Đọc truyện Lãng Tử Hồi Đầu – Văn Ruộng – Chương 6: Vi.
Sớm mai tỉnh dậy, đã chẳng thấy cậu Phúc đâu.
Mợ Phúc bĩu môi, nghĩ chắc nửa đêm cậu lại mò sang phòng mợ ba mợ bảy gì đó rồi. Dần dần nhớ lại chuyện bản thân vì bị lột trần mà bật khóc đêm qua, mợ ra sức vuốt ngực để chặn xuống thức ăn thừa trong bụng.
“Chết giẫm chết giẫm chết giẫm…!”
Vuốt trúng hai đầu nhũ, lập tức kiềm không được phải ré ô chu choa.
Cúi đầu xuống, mợ phải hít sâu vào để tránh há mồm thét lớn. Đỏ tấy lên đã đành, còn có dấu tay xanh xanh lấm chấm…
Cái con lợn điên này..!!!
Quấn chặt chăn quanh người, mợ lập tức phóng ra cửa gọi cái Thì đem thau vào tắm.
Trưa ấy, ôm bộ ngực sưng tấy, mợ lại theo thói quen ra chòi tằm dệt lụa, vừa làm vừa thầm mắng gã chồng… mạnh cái mồm. Cậu vốn có phải là trẻ mới sinh đâu, mợ càng không là đàn bà mới đẻ, vì cớ gì lại phải làm trò… lạ lùng như thế?! Nghĩ mãi mà mợ vẫn không hiểu hôm qua cậu bị mắc chứng gì.
Không lẽ chuyện vợ chồng… cũng bao gồm cái trò đấy sao? Chỗ thì phun ra chỗ lại mút vào, đến là lăng lố!
Nghĩ đến đây thì bên ngoài chợt vọng lại tiếng cười. Mợ nhíu mày chạy ra xem, lại chỉ thấy cái Thì đang tung tăng chạy đến. Thế mà mợ hỏi nó lại cứ chối đây đẩy, đúng là khó nuôi khó dạy, chiều mãi chóng hư.
Cho tằm ăn xong, cái Thì ngồi chống cằm nhìn mợ dệt lụa, vừa têm trầu vừa lúng liếng săm soi mợ từ đầu xuống chân, soi đến mợ phái cáu, khẽ quát nó.
“Mày nhìn gì mà nhìn mãi thế? Mợ mọc sừng trên đầu hay sao hở?”
“Ấy, sừng thì không có,” nó nhe răng cười một cách tinh ranh. “Nhưng ráng chiều thì có hai áng trên má đấy ạ.”
“Nói tầm phào!”
“Thật ạ! Chắc là vì ba hôm nay cậu đều liên tiếp ngủ ở phòng mợ đấy. Dạo trước cũng có vài lần cậu đến rồi đi, con lại không thấy mợ như thế này.”
“Thế này là thế nào?”
Cái Thì gãi đầu. “Dạ, con cũng không rõ nữa… chắc là gợi tình hơn đấy ạ!”
Vơ lấy một cái kén ném về hướng con hầu, mợ nguýt.
“Gớm, mới tý tuổi biết gì mà tình với gợi! Mày liệu cái thần hồn đấy. Để người khác nghe thấy học lại với mẹ mày thì chỉ có nước bị cạo trọc con nhé…!”
Thì cả sợ, lao đến ôm lấy eo mợ cả mà năn nỉ ỉ ôi. Nhõng nhẽo chán chê, nó lại tựa cằm lên gối mợ thỏ thẻ.
“Nhưng quả thật là con mừng cho mợ lắm ý. Thằng Hinh bảo con phen này cậu sẽ đến phòng mợ dài dài đấy ạ. Xem chừng cậu lại mê mợ rồi!”
Dừng tay, mợ Phúc nhíu mày nhìn nụ cười ngây ngô của con hầu một lúc, cảm thấy giời đất quay cuồng.
