Đọc truyện Lang Thang Trong Nỗi Nhớ – Chương 9
Chương 9:
Trào lưu Audition ngày một rầm rộ hơn, đi đâu cũng nghe thấy 10 minutes, Tuyết yêu thương hay Chuột yêu Gạo… Nhóm G7 rủ đi chơi suốt nhưng không lần nào tôi dám. Tôi thấy ở mấy quán net, toàn bọn con trai chửi bậy, thuốc là phì phèo, tay nhoay nhoáy bàn phím, ngồi từ sáng tới tối.
Tuy nhiên hồi đó không biết đứa nào mang tờ báo hoa học trò của anh chị cấp ba đến lớp, tôi mượn đọc rồi thích luôn quả tóc của Bảo Thy.
Là đứa giản dị nhất trong nhóm, lôi ở đâu ra máu bốc đồng, không nói không rằng, trưa hôm đó tôi moi lợn tiết kiệm ra quán cắt tóc một mình.
“Anh ơi. Cắt cho em quả đầu của Bảo Thy.”
Hồi đó ảnh của mấy hot girl Audition dán khắp nơi, tôi chỉ về một bức ảnh trong số dán trên tường.
“À, đầu sư tử hả em. Ok liền!”
Anh thợ cắt tóc cầm kéo cắt xoẹt xoẹt, mái tóc dài của tôi cứ thế thưa dần, cho đến khi nửa trên bông xù, nửa dưới mỏng tèo dù vẫn dài chạm eo. Cắt được mớ tóc nhẹ hết cả người.
“Em để kiểu này hợp cực luôn đó!”
Dù biết anh thợ khen lấy tiếng nhưng tôi vẫn vui, chiều hôm đó vác nguyên quả đầu đến lớp.
“Wow! Diệp, tao không nhận ra mày đấy. Xinh thế!!!!”
Thật may vì chúng nó không chê.
“Cắt ở đâu? Cho tao địa chỉ? Mày để kiểu này hợp dã man.”
Bọn G7 xúm lại xâu xé tôi. Bọn nó tóc ép thẳng tỉa lá quá đẹp ấy chứ, có lẽ chỉ khen để đấy thôi.
“Xinh quá Diệp ơi!”
Tôi xấu hổ úp tay lên mặt, khẽ cười nhẹ. Mấy thằng con trai trong lớp đứng tròn mắt nhìn một hồi. Ngại quá, đến nỗi tôi đành áp hẳn mặt xuống bàn.
Đạp xe về, tôi còn lẩm nhẩm theo lời bài hát đã nghe ở quán làm tóc. Kể ra liều thật, nhỡ kiểu tóc mới không hợp thì chỉ còn nước cạo trọc. Hẳn vì sâu trong con người tôi vẫn còn chút cá tính như một thằng con trai nên đã sẵn sàng hy sinh mái tóc nuôi mấy năm trời.
Nhưng về cách nhà chừng mười mét, tôi dừng xe, lôi dây nịt tóm tóc lại và cố gắng buộc. Trời ơi, không thể nào nhét gọn chúng lại, phải dùng tới hơn chục cái kẹp tăm tôi mới giữ được những sợi tóc con con. Nhìn đằng sau trông như đuôi con gà chọi, càng về đuôi càng thưa dần.
Vào nhà, tôi chào mẹ và cười cười.
“Sao thế? Có gì khoe mẹ hả?”
“Không ạ!”
Tôi chạy tót lên phòng. Tốt nhất nên lôi bài tập ra làm phòng trường hợp mẹ không thích, tới giờ ăn cơm mới dám mò xuống.
Mẹ và bố mải chú ý đến thời sự quá, tôi cứ cắm mặt ăn, thi thoảng nhìn em gái rồi cười tủm tỉm.
Đến lúc rửa bát thì mẹ mới nhìn thấy những sợi đuôi gà bất thường.
“Diệp! – Giọng mẹ nghiêm lại khiến tôi giật nảy người – Con cắt tóc hả?”
“À dạ.”
“Rửa bát xong ra đây mẹ xem.” – Nói rồi mẹ cho em lên phòng, một lát liền đi xuống.
Tôi hí hửng rửa thật nhanh chạy ra ôm mẹ, mẹ đẩy tôi ra.
“Tháo dây buộc ra mẹ xem.”
Mẹ nói bằng chất giọng lạnh băng. Tôi lập tức thấy căng thẳng, đưa tay ngỡ từng cái kẹp tăm ra.
“Bộp!”
Mẹ cầm cái thước đã bỏ xó mấy năm nay vụt vào chân tôi.
“Ai cho con cắt tóc? Học ở đâu thói đua đòi, đú đởn. Con mới chả cái, không được nước gì! Học không chịu học, xí xa xí xớn, cắt cái đầu không ra làm sao, trông như con quỷ!”
Tôi nước mắt nước mũi chảy ra tòng tòng, đặt tay vào vết đánh, nó bắt đầu đỏ rát và đau. Cứ ngỡ là vì nó hợp với khuôn mặt mà mẹ sẽ ủng hộ cơ.
“Mẹ ơi… mẹ… Con xin lỗi!”
Bố tôi giữ lấy thước, can ngăn. Mẹ chưa bao giờ mất bình tĩnh như thế, dùng tay đánh tôi tiếp.
