Đọc truyện Liêu Trai Chí Dị – Chương 57: Cô tiêm
( A Tiêm)
Hề Sơn, người miền Cao Mật (1), làm nghề chạy hàng xách, thường qua lại làm khách ở vùng Mông, Nghi. Một hôm giữa đường trời mưa, vội tới nhà trọ quen, nhưng đêm đã khuya, gõ cửa mãi mà chẳng ai lên tiếng. Đang quẩn quanh dưới mái hiên, bỗng hai cánh cửa mở hé, một cụ già bước ra mời khách vào. Sơn mừng vào theo, tấp tểnh bước lên nhà trên. Trong nhà không có giường ghế gì cả. Ông già nói:
– Tôi thương ông khách không biết về đâu, mới cho tạm trú, chứ tôi thực không phải là người bán cơm,buôn rượu. Trong nhà không ai đỡ đần, chỉ có bà vợ già và đứa con gái yếu đuối, đều đã ngủ kỹ. Thức ăn thì có đấy nhưng khổ nỗi là không còn nóng mấy nữa. Xin chớ hiềm ăn nguội nhé!
Nói rồi vào nhà trong. Một lát khiêng ra một chiếc giường chân thấp, đặt xuống mặt đất, giục khách ngồi. Lại vào, mang ra một cái bàn chân thấp. Hết ra lại vào, trông dáng tất tả cực nhọc. Sơn đứng lên ngồi xuống không yên, níu lại xin cụ hãy tạm nghỉ. Chốc sau, một cô gái bưng rượu ra. Ông già nói:
– Con A Tiêm nhà tôi đã dậy đấy.
Nhìn xem tuổi chừng mười sáu mười bảy, yểu điệu thanh tú, tươi tắn đoan trang. Sơn có người em chưa vợ, bụng thầm muốn se vào, nhân hỏi thăm cửa nhà gia thế ông cụ. Đáp rằng:
– Già này tên Sĩ Hư họ cổ, con cháu đều chết yểu, còn lại mỗi mụn con gái này, nên không nỡ phá giấc ngủ đang say của nó. Chắc bà lão nhà tôi gọi nó dậy đấy.
Hỏi:
– Chồng cô em là ai?
Đáp rằng:
– Còn chưa hứa gả.
Sơn mừng thầm. Thế rồi thức ăn bày ra lắm món, chẳng khác gì ở cửa hàng. Ăn xong cung kính thưa rằng:
– Con người bèo nước, đội ơn cụ có lòng đoái thương, đến chết cũng chẳng dám quên. Nhân thấy cụ thịnh đức, nên xin mạo muội bày tỏ tấm lòng chất phác quê mùa; tôi có đứa em nhỏ, đứng thứ ba, nay đã mười bảy tuổi, đang theo đuổi nghiệp sách đèn, cũng không đến nỗi ngu đần. Muốn cầu chỉ thắm se duyên, chẳng hay cụ có chê là nghèo hèn chăng?
Ông già mừng mà rằng:
– Già ở đây cũng là dân ngụ cư; nếu em nó tìm được chỗ gửi thân, nhân tiện mượn được túp liều, thì dời cả nhà mà đi, chẳng có gì luyến tiếc.
Sơn luôn miệng xin vâng, bèn đứng dậy vái tạ. Ông già ân cần sắp đă chỗ ngủ cho khách đâu vào đó rồi mới đi vào. Gà vừa gáy ông đã ra, gọi khách rửa mặt. Gói buộc xong hành lý, chàng lấy tiền trả tiền cơm, cụ cố từ chối, nói rằng:
– Khách ở lại dùng bữa cơm, muôn vàn chẳng có lý gì mà nhận tiền. Hay là định đưa tiền dẫn cưới đây?
Bèn từ biệt. Hơn một tháng sau, khách trở lại. Cách thôn chừng ngoài một dặm, gặp một bà lão một cô gái, khăn áo đều trắng. Đến gần ngờ ngợ như A Tiêm. Cô gái cũng mấy lần ngó lại, rồi nắm áo bà cụ, nói thì thầm câu gì không rõ.. Bà cụ liền dừng bước, quay lại hỏi Sơn:
– Ông có phải họ Hề không?
