Đọc truyện Liêu Trai Chí Dị – Chương 35: Thần hoa cúc
Thiên lý bình cân bốc ẩn cư
Tửu hương hoa khí mộng tinh sơ
Lương duyên ưng vị mai hoa đố
Xử sĩ phong lưu chuyển bất như
Huyện Thuận Thiên, tỉnh Hà Bắc, có người họ Mã, tên Tử Tài, có vợ họ Lã, tính rất hiền thục.
Gia tư Tử Tài cũng chỉ vào hàng khá giả, có hai dãy nhà nam bắc, cách nhau một chiếc sân lớn. Mỗi dãy dài chừng bốn chục thước, tiếp giáp với một khu vườn chừng nửa mẫu đất. Khu bắc có trồng hoa cúc còn khu nam thì bỏ hoang.
Ông, cha Tử Tài đều yêu hoa cúc song Tử Tài còn mê hoa cúc hơn cả cha, ông. Tử Tài chỉ trồng hoa cúc để thưởng ngoạn chứ chẳng đem bán bao giờ vì Tử Tài vẫn giữ ý nghĩ cổ truyền của cha, ông, cho việc bán hoa cúc là một việc làm vô liêm sỉ. Hễ nghe nói ở đâu có hoa cúc đẹp là Tử Tài lại lặn lội tìm tới mua, chẳng kể đường xá gần xa, giá cúc đắt rẻ. Vì thế mà gia tư lụn bại dần.
Một hôm, có người khách quen từ thủ phủ Kim Lăng, tỉnh Giang Tô, lên Thuận Thiên có việc, ghé thăm Tử Tài. Trong khi đàm đạo, khách nói có một người bà con ở Kim Lăng mua được hai giống cúc đẹp lắm, không thấy có ở miền bắc. Tử Tài mừng quá, tức khắc vào nhà trong bảo vợ sửa soạn tiền bạc, hành trang để mình theo khách xuống Kim Lăng tìm mua hai giống cúc ấy.
Tới nơi, Tử Tài đưa tiền nhờ người bà con của khách đi mua giùm được hai giò cúc lạ. Tử Tài quý hai giò cúc ấy lắm, chăm sóc như bảo vật.
Hôm sau, Tử Tài biệt khách, đem hai giò cúc về Thuận Thiên. Mới lên ngựa phóng đi được một quãng thì Tử Tài thấy một thiếu niên phong lưu, tuấn tú, cưỡi ngựa theo sau một cỗ xe. Thiếu niên thấy Tử Tài đi cùng đường với mình thì mỉm cười, chắp tay vái chào làm quen, nói:”Ðệ họ Ðào, tên Trọng Túy, quê ở đất Kim Lăng này, còn quý danh là gì, quý quán ở đâu?” Thấy Trọng Túy nói năng lịch sự, tao nhã, Tử Tài chắp tay đáp lễ, nói:”Ðệ họ Mã, tên Tử Tài, quê ở huyện Thuận Thiên tỉnh Hà Bắc” Hỏi:”Dám hỏi túc hạ xuống đây có việc chi?” Ðáp:”Ðệ xuống đây tìm mua hai giống cúc đẹp không thấy có ở miền bắc!” Trọng Túy cười, nói:”Cúc nào là cúc chẳng đẹp, chỉ có người trồng tỉa chẳng biết cách chăm sóc mà thôi!” Rồi thao thao giảng thuyết về cách thức chăm sóc cúc. Nghe xong, Tử Tài mừng lắm, hỏi:”Bây giờ túc hạ đi đâu thế?” Ðáp:”Ðệ theo gia tỉ dọn nhà lên Hà Sóc, phía bắc sông Hoàng Hà!” Hỏi:”Quê túc hạ ở miền nam này, sao lại dọn nhà lên ở miền bắc?” Ðáp:”Tuy chị em đệ quê ở miền nam, song gia tỉ chán cảnh ở đây rồi, muốn dọn nhà lên ở miền bắc!” Tử Tài mừng lắm, nói: “Nếu túc hạ cùng lệnh tỉ chẳng chê đất Thuận Thiên là nơi hoang lậu thì xin mời nhị vị lên tệ xá cư ngụ!” Trọng Túy bèn rong ngựa tới cạnh xe, hỏi vọng vào: “Em vừa làm quen với Mã huynh ở Thuận Thiên, Hà Bắc. Biết chị em mình đang dọn nhà lên Hà Sóc, Mã huynh mời chị em mình lên nhà Mã huynh cư ngụ, chị có thuận không?” Tử Tài chăm chú theo dõi thì thấy một nữ lang tuyệt sắc, tuổi chừng hai mươi, vén rèm xe lên nhìn Trọng Túy, đáp: “Lên đó ở nhờ thì cũng chẳng sao song nhà cửa phải rộng rãi, tuy chẳng cần phải sang trọng!” Nghe thấy thế, Tử Tài vội phóng ngựa tới cạnh xe, nói:” Tệ xá tuy thô lậu song cũng rộng rãi lắm!” Hai chị em bèn quyết định theo Tử Tài lên Thuận Thiên.
