Đọc truyện Lấy Người Không Yêu Mình – Chương 19
Anh Minh nói xong, cả phòng tôi lập tức xôn xao hết cả lên, không cần đoán cũng biết mọi người đang nghĩ gì trong bụng về tôi.
Mặt tôi càng ngày càng nhăn nhó, tôi gượng gạo bảo:
– Ơ sao tự nhiên anh lại đề xuất em, em có biết gì đâu, em còn đang học việc ở phòng Marketing đây này.
– Anh thấy em chịu khó ghi chép, mà tố chất của thư ký thì chịu khó ghi chép là một lợi thế đấy. Anh bảo sếp, sếp đồng ý rồi, quyết định đây nhé, ngày mai bàn giao công việc rồi ngày kia bắt đầu nhận vị trí mới.
– Nhưng mà…
– Không nhưng nhị gì hết, có quyết định rồi.
Anh Minh quay sang nhìn bà cô trưởng phòng, tiện tay cầm quyết định có dấu đỏ và chữ ký của Phong, bảo bà ấy:
– Quyết định điều chuyển của Thiên đây Thư nhé, em xem có việc gì thì bảo Thiên để cho em ấy bàn giao còn chuyển lên làm.
– Sao quyết định đột ngột thế hả anh?
– Ừ lâu nay sếp không có thư ký mà, thằng Hải trợ lý thì ôm không hết việc. Anh thấy Thiên mới vào chưa có kinh nghiệm làm marketing nhưng chịu khó ghi chép với cả cũng nhanh nhẹn nên anh đề xuất cho Thiên lên làm. Thử việc mấy tháng, không làm được lại xuống.
– Vâng, thế cũng được, để em ấy thử sức xem sao.
– Ừ, vẫn cùng công ty mà, lo gì, nhỉ?
– Vâng.
Thế là hai hôm sau, tôi được chuyển lên tầng tám làm việc, ngồi ở bàn ngay trước cửa phòng làm việc của Phong luôn.
Nói chung tôi chưa học hành đến đâu nên làm lĩnh vực nào cũng chẳng biết gì hết, lúc mới nhận việc cũng ngơ ngơ ngác ngác, Phong thì làm giám đốc nên lịch trình của anh dày đặc cả ngày, chẳng có thời gian mà chỉ bảo tôi.
Anh Minh cũng làm ở ngay tầng tám nên thỉnh thoảng cũng chạy qua chạy lại chỗ tôi để hỏi han, có lúc còn mang cả cho tôi một tách trà nữa, tôi ngại không dám nhận, anh ấy cứ bảo:
– Con gái uống cái này đẹp da này, thơm nữa. Phòng anh có mấy gói không dùng đến, em uống đi.
– Anh cứ cho em thế này em ngại lắm, chẳng cảm ơn anh được thì thôi còn cứ nhận của anh.
– Ngại gì mà ngại, hay là em muốn cảm ơn thì tối nay mời anh đi ăn lẩu ếch đi.
– Lẩu ếch á?
– Ừ, ở Lò Đúc ấy, ngon lắm.
– Thế à anh? Ngon lắm à?
– Ừ, anh ăn suốt mà. Tối nay anh đón em nhé, mấy giờ em rỗi?
Tôi đang chưa nghĩ ra lý do gì để từ chối thì tự nhiên nghe giọng Phong ở sau lưng vọng đến:
– Hôm nay cậu rỗi quá nhỉ?
– Ơ, sếp về rồi à? Em đang hỏi xem Thiên có cần giúp gì không ấy mà.
– Thư ký của tôi thì cậu giúp được gì?
– À thì… tại em ấy mới lên nên chưa biết nhiều. Em thấy sếp với Hải đi ra ngoài nên chạy sang xem thế nào.
– Có công văn ở sở xây dựng chuyển sang, cậu đến các phòng lấy hết số liệu rồi làm luôn đi. Sáng mai nộp cho tôi.
– Làm luôn ấy ạ?
– Ừ.
– Nhưng giờ bốn giờ rồi, chạy đi đến hết các phòng rồi tổng hợp nữa, sợ không kịp sếp ạ.
– Thế thì tăng ca, làm đêm.
– Tăng ca ấy ạ?