Sơn dạ dạ. Bà cụ buồn bã nói:
– Ông lão nhà tôi chẳng may bị tường đổ, đè chết rồi. Hôm nay chúng tôi đi thăm mộ đây. Nhà không có ai, xin đợi bên đường một lát, chúng tôi đi rồi quay trở lại ngay.
Nói rồi đi về phía khu rừng. Hồi lâu trở lại, trên đường trời đã tối, bèn dẫn chàng cùng về. nói đến mẹ goá cpn côi, bất giác mủi lòng thương khóc. Son cũng bùi ngùi. Bà cụ bảo:
– Dân tình ở đây thật không yên ổn lương thiện chút nào. Con côi mẹ góa khó mà sống nổi. A Tiêm đã là dâu nhà anh, từ bấy đến này sợ ngày tháng cũng trễ rồi, chi bằng sớm mai cùng đưa nhau về.
Sơn chấp thuận. Khi tới nhà, bà cụ khêu đèn dọn cơm đãi khách xong, bảo Sơn rằng:
– Nghĩ là anh cũng sắp đến nên thóc lúa cất trữ đã bán cũng gần hết, chỉ còn chừng hơn hai mươi thạch, vì xa nên chưa có ai đến lấy. Cách đây chừng bốn năm dặm về phía Bắc, có ngôi nhà lớn nhất xóm là nhà ông Đàm Nhị Tuyển, chủ mua thóc của tôi xưa nay. Phiền anh chịu khó, trước hãy mang giúp một túi đi, đến gõ cửa bảo họ rằng bà lão họ Cổ ở xóm Nam có ít thạch thóc, định bán lấy tiền tiêu dùng dọc đường, phiền họ cho lừa ngựa tới chở đi.
Nói rồi bèn đưa túi gạo cho Sơn. Son tất tả đi ngay. Gõ cửa, một người đàn ông bụng phệ bước ra. Chàng nói rõ duyên cớ, trút thóc cho anh ta rồi về trước. Một lát, có hai người làm công, dắt năm con lừa đến. Bà cu dẫn Sơn tới chỗ chứa thóc, thì là một căn hầm. Sơn chui xuống cầm hộc xúc lên. Mẹ con bà cụ chuyển cho nhau, chốc lát đã đầy tải, trao cho họ chở đi. Đi lại đến bốn lượt, thóc mới cạn. Họ lấy tiền đưa cho bà cụ. Bà cụ giữ một người và hai con lừa lại, chở giúp đồ đạc đi về miền Đông. Đi được hai mươi dặm trời mới sáng rõ. Đến một khu chợ, thuê được ngựa xe ở đầu chợ, đấy tớ họ Đàm mới quay về. Về đến nhà, Sơn thưa chuyện lại với cha mẹ. Hai bên gặp gỡ rất vui mừng, bèn dọn một phòng riêng cho bà cụ ở, và chọn ngày lành làm lễ thành hôn cho chàng Ba. Bà cụ sắm sửa tư trang cho con thật tươm tất.
A Tiêm hiền lành ít nói, ai trò chuyện với mình chỉ mỉm cười. Ngày đêm dệt cửi đưa thoi, không bỏ phí một tấc bong. Vì thế người trên kẻ dưới ai cũng thương yêu. Nàng thường bảo chàng Ba rằng:
Nhớ dặn anh Cả có trở lại miền Tây đừng nói gì về mẹ con thiếp nhé.
Ở được ba, bốn năm, nhà họ Hề ngày càng giàu có; chàng Ba được vào học nhà Phán.
