Đọc truyện Lãng Tử Hồi Đầu – Văn Ruộng – Chương 8: Viii.
Mùa xuân năm ấy cứ vậy trôi qua, bọn con hầu thằng ở trong nhà bá Lý dậy lên một lời đồn đại. Mợ Phúc dùng nèm chú từ thầy cúng miền núi. Nèm yêu.
Kẻ ồ, người à, hóa ra là thế. Bảo sao mà cậu Phúc lại đổ ra mê mệt bà vợ cả đanh đá chua ngoa như bướm quấn hoa, như gà mến thóc! Mấy bà lẽ kia quá lắm chỉ được dăm ngày nửa tháng, cậu quen mùi rồi lại chẳng cắm vào giậu vào bình?
Lời đến tai mợ, chỉ biết thở dài. Phận làm đàn bà, có quấn quít lang quân là lẽ giời lẽ đất, nhận được chút quan tâm thân mật thì bị bảo là bùa ngãi chú nèm, thật chẳng biết nói sao cho vừa. Mợ ngại chuyện này sẽ kéo đến tai ương từ đám đàn bà ghen tỵ trong nhà, vốn đã tính toán hết đường hóa giải; nào ngờ giáp đã vận, gươm đã cầm, thế mà quân thù vẫn cứ đóng binh ngoài biên ải.
Mợ không phải người ngu, dĩ nhiên biết sự yên bình này do cậu Phúc ban cho. Oán nhỏ thù to từ đám bướm hoa đều có một tay cậu chống đỡ, mợ chỉ việc cơm nước phấn son cho thỏa cái phận mợ cả thế gia trong nhà.
Ôi thì chỉ là con bướm say phấn, con ong say mật! Xuân qua rồi chẳng lại chết rũ cả sao? Cái số hoa đào sinh ra đã định vương hương khắp chốn, mợ thèm tin vào! Rồi một ngày có thiếu nữ mỹ mạo dám đối với cậu lãnh đạm hững hờ, cậu lại chẳng bổ nhào sang đấy?
Thường thì những lúc nghĩ đến đó, cậu ngẫu nhiên sao lại cứ trừng trừng nhìn mợ, sau đó lặng lẽ quay đi.
Lắm lúc mợ vẩn vơ, tên này đọc được suy nghĩ của mợ không chừng…
Đầu hạ, nghe tin mẹ già bệnh nặng, mợ liền gói ghém xin thầy mẹ chồng cho về thăm. Cậu cho võng đi vời về mấy lần không được, nhớ thương quá đỗi mà đích thân mò đến đón.
Lại để cậu nghe được đoạn hội thoại làm tê tái cõi lòng.
“Con ơi là con…! Mày muốn tao chết có phải không?! Mẹ mày sống làm vợ cả nhưng vì chỉ sinh gái nên còn kém đứa hầu con ở trong nhà, để cho đám bà lẽ con chồng mặc sức đày đọa. Nhờ có mày được gả vào nhà giàu sang phú quý nên mấy năm nay còn ngẩn được mặt làm người. Nay mày có ý bỏ chồng đi biệt xứ, tao không bằng chết quách cho xong, chứ sống sao với cái bọn đầu trâu mặt ngựa kia…!”
Mợ khóc ướt cả mặt, tay chấp lại vái lạy liên hồi.
“Con lạy mẹ, mẹ thương con…! Con nào có lòng muốn mẹ chết. Mấy năm nay con tích cóp cũng được khá nhiều, tuy không tính là giàu sang nhưng cũng có thể cho mẹ về sau an nhàn thanh thản. Thôi thì khi con rời khỏi nhà chồng, xin thỉnh mẹ theo để làm tròn đạo hiếu…”
Bà mẹ nằm trên giường đẫm lệ nhìn con, vừa tức vừa thương mà khàn khàn sẵng giọng.
“Mày đành để cái thân già này cũng mày rày đây mai đó sao? Tao làm sao mà chịu nổi?! Tao đã nói rồi, mày muốn làm thằng Phúc bỏ mày, chờ tao chết đi rồi hẵng tính…!”
Cậu Phúc điếng người, chân phát run đến dường như không đứng nổi. Ra mợ đã có ý muốn bỏ cậu từ lâu.
