Đọc truyện Lẳng Lơ Tao Nhã – Chương 374: Muốn gửi thư cho người tôi yêu (2)
Trương Nguyên không để ý đến những lời mà tỷ tỷ đang nói, hắn nhìn chằm chằm dòng chữ “huynh hãy nhớ lời nói đêm hôm đó ở Mai Hoa Thiền” trên thư. Lời nói tha thiết nhỏ nhẹ của cô gái đó vẫn còn văng vẳng bên tai:
“Cho nên nói không cần phải vội vàng, dù sao, dù sao thì thiếp cũng sẽ đợi chàng”.
“Phải vào nhà họ Trương, phải làm người của nhà họ Trương, không học thì làm sao mà sống yên ổn được?”
Trương Nguyên thật sự rất hối hận về việc bản thân mình không dành thời gian trò chuyện nhiều hơn một chút với Vương Vi, mấy ngày này việc đón tiếp khách đến quả thật rất bận rộn, nhưng cũng chưa đến mức không dành nổi một chút thời gian để tiếp đón Vương Vi. Khi đó hắn cũng có chút e dè. Vương Vi thông minh, phát hiện ra được sự e dè của hắn, cho nên mới dứt khoát rời khỏi đây, để tránh cho Trương Nguyên mang tiếng là người háo sắc, chưa cưới vợ đã nạp thiếp. Hơn nữa, lúc này mà Vương Vi và Thương Đạm Nhiên gặp mặt nhau thì cũng có chút cố kỵ. Nàng ấy còn nghĩ là đợi sau khi Thương Đạm Nhiên bước vào cửa nhà họ Trương, đợi sau khi Trương Nguyên tham gia kỳ thi hương xong thì lúc đó lại nói tiếp. Cô gái này có thể nói là một người chân thật biết suy nghĩ, tính toán chu đáo, hơn nữa làm việc cũng quyết đoán. Con gái nuôi của Mã Cảnh Lan quả nhiên là có nghĩa khí. Trương Nguyên cất kỹ lá thư đi, nói với Vũ Lăng:
-Tiểu Vũ, ngươi nhanh nhanh đi gọi Lai Phúc và Thạch Song bảo họ đến các bến tàu hỏi thăm xem, xem bốn chủ tớ Vương Vi ngồi chiếc thuyền nào đi Hàng Châu, tra ra rõ ràng rồi lập tức về nói lại với ta.
Vũ Lăng “dạ” một tiếng, rồi chạy đi.
Trương Nhược Hi hỏi:
-Tiểu Nguyên, đệ muốn đuổi theo mang Vương Vi trở về đây sao?
Trương Nguyên nói:
-Không phải, đệ muốn đưa cho cô ấy một chút lộ phí để đi đường, không thể để cho cô ấy phải đi nhờ thuyền của người khác.
Trương Nhược Hi gật đầu nói:
-Nói cũng đúng, cô ấy hiện nay đã được coi là người của nhà họ Trương ta rồi, tất nhiên chúng ta phải bảo vệ và trân trọng cô ấy. Hiện tại chắc Vương Vi cũng phải sống khá nghèo túng.
Trương Nguyên cầm bản thảo của Từ Vị và bản viết tay của Vương Vi lên, rồi cùng với tỷ tỷ trở về dinh thự ở Đông Trương. Trương Nhược Hi thay hắn giải thích với mẫu thân Lã thị về việc vì sao mà Vương Vi rời khỏi Sơn Âm mà không một lời từ biệt. Còn Trương Nguyên thì vào trong thư phòng viết thư cho Vương Vi, viết xong rồi lại tiếp tục viết một lá thư nữa cho Thương Đạm Nhiên, định sáng sớm ngày mai cho người đem thư đến Hội Kê giao cho Thương Đạm Nhiên.
Mục Chân Chân cũng ở trong thư phòng viết thư cho Mục Kính Nham. Nghe nói Vương Vi bỗng dưng rời đi một cách đột ngột thì rất là kinh ngạc.
Thỏ Đình yên lặng không một tiếng động đứng cạnh cửa ló đầu ra nói:
-Thiếu gia, Thái thái gọi ngài lên trên lầu nói chuyện một lúc.
Trương Nguyên lên đến lầu phía Nam, nhìn thấy cha mẹ đang ngồi sóng đôi ở chỗ đó, có cả cha và mẹ, tốt biết bao nhiêu. Trương Nhược Hi ngồi trên miếng đệm thêu cạnh chân của mẫu thân, cười tủm tỉm nhìn hắn.
Phụ thân Trương Thụy Dương thân hình mảnh khảnh nhưng khỏe mạnh rắn chắc ngồi ngay ngắn ở đó, nghiêm mặt nói:
-Trương Nguyên, ở Nam Kinh Quốc Tử Giám con học rất tốt!
