Liêu Trai Chí Dị

Chương 83: Lên chơi trên trời


Đọc truyện Liêu Trai Chí Dị – Chương 83: Lên chơi trên trời

(Lôi Tào

Nhạc Vân Hạc và Hạ Bình tử, hai người lúc nhỏ cùng xom, lớn lên cùng học một trường, chơi với nhau rất thân.

Hạ thông minh từ bé, mười tuổi đã học nổi tiếng. Nhạc thơ như bậc đàn anh. Hạ lấy tình anh em chăm chỉ khuyên bảo; nhờ đó Nhạc học ngày càng tấn tới, danh cũng nổi dậy. Duy có thi cử vất vả, khoa thi nào cũng rớt luôn.

Không bao lâu, Hạ mắc bệnh dịch qua đời, nhà nghèo quá, không có tiền chôn cất. Nhạc khảng khái nhận hết công việc ấy về phần mình lo liệu. Hạ chết để lại vợ góa và đứa con còn ẳm trên tay. Nhạc thường lui tới chăm sóc, kiếm được thưng lúa, đấu gạo nào đều chia làm hai.

Vợ con Hạ nhờ sự giúp đỡ tận tình ấy mà sống. Các bậc sĩ phu thấy thế càng khen Nhạc hiền đức.

Vốn nhà chẳng có của cải bao nhiêu, lại còn chu cấp cho vợ con của Hạ, thành ra Nhạc sa sút dần, phải than rằng:

– Tài học như Bình Tử, còn phải lận đận mà chết, huống chi là ta? Sự sang giàu của đời người cần phải kịp thời, nếu suốt năm cứ bận lòng rối trí như vậy mãi thì e đến chết bỏ xác ở ngòi rạch, trước lòai chó ngựa, chẳng hóa uổng phí cuộc đời mình lắm ư? Ta nên sớm tính xoay nghề thì hơn.

Từ đó, Nhạc xếp sách vở lại xoay ra buôn bán. Làm nghề này nửa năm, cảnh nhả hơi khá.

Một hôm đi buôn ở Kim Lăng, nghỉ ở trong quán trọ, thấy một người cao lớn, gân cốt nổi lên, mon men đến bên chỗ Nhạc ngồi, mà sắc mặt ảm đạm, có vẻ lo buồn. Nhạc hỏi muốn ăn chăng?

Người đó không nói gì hết. Nhạc đẩy mâm cơm ra mời ăn. Hắn lấy tay bốc ăn ngon lành, giây lát hết sạch.

Nhạc lại gọi một mâm cơm ê hề, cở hai ba người ăn mới xuể, thế mà một mình người ấy ngốn hết sạch. Nhạc gọi chủ quán cắt đùi heo và một đống bánh chưng đầy ắp, hắn lại ăn sạch chỗ phần ăn của mấy người đó. Chừng ấy mới thấy no bụng, tạ ơn và nói:

– Ba năm đến giờ, tôi chưa từng được ăn bữa nào no nê như hôm nay.

Nhạc hỏi:

– Xem anh ra đáng mặt tráng sĩ lắm, sao bơ vơ trôi nổi đến thế này?

– Tôi mắc tội trời hành không thể nói ra được.

– Vậy quê quán nhà cửa ở đâu?

– Thưa, trên bộ chẳng có nhà, dưới nước chẳng có ghe. Sớm đứng đầu làng, tối nằm xó chợ, thế thôi.

Nhạc sửa soạn hành lý ra đi; người ấy theo khít một bên có ý bịn rịn không nỡ rời nhau. Nhạc cố từ, người ấy nói:

– Anh sắp bị nạn lớn, tôi không muốn quên cái ơn đức một bữa ăn no.

Nhạc lấy làm lạ bằng lòng cho đi theo. Giữa đường vào quán cơm, nhạc kéo vào ăn chung với mình, nhưng người ấy lắc đầu:

– Cả năm, tôi chỉ ăn có vài bữa thôi.

