Lật Mở Thiên Thư

Chương 23: Gia bản


Đọc truyện Lật Mở Thiên Thư – Chương 23: Gia bản

Ghi chép (V) Những chuyện kỳ lạ mà Đường Tiểu Bạch chứng kiến: Dịch dung ký

Mông Nhân về quê nhà ở Đông Bắc tổ chức lễ mừng thọ cho cha. Anh xin nghỉ phép một tháng. Kể từ hôm Mông Nhân rời thành phố, tôi bắt đầu cảm thấy buồn tẻ bâng khuâng. Sống gần một ai đó rất lâu, kể cả là chim chóc hay thú cưng, dù là nam hay nữ, ta luôn có một tình cảm nhất định, thứ tình cảm rất khó diễn tả ra. Bạn thử nghĩ mà xem, nếu có một người luôn cùng ta đi làm ngoài giờ, trong thời gian đó người ấy mặc ta tha hồ mắng mỏ, hết giờ ra về, ta có thể “giăng bẫy” khiến người ấy phải mời ta đi ăn cơm, cơm xong về nhà ta có thể dùng mọi thủ đoạn để hạ nhục người ấy để xem xem niềm vui mà ta có được trên nỗi đau khổ của người khác sẽ vui đến đâu…

Hình như quan hệ giữa lão Phó và Mễ Đâu không mấy thuận lợi. Nếu thuận lợi, thì sau khi tôi tan tầm, lão Phó sẽ không thường xuyên đi cùng tôi về nhà, rồi uống liền mấy lon bia, sau đó cầm di động lên xem những bức ảnh anh ta chụp lén Mễ Đâu, ê a hát “trên trời rơi xuống Lâm muội muội…” với bộ dạng ngẩn ngơ. Hát xong, lại gọi điện cho Mễ Đâu hỏi điều này điều nọ rồi tắt máy, sau đó sà đến bên máy tính của tôi, kéo ghế ngồi xuống bên cạnh. Cứ như một gã tâm thần phân liệt!

Ông Chung Sênh vẫn giữ liên lạc với chúng tôi, cứ vài ba ngày ông lại mời tôi, lão Phó và Mễ Đâu đến chơi nhà và tán đủ các thứ chuyện linh tinh trên trời dưới biển chẳng đâu vào đâu. Tôi vốn rất hay tò mò, hễ rỗi rãi là mò đến nhà ông già “tinh nghịch” này bảo ông kể những chuyện kỳ lạ quái dị để nghe. Những chuyện như thế, Chung Sênh rất sẵn. Một trong những câu chuyện gây ấn tượng nhất cho tôi là chuyện về dịch dung.

Tôi lần đầu tiên đọc thấy từ “dịch dung”[1] trong các tiểu thuyết võ hiệp, nói chung đều là dùng mặt nạ làm bằng da chụp lên khuôn mặt, thế là người ấy có được khuôn mặt giống hệt một người nào đó. Tiếp theo, hoàn toàn có thể dùng danh nghĩa của người đó để thu thập tin tức tình báo, ám sát và làm các việc mờ ám. Có lần đang ngồi nhà ông Chung Sênh vừa ăn vừa xem ti-vi, ti-vi đang chiếu một bộ phim võ hiệp, tôi thuận miệng hỏi ông ta: “Thầy ạ, thầy cho rằng có chuyện dịch dung thật hay không?”


[1] Biến đổi vẻ mặt, khuôn mặt (dịch: thay đổi; dung: chỉ khuôn mặt hoặc ngoại hình).

Chung Sênh nói, việc dịch dung thời cổ đại Trung Quốc là một kỹ thuật hóa trang tương đối bí hiểm, các tư liệu ghi chép sớm nhất về thuật dịch dung có từ thời Hạ – Thương – Chu[2]. Thời đó, hóa trang không chỉ là chuyện dành riêng cho phụ nữ, thực ra nó được dùng nhiều trong các cuộc tế lễ. Người ta tô màu cho khuôn mặt và thân thể, nhất là tứ chi được vẽ rất sặc sỡ, nhằm thể hiện rằng thân thể của mình rất gần với thần linh, từ đó sẽ dễ dàng giao tiếp với thần linh. Giai cấp thống trị cũng dùng cách này để thể hiện danh phận và địa vị của mình. Thời đó, những người hay hóa trang nhất là các thầy phù thủy, pháp sư hoặc quý tộc, đôi khi cũng có nô lệ được hóa trang nhưng đều bị dùng làm vật hiến tế. Người thời cổ đại cho rằng các vật cúng tế dâng lên thần linh nếu không hóa trang tức là đại bất kính, thần linh sẽ giáng tội.