Đoạn đường về nhà, cậu lẳng lặng theo sau tránh làm mợ phát hiện, thấy mợ chẳng về thẳng mà lại ghé vào một hàng nước, cậu cũng chọn một góc kín đáo ngồi xuống ngóng nhìn. Được một lúc, cậu mới nhìn ra mợ vào đây vì có ý ngắm nhìn vợ chồng hàng nước.
Mợ nghĩ, sau này mợ tự do, hẳn sẽ tìm một người chất phát hiền hậu lấy làm chồng, sau đó mở một hàng nước ven đường để cùng nhau vui vầy chung sống, hệt như cặp vợ chồng này vậy.
Mợ nghĩ đến căn nhà gianh hai gian kế bên đám lau sậy, gian bếp chứa gạo thóc đầy bồ đầy lu, gian chính có cặp ghế đẩu và giường trúc nhỏ chỉ vừa vặn cho hai người nằm ngủ.
Mợ còn nghĩ đến mười năm vừa đủ, cũng tại căn nhà đó, ngoài hiên nhà có thêm cái sập dài, ông già đầu hai thứ tóc nằm nhoài ra cho bà già nhổ tóc sâu, trước sân có mấy đứa nhỏ chơi ô quan đầu còn ba chỏm tóc…
Nghĩ một hồi, mợ gục mặt khóc tỉ tê.
Đêm đó về nhà, cậu quấn quít mợ trên giường đến khuya, khi nhẹ nhàng lúc đột nhiên trở dại, xong chuyện rồi lại rúc đầu vào cổ mợ lặng lẽ nấc dài. Bờ vai mợ thoáng chốc đã ướt đẫm. Hình như nào phải mồ hôi…?
“Đừng bỏ tôi,” cậu thổn thức, giọng nói lần đầu tiên trong đời run rẩy nghẹn ngào.
“Ừ, không bỏ,” mợ mơ màng vỗ lưng cậu dỗ dành.
Nhưng trong lòng lại thầm thêm, vì chưa đến lúc.
Đêm đó rất dài, là đêm của giấc mộng chưa thành và nỗi sợ rét lạnh.
…
Sợ ơi, sao mà chóng đến!
Một năm sau, mẹ mợ bệnh mất.
Tang lễ, mợ khóc đến ngất đi, cậu cũng ngày đêm mất ngủ. Cậu bỏ việc đi buôn để chăm sóc mợ, khi lại cầu cho mợ phục hồi tinh thần, lúc lại mong cho mợ cứ nằm hoài đừng vực dậy.
Chí ít như thế, mợ sẽ không nảy sinh ý định bỏ đi.
Nhưng rồi con người có vết thương nào mà chẳng lành, lúc mợ vực dậy được từ nỗi buồn mất mẹ, khao khát tự do lại càng lớn hơn bao giờ hết. Ngặt nỗi ông chồng hâm dở của mợ ban ngày thì bám sát bên người, ban đêm lại như kẻ tù điên mới nếm trò luyến ái, hành lạc hôm nay không có ngày mai…! Khi có việc phải lên huyện thì càng hay, cho thằng hầu nằm đầy trước cửa “gác đêm” cho mợ!
Chẳng bao lâu, mợ bỗng mang thai.
Cả nhà trên dưới hò reo không ngớt. Cậu Phúc lấy vợ đã gần bảy năm, thê thiếp trên mười, ấy thế mà đến tận giờ này mới ra hoa kết trái, làm sao mà chẳng vui chẳng mừng cho được?!
Ấy vậy mà mợ Phúc lại chẳng nở lấy được một nụ cười.
“Sao lại có thai? Chắc chắn thầy lang đã xem sai rồi!” mợ hoang mang nói, giọng run run.
“Là thật, Hạnh à, em sắp làm mẹ, tôi sắp lên chức thầy rồi.”
“Không thể…!” mợ càng thêm kích động, nước mắt đã chực chờ vỡ lăn. “Rõ ràng tôi đã rất cẩn thận…! Không thể nào! Tôi không thể có con với cậu! Tôi không muốn có con cùng cậu!”