Vì thế Nhạc càng kinh ngạc.

Hôm sau, qua sông lớn, sóng gió nổi lên đùng đùng, thuyền chở thuê chìm sạch. Hai người cùng chìm dưới nước. Một chặp gió yên lặng rồi, người ấy cõng Nhạc đạp sóng mà lên, ngồi tạm một thuyền khách, rồi lại đạp sóng rẽ nước đi.

Giây lát kéo về một chiếc thuyền, đỡ Nhạc sang ngồi, dặn dò canh giữ, rồi nhảy ùm xuống sông nữa. Hai cánh tay ôm bao hàng hóa ném vào trong khoang thuyền. Xong lại hụp xuống nước. Mấy lần hụp lên hụp xuống như vậy, ôm hàng hóa bày để bên trong thuyền.

Nhạc cảm tạ:

– Anh cứu tôi sống là đủ lắm rồi, đâu dám mong mỏi hàng hóa lại được châu về hợp phố?

Kiểm tra lại của cải không mất tí gì, trong bụng càng mừng, kính phục người ấy là thần Nhạc giục lái ghe mở lái ra đi, người ấy xin từ biệt. Nhạc cố giữ mãi, bèn cùng nhau qua sông. Khi ghe mới xa bờ Nhạc cười và nói:

– Tính lại tai nạn này chỉ mất có một cây trâm vàng mà thôi.

Người ấy muốn đi tìm. Nhạc toan ngăn thì hắn đã nhào xuống nước mất tăm. Nhạc kinh ngạc giây lâu. Chợt thấy hắn mỉm cười ở dưới nước trồi lên, trao cây trâm cho Nhạc và nói:

– May quá tôi tìm thấy đây.

Mọi người trên bờ dưới sông đều phải lắc đầu lè lưỡi lấy làm quái lạ.


Nhạc dẫn về nhà, ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu. Cách mấy chục ngày hắn mới ăn một lần. Đã ăn thì ăn nhiều vô kể.

Một hôm lại đòi từ giã di. Nhạc cố lưu lại. Giữa khi ấy, trời tối tăm muốn mưa. Nhạc nói:

– Trên mây chả biết có những gì? Sấm sét là vật chi? Làm sao được lên mà xem một phen cho biết, trong lòng mới hết nghi hoặc.

Người ấy nói:

– Anh muốn lên mây chơi ư?

Liền đó, Nhạc nghe trong mình mỏi mệt, nằm trên giường ngủ mơ màng. Chừng tỉnh dậy thấy mình rung rung lắc lắc, không phải cảnh êm ái như nằm trên giường. Mở mắt ra nhìn té ra là mình đang ở trong đám mây, chung quanh trắng toát như bông gòn. Bấy giờ mới kinh hoảng đứng dậ, mắt hoa lên tưởng chừng như đi thuyền nhưng đạp chân xuống thì chẳng thấy ván sạp.

Chàng ngửa nhìn tinh tú như ở ngay trước mặt, bèn ngờ mình chiêm bao. Dòm kỹ tinh tú dán vào vòm trời, chẳng khác nào hạt sen nhú ở trên cái đài sen, ngòi lớn như cái lu, ngôi nhỏ như cái chén, lấy tay lắc thử xem, thấy ngôi sao lớn bám chặt quá, không nhúc nhích còn ngôi nhỏ thì lung lay, dường như có thể bứt ra được. Chàng liền bứt lấy một ngôi, giáu trong tay áo, rồi vén mây nhìn xuống dưới, thấy bể bạc mênh mông, thành quách nhỏ li ti như hạt đậu. Trong trí kinh hãi, tự nghĩ nếu như rủi ro trượt chân, thì chết còn gì?

Bỗng thấy hai con rồng uốn khúc, kéo theo một chiếc xe căng màn chạy lại, trên xe để những chiếc khạp chu vi mấy trượng, đựng nước đầy tràn. Có mấy chục người cầm gáo múc nước, rải khắp trên mây.

họ trông thấy Nhạc cùng lấy làm lạ.