– Ừ, tối nay bận gì à?
– Không, không ạ. Để em đi làm luôn.
Anh Minh mặt mày tiu nghỉu chào tôi rồi quay về phòng làm việc, tôi cũng chẳng hiểu công văn ấy phải làm gì nhưng mà nghe phải đến tất cả các phòng để lấy số liệu, cũng đủ biết là việc cực nhiều rồi. Mà việc nhiều thế thì làm cả đêm chưa chắc đã xong chứ đừng nói là dẫn được tôi đi ăn lẩu ếch.
Phong thấy tôi cứ ngồi ngẩn ra nhìn theo bóng anh Minh thì cau mày:
– Em được giao việc gì rồi?
– Chưa được giao việc gì cả ạ. Anh Hải bảo chờ anh về rồi anh giao.
– Vào phòng đi.
Tôi lẽo đẽo theo anh vào phòng, lần đầu tiên được vào phòng sếp có khác, tôi ngó ngang ngó dọc khắp mọi nơi, lúc không thấy có giường chiếu gì trong này, tự nhiên trong lòng lại có cảm giác vui vui kiểu gì ấy.
Giống như là yên tâm hơn vì ông sếp của tôi rất đứng đắn, chưa từng mang gái về nơi này.
– Nhìn gì đấy?
– Nhìn xem phòng anh có cô nào không.
– Vớ vẩn, lại đây.
Tôi chạy lại gần anh, thấy Phong mở ngăn kéo lấy cho tôi một cái ipad mini, nhỏ hơn cái trước anh đưa cho tôi để ôn thi đại học. Anh nói:
– Từ giờ lịch trình làm việc của anh thì em sắp xếp bằng cái này, xong mail qua cho anh, có biết làm không?
– Biết mà. Nhưng em lấy lịch trình của anh ở đâu?
– Điện thoại bàn gọi đến em nghe, có đối tác muốn gặp để trao đổi hay các việc quan trọng mà các trưởng phòng đưa lên, em cứ xem qua rồi sắp xếp vào lịch trình.
– Vâng ạ.
Thế là những ngày tiếp theo, tôi bắt đầu học làm quen với công việc làm thư ký cho anh, và cũng nhờ công việc này mà tôi biết được rất nhiều chuyện, điển hình là việc Thùy rất thường xuyên đến công ty tôi, à không, đến phòng của Phong mới đúng.
Tôi làm thư ký được một tuần thì chị ta đến, vừa thấy tôi ngồi ngoài hành lang, Thùy chợt khựng lại mấy giây nhưng lại nhanh chóng giả vờ cười luôn được:
– Thiên à?
– Chị ạ. Chị mới đến à?
– Ừ, chị vừa mới đến, đang định tìm anh Phong. Anh ấy có ở trong phòng không em?
– Có chị ạ, anh ấy ở trong phòng, để em bảo với anh ấy chị đến nhé.
– Không cần đâu, mọi lần chị toàn đi thẳng vào. Em mới chuyển lên trên này làm việc à?
– Vâng ạ. Em mới lên được mấy hôm.
– Anh Phong không nỡ xa vợ nên bảo lên hả?
Bình thường thì tôi sẽ chối luôn, nhưng mà nghĩ đến chị ta có gì đó với chồng tôi nên tôi nói:
– À vâng, vợ chồng son mà.
– Ừ. Thế chị vào trong nhé.
– Vâng ạ.
Chẳng biết hai người ở trong đó nói chuyện gì mà Thùy ở trong đó rõ lâu, tôi ngồi ngoài cứ vểnh tai lên nghe ngóng mà chẳng thấy động tĩnh gì cả, mãi hơn ba mươi phút sau chị ta trở ra, xong còn cố tình kéo phẳng lại váy trước mặt tôi:
– Chị về đây, hôm khác gặp nhé.
– Vâng.
– À, anh Phong thích uống trà hoa cúc, hôm nào em tìm mua cho anh ấy một gói nhé. Anh ấy không thích uống café đen đâu.
– Vâng.