Tới nhà, Tử Tài vào nói chuyện với vợ. Lã thị cũng mừng vì có thêm bạn gái mới. Tử Tài bèn ra nói với Trọng Túy: “Vợ chồng đệ cùng lũ gia nhân chỉ ở hết dãy bắc, còn dãy nam thì bỏ trống, xin mời túc hạ cùng lệnh tỉ dọn vào đó cư ngụ!” Trọng Túy mừng lắm, liền dắt chị vào dọn dẹp dãy nam để ở. Rồi hai chị em cùng sang dãy bắc chào Lã thị. Lã thị vồn vã đón tiếp, hỏi nữ lang: “Hiền muội tên chi?” Nữ lang đáp:” Thiếp họ Ðào, tên Hoàng Anh” Thấy Hoàng Anh nói năng lịch sự nhã nhặn, Lã thị quý mến lắm. Khi hai chị em cáo biệt, Lã thị sai gia nhân đem gạo muối và rau thịt sang biếu.
Hôm sau, Trọng Túy sang trồng giùm Tử Tài hai giò cúc mới. Rồi ngày nào Trọng Túy cũng sang chăm sóc vườn cúc cho Tử Tài. Thấy cây nào khô, Trọng Túy liền nhổ lên, chiết cành mới trồng vào chỗ cũ. Vì thế, chỉ ít lâu sau, vườn cúc nhà Tử Tài trông thực tốt tươi đẹp đẽ, khác hẳn khi trước. Tử Tài thầm cám ơn Trọng Túy nên ngày nào cũng giữ Trọng Túy ở lại yến ẩm với mình. Hoàng Anh cũng thường qua dãy bắc kéo tơ, may vá giùm Lã thị nên Lã thị càng quý mến.
Tháng sau. Một hôm Trọng Túy nói với Tử Tài: “Túc hạ vốn chẳng giàu có chi mà ngày nào cũng giữ đệ ở lại yến ẩm, rồi còn sai gia nhân đem gạo muối rau thịt sang cho thì đệ thấy ngại ngùng quá. Ðệ đâu có thể ngồi không mà nhận ân huệ mãi như thế được? Bây giờ đệ tính xoay qua nghề trồng tỉa hoa cúc để bán lấy tiền, tự túc mưu sinh!” Nghe thấy thế, Tử Tài đâm ra khinh khi Trọng Túy, rồi nói thẳng: “Trước kia đệ cứ tưởng túc hạ thuộc hàng cao sĩ, nay nghe nói mới biết cũng chỉ thuộc loại phàm phu. Muốn bán hoa cúc để cầu lợi thì thực là nhục cho hoa cúc lắm!” Trọng Túy cười, nói: “Lấy việc bán hoa cúc làm nghề sinh nhai thì có chi là đáng khinh bỉ? Tuy con người chẳng nên làm giàu một cách bẩn thỉu song cũng chẳng nên cầu nghèo chỉ vì không dám làm một nghề lương thiện!” Tử Tài im lặng. Trọng Túy bèn đứng dậy, cáo biệt. Từ đó, Trọng Túy không sang chăm sóc vườn cúc cho Tử Tài nữa. Tử Tài đành phải chăm sóc lấy một mình, cứ thấy cây nào hơi héo là nhổ lên vứt đi, chất thành đống. Tuy thế, hai bên vẫn chưa đến nỗi tuyệt giao. Thỉnh thoảng Tử Tài vẫn sai gia nhân đi mời Trọng Túy sang nhà mình đàm đạo.
Trọng Túy về nhà, đánh luống khu nam thành một khu vườn tuyệt đẹp. Rồi sang xin đống cúc vứt đi của Tử Tài, vác về lựa lấy những cây còn sống đem ra vườn trồng. Ngày nào Trọng Túy cũng làm cỏ, tưới nước, cuốc bỏ gốc xấu, chiết cành tốt trồng vào chỗ cũ. Chẳng bao lâu, vườn cúc của Trọng Túy trông thực tốt tươi đẹp đẽ. Mùa thu năm ấy, cúc nở kín vườn.