Nhạc nhìn kỹ, té ra người bạn chí thiết của mình ở nhà cũng có dự trong ấy,. bèn nói với họ:

– Ông này là bạn tôi mà!

Họ lấy một gáo đưa cho Nhạc, bảo múc nước mà tưới đi.

Lúc đó trơì đang đại hạn. Nhạc tiếp lấy gáo nước, vạch mây nhìn xuống quê hương, cố tưới thật nhiều.

Một lát, người bạn nói với Nhạc:

– Tôi vốn là thần sấm sét, vì trước mắc lỗi sai hẹn làm mưa nên bị phạt đày ba năm, giờ đã mãn hạn trời, vậy xin từ đây vĩnh biệt.

Nói đoạn, lấy sợi dây buộc xe dài muôn thước bảo Nhạc nắm một đầu dây để thả xuống đất.

Nhạc lấy làm nguy, nhưng bạn cười mà bảo:

– Không hề gì đâu mà sợ.

Nhạc y lời vù vù chớp mắt đã xuống tới đất. Dòm lại thì rơi xuống ngay làng mình, còn sợi dây thì rút dần lên mây, không thấy hút đâu nữa.

Hồi bấy giờ cả làng này đại hạn lâu ngày, gặp được trận mưa, ngoài mười dặm nước chỉ ngập ngón tay, duy có làng Nhạc thì hồ trạch đầy tràn.

Về nhà, mò lại trong túi, ngôi sao đã lấy vẫn còn, đem đặt lên bàn, ngày xem thì đen xạm như cục đá thường, đêm đến thì sáng lóng lánh, chiếu rọi khắp nhà. Bởi thế Nhạc càng quý báu, gói lại cất kỹ, mỗi khi khách uống rượu ban đêm, mới lấy ra thay đèn ngồi chung quanh chơi cho sáng. Nhìn thẳng vào tia sáng chói cả mắt.

Một đêm, vợ Nhạc ngồi trước ánh sáng đó vấn tóc, chợt thấy ngôi sao đó nhỏ dần đi, chỉ còn như con đom đóm, mà cựa quậy bay ngang. Nàng đương kinh ngạc mở miệng muốn la, ngôi sao chui tuột vào miệng, khạc nhổ chẳng ra, lại xuống cổ nàng; nàng sợ hãi chạy bảo Nhạc, Nhạc cũng lấy làm kỳ, rồi thì đi ngủ. Đêm nằm chiêm bao, thấy Hạ Bình Tử hiện hồn về nói:

– Tôi chính là ngôi sao Thiên Vi, những việc anh giúp đỡ gia quyến tôi, tôi hằng ghi nhớ không quên. Anh lại có lòng tốt đem tôi ở trên trời về, thế là chúng ta có duyên gắn bó, nay tôi xin đầu thai làm con anh để báo đền đức lớn.

Hồi đó Nhạc đã ba mươi tuổi mà chưa có con, nằm mộng thấy vậy lòng mừng khôn xiết.

Từ đó vợ thụ thai. Đến khi ở cữ, sáng chiếu khắp nhà, y như lúc ngôi sao còn để trên bàn làm đèn vậy. Nhân đó lấy chữ Tinh Nhi đặt tên cho con.

Tinh Nhi thông minh lạ thường, mười sáu tuổi thi đậu tiến sĩ.

ĐÀO TRINH NHẤT dịch

— —— BỔ SUNG THÊM — ——

Cắt Thịt Vì Tình

Liên Thành

Kiều sinh người quận Tấn Minh, nổi tiếng tài giỏi từ hồi nhỏ. Mới ngoài hai mươi tuổi, có gan dạ, chơi thân với Cố sinh; sau khi Cố mất, thời thường chu cấp cho vợ con Cố. Quan ấp tể (cũng như chủ quận hay tri huyện) lấy văn chương cùng chàng kết giao thân mật. Khi ấp tể qua đời tại quận, gia quyến lần lữa mãi không về; chàng bán sản nghiệp đưa linh cửu ấp tể về quê quán, khứ hồi trên hai nghìn dặm. Vì thế mà giới trí thức càng trọng, nhưng gia đạo chàng từ đó càng thêm sa sút.