Sau khi chị ta về rồi, tôi mới lẩm bẩm chửi với theo mấy câu cho bõ tức. Nếu không nể chị ta làm ở sở xây dựng, liên quan trực tiếp đến công việc của công ty thì tôi đã chửi thẳng mặt rồi. Dù gì thì Phong cũng là chồng tôi, chị ta là cái quái gì tôi không cần biết nhưng riêng kiểu thích dạy vợ người khác cách chăm sóc chồng là tôi thấy ngứa mắt lắm rồi, mà tôi còn ghét cả cái kiểu giả vờ thanh cao của chị ta nữa.
Tôi chửi xong một tràng dài mới hậm hực định ngồi xuống bàn, ai ngờ còn chưa kịp đặt mông xuống thì đã thấy Phong đứng ngay cạnh tôi.
– Em lẩm bẩm gì thế?
– À đâu, em đang nói linh tinh ấy mà. Có việc gì thế anh?
– Có một hộ mua chung cư của công ty nhưng họ khó tính, bảo không thoáng với không đủ ánh sáng nên đòi trả lại, bắt bồi thường tiền nữa.
– Ơ, đòi trả lại thì trả lại chứ sao lại bắt bồi thường tiền nữa ạ?
– Họ bảo công ty mình lừa đảo, thiết kế một đằng, thi công một nẻo. Giờ anh định đến đó xem thế nào, em đi không?
– Nhưng mà em không biết gì cả, em sợ đến vướng chân của anh ấy.
– Thử đi xem thế nào.
Anh nói thế tôi cũng chẳng từ chối nữa, với cả tôi cũng thích đi theo anh để xem kinh doanh là thế nào nên leo lên xe đi luôn. Lúc ở trên xe tôi cứ thắc mắc mãi, không biết những việc này anh phải ra mặt làm gì vì còn có bộ phận chăm sóc khách hàng cơ mà, mãi lúc đến nơi tôi mới biết, chủ nhà ấy là một bà già trái tính trái nết, nhân viên công ty tôi chưa nói được gì đã mang xoong nồi ra ném đuổi đi rồi, không ai can thiệp được nên Phong mới phải đến tận nơi.
Anh Hải trợ lý cũng đi cùng hai người bọn tôi, lúc đến nơi gõ cửa mấy cái, trong nhà đã có tiếng người quát vọng ra:
– Ai đấy, biết mấy giờ rồi không mà đến gõ cửa nhà người khác, không để nhà người ta ăn cơm à?
Nghe giọng là đã biết trình độ chửi nhau còn hơn cả tôi rồi. Anh Hải nghe xong cũng nổi da gà, quay sang bảo Phong:
– Sếp cẩn thận đấy, bà ấy dễ cầm chảo ném lắm.
Anh không nói gì mà chỉ nhìn tôi:
– Thiên đứng ra sau đi.
– Vâng.
Vừa nói xong thì bà kia hầm hầm mở cửa ra, vừa thấy ba người bọn tôi đã chửi:
– Tìm ai?
– Chào bác, cháu ở công ty Venus, đây là giám đốc của cháu ạ. Hôm nay đích thân giám đốc công ty cháu đến gặp bác để trao đổi về việc đổi nhà. Cháu vào nhà nói chuyện được không ạ?
– Cút, cút ngay. Cái công ty lừa đảo bọn mày còn dám vác mặt đến đây à? Lúc mua nhà thì nói một đằng, lúc giao nhà thì lại nói một nẻo. Tao cứ ở lì đây rồi báo công an cho chúng mày biết mặt, tưởng lừa được dân đen cho tao à?
– Ấy, công ty cháu có lừa gì bác đâu. Nếu bác không ưng ánh sáng hay không khí ở đây thì công ty cháu vẫn đổi cho bác được mà. Bác xem, có cả giám đốc công ty cháu đến mà bác vẫn không yên tâm à?
Bà già kia quay sang liếc Phong, có lẽ lúc đầu cũng định chửi nhưng thấy anh như kiểu có uy nên lại không dám to tiếng, chỉ bảo:
– Nói gì thì nói luôn đi, đổi chác kiểu gì? Bồi thường thế nào?
– Đầu tiên bác nói xem những chỗ không ưng ở căn này sau khi hoàn thiện cho cháu nghe đã. Cháu nghe xong sẽ rút kinh nghiệm và nếu hợp lý thì cháu sẽ bồi thường cho bác 200 triệu.
