mà nãy nòi thì không thể ngăn giũ được. chi bằng cho phắt thằng cháu tôi cho rồi.
Dương nghe vậy vừa thẹn vừa sợ quay lại thư phòng, tắt phục đèn đi ngủ. Sáng trở dậy chỉ có thằng nhỏ đến lấy nước rửa mặt, không thấy Phấn Điệp đâu. Trong bụng Dương cứ nơm nớp lo sợ sị quở trách. Lát sau dượng Ân và cô Mười cùng tới, tựa hồ như không có chuyện gì xảy ra, chỉ khảo ngón đàn Dương mới học. Dương gảy lại, cô Mười khen:
– Tuy chưa đạt đến chỗ thần diệu song đã được chín mười phần. Cố tập cho thuần thục thì tuyệt đấy.
Dương xin dạy cho khúc khác. Ân truyền cho khúc Thiên Nữ trích giáng (tiên nữ bị đày xuống phàm trần) trong đó còn đòi hỏi các kỹ xảo ngón tay như “bẻ” “cắt”. Dương tập ba ngày, gảy mới rõ tiếng. Ân bảo:
– Những khó khăn đại khái đã qua. Nay về sau chỉ cần sao cho thành thục. Nếu thuộc được hai khúc này, trong kỹ thuật đàm cầm không còn điệu nào đáng ngại nữa.
Đước ít ngày, Dương nhớ nhà, thưa với cô Mười:
– Cháu ở đây được cô săn sóc dạy dỗ rất vui, chỉ hiềm canh cánh nỗi tha hương. Đường sá xa xôi cách trở ba ngàn dặm, không biết ngày nào cháu mới về được đến nhà.
Cô Mười bảo:
– Điều đó chẳng có gì khó. Thuyền cũ của cháu còn đó, chỉ cần giúp cháu một buồm gió. Cháu không còn gia thất, cô sẽ cho Phấn Điệp.
Rồi cô tặng Dương một cây đàn, đưa một bọc thuốc mà dặn:
– Cháu đem thuốc về biếu bà, thuốc này không chỉ chữa bệnh mà còn kéo dài tuổi thọ.
Đoạn cô tiễn Dương ra bờ biển. Dương tìm mái chèo, cô bảo:
– Không cần đến đâu!
Rồi ghép quần của mình lại thành buồm, đem mắc buộc vào thuyền. Dương sợ không biết hướng đi, lạc nẻo. Cô nhủ:
– Đừng lo! Đã có buồm đưa lối, cứ theo nó.
Buộc xong, Dương xuống thuyền. Đang buồn rầu, định bái biệt cô thì gió nồm thổi mạnh, thuyền đã ra xa bờ. Trong thuyền có sẳn lương khô, song số lương thực chỉ ăn đủ khoảng một ngày, bụng Dương oán cô sao hà tiện? Bụng đói nhưng chàng không dám ăn nhiều, chỉ sợ mau hết. Song khi ăn một cái bánh nướng ấy vừa ngọt vừa thơm, còn sáu bảy cái nữa cất đi dành bữa sau thì lạ thay không thấy đói.
Bóng chiều đã ngả. Đang hối không mang theo đèn đuốc thì chỉ nháy mắt sau đã thấy khói bếp đất liền. Thì ra thuyền đã tới đất Quỳnh rồi. Thuyền cập bờ, Dương mừng quýnh, thu quần áo bọc bánh về nhà.
Vào đến cửa cả nhà sửng sốt vừa sợ vừa mừng. Thì ra chàng ta đã vắng nhà mười lăm năm trường và mới biết vừa qua đã gặp tiên. Bà nội Dương bệnh đã kịch, chàng đưa thuốc cô Mười ra cho uống, mọi chứng bệnh tật khắc tiêu tan. Chàng kể lại những điều mắt thấy tai nghe. Bà cụ mới bảo:
– Đó là cô ruột cháu đấy!
Xưa bà có người con gái út tên là cô Mười, sinh ra đã có dáng vẻ tiên nữ. Gia đình hứa gả cho họ Ân. Chú rể mới mười tuổi vào núi không thấy trở về. Cô Mười đợi đến hai mươi tuổi, bỗng nhiên không đau ốm gì mà mất, chôn cất đến nay tính ra đã hơn ba chục năm rồi.
Khi nghe Dương kể lại chuyện ở đảo thần tiên, mọi người đều ngờ là cô Mười chưa chết. Dương đưa cái quần dùng làm buồm ra thì đúng là cái mà trước đây cô vẫn hay thường mặc. Dương chia bánh cho mọi người, chỉ ăn một chiếc thôi mà cả ngày không thấy đói, lại có cảm thấy tinh thần phấn chấn gấp bội. Người nhà đào mả cô Mười lên coi thử thì chỉ còn quan tài không.
Trước đây Dương đã lấy người vợ họ Ngô, song hơn chục năm đi vắng, chị ta đã đi lấy chồng khác. Lúc ấy Dương mới tin lòi cô Mười và có ý mong Phấn Điệp. Song đã hơn một năm mà vẫn tuyệt vô âm tín, lúc ấy chàng mới đi tìm đám khác. Ở huyện Lam có ông tú tài họ Tiền có con gái là Hà Sinh nổi tiếng gần xa là đẹp, mới mười sáu tuổi mà ba chàng rể chưa cưới đã chết. Dương nhờ mối lái đính hôn, chọn ngày lễ. Khi cô dâu về nhà chồng, Dương nhìn kỹ thì đúng cô dâu mới là Phấn Điệp. Dương hỏi đến chuyện cũ ngoài đảo Thần Tiên, cô ta cứ mơ mơ hồ hồ. Thì ra khi cô ta bị đuổi, chính là lúc cô ta giáng sinh đầu thai vào nhà họ Tiền. Chỉ lúc nghe Dương gảy đàn Thiên Nữ trích giáng thì cô ta mới chống má trầm tư tựa như có sự cảm thụ, xúc động sâu sắc vậy.
NGUYỄN VĂN HUYỀN dịch