Ông Hiếu Lêm (cử nhân) họ Sử có con gái tên là Liên Thành, thêu thùa rất khéo, lại hay chữ nên Hiếu Liêm hết sức quý chuộng. Nàng thêu một bức tranh thiếu nữ ngồi thêu mệt mỏi. Sử Hiếu Liêm đưa ra trưng cầu các cậu thiếu niên đề thơ vào đó, trong ý là muốn kén rể. Kiều sinh đề bài thơ như vầy:

Dung hoàn cao kiết lục bà sa

Tảo hướng lan song tú bích bà

Thích áo uyên ương hồn giục đoạn

Ấm đình trâm tiến xúc song nga.

Nghĩa là:

Óng ả trên đầu mái tóc tiên

Sáng ngồi bên cửa rút bông sen

Uyên ương thêu đến lòng như thắt

Kim chỉ ngừng tay có vẻ phiền.

Ngoài ra chàng lại tặng riêng một bài khen nàng thêu khéo:

Tú tiến khiêu lai tự tả sinh

Bức trung hoa điểu tự nhiên thành

Đương nhiên chức cẩm phi trường kỷ

Hạnh bả hồi văn cẩm thánh minh.

Nghĩa là:

Thêu như sống thật thấy tài chưa?

Hoa điểu trời xanh há kém thua

Tranh gấm nàng Tô đâu sánh kịp

Hồi văn may được cảm lòng vua.

(Hai câu sau cùng nhắc tích xưa Tô Huệ thêu bài thơ Hồi Văn trên gấm, dâng vua để chuộc tội cho chồng. Hồi văn có thể đọc ngược xuôi đảo lộn, thành ra mấy trăm bài thơ. Kiều sinh tán tụng Sử tiểu thư. Sánh lại, Tô Huệ chỉ có Hồi văn cảm lòng thiên tử, chứ bức thêu gấm kia còn kém tài của tiểu thư.)

Nàng được hai bài thơ mừng lắm, trước mặt ai cũng khen Kiều sinh đáo để, nhưng cha có ý chê nhà chàng nghèo. Không muốn gả con gái cho.

Liên Thành gặp lại cũng khen ngợi Kiều sinh, lại sai mụ vú, giả vâng mệnh cha, đem tiền bạc đến giúp chàng chi phí đèn sách. Chàng nói:

– Liên Thành là người tri kỷ của ta.

Từ đó mơ màng tưởng nhớ như kẻ khát muốn uống, đói muốn ăn vậy.

Không bao lâu Sử Hiếu Liêm nhận gả nàng cho con một nhà buôn muối là Vương Hóa Thành; bấy giờ chàng mới tuyệt vọng, nhưng trong giấc chiêm bao vẫn còn tơ tưởng không dứt.

Ít lâu sau, nàng phát bệnh không ngồi dậy được. Có nhà sự Tây Vực đến thăm mạch, nói mình có thể chữa được, song phải có một đồng cân thịt ở ngực con trai, để trộn với thuốc mới đặng.

Sử công sai người đến nhà họ Vương nói cho chú rể hay. Chú rể cười nói:

– Lão già này kỳ cục, đòi cắt lấy thịt ở đầu trái tim ta ư?

Gia nhân trở về thuật lại, sử công giận lại rao cho mọi người hay rằng: bất cứ ai dám cắt thịt thì ta gả con gái cho.


Kiều sinh nghe tin, lập tức đến nhà họ Sử, tay cầm dao kéo, tự cắt lấy thịt trước ngực, trao cho nhà sư Tây Vực, máu vấy cả áo chàng. Nhà sư phải xừc thuốc cho mới hết.

Với chỗ thịt đó nhà sư trộn thuốc thành ba chén, nàng uống ba ngày bệnh tật khỏi hẳn.