Sau tiết Trung thu. Một sáng, Tử Tài đang ngồi trong nhà thì chợt nghe có tiếng ồn ào như chợ vỡ ở phía nam. Lấy làm lạ, Tử Tài chạy ra coi thì thấy Trọng Túy đang đứng giữa cả trăm chậu cúc xếp trong vườn, phần lớn đều có trồng những giò cúc lạ, rất đẹp, mà mình chưa được thấy bao giờ. Dòng người đi chợ ghé vào mua cúc rất đông, ồn ào như thác lũ, liên miên chẳng dứt, kẻ thì chất lên xe, người thì vác lên vai. Cho là Trọng Túy tham tiền, Tử Tài khinh khi lắm. Lại thấy Trọng Túy giấu các giò cúc lạ để trồng bán lấy tiền, chẳng cho mình giò nào, Tử Tài càng thêm giận, nảy ý tuyệt giao. Tử Tài bèn xăm xăm chạy sang nhà Trọng Túy gõ cửa. Nghe tiếng gõ cửa, Trọng Túy từ ngoài vườn chạy vào mở. Thấy Tử Tài, Trọng Túy vồn vã cầm tay mời vào nhà. Thấy Trọng Túy vồn vã như thế, Tử Tài khựng lại, chẳng nói được lời nào. Ðưa mắt nhìn ra vườn, Tử Tài thấy nửa mẫu đất hoang của mình khi trước, nay đã biến thành một vườn cúc tuyệt đẹp. Trừ một miếng đất nhỏ được dùng để dựng chòi canh, còn các chỗ đất khác đều được trồng cúc.
Trọng Túy dẫn Tử Tài ra coi vườn cúc. Nhìn kỹ các cây cúc trong vườn, Tử Tài thấy toàn là những cây mà mình đã nhổ vứt đi! Sau khi dẫn Tử Tài đi coi những giò cúc mà mình mới trồng hồi sáng, Trọng Túy chắp tay nói: “Vì nhà đệ nghèo nên đệ phải xoay qua nghề bán cúc. Sáng nay đệ bán liền tay, cũng kiếm được chút ít, đủ để mời túc hạ lưu lại say sưa với đệ một bữa!” Thấy Trọng Túy vồn vã tiếp đãi mình như thế, Tử Tài chẳng nỡ chối từ. Trọng Túy bèn vào nhà lấy bàn ghế đem ra vườn đặt cạnh luống cúc, rồi trở vào lấy rượu và chén đũa đem ra. Chợt Tử Tài nghe thấy tiếng Hoàng Anh từ trong nhà gọi: “Tam đệ!” rồi thấy Trọng Túy chạy vụt vào nhà. Lát sau, Tử Tài thấy Trọng Túy bưng ra bốn đĩa thức ăn, đặt lên bàn, chắp tay nói: “Mấy món này đều do gia tỉ nấu. Xin mời túc hạ hãy cùng đệ nâng chén!” Tử Tài đành ngồi vào bàn yến ẩm với Trọng Túy song chẳng nói một lời nào. Lát sau, đột nhiên Tử Tài lên tiếng hỏi: “Sao lệnh tỉ chưa xuất giá?” Trọng Túy đáp: “Vì chưa tới lúc!” Hỏi: “Bao giờ mới tới lúc?” Ðáp: “43 tháng nữa!” Hỏi: “Sao túc hạ biết?” Trọng Túy mỉm cười, chẳng đáp, chỉ nâng chén mời Tử Tài. Thấy Tử Tài chưa cạn chén đã say, Trọng Túy bèn dìu về nhà.
Sáng sau, Tử Tài lại sang thăm vườn cúc của Trọng Túy. Thấy những giò cúc Trọng Túy mới trồng sáng qua, sáng nay đã cao đầy thước, Tử Tài ngạc nhiên lắm, nói: “Túc hạ chỉ cho đệ thuật trồng cúc mọc nhanh như thế này đi!” Trọng Túy đáp: “Thuật này chỉ dùng để chóng có cúc thường mà bán thôi chứ chẳng thể dùng để có cúc đẹp mà thưởng ngoạn được! Túc hạ đã chẳng muốn làm nghề bán cúc thì học thuật này làm chi?” Tử Tài bèn thôi không hỏi nữa.
Ðầu tháng chín, khi khách mua hoa đã vãn, Trọng Túy bèn gói những giò cúc dư vào bao cói mỏng, buộc thành bó, chất đầy một xe, rồi từ biệt chị và vợ chồng Tử Tài, đem xuống miền nam bán.