– Cậu nói đấy nhé.
– Vâng.
– Vào nhà đi.
Tôi theo mọi người vào nhà, ban đầu vào thì thấy nhà rất thoáng và đẹp, chỉ có mỗi cái là phía trước có một cây ngọc lan rất to nên cành xòa vào hiên, che đi một ít ánh sáng thôi.
Bà kia nói xong một tràng đủ thứ không ưng về căn nhà này, Phong cũng chỉ im lặng lắng nghe, lát sau anh hỏi tôi:
– Em thấy sao?
Lúc ấy tôi không nghĩ là anh còn tham khảo cả ý kiến của một đứa tép riu như tôi, nhưng mà nghe anh hỏi cũng thấy vui vui thế nào ấy. Tôi bảo:
– Em thấy nhà đẹp, hướng tốt, có cây cối nên mình có cảm giác thoải mái nữa. Với cả ngay từ đầu nhận nhà sao bác ấy không nói luôn mà đến khi ở rồi mới bảo không ưng.
Bà già ấy đứng bên cạnh nghe thế thì nhảy lên chửi:
– Này tôi nói cho cô biết nhé, lúc nhận nhà thì các người rót mật vào tai, đến khi vào ở rồi mới biết nó không giống như các người quảng cáo tý nào cả. Tôi bị các người lừa mà giờ các người còn bảo tôi thế à? Công ty lừa đảo thì có.
– Cháu chỉ nói đúng sự thật thôi. Nếu cháu có tiền mua nhà, cháu sẽ chọn kỹ lưỡng, đầu tiên là xem xét bản vẽ rồi xem nhà thật, cảm thấy hợp ý cháu thì cháu mới mua. Chứ trả tiền rồi thì tiền trao cháo múc, coi như hợp đồng đã xong, đòi lại làm sao được nữa.
– Thế ý các người là giờ không cho đổi nhà cũng không chịu bồi thường đúng không?
– Cháu chỉ là thư ký nên không quyết định được việc đó, nhưng cháu thấy nhà này đẹp lại vừa tiền. Hướng tốt, không bị chiếu thẳng mặt trời vào cũng không bị đón gió đông bắc nhé. Với cả ngày trước bố mẹ cháu còn sống vẫn hay nói là, sau già chỉ muốn ở chỗ nào có nhiều cây cối, có đất trồng rau là thích rồi. Cháu thấy nhà này đủ hết mọi điều kiện mà người già vẫn muốn luôn, tại sao bác lại không thích ạ?
– Nói lắm thế nhỉ, không thích là không thích. Tóm lại tôi muốn đổi nhà khác, công ty các người có đổi không?
– Đổi chứ ạ. Nhưng cháu nói thêm một câu nữa được không?
– Gì?
– Không phải bác muốn đổi vì nhà không hợp ý bác, mà bác muốn đổi vì con trai bác không còn ở đây nữa, bác sợ ở nhà này sẽ nhớ đến con bác, cháu nói thế đúng không ạ?
Khi tôi nói xong câu này, cả anh Hải lẫn bà già kia đều ngạc nhiên nhìn tôi, chỉ riêng Phong là vẫn lặng im không nói gì. Bà già ấy sầm mặt rồi bảo:
– Biết gì mà nói.
– Biết chứ ạ. Cháu cũng gần giống bác mà, lúc người thân mất rồi thì không dám ở nhà cũ nữa. Nhưng giờ cháu nghĩ khác rồi, nhà có kỷ niệm mới là chỗ nên ở nhất. Kỷ niệm là thứ không mua được đâu.
Tôi chẳng biết sao hôm ấy mình lại nói nhiều như thế, có lẽ do đồng cảm khi mới bước vào nhà đã thấy bàn thờ con trai bác ấy khói hương nghi ngút, cũng có thể là vì hiểu được tâm trạng của người đã mất đi người thân của mình.
Bác kia nghe xong thì tự nhiên hai mắt đỏ hoe, nổi điên lên đuổi mấy người bọn tôi:
– Đi về, về ngay. Chúng mày nói lắm thế, không hơi đâu mà nghe nữa. Về.