Cái tin bất ngờ đã xé toạc lớp mặt nạ kiên cố bấy lâu mợ xây đắp. Rõ ràng là một người vợ hiền thờ chồng như đạo, ấy vậy mà giờ này lại lớn tiếng thẳng thừng chỉ trích không ngừng. Đàn bà, đã dám nghĩ đến chuyện để chồng bỏ đã là quá phận, nay lại đẻ ra một khúc ruột, lẽ nào lại cứng đầu ôm con theo để nó chịu tội cùng? Huống hồ đã có sợi dây máu mủ liên kết, đời này làm sao có thể dứt khoát bỏ đi? Chỉ còn nước sống mãi với cái kiếp con tằm này thôi.
Chao ôi… số phận!
Rồi giấc mơ của mợ thì sao? Hạnh phúc lứa đôi của mợ thế nào? Đành tan như bọt biển…! Hẳn ông giời đang trừng phạt mợ, phạt mợ vì đã dám đèo bồng, dám vọng tưởng có ngày thoát khỏi cái lẽ thường trong cuộc sống! Là lỗi của mợ, lỗi của mợ!
Mắt thấy người đàn bà vốn rất kiên cường nay vì bất lực mà òa ra nức nở tự trách mình, cậu đau đến đứt ruột đứt gan, bèn lao đến ôm mợ vào lòng. “Không, Hạnh, em không có lỗi. Lỗi là ở tôi! Tất cả là ở tôi! Không phải ông giời không cho em tự do tung cánh. Mà là tôi mang tội! Cái tội không muốn mất em…”
Mợ tròn mắt nhìn cậu trong nước mắt. Khó xử một lúc, cậu vịn vai mợ ôn tồn mở lời.
“Em rất cẩn thận, hằng ngày đều nấu canh uống để tránh làm tôi nghi ngờ. Chính tôi vì muốn ràng buộc em, gần đây đã ngầm bảo cái Thì ngừng cho mủ đu đủ vào bát canh để khiến em mang thai…”
Gạt phăng tay cậu đi, mợ lùi hẳn vào trong giường, đôi mắt trong suốt lần đầu tiên để lộ nét đa đoan.
“Cậu biết?”
Cậu gật đầu, mắt thoáng niềm cam chịu xa xăm.
“Tôi biết, biết hết. Biết em căm ghét tôi, biết em giả vung tục để làm tôi ghê tởm, biết em sống lay lắt qua ngày chỉ chờ dịp tự do thoát khỏi căn nhà này.”
Chừng nhai giập miếng trầu, mợ mới hoàn hồn lại, ánh mắt dần dần chuyển sang lạnh lùng.
“Vì vậy nên cậu mới lập kế không để tôi đi? Cậu muốn gì? Muốn tôi quay sang đổ đốn, thủ phục dưới chân cậu như lúc xưa? Vì thế hơn cả năm nay mới hằng đêm nói yêu tôi, hằng ngày nhọc công chiều chuộng như bà hoàng bà chúa?”
Đoạn, bật cười đầy mai mỉa.
“Cậu cho rằng cậu yêu tôi cơ đấy…!”
Sóng mắt trở sầu, cậu trầm trầm nói.
“Hạnh, em có thể đánh tôi, mắng tôi, nhưng dẫu gì cũng đã vợ chồng sáu năm, đừng giễu cợt xem tôi như kẻ vô tình như thế.”
Nhếch miệng cười khổ sở, mợ lắc đầu. “Vô tình? Không, tôi chưa hề cho là cậu vô tình. Ngược lại là khác. Cậu Phúc làng Tích, con bá hộ Lý, là người đàn ông đa tình nhất thế gian này.”
Cậu nhích lại gần mợ, tay nắm tay siết nhẹ.
“Hạnh… tôi biết bấy lâu tôi đa lòng làm em khổ sở. Nhưng em tin tôi đi, cả năm nay tôi đã hiểu rất rõ lòng mình, từ nay về sau tôi sẽ chỉ yêu một mình em thôi.”
Đuôi mắt nheo lại tản niềm xót xa, mợ rút tay mình về.
“Em không tin tôi yêu em sao? Tôi có thể thề-“
“Tôi tin,” mợ ngắt lời cậu, trầm giọng đáp. “Tôi tin cậu ít nhất ngay thời điểm hiện tại, nghĩ rằng cậu yêu tôi.”