Nửa năm sau, vào độ cuối xuân, Trọng Túy lại đem từ miền nam về Thuận Thiên nhiều giống cúc lạ. Tới chợ huyện, Trọng Túy dừng chân, dựng một quán bán cúc. Mười ngày sau, bán hết cúc, Trọng Túy về nhà. Thế rồi, Trọng Túy lại bắt đầu trồng tỉa chăm sóc đợt cúc mới.
Tới mùa thu, cúc nở hoa, thiên hạ lại nô nức kéo nhau tới khu vườn của Trọng Túy để mua cúc. Nhiều người năm ngoái đã mua song vì không biết cách chăm sóc, để cúc chết, nên năm nay lại tới mua. Bán được nhiều cúc, Trọng Túy trở thành giàu có.
Năm sau, Trọng Túy để dành đủ tiền, bèn xin mua đứt dãy nhà với khu vườn phía nam. Tử Tài bằng lòng bán, rồi thuê người rào kín ranh giới hai khu nam bắc. Trọng Túy mua xong, thuê thợ nới rộng dãy nhà cũ ra, phá hết khu vườn cũ đi để xây biệt thự. Rồi đem tiền đi mua một khu vườn mới rộng rãi hơn, xây tường kín vây quanh, trồng cúc ở bên trong. Lại nuôi nhiều gia nhân để trồng tỉa cúc và giúp việc nhà.
Năm sau. Một hôm Trọng Túy nhẩm tính thời gian thì thấy hai chị em mình đã tới Thuận Thiên cư ngụ được hơn hai năm. Tới mùa thu, sau khi bán cúc cho dân chúng trong vùng, Trọng Túy lại chở cúc dư xuống miền nam bán. Trọng Túy vừa đi được ít lâu thì ở nhà, Lã thị bị bạo bệnh mà qua đời. Sau khi làm tang lễ cho vợ, Tử Tài thấy mình cô đơn nên nghĩ đến chuyện nhờ bà mối tới ướm ý Hoàng Anh xem có chịu làm vợ kế mình không. Bà mối tới hỏi thì Hoàng Anh mỉm cười, đáp rằng phải chờ hỏi ý kiến của em trai đã.
Hết mùa xuân, Trọng Túy vẫn chưa về. Hoàng Anh phải đứng ra đốc thúc gia nhân trồng tỉa, chăm sóc cúc theo đúng cách thức cũ của em. Tới mùa thu, Trọng Túy cũng vẫn chưa về. Hoàng Anh lại phải đứng ra bán cúc. Thấy tiền thu vào nhiều quá, Hoàng Anh liền đem đi mua thêm hai chục mẫu vườn ở ngoài thôn để trồng cúc. Thấy tiền vẫn còn dư, Hoàng Anh lại đem ra tu bổ cửa nhà cho thêm phần khang trang, tiện lợi.
Nửa năm sau. Một hôm có khách buôn từ Kim Lăng lên Thuận Thiên có việc, tìm đến nhà Tử Tài, trao cho Tử Tài một lá thư. Tử Tài mời khách vào nhà ngồi dùng trà rồi mở lá thư ra coi thì thấy là lá thư của Trọng Túy hỏi thăm mọi chuyện trong gia đình mình. Cuối thư Trọng Túy viết: “Xin túc hạ cho tiện tỉ được coi lá thư này!” Rồi Trọng Túy lại viết: “Thân gửi chị Hoàng Anh: Em nghe tin Lã tẩu đã qua đời. Em nghĩ Mã huynh cô đơn, thế nào cũng hỏi chị làm kế thất. Nếu Mã huynh có hỏi, em khuyên chị nên ưng thuận!” Coi xong, Tử Tài gấp lá thư cất vào túi rồi hỏi khách: “Ðào lang nhờ tôn ông chuyển lá thư này từ bao giờ?” Khách đáp:”Từ năm ngoái, song vì bỉ nhân bận việc, phải ghé nhiều nơi, nên năm nay mới tới đây được!” Tử Tài nhẩm tính thời gian thì thấy Trọng Túy đã viết lá thư từ hồi vợ mình mới mất, tính ra cũng đã trên một năm. Nếu tính từ ngày mình ngồi đối ẩm với Trọng Túy trong vườn thì vừa tròn 42 tháng.
