Đọc truyện Liêu Trai Chí Dị – Chương 102: Hồ gã con
Dịch Giả: Nguyễn Huệ Chi
Có một Thiên Quan họ Ân, người Lịch Thành thuở nhỏ, nhà nghèo, thường tỏ ra gan dạ. Trong ấp có khu nhà của một cố gia, rộng vài chục mẫu, lầu viện liền nóc, thường thấy chuyện quái dị, vì thế mà bỏ hoang, không ai ở.
Lâu ngày tranh cỏ mọc um tùm, giữa ban ngày cũng không ai dám bén mảng đến.
Một hôm, Ân đang cùng các bạn học trò uống rượu, có người nói đùa:
– Ai dám ngủ trong nhà đó một đêm, chúng tôi sẽ góp tiền đãi bữa rượu.
Ân ngồi nhổm ngay dậy, nói:
– Khó gì việc ấy:
Rồi cắp một chiếc chiếu mà đi. Chúng bạn tiễn Ân đến cổng, bảo đùa rằng:
– Chúng tôi hẵng đợi ngoài này, nếu như có thấy điều gì thì kíp gọi to lên.
Ân cười đáp lại:
– Nếu có ma hãy hồ thì sẽ tóm cổ đưa về làm bằng
Nói rồi đi vào. Thấy lau sậy mọc khuất cả lối đi, các loài cỏ dại mọc rậm như gai.
Hôm đó, nhằm khoảng đầu tháng, trăng non mờ nhạt, nên cửa ngõ cũng phân biệt được.
Ân đưa tay lần vách mà đi mãi, mới đến khu lầu phía sau.
Trèo lên sân thưởng nguyệt, thấy sáng sủa, sạch sẽ, một vành trăng sáng ngậm trên đầu núi, ngồi một lúc lâu, không thấy có gì lạ, trong bụng cười thầm cho là thiên hạ đồn hão.
Rồi giải chiếu xuống đất, gối đầu lên hòn đá, nằm ngắm sao Ngưu Lang Chức Nữ.
Canh khuya, lơ mơ muốn ngủ, Ân chợt nghe dưới lầu có tiếng giầy lẹp kẹp đi lên.
Ân vờ ngủ, ghé mắt xem, thấy một nàng áo xanh xách chiếc đèn hoa sen, thốt nhiên nhìn thấy Ân thì giật mình lùi bước, bảo với người đi sau rằng:
– Có người lạ trên này.
Người bên dưới hỏi:
– Ai vậy?
– Cô gái đáp rằng:
– Không biết.
Giây lát, một ông già bước lên, đến tận nơi nhìn kỹ, nói:
– Ðây là quan thượng thư họ Ân. Ngài đã ngủ say, ta cứ làm việc mình. Ông lớn là người không câu nệ, chắc không lấy làm lạ mà quở trách đâu.
Họ bèn đưa nhau lên, vào cả trong lầu. Các cửa lầu mở hết. Một lát nữa, kẻ đi người lại càng nhiều. Trên lầu, đèn sáng như ban ngày.
Ân khẽ cựa mình, cất tiếng ho hắng.
Ông già thấy ông đã tỉnh, bèn bước ra, quỳ xuống thưa rằng:
– Kẻ hèn mọn này có đứa con gái sắp gả chồng, đêm nay cho cháu làm lễ vu quy; không ngờ xúc phạm đến quan nhân, mong ngài lượng thứ.
Ân ngồi dậy, đỡ ông lão lên nói:
– Không biết hôm nay là ngày vui mừng của nhà ta, thật áy náy vì không có gì để mừng tặng.
Ông già đáp:
– Ðược quan nhân hạ cố, trấn áp điềm hung hiểm, là may lắm rồi. Lại xin được phiền ngài ngồi lại cùng vui, quý hóa biết chừng nào
Ân cũng mừng, nhận lời.
Vào trong lầu, nhìn xem, thấy bày biện đẹp đẽ, trang nhã.
Lúc ấy, có người đàn bà bước ra vái chào, tuổi đã ngoại bốn mươi. Ông già nói:
– Ðây là tiện nội.
Ông vái chào lại.