Thế này là thế nào? Mình đã làm sai bước nào sao?
“Sao trông mợ có vẻ không vui thế ạ? Chẳng phải lúc nào mợ cũng muốn cậu để ý mình nhiều hơn sao?” ngó biểu hiện hoang mang của mợ mình, cái Thì thắc mắc. “Lúc xưa mà nghe được tin này, mợ hẳn đã mừng đến rơi nước mắt.”
Nước mắt?
Ừ, mợ nghĩ, lúc trước mợ từng mừng đến khóc nấc mỗi lần cậu ngó ngàng đến mợ thật. Nhưng cũng đã là chuyện rất xưa, rất xưa rồi…
“Thuở mợ mới về, con nhớ mợ còn thức liền mấy đêm dệt gấm uyên ương bọc gối lá thuốc cho cậu nằm, còn nhọc lòng lấy lòng thầy Bảy để ông dạy mợ làm thức ăn tẩm bổ cho cậu, thậm chí mấy lứa nhộng tằm mợ quý mợ yêu cũng đem ra thịt hết dâng lên cho cậu bổ gan bổ thận…”
Mợ Phúc mặc kệ con hầu ngồi luyên thuyên chuyện xưa tích cũ vào tai, cái tâm mợ cũng chẳng lấy làm mảy may xao động, có chăng chỉ còn chút xót của muối mặn xát lên vết sẹo đã lành.
“Đã sinh là kiếp con tằm
Không vương tơ nữa vẫn nằm với tơ
Trót mang một kiếp bơ vơ
Ăn dâu rút ruột nằm chờ phơi sương
Ruột tằm đứt cả tơ vương
Ái ân sang đến nửa đường lại thôi…” (*)
Sau mấy câu hát mông lung, mợ Phúc lại tiếp tục cúi đầu dệt lụa.
Yêu bằng cái tơ, oán bằng cái tóc, tơ rối tóc loạn, thôi thì đứt đoạn hết yêu oán cho xong. Ta đã từng yêu người thật lòng, cho đến khi người giết dần niềm yêu của ta bằng những lần gối chăn với bao kẻ xa lạ, để đến bây giờ đến cả làm người dưng mặt lạ ta cũng chẳng màng.
Chuông đồng không cần gióng mới biết vang, lá trầu không cần vàng mới biết hỏng, vợ chồng không cần nghe lời cãi vã mới biết lạnh lòng, ta đã chóng chẳng còn cảm giác với người nữa.
Đã từng yêu? Đã. Nhưng chỉ còn là đã mà thôi.
Lôi thôi cái kiếp con tằm…
Tiếng lá khô sột soạt và chân người vội vã rời đi khiến mợ giật mình nghiêng đầu ngóng ra cửa, song lại chẳng thấy ai, đành quay lại với sợi mắc sợi mành bên khung cửi cọc cạch.
Trưa đó, thằng Hinh thấy cậu Phúc dùng bữa một mình, cũng chẳng buồn gọi bướm hoa ra hầu hạ. Cậu bắt nó tìm cho được cái gối gấm độn lá vốn đã vứt xó cái thời mợ năm mới vào cửa, vật đến tay cậu lộn trái nó lại rồi thẫn thờ nhìn mãi.
Là uyên ương một đôi quấn quít lấy nhau.
“Ối!” thằng Hinh tròn mắt cầm mảnh áo gối lộn ngược lên săm soi. “Con nằm bấy nhiêu năm mà chẳng ngờ mặt trong có huyền cơ đấy! Gấm hoa thất thể đã là khó dệt, thế mà mặt kia mợ cả còn có thể dệt ra một đôi vịt giời. Đến là giỏi, giỏi quá đi mất! Thảo nào cái Thì bán được những ba quan một xấp!”
Ba quan ư?