Lát sau, khách cáo biệt. Tử Tài cám ơn rồi đứng dậy tiễn khách ra cổng. Khách đi rồi, Tử Tài vội chạy sang nhà Hoàng Anh, đưa lá thư cho coi. Chờ cho Hoàng Anh coi xong, Tử Tài mới hỏi:”Hôm nọ bỉ nhân có nhờ bà mối tới đây thưa chuyện cùng nương tử thì nương tử trả lời là còn chờ hỏi ý lệnh đệ. Nay lệnh đệ đã đưa ý như ở trong thư thì phải chăng nương tử sẽ thuận theo lời khuyên của lệnh đệ?” Hoàng Anh mỉm cười gật đầu. Tử Tài bèn hỏi: “Thế thì bao giờ nương tử sẽ cho bỉ nhân làm lễ nghênh hôn?” Hoàng Anh đáp: “Tháng tới” Hỏi: “Nương tử muốn lấy sính lễ như thế nào?” Ðáp: “Thiếp không lấy sính lễ!” Rồi tiếp: “Nhà lang quân cũ kỹ tồi tàn quá! Sau ngày cưới, lang quân nên dọn sang nhà thiếp mà ở! Lang quân cứ coi như mình đi ở rể vậy, có sao đâu?” Tử Tài lắc đầu, nói:”Ðàn ông đi cưới vợ thì phải đón vợ về nhà mình chứ chẳng thể tới nhà vợ ở rể được!” Hoàng Anh im lặng, chẳng nói chi thêm.
Tháng sau, Tử Tài chọn ngày lành giờ tốt để làm lễ nghênh hôn. Sau ngày cưới, Hoàng Anh thuê thợ trổ một cổng xuyên qua hàng rào để hai nhà thông nhau.
Cưới Hoàng Anh về rồi, Tử Tài lại đâm ra ngượng ngập, cứ sợ thiên hạ cười mình là cưới vợ giàu để nhờ vả. Vì thế, Tử Tài cứ căn dặn vợ là phải làm sổ sách chi thu riêng biệt cho mỗi ngôi nhà. Hoàng Anh cười mà vâng lời. Vì nhà Tử Tài nghèo quá, Hoàng Anh thường phải về nhà mình lấy đồ gia dụng đem sang. Thế nhưng, hễ Tử Tài thấy có vật gì mới lạ ở trong nhà thì lại bắt gia nhân phải đem trả lại nhà vợ, cấm không được lấy sang nữa. Song le, vì nhà Tử Tài thiếu nhiều thứ quá nên chỉ một tuần sau, đâu lại vào đấy. Cuối cùng Tử Tài cũng đành bó tay. Thấy thế, Hoàng Anh cười, nói: “Có ai liêm khiết mà không bị mệt sức đâu!” Tử Tài ngượng lắm song chẳng biết cãi ra sao. Thế rồi Tử Tài buông xuôi, để mặc cho vợ muốn làm chi thì làm. Hoàng Anh được thể, thuê thợ phá hết hàng rào ngăn cách hai ngôi nhà, sửa lại ngôi nhà cũ của chồng rồi nối liền hai ngôi nhà làm một.
Hàng ngày, Hoàng Anh vẫn ghé về nhà mình, đốc thúc gia nhân trồng tỉa, chăm sóc cúc. Vì bán cúc được nhiều tiền, hai vợ chồng chỉ ngồi hưởng thụ, chi tiêu còn rộng rãi hơn cả các thế gia trong vùng. Thấy thế, Tử Tài áy náy lắm, đứng ngồi chẳng yên. Một hôm Tử Tài hỏi vợ: “Nàng vẫn còn ham làm giàu để làm chi?” Hoàng Anh đáp: “Thiếp có ham làm giàu đâu? Thiếp chỉ muốn kiếm đủ tiền cho lang quân được sống sung túc thôi!” Tử Tài nói: “Ta đâu có cần được sống sung túc?” Hoàng Anh nói: “Nếu lang quân không được sống sung túc thì sẽ bị đời sau chê cười!” Tử Tài hỏi: “Sao lại bị đời sau chê cười?” Hoàng Anh đáp: “Vì đời sau, thế nào chẳng có kẻ cười rằng đời trước có một người mê hoa cúc đến độ nhà đang khá giả mà hóa ra lụn bại!” Tử Tài nói: “Suốt ba mươi năm qua, ta là một người đàn ông khí phách, nay vì lụy nàng mà phải chiều theo ý nữ nhân! Miếng cơm manh áo cũng phải nhờ vào nữ nhân, thực chẳng còn chút khí phách nào của kẻ trượng phu! Người ta ai cũng mong được giàu song riêng ta thì lại chỉ mong được nghèo thôi!” Hoàng Anh cười, nói: “Nghèo mà mong giàu thì mới khó chứ giàu mà mong nghèo thì dễ lắm. Cứ đem hết tiền trong nhà ném ra ngoài đường là sẽ được nghèo ngay. Lang quân cứ ném hết đi, thiếp chẳng tiếc đâu!” Tử Tài nói: “Thế nhưng phung phí tiền do người khác làm ra thì lại là kẻ vô liêm sỉ!” Hoàng Anh cười, nói: “Ðã thế thì thiếp thấy chúng mình khó lòng mà chung sống với nhau được. Lang quân thì chẳng mong giàu mà thiếp thì lại chẳng mong nghèo. Nếu chẳng thỏa thuận được với nhau thì chúng mình nên ở riêng ra, ai trong sạch cứ việc trong sạch, ai đục bẩn cứ việc đục bẩn, có trở ngại chi đâu?” Tử Tài đành im lặng. Thấy chồng chịu thua mình, Hoàng Anh cũng thương hại nên chiều ý chồng, đóng cổng vườn cúc, chẳng làm nghề bán cúc nữa.