[2] Từ thế kỷ 22 đến thế kỷ 7 TCN.

Về sau, hóa trang bắt đầu biến đổi tính chất, trở thành một thứ trang sức, và rất thịnh hành vào thời nhà Đường[3]. Tuy nhiên, không thấy có tư liệu ghi chép lại tỉ mỉ về hành động dịch dung, các tư liệu muộn nhất chép rằng thời cổ có một số dị tộc bị coi là man di, khi tác chiến thường hay bôi vẽ lên mặt lên người các màu sắc để đạt đươc mục đích cổ vũ sĩ khí và uy hiếp kẻ địch.


[3] Thế kỷ 7 – 9.

“Nhưng không phải là thuật dịch dung không tồn tại.” Nói đến đây, ông Chung Sênh gọi người giúp việc thu dọn các thứ trên bàn, rồi ông dẫn chúng tôi lên gác. Mễ Đâu tỏ ra hào hứng với những chuyện này hơn hẳn tôi và lão Phó; lão Phó thì chỉ nghĩ đến cuốn sách chứ không mấy quan tâm các chuyện khác, anh ta vào thư phòng của ông Chung Sênh lục trên giá sách tìm vài thứ tư liệu rồi ngồi một góc mở ra đọc. Tôi và Mễ Đâu ngồi trước bàn đối diện với Chung Sênh, vừa uống trà vừa tiếp tục nghe ông nói.

Ông đã từng đọc một cuốn gia bản[4] của một nhà buôn tỉnh Sơn Đông có ghi chép về phương diện này. Gia tộc vị thương nhân họ Tân người Sơn Đông này đều mở cửa hàng ăn, tức kinh doanh ẩm thực, theo gia bản ghi lại thì hồi đó họ là hạng giàu có, trong gia đình còn xuất hiện vài người đầu bếp nổi tiếng gần xa là nấu ăn ngon, nói theo cách nói ngày nay, họ là các “nghệ nhân ẩm thực”.

[4] Gia bản gần giống gia phả, nhưng chủ yếu là ghi lại các chuyện hệ trọng của một gia tộc; theo lý đó mà xét, thì gia bản là một thứ rất nghiêm túc, không dùng để ghi chép các sự việc khác. Nhưng có gia đình sau khi ghi chép về một thế hệ thì lại ghi thêm ở phía sau các chuyện lớn thuộc về họ.


Cuốn gia bản ấy chép rằng, vào cuối thời nhà Minh, một vị tổ tiên nhà họ Tân tên là Tân Phụng có được một báu vật ngọc, dân nhà nghề thường gọi là ngọc quyết tức ngọc hình vành khuyên bị khuyết một chỗ, trông tựa như hình chữ C. Có thể nói người Trung Quốc từ cổ chí kim đều rất “sùng bái” ngọc. Ngọc quyết này rất đẹp, ông Tân Phụng cất giữ nó vào bộ sưu tập của gia tộc. Nhưng không lâu sau đó người bạn từng tặng Tân Phụng miếng ngọc quyết này lại ngỏ ý muốn đòi về, lý do là nó không phải miếng ngọc quyết, mà nó vốn là miếng ngọc bích[5], vì vô ý đánh rơi, bị sứt nên mới sửa nó thành ngọc quyết. Ông Tân Phụng nghĩ bụng, ông đã tặng tôi rồi nay lại đòi thì nghe không xuôi tai, bèn từ chối. Ông bạn kia không đòi lại được, thì tức tối ra về. Mấy hôm sau ông ta lại đến chơi nhà Tân Phụng, coi như không có cái chuyện đòi ngọc kia, ông Tân Phụng cảm thấy khó chịu bèn hỏi cho ra nhẽ, thì ông bạn nói rằng những ngày qua tôi đi chơi kinh thành và không hề đến nhà ông. Tân Phụng lấy làm lạ, rõ ràng “ông ta” là bạn cũ, mình không thể nhìn nhầm. Nhưng người bạn này vẫn khẳng định rằng mình không hề đến.

[5] Ngọc bích: ngọc hình vành khăn tròn trịa.