“Nhà bên kia chúng nó là con trai mà có bao giờ phải làm người lớn phiền lòng không? Thằng Đức nó đạt giải Toán thành phố, nhà nó giàu thế mà có ăn chơi đua đòi không? Thằng Cường còn giúp mẹ nấu cơm kia kìa! Con gái con đứa, chỉ có học thôi cũng không xong.”
“Thôi mà em, có gì bình tĩnh nói. Diệp, lên phòng!”
Bố mẹ giằng co cây thước, trong khi đó tôi ngồi bệt xuống đất, nước mắt rơi ướt cả sàn, đã lạc giọng còn ngạt mũi, nói trong tiếng nấc:
“Con biết lỗi rồi mà, con sẽ không thế nữa đâu!!!”
“Anh bỏ em ra, để em phải dạy con… Hư thân mất nết. Diệp! Mang kéo ra đây!”
Mẹ quát. Cả hai mẹ con tôi cùng khóc. Bà cầm kéo và túm đuôi tóc tôi.
“Mẹ đừng cắt tóc con, con biết lỗi rồi, con xin lỗi mẹ. Mẹ ơi!!!!!!!”
Tôi nghe thấy tiếng kéo cắt đừng đoạn, từng đoạn tóc của mình. Mẹ tôi là tuýp người rất ít khi nổi giận, thường chẳng ai làm bà khó chịu đến nỗi phải to tiếng, có lẽ cả cuộc đời bà, chỉ có hai người là bố tôi và tôi làm bà giận được. Thực sự mà nói, tôi khá giống bố cả về tính cánh lẫn ngoại hình nên nhiều lúc mẹ khá thiên vị cho những sai sót của con gái lớn, trừ những lần như tôi nổi hứng bốc đồng làm theo ý mình như thế này.
“Tóc kiểu quái gì đây? Dài không ra dài, ngắn không ra ngắn. Có tí tuổi mà đua đòi.”
Mẹ cắt hết phần tóc dài mà không thương tiếc, tóc tôi giờ chỉ chạm tới vai, sợi ra sợi vào. Tôi bỗng khóc òa lên như một đứa trẻ con, em tôi ở trên tầng cũng khóc, nhưng nó chưa bao giờ khóc dai dẳng bằng tôi được.
Sáng hôm sau ngủ dậy mắt tôi sưng như hai quả trứng úp, vẫn còn đỏ lòm, họng thì rát còn giọng khàn như vịt, lò dò bước xuống cầu thang. Mẹ đã chuẩn bị sẵn bữa sáng.
“Diệp! Cho cái này lăn lên mắt.”
Quả trứng gà đã được bóc vỏ đặt trên bàn, tôi nhìn nó bật khóc ôm vòng mẹ từ sau lưng, nhưng không ra nước mắt.
“Con xin lỗi mẹ! Chỉ là… sau này con già con nhớ lại, con sẽ có một kỉ niệm ngu ngốc nào đó để nhớ.”
“Chỉ được cái khéo mồm! Lăn trứng đi không nguội thì chẳng có tác dụng đâu.”
“Dạ!”
Chả biết lăn có ăn thua không, tôi cầm quả trứng chà lấy chà để. Khi đang ăn sáng, mẹ còn lấy kéo sửa lại phần tóc cắn nham nhở hôm qua.
“Vì con lỡ cắt nên giờ chẳng làm thế nào khác được. Cái răng cái tóc một góc con người. Gắng mà học! Đừng có ăn chơi, đua đòi.”
Tôi “dạ” lại lần nữa và dắt xe đi học. Mẹ vẫn là nhất.
Bắt gặp Hoàng đang đợi Đức ở cửa, tôi chỉ cúi mặt vội đi. Xấu hổ chết đi được, hôm qua chắc cả xóm nghe thấy.
Phóng xe tới ngã tư đèn xanh đèn đỏ, thì trông thấy Cường. Bình thường đi học có khi nào trùng giờ với họ đâu, tôi cố tình cho xe dừng phía sau cậu ấy dù đường lác đác người qua lại, nếu có lối khác tới trường sẽ sẵn sàng rẽ sang.
Khi đèn chuyển xanh, cậu ấy đạp rất chậm, khi sang đường bên kia thì ngoái lại một chút, tôi có đi chậm mấy cũng không thể không ngang hàng:
“Biết chơi Au không?”
“Không!” – Tôi đáp lại rồi đạp thẳng đi luôn.
Thế mà tôi đã không biết cậu ấy cố tình đi chậm lại cho tôi đuổi kịp, để tình bạn giữa chúng tôi một lần nữa có cơ hội rực rỡ, để các cậu ấy được an ủi tôi thêm một lần nữa.
Chiều đi học về, tôi thấy ba cậu ấy đỗ xe trước cửa nhà Đức, bàn tán gì đó về phòng chat, bạn nhảy, vật phẩm nào đó trong game. Nhìn thấy tôi các cậu ấy không nói gì nữa. Tôi mở cửa, từ từ cho xe vào, động tác chậm chạp hơn mọi ngày.
Dù biết là cần nói với nhau một câu gì đó, dù chỉ một lời hỏi thăm, nhưng sao khó mở lời đến vậy.