Hoàng Anh bèn thuê thợ cất một túp lều tranh ở vườn sau rồi bảo chồng dọn ra đó mà ở. Tử Tài thích lắm, vội dọn ra ngay. Hoàng Anh liền chọn hai tì nữ xinh đẹp sai ra lều tranh ở để hầu hạ chồng. Ðược ba ngày, Tử Tài nhớ vợ, bèn sai tì nữ vào nhà gọi vợ ra lều tranh ở với mình. Hoàng Anh nhất định không chịu ra. Vì thế, cứ ban đêm thì Tử Tài vào nhà ở với vợ rồi ban ngày thì lại ra lều tranh ở một mình. Lâu rồi thành lệ.
Tháng sau. Một hôm Hoàng Anh cười, nói với chồng: “Ăn đông, nằm tây, có người quân tử liêm khiết nào mà cư xử như vậy chăng?” Tử Tài đuối lý, chẳng biết đối đáp ra sao. Suy đi nghĩ lại, Tử Tài cũng tự thấy là mình gàn nên lại dọn vào nhà ở với vợ như trước.
Mấy tháng sau. Tới mùa thu, hoa cúc lại nở.
Một hôm, Tử Tài có việc phải xuống Kim lăng. Tới nơi, thuê quán trọ để ngủ. Sáng sau, thu xếp xong công việc, Tử Tài ra chợ coi hoa thì thấy ở chợ có rất nhiều quán, bán đủ mọi loại hoa. Thấy có một quán bán toàn hoa cúc, Tử Tài bèn ghé coi. Thấy có nhiều giò cúc to, đẹp, giống như những giò cúc mà Trọng Túy vẫn bán trước kia, Tử Tài bèn vào quán nói với người bán cúc: “Xin cho gặp chủ nhân” Người bán cúc mời Tử Tài ngồi, rồi chạy vào nhà trong báo cho chủ nhân hay. Khi chủ nhân bước ra quán thì Tử Tài nhận ra là Trọng Túy. Tử Tài mừng quá, vội chạy tới nắm lấy tay Trọng Túy, hỏi chuyện ở Kim Lăng. Trọng Túy trả lời rồi hỏi lại chuyện ở Thuận Thiên. Tử Tài cũng trả lời rồi thuật chuyện mình kết duyên với Hoàng Anh. Nghe xong, Trọng Túy giữ Tử Tài ở lại quán cúc. Tối ấy, sau khi cơm nước, hai người ngồi đàm đạo. Tử Tài nói: “Bây giờ ngu huynh với lệnh tỉ đã thành gia thất, hiền đệ hãy về Thuận Thiên mà cư ngụ với vợ chồng ngu huynh” Trọng Túy lắc đầu rồi rút ra một gói tiền, nói: “Quê tiểu đệ vốn ở đất Kim Lăng này mà tiểu đệ lại đang làm ăn khá giả nên chẳng thể di cư đi nơi khác được. Vả lại tiểu đệ cũng sắp cưới vợ ở đây rồi! Tuy nhiên, cuối năm nay, tiểu đệ có việc phải lên Thuận Thiên và phải tiêu pha một món tiền ở trên ấy. Vì thế, tiểu đệ muốn nhờ đại ca cầm món tiền này về đưa cho gia tỉ, bảo cất đi giùm để cuối năm tiểu đệ lên trên ấy, sẽ tới xin lại!” Tử Tài từ chối, nói:”Chắc là hiền đệ sợ gia đình ngu huynh nghèo nên muốn giúp đỡ món tiền này chứ gì? Ngu huynh chẳng nhận đâu!” Trọng Túy đành nói:”Thú thực với đại ca, trong hai năm qua tiểu đệ mở quán bán cúc ở đây, phát tài lắm. Bây giờ tiểu đệ rất giàu, có thể nghỉ bán cúc mà vẫn đủ tiền chi tiêu tới già. Ðây là món tiền tiểu đệ vẫn dành riêng để biếu gia tỉ khi xuất giá” Tử Tài nhất định từ chối.