“Hạnh…”
“Nhưng loại tình cảm này sẽ tồn tại được bao lâu? Lúc mới rước tôi về, cậu cũng chẳng đã từng quấn quít lấy tôi? Nhưng rồi thế nào? Người đàn ông đáng sợ nhất không phải là tâm quá lạnh, mà là lòng quá nóng, tim quá bao la. Một người, hai người, năm người, mười người… đời người đàn ông có bao nhiêu mối duyên thoáng vụt như cánh én chiều xuân, có bao nhiêu cơ may hạnh ngộ cùng giai nhân tri kỷ? Cậu thấy yêu tôi bây giờ, làm sao chắc được vài tháng sau cảm thấy mợ năm hay mợ bảy mợ tám gì đó cũng vô cùng đáng yêu như tôi? Lòng người luôn bất định, tôi không còn khả năng tin vào bản thân có thể giữ được cậu nữa, cũng không còn muốn giữ. Cho nên, tôi van cậu, cậu thương tôi thì thả tôi đi, được không?”
“Không được!” cậu gầm lớn, đoạn hẫng giọng, toàn thân ập đến siết lấy mợ. “Giờ tôi đã thành thế này, làm sao có thể thả em đi? Làm sao được?!”
Mợ vùng vẫy mãi không được, một lúc sau bèn bình tĩnh lại, giọng bỗng đâu hóa trầm lạnh.
“Ngay cả khi tôi bảo đám vợ lẽ của cậu bấy lâu không thể mang thai, là do một tay tôi quấy phá?”
Thấy cậu im lặng không phản ứng, tưởng đâu cậu bất ngờ đến câm lặng, mợ đánh liều khai tiếp.
“Xem xem, tôi cũng không tốt đẹp như cậu tưởng đâu. Tôi thù chúng nó giành mất cậu, lại sợ chúng nó có con rồi trong nhà này tôi sẽ khó giữ địa vị, bèn dùng đủ cách thức mưu mô khiến chúng nó không thể sinh nở, gián tiếp ép cậu vào tội bất hiếu. Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại, giờ cậu đã rõ vì sao bản thân không thể sinh con rồi chứ?”
“Tôi biết.”
Ánh mắt mợ long lên, miệng mở ra song không thể thành lời, trong khi vòng tay cứng rắn xung quanh mình càng siết chặt.
“Tôi càng biết lòng dạ đàn bà thâm sâu khó dò, nhất là những người đàn bà xung quanh tôi. Một khi chúng có con, lòng tham với địa vị vợ cả sẽ càng quyết liệt, thủ đoạn sẽ càng nhẫn tâm tàn ác.”
“Tôi biết, tôi biết em sợ, sợ bản thân sẽ không thể đương đầu, sợ có một ngày sẽ chết một cách không rõ nguyên do, sợ chết đi rồi cũng sẽ không một ai thương tiếc.”
“Tôi biết hết, Hạnh à…”
Hàng ngàn ý nghĩ vần vũ trong đầu, mợ không biết vì sao cậu lại rõ ràng lòng mợ như vậy. Song thay vì cảm động, mợ lại càng thấy sợ. Bị một gã đào hoa đi guốc vào bụng, tận tâm đưa mình bay lên chín tầng mây, mợ sợ sẽ có một ngày bị té nhào làm tim gan bầm dập. Bài học cũ vẫn còn ngay đó, mợ không thể lơi là được…! Nhất định, nhất định phải trốn khỏi cậu! Giời cao đất rộng, chắc chắn sẽ có người đàn ông chấp nhận mợ và đứa con của mợ, mợ cần gì phải…
Chưa kịp nghĩ sâu, cả người mợ đã bị giật ngược ra, bả vai bị siết đến đau nhức.
Mắt phất lên, mợ chợt bần thần. Chưa bao giờ mợ trông thấy cậu Phúc của làng Tích lại giận như vậy, cái sự giận lành lạnh, âm ĩ mà người ta thường tìm thấy nơi những tên tù oan chốn ngục tối, hay của kẻ bần cùng bị đốt mất tấm chiếu rách cuối cùng.
“Cả đời này, em cũng đừng mong thoát khỏi tôi. Ngay cả khi tôi chết, cũng sẽ lôi em theo cùng.”
Tuy không hề la hét gầm rú, lại thành công khiến mợ rét lạnh toàn thân.
Mợ đã quên mất, tơ tuy mềm, nhưng vẫn có thể siết chết tằm.