Tân Phụng thấy bạn không đả động đến chuyện miếng ngọc, cũng thôi không nói gì nữa. Hôm sau, ông bạn này lại đến đòi ngọc, thì ông Tân Phụng điên tiết lắm, lấy ngọc ra trả lại. Sau đó báo kẻ dưới đem “tặng” ông bạn một tờ thiếp trắng xé làm đôi, ngụ ý rằng từ nay tuyệt giao với ông ta. Ông bạn nhận được tờ thiếp, vội vã đến nhà ông Tân Phụng hỏi là chuyện gì, và không ngớt kêu oan; ông còn gọi rất nhiều người đến làm chứng rằng hôm đó ông chỉ ở nhà trông hàng, không hề đến nhà ông Tân Phụng, trong những người làm chứng có cả mấy vị cao niên rất có danh vọng trong vùng. Ông Tân Phụng ngẫm nghĩ, các vị cao niên này không đời nào làm chứng gian cho người bạn của mình, nhưng chính ông cũng không hiểu sự việc là thế nào. Rõ ràng người đứng trước mặt mình hôm đó là ông bạn thân quen đã hai chục năm trời.

Tối hôm đó, khi ông Tân Phụng sắp đi ngủ, vừa bước ra khỏi thư phòng thì nhìn thấy một bóng đen nhảy từ nóc nhà xuống. Ông giật mình, vừa định gọi gia nhân chạy ra bắt trộm thì bóng đen ấy đã quỳ sụp xuống trước mặt ông, cúi rập đầu nói rằng rất cảm ơn đại ân đại đức của ông, và sẽ xin báo đáp. Ông Tân Phụng không hiểu, bèn hỏi ta đã làm ơn gì cho nhà ngươi? Người ấy bèn nói rằng mình đã mấy lần đóng giả người bạn của ông, miếng ngọc kia vốn là báu vật của tổ tiên truyền lại, người cha khi còn sống đã dặn dò nhiều lần phải tìm lại miếng ngọc. Tìm hiểu rất lâu về sau mới biết miếng ngọc đang nằm trong tay ông Tân Phụng, bèn tìm cách đến để đòi về, nhưng không nghĩ ra cách gì. Mình không có tiền để chuộc lại, và dù có tiền thì chưa chắc ông Tân Phụng đã chịu nhượng lại một báu vật như thế…


Đến lúc này, chuyện miếng ngọc ấy đã không quan trọng với ông Tân Phụng nữa. Điều quan trọng là tại sao người này lại có thể biến thành giống hệt ông bạn của mình. Người ấy bèn khai rằng tổ tiên truyền lại một thứ bí quyết độc môn có thể làm thay đổi khuôn mặt mình, bằng cách phải quan sát lâu dài “đối tượng” mình muốn “dịch dung” giống hệt, sau đó, khi đối tượng ấy ngủ say hoặc trong tình huống đối tượng ấy hoàn toàn không có cảm nhận gì, thì dùng khuôn đặc biệt chụp lên mặt đối tượng để có được đường nét chuẩn xác, sau đó dùng vật liệu chế tác thành “khuôn mặt”.

Trong cuốn gia bản nhà họ Tân còn ghi rằng, vì mang ơn Tân Phụng, người kia muốn giúp ông được thỏa mãn lòng hiếu kỳ, bèn hé lộ với ông một phần của phương pháp chế tác ấy, trong đó có rất nhiều vật liệu chưa từng nghe nói đến, và cũng không thể tra cứu ở bất cứ sách nào các vật liệu ấy cụ thể là gì. Người kia nói rằng tên các vật liệu ấy chỉ có tính chất như ký hiệu hoặc biệt hiệu, không tiện hé lộ, chỉ những ai trong gia tộc theo đuổi việc dịch dung thì mới được biết. Trong đó, một thứ vật liệu khó kiếm nhất là da người, phải là da người đang sống hoặc mới chết không quá mười canh giờ[6], không phải là da mặt mà bắt buộc phải là da ở lưng, thì mặt nạ chế tác ra mới bền.

[6] Tức 20 tiếng đồng hồ.

Kể từ sau buổi tối hôm đó, người ấy không xuất hiện lại nữa, ông Tân Phụng cũng hứa là sẽ không kể lại chuyện này với ai nhưng ông có ghi lại vào cuốn gia bản của gia tộc mình.



Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.