Bỗng nghe tiếng sênh, tiếng nhạc cất lên inh tai, có người nhà chạy vội lên thưa:
– Ðến rồi!
Ông lão chạy ra đón, Ân cũng đừng đợi.
Phút chốc, một chiếc đàn lồng bằng sa mỏng, dẫn chú rễ vào.
Chù rễ tuổi khoảng mười bảy mười tám, vẻ người sáng sủa, thanh tú.
Ông già bảo hãy chào quan khách trước.
Chàng trai đưa mắt nhìn ông.
Ông giữ chân tiếp khách dùm chủ nhà, nên nhận lễ nửa khách nửa chủ. Thứ đến là bố vợ và chàng rễ giao bái. Xong, bèn ngồi vào bàn tiệc.
Một loáng, đám người phấn sáp kéo lên như mây. Rượu thịt bày la liệt. Chén ngọc, bình vàng sáng nhoáng, chiếu rọi lên bàn ghế.
Rượu được vài tuần, ông già bảo con hầu vào mời tiểu thư ra.
Con hầu vâng lời đi vào, lúc lâu vẫn không thấy ra.
Ông lão tự mình đứng lên, vén bức màn, giục ra.
Phút chốc, một bọn hầu gái, trẻ có già có, cùng đỡ cô dâu ra.
Tiếng ngọc đeo vang lên lanh canh, mùi lan thơm sực nức.
Ông già truyền bảo nàng hãy trông lên mà chào lạy.
Lạy xong cô dâu đứng dậy, ngồi bên cạnh bà mẹ.
Ân đưa mắt liếc nhìn, thấy cô tóc phượng cài trâm thu, tai đeo ngọc minh châu, dung nhan tuyệt đẹp.
Thế rồi, rót rượu vào chén vàng, mỗi chén lớn chừng vài đấu.
Ân nghĩ:
-Vật này có thể đưa cho bạn bè làm chứng được, bèn giấu vào trong tay áo rồi vờ say, tựa xuống ghế, gục đầu mà ngủ.
Mọi người đều nói:
– Ông lớn say rồi!
Không bao lâu, nghe tiếng chú rễ có lời xin rước dâu.
Tiếng nhạc, tiếng sênh lại nổi lên, mọi người nhộn nhịp xuống lầu ra đi.
Xong xuôi, chủ nhân thu dọn bàn tiệc, thấy thiếu mất một cái chén, tìm khắp không thấy.
Có người bàn, vụng ngờ cho ông khách đang nằm ngủ.
Ông già vội gạt đi không cho nói hết, chỉ sợ Ân nghe được.
Lúc lâu nữa, trong ngoài im lặng cả, Ân mới trở dậy.
Tối mò không có đèn đuốc gì, chỉ có mùi thơm của phấn sáp và hơi rượu, như còn đầy cả bốn quanh tường.
Trông ra, hừng đông đã rạng, bèn thong thả bước ra. Sờ vào trong tay áo, cái chén vàng vẫn còn.
Ra đến cổng thì bạn bè đã đợi sẵn, họ cứ ngờ Ân đang đêm lẻn ra, gần sáng mới trở vào.
Ân đưa chén cho xem, ai cũng kinh ngạc, dò hỏi.
Ân bèn kể rõ đầu đuôi cho biết. Chúng đều nghĩ vật này thì anh học trò nghèo chẳng thể nào có, mới tin là chuyện thực.
Về sau, ông thi đỗ Tiến sĩ, nhậm chức ở Phù Khâu.
Có nhà gia thế họ Chu thết tiệc ông, sai lấy bộ chén lớn, mà mãi vẫn không thấy người hầu mang ra.
Có đứa hầu nhỏ che miệng nói thầm với chủ nhân điều gì đấy, nét mặt chủ nhân có vẻ tức giận.
Một lát sau đem bộ chén vàng ra, rót mời khách uống.
Nhìn kỹ kiểu chén cùng đường trạm trổ, không khác chút gì với thứ chén của hồ dạo nào.
Ân lấy làm lạ, Ân hỏi chén này chế tạo ở đâu. Chủ nhân đáp:
– Bộ chén này cả thảy có tám chiếc, đời ông thân tôi làm quan Khanh tại kinh, kén tìm thợ khéo chế ra, nên lấy làm vật gia bảo truyền thế, cất kỹ từ lâu. Vì được đại nhân hạ cố mới lấy ở trong hòm ra, thì chỉ còn bảy chiếc.