Một hôm Sơn chợt ghé trọ nhà hàng xóm của họ Cổ ngày xưa, ngẩu nhiên nhắc đến chuyện hồi trước không kiếm ra nhà, phải ngủ nhờ nhà ông bà cụ. Chủ nhân bảo:
Ông lầm rồi, sát vách phía Đông là căn nhà riêng của ông bác tôi. Từ trước ba năm rồi kia, những người ở đó thường thấy quái dị, nên bỏ hoang đã lâu, làm gì mà có ông bà cụ nào mà lưu ông lại?
Sơn lấy làm ngờ, nhưng cũng chưa tin hẳn. Chủ nhân lại nói:
– Khu nhà ấy bỏ hoang gần mười năm, không ai dám vào. Một hôm bức tường sau nhà bị đổ, ông bác tôi đến xem thì thấy đã đè lên một con chuột lớn như con mèo, khúc đuôi thò ra ngoài còn quẫy. Vội quay về gọi người nhà đến thì không thấy đâu nữa. Ai cũng nghi chính vật đó là yêu quái. Hơn mười ngày sau trở lại, vào xem thử thì yên tĩnh không thấy tăm hơi gì. Lại hơn một năm sau mới có người tới ở.
Sơn càng lấy làm kỳ quái. Trở về nhà, chàng nói riêng với người khác, trộm ngờ em dâu không phải là người, và thầm lo cho chàng Ba. Nhưng chàng Ba vẫn hết lòng yêu quí vợ như thường. Lâu dần người trong nhà thì thào bàn tán, cô gái cũng phong phanh biết được. Nửa đêm nói với chàng Ba rằng:
– Thiếp theo chàng từ bấy năm nay, đạo làm vợ chưa xảy ra một lỗi nhỏ. Nay bày đặt ra việc để mọi người khinh rẻ thiếp. Xin chàng làm ơn viết cho thiếp tờ giấy ly hôn, để chàng chọn người xứng đáng hơn.
Nói rồi sụt sịt khóc. Chàng Ba bảo:
-Tấc lòng gắn bó thế nào, hẳn nàng đã rõ biết. Từ ngày nàng về nhà này, nhà ngày một no đủ, lúc nào cũng nghĩ nhờ phúc trạch của nàng mới được thế, có đâu lại còn điều này tiếng khác?
Nàng nói:
– Chàng một lòng một dạ, thiếp há không biết sao? Nhưng chĩ vì nhiều người nói ra nói vào, sợ rồi lại không khỏi như cây quạt mùa thu bị bỏ xó.
Chàng Ba khuyên giải ba bốn lượt mới thôi. Nhưng Sơn vẫn không tha, hàng ngày tìm mấy con mèo giỏi bắt chuột để dò ý tứ. Nàng chẳng sợ gì, nhưng rầu rầu không vui. Một đêm, bảo rằng mẹ không khỏe, xin phép chàng Ba về chăm nom săn sóc. Trời sáng chàng Ba sang tìm, thì trong phòng đã trống không. Hốt hoảng cho người đổ đi khắp bốn ngả, vẫn không tìm ra dấu vết. Trong lòng ấm ức, bỏ cả ăn cả ngủ. Nhưng cha và anh thì lại lấy làm may, cùng nhau vỗ về an ủi, toan kiếm vợ khác cho chàng. Nhưng chàng Ba nhất định không bằng lòng.
Đợi hơn một năm, tin tức vắng bặt, cha và anh thường chế giễu trách mắng, bất đắc dĩ phải bỏ nhiều tiền mua một người thiếp, mà lòng nhớ A Tiêm vẫn không nguôi.
Lại vài năm nữa, nhà họ Hề nghèo dần, vì thế càng cảm nhớ A Tiêm. Có người em nhà chú tên là Lam nhân có việc đi đến đất Giao, đường xa ngủ lại ở nhà người bà con bên ngoại là chàng họ Lục, đêm nghe bên nhà láng giềng có tiếng khóc rất thê thảm, cũng chưa tiện hỏi thăm. Đến lúc quay về, lại nghe thấy, bèn hỏi chủ nhà. Đáp rằng:
– Mấy năm trước đây có người đàn bà góa và cô gái mồ côi, thuê nhà ở đây. Tháng trước bà lão mất, cô gái ở một mình, không có ai thân thích vì thế mà khóc.