Sáng sau, Tử Tài từ biệt Trọng Túy, ra về.
Tử Tài vừa đi thì đột nhiên Trọng Túy đổi ý, muốn lên Thuận Thiên cư ngụ gần chị. Trọng Túy liền hạ giá cúc để bán cho mau hết. Vì giá rẻ, chỉ một tuần sau, Trọng Túy đã bán hết cúc. Trọng Túy bèn trả lại quán cho chủ, trả tiền công hậu hĩ cho gia nhân rồi cho gia nhân nghỉ việc. Sau đó, Trọng Túy thu xếp hành trang, thuê riêng một chiếc thuyền lên Hà Bắc, tới Thuận Thiên.
Tới nhà Tử Tài, Trọng Túy thấy chị đã dành riêng cho mình ngôi biệt thự mới, tựa hồ như biết trước là mình sắp về. Vào phòng ngủ, Trọng Túy thấy có giường đệm, chăn gối mới tinh. Sau khi cởi bỏ hành trang, Trọng Túy vội chạy ngay ra mở cổng vườn cúc, vào coi hoa.
Hôm sau, Trọng Túy sai gia nhân tới vườn trồng tỉa chăm sóc cúc, giống hệt như mấy năm về trước. Tuy nhiên, bây giờ Trọng Túy chỉ muốn có hoa cúc đẹp để thưởng ngoạn thôi chứ chẳng còn muốn có hoa cúc thường để bán nữa. Ngoài việc chăm sóc cúc để có hoa thưởng ngoạn, Trọng Túy chẳng làm ăn chi cả, chỉ sai gia nhân đi mời Tử Tài sang đấu cờ với mình suốt ngày. Vì Tử Tài ít uống rượu nên Trọng Túy thường uống một mình. Trọng Túy uống rượu hào lắm, chưa say bao giờ.
Hoàng Anh muốn kén vợ cho Trọng Túy song Trọng Túy từ chối, nói rằng mình chỉ thích sống độc thân. Hoàng Anh bèn sai hai tì nữ sang ở biệt thự để hầu hạ Trọng Túy. Bốn năm sau, một tì nữ hoài thai với Trọng Túy, sanh được một bé gái, đặt tên là Tiểu Cúc.
Tử Tài có một người bạn họ Tăng, tên Sính, tửu lượng rất cao, trong vùng chưa có đối thủ. Một hôm, Tăng Sính ghé thăm Tử Tài. Tử Tài liền sai gia nhân đi mời Trọng Túy sang uống rượu. Khi Trọng Túy sang, Tử Tài giới thiệu hai người với nhau rồi đề nghị hai người uống thi. Ðôi bên cùng hoan hỉ nhận lời. Uống thi từ sáng tới tối, Tử Tài thấy mỗi người đã uống hết trên trăm chén. Hai người cùng phục tửu lượng của nhau, rồi cứ tiếc rằng chẳng được gặp nhau sớm hơn. Tăng Sính say khướt, nằm lăn ra ngủ, còn Trọng Túy cũng say mèm, đứng dậy trở về biệt thự. Tử Tài sợ Trọng Túy say quá, một mình chẳng về được nên theo sau để phòng khi cần dìu dắt.
Từ trong nhà Tử Tài, Trọng Túy bước ra tới vườn thì lảo đảo, dẫm bừa lên luống cúc rồi cởi chiếc áo choàng ném xuống đất, nằm vật xuống cạnh chiếc áo mà ngủ. Vừa chạm mình xuống đất, đột nhiên Trọng Túy biến thành một cây cúc cao bằng đầu người, trên cành có mười mấy đóa hoa to bằng nắm tay. Tử Tài kinh hãi quá, vội chạy vào nhà báo cho vợ biết. Hoàng Anh vội chạy ra vườn, nhổ cây cúc, đặt nằm trên luống, rồi lấy chiếc áo phủ lên mà trách:”Sao hiền đệ lại uống say đến thế?” Trách xong, Hoàng Anh nắm tay chồng dắt vào nhà, dặn: “Từ giờ tới sáng mai, lang quân chớ có ra đây nhìn cây cúc này! Lang quân mà ra nhìn thì nguy hiểm cho tính mạng của Túy đệ lắm!” Tử Tài gật đầu.