Trương Mẫu Lã thị vội nói:
-Đừng dọa con nó, đứa nhỏ này rất ngoan, cần gì phải dọa nó, có chuyện gì thì từ từ nói.
Trương Thụy Dương cũng biết con mình đã lớn rồi, tên tuổi cũng được rất nhiều người biết đến, ngay cả Cao Phan Long cũng phải hết lời khen ngợi. Mấy ngày nay, ở trên đường phố gặp rất nhiều người dân, họ đều tôn xưng hắn là “Ngọc tuyền tiên sinh” một cách cực kỳ kính trọng. Ông đương nhiên biết rõ mình là cha hắn nên cũng được thơm lây. Cho nên lúc này chỉ nghiêm khắc trách mắng hắn một câu, liền không thể tiếp tục trách mắng hắn được nữa rồi, đúng lúc có vợ giải vây cho, vì thế cũng xuôi theo, nói:
-Được rồi, ta không nói nữa, để cho bà nói đi, Trương Nguyên đều là do bà dạy dỗ đấy.
Trương mẫu Lã thị liền cười nói:
-Chẳng lẽ tôi dạy con không tốt sao?
-Tốt, tốt.
Trương Thụy Dương cười lắc đầu, đứng dậy đi đến sát vách nhìn Lục Thao dạy hai huynh đệ Lý Thuần, Lý Khiết học bài.
Trương mẫu Lã thị bảo Trương Nguyên ngồi xuống, hỏi vài chuyện về Vương Vi, nói:
-Cô gái đó không tệ, hiểu biết, biết lùi biết tiến, biết lễ phép. Nguyên nhi, con muốn sai người đi đưa cho cô ấy tiền lộ phí đi đường phải không? Ở đây mẹ có hai mươi lượng bạc, con cầm lấy đi.
Y Đình liền lấy ra bốn thỏi bạc.
Trương Nhược Hi cười nói:
-Tiểu Nguyên có mà, mẹ không cần phải cho đệ ấy bạc đâu.
Trương Nguyên cũng đã chộp lấy bạc cầm ở trong tay, nói:
-Đây là bạc mà mẫu thân cho đấy. Để lát nữa con viết thêm một câu vào trong thư, Vương Vi chắc chắn sẽ cảm kích.
Nghe thấy tiếng Vũ Lăng ở bên cạnh giếng gọi:
-Thiếu gia, thiếu gia.
Trương Nguyên liền nói:
-Mẫu thân, con đi xuống dưới lầu có chút việc. Bọn Tiểu Vũ chắc là đã thăm dò được tin tức về Vương Vi.
Trương Nguyên đi xuống lầu. Vũ Lăng sốt sắng nói:
-Thiếu gia, đã hỏi thăm được rồi, Bốn chủ tớ cô Vương Vi vào buổi sáng hôm qua đã đi trên chiếc thuyền Dạ Hàng đến Tiêu Sơn. Chủ thuyền tên là Thi Lão Thất. Chiếc thuyền Dạ Hàng đó có ba mươi người hành khách đi, từ Sơn Âm đến Tiêu Sơn, ba ngày ba đêm thì tới nơi.
Trương Nguyên thầm nghĩ:
“Quả thật Vương Vi không thuê nổi một chiếc thuyền riêng. Từ đây đến Tiêu Sơn rồi còn phải chuyển sang một thuyền khác để đi Hàng Châu, đến Hàng Châu vẫn còn phải phải chuyển tiếp nữa, đoạn đường này quả thật là rất vất vả cực khổ”.
Nghĩ như vậy, Trương Nguyên liền bảo Mục Chân Chân lấy ra năm mươi lăm lượng bạc, đi đến tiền viện, gọi Lai Phúc đến rồi đưa cho Lai Phúc bảy mươi lăm lượng bạc. Bảo Lai Phúc không quản ngại vất vả, đi thuyền suốt đêm đến Hàng Châu, đến sau phần mộ của Nhạc Vương ở đường phía bắc Tây Hồ tìm một cô gái tên là Từ An Sinh. Vương Vi chắc chắn sẽ nghỉ chân ở chỗ của Từ An Sinh.
Từ An Sinh là con gái của danh sĩ có tên là Từ Quý Hằng ở Tô Châu. Nàng ấy là một người tốt bụng, rất giỏi làm thơ và vẽ tranh, được gả cho nhà họ Thiệu ở Hàng Châu. Vì thất tiết nên bị đuổi ra khỏi nhà họ Thiệu, nàng liền ở tại phía sau lăng mộ của Nhạc Vương. Năm trước khi Vương Vi đến Tây Hồ dạo chơi đã kết bạn với Từ An Sinh, nguyện làm tỷ muội với nhau. Trương Nguyên từng nghe Vương Vi kể về việc này. Trương Nguyên bảo Lai Phúc khi nào tìm được Vương Vi thì giao thư và bảy mươi lượng bạc cho nàng, lại còn dặn đi dặn lại là trong đó có hai mươi lượng bạc là mẫu thân của hắn gửi cho.