Sử công sửa soạn làm theo lời hẹn, nhưng trước hết sai người nói cho Vương biết. Vương nổi giận đòi đi kiện. Sử công bèn làm tiệc mời Kiều sinh đến, bày ngàn vàng lên án rồi nói:

– Mang ơn rất nặng, vậy xin có chút đỉnh báo đền.

Đoạn, Sử công bày tỏ ý định sai hẹn cho chàng nghe, chàng cau mày nói:

– Tôi không tiếc chi miếng thịt, là để báo đáp người tri kỷ chứ có phải bán thịt lấy tiền đâu.

Nói xong, chàng đứng dậy, phủi áo ra đi. Liên Thành nghe chuyện trong lòng không nỡ, liền nhờ mụ vú đến an ủi chàng và nói nhắn:

– Người tài như cậu chắc không phải sa sút lâu ngày. Trên đời thiếu gì giai nhân mà lo. Tôi từng chiêm bao thấy điềm chẳng lành, ba năm nữa tất chết, vậy cậu đừng thèm cùng ai tranh giành lấy được con người sắp chết này làm gì?

Chàng nói với mụ vú:

– Con người ta vì tình tri kỷ mà chết, chứ không vì sắc đẹp. Tôi chỉ e rằng Liên Thành chưa chắc đã thật là biết tôi; nếu quả thật nàng biết tới thì việc nhân duyên chẳng thành cũng không hại chi.

Mục vú thay lời nàng thề thốt giải tỏ lòng thành, chàng nói:

– Quả thật như vậy thì tôi chỉ xin có một điều, là khi gặp nhau ở ngoài đường, nàng tặng cho tôi một nụ cười, dù tôi chết cũng không ân hận gì.

Mụ vú vế nhà thuật lại với nàng.

Cách mấy hôm, chàng ngẫu hứng đi chơi, vừa lúc gặp nàng ở bên nhà ông chú về. Nàng đưa mắt liếc nhìn chàng và hé miệng cười rất tươi. Chàng cả mừng, tự nghĩ trong trí:

– Phải rồi! Liên Thành quả thật biết rõ lòng ta.

Kế đến nhà họ Vương qua bàn định ngày lành tháng tốt xin đón dâu. Bệnh cũ của nàng tự dưng nổi lên, được vài tháng thì chết.

Kiều sinh đến viếng tang, kêu rú một tiếng, ngã xuống chết giấc. Sử công cho người đem xác về tận nhà.

Lúc đó chàng tự biết mình đã chết rồi, trong lòng không thấy buồn tiếc gì cả, vội vàng đi ra khỏi thôn muốn được nhìn thấy mặt Liên Thành. Xa trông nẻo đường phía tây bắc, người ta đi lại như kiến, chàng trốn lánh mình trà trộn vào trong đám đó.

Giây lát vào một dinh thự gặp lại Cố sinh. Cố lấy làm ngạc nhiên hỏi chàng tại sao đến đây, và muốn nắm tay chàng dắt lộn về ngay. Nhưng chàng thở dài nói rằng có chuyệng tâm sự còn lôi thôi, cho nên chẳng muốn trở về. Cố nói:

– Tôi ở chốn này giữ việc sổ sách hơi được tín nhiệm, nếu anh có chuyện chi nhờ cậy, tôi xin cố súuc không dám tiếc công.

Chàng hỏi về Liên Thành.

Cố liền dẫn đi tìm kiếm nhiều nơi, thấy Liên Thàng với cô áo trắng, mặt rầu lệ dầm, ngồi xổm ở một vỉa hè. Nàng thấy Kiều sinh đến, vội vàng trỗi dậy, vẻ như mừng rỡ, hỏi chàng đâu tới đây. Chàng nói:

– Nàng chết, tôi còn ở trên đời sống làm chi?

Liên Thàng khóc:

– Con người phụ nghĩa thế này, chàng không phỉ nhổ mà đá đi cho rảnh, còn lấy mình chết theo làm gì? Tôi đã lỗi hẹn với chàng kiếp này, xin đền bồi ở kiếp sau.