Nhớ lời vợ dặn, hôm sau Tử Tài phải chờ tới giữa trưa mới dám ra vườn để coi xem cây cúc tối qua có biến hóa gì không. Ra tới nơi thì thấy cây cúc đã biến trở lại thành Trọng Túy, đang nằm đắp chiếc áo choàng mà ngủ trên luống cúc. Lúc đó Tử Tài mới hiểu rằng hai chị em Trọng Túy đều là thần hoa cúc. Từ đó, Tử Tài lại càng yêu thương, kính trọng hai chị em hơn.
Từ lúc Trọng Túy để lộ hình tích cho Tử Tài biết chị em mình là thần hoa cúc thì Trọng Túy chẳng còn giữ gìn gì nữa, cứ uống rượu liên miên. Trọng Túy tự tay ngâm một vò rượu thuốc lớn để uống dần.
Một hôm Trọng Túy viết thiếp, sai tì nữ đem đi mời Tăng Sính tới vườn nhà mình uống rượu, rồi sai gia nhân đem bàn ghế ra bày cạnh luống cúc, khiêng vò rượu thuốc ra đặt ở cạnh bàn. Khi Tăng Sính tới, Trọng Túy dẫn ra vườn rồi sai gia nhân bưng đồ nhắm ra. Trọng Túy mời Tăng Sính nhập tiệc, hẹn rằng hai người phải cùng nhau uống hết vò rượu mới thôi. Tăng Sính cười rồi gật đầu ưng thuận. Gia nhân bèn chạy đi báo cho Tử Tài hay. Tử Tài liền ra vườn để rình xem tửu lượng của hai người tới đâu. Khi thấy vò rượu sắp cạn mà hai người còn tỉnh, Tử Tài sai gia nhân vào nhà lấy thêm rượu ra, lén rót vào vò. Hai người cứ tiếp tục uống. Khi vò đã cạn, Tăng Sính say quá, gục đầu xuống bàn mà ngủ. Tử Tài bèn sai hai gia nhân thay phiên nhau cõng Tăng Sính về nhà. Trọng Túy cũng say, lại cởi chiếc áo choàng ném xuống đất rồi lại nằm lăn xuống luống mà ngủ. Ðột nhiên, Trọng Túy lại biến thành cây cúc. Vì đã được thấy Trọng Túy biến hóa như thế một lần nên lần này, Tử Tài chẳng sợ nữa, cứ bắt chước vợ mà nhổ cây cúc, đặt nằm trên luống, rồi lấy chiếc áo phủ lên. Tử Tài đứng cạnh để chờ xem cây cúc biến trở lại thành Trọng Túy như thế nào? Thế nhưng lần này, Tử Tài chỉ thấy lá cúc héo dần. Kinh hãi quá, Tử Tài vội chạy vào nhà thuật lại cho vợ nghe. Hoàng Anh tái mặt, thốt lên:”Lang quân đã giết chết bào đệ của thiếp rồi!” Thốt xong, Hoàng Anh vùng chạy ra vườn. Tử Tài cũng vội chạy ra theo. Tới nơi, Tử Tài thấy gốc rễ cây cúc đã héo khô. Hoàng Anh đau khổ lắm, bẻ một cành còn tươi, cắm vào một chậu đất sẵn có ở trong vườn, rồi tưới nước, bưng về trưng trong phòng mình. Tử Tài theo vợ về phòng, trong lòng hối hận là đã giết chết Trọng Túy. Suy nghĩ miên man, Tử Tài đâm ra oán hận Tăng Sính.
Hôm sau, Tử Tài toan sang nhà Tăng Sính để trách mắng thì nghe tin Tăng Sính đã chết vì cơn say rượu bữa trước ở vườn cúc nhà Trọng Túy.
Hàng ngày, Hoàng Anh tưới nước cho cành cúc trong phòng mình. Ít lâu sau, cành cúc bén rễ rồi sinh ra nhiều nhánh nhỏ. Chín tháng sau, cành cúc nở hoa. Hoàng Anh chiết các nhánh nhỏ đem trồng thì các nhánh này lại sinh ra một giống cúc mới, thân thấp lè tè, cánh hoa có phấn, tỏa ra một mùi thơm tựa như mùi rượu. Vì thế, về sau giống cúc này được gọi là Túy Ðào Cúc (Cúc Ðào Say). Nếu được tưới bằng rượu thì giống cúc này nở đầy hoa rất đẹp.
Từ đó, trong nhà Tử Tài chẳng còn chuyện gì lạ xảy ra nữa. Hoàng Anh sống rất hạnh phúc bên chồng.
Mười lăm năm sau. Con gái của Trọng Túy là Tiểu Cúc đã tới tuần cập kê. Hoàng Anh bèn đem gả cho con trai của một thế gia trong vùng.