Ưu điểm của Lai Phúc chính là chịu được khổ, ngay lập tức lên đường suốt ngày đêm đến Hàng Châu.
Sáng sớm ngày tiếp theo, Trương Nguyên đích thân đến Hội Kê, mang lá thư của hắn và Vương Vi viết gửi cho Thương Đạm Nhiên giao cho Thương Chu Đức đưa vào, cũng nhân tiện giải thích sự việc cho Thương Chu Đức. Thương Chu Đức nói:
-Như vậy cũng tốt, việc này để sau hãy nói đi.
Năm hôm sau, cũng chính là ngày hai mươi ba tháng ba, Lai Phúc với dạng phong trần mệt mỏi đã trở về. Vừa nhìn thấy Trương Nguyên đã lấy ngay một lá thư từ trong ngực áo ra đưa lên, nói:
-Thiếu gia, Lai Phúc tìm được cô Vương Vi rồi, nếu không phải đuổi theo cả ngày cả đêm như vậy thì cô Vương Vi đã rời khỏi nhà họ Từ rồi, đến lúc đó thì rất là khó tìm được.
Trương Nguyên hết sức vui mừng, khen ngợi Lai phúc vài câu rồi mở thư ra đọc. Qua những câu chữ rất dễ dàng nhận thấy sự vui mừng của Vương Vi, vui mừng không phải vì chuyện nhận được bảy mươi lượng bạc, mà là chuyện Trương Nguyên vẫn còn quan tâm, lo lắng cho nàng.
Chẳng mấy chốc liền đến tháng tư, hôm đó là ngày mồng năm, Hoàng Tôn Tố từ Dư Diêu đến Sơn Âm, có một nam đồng khoảng sáu đến bảy tuổi đi theo phía sau y như hình với bóng. Hoàng Tôn Tố đến đây là để chúc mừng Tông Dực Thiện. Mặc dù Hoàng Tôn Tố và Tông Dực Thiện kết bạn với nhau chưa lâu, nhưng đối với tài năng và học vấn của Tông Dực Thiện thì cực kỳ tán thưởng, đối với tài năng và sự giúp đỡ người khác của Trương Nguyên thì luôn bày tỏ sự kính phục từ tận đáy lòng. Hoàng Tôn Tố nói với hai người Trương Nguyên và Tông Dực Thiện:
-Ta cũng mang con trai ta đến đây rồi, để cho nó làm hỉ đồng, hai người thấy thế nào?
Tập tục cưới hỏi ở Thiệu Hưng, trong buổi hôn lễ long trọng muốn có thân thể khỏe mạnh, thì nam đồng phải là người có mặt mũi khôi ngôi tuấn tú và phải từ tám tuổi trở xuống, người đến dự càng đông càng tốt, điều đó tượng trưng cho sự vui vẻ may mắn, nhiều con nhiều phúc.
Nam đồng này có khuôn mặt hẹp và dài, cằm nhọn, đôi mắt trong trẻo, ánh mắt bình thường nhìn rất trầm tĩnh giống hệt cha mình là Hoàng Tôn Tố, dường như có năng lực nhìn thấu được lòng người.
Trương Nguyên vội hỏi:
-Lệnh lang tên là gì?
Hoàng Tôn Tố nghiêng đầu nhìn đứa con, bộ dạng rất vui vẻ, nói:
-Tên là Tông Hi, tên ở nhà thường gọi là Lân Nhi, năm nay sáu tuổi.
-Tông Hi, con chào hai vị thúc thúc đi!
Hoàng Tông Hi, chính là Hoàng Tôn Hi tư tưởng thâm thúy, học vấn uyên bác, lúc này mới sáu tuổi.
Còn nhớ mỹ tỳ Thu Lăng ba năm trước, lần đánh cược “Kim Bình Mai” đó, Trương Ngạc đã thua Trương Nguyên không? Lần đó Trương Ngạc đánh cược người nữ tỳ xinh đẹp của mình là Thu Lăng. Lúc ấy môn khách của Tây Trương là Phạm Trân đã khẩn cầu Trương Nguyên gả Thu Lăng cho mình làm thiếp. Thê tử của Phạm Trân đã qua đời, sau khi Thu Lăng sinh cho Phạm Trân một đứa bé gái, liền trở thành vợ kế của Phạm Trân, cuộc sống bình ổn trôi qua rất tốt.