Chàng nghoảnh lại bảo Cố sinh:

– Anh có công việc bận xin cứ tự tiện, để mặc tôi ở đây, tôi vui sướng được chết, chứ không thích sống nữa. Có điều tôi muốn phiền anh tra sổ sách hộ xem Liên Thành thác sinh chỗ nào, để tôi đi theo nàng.

Cố sinh gật đầu rồi đi.

Thiếu nữ áo trắng hỏi chàng là người như thế nào. Liên Thành thuật lại đầu cuối.

Thiếu nữ nghe chuyện bùi ngùi than thở. Liên Thành bảo chàng:

– Cô này cùng họ với em tên là Tân Nưuơng, con quan Sử thái thú ở quận Tràng Sa; Chúng em cùng đi một đường tới đây, cho nên thương yêu trìu mến nhau.

Chàng liếc thấy người có vẻ dễ thương, vừa muốn hỏi chuyện tỉ mỉ, thì Cố sinh đã trở lại ngó mặt chàng mà ngõ lời chúc mừng:

– Tôi đi thăm dò tin tức giùm chắc chắn lắm: nương tử đây được theo anh hoàn hồn về dương gian, như vậy có thích không?

Hai người cùng mừng rỡ, sửa soạn từ biệt ra đi. Cô Tân khóc rú lên:

– Chị đi thì em bơ vơ, biết nương tựa vào ai? Vậy xin chị vì tình cứu em, cho em được theo hầu hạ chị.


Liên Thành động lòng nhưng không biết phài làm cách nào, day lại bàn tính với chàng. Chàng lại năn nỉ với Cố sinh. Cố sinh tỏ vẻ khó khăn và can không nên làm việc đó, chàng cầu khẩn mãi. Cố nói:

– Để tôi làm đại thử coi.

Một lúc, chàng ăn xong bữa xơm, thì Cố sinh trở lại, khoát tay và nói:

– Ban nải tôi đã bảo là không được mà. Thú thật tôi chịu dở muôn phần, không sao giúp được.

Tân Nương nghe nói gào khóc thảm thương, đứng ríu ríu bên cạnh Liên Thành, chỉ sợ nàng vội đi. Cả hai cùng buồn bã không nghĩ cách nào, chỉ nhìn nhau đứng lặng, mà nét mặt thảm sầu, khiến cho ai nấy cũng phải não lòng héo ruột. Cố sinh phát phẫn nói:

– Thôi thì xin anh chị cứ cho cô Tân đi theo, rủi có tội vạ thì tôi xin chịu hết.

Bấy giờ Tân Nương mới mùng, theo chàng lên đường. Chàn lo ngại dùm cô đi về nhà cô đường xá xa xôi không ai làm bạn. Tân nương nói:

– Em xin theo cậu, chứ không muốn trở về nhà em.

Chàng gạt đi:

– Cô này ngây thơ quá, không về nhà cô thì lấy gì mà hồi sinh chứ. Mai sau tôi có dịp đi Hồ Nam, xin cô đừng lánh mặt thế là may mắn cho tôi.

Vừa vặn lúc ấy có hai mụ già, lãnh tờ sức đi tới Tràng Sa, chàng nói cho cô Tân đi theo và căn dặn hai mụ chăm nom hộ dọc đường.

Tân Nương khóc và từ giã.

Liên Thành đi theo rất chậm chạp, đi chừng hơn mười dặm đường thì phải nghỉ chân một lần. Nghỉ chân đến mười bận thì mới trông thấy cổng làng trước mặt. Nàng nói:

– Cậu ơi! Sau khi em tái sinh, sợ lại có chuyện lật lọng, chi bằng cậu xin lấy xác em đưa về nhà, rồi em hồi sinh tại nhà cậu, thì không có sự ăn năn về sau.