Ngờ đâu người nhà lấy trộm, mà dấu niêm phong mười năm vẫn như cũ, thật chẳng hiểu sao nữa.
Ân cười bảo:
– Chén vàng mọc cánh bay mất rồi, những vật báu truyền đời không nên để cho mất. Tôi có một chiếc cũng gần giống, xin đem để tặng ngài.
Tiệc xong, về dinh, ông lấy chén ra, cho người mang đến.
Chủ nhân xem kỹ, rất kinh hãi, đích thân đến tạ ơn, và hỏi nguyên do chiếc chén từ đâu mà có.
Ân bèn kể lại đầu đuôi câu chuyện.
Mới hay rằng vật ngoài nghìn dặm, hồ cũng có thể lấy được, duy chỉ không dám giữ làm của mình.
— —— BỔ SUNG THÊM — ——
Mưa Tiền
(Vũ tiền)
Thư sinh tú tài xứ Tân Châu đang đọc sách trong phòng học thì có tiếng gõ cữa. Một ông già tóc trắng phơ phơ, dáng người cũ kỹ bước vào.
Thư sinh đón mời vào hỏi họ tên. Ông cụ cho biết ông họ Hồ, tên Dưỡng Chân, vốn là hồ tiên, vì mến mộ chàng là người coa nhã, xin được đến cùng ăn ở sớm khuya.
Thư sinh tính khí khoáng đạt cho nên cũng không nghi ngại gì, hàng ngày cùng nhau bàn luận cổ kim. Ông cụ đặc biệt uyên bác, nói năng vanh vách như nhả ngọc phun châu, về mặt kinh nghĩa lại càng sâu sắc. Thư sinh tự thấy mình không thể kịp, càng kính phục lắm, lưu ông cụ ở lại rất lâu.
Một hôm thư sinh ngỏ lời tâm tình:
– Cụ thấy tôi là người hiền lành, phúc hậu mà lại nghèo khổ thế này. Cụ chỉ ra tay một chút là vàng bạc đến ngay, sao cụ không gia ơn cho chút đỉnh?
Ông cụ “hừ” một tiếng, tựa như cho là không thể được. Nhưng lát sau lại cười bảo:
– Việc đó cực dễ! Nhưng phải có mười đồng tiền mẹ làm mồi.
Thư sinh đưa ra đủ. Ông cụ dẫn vào một cái buồng kín đáo rồi làm phép, bắt quyết đọc chú. Chỉ một lát bỗng hàng chục vạn, tặm vạn đồng tiền từ trên nóc nhà loảng xoảng rơi xuống y như mưa rào vậy. Loáng cái đã ngập đến đầu gối người đứng dưới, rút chân đứng lên trên tiền lại ngập đến bắp vế. Một căn nhà rộng mênh mông mà tiền ngập đến ba, bốn thước.
Ông cụ quay lại hỏi chàng thư sinh:
– Thế nào, vừa ý anh chưa?
– Thưa đủ rồi – Chàng hoan hỉ trả lời.
Ông cụ vẫy tay một cái mưa tiền ngưng lại. Rồi cùng nhau đóng cửa gài then đi ra.
Chàng thư sinh mừng quá chắc mẩm phen này giàu nứt đố đổ vách. Lát sau phải vào căn nhà ấy để lấy đồ thì ôi thôi, căn nhà đầy tiền đã rỗng không. Chỉ còn mười đồng tiền mẹ làm mồi, nằm chỏng chơ ở đó.
Hy vọng thế là tiêu tan, chàng thư sinh tức điên lên, oán trách ông già lừa mình. Ông già nổi giận mắng lại:
– Lão này với anh chỉ là bạn văn chương chữ nghĩa, chứ không định cùng anh làm giặc. Muốn được như ý của anh thì phải kết thân với bọn trèo tường khóet vách, chứ lão đây không thể vâng mệnh!
Nói rồi phủi áo bỏ đi.
NGUYỄN VĂN HUYỂN dịch