Hỏi:
– Cô ấy họ gì?
Đáp họ Cổ. Thường đóng cửa không giao thiệp với làng xóm, nên cũng không rỏ gia thế ra sao.
Lam kinh ngạc nói:
– Thế thì là chị dâu tôi rồi.
Bèn ra gõ cửa. Có người lau nước mắt đi ra, đứng bên trong cửa lên tiếng:
– Quý khách là ai? Nhà tôi không có đàn ông.
Lam nhòm qua khe cửa, từ xa ngắm kỹ, quả là chị dâu. Bèn nói:
– Chị hãy mở cửa, em ở nhà chú A Toại đây.
Cô gái nghe tiếng mở cửa mời vào, kể lể tình cảnh éo le khổ sở, lời lẽ rất bi thảm. Lam nói:
– Anh Ba nhớ chị đến khổ. Vợ chồng có điều gì ngang trái mà chị phải lánh xa đến tận đây?
Ngỏ ý muốn thuê xe cùng về. Cô gái buồn rầu mà rằng:
– Tôi vì bị người khinh rẻ, mới đem mẹ đi trốn, nay lại trở về nhờ vả người thì ai chẳng khinh như mẻ? Như muốn tôi trở về thì phải cùng anh cả chia bếp, nếu không tôi chỉ còn nước uống thuốc độc tự vẫn cho rồi.
Lam về, kể lại cho chàng Ba. Chàng Ba vội lật đật đi ngay. Vợ chồng gặp nhau, ai nấy đều rơi lệ. Hôm sau nói với chủ nhà xin về. Chủ nhà là giám sinh họ Tạ, thấy nàng đẹp, ngầm mưu tính cưới nàng làm thiếp, nên mấy năm không lấy tiền nhà; đã nhiều lần đánh tiếng cho bà cụ, bị bà cụ cự tuyệt. Bà chết rồi, đang mừng mưu mình chắc xong, thì chàng Ba bất chợt tìm đến. Bèn tính tiền nhà luôn trong mấy năm để làm khó dễ. Nhà chàng Ba vốn không dư dật, nghe nói tiền nhiều có ý lo. Nàng bảo không sợ, rồi dẫn Ba vào xem dựa thóc, ước chừng hơn ba mươi thãch, trả tiền nhà rồi vẫn thừa. Chàng Ba mừng nói với họ Tạ. Tạ không nhận thóc, nhất định đòi tiền. Cô gái than rằng:
– Trăm sự cũng tại nghiệp chướng thân này mà ra cả.
Rồi kể tình thực cho chàng Ba hay. Chàng Ba giận định kiện lên ấp. Họ Lục bèn vào đem thóc chia bán cho người thân thích trong làng, lấy tiền trả Tạ, rồi đem xe tiễn hai người về.
Chàng Ba thưa thực cùng cha mẹ, xin cùng anh chia nhà để ở. A Tiêm bỏ tiền riêng, ngày ngày xây kho thóc, mà trong nhà vẫn chưa có lấy được một thạch, ai cũng lạ. Hơn năm xem lại, thì kho đã đầy. Không đầy vài năm, nhà đã giàu lớn, còn Sơn thì vẫn nghèo khổ. Nàng mời cha mẹ chồng về nuôi dưỡng, và đem tiền gạo chu cấp cho anh, nhiều lần thành lệ. Chàng Ba mừng nói:
– Nàng có thể nói là người không để tâm thù oán.
Cô gaí đáp:
– Cũng bởi anh ấy có lòng thương em trai. Nếu không có anh ấy, thiếp đâu được cùng chàng nên duyên?
Về sau, cũng không có chuyện gì quái lạ.
NGUYỄN ĐỨC LÂN- NGUYỄN HUỆ CHI dịch
Chú thích(1) Cao Mật là một huyện thuộc tỉnh Sơn Đông.