Chàng nghe lẽ phải, dắt nàng về thẳng nhà mình. Nàng hồi hộp uể oải như bước đi không nổi. Chàng phải đứng đợi. Nàng nói:

– Em về tới đây, chân tay run rẩy, như không còn sức tự chủ được mình, chỉ e ý mu6ón không toại vậy ta nên bàn tính thế nào cho thật kỹ lưỡng. Không thế thì sau khi hồi sinh, làm sao tự lo được?

Rồi hai người cùng vào căn phòng lạnh, lặng im giây lát, Liên Thành mỉm cười và nói:

– Mình có ghét em không?

Chàng kinh ngạc hỏi tại vớ gì, nàng đỏ mặt đáp:

– Em chỉ lo rủi ro không xong, thì lại phụ lòng chàng. Vậy em xin lấy hồn báo đáp cái tình tri kỷ của chàng trước đã.

Chàng mừng quá, cùng nàng giao hoan hết sức âu yếm. Nhân đó hai người quyến luyến không rời, ở luôn ba ngày trong phòng lạnh. Liên Thành chợt nhớ lại:

– Mình ơi! Tục ngữ có câu: Đàn bà xấu xí đến đâu, khi đã lấy chồng, trước sau bề nào cũng phải ra mắt cha mẹ họ hàng. Chúng ta bịn rịn ôm ấp ở đây mãi đâu phải là kế lâu dài.

Nói xong, nàng hối thúc chàng vào nhà giữa, vừa mới tới chỗ thờ, thì chàng hồi tỉnh. Người nhà kinh ngạc, vội vàng đi lấy nước cháo đổ cho chàng.

Sau khi tỉnh hồn, chàng sai người đi mời Sử Hiếu Liêm đến ngỏ ý xin xác Liên Thành đem về nhà, vì mình có phép làm cho nàng sống lại.

Sử công nghe lời. Xác của Liên Thành vừa khiêng đến nhà chàng, xem lại thì nàng đã hồi sinh, tự nói với cha:

– Thưa cha, con đã trao thân gửi phận cho Kiều sinh rồi, giờ không lẽ nào trở về được nữa. Hễ ai sinh sự đổi dời một chút thì con chết thôi.

Sử công về, lập tức sai con hầu đứa ở tới phục dịch nàng.

Bên nhà họ Vương nghe tin, làm đơn đi kiện. Quan sở tại ăn hối lộ xử nàng phải về nhà Vương.

Kiều sinh tức giận muốn chết, nhưng không làm sao ngăn cản được.

Liên Thành đến nhà Vương, phẫn uất bỏ cả ăn uống chỉ cầu mau chết. Thừa lúc nhà vắng người, liền treo cổ lên xa nhà. Qua hôm sau, bệnh tình càng nặng, sắp sửa tắt hơi, Vương sợ quá, đưa trả về nhà Sử. Sử lại cho khiêng về nhà chàng. Vương biết thế nên đành chịu phép bỏ qua.

Liên Thành trỗi dậy, bình phục như xưa. Nàng thường tưởng nhớ Tân Nương, muốn cho người đi hỏi thăm, nhưng vì đường sá xa xôi, chưa thể đi được.

Một hôm bỗng dưng gia nhân vào thưa rằng: ngoài cửa có ngựa xe khách lạ. Hai vợ chồng cùng nhau chạy ra ra thì là Tân Nương đã vào tới giữa sân. Đôi bên trông thấy nhau, vừa mừng vừa cảm. Quan thái thú thân đưa Tân Nương đến. Chàng mời ông vào. Thái thú nói:

– Con bé nhà tôi nhờ cậu mà sống lại, nó thề không chịu lấy ai, cho nên tôi phải phải theo ý muốn của nó mà dẫn nó đến đây.

Chàng vái lạy theo lễ con rể và cha vợ. Sử Hiếu Liêm cũng tới. Ba nhà đoàn tụ vui vẻ.

Kiều sinh tên thật là Niên, biểu tự là Đại Niên.

ĐÀO TRINH NHẤT dịch


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.