Cậu chợt thấy nhoi nhói trong lòng. Vốn là yêu là nhớ dành cho cậu, nay lại truyền tay người lưu lạc khắp thế gian.
Ba quan một mảnh tình lở dở
Nàng tằm tự cắn đứt đường tơ…
Từ sâu thẳm trong lòng, cậu lại đột nhiên mong nó chưa từng đứt.
Biết cậu ưng đàn bà sâu sắc, lại vờ như nông cạn khinh đời; hay cậu thích kẻ xinh đẹp thông minh, lại tự làm xấu mình rồi giả ra ngu ngốc. Người làng nhìn vào nói mợ Phúc không tranh lại đám vợ lẽ, thật ra là mợ chẳng buồn tranh, còn muốn tránh! Cậu thân là một lãng tử phong lưu, lại chẳng thể bảo bọc người vợ kết tóc nhằm khi hoạn noạn, còn để mợ từ ngây thơ hóa thâm trầm, vốn có thể yếu đuối nấp sau lưng chồng nay lại phải mạnh mẽ mà cười trước thú dữ. Còn nói gì là trượng phu?! Tự hào chi là tình thánh?!
Mợ của bây giờ vốn có thể dựa vào tư sắc mà giành lấy cậu về, nhưng đã chọn từ bỏ mất rồi.
Chiều đến, cậu cho thằng hầu đem những bảo vật đã hứa với mợ hôm trước đến phòng, sau đó cố tình lay lắt bên nhà ông Hương Cả đến tận khuya mới về đến cửa. Chẳng biết nữa, tự dưng cậu sợ. Sợ về lúc mợ còn thức, phải nghe lại lần nữa mợ nghĩ cậu là người dưng, rằng tình cảm gì cũng đều chỉ còn là “đã”.
Chưa bao giờ cậu sợ việc hiểu thấu suy nghĩ của một người như lúc bấy giờ.
Tránh tiếp xúc được như thế được hai tuần, vốn còn đang tuổi trẻ sức sung, cậu Phúc nhà ta bắt đầu cảm thấy ngứa ngáy, thế là đêm nọ tạm dời gót sang phòng mợ năm. Vừa hành lạc cùng người đẹp được nửa chừng, trong đầu liền réo rắt giọng đàn bà chua ngoa: “Dơ bẩn!”
Ấy rồi gương mặt ai kia nhắm nghiền đẫm lệ cũng dần dần hiện về.
Cậu Phúc phát hoảng, đột ngột rời bỏ cuộc yêu chạy đi tắm.
Định thần lại bên giếng nước, cả thân người ướt sũng dưới ánh trăng, cậu mới ngẫm ra việc lạ vừa rồi là do tâm sinh sản, chứ nào phải cậu nghe được ý nghĩ của ai…! Cứ như cái cách mợ tự sỉ nhục bản thân vào thời khắc phải phô bày mọi thứ dưới thân cậu, cậu lại bị lây nhiễm cảm giác hổ thẹn đó hệt trinh nữ bị nhúng chàm. Đúng là bẩn, bẩn thật!
Như đất cằn khô khát cầu cơn mưa mùa hạ, cậu tự dưng lại muốn ở gần mợ cả. Vậy là, lại mò về phòng mợ.
Nằm trên giường nhìn lưng mợ mà chẳng dám động vào, cậu nói khẽ.
“Tôi nghĩ, tôi đã hiểu em chê tôi bẩn ở đâu rồi.”
(chậm tiêu quá :)))))))
———————————————–
(*) Ca dao dân gian khuyết danh được cắt sửa ghép lại với nhau và thêm thắt. Dưới đây là hai bản gốc:
“Đã sinh ra kiếp con tằm
Không vương tơ nữa vẫn phải nằm với tơ.”
Và
“Ruột tằm đứt cả tơ vương
Ái ân sang đến nửa đường lại thôi.”
Cũng là mấy câu ca dao khởi hứng cho tác giả viết truyện này. :v