Bị đuổi ra khỏi nhà nên tôi ngơ ngơ ngác ngác, anh Hải thì tỏ vẻ như “chuyện thường ngày ở huyện”, bảo tôi với Phong:
– Đấy, lần nào đến cũng thế đấy. Không ăn chảo là may rồi. Giờ đi đâu hả sếp?
– Về đi.
– Vâng, thế em bắt taxi về trước đây. Mà giờ này cũng tan làm rồi, Thiên về luôn không anh gọi Grap cho?
– Tý em đi xe bus thôi ạ.
– Ừ, chào sếp chào Thiên nhé, em về đây ạ.
Sau khi anh Hải đi rồi, Phong mới bảo tôi lên xe để anh đưa về. Thật ra tôi cũng chẳng hiểu tại sao anh lại muốn tôi đến, muốn tôi thuyết phục bà ấy, cho đến mãi sau này trưởng thành hơn, tôi mới biết là anh đang thử tôi, đồng thời cũng là dạy tôi bài học đầu tiên về kinh doanh.
Khi ấy tôi không nghĩ xa xôi nhiều, chỉ nghĩ mọi thứ đơn giản thôi. Lúc ngồi trên xe về, tôi lại ngứa mồm hỏi:
– Anh ơi thế giờ không thương lượng được, bà ấy kiện ra tòa cũng không giải quyết được gì vì hợp đồng đã ký xong rồi. Nhưng mà nếu ra tòa kiểu gì cũng làm ảnh hưởng đến uy tín công ty anh nhỉ?
– Ừ. Nhưng kiểu gì cũng đồng ý ở tiếp thôi.
– Sao anh biết?
Tôi không lăn lộn kinh doanh như anh nên không hiểu được, Phong cũng không trả lời tôi mà chỉ nói:
– Cửa hàng chị Nhiên ở chỗ nào nhỉ?
– Ngay cuối đường Hoàng Hoa Thám ạ, sao thế anh?
– Qua mua ít hoa, tiện thể thăm chị ấy luôn.
– Vâng.
Lúc tôi với anh đến, chị tôi đang ngồi cắt cắt tỉa tỉa mấy cành hoa để cắm thành lãng nhỏ. Thấy Phong, chị vội vàng đứng dậy chào:
– Phong đến đấy à? Lâu lắm không gặp anh… à em…
– Vâng, chị mở cửa hàng ở đây à? Buôn bán có được không?
– Được ạ. Ngay đường này nên bán cũng tốt, mà em với Thiên vào nhà đi, vào nhà nói chuyện cho đỡ bụi.
Chị tôi là kiểu phụ nữ của gia đình nên tươm tất cực, vào đến nhà cái là rót nước pha chè, cười cười:
– Hôm nay được nghỉ làm sớm à?
– Vâng, đến tận hôm nay mới rỗi rồi đến thăm chị.
– Ừ, chị nghe Thiên nói em với nó cưới nhau từ hồi tháng 5 mà chị… bận quá… không đến được.
– Vâng.
– Thiên làm gì đấy, chiều nay ở đây ăn cơm với chị nhé.
Lúc ở bên ngoài tôi không sao, nhưng khi vào đến trong nhà để toàn hoa, người tôi đã nôn nao khó chịu rồi. Giờ chị nhắc đến chuyện ăn cơm, tôi nghĩ đến thức ăn lại càng thấy chóng mặt hơn. Tôi bảo:
– Ăn cơm ấy ạ?
– Ừ. Có mình chị ăn cơm cũng buồn, em với Phong ở lại rồi tý nữa nấu lẩu kim chi ăn.
Tôi quay sang hỏi anh:
– Anh có ở lại được không?
– Ừ, cũng được.
– Thế…
Vừa nói đến đó thì tự nhiên bụng dạ tôi cuộn lên không sao chịu nổi nữa, bụm miệng chạy như điên vào nhà vệ sinh nôn thốc nôn tháo. Mà khổ nỗi có nôn ra được gì đâu, cứ gục mặt xuống rồi nôn khan thế thôi.
Chị tôi đang nói chuyện với Phong, thấy thế cũng chạy vào, vỗ vỗ vào lưng tôi:
– Sao thế? Sao tự nhiên lại nôn?
– Không biết nữa, hay ăn gì lạ bụng nhỉ?
– Hay